Hi Ng Ái Hu Gia Đình Pht T Vĩnh Nghiêm Hi Ngoi ti th đô nước M

2008.04.10

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Thủ Đô Washington của Hoa Kỳ có một ngôi chùa Việt Nam tên là Giác Hoàng. Từ hôm Thứ Sáu đến Chúa Nhật tuần trước, sân chùa Giác Hoàng đã rộn rã tiếng cười và tràn ngập sắc áo lam của gần một trăm huynh trưởng Gia Đình Phật Tử - Miền Vĩnh Nghiêm đến từ các tiểu bang ở Mỹ cũng như Âu Châu.

Họ về để gặp nhau trong cuộc hội ngộ Ái Hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại 2008, với chủ đề Nồng Ấm Sắc Hoa Đào mà bản nhạc Thanh Trúc vừa phát lên cho quí vị nghe khi bắt đầu câu chuyện của "Đời Sống Người Việt Khắp Nơi" hôm nay.

Vậy các đoàn thể của Gia Đình Phật Tử - Miền Vĩnh Nghiêm khác với Gia Đình Phật Tử những miền khác ở những điểm nào? Từ khi ra khỏi nước ba mươi bốn năm nay, sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử - Miền Vĩnh Nghiêm ra sao?

 

Mời qúi vị theo dõi câu chuyện giữa Thanh Trúc cùng các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm mà hầu như tới giờ ai nấy đều đã hai màu tóc nhưng vẫn còn nặng lòng với những sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử trong khuôn viên một ngôi chùa ở hải ngoại.

 

Thanh Trúc : Thưa huynh trưởng.Thiện Thanh Đặng Đình Khiết, xin cho biết nội dung buổi họp mặt của Gia Đình Phật Tử - Miền Vĩnh Nghiêm ở tại Chùa Giác Hoàng ạ.

 

Huynh trưởng Thiện Thanh Đặng Đình Khiết : Cứ 2 năm 1 lần chúng tôi có một đại hội lưỡng niên và có một hội ngộ. Đại hội lưỡng niên là để bầu lại Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Vình Nghiêm Hải Ngoại, và cuộc hội ngộ là để tất cả anh chị em cùng thân hữu về gặp nhau và thắt chặt thêm tình lam ở hải ngoại.

 

Chúng tôi đặc biệt chú ý đến chiều hướng là tạo dựng những sinh hoạt tuổi trẻ trong tương lai để làm sao mà hỗ trợ cho tất cả các Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong tương lai hoạt động mạnh mẽ tại Hoa Kỳ. Đây là Đại Hội lần thứ 6 và bắt đầu từ năm 1991 chúng tôi thành hình Hội Ái Hữu Vình Nghiêm Hải Ngoại.

 

Huynh trưởng Đặng Thị Thanh : Tôi là Đặng Thị Thanh ạ. Tôi đến từ Pháp ạ. Tôi ở Strasbourg. Đây là lần đầu tiên tôi đến Washington. Tôi muốn qua để học hỏi, để tham dự, để có gì khi mình về thì mình có thể phổ biến một tí gì đó kinh nghiệm.

 

Huynh Trưởng Nguyễn Minh Nữu : Tôi là Trừng Nhỉ Nguyễn Minh Nữu sinh hoạt tại Hội Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, Miền Đông Hoa Kỳ.

 

Thanh Trúc : Nghe danh xưng Gia Đình Phật Tử - Miền Vĩnh Nghiêm có vẻ như nó phân biệt với Gia Đình Phật Tử của những miền khác chăng, xin huynh trưởng Trường Nhỉ vui lòng giải thích.

 

Huynh Trưởng Nguyễn Minh Nữu : Khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chuyển về địa phương thì nó có tất cả 8 miền như là Miền Quảng Đức, Miền Khánh Anh, chỉ riêng miền không căn cứ từ địa phương là Miền Vĩnh Nghiêm có ý nghĩa là giáo hội của Giáo Hội Phật Giáo Miền Bắc di cư vào Nam là Miền Vĩnh Nghiêm và trụ sở là Chùa Vĩnh Nghiêm nằm ở chân cầu Công Lý (Sài Gòn).

 

Huynh trưởng Trần Minh Phương : Tôi tên là Phúc Đạt Trần Minh Phương, cư ngụ tại Bentra County thuộc về tiểu bang California.


Mục đích

Thanh Trúc : Huynh trưởng Phúc Đạt, chúng tôi vẫn biết là một người trưởng Gia Đình Phật Tử cũng thường mang cái tinh thần của một người hướng dẫn các em để cho các em tham gia vào một cái đoàn thể mà sinh hoạt ở trong chùa. Khi mà qua hải ngoại các ông có còn cái tâm niệm lập được một cái Gia Đình Phật Tử ở hải ngoại để mà cũng có thể sinh hoạt với các em khi các em tới chùa hay không?

 

Huynh trưởng Trần Minh Phương : Đầu tiên chúng tôi là một thành viên của Gia Đình Phật Tử đã. Một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là đem đạo pháp vào trong đời sống. Trên nguyên tắc đó, chúng tôi khi phát nguyện huynh trưởng thì đã chấp nhận một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là duy trì và phát triển Phật Giáo, đồng thời phát triển sinh hoạt thanh niên đễn với tất cả các em.

 

Phải nói là trong vai trò của những thành viên gọi là Ái Hữu Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, chúng tôi làm công việc phần lớn là sự kết hợp của những cựu huynh trưởng và đoàn viên Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm từ trước, trong chúng tôi cũng vẫn có những trưởng đang tiếp tục sinh hoạt và có một số không còn sinh hoạt nhưng chúng tôi vẫn đến với nhau với cái tình gọi là ái hữu. Và vẫn thúc đẩy nhau trên con đường sinh hoạt và phát triển Phật Giáo.

 

Thanh Trúc : Sau ngày 30-4-1975 thì tất cả các đoàn thể Gia Đình Phật Tử ở Miền Nam đều phải giải tán và không được sinh hoạt thì khi qua đây, chúng tôi biết cái tôn chỉ của Gia Đình Phật Tử trước tiên vẫn là vấn đề giáo dục và hướng dẫn đạo pháp cho các em. Trong mục đích đó, ở hải ngoại có cái gì khác với bên nhà trước năm 1975 không? Mình phải đặt mình trong bối cảnh nào để mà hướng dẫn các em?

 

Huynh Trưởng Nguyễn Minh Nữu : Khi chúng ta ra hải ngoại thì hệ thống tổ chức Gia Đình Phật Tử cũng lệ thuộc vào các chùa. Nó cũng không có gì khác hơn với tôn chỉ của Gia Đình Phật Tử. Bên hải ngoại thì chúng ta có những điều kiện thuận lợi hơn về tự do, nhưng thời gian này kia khó khăn hơn, cho nên ngày hôm nay một em đi được sinh hoạt Gia Đình Phật Tử và một huynh trưởng đến được với sinh hoạt Gia Đình Phật Tử là cả một sự nỗ lực hết sức.

 

Và tôi nghĩ rằng với nhiệt tâm của tất cả những người có mặt ở đây đã là một sự đóng góp rất lớn về tâm về sức đối với đàn em về sau này. Bây giờ chúng ta chỉ nói ngay Miền Đông (Hoa Kỳ) là những cái mà chúng tôi nắm vững hơn các tiểu bang khác, ngay tại Miền Đông chúng ta cũng có hai ba gia đình hoạt động rất mạnh. Ngay tại Chùa Giác Hoàng này có Gia Đình Phật Tử Thiện Sinh Giác Hoàng, Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm, và hồi trước chúng ta có Gia Đình Phật Tử Vạn Phước. Còn ở các tiểu bang khác như Cali thì có cả chục Gia Đình Phật Tử liên lạc với các chùa. Và Trưởng Phúc Đạt có lẽ nắm vững về tình hình Cali nhiều hơn tôi.

 

Huynh trưởng Trần Minh Phương : Trong cái bối cảnh mà để duy dưỡng tinh thần dân tộc nơi xứ người thì chúng tôi nhận thấy có sự phát triển rất đặc biệt của phong trào Gia Đình Phật Tử bởi vì nó thù ứng được 2 điều: điều thứ nhất là nó đáp ứng được cái vai trò mới mẻ trong công tác giáo dục thanh niên và điều thứ hai là nó duy dưỡng được truyền thống dân tộc trong lòng của mọi người như là Phật Giáo trong lòng người Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng trong tương lai phong trào Gia Đình Phật Tử cũng vẫn trưòng tồn rất mạnh mẽ nơi xứ người.

 

Huynh trưởng Lê Thị Hạnh : Dạ thưa tôi là Quảng Diệu Hương Lê Thị Hạnh. Tôi đi sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Giác Minh ở bên Việt Nam từ hối rất là bé, thì chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Cứ khoảng 2 năm thì chúng tôi được gặp lại nhau, những anh chị em trong một gia đình rất là thân yêu. Chưa bao giờ tôi bỏ những cái ngày hội ngộ.

 

Huynh trưởng Cao Minh Châu : Tôi tên là Quảng Diệu Ngọc Cao Minh Châu. Tôi từ Miền Trung của tiểu bang California.

Trong cái bối cảnh mà để duy dưỡng tinh thần dân tộc nơi xứ người thì chúng tôi nhận thấy có sự phát triển rất đặc biệt của phong trào Gia Đình Phật Tử bởi vì nó thù ứng được 2 điều: điều thứ nhất là nó đáp ứng được cái vai trò mới mẻ trong công tác giáo dục thanh niên và điều thứ hai là nó duy dưỡng được truyền thống dân tộc trong lòng của mọi người như là Phật Giáo trong lòng người Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng trong tương lai phong trào Gia Đình Phật Tử cũng vẫn trưòng tồn rất mạnh mẽ nơi xứ người.

 

Kỷ niệm đáng nhớ

 

Thanh Trúc : Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong cuộc đời sinh hoạt Gia Đình Phật Tử của chị?

 

Huynh trưởng Cao Minh Châu : Qua đến Mỹ thì cho tới khoảng năm 2001 tôi mới bắt đầu tham gia vào những sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử, và cái Gia Đình Phật Tử đầu tiên mà tôi tham gia, đó là gia đình của một ngôi chùa gọi là Chùa An Lạc ở Bentla County. Tên của Gia Đình Phật Tử đó là Hải Triều Âm.

 

Lúc đó thì con trai tôi cũng đã lớn, tròn 25 tuổi. và khi mà hai mẹ con cùng là huynh trưởng trong một Gia Đình Phật Tử thì cái lần đầu tiên mà cháu gọi tôi bằng chị, theo đúng nguyên tắc của Gia Đình Phật Tử thì huynh trưởng kêu với nhau bằng anh chị em, thì cháu gọi tôi bằng chị là tôi đã ngỡ ngàng và cái cảm giác đó là hãnh diện, tại vì ở đây trong Gia ĐÌnh Phật Tử thì điều đó chứng tỏ chúng tôi đều bình đẳng, dù rằng trong kiếp này chúng tôi coi như là mẹ con nhưng dưới chân Đức Phật thì hai mẹ con bình đẳng.

 

Huynh trưởng Dương Thị Mỹ : Thưa, tôi là Tâm Diệu Dương Thị Mỹ ạ. Tôi từ Raleigh, North Carolina.

 

Thanh Trúc : Thưa chị, hiện bây giờ ở trên Raleigh (North Carolina), nơi chị đang sống thì có những đoàn thể Gia Đình Phật Tử đến chùa để sinh hoạt không?

 

Huynh trưởng Dương Thị Mỹ : Dạ, thưa chị, có ạ. Gia Đình Phật Tử tại Raleigh ở Chùa Vạn Hạnh do chúng tôi thành lập, vì tôi đã đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử từ hồi tôi khoảng 7 tuổi. Như vậy là sinh hoạt ở trong nước cũng khoảng 10 năm hơn. Rồi ra ngoại quốc cũng sinh hoạt thêm mấy chục năm nữa.

 

Thanh Trúc : Sau 30-4-1975 thì tất cả các Gia Đình Phật Tử đều tuyên bố giải tán, từ giã nhau vì chính quyền không cho phép sinh hoạt nữa. Cảm tưởng của chị lúc đó như thế nào?

 

Huynh trưởng Dương Thị Mỹ : Dạ. Thưa chị, lúc đó tôi vẫn còn nhỏ nhưng rất là buồn. Lúc đó vừa mới lên thiếu nữ thôi, nhưng cũng có đến nhà chị trưởng để sinh hoạt một cách không được chính thức. Chị em vẫn đến gặp gỡ nhau, hát những bài hát ở trong nhà chị đó mà thực sự rất là nguy hiểm. Nhưng mà mình cũng cố gắng, nhờ đó mà mới nuôi dưỡng được tình lam với nhau.


Hy vọng

Thanh Trúc : Chị có hy vọng nào không cho tất cả Gia Đình Phật Tử hải ngoại, không riêng Gia ĐÌnh Phật Tử - Miền Vĩnh Nghiêm?

 

Huynh trưởng Dương Thị Mỹ : Lúc đầu mình đến thì cũng hơi có sự lo ngại là làm sao mình có thể tiếp tục được Gia Đình Phật Tử Việt Nam như thế này? Nhưng mà bây giờ mình ở nước ngoài cũng đã ba mươi ba năm rồi mà mình vẫn thấy Gia Đình Phật Tử được thành lập thêm và thêm. Cái đó là niềm vui.

 

Nhưng đồng thời mình cũng có cái quan tâm là vì các em bây giờ cần được dạy bằng cả hai thứ tiếng. Mình giữ tiếng Việt để các em đừng quên, nhưng nếu mình nói hoàn toàn tiếng Việt thì các em không hiểu, cho nên mình phải dùng cả hai thứ tiếng.

 

Bởi vậy Gia Đình Phật Tử phải có một sự sinh hoạt mới và theo một đường hướng mới, đó là trách nhiệm của các huynh trưởng hiện tại ngồi lại với nhau, kiếm ra một phương cách nào để tạo niềm tin cho các em bây giờ và làm cho nó cảm thấy là đến với Gia Đình Phật Tử thì nó có những sự chia xẻ, nó có thể nói ra được những khó khăn của nó, thì lúc đó nó mới tin vào đạo và nó mới thấy là Gia Đình Phật Tử ích lợi, chứ không phải như ở Việt Nam thì cái lòng tin tự nhiên nó có rồi.

 

Nó đến để vui chơi thôi, rồi cái hạt giống Phật sẽ nẩy mầm. Nhưng ở đây mình phải kiếm cái cách nào đó để hạt giống Phật nẩy mầm trong các em, trong hoàn cảnh ở nước ngoài này.

 

Thanh Trúc : Hai thành viên cao niên kỳ cựu, thầy Chính Tiến Nguyễn Đức Long và huynh trưởng Chân Quang Trần Thanh Hiệp, được coi như những người sáng lập Gia Đình Phật Tử từ Miền Bắc.

 

Thầy Nguyễn Đức Long : Từ Miền Bắc di cư vào Miền Nam, lúc bấy giờ là Giáo Hội Phật GiáoBắc Việt tại Miền Nam, tôi là Tổng Thư Ký. Đối với một số các em tuổi trẻ thì tôi muốn hướng dẫn các em đến với Đạo, thực hành những lời dạy cao cả của Đức Phật, vì vậy mà tôi mới thành lập Gia Đình Phật Tử, tiền thân là Gia Đình Phật Tủ Giác Minh, sau này thì gọi là Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại hiện nay.


Gia Đình Phật Tử trước và sau năm 1975

Thanh Trúc : Khi thành lập Gia Đình Phật Tử trong nước trước 1975 thì có gặp khó khăn gì không ạ?

 

Thầy Nguyễn Đức Long : Chúng tôi không gặp khó khăn gì mà còn được nhà nước lúc bấy giờ là Chính Phủ Ngô Đình Diệm hết sức giúp đỡ, nhất là các chính quyền địa phương. Vì Giáo Hội Phật Giáo Bắc Việt là một giáo hội di cư, về mặt chính trị thì nó có nhiều vấn đề, nhà nước do cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo rất là quan tâm. Gia Đình Phật Tử Vình Nghiêm Hải Ngoại là không phải chúng tôi thành lập mà do một số các anh em huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Vĩnh Nghiêm do chúng tôi đào tạo, thì do các anh em đó thành lập.

 

Thanh Trúc : Huynh trưởng Chân Quang Trần Thanh Hiệp là một huynh trưởng kỳ cựu của Gia Đình Phật Tử.

 

Huynh trưởng Trần Thanh Hiệp : Tôi là một huynh trưởng đã được đào tạo ở trong Huế. Chúng tôi là một trong những người sáng lập ra phong trào Gia Đình Phật Tử ở tại Miền Bắc, đó là Gia Đình Minh Tâm tại Chùa Quán Sứ. Mỗi Gia Đình lấy tên thích hợp với lại đời sống đạo. Và Gia Đình là một tổ chức bao gồm một số thanh niên chia ra từng đoàn, tuổi còn trẻ, đồng ấu, có thể lên tới thiếu niên, rồi bên thanh niên, như vậy họp lại thành một đơn vị, chúng tôi gọi đó là Gia Đình Phật Tử.

 

Thanh Trúc : Ông nhận định thế nào về vai trò của các đoàn thể Gia Đình Phật Tử trước năm 1975 và sau đó?

 

Huynh trưởng Trần Thanh Hiệp : Mỗi tôn giáo thường có một hình thức riêng để áp dụng giáo lý của mình vào đời sống cho nó thích hợp. Một trong cái sự biến động, đó là (ở trong nước) tổ chức Gia Đình Phật Tử không được tồn tại dưới hình thức trước của nó nữa thì đó là một điều gây nên rất nhiều thiệt hại cho đời sống tinh thần.

 

Nói về phạm vi của Đạo Phật thì Phật Giáo Việt Nam khắc phục biến động, đã có nhiều sự tiếp xúc với nhiều tư tưởng Phật Giáo trên thế giới, và một luồng tư tưởng có ảnh hưởng lớn đối với Phật tử Việt Nam hiện nay, đó là tư tưởng của Phật Giáo Tây Tạng. Và riêng cá nhân chúng tôi thì chúng tôi thấy rằng cái tư tưởng của Phật Giáo Tây Tạng đã mang đến cho những Phật tử Việt Nam những cái nhìn mới về biên cương của tôn giáo trong đời sống.

 

Giới trẻ lại còn tiếp xúc được với văn minh của Phương Tây một cách rộng rãi thì tôi thấy rằng tư tưởng Phật Giáo của các Miền khác ở trên thế giới, cũng như tư tưởng của đời sống hiện đại của Phương Tây đã mang đến cho Phật tử Việt Nm những tư tưởng mới và tôi tin tưởng rằng những thế hệ trẻ hiện nay đang có mặt, đang sinh sống ở trên môi trường hải ngoại, trong tương lai sẽ mang đến cho Phật Giáo Việt Nam những nguồn tư tưởng mới.

 

Quí thính giả vừa theo dõi câu chuyện về cuộc hội ngộ của Hội Ái Hữu Gia Đình Phất Tử Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại cùng tâm tư nguyện vọng của các huynh trưởng trong đại gia đình mà mọi người trân quí gọi là tình lam.