Chùa Phật Vàng Bangkok Thái Lan

 

Wat Traimit (tiếng Thái:วัดไตรมิตร - tiếng Việt : Chùa Trai- mít ) người Việt gọi là Chùa Phật Vàng, là một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok, Thái Lan nhờ vẻ đẹp độc đáo, lịch sử của nó, và nhờ pho tượng Phật bằng vàng nguyên khối rất lớn. Chùa này tọa lạc ở cuối đường Yaowarat, gần ga Hualampong, cuối khu Chinatown thuộc quận Samphanthawong.

 

Tượng Phật Vàng là bức tượng Phật ngồi cao 3 mét đúc bằng vàng khối, nặng 5,5 tấn. Người địa phương cho rằng bức tượng lớn nhất thế giới này biểu thị cho sự thịnh vượng và thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng. Trong số tất cả những bức tượng Phật mà du khách có thể nhìn thấy ở Bangkok, từ tượng Phật Emerald tại Wat Phra đến tượng Phật nằm tại Wat Pho, thì tượng Phật Vàng là một trong những bức tượng xinh đẹp nhất. Tượng Phật Vàng đã giúp Wat Traimit trở thành một trong những điểm đến hàng đầu nằm trong lịch trình tham quan Bangkok của du khách.

Tượng Phật Vàng được xác định là làm trong thời đại Sukhothai (khoảng thế kỷ 13-15), một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Thái Lan, đặt trong một ngôi chùa ở c đô Ayutthaya (cách Bangkok về phía Bắc khoảng 1 giờ đồng hồ đi xe). Khi quân Miến Điện cướp phá thủ đô, để tránh sự xâm hại của quân xâm lược, tượng được phủ một lớp vữa ( 1 ) để ngụy trang cho tượng không còn giá trị. Sau đó, vào cuối thế kỷ 18, vua Rama I (1782-1809) thành lập Bangkok như là thủ đô mới, nhà vua ra lệnh cho dời tất cả tranh tượng quan trọng, quý giá trị từ miền Bắc xuống Bangkok, Trong những tượng được dời vê  Bangkok, Tượng Phật Vàng được đặt tại chùa Choti-Naram (là Wat Phrayakrai hiện nay), tượng Phật này không được ai chú ý tới vì tượng không đẹp.  Dưới thời vua Rama III (1824 - 1851), ngôi chùa này bị bỏ hoang. Theo lệnh của cận thần vua Rama VII (1925-1935), năm 1930 bức tượng phủ lớp vữa này được chuyển đến một nơi tạm thời  là chùa Wat Traimit.

Vì chùa nhỏ tượng đặt tạm trong mái che sơ sài, vị sư trụ trì đề nghị với các tu viện khác nhận cho tượng cổ này, nhưng không chùa nào nhận vì tượng to lớn mà không đẹp. Do đó vào năm 1957, vị trụ trì phải xây dựng mới một tịnh xá để tôn tượng.

Đêm trước khi di chuyển tượng thì trời mưa to tượng bị ướt cả, khi xe cẩu chuyển tượng, họ làm việc rất cẩn thận nhưng chẳng may đứt cáp, tượng rơi xuống vũng bùn, tài xế xe cẩu sợ trách nhiệm bỏ trốn, hôm ấy trời vẫn mưa, sáng hôm sau sư trụ trì ra xem tượng mới thấy tượng bị bể một chỗ, mới biết đó là lớp vữa, còn bên trong là vàng.

Sau đó, các nhà chuyên môn được mời tới khảo sát, họ cho biết đây là pho tượng vàng, được chế tác từ thời đại Sukhothai (1238-1438).

Tượng ngồi trong tư thế truyền thống, cao 3.10m, bề ngang từ đầu gối qua  đầu gối là 3.91m. Đặc biệt tượng có thể tháo rời th ành 9 phần. Về chất vàng trong tượng, từ dưới lên tới cổ 40% vàng, từ cằm lên đến trán 80% vàng, từ tóc lên đến chót đỉnh 99% vàng, tượng Phật Vàng nặng 5.5 tấn.

Nhờ trời mưa to suốt đêm, lớp vữa bị thấm nước, lại bị cáp đứt rơi xuống, tượng vàng được khám phá sau 2 thế kỷ dấu biệt tông tích. Đây là do ngẫu nhiên hay sự mầu nhiệm của Phật, chắc là do nhân duyên như lời Phật đã dạy.

Chú thích: 1. Vữa ở Việt Nam ngày xưa dùng ô dước với vài chất khác, để xây dựng cung điện, nhà cửa, mộ phần rất tốt. Thập niên 70, xây dựng nới rộng đường xá, nhiều ngôi mộ không phá được phải dùng thuốc nổ TNT, có sức công phá mạnh để phá. Năm 1945 không nhập cảng được xi măng, người ta dùng vôi và đường thùng (đường đựng trong thùng, cũng gọi là mật đường) làm vữa, có thể chịu đựng được vài chục năm.

 

Viết theo tài liệu Internet
Louisville 13-4-2011
Phúc Trung