Ăn để mà chết
*
Một lần nói chuyện với bạn bè, anh ta nói với tôi:
- Ngày nay đủ thứ bệnh, tuổi già thì càng thêm bệnh, cầu mong sao cho thân này khỏi bệnh, được ăn để mà sống.
Tôi đáp:
- Được ăn để mà chết vì đủ thứ hóa chất độc trong thức ăn!
Gần đây vào những ngày cuối năm 2009, tại Sàigòn trên báo Tuổi Trẻ làm một phóng sự về chế biến “Hành phi”, phóng viên lần theo các cơ sở chế biến, họ đã dùng dầu lấy từ các hố ga – nơi các ống cống chảy ra - của các xí nghiệp thực phẩm chế biến bánh ngọt, dầu ăn đã dùng nhiều lần rồi thải ra cống, có người vớt lấy dầu ấy từ các hố ga, một cơ sở tập trung dầu đen ngòm, để cho lắng cặn cáu vài hôm sau đó dùng hóa chất tẩy rồi bán cho các lò sản xuất “Hành phi”, hành phi lại được tẩy một lần nữa cho trắng hơn, bắt mắt hơn trước khi cho vào bao, lọ sản xuất.
Những thứ như “Xí muội”, người ta ủ trong những cái hố, phơi ngoài sân toàn là những nơi mất vệ sinh, bụi cát trộn vào!
Vào dịp Tết, mứt chúng ta ăn được ngâm trong những thùng chậu, không đậy đệm sinh ra nhiều dòi, ẩm mốc, sau đó rửa nước thiếu vệ sinh, tẩm phẩm màu hóa chất, phơi ngoài sân đầy cát bụi, ruồi nhặng tha hồ bu đến do chất ngọt quyến rũ chúng.
Dòi bò lúc nhúc trên các miếng mứt bí
Đó chỉ là vài thứ tiêu biểu, thức ăn khô làm từ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả Mỹ là thị trường béo bở vì có nhiều người Việt, quen ăn thức ăn Việt Nam ta.
Chế biến thực phẩm trên nền gạch thiếu vệ sinh
Nghe nói có Cà-phê Việt Nam danh tiếng gần đây, bày bán khắp các cửa hàng Việt nam trên đất Mỹ, người Việt chúng ta ưa thích cà-phê đậm đặc, đắng, đậm đặc thì người ta nướng cau khô cho cháy đen rồi nghiền nát pha vào cà phê, còn đắng thì họ cho Kí-ninh vào, kí-ninh ai cũng biết dùng để trị sốt rét, nhưng dùng nhiều liệu có tốt không đối với người không bị sốt rét ?
Những người ăn chay coi chừng, món “Hem” thức ăn của Đài Loan, người ta phát hiện nó được chế biến pha trộn 30% thịt bò, biết được như vậy thà ăn mặn còn hơn ăn Hem. Quý bà, quý cô dùng Hem chế biến thức ăn để cúng Trai Tăng, cúng Phật là cúng tấm lòng thành, nhưng vô tình đã cho quý Thầy “ăn mặn”, theo kinh Phật dạy: “không biết không có tội!”.
Còn ở tại Việt Nam, lâu rồi chúng ta đã biết, muốn cho bánh phở, bún để lâu, người ta đã cho hóa chất vào, muốn cho những thứ làm bằng bột gạo ấy trắng trong, người ta phải cho chất tẩy vào.
Gần đây, người ta báo động, các ruộng rau muống ở xung quanh Sàigòn để giữ cho cộng rau xanh tươi, tránh sâu rầy người ta dùng dầu nhớt pha xà-bông, tưới vào ruộng rau muống! Chưa hết, trước khi chở ra chợ bán, có người đem tới miệng cống, dùng nước cống để rửa rau muống!
Dầu nhớt, hoá chất, thuốc trừ sâu chuẩn bị cho cánh đồng rau muống
Còn món tiết canh, lòng lợn nhiều cửa hàng chế biến, đặt để bên cạnh nhà vệ sinh, lòng lợn khi làm sạch phân bên trong, vung vải ra ngoài họ không cần rửa lại cho sạch, vậy mà người ta nấu ra cháo lòng, đánh dĩa tiết canh dọn ra bàn ăn, trông rất bắt mắt!
Còn nữa, những thứ trái cây Trung Quốc như bôm, nho, lê, táo trông rất bắt mắt, giá rất rẻ, nghe đâu ngay tại Trung Quốc, chánh phủ họ khuyến cáo dân chúng không được ăn những thứ trái cây tẩm chất độc cho to, cho đẹp, cho lâu hư nhưng là những thứ hại bao tử, hại thần kinh người tiêu dùng, những thứ trái cây này bán qua Việt Nam, tiêu thụ khắp các chợ.
Cho nên có bài viết: “Về Việt Nam ăn cái gì cũng chết”. Đừng dễ dãi cho rằng vì Việt Nam nghèo khổ, thiếu hiểu biết nên người ta làm trong những điều kiện thiếu vệ sinh, cạnh tranh để bán.
Tốt hơn, chúng ta phải kết luận rằng, những con buôn vô lương tâm muốn làm giàu nhanh chóng, và nhà nước vô trách nhiệm không kiểm soát thực phẩm, cấp giấy phép sản xuất bừa bãi để “Ai chết mặc ai, tiền thầy bỏ túi”!.