Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Tổng Vụ Thanh Niên
Gia Ðình Phật Tử Vụ
         - 0 -
Ban Hướng Dẫn Trung Ương

Quy Chế Huynh Trưởng
Gia Ðình Phật Tử Việt Nam

*

- Ðại hội Huynh Trưởng GÐPT 1955 tại Ðà Lạt
- Tu chỉnh : Ðại hội Huynh Trưởng 1964 tại Sàigòn
- Tu chỉnh : Ðại hội Huynh Trưởng 1967 tại Sàigòn
- Tu chỉnh : Ðại hội Huynh Trưởng 1973 tại Ðà Nẳng

Chương mở đầu
Sứ Mệnh Huynh Trưởng

- Nghĩ rằng trong một đoàn thể, các cán bộ điều khiển đóng vai trò nồng cốt và liên quan ảnh hưởng đến sự thịnh suy của tổ chức.
- Nghĩ rằng trong sứ mệnh giáo dục Thanh Thiếu Nhi, Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử tự khoát vào mình tính chất đặc thù mà khả năng đạo đức không thể tách rời, trí thức và kinh nghiệm phải được thực hiện nương nhau.
- Nghĩ rằng với quá khứ trên 30 năm tiến triển, Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam đã chịu đựng một cách xứng đáng để giữ vững và phát huy tổ chức.
Quy Chế Huynh Trưởng này được thiết lập để thăng tiếnTổ Chức (chương I), để san định bổn phận, trách nhiệm và quyền hạn Huynh Trưởng (chương II) để thống nhất tư tưởng, ý chí hành động Huynh Trưởng (chương III) và để liên kết Huynh Trưởng lại thành một khối (chương IV).

Chương thứ nhất

Mục I: Cấp Bậc

Ðiều 1 :
Tất cả Huynh Trưởng (1) Gia Ðình Phật Tử Việt Nam, tùy theo thời gian thâm niên, khả năng và đạo đức đều được xếp vào các cấp Huynh Trưởng theo thứ tự cấp bậc : Tập - Tín - Tấn - Dũng.

Mục II: Cấp Tập

Ðiều 2 : Thể thức gia nhập hàng Huynh Trưởng (2):
a. Ðoàn viên Gia Ðình Phật Tử có cấp Trung Thiện trở lên (3).
b. Nam Nữ Phật Tử từ 19 tuổi trở lên, sinh hoạt trong Ðoàn trên một
năm (4).
c. Nam nữ Thanh niên từ 20 tuổi trở lên, được Gia Ðình Phật Tử mời (5) hay hai Huynh Trưởng (6) giới thiệu, và phải trúng cách Trại
Huấn Luyện Huynh Trưởng A Dục (7).

Ðiều 3 : Tu học :
Chương Trình Tu Học Huynh Trưởng Bậc A (8) và Bậc B (9), trúng cách Trại A Dục.
Ðiều 4 : Thời gian : ba năm Huynh Trưởng kể từ ngày gia nhập (10).
Ðiều 5 : Thể thức xếp cấp : Ban Huynh Trưởng Cấp Gia Ðình đề nghị lên Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Cấp Tỉnh (11) và Ban Hướng Dẫn Tỉnh ra quyết định liệt vào hàng Huynh Trưởng Cấp Tập, và tổ chức Lễ Thọ Cấp.

Mục III : Cấp Tín

Ðiều 6 : Ðiều kiện : Phải là Huynh Trưởng Cấp Tập (12).
Ðiều 7: Tu Học : Chương Trình Tu Học Huynh Trưởng Bậc C (13), trúng cách Trại Huyền Trang (14).
Ðiều 8 : Thời gian : Sau ba năm sinh hoạt cấp Tập (15).
Ðiều 9 : Thể thức xếp cấp : Ban Hướng Dẫn Tỉnh đề nghị lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương xét (16).
- Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra quyết định công nhận vào hàng Huynh Trưởng cấp Tín.
- Ban Hướng Dẫn Tỉnh tổ chức Lễ Thọ Cấp.

Mục IV : Cấp Tấn

Ðiều 10 : Ðiều kiện : Phải là Huynh Trưởng sinh hoạt 5 năm cấp Tín (17).
Ðiều 11: Tu học : Chương Trình Tu Học Huynh Trưởng Bậc D, trúng cách Trại Huấn Luyện Vạn Hạnh (18).
Ðiều 12: Thời gian : 5 năm sinh hoạt cấp Tín, có tối thiểu 35 tuổi đời và 15 năm làm Huynh Trưởng (19).
Ðiều 13: Thể thức xếp cấp: Một Hội Ðồng Huynh Trưởng trên cấp tại Cấp Tỉnh xét hồ sơ, bình nghị gởi lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương (20).
- Một Hội Ðồng Huynh Trưởng trên cấp tại Cấp Trung Ương xét hồ sơ, bình nghị đề nghị của Ban Hướng Dẫn Trung Ương chuyển qua (21).
- Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra quyết định công nhận vào hàng Huynh Trưởng cấp Tấn.
- Ban Hướng Dẫn Trung Ương tổ chức Lễ Thọ Cấp Bậc (22).

Mục V : Cấp Dũng

Ðiều 14 : Ðiều kiện : Phải là Huynh Trưởng sinh hoạt 10 năm Cấp Tấn (23).
Ðiều 15 : Tu học : Trình bày luận án do Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (24) chấp thuận, hoặc là một dự án được một Hội Ðồng Ðặc Biệt chấp thuận (Hội Ðồng này do Ban Hướng Dẫn Trung Ương mời).
Ðiều 16 : Thể thức xếp cấp : Hội Ðồng Huynh Trưởng Cấp Dũng xét (25) và Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra quyết định liệt vào hàng Huynh Trưởng Cấp Dũng.

Chương thứ hai
Bổn phận - Nhiệm vụ - Quyền hạn.

Mục VI : Cấp Tập

Ðiều 17 : Nhiệm vụ - Bổn phận :

- Tham gia vào Ban Huynh Trưởng của một Gia Ðình Phật Tử.
- Làm Ðoàn Trưởng (có thể làm Liên Ðoàn Trưởng đặc cách).
- Làm Trại Trưởng Trại Huấn Luyện Ðội, Chúng Trưởng (Anoma : Ðội Trưởng và Phó; Ni Liên : Chúng Trưởng và Phó) cho Thiếu Nam và Thiếu Nữ.
- Làm Huấn Luyện Viên Lộc Uyển.
- Ban Viên Ban Quản Trại Lộc Uyển và A Dục.
- Có trách nhiệm về sự thịnh suy của một Ðoàn và liên đới trách nhiệm với Ban Huynh Trưởng về sự thịnh suy của một Gia Ðình.

Ðiều 18 : Quyền hạn - Quyền lợi :

- Có quyền biểu quyết công việc trong một Gia Ðình Phật Tử.
- Ðược đại diện Gia Ðình để biểu quyết trong các cuộc họp do Ban Hướng Dẫn Tỉnh triệu tập.
- Ðược mời làm phụ tá Ban Viên Ban Hướng Dẫn Tỉnh, Thị Xã.
- Có quyền giới thiệu người vào Gia Ðình để làm Huynh Trưởng tập sự.
- Nếu đủ khả năng và điều kiện, được ưu tiên tuyển dụng vào các cơ quan sinh tài của Giáo Hội.

Mục VII : Cấp Tín

Ðiều 19 : Nhiệm vụ - Bổn phận :

- Làm Liên Ðoàn Trưởng hay Ban Viên Ban Hướng Dẫn Tỉnh.
- Làm Trại Trưởng Trại Huấn Luyện Lộc Uyển.
- Làm Huấn Luyện Viên Trại Huấn Luyện A Dục.
- Có trách nhiệm về sự thịnh suy của một Gia Ðình Phật Tử, liên đới trách nhiệm với Ban Hướng Dẫn Tỉnh, Thị Xã về sự thịnh suy của Gia Ðình Phật Tử trong một Tỉnh, Thị Xã.

Ðiều 20 : Quyền hạn - Quyền lợi :

- Có tất cả quyền hạn của cấp Tập.
- Ðược đại diện Gia Ðình Phật Tử Tỉnh để biểu quyết trong các cuộc họp do Ban Hướng Dẫn Trung Ương triệu tập.
- Ứng cử làm Ban Viên Ban Hướng Dẫn Tỉnh trừ chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn. Quyền đề cử là quyền của Ðại Hội Huynh Trưởng Tỉnh (Ðại Hội Huynh Trưởng có thể đề cử giữ chức vụ Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh).

Mục VIII : Cấp Tấn

Ðiều 21 : Nhiệm vụ - Bổn phận :

- Làm Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Ðình Phật Tử Tỉnh, hay Ban Viên Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
- Làm Trại Trưởng Trại Huấn Luyện Lộc Uyển, A Dục và Huyền Trang.
- Làm Huấn Luyện Viên Trại Vạn Hạnh.
- Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia Ðình Phật Tử Tỉnh, và liên đới trách nhiệm với Ban Hướng Dẫn Trung Ương về sự thịnh suy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

Ðiều 22 : Quyền hạn - Quyền lợi :

- Có tất cả quyền hạn của Huynh Trưởng Cấp Tín.
- Ứng cử làm Ban Viên Ban Hướng Dẫn Trung Ương, trừ chức vụ Trưởng Ban, Ðại Hội Huynh Trưởng có thể đề cử và bầu giữ chức vụ này.
- Ðược tuyển chọn tham gia các phái đoàn đại diện Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trong các cuộc Hội Nghị Quốc Tế.

Mục IX : Cấp Dũng

Ðiều 23 : Nhiệm vụ - Bổn phận :

- Làm Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
- Làm Trại Trưởng Trại Huấn Luyện Vạn Hạnh.
- Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.

Ðiều 24 : Quyền hạn :

- Có tất cả quyền hạn của cấp Tấn.
- Ðại diện Gia Ðình Phật Tử Việt Nam trong các cuộc Hội Nghị Quốc Tế.

Chương thứ ba
Huấn luyện

 Mục X : Tổng quát

Ðiều 25 : Mục đích : Ðể thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động, tất cả Huynh Trưởng đều phải trải qua các Trại Huấn Luyện sau đây :

- Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp : lấy danh hiệu Lộc Uyển.
- Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I : lấy danh hiệu A Dục.
- Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp II : lấy danh hiệu Huyền Trang.
- Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp III : lấy danh hiệu Vạn Hạnh.

Bốn tên Trại trên đây chỉ dành riêng cho các khóa huấn luyện Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam (26). Và chương trình tu học của Huynh Trưởng đều nhằm vào việc đào luyện Huynh Trưởng :

- Có căn bản giáo lý
- Có kiến thức phổ quát
- Có khả năng sáng tạo

Ðiều 26 : Phụ trách :

- Ban Hướng Dẫn Tỉnh phụ trách các Trại Lộc Uyển, A Dục và Huyền Trang.
- Ban Hướng Dẫn Trung Ương phụ trách Trại Vạn Hạnh.

Mục XI : Trại Lộc Uyển

Ðiều 27 : Mục đích :

- Hiểu đại cương tổ chức các Ðoàn,
- Ðào tạo Ðoàn Phó thực thụ.

Ðiều 28 : Thời gian : Mười ngày, có thể chia làm hai đợt.

Ðiều 29 : Ðiều kiện trại sinh :

- Tối thiểu 18 tuổi (đoàn sinh Thiếu).
- Tối thiểu 19 tuổi (Nam Nữ Phật Tử).
- Tối thiểu 20 tuổi (Nam Nữ Thanh Niên).
- Ðoàn sinh Ngành Thiếu (18 tuổi) phải có chứng chỉ Trại Anoma, Ni Liên (Ban Hướng Dẫn Tỉnh cấp) hay giấy chứng nhận của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.
- Trước khi đi trại, phải Trúng Cách Chương Trình Tu Học Huynh Trưởng bậc A (27), bậc "Kiên".

Ðiều 30 : Nội dung huấn luyện : phù hợp với mục đích, gồm có 3 phần :

- Phần tự học,
- Phần giáo huấn,
- Phần thực tập (xem Chương Trình Tu Học và Huấn Luyện Huynh Trưởng qua các cấp của Ban Hướng Dẫn Trung Ương ấn hành).

Ðiều 31 : Ðiều kiện trúng cách :

- Dự học đủ suốt 2 đợt trại,
- Trúng cách cuộc khảo sát.

Thời gian cấp chứng chỉ : Sáu (6) tháng sau khi trúng cách toàn khóa.

Ðiều 32 : Nội lệ Trại Lộc Uyển :

- Khẩu hiệu : Tiến.
- Kỷ luật : Ðúng giờ, lanh lẹ, tư cách đứng đắn.
- Trại ca và phụ hiệu : Thống nhất, do Ban Hướng Dẫn Trung Ương ấn định.

Mục XII : A Dục

Ðiều 33 : Mục đích :

- Hiểu biết thấu đáo về Ngành,
- Ðào tạo Ðoàn Trưởng.

Ðiều 34 : Thời gian : Bảy ngày đêm liên tục.

Ðiều 35 : Ðiều kiện trại sinh :

- Phải có ít nhất 22 tuổi,
- Sau khi trứng cách Trại Lộc Uyển Hai năm,
- Có Chứng Chỉ Tu Học Huynh Trưởng bậc B, bậc "Trì".

Ðiều 36 : Nội dung huấn luyện : phù hợp vớì mục đích, gồm có :

- Phần tự học
- Phần giảng huấn
- Phần thực tập (điều khiển)
- Phần thuyết trình (phần tự học)

(xem Chương Trình Tu Học và Huấn Luyện Huynh Trưởng các Cấp).

Ðiều 37 : Ðiều kiện trúng cách :

- Dự học suốt thời gian trại.
- Trúng cách cuộc khảo sát.
- Thời gian cấp chứng chỉ : Một năm sau khi trúng cách.

Ðiều 38 : Nội lệ Trại A Dục :

- Khẩu hiệu : Tín
- Kỷ luật : Khắc khổ, lục hòa.
- Trại ca và phù hiệu : Thống nhất, do Ban Hướng Dẫn Trung Ương ấn định.

Mục XIII: Trại Huyền Trang

Ðiều 39 : Mục đích :

- Thấu đáo tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
- Ðào tạo Liên Ðoàn Trưởng.

Ðiều 40 : Thời gian : Năm (05) ngày đêm liên tục, sau một khóa hàm thụ.

Ðiều 41 : Ðiều kiện trại sinh :

- Phải có ít nhất 25 tuổi,
- Sau khi trúng cách A Dục 3 năm,
- Phải là Huynh Trưởng Cấp Tập và có Chứng Chỉ Tu Học Huynh Trưởng bậc C, bậc "Ðịnh".

Ðiều 42 : Nội dung huấn luyện : phù hợp với mục đích, gồm có :

- Phần tự học (khóa hàm thụ),
- Phần giảng huấn,
- Phần thực tập (điều khiển),
- Phần thuyết trình

(xem Chương Trình Tu Học và Huấn Luyện Huynh Trưởng các Cấp).

Ðiều 43 : Ðiều kiện trúng cách :

- Dự đủ khóa hàm thụ,
- Dự học suốt thời gian trại,
- Trúng cách cuộc khảo sát,
(Dự bổ túc "Hội Thảo" 2 ngày sau khi trúng cách 2 năm do Ban Hướng Dẫn Tỉnh tổ chức).
- Thời gian cấp chứng chỉ : 18 tháng sau khi trúng cách.

Ðiều 44 : Nội lệ trại Huyền Trang :

- Khẩu hiệu : Vững.
- Kỷ luật : Tự giác.
- Trại ca và phù hiệu : Do Ban Hướng Dẫn Trung Ương ấn định.

Mục XIV: Trại Vạn Hạnh

Ðiều 45 : Mục đích :

- Hiểu biết tổ chức Phật Giáo và các đoàn thể Thanh Niên Thế Giới.
- Ðào tạo Ban Viên Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

Ðiều 46 : Thời gian : Năm ngày đêm liên tục sau một khóa hàm thụ.

Ðiều 47 : Ðiều kiện trại sinh :

- Phải ít nhất là 30 tuổi
- Sau khi trúng cách Trại Huyền Trang Năm năm.
- Phải là Huynh Trưởng cấp Tín và có chứng chỉ tu học Huynh Trưởng bậc D, bậc "Lực".
- Cứ sau ba (03) năm, tham dự một khóa "Hội Thảo" một lần, do Ban Hướng Dẫn Trung Ương tổ chức).

Ðiều 48 : Nội dung huấn luyện :

- Phần giảng huấn
- Nặng phần thuyết trình và hội thảo.

Ðiều 49 : Ðiều kiện trúng cách :

- Dự đầy đủ khóa hàm thụ,
- Dự học suốt thời gian Trại.
Thời gian cấp chứng chỉ : Cấp giấy chứng nhận dự trại.

Ðiều 50 : Nội lệ Trại Vạn Hạnh :

- Khẩu hiệu : Dũng.
- Kỷ luật : Tự giác.
- Trại ca và phù hiệu : Do Ban Hướng Dẫn Trung Ương ấn định.

Chương thứ tư
Quản Trị Huynh Trưởng

Mục XV: Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng

Ðiều 51 : Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng có nhiệm vụ kiểm soát tất cả mọi sinh hoạt liên quan đến Huynh Trưởng GÐPT/VN, hầu phát huy khả năng của toàn thể Huynh Trưởng để phục vụ cho Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
Vấn đề quản trị bao gồm các phương diện hành chánh, giao tế, tương trợ và kỷ luật được đề cập ở các điểm sau đây:

Ðiều 52 : Hành chánh :

a. Quản thủ và nhật tu hồ sơ Huynh Trưởng các cấp (28),
b. Xét hồ sơ và tổ chức Hội Ðồng Xếp Cấp Huynh Trưởng,
c. Cấp thẻ Huynh Trưởng (29),
d. Theo dõi sự di chuyển, cư trú của Huynh Trưởng.

Ðiều 53 : Giao tế tương trợ (giao cho Ủy Ban Tương Tế) (30) :

- Nghiên cứu và tổ chức việc tương tế Huynh Trưởng,
- Tổ chức tìm kiếm công việc sinh sống, an dưỡng cho Huynh Trưởng.

Ðiều 54 : Kỷ luật :

- Tổ chức Hội Ðồng Kỷ Luật
- Theo dõi sự thi hành các quyết định của Hội Ðồng Kỷ Luật.

Mục XVI: Ủy Ban Quản Trị Trung Ương

Ðiều 55 : Thành phần :

- 01 Chủ Tịch
- 02 Phó Chủ Tịch (1 Nam, 1 Nữ)
- 01 Thư Ký
- 05 Ban Viên.

Ðiều 56 : Ðiều kiện :

- Chủ Tịch : Phải là Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương,
- Hai vị Phó Chủ Tịch : Phải là Huynh Trưởng cao niên, thâm niên trong Gia Ðình, cấp Tấn trở lên.
- Thư Ký : Phải là Huynh Trưởng cấp Tấn trở lên và do Chủ Tịch Trung Ương chỉ định (nếu có thể là Ủy Viên Nội Vụ kiêm nhiệm).
- Năm Ban Viên : Do Chủ Tịch Trung Ương chỉ định trong số Huynh Trưởng có cấp Tín trở lên.

Ðiều 57 : Nhiệm kỳ : Song song với nhiệm kỳ Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

Ðiều 58 : Ðiều hành :

a) Ủy Ban có một văn phòng thường trực bên cạnh Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
b) Ủy Ban có những cuộc họp định kỳ hằng tháng và những cuộc họp bất thường để giải quyết công việc.
c) Hoàn thành hồ sơ xếp cấp Huynh Trưởng trước Lễ Thành Ðạo mỗi năm.
d) Phổ biến tin tức liên quan đến vấn đề quản trị Huynh Trưởng.
e) Phúc trình hoạt động trước Ðại Hội Huynh Trưởng toàn quốc.

Mục XVII: Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Cấp Tỉnh

Ðiều 59 : Thành phần : Y như thành phần Ủy Ban Quản Trị Trung Ương.

- Thư Ký : một Huynh Trưởng cấp Tín trở lên (có thể là Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Tỉnh kiêm nhiệm).
- Số Ban Viên : có thể rút bớt vì nhu cầu.
- 2 vị Phó Chủ Tịch : trong trường hợp Tỉnh không có đủ Huynh Trưởng cấp Tấn, mới phải bầu Huynh Trưởng cấp Tín.

Ðiều 60 : Ðiều hành :

a) Phải có nhân viên thường trực phụ trách công việc điều hành.
b) Có những cuộc họp định kỳ hằng tháng và những cuộc họp bất thường để giải quyết công việc.
c) Thi hành chỉ thị của Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Trung Ương.
d) Phổ biến những tin tức liên quan đến vấn đề Quản Trị Huynh Trưởng.
e) Phúc trình lên Ủy Ban Quản Trị Trung Ương mỗi tam cá nguyệt.
f) Hoàn thành hồ sơ xếp cấp Huynh Trưởng cấp Tập, để chuyển qua Ban Hướng Dẫn Tỉnh, trước Thành Ðạo mỗi năm.
g) Hoàn thành hồ sơ xếp cấp Huynh Trưởng từ cấp Tín trở lên để chuyển qua Ban Hướng Dẫn Tỉnh, trước tháng 10 mỗi năm.

Ðiều 61 : Nhiệm kỳ : song song với nhiệm kỳ của Ban Hướng Dẫn Tỉnh.

Mục XVIII: Hội Ðồng Kỷ Luật Huynh Trưởng

Ðiều 62 : Mục đích của Hội Ðồng Kỷ Luật : Xác định tính cách vi phạm kỷ luật của Huynh Trưởng và áp dụng các biện pháp thích ứng để đưa Huynh Trưởng vào nếp sống kỷ cương của Gia Ðình Phật Tử.
Biện pháp thi hành kỷ luật :
- Phê bình, sám hối.
- Cảnh cáo.
- Cảnh cáo có ghi vào sách tịch Huynh Trưởng.
- Tạm ngưng hoạt động.
- Miễn nghị xét, xếp cấp Huynh Trưởng.
- Khai trừ khỏi Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
- Ðưa ra pháp luật.

Ðiều 63 : Hội Ðồng Kỷ Luật :

a) Ban Huynh Trưởng Gia Ðình được phê bình, giải quyết những lỗi nhẹ của Huynh Trưởng phạm lỗi.
b) Nếu Ban Huynh Trưởng Gia Ðình không giải quyết được, Ban Hướng Dẫn sẽ triệu tập Hội Ðồng Kỷ Luật cấp Tỉnh gồm có Ủy Ban Quản Trị Cấp Tỉnh, và một Huynh Trưởng cao niên đồng cấp với Huynh Trưởng phạm lỗi.
c) Nếu Huynh Trưởng phạm lỗi nặng, Hội Ðồng Kỷ Luật cấp Tỉnh xét không giải quyết được thì phải lập hồ sơ chuyển lên Ban Quản Trị Trung Ương. Nếu cần, hồ sơ được chuyển qua Ban Hướng Dẫn Trung Ương để Ban Hướng Dẫn Trung Ương triệu tập một hội đồng kỷ luật tối cao xét xử và phán quyết tối hậu.

Sàigòn, ngày 20 tháng 02 năm 1974

Ban Hướng Dẫn Trung Ương

Quy Chế huynh trưởng nầy có thêm phần giải thích của Ủy viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương (Huynh Trưởng cấp Tấn Nguyễn Văn Thục ) để giúp cho tất cả Ủy viên nội vụ Tỉnh hay Thị xã hiểu rõ và thực hiện nghiêm chỉnh, đồng nhất trên toàn quốc. Phần giải thích cũng đã được trình bày lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương duyệt xét. Những dấu khung ngoặc đơn ( ) và bên trong có số từ (01) đến (30) của phần Quy Chế Huynh Trưởng là những điểm chính để giải thích.

Phần giải thích Quy Chế Huynh Trưởng

(1).- Danh từ "Huynh Trưởng" : là một danh từ kêu chung để chỉ những thành viên cán bộ của Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
- Ðúng ra, chỉ nên gọi "Trưởng" và phân biệt "Anh Trưởng" và "Chị Trưởng". Từ trước đến nay, cứ một thanh niên đứng coi một Ðoàn, hay sinh hoạt trong một đơn vị Gia Ðình Phật Tử, hay giữ một chức vụ trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh, Trung Ương cũng đều được gọi là "Huynh Trưởng".
- Có những danh từ không được dùng trong Nội Quy hay Quy Chế Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam như : "Bạn Ðoàn", "Huynh Trưởng Tập Sự", nhưng đều được hiểu ngầm là những người chưa được chính thức công nhận vào hàng Huynh Trưởng thực thụ. Ðó là những người chưa dự và trúng cách một Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng nào cả.
- Ðược công nhận là Huynh Trưởng thực thụ, là khi nào đoàn viên ấy đã trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng "Lộc Uyển" (đào tạo Ðoàn Phó thực thụ).
- Một Huynh Trưởng là một Ðoàn Viên Gia Ðình Phật Tử, đã Quy Y, Thọ giới và có Pháp Danh; trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển, phát nguyện làm Huynh Trưởng, và có ít nhất là 18 tuổi (cho Ðoàn Viên GÐPT Ngành Thiếu mới lên), 19 tuổi (cho Ðoàn Viên GÐPT Ngành Thanh mới vào Gia Ðình được một năm), 20 tuổi (cho Nam Nữ Thanh Niên mới vào).
- Bắt đầu từ ngày 01.01.1974 trở về sau, tất cả các Ðoàn Viên GÐPT muốn được chính thức công nhận là "Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử" đều phải trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển và làm lễ phát nguyện làm Huynh Trưởng.
- Lễ phát nguyện làm Huynh Trưởng phải do Ban Hướng Dẫn Tỉnh, Thị Xã tổ chức chung cho các GÐPT trong Tỉnh hay Thị Xã, hoặc làm một cuộc lễ đặc biệt, hay tổ chức vào dịp mãn khóa "Lộc Uyển", vào dịp trao chứng chỉ Lộc Uyển (06 tháng sau ngày mãn khóa).
- Một đơn vị GÐPT không đủ tư cách tổ chức Lễ Phát Nguyện Huynh Trưởng này.
- Ngày phát nguyện này được xem là ngày "Gia nhập hàng Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử và sẽ được ghi vào sách tịch Huynh Trưởng.
(2).- Thể thức gia nhập hàng Huynh Trưởng : điều 2 của Quy Chế này, ta phải hiểu rằng : mục a, b và c nêu rõ những thành phần nào được tuyển chọn để được đào tạo thành Huynh Trưởng, chớ không phải những thành phần trên đương nhiên được xem là Huynh Trưởng thực thụ.
(3).- Ðoàn Viên GÐPT có cấp Trung Thiện trở lên : (không nêu rõ số tuổi bắt buộc, và không nêu rõ phải trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển).
- Ðây là những Ðoàn Viên Ngành Thiếu của Gia Ðình Phật Tử.
- Muốn có Bậc Trung Thiện thì Ðoàn Sinh này ít nhất phải sinh hoạt trong một Ðơn Vị Gia Ðình trên 3 năm (phải trải qua các Bậc Hướng Thiện, Sơ Thiện và Trung Thiện).
- Một Ðoàn Sinh Ngành Thiếu có ít nhất là 13 tuổi, như vậy khi trúng cách bậc Trung Thiện thì Ðoàn Sinh ấy phải có ít nhất là 16 tuổi.
- Có bậc Trung Thiện, Ðoàn Sinh này đương nhiên đã phải học qua thể thức điều khiển Ðội hay Chúng, được tuyển chọn để dự Trại Huấn Luyện Ðội, Chúng Trưởng (Anoma, Ni Liên do Ban Hướng Dẫn Tỉnh tổ chức).
- Ðoàn Sinh này (đã trúng cách Trại Anoma, Ni Liên) còn phải chờ đến 18 tuổi mới được "đặc biệt" đề cử đi dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển (trường hợp Gia Ðình thiếu cán bộ).
- Ðúng ra, thì không thể bắt buộc tất cả Ðoàn Sinh Trung Thiện phải trúng cách Trại Anoma, Ni Liên được, vì mỗi Gia Ðình chỉ tuyển chọn một số Ðoàn Sinh xuất sắc để đi dự Trại Huấn Luyện Ðội Chúng Trưởng do Ban Hướng Dẫn Tỉnh tổ chức mà thôi. Còn một số đông Ðoàn Sinh khác chỉ được chọn dự khóa Ðội Chúng Trưởng do Ðơn Vị Gia Ðình Phật Tử trong Tỉnh tổ chức, và như thế các Ðoàn Sinh này đều có chứng chỉ do Ban Hướng Dẫn Tỉnh cấp (Nội Quy, chương hai, điều 7, mục C/2).
- Sở dĩ phải nêu vấn đề trúng cách Trại Ðội Chúng Trưởng ở đây, là vì Ðoàn Sinh này muốn được xem là Huynh Trưởng Thực Thụ thì phải trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển và có chứng chỉ Khóa Tu Học bậc A (bậc Kiên).
(4).- Nam Nữ Phật Tử : đây là các Ðoàn Viên Ngành Thanh của Gia Ðình Phật Tử (những thanh niên từ 18 tuổi trở lên).
- Sinh hoạt trong Ðoàn trên một năm tức là đang học chương trình bậc "Hòa" của Ngành Thanh (thời gian bậc "Hòa" không có ấn định là bao nhiêu năm, nhưng đã sinh hoạt trên một năm, tức là Ðoàn Viên này ít nhất đã học qua chương trình Hướng Thiện, Sơ Thiện và đang học chương trình Trung Thiện).
- Nam Nữ Phật Tử, thường là những thanh niên đã có một trình độ kiến thức văn hóa và kinh nghiệm ngoài đời tương đối có thể trở thành những Huynh Trưởng vững chắc. Ðiều kiện phải có trên 19 tuổi và sinh hoạt trên 1 năm, cũng đủ bảo đảm để Ðoàn Sinh này khỏi phải trúng cách Trại hoặc Khóa Ðội Chúng Trưởng. Tuy nhiên, cũng phải có chứng chỉ Khóa Tu Học bậc A (bậc Kiên) để được tham dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển.
(5).- Nam Nữ Thanh Niên : đây là thanh niên có trên 20 tuổi đời, có một khả năng chuyên môn nào đó, được Ban Huynh Trưởng mời đến, lúc đầu chỉ làm "Bạn Ðoàn" để phụ giúp chỉ vẻ về chuyên môn cho các em, về sau mới phát nguyện tu học và theo các Khóa Huấn Luyện Huynh Trưởng.
(6).- Tại sao Gia Ðình Phật Tử bắt buộc các Nam Nữ Thanh Niên này phải trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng A Dục ? [đáng lý ra chỉ cần "Lộc Uyển) là đã đủ tư cách là một Huynh Trưởng Thực Thụ rồi (Ðoàn Phó)]. Ðại Hội Huynh Trưởng năm 1973 chưa tu chỉnh điểm này theo tinh thần mới của Quy Chế Huynh Trưởng, có lẽ vì sơ sót (?). Trong lúc chờ đợi được tu chỉnh, ta có thể giải thích như sau : là vì các Thanh Niên này, tuy lớn tuổi và đã có một số vốn khả năng đặc biệt nào đó rồi, nhưng chưa lảnh hội và am tường Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử, nên cần phải dự qua các Trại Lộc Uyển và A Dục. Mục đích Gia Ðình Phật Tử cần những cán bộ trung kiên và cũng để giữ giá trị của người Huynh Trưởng trong tổ chức Gia Ðình Phật Tử. Cũng như các Nam Nữ Phật Tử, các Thanh Niên này được miễn chứng chỉ Ðội Chúng Trưởng khi đi dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển.
(7).- Do Hai (02) Huynh Trưởng giới thiệu : Phải là 2 Huynh Trưởng có cấp Tập trở lên giới thiệu mới được (xem Quy Chế Huynh Trưởng, chương hai, mục VI, điều 18 nói về quyền hạn cấp Tập).
- Xin nhớ rằng : khoản a, b và c chỉ là giai đoạn đầu của một Ðoàn Viên Gia Ðình Phật Tử muốn trở thành một Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử.
- Khoản a, b và c có thể nói là những "Huynh Trưởng Tập Sự".
- Trúng cách Trại Lộc Uyển và làm Lễ Phát Nguyện xong mới được xem là "Huynh Trưởng Thực Thụ".
- Trúng cách A Dục mới được xét hồ sơ để xếp cấp Tập (một trong những điều kiện để được xét hồ sơ cấp Tập), chớ không phải trúng cách A Dục là đương nhiên được xếp cấp Tập).
(8).- Bậc A : Kể từ ngày 06.05.1974, các Huynh Trưởng phải tu học theo một chương trình trường kỳ, đặc biệt dành riêng cho Huynh Trưởng. Chương trình này được chia thành bốn (04) bậc : A, B, C, D với những tên Kiên (bậc A), Trì (bậc B), Ðịnh (bậc C), Lực (bậc D).
- Tuy nhiên, Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã quyết định để một thời gian chuyển tiếp là hai (02) năm, tức là từ 06.05.1974 đến 06.05.1976. Trong thời gian này, điều kiện trại sinh dự qua các Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng chưa bắt buộc phải có Chứng Chỉ Tu Học Huynh Trưởng mỗi Bậc tương đương với Trại.
- Dự khóa "Lộc Uyển" thì phải có Chứng Chỉ Tu Học Huynh Trưởng Bậc A.
(9).- Bậc B : Dự Trại A Dục thì phải có Chứng Chỉ Tu Học Huynh Trưởng bậc B.
- Trong Quy Chế Huynh Trưởng tu chỉnh năm 1967, cũng như kỳ Ðại Hội Huynh Trưởng năm 1973, lúc tu chỉnh Quy Chế không có câu : "Trúng cách Trại A Dục, nhưng ta phải thêm vào mới được rõ ràng, vì đó là một trong những điều kiện để được xét và xếp cấp Tập.
- Từ năm 1974 trở đi, những Huynh Trưởng nào chưa trúng cách "Lộc Uyển và A Dục", đều chưa đủ điều kiện để được xét hồ sơ cấp Tập.
(10).- Ba (03) năm Huynh Trưởng kể từ ngày gia nhập : "Gia Nhập" ở đây phải hiểu là "Gia Nhập Hàng Huynh Trưởng", chớ không phải "Gia Nhập Tổ Chức Gia Ðình Phật Tử".
- Muốn được Gia Nhập hàng Huynh Trưởng thì phải Trúng Cách Trại Lộc Uyển và Phát Nguyện làm Huynh Trưởng.
- Như vậy, khi xét hồ sơ Huynh Trưởng để xếp cấp Tập, thì phải xem Ngày Phát Nguyện.
Ví dụ : Khi xét hồ sơ của Huynh Trưởng để xếp cấp Tập thì Hội Ðồng Huynh Trưởng cấp Tỉnh sẽ xét :
* Chức vụ hiện tại : Huynh Trưởng ấy đang sinh hoạt trong một Ðơn Vị Gia Ðình (hay là một Ban Viên, Phụ Tá Ban Viên của Ban Hướng Dẫn Tỉnh). Giữ chức vụ gì ? (Gia Trưởng, Ðoàn Trưởng hay Phó, Thư Ký hay Thủ Quỹ v-v...
* Thâm niên trong Gia Ðình : Kể từ ngày mới phát nguyện làm Ðoàn Sinh Gia Ðình Phật Tử (nếu là từ Ðoàn Sinh lên Huynh Trưởng). Kể từ ngày mới phát nguyện làm Ðoàn Viên Gia Ðình Phật Tử, được mời làm Huynh Trưởng Tập Sự (nếu là Nam Nữ Thanh Niên).
* Khả năng chuyên môn, năng khiếu đặc biệt.
* Tinh thần đạo hạnh.
* Ðã đủ 3 năm Huynh Trưởng chưa ? Kể từ ngày phát nguyện làm Huynh Trưởng thực thụ sau khi được cấp chứng chỉ trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển. (Ví dụ : phát nguyện làm Huynh Trưởng ngày 05.11.1965 thì đến ngày 05.11.1968 là đủ 3 năm).
Nếu Huynh Trưởng ấy mới dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng và trúng cách A Dục vào ngày 10.06.1968, phải chờ một năm sau mới được cấp giấy Chứng Chỉ Trúng Cách A Dục, Huynh Trưởng ấy vẫn được xét hồ sơ để xếp cấp Tập vào dịp Lễ Thành Ðạo cuối năm 1968, nếu Hội Ðồng Huynh Trưởng cấp Tỉnh nhận được giấy chứng nhận của Ban Hướng Dẫn Tỉnh cho biết là Huynh Trưởng ấy đã trúng cách Trại A Dục và trong trường hợp đặc biệt, đề nghị cho Huynh Trưởng ấy được xếp cấp Tập (vì nhu cầu Phật sự).
- Xin nhớ là không phải kể từ ngày trúng cách "A Dục" rồi cộng thêm 3 năm (ở đây chỉ đòi hỏi thâm niên Huynh Trưởng, chớ không phải thâm niên Trại).
(11).- Ðối với cấp Tập : thì Ban Huynh Trưởng Gia Ðình lập hồ sơ Huynh Trưởng đưa ra bình nghị trong một buổi họp đặc biệt "Xét Cấp" do Gia Trưởng chủ tọa và Liên Ðoàn Trưởng làm thuyết trình viên. Biên bản được ghi rõ ràng lời phê bình, nhận xét của Hội Ðồng, Gia Trưởng sẽ tóm tắt ý kiến và phê vào "Hồ Sơ Sách Tịch của Huynh Trưởng".
- Không cần phải lập phiếu ghi điểm như từ trước đến nay (giản dị hóa hành chánh), mà chỉ cần phê bình công khai và mỗi Hội Viên trong Hội Ðồng có thể tùy theo những tiêu chuẩn đã được định sẵn, mà cho điểm trên phiếu kín. Nếu được điểm trên trung bình do Hội Ðồng ấn định thì xem như Huynh Trưởng ấy đủ điều kiện để được đề nghị xét cấp Tập. Xin nhớ : Hội Ðồng có quyền yêu cầu đương sự ra khỏi phòng họp khi xét đến hồ sơ của Huynh Trưởng có mặt trong Hội Ðồng.
- Xin xem lại phần giải thích số (10) ở trên để làm căn bản đặt những tiêu chuẩn xét cấp Tập. Không thể vì nể tình, mà cần phải giữ gìn uy tín chung cho hàng Huynh Trưởng Gia Ðình Phật Tử Việt Nam.
- Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng cấp Tỉnh : Có thể thành lập một "Hội Ðồng Xét Cấp" (danh từ không ghi trong Quy Chế, song về phương diện hành chánh thì đây là một việc nên làm). Hội Ðồng Xét Cấp này phải được Ban Hướng Dẫn Tỉnh thừa nhận bằng một Quyết Ðịnh.
- Chủ Tịch Hội Ðồng, thừa Ủy nhiệm của Chủ Tịch Ủy Ban Quản Trị mà ký vào các biên bản, văn kiện liên quan đến nhiệm vụ trước khi gởi lên Ban Hướng Dẫn Tỉnh để Ban này ra Quyết Ðịnh.
(12).- Bắt đầu từ 01.01.1973, không còn trường hợp đặc cách hay điều chỉnh cấp bậc nữa. Tất cả Huynh Trưởng đều phải có cấp Tập mới được xét hồ sơ cấp Tín khi hội đủ những điều kiện ghi ở chương nhất, mục III (cấp Tín).
- Tuổi đời : Phải có ít nhất 25 tuổi (đối với Ðoàn Sinh ngành Thiếu lên), 25 tuổi (đối với Nam Nữ Phật Tử, 26 tuổi (đối với Thanh Niên).
- Giải thích thể thức tính tuổi :
* Ðoàn Viên GÐPT (Ngành Thiếu lên) : 18 tuổi dự Trại Lộc Uyển, cộng 3 năm Huynh Trưởng để được xếp cấp Tập (21 tuổi). Từ cấp Tập lên cấp Tín phải đủ 3 năm, nhưng phải có 25 tuổi để dự Trại Huyền Trang.
* Nam Nữ Phật Tử : 19 tuổi + 3 năm + 3 năm = 25 tuổi.
* Nam Nữ Thanh Niên : 20 tuổi + 3 năm + 3 năm = 26 tuổi.
- Nếu xét trường hợp đặc biệt của một Ðội Chúng Trưởng xuất sắc được tiến cử làm Huynh Trưởng, và từ ngày "Phát Nguyện Huynh Trưởng" thì Ðoàn Viên này phải trải qua những giai đoạn sau đây trước khi hội đủ những điều kiện thâm niên để được xét cấp Tín :
* 18 tuổi trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Lộc Uyển (phát nguyện làm Huynh Trưởng).
* 20 tuổi trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng A Dục.
* 21 tuổi được xét và xếp cấp Tập (đặc biệt sớm hơn 1 năm).
* 25 tuổi trúng cách Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Huyền Trang (tuổi ấn định cho Trại Sinh Huyền Trang, không được miễn tuổi, đáng lý là năm 23 tuổi được dự Trại Huyền Trang, mà phải chờ đến 25 tuổi mới dự Trại Huyền Trang được).
* 25 tuổi được xét hồ sơ và xếp cấp Tín nếu hội đủ những điều kiện khác của cấp Tín. (Nếu không bị Trại Huyền Trang thì 3 năm sau cấp Tập, tức là 24 tuổi thì Huynh Trưởng này được xét cấp Tín).
* Thường thường, thì một Huynh Trưởng được xếp cấp Tín ít nhất phải là 26 tuổi đời, và như vậy cũng là sớm lắm rồi.
(13).- Có Chứng Chỉ Tu Học bậc C bậc Ðịnh mới được dự Trại Huyền Trang.
(14) và (15).- Phải có ít nhất 25 tuổi đời mới được dự Trại Huyền Trang. Tuổi được ấn định và không có trường hợp miễn tuổi cho bất cứ thành phần nào. Vì một Liên Ðoàn Trưởng phải có ít nhất là 25 tuổi đời mới có đủ uy tín điều khiển một Gia Ðình.
(16).- Mỗi năm đến Lễ Thành Ðạo thì Ban Hướng Dẫn Trung Ương xét hồ sơ Huynh Trưởng các Tỉnh để xếp Cấp, từ cấp Tín trở lên.
- Ðể kịp đưa ra bình nghị trước Hội Ðồng Xét Cấp Trung Ương, các cấp Gia Ðình phải chuyển hồ sơ lên cấp Tỉnh trễ nhất là cuối tháng 10 dương lịch mỗi năm và cấp tỉnh chuyển hồ sơ về Trung Ương trễ nhất là cuối tháng 11 dương lịch mỗi năm.
- Hội Ðồng Xét Cấp cấp Tỉnh do Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng mời, được Ban Hướng Dẫn Tỉnh thừa nhận bởi một Quyết Ðịnh. Nhưng tất cả hồ sơ Huynh Trưởng cấp Tỉnh cũng như biên bản liên quan đến việc xét cấp, và đề nghị đều phải do Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh ký tên và gửi về Trung Ương.
- Sách Tịch Huynh Trưởng cũng như những bản sao văn kiện, chứng chỉ cần phải gửi về Trung Ương mỗi thứ một (01) bản để dễ kiểm nhận (trường hợp đã có gửi về Trung Ương sách tịch Huynh Trưởng vào năm trước, khi xét cấp Tập), nếu chưa gửi sách tịch Huynh Trưởng thì phải gửi về ba (03) bản thay vì một bản. Hồ sơ sẽ không được xét (và cũng sẽ không được hoàn trả lại) nếu thiếu các văn kiện nói trên.
(17) và (19).- Mới được tu chỉnh trong Ðại Hội năm 1973 : Cấp Tấn phải có 5 năm sinh hoạt cấp Tín, có tối thiểu 35 tuổi đời và 15 năm làm Huynh Trưởng.
Ví dụ : Cấp Tín : 26 tuổi.
- Tu học chương trình bậc D bậc Lực.
- 30 tuổi : dự Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng Vạn Hạnh.
- 35 tuổi : được xét cấp Tấn.
(18).- Ðiều kiện được dự trại Vạn Hạnh :
- Phải ít nhất 30 tuổi đời.
- Sau khi trúng cách Trại Huyền Trang 5 năm.
- Phải có cấp Tín.
- Phải có Chứng Chỉ Tu Học bậc D bậc Lực.
Sự thật, theo tinh thần Ðại Hội năm 1973, thì các Trại Sinh dự Trại Vạn Hạnh xong là được giấy chứng nhận có dự Trại Vạn Hạnh, chớ không phải được cấp một chứng chỉ trúng cách như ở các Trại dưới. Hơn nữa, thể thức tổ chức Trại Vạn Hạnh đã được cải tiến theo một tinh thần mới, Trại Sinh được xem như là một Hội Thảo Viên, thì vấn đề khảo sát không cần nữa. Danh từ "Trúng Cách" được dùng ở đây để giữ đúng ý nghĩa của một Trại Huấn Luyện và chờ đợi sự phê phán của các Huấn Luyện Viên, cũng như của Ban Quản Trại mà Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn làm Trại Trưởng.
(20).- Cấp Tấn : Về việc xét hồ sơ Huynh Trưởng cấp Tấn, thì phải có Hội Ðồng Huynh Trưởng Trên Cấp" xét và bình nghị. Nếu trong Hội Ðồng Huynh Trưởng Xét Cấp tại Tỉnh mà có những Huynh Trưởng cấp Tập hay cấp Tín (thiếu thâm niên : mới được từ 1 đến 3 năm), thì không được quyền có mặt trong phòng họp lúc bình nghị hồ sơ Huynh Trưởng có đủ điều kiện để xét cấp Tấn. Hội Ðồng Huynh Trưởng Trên Cấp tại Tỉnh : Xét hồ sơ, bình nghị và đề nghị. Biên bản buổi họp sẽ được Ban Hướng Dẫn Tỉnh gởi về Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Trung Ương. Thành tích hoạt động của các Huynh Trưởng này do Huynh Trưởng tự ghi ở chỗ dành riêng cho Huynh Trưởng và được Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh duyệt xét và xác nhận ở chỗ dành riêng cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh.
(21).- Hồ sơ cấp Tấn của Tỉnh gởi lên Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Trung Ương. Tại đây, Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Trung Ương kết tập hồ sơ, chuyển qua Ban Hướng Dẫn Trung Ương. Ban Hướng Dẫn Trung Ương sẽ xem lại lời bình nghị của cấp Tỉnh, để đưa đề nghị của mình qua Hội Ðồng Huynh Trưởng Trên Cấp tại Trung Ương. Chính Hội Ðồng Huynh Trưởng Trên Cấp tại Trung Ương này mới có thẩm quyền quyết định.
- Ban Hướng Dẫn Trung Ương dựa theo quyết định của Hội Ðồng Trên Cấp tại Trung Ương mà ra Quyết Ðịnh công nhận Huynh Trưởng vào hàng Huynh Trưởng cấp Tấn.
(22).- Lễ Thọ Cấp của Huynh Trưởng cấp Tấn : Ban Hướng Dẫn Trung Ương tùy nghi quyết định ngày và nơi chốn để tổ chức Lễ Thọ Cấp cho các Huynh Trưởng này. Nhưng trong cuộc Lễ Thọ Cấp chỉ hiện diện những Huynh Trưởng cấp Tấn và cấp Dũng mà thôi.
- Thể thức tổ chức Lễ Thọ Cấp sẽ do sáng kiến của Ban Tổ Chức.
(23).- 10 năm sinh hoạt cấp Tấn : tức là Huynh Trưởng được đề nghị xét cấp Dũng phải có ít nhất là 45 tuổi đời.
(24).- Luận án do Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chấp thuận : Trong Quy Chế năm 1967 ở chương nhất, mục IV, điều 13 (cấp Tấn, thể thức xếp Cấp) đã ghi : Một Hội Ðồng Huynh Trưởng Trên Cấp xét theo đề nghị của Ban Hướng Dẫn Trung Ương hay các Ban Hướng Dẫn Tỉnh. Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra Quyết Ðịnh có sự phê chuẩn của Viện Hóa Ðạo : Trên thực tế về phương diện hành chánh gặp phải một trở ngại khá tế nhị, nên Ban Hướng Dẫn Trung Ương đã trình bày giữa Ðại Hội để tu chỉnh, cũng vì thế mà ở chương nhất, mụcV, điều 16 (Cấp Dũng) cũng có sửa đổi về thể thức xếp cấp. Câu : "Viện Hóa Ðạo chấp thuận và ra Quyết Ðịnh liệt vào hàng Huynh Trưởng cấp Dũng" đã được sửa lại : "Hội Ðồng Huynh Trưởng Cấp Dũng xét và Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra Quyết Ðịnh liệt vào hàng Huynh Trưởng cấp Dũng".
- Nhưng ở điều 15, mục V này, câu : Trình bày luận án do Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chấp thuận...." vẫn được giữ nguyên, vì nhận thấy không có gì trở ngại và được như thế thì lại tăng thêm uy tín cho Huynh Trưởng trình luận án.
(25).- Năm 1973, thay vì Hội Ðồng Huynh Trưởng Cấp Dũng xét, Hội Ðồng này đã mời tất cả các Huynh Trưởng cấp Tấn họp tại Ðà Lạt để bình nghị và đề nghị những Huynh Trưởng xứng đáng thọ cấp Dũng lên Ban Hướng Dẫn Trung Ương qua sự đồng ý của Hội Ðồng Huynh Trưởng Cấp Dũng.
- Biên bản ngày 02.11.1973 của Hội Ðồng Ðặc Biệt (cấp Dũng) họp tại Sài Gòn : Hội Ðồng Ðặc Biệt do Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Ðình Phật Tử Việt Nam triệu tập đã nhóm phiên đầu tiên ngày 02.11.1973 tại Sài Gòn vào lúc 09 giờ 30 với thành phần tham dự sau đây :
- Anh Võ Ðình Cường (chủ tọa)
- Anh Lương Hoàng Chuẩn (thư ký)
- Chị Hoàng Thị Kim Cúc và Anh Tống Hồ Cầm (hội viên)
Sau khi thông qua chương trình nghị sự, trao đổi ý kiến về thể thức xếp cấp Dũng niên khóa 1973, Hội nghị đã đồng ý về các điểm sau đây :
a.- Yêu cầu Ban Hướng Dẫn Trung Ương lập sách tịch Huynh Trưởng cấp Tấn toàn quốc có đầy đủ chi tiết thành tích và ý kiến của các Ban Hướng Dẫn liên hệ.
b.- Theo Quy Chế Huynh Trưởng thì một trong những điều kiện để được lên cấp Dũng là: Huynh Trưởng cấp Tấn phải trình luận án, hoặc là một dự án được Hội Ðồng Ðặc Biệt chấp thuận. Nhưng cho đến nay, chưa có một anh chị em Huynh Trưởng cấp Tấn nào trình luận án hay dự án để được xếp Cấp. Nếu theo đúng điều kiện này thì sẽ không có một Huynh Trưởng cấp Tấn nào được lên cấp Dũng cả, mặc dù đối với các điều kiện khác thì một số anh chị em cấp Tấn đã hội đủ. Ðể bổ khuyết cho các điều kiện trên, Hội Ðồng Ðặc Biệt đề nghị với Ban Hướng Dẫn Trung Ương : triệu tập một Hội Nghị Huynh Trưởng cấp Tấn toàn quốc để bình nghị và đề cử một số Huynh Trưởng cấp Tấn có đầy đủ những điều kiện (trừ điều kiện luận án hay dự án) như Quy Chế Huynh Trưởng đã quy định và được 2/3 số phiếu thuận của Huynh Trưởng cấp Tấn hiện diện.
c.- Danh sách Huynh Trưởng cấp Tấn được chọn lựa sẽ chuyển lên Hội Ðồng Cấp Dũng xét và đề nghị Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra Quyết Ðịnh liệt vào hàng Huynh Trưởng cấp Dũng.
Sau khi không có ý kiến gì được nêu lên, chủ tọa tuyên bố bế mạc hội nghị lúc 11 giờ 30 cùng ngày. (chủ tọa và thư ký, ký tên).
(26).- Bắt đầu từ năm 1964, bốn tên Trại này đã được áp dụng trên toàn quốc. Những Tỉnh nào tự ý đặt tên riêng đều không được thừa nhận và vô giá trị khi xét cấp Huynh Trưởng. Các Huynh Trưởng đã dự qua các Trại Huấn Luyện Huynh Trưởng mà không phải các tên Trại trên đây, phải xin Ban Hướng Dẫn nơi tổ chức Trại xác định lại giá trị của Trại ngang với cấp nào và kèm theo hồ sơ Huynh Trưởng.
(27).- Từ năm 1974 đến 1976 là thời gian chuyển tiếp, để áp dụng toàn diện
Chương Trình Tu Học Huynh Trưởng. Khi xét cấp Huynh Trưởng, điều kiện này chưa phải bắt buộc. Thời gian chót là 06.05.1976.
(28).- Công việc song song với Ủy Viên Nội Vụ. Thư Ký Ủy Ban Quản Trị phải lập hồ sơ riêng.
(29).- Sau khi Ủy Viên Nội Vụ xác nhận lý lịch và tác phong.
(30).- Trên toàn quốc đã có thành lập các Ủy Ban Tương Tế cấp Tỉnh và Trung Ương, Ủy Ban này chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Trung Ương. Các Ủy Ban này chiếu theo biên bản Ðại Hội năm 1973, phải hoạt động từ 01.01.1974.
- Tại Trung Ương : Trưởng Ban Tương Tế do Ủy Viên Hoạt Ðộng Thanh Niên và Xã Hội kiêm nhiệm (theo biên bản Ðại Hội). Tuy nhiên, Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương vẫn có quyền chỉ định một Huynh Trưởng khác đảm nhiệm.
- Tại Tỉnh hay Thị Xã : như ở Trung Ương.
- Tại Ðơn Vị Gia Ðình : do một Huynh Trưởng kiêm nhiệm với sự đồng ý của Trưởng Ban Tương Tế Tỉnh.
- Các chức vụ khác như Phó Trưởng Ban, Thư Ký, Thủ Quỹ, Hội Ðồng Kiểm Soát tại mỗi Ban Tương Tế do Ban Hướng Dẫn đề cử hay Ban Huynh Trưởng công cử.

Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương.