Phỏng vấn tác giả hai bài thơ: Cha và, Mẹ Là Ngôi Chùa Nhỏ
par trangthanhtruc
Nguyễn Đức Cường
Sinh năm 1952 tại Sài Gòn
Cựu Học sinh Trung Học Mạc Đỉnh Chi, SG
Cựu Sinh viên Đại học Chính Trị Kinh Doanh, Đàlạt
Cựu Sĩ quan QLVNCH
Hiện đang hành nghề Đông Y tại Hoa Kỳ
Trú quán: Miền Nam California, USA
Cha
Khi những làn sương muối,
Pha màu trên tóc Cha,
Như ngàn cơn sóng bạc,
Trườn lên miền biển cả.Khi thời gian đọng lại,
Nếp chùng gương mặt Cha,
Như nẻo đường thơ ấu,
Một thời con đi qua.Là khi con lớn lên,
trong niềm tin nguyên vẹn,
lòng bâng khuâng hò hẹn,
cùng mơ mộng không tên.Nhưng đời như lưới nhện,
giăng từ buổi ban sơ,
Nhưng đời như mũi tên,
chờ con tự bao giờ …Làm sao đau đòn roi,
Cha cho con tuổi nhỏ.
Làm sao buồn cơn giận,
Cha cho con ngày thơ.Khi lưng con đã hằn,
ngọn roi đời khôn nguôi.
Và khi con mất hẳn,
lòng bao dung của người.Ôi ! Lời Cha sớm trưa,
vang lừng trong trí nhớ.
Xưa ghi vào trang vở,
nay ghi vào nắng mưa …Khi bao điều nghĩa nhân,
chỉ là ngôn ngữ lạ.
Khi bao người biển lận,
hóa thân là thiên thần!Dù thời gian qua mau,
con mãi là trẻ nhỏ,
con mãi là ngọn cỏ,
làm sao choàng núi cao.Con mãi là chim non,
làm sao qua hết biển.
Con muôn đời bé mọn,
làm sao vào Vô biên …Nguyễn Ðức Cường
(Tuyển Thơ Chân Dung)
Trang Thanh Trúc (TTT): Thơ 5 chữ, nói giùm anh điều gì?
Nguyễn Đức Cường (NĐC): Khi đặt bút xuống để mở đầu cho một bài Thơ, hình như tôi chưa bao giờ chọn lựa trước một thể loại nào. Với người sáng tác, mỗi khi bắt gặp cảm xúc là một lần hạnh phúc, nhưng đó lại là một thứ hạnh phúc đến rất bất chợt, rất mong manh, thoắt biến, thoắt hiện. Nếu không vội vàng đón lấy, và cứ mải chần chờ suy nghĩ về một thể Thơ nào… 5, 7, 8 chữ, Lục Bát, hay Tứ Tuyệt… mình sẽ dùng để thể hiện, tôi e rằng cảm xúc ấy sẽ không còn nữa, hoặc sẽ nhạt đi rất nhiều.
Mỗi thể loại Thơ đều có nét quyến rũ riêng khi chuyên chở ý tình. Thơ 5 chữ, không khác gì những thể loại khác, tất cả đều nói giùm tôi những tâm sự muốn giải bày.
TTT: Anh ví, “Mẹ là ngôi chùa nhỏ”. Thế còn Cha? Sao chỉ duy nhất một chữ mà thôi ?
NĐC: Như bao nhiêu người khác, tôi yêu Mẹ. Với tôi, Mẹ là một người tình đẹp nhất trên đời, một người-tình-không-bao-giờ-phụ-rẫỵ Cả đời tôi, niềm vui nhận được từ Mẹ quá nhiều, đến độ nhiều khi tôi phải ngồi lại một mình trong một góc yên lặng của đời sống để hồi tưởng, nếu không thì sẽ có một ngày, một niềm vui nào đó bị bỏ sót trong ký ức xuyên suốt tuổi thơ cho đến ngày khôn lớn, có phải tôi sẽ thiệt thòi lắm không ?
Người ta ví Mẹ là trăng sao, là biển rộng, suối hiền, là nếp một, là chuối ba hương… là gì gì đi nữa thì cũng chỉ là những cảm nhận lúc vơi, lúc đầy, về một chân dung bất tử của đời mình. Nói ngàn lời, viết muôn câu nhạc, vẽ triệu bức tranh về Mẹ của mình, bạn hãy thử đi, sẽ không bao giờ thấy đủ. Nhưng cũng không thể nào không nhắc về Mẹ. Bởi dù mất hay còn, hoặc có lúc mình vô tình lãng quên, Mẹ vẫn bàng bạc trong không gian ta sống, trong thời gian ta đi, trong tâm thức của mình.
Nhưng còn Cha thì sao nhỉ? Lạ thật, nhiều lần tôi cũng tự hỏi mình như thế, Mẹ là ngôi Chùa nhỏ là tựa đề bài Thơ viết về Mẹ, nhưng khi viết về Cha, tựa đề lại chỉ là một chữ Cha, sao không thể dài hơn danh xưng của Người?
Mẹ là người từ thuở ấu thơ, tôi có thể sà vào lòng như một con mèo bé nhỏ những khi cần hơi ấm, là người tôi có thể khóc với hay tỉ tê tâm sự, là người mà khi lớn lên bước vào đời, tôi vẫn có thể quay trở về bất kỳ lúc nào, để nương náu và chờ đợi đôi bàn tay mềm mại yếu đuối của Mẹ xoa dịu, hàn gắn tâm hồn tôi sau những lần thương tích.
Cha thì khác hẳn. Ngay từ thuở bé, ngưỡng mộ Người bao nhiêu, tôi lại càng không dám đến gần Người bấy nhiêu. Dù không ai bảo, nhưng đứng trước Người, tôi hiểu rằng mọi niềm vui, và nhất là nỗi buồn cần phải được chính mình… tiết chế! Tôi phải tập lớn khôn, dù với tuổi thơ, đó chưa là điều cần thiết, tôi phải tập hạ mình xuống lúc thành công, và phải biết nâng mình lên khi thất bại. Tôi phải tập đi một mình, dù chưa ai đòi hỏi. Tôi phải tự suy nghiệm trước những nan đề, dù chưa thật sự một mình. Tôi phải tập chuẩn bị cho một ngày mai bước vào đời, dù chỉ là một chú chim non chưa vững vàng đôi cánh. Rất hiếm khi Cha nắm lấy tay tôi, dù luôn bên cạnh. Rất hiếm khi Cha dỗ dành, dù tôi hiểu, Người không phải là gỗ đá.
Mẹ lúc nào cũng muốn tôi quanh quẩn một bên, Cha bao giờ cũng vẽ cho tôi một lộ trình tít tắp. Mẹ là lưu luyến quê nhà, Cha là những cuộc đi xa. Ngày xưa, trong trí óc trẻ thơ của mình, tôi thường tự nghĩ, ai đó ví Mẹ là biển, Cha là núi, chắc hẳn cũng vì như thế. Vì Biển là nơi để mình tắm mát, Núi là nơi để vượt qua… chính mình.
Nói về Mẹ, dễ dàng hơn nói về Cha nhiều. Vì Mẹ là trải ra, Cha là đọng lại. Nếu Mẹ là âm thanh của một cung đàn bất tuyệt, thì Cha là cả một cây đàn. Nắm bắt được hạnh phúc từ Mẹ không khó, vì hạnh phúc ấy luôn ở trước mặt. Nhưng để cảm nhận được hạnh phúc từ Cha, người ta cần phải đi qua một hành trình nào đó. Thời gian của hành trình ấy, đôi khi đến cả đời người!
Vì tình cảnh đất nước, tôi xa Cha Mẹ đến hơn 20 năm. Đó là một điều không may, nhưng suốt chặng đời dài đăng đẳng ấy, tôi vẫn còn có được một thứ hạnh phúc trong nhớ trong thương để tự an ủi mình. Nhớ những lúc ngồi bên ngạch cửa, nghe Mẹ tâm sự nhỏ to chuyện Hà Nội ngày nào, thời ấu thơ của Mẹ thoang thoảng gió Hồ Gươm, quyện lẫn hương trầm chùa Một Cột, sao hiền hòa và thơ mộng quá! Nhớ những lúc Cha im lặng suy tư về một thuở nào, ngắm “nắng Hè tô thắm lên môi”, nghe “thanh bình tiếng guốc reo vui”(*), để thấm thía những đợt sóng thế cuộc thăng trầm đang dội vào tâm khảm.
Chỉ khi xa rồi, tôi mới hiểu rằng cuộc đời Mẹ là một bài học về thương yêu và tha thứ, còn Cha là một vốn liếng để sinh thành và tồn tại. Giờ đây, tôi còn hiểu thêm được một điều, dù đã lặng lẽ khuất núi, âm thanh cùng bóng hình của Cha Mẹ vẫn hiện thân, không chỉ là ngọn hải đăng bên biển đời lồng lộng, mà còn là một nơi chốn rất yên và rất riêng để tôi, đôi khi thong thả tìm về…
TTT: Theo anh, Thơ là gì?
NĐC: Hình như mỗi người đều cất giữ trong tim mình một vũ trụ đầy mộng mị, làm hành trang đi trên… định mệnh của mình. Sự xung đột giữa Mộng và Thực bao giờ cũng đưa đến đổ vỡ. Và âm thanh của đổ vỡ, chính là Thơ.
TTT: Lúc nào anh làm Thơ?
NĐC: Tôi làm Thơ, vào những khi cần nuôi cho mình một hy vọng, hay những khi cần hàn gắn chính mình. Thơ vì thế, đôi khi là nụ cười, là phép nhiệm mầu nâng tôi qua thử thách; đôi khi là nước mắt, là phương thuốc thần làm vơi đi bất hạnh. Tôi làm Thơ để niềm hy vọng không hao mòn, và cũng để nỗi đau khổ nào đó trở thành quen thuộc. Khi trở thành bạn, Đau khổ sẽ chính là một thứ Hạnh phúc.
Làm Thơ cũng là một cách “vẽ” lại những chân dung tôi may mắn có được trong đời… Cha Mẹ, Thầy Cô, Người Tình, Bạn Hữu… và cũng để níu lại chia ly, để mất mát không thể nào xa mình hơn được nữa.
TTT: Thơ ảnh hưởng đời sống anh như thế nào?
NĐC: Thơ giúp tôi được tồn tại. Ngay từ thuở nhỏ, tôi đã sợ nhất một điều: sự vong thân. Thơ giúp tôi soi lại tâm thức mình mỗi ngày. Sống với Thơ là sống bằng hay sống với cảm xúc. Được như thế, những rung động ban sơ của tâm hồn sẽ còn nguyên vẹn mãi. Hành trình cuộc đời và lý trí ban cho con người kinh nghiệm, nhưng tôi mơ hồ cảm nhận, nếu quá tin vào kinh nghiệm, tôi sẽ dễ bị “lạc đường”. Thơ, vì thế, giúp tôi giữ được những bước thăng bằng trên đường đời vốn rất chông chênh.
(*) Trích từ ca khúc Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương.
Mẹ là ngôi Chùa nhỏ
Con ngồi đây lặng lẽ,
Thương nhớ hoài mùa Xuân.
Con ngồi đây quạnh quẽ,
Riêng Mẹ đã bao lần.
Mẹ là ngôi Chùa nhỏ,
Ðón con về nương thân.
Mẹ là đôi mắt tỏ,
Tha cho con lỗi lầm.
Mẹ là Xuân bay qua,
Nuôi đời con khôn lớn.
Mẹ là hương sen ngát,
Về trong mộng hiền lành.
Như bầu trời lồng lộng,
Là mặt đất bao la,
Là mưa rào tuôn xuống,
Cho đường con thắm hoa.
Mẹ là nắng thênh thang,
Bình minh xưa chói rạng.
Là mây chiều lãng mạn,
Những ngày Thơ huy hoàng.
Mẹ là đêm thức giấc,
Ðêm xanh biếc ngàn sao.
Là vô cùng đôi mắt,
Có sương mù trên cao.
Mẹ đi suốt mùa Hè,
Qua hối hả mùa Thu,
Và mùa Ðông tất tả,
Riêng cho con mùa Xuân.Nguyễn Ðức Cường
(Tuyển Thơ Chân Dung)
t r a n g t h a n h t r u c
thực hiện ngày 25/03/2008