Kỹ nghệ họa và máy nổ

 

Ở  trường  Cao thắng có môn Kỹ nghệ họa và Kỹ thuật học mà ban phổ thông không có.

         

Năm học lớp đệ ngũ dụng cụ, vì đinh ninh là sẽ đi làm thợ ở hãng Ba son tức là hải quân công xường, nên tôi phài cố thành thợ giỏi cho nên tôi chăm chú say mê cái môn vẽ kỹ thuật. Môn này do thầy Đặng dạy. Thầy có lối cắt nghĩa rõ ràng về cách bố trí hình vẽ cho cân xứng và đẹp.

         

Nào là nét to, nét nhỏ, luật phối cảnh 45 và 60 độ, cách cho kích thước, vẽ hát suya của thiết diện cắt, sau đó học về răng ốc, bù lon, khoen chêm, gu jong... Thầy Đặng khuyến khích chúng tôi chuyên về môn nầy.

         

Vì vậy tôi và thằng Đương ghi tên học tối ở lớp kỹ  nghệ họa, do bộ lao động tổ chức ở trường bình dân Bách Nghệ, cho người đi làm muốn trau dồi trình độ nghề nghiệp.

         

Lớp này do thầy  Đặng dạy ở trường chúng tôi. Quen thầy và quen với môn học, chúng tôi có nhiều tiến triễn trong môn học. Chúng tôi tốt nghiệp lớp này năm 1960.

         

Các bài vẽ trong lớp của tôi có tiếng là đẹp và thằng Vĩnh dùng máy chụp hình rửa ra hình nhỏ dùng làm bửu bối cho kỳ thi trung học sắp tới. Chúng tôi thi trung học ở trường Thực Nghiệp, bắt đầu bằng môn kỹ nghệ hoạ, ông  Nguyễn Ðược  Giám Ðốc nha Kỹ thuật học vụ đến khuyến cáo chúng tôi rằng đây là kỳ thi quan trọng không được cọp dê nhau làm mất giá trị bằng cấp đi. Ông vừa quay lưng, anh ngồi trước tôi quay lại lấy com pa đo cách bố trí bài vẽ của tôi. Ông  Ðược trông thấy ông nói:

         

- Anh kia, tôi vừa nói xong mà anh đã cọp dê, nếu tái phạm tôi đuổi anh ra ngoài và cấm thi. Nó chờ ông ta đi khỏi lớp rồi lại tiếp tục.

         

Tôi thích vẽ máy móc và tìm kiếm cách liên hệ của các bộ phận để chuyển động. Sau này khi học dự bị thi vào ENSM, tuy không biết tiếng Pháp nhiều nhưng tôi vẫn đứng đầu lớp trên sinh viên Pháp về môn kỹ nghệ họa.

 

Từ các hình vẽ kỹ thuật,tôi thích môn máy nổ do thầy Mão dạy. Thực hành có thầy Trọng dạy. Phần lý thuyết chúng tôi học giãn đồ và chu kỳ của máy 2 thì, máy 4 thì của động cơ xăng. Khi học xưỡng thì học trên máy 2 thì của xe Citroen 2 CV. Một anh bạn bất cẩn đổ xăng cho máy chạy, bất ngờ lửa bật lại bộ chế hoà khí khiến anh bị cháy tóc, thật hú vía và thi trên  máy xe GMC 4 thì, sợ nhất là lúc quay cho máy chạy nếu bất cẩn thì manivelle trở lại làm gẫy tay.

         

Tôi và  thằng Đương ḷại ghi tên đi học tối ở lớp máy nổ do bộ lao động tổ chức ở trường bình dân Bách Nghệ. Vì vậy chúng tôi quen cách tìm pan, kiểm soát đen-cô, cạo bu di, ráp thứ tự đánh lửa của xe 4 hay 6 bu-di. Lúc nầy tôi nghiệm ra chân lý của thầy Kiệt:

         

- Mấy cái thằng văn chương tầm bậy, nó chê tôi dốt văn chương, thử hỏi xe nó không chạy, đứng đó đọc thơ với văn xe nó có chạy không?  Tôi phải mở bu gi, cạo chấu xem có đìển, có xăng, may ra xe mới chạy được. Còn thơ thẩn thì chờ đến sang năm xe nó cũng không chạy.

         

Bộ chế hòa khí của ô tô là một bộ phận kỷ diệu. Nó chế ra hỗn hợp chất nổ của xăng dưới tia lửa của bu-di làm chuyển động tay quay của máy.

         

Tôi thường ví, các bộ phận của xe ô tô giống như cơ thể con người vì nó trài qua các giai đoạn sinh, trụ, hoại, diệt như người ta qua sinh, bệnh, lão, tử.

         

Cái bơm xăng như trái tim, bộ lọc gió như mũi, xăng như máu, bình điện như bộ óc, các khớp xương tay chân giống như bạc đạn hay vòng bi.

         

Mỗi sáng dậy, nếu bình ắc quy hết điển thì đời tàn rồi. Còn cái bơm trục trặc có chất bẩn thì có thể có vấn đề cho tim mạch.

         

Tôi có anh bạn có cái xe Peugeot 309, nó mỗi ngày đi hơn 250 km để tới sở làm, nó khoe tôi là xe nó chạy hơn 600 000 km mà máy vẫn không suy suyễn. Tuy nhiên tôi nói nó là máy có thể tốt xong bạc đạn hay vòng bi thì mòn phải thay đổi.

         

Người ta cũng vậy, có người cao tuổi vẫn còn khỏe, xong phần đông thì gối mỏi chân mòn theo định luật tự nhiên. Đến khi này, vấn đề bảo quản cái xe  là quan trọng và phài cho máy chạy luôn cho ắc quy còn điển.

         

Ngày nay kỹ thuật tăng tiến nhanh chóng, cho nên sự học xưa chỉ còn là kỹ niệm. Xe ô tô bây giờ chạy bằng điện và trong tương lai bằng hydrôgèn để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

         

Xe có đầy dụng cụ tính toán, kiểm tra xe thì dùng máy vi tính. Mỗi khi xe tôi nằm vạ thì chỉ có cách dẫn ra ga ra cho họ sửa. Khi nào nó đến giai đoạn chót của đời nó thì lại nhờ  ga ra kéo ra nghĩa địa ô tô.

 

Nguyễn Hoạt