Khách phương xa
Nghe người ta kể lại, vào thời kỳ đầu định cư vào thập niên 1970 hay 1980, người Việt ít, sống rải rác các nơi, cho nên nghe một người bạn, một người thân ở đâu đó, nhân các ngày lễ kèm theo các ngày nghỉ cuối tuần, người ta lái xe xuyên bang để thăm thân nhân hay thăm bạn. Thời đó đã qua lâu rồi, ngày nay những ngày lễ kèm theo ngày nghỉ cuối tuần, người ta cũng lái xe đi xa, chủ yếu là để thư giản sau nhng ngày làm việc mệt nhọc.
Vào dịp lễ Chiến sĩ trận vong vừa qua, anh Đặng Đình Khiết và Lương Thiện Năng từ Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã lái xe đến thăm tôi.
Tôi đã có vài lần đi xe do con trai lái từ nhà đến Virginia, thời gian mất chừng 10 tiếng lái xe, lúc nào cũng vậy, đến nơi 7, 8 giờ tối còn khi về cũng 9 hay 10 giờ đêm mới tới nhà.
Đặng Đình Khiết và tôi cùng sinh hoạt ở Gia Đình Phật Tử Giác Minh, tôi là đoàn sinh Thiếu Niên thì Khiết là Nam Oanh Vũ. Khiết rời Việt Nam vào 30-4-1975, định cư tại Mỹ, là một trong những người thành lập Ban Liên Lạc GĐPT Việt Nam tại Mỹ, là đơn vị đầu tiên để sau nầy thành lập Ban Hướng Dẫn GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng với Trần Ngọc Lạc mở trại huấn luyện Huynh Trưởng đầu tiên trên đất Mỹ tại Oklohama vào năm 1978, người Huynh Trưởng gắn bó với GĐPT từ đó đến nay có Trưởng Ngũ Duy Thành, đã tham dự khóa huấn luyện vừa kể. Sau ngày Trưởng Ngô Mạnh Thu nằm xuống năm 2004, đến cuối năm 2005, đầu năm 2006 Đại Hội Lường niên Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải ngoại đã bầu Trưởng Đặng Đình Khiết làm Trưởng Ban Chấp Hành. Cho đến Đại hội lưỡng niên 2014, Trưởng Võ Văn Phú thay thế Trưởng Khiết làm Trưởng Ban.
Lần trước Khiết và tôi gặp nhau ở Virginia chắc cũng đã lâu, khi cùng dự lễ Vu quy của Âu Cơ, con gái Hồ Văn Phú.
Còn Lương Thiện Năng là Cựu học sinh Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ, Năng đến Mỹ từ năm 1982, chịu khó đi học lại. Cách nay trên 10 năm tôi sang Virginia có gặp Năng, sau đó Năng sang Cali lấy vợ rồi gia đình trở về Virginia sinh sống, nay có đứa con gái đã 14 tuổi, cũng có thể nói từng ấy năm, chúng tôi mới gặp lại nhau.
Lần nầy tự dưng Năng bỏ công lái xe cùng Khiết sang thăm tôi. Họ khởi hành vào sáng Thứ Bảy 26-5-2016, đến chiều khoảng 7 giờ Năng gọi điện thoại cho biết hơn 9 giờ mới đến, nên sẽ không dùng cơm ở nhà tôi. Tôi bảo Năng, nhà tôi đã chuẩn bị bữa ăn chiều, cho nên dù đến trễ vẫn cứ ghé nhà tôi dùng cơm rồi về khách sạn nghỉ, đến nơi lạ buổi tối sẽ khó kiếm hiệu ăn.
Đến gần 10 giờ thì Khiết và Năng đến nhà, dùng cơm, thăm hỏi nhau chốc lát rồi họ về khách sạn nghỉ ngơi. Khiết cho tôi 1 hộp kẹo Chocolat, còn Năng tặng cho tôi 1 cái Ipad. Đã bỏ công đi xa mà còn có quà biếu thầy, quả thật Năng có lòng.
Hôm sau, nhằm ngày Phật đản, nên tôi đưa Khiết và Năng đi viếng chùa, lễ Phật. Trước tiên chúng tôi đến chùa Từ Ân. Đây là ngôi chùa đầu tiên ở tại thành phố nầy. Đa số anh em HO đi chùa nầy, vì chùa thuộc Hội Phật Giáo tại thành phố Louisville, được thành lập từ thời anh em HO mới đặt chân đến đất nước tạm dung. Họ nhớ nhà, có cùng kỷ niệm thời quân ngũ, nên cùng nhau quy tụ vào hội, xây dựng chùa.
Huỳnh Ái Tông, Đặng Đình Khiết, Lương Thiện NăngSau khi lễ Phật, chúng tôi không dự lễ Phật Đản tại đây, cùng nhau đi viếng chùa Vạn Phật Đảnh của Thượng Tọa Thích Hằng Đạt, chùa tọa lạc tại 360 Mathis Rd. ở thành phố Corydon, thuộc tiểu bang Indiana. Cách xa thành phố Louisville chừng 30 miles.
Chùa được xây dựng trong khu rừng rộng 80 mẫu. Tôi nhớ, ban đầu lúc Louisville chưa có chùa, Phật tử của hai thành phố Louisville và Lexington, thỉnh thầy Hằng Đạt từ Cali sang thuyết pháp, anh em Phật tử phải mượn ngôi chùa của một ông Bác sĩ Mỹ, xuất gia, tu theo phái thiền của Phật Giáo Đại Hàn, ông ta mua 500 mẫu đất cất chùa, dùng toàn bộ cây rừng đó làm cột, kèo, đòn tay …, còn ngói nhập từ Đại Hàn. Ông ta hằng ngày hành nghề bác sĩ, cuối tuần về chùa tu. Có lẽ từ đó thầy Hằng Đạt muốn xây chùa như chùa Đại Hàn vậy.
Chúng tôi đến đây dùng cơm trưa, lễ Phật, sau đó rời chùa đi viếng chùa khác, vì đến 2 giờ chiều nơi đây mới cử hành lễ.
Chúng tôi trở về Louisville, trên đường đến viếng chùa Phước Hậu, chúng tôi đi ngang qua khu vực đang xây chùa Phật Linh của thầy Hằng Đạt. Đây là khu đất tốt, nguyên một công ty định xây dựng khu nhà ở, nên họ làm đường, đặt đường ống nước, đường dây điện, bãi đậu xe … nhờ đó xây chùa sẽ ít tốn kém, đủ tiện ích.
Đến chùa Phước Hậu, mặc dù là ngày Chủ nhật, nhưng Thượng Tọa Thích Thanh Quang, trụ trì có lẽ đi nơi nào đó, để dự lễ Phật Đản, chùa ở tình trạng cải gia vi tự, đang chuẩn bị xây chùa mới, xung quanh chùa tượng Phật A Di Đà, đức Bổn sư, đức Quán Thế Âm đặt rải rác đó đây, trông có vẻ hoang sơ.
Rồi chúng tôi đi viếng một ngôi chùa ở xa thành phố. Đó là chùa Chánh Pháp, khi chùa xây cất tôi có đến nhiều lần, đến khi khánh thành có Hòa thượng Thích Tâm Châu từ Canada sang chủ lễ, lúc xây cất có thầy Tuệ Năng, khi khánh thành có thầy Thích Thanh Quang trụ trì, nhưng sau đó thầy Thanh Quang rời khỏi chùa, có lúc có mấy Ni cô từ chùa An Lạc ở Indianapolis đến cai quản, nay thì có một Đại Đức trù trì, năm rồi tôi có đến viếng chùa, thầy trụ trì đi khỏi, năm nay đến cũng không gặp thầy, có lẽ Thầy đi dự lễ Phật Đản ở chùa nào đó.
Tuy chùa xa nhà, nhưng do người chủ chùa có lúc chơi thân với tôi mà cũng có lúc oán ghét, tìm cách hạ nhục tôi, có lẽ anh ta với tôi có nhiều nhân duyên ân oán từ tiền kiếp. Rồi tôi vẫn chơi thân với anh ta, 2 năm trước anh ta đến nhà thăm tôi, hẹn qua mùa Đông, sẽ cùng tôi lên chùa, nhưng chúng tôi chưa đi thì anh ta bị tai biến rồi mất.
Chùa ở trên vùng đất cao, nhìn xuống dòng sông Ohio, gần đó có nhà máy điện với cuồn cuộn khói bay lên trời, chúng tôi đi quanh chùa, đi quanh tượng đức Quán Thế Âm, đứng giữa hồ sen, nay cạn khô nước, ngắm nhìn tượng Phật với 5 người của nhóm Kiều Trần Như. Chúng tôi chụp vài tấm ảnh rồi ra về.
Trong tiểu bang Kentucky có Mammoth Cave National Park, nhưng Năng nghe một người quen của tôi giới thiệu có Lost Sea cách Louisville 3 giờ, trong hang động nầy có sông, nên có tàu đưa đi tham quan. Cho nên Năng muốn đi tham quan cho biết.
Ngày Thứ Hai 28-5-2018 cũng là ngày lễ, chúng tôi rời khỏi nhà lúc 9 giờ 40, đến nơi vào khoảng hơn 3 giờ chiều. Năng mua vé Tour, nhưng phải chờ đợi đến 4:30 Tour chúng tôi mới bắt đầu.
Lost Sea rộng lớn chỉ là hang động, nhưng không có thạch nhũ đẹp như động Thiên Cung ở Vịnh Hạ Long hay động Thiên đường ở Ninh Bình, đường đi ở hang động Lost Sea như chứng ta đi ở vùng quê Việt Nam, đường đất trong khi động Thiên Cung lối đi là cát, động Thiên đường là cầu gỗ, động Phong Nha có thuyền chèo đưa du khách tham quan.
Trong Lost Sea có thuyền ngồi độ 20 người, chạy bằng động cơ điện trong hồ nước ở động nầy, dưới nước có vài con cá to bằng cườm tay, cá được nuôi nhưng không sinh sản, do đó chừng 5 năm, thay cá khác, hồ nước chắc rộng vài chục mẫu, nhưng không sâu vì nhìn thấy đất ở đáy hồ.
Mỗi Tour có vào khoảng 30 người, trẻ em và người lớn, có người hướng dẫn và thuyết trình. Trong hang có một nơi có nước phun thành vòi từ trên xuống, có nơi bày biện cảnh chưng cất rượu lậu. Nói chung thì đi cho biết, nhưng không đẹp bằng những động ở Việt Nam, vì đây là hang động nhưng không có thạch nhũ, vì thế không có cảnh quang đẹp.
Ngày Thứ Ba 29-5-2018, tôi đưa Khiết và Năng đi Oxmall, Mathieu Mall, buổi trưa nghỉ ngơi, chiều đi ăn Pizza ở California Pizza Kitchen.
Tôi có mang trà ướp sen của Việt Nam về Mỹ đãi Khiết và Năng, tiếc rằng trà không còn giữ được nguyên vẹn, cách nay chừng 1 tháng, tôi đã uống trà vẫn còn hương vị, hoa sen uớp trà vẫn còn giữ được màu hồng.
Tôi cũng đãi Khiết và Năng Song Hỷ Trà, hộp trà do nhà văn Nhất Giang biếu cho tôi, khi đầu năm tôi sang Úc thăm vợ chồng anh, nhưng nó là loại Dược trà, uống để giảm mỡ trong máu hay vài chứng khác, chớ không phải dùng để thưởng thức trà Tàu.
Sau tuần trà, gần 10 giờ đêm. Chúng tôi chia tay, hẹn ngày gặp lại nếu có đủ nhân duyên. Trong lần gặp gỡ nầy, Khiết và tôi nhắc lại nhiều kỷ niệm xưa, mới đây mà đã trên 50 năm. Chúng tôi không khỏi nhắc tới Hòa Thượng Đức Nhuận, Quảng Độ, Đức Nghiệp, Tâm Châu, Nhất Hạnh, Thanh Từ, Chơn Thiện, Tuệ Sỹ.
Cũng không khỏi nhắc tới các anh Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, Lương Hoàng Chuẩn, Lê Cao Phan, Cao Chánh Hựu, Nguyễn Khắc Từ, Nguyễn Văn Thục và gần hơn các chị Nguyễn Thị Oanh, Tịnh Phúc, các anh Nguyễn Quang Vui, Nguyễn Đình Thống, Đặng Văn Nữu, Trần Đình Hùng.
Những vị đáng kính và những gương mặt thân thương còn lâu mới nhắc hết, ngày tháng qua mau, chia tay mới thấy bùi ngùi, mấy ngày đi chơi với nhau, để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
866430052018