Tiếng Gợi Nhớ Đến Quê Hương
*

Ngôi nhà tôi ở có hai tầng, tầng trên có phòng ăn, nơi đây thông ra cái deck, tầng dưới phòng ăn là phòng sinh hoạt gia đình, có cửa hai cánh thông ra dưới cái deck và sân sau, dưới cái deck này trước kia người chủ cũ có treo một lẵng hoa, mùa đông hoa đã chết, nay lẵng hoa ấy vẫn còn nhưng không có hoa, vào mùa xuân đầu tiên tôi dọn đến, có con chim làm tổ ở đó, tôi không rõ là loại chim gì, tôi cũng không muốn đứng đó quan sát làm chim sợ có thể bỏ tổ đi nơi khác, vì tục ngữ ta có câu “đất lành chim đậu”.

Cho đến một hôm, tình cờ tôi thấy con chim đang ấp trong ổ ấy là con chim cu, rồi lúc nào đó tổ chim ấy nở được một con cu, khi đủ lông đủ cánh nó bay đi lúc nào tôi cũng không hay biết.

Sân trước tôi có treo một cái nhà nhỏ đựng thức ăn cho chim, tôi thấy những con chim se sẻ, chim sắc, chim đen giống như sáo trâu, cũng có chim vàng giống như sáo sậu, đôi khi có cập cu, chim Northern Cardinal …và con sóc cũng đến đó ăn, tôi nhớ trong một tài liệu của Mỹ cho biết rằng giống chim se sẻ không có trên đất Mỹ, sau đó người ta đã đem giống chim này vào Mỹ, vậy thì chim cu có phải chim đã du nhập vào Mỹ chăng ?

Ai cũng biết con cu, thân nó tròn trịa, đầu cho đến cổ lông xám, ở cổ có những đốm trắng như hạt cườm, lông cánh cũng xam xám, phần ức và bụng màu gạch ngói, do đó người ta gọi là cu ngói hoặc cu cườm, hình như con trống mới có cườm và gáy, lúc mới biết gáy, nó chỉ gáy ru-cu, nhưng khi nó sống một đôi năm sau, tiếng gáy nó sẽ kéo dài thêm ra như ru-cu…cu, tiếng dậm theo sau càng nhiều, con cu ấy càng lão luyện, những người gác cu thường tìm bắt những con cu này.

Một buổi trưa hè cuối tuần nằm nghỉ ở nhà, ngoài đường ít xe nên vắng vẻ, trời nắng nóng bức nên trẻ con cũng không đi ra ngoài chơi, thật là một buổi trưa yên tịnh lý tưởng để nghỉ ngơi. Trong cái yên tịnh quí hiếm đó, tôi bỗng nghe có tiếng một con cu nó gáy, tôi bước ra desk nhìn lên những cây phong hàng xóm để tìm xem con cu ở đâu, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy, mặc dù nó vẫn gáy.

Vào nhà, đóng cửa, nằm ở xa-lông, tôi để tâm nghe con chim cu nó gáy và tôi đếm từng tiếng dậm của nó một…hai…ba…bốn trước tôi còn nghĩ nó là con chim cu chúa cai quản ở vùng này, nhưng dần dần tôi bị tiếng gáy của nó cuốn hút, tôi quên hết cảnh vật chung quanh, tưởng như tôi đang nằm trong ngôi nhà mình ở quê, vào buổi trưa hè nghe tiếng con cu cườm gáy ru-cu…cu…cu…cu…cu.

Tiếng gáy của con cu cườm trên đất Mỹ thật là bình dị, vậy mà nó đã làm cho tôi bị gợi nhớ quê hương trong những buổi trưa hè, làm cho tôi liên tưởng đến tiếng dế trong những đêm mưa rả rít và nhất là tiếng con ểnh ương “uênh, oang” buồn vô hạn.

Quê hương hai tiếng bình dị như cái cầu tre, con đường đất, bờ đê, con kênh đào, cây cau trước ngõ hay bụi chuối sau hè, nhưng mang nhiều ý nghĩa, quyện chặt tâm tư của mỗi người xa xứ!

Quê hương, hai tiếng thật giản đơn, đi xa thì nhớ thì thương, về gần trăm thứ ngổn ngang. Quá khứ cho ta niềm tự hào của dân tộc, hiện tại nghèo khó trăm chiều, hy vọng ở tương lai xán lạn, đất nước thanh bình, mọi người được no cơm ấm áo, trẻ thơ tung tăng vui đùa, ngày ngày cấp sách đến trường ê, a học tập.