Tôi học trường ENSM
Nguyễn Mạnh Hoạt
Trong lịch sử của trường Cao thắng, sau khi được cải tổ thành trường trung học Kỹ Thuật, trong giai đoạn 1961-1965, hai vị hiệu trưởng của trường là các Ông Cao Thanh Đảnh (1961-1964) và Nguyễn Tấn Phát (1964-1965) đều là kỹ sư ENSM. ENSM ở đâu và học gì ? Tôi cũng học ở trường này từ năm 1964 đến 1969.
Trường công lập ENSM (Ecole nationale supérieure de Mécanique) là tên của trường cao đẳng quốc gia kỹ sư cơ khí tọa lạc ở thành phố Nantes ở miền tây nước Pháp ngày nay thuộc miền Loire Atlantique.
Năm 1919 dưới sự phát triển của công nghệ , thành phố Nantes quyết định thành lập Institut polytechnique de l'Ouest (IPO) là Viện bách khoa kỹ thuật miền tây. Trường này bổ sung cho các trường đại học đã có như trường y khoa, viện khoa học, viện văn khoa. Tất cả các trường đều trực thuộc quản lý của đại học Rennes .
Trường IPO có mục đích đào tạo về ngành điện, cơ khí,hóa học, đúc kim. Quy định của trường như trường thị xã. Vị hiệu trưởng đằu tiên là Ông Aymé Poirson là giáo sư cơ khí ở đại học Lille 3. Năm 1926, IPO được quốc gia phê chuẩn là một trường đào tạo kỹ sư rất xưa và được công nhận bởi hội đồng danh xưng kỹ sư xứ Pháp. Ông Paul Le Rolland là giáo sư trường từ năm 1927 được bổ làm hiệu trưởng từ 1934 đến 1944.
Năm 1947, trường được nâng cấp lên hàng trường cao đẳng kỹ sư quốc gia ENSI (Ecole Nationale Supérieure d’Ingénieur) và trở thành trường ENSM và là một trong 3 trường đào tạo kỹ sư cơ khí của Pháp ENSMP ở Poitiers đào tạo kỹ sư cơ khí hàng không, ENSM Saint Étienne đào tạo kỹ sư cơ khí hầm mỏ.
Sinh viên có tú tài phổ thông thi trường ENSM phải học qua lớp dự bị Math Sup vả Math Spé rồi thi chung vào các ENSI, trúng tuyển thỉ theo thứ hạng mà chọn lựa. Ngoài ra trường có lớp dự bị đặc biệt (ASP) dành cho sinh viên có tú tài toán hay kỹ thuật học 1 năm thi vào trường và dành cho sinh viên ngoại quốc 10% số chỗ trong kỳ thi .
.
Từ năm 1944, đã có sinh viên Á châu đến học,mỗi năm có một hai sinh viên người Việt, khi ra kỹ sư đi làm giảng viên để học tiến sĩ hay đi lảm trong kỹ nghệ.
Tôi được học bổng quốc gia đi du học ở Pháp và đến Nantes năm 1964.
Khi đó tú tài kỹ thuật Việt được công nhận tương đương với tú tài kỹ thuật Pháp nên tôi được nhận vào lớp ASP của ENSM cùng với các bạn Cao thắng như Tòng, Luân, Mỹ.Chúng tôi có khoàng 12 sinh viên Việt Nam cùng học trong lớp tất cả không rành tiếng Pháp trừ anh Dũng đã học một năm ở Rennes.
Tôi học tiếng Pháp ở trường Cao Thắng từ lớp đệ lục như các môn phụ là công dân, hiệu đoàn, vẽ, âm nhạc vì hệ số không cao và không trọng yếu như toán, lý hoá, kỹ nghệ họa, kỹ thuật học...
Đến năm đệ nhất, chúng tôi có bà thầy người Pháp từ Alliance Française đến dạy, bà ta không nói tiếng Việt và hay kêu học sinh lên bảng để đàm thoại, tôi sợ phải ra trình diện và hay giấu mặt trong những lúc này. Người Mỹ càng ngày càng đông, và bắt đầu cho học bổng đi du học ở Mỹ và các xứ đồng minh như Úc, Tân tây lan.. cho nên tôi thích học tiếng Mỹ dễ hơn tiếng Pháp về tiếng nói và văn phạm.
Khi được cấp học bổng quốc gia, tôi định đi Mỹ học kỹ sư hàng hải ở Long Island nhưng vì không biết cách thức và thấy chi phí quá cao so với cái học bổng nghèo nàn của tôi, nên ý định này không thành. Vã lại ba tôi đã từng làm công chức thời Pháp vả rành tiếng Pháp nhân thấy thầy Đãnh đóng dấu đề là kỹ sư ENSM, thì ông cụ muốn cho tôi học cho ra như thầy và tìm được chỗ làm là quý rồi.
1964-sinh viên ở Nantes
Chương trình đại học đã khó mà không biết tiếng Pháp lại còn khó hơn. Môn nào cũng mới lạ với tôi.Toán, lý hoá khác hẳn chương trình tú tài, các danh từ khoa học thì chưa từng học, ba tôi phải gửi cho tôi sách danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn để hiểu bài giảng. Tụi sinh viên Pháp thì ít có vấn đề vì tụi nó đã học ở tú tài và là tiếng mẹ đẻ của tụi nó.
Tôi phải dịchbài tiếng Pháp sang tiếng Việt để hiểu, chỉ có anh Dũng theo kịp bài giảng còn tôi phải cọp dê nó. Chỉ có môn kỹ nghệ họa tôi đứng đầu lớp còn toán lý hóa thì bết bát. Buối trưa, không quen khí hậu tôi hay ngủ gật trong lớp,ông thẩy lắc đầu chán ngán. Sau này tôi phải uống cà phê cho tỉnh ngủ thành thói quen cho đến bây giờ.
Theo kinh nghiệm những khó khăn trở ngại gặp trong lúc đầu tiên đến học ở ngoại quốc, anh Xuân và chúng tôi lập ra hội Aí hưũ sinh viên (AEVN) để giúp đỡ sinh viên Việt Nam mới đến trong thủ tục, giấy tờ, tiếng tăm, chỗ ở, việc học.Anh Xuân làm chủ tịch, tôi làm tổng thư ký. Hội tổ chức hàng năm một buổi trình diễn văn nghệ Việt Nam để cho dân Nantais biết thêm về văn hoá Việt Nam vì họ chỉ biết chiến tranh ở Đông Dương và Điện Biên Phủ mà thôi.
Chương trình học có toán, lý hóa, quang học, ký nhệ họa, kỹ thuật học, xưỡng nguội, máy dụng cụ.
Sinh viên ngoại quốc thì có Việt Nam,Libanais là nhiều. Cuối năm thi thì lấy 50 sinh viên trên tổng số 110 dự thi, ngoại quốc được 5 chỗ và phải đậu trên người Pháp,năm này tôi đậu hạng 51 nên phải ở lại học thêm 1 năm. Tôi có thi vào trường ENEB ở Brest chỉ cần có tú tài là được thi, xong trượt toán lý hóa.
Tôi muốn rời xứ Nantes lên Paris học ở Louis Legrand để thi vào Polytechnique vì tôi được nhận vào Math Sup trường này.Ba tôi khuyên tôi ở lại học ở ASP vì đã quen sự học ở Nantes. Tôi vâng lời ba tôi ở lại Nantes.
Cái học bổng quốc gia toàn phần của tôi bị cắt vì thi rớt nên chỉ còn có phân nửa 200 francs không đủ trả tiền phòng ở cư xá và xe buýt. Tôi không có vé máy bay để vể thăm nhà và phải đi làm lặt vặt để kiếm tiền túi.
Năm 1965, tôi đã quen tiếng Pháp và đời sống bên tây nên việc học dễ dàng hơn. Tôi có anh binôm là Lemouroux, buổi trưa thường ôn toán trong công viên với nhau chờ giờ học cho nên chúng tôi thuộc lòng các công thức toán.
Sinh viên Pháp cũng hay chọc phá như bên nhà, tụi nó đi bắt cá chép trong công viên bên cạnh trường thả vào bồn thí nghiệm vào 1 tháng 4 để chọc thầy và thả nhiều cá trong hồ thí nghiệm tàu thủy. Tụi nó nói là để cho hồ nước được sống ̣̣động.
Một hôm, trước buổi thực tập hóa học, thằng Reynier khoác áo blu xanh làm xưỡng, đeo kính đen thợ hàn, nó đổ tất cả những chất hóa học vảo cái tộ lớn bằng đất nung, khói xanh bốc lên nghi ngút. Ông thẩy hoảng sợ hét lên:
- Trò làm cái gì vậy?
- Thưa thầy, thực nghiệm hóa học. Xong nó cười ha hả khoái chí.
- Trò phải ngừng lại, nguy hiểm lắm.
Cũng may không có tai nạn và phòng thí nghiệm không nổ!
Chuyện này làm tôi nhớ đến cái thời học ở Cao Thắng.
Tôi đậu hạng 6 vào ENSM cùng với Lê Văn Hoàn,năm này tôi cũng đậu vào ENS Chimie de Rennes. Tôi ra thi ở đại học khoa học Nantes và đậu được chứng chỉ toán lý hóa hạng bình thứ, khóa tháng 6 năm 1966. Tôi viết thư về nhà báo tin cho ba má tôi biết để nhà khỏi thấp thỏm lo ngại cho tôi. Như vậy tôi được yên chí đi nghỉ hè. Tôi đi học khóa giữ con nít ở trại hè (colonie de vacances) và thi đậu bằng moniteur de colonie rồi đi hè với đám trẻ con ở Trignac và trại hè ở Jarsy vùng Savoie.
Mấy anh Cao Thắng Luân,Mỹ, Tòng hỏng thi ra học IUT . Sau thằng Tòng lại vào ENSM với bằng DUT và ra kỹ sư năm 1973.
Lúc đó có vài người Việt ở trong trường anh Căn ra trường và đi CEA làm việc, anh Hạnh làm luận án tiến sĩ về vật liệu,Patrick Letort làm giảng viên về điện, anh Phú học năm thứ 3, anh này không có bằng kỹ sư.
Khi nhập học, tụi tôi nhận được cái mũ ca lô của trường ENSI với huy hiệu ENSM khóa 19. Theo truyền thống,tôi có anh Mainguenau học năm thứ hai đỡ đầu. Anh này bán sách vở cũ cho tôi và phải giúp đỡ tôi trong việc học.
Năm đó hiệu trưởng là ông Pironneau là giáo sư cơ học đại cương của chúg tôi.Ban giảng huấn có các thầy Lesquin dạy toán đại số - Caillet dạy quang học- Gobin dạy kim học- bà Offret dạy điện- Denoel dạy kỹ nghệ họa - Perreau kỹ thuật học, ông nẩy là tổng giám xưởng-Moulin dạy nguội- Lucas dạy tiện- Tardy dạy sức chịu đựng của vật liệu RdM.
Tụi năm thứ nhất phải chuẩn bị một tối ga la làm lễ đở đầu cho khóa chúng tôi. Chủ đề là nhân vật gaulois Astérix và Obélix, chúng tôi cải trang theo lối cổ của gaulois và diễn hành ở place Commerce để quảng cáo cho tối ga la. Trung tá hải quân Éric Tabarly là vị đở đầu cho khóa chúng tôi, ông nầy rất danh tiếng vì vừa thắng cuộc đua xuyên Đại tây dương độc hành. Khóa 19 có 110 sinh viên với 2 nữ sinh.
Tối hôm ga la thì nam thanh nữ tú xứ Nantes ăn mặc chỉnh tề đến khiêu vũ hoặc nghe văn nghệ. Mấy ông thầy cũng ra nhẩy đầm, ga la kéo dài suốt đêm.
Chỉ có 2 nữ sinh trong lớp nên mấy anh nam luôn luôn bu quanh như ruồi, khi làm xưỡng thì họ tranh nhau giúp người đẹp cho khỏi hư móng tay.Trong giờ điện thì 2 cô ngồi dũa móng tay tán gẫu với mấy anh ồn ào như cái chợ làm bà Offret nổi nóng bỏ lớp ra ngoài khiến họ phải đi xin lỗi mãi mới thôi.
Tôi vào học năm thứ hai tháng 9 năm 1966.Khác với năm thứ nhất học đại cương chung cả lớp, năm nay chúng tôi phải chọn một ban chuyên môn : Génie Civile, Génie Mécanique, Informatique Automatisme, Chimie Métallurgie và Navale. Tôi chọn Génie Mécanique chuyên về máy móc, cơ khí.
Chương trình có nhiều môn mới như Mécanique des fluides- Mécanique des vibrations- toán giải tích- polynômes hàm số- Thermodynamique- Mécanique ondulatoire- Propagation des Ondes- Métallurgie- Informatique- Hyperstatique và stabilité -Xưởng học kỹ thuật hàn, máy móc ,cách thiết kế chế tạo.
Chúng tôi có học vể luật xã hội và cách tổ chức xí nghiệp, công nghệ.
Năm nay chúng tôi là người lớn ,tôi đỡ đầu cho một sinh viên mới là Musseau.Tụi cũ tổ chức đón sinh viên mới bằng cuộc du ngoạn du thuyền trên sông Sèvre,mấy thằng bạn tây biết tôi không hề uống rượu, tụi nó phục rượu cho tôi uống muscadet say mèm rồi vực tôi về phòng , quăng tôi lên giường ngủ khò. Sáng hôm sau cả trường biết tin.
Về thực tập thì chúng tôi có tổ 3 thằng, tôi là Moreau , Kéromnès và tôi.
Hè năm 1967, tôi và thằng Tòng đi Thône giữ trẻ con với Thọ Lộc làm giám đốc.
Tôi nhập học năm thứ 3 cũng là năm cuối ra kỹ sư.Năm này thì các môn học tổng quát ít đi, chúng tôi làm nhiều đồ án và nghiên cứu. Cuối năm phải đi thực tập 3 tháng trong xí nghiệp. Các môn học năm này là Mécanique quantique , Mécanique statistique , Kỹ thuật lạnh , Hydraulique , Physique du métal,Électrotechnique.
Đầu năm 1968, bên nhà có biến cố Tết Mậu thân 31-1-1968 , tôi lo lắng cho gia đình và thằng em út đang học tú tài. May sao nhà vẫn bình an vô sự. Chúng tôi theo dõi tình hình bên nhà bằng radio, TV của Pháp.
Tháng 5, sinh viên ở Pháp lại bảỉ khoá phản đối sự chuyên chế của tổng thống De Gaulle. Tiếp theo là cuộc đình công trong xí nghiệp và lan ra toàn xứ Pháp làm tê liệt kinh tế và xã hội trong nhiều tháng.
Tổng thống De Gaulle tù chức và Pompidou lên thay thế.
Tôi đi thực tập xí nghiệp ở hãng Paris từ tháng 9 đến tháng 11 ở Nantes, hãng này là xí nghiệp lớn với 700 nhân viên chuyên làm về cơ sở kim loại như cột truyền thông, xườn sắt cao ốc.Tôi làm phòng kỹ thuật với kỹ sư Auzel và 3 nhân viên. Giám đốc hãng là Daniel Tardy là thầy tôi ớ ENSM. Tôi ngõ ý muốn làm luận án với ổng sau kỹ sư thì ông nhận ngay vì anh Hạnh là học trò giỏi của ổng vừa ra tiến sĩ quốc gia và đang là giảng viên trong trường.
Nhưng vì không rõ thể lệ học tiến sĩ nên tôi ghi tên học chứng chỉ cao học AEA ở đại học khoa học, môn vật liệu RdM không có AEA.Em trai út của tôi đậu tú tài hạng tối ưu và được học bổng đặc biệt đi du học, nó chọn xứ Pháp.
Tình hình bên nhà trở nên rối loạn .Tháng 6 năm 1969, trong vùng kiểm soát của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam đă diễn ra Đại hội đại biểu quốc dân và thành lập ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, do Huỳnh Tấn Phát làm chủ tịch và Hội đồng Cố vấn do Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Các tướng Kỳ Thiệu tranh dành quyền lực. Tướng Thiệu được Mỹ đưa lên cầm quyền năm 1967, ông ta không có đủ khả năng lănh đạo. Tất cả các chính sách đều do Mỹ soạn thảo, đôn đốc thực hiện.
Tôi ra kỹ sư và đậu AEA năm 1969. Không có hy vọng về làm việc bên nhà vì tình hình khó khăn, thằng em tôi ra kỹ sư công chánh của Tân Tây Lan năm 1968 về nhà chỉ được đi dạy Anh văn và phải đi Thủ Đức 6 tuần lễ, như vậy đi du học làm gì ? Ở bên nhà còn có thể lên tướng tá như anh Vỹ lên đến trung tá.
Vã lại còn em tôi đang gặp khó khăn lúc đầu như tôi, thôi thì học thêm nữa cho có kinh nghiệm thêm của tây phương.Có cao học AEA vật lý kim loại, tôi học tiếp bằng cao học DEA với bà Offret là giám đốc ban vật lý kim loại, và bà ta đã tìm công việc là cộng tác viên kỹ thuật ở IUT với lương bổng để sinh sống.
Trường ENSM mới trang bị máy phân tích vật liệu microsonde de Castaing, bà Offret giao cho tôi trách nhiệm quản lý phòng phân tích vật liệu cùng với máy hiển vi điện tử microscope électronique. Tôi làm việc với tất cả các nhà nghiên cứu của đại học Nantes và các kỹ nghệ gia trong vùng và đồng thời chọn đề tài luận án tiến sĩ kỹ sư.Vấn đề này không dễ vì chủ đề phải duy nhất trong toàn cầu và chưa có ai viết đề tài đó.Tôi bắt đầu viết bài khoa học in trong Annales ENSM năm 1971 và thuyết trình trước các nhà nghiên cứu khoa học trong hội nghị ở Lannion tháng 6 năm 1972. Sau đó thì viết bài in trong Comptes rendus Hàn lâm viện khoa học và ra luận án năm 1974.
Thời này không thể về nhà được vì Mỹ đã rời miền nam,tổng thống Thiệu chạy qua Đài Loan và nước mất giờ nào không biết được. Tôi lo cho má và em gái út của tôi không biết sẽ sống ra sao, bỗng nhiên má tôi được qua Bỉ với người em họ tôi làm thư ký cho đại sứ Nguyễn Phú Đức. Tôi gửi trợ giúp cho em gái tôi cho nó xin đi du học tự túc ở Canada dù rằng nó đương học năm thứ hai trường dược.
Sau luận án tôi ra làm việc trong kỹ nghệ ô tô ở Easton Cop.Khoảng năm 1989 tình cờ gặp lại bà thầy Offret, bà ta đề nghị cho tôi dạy môn Assurance Qualité cho sinh viên năm thứ 3 ở ENSM.
Năm 1991, trường ENSM gia nhập vào tổ trường Centrale và lấy tên là trường Centrale ở Nantes ECN và nâng cấp thi chung với các trường Centrale-Supélec gồm có École centrale Paris, École centrale de Lyon et École centrale de Lille.
Ông giám đốc đối ngoại muốn làm cái lô gô cho trường và chọn hình con hippocamp với danh từ bầng nhiều thứ tiếng. Tôi nói tiếng Việt tôi là con "hải mã" vì ENSM có chuyên ngành hàng hải.
Nước Việt ta có bờ biển dài hơn 2200 km thì cái kỹ nghệ thiết bị hàng hải thành quan trọng. Nhân trường tôi có chuyên ngành về môn này thì có thể hữu ích cho nước ta và viện thiết kế hàng hải vừa chuyển đến Nantes và tôi đang dạy trong trường.
Nghĩ thế, tôi đề nghị với ông hiệu trưởng Vaussy là thầy cũ của tôi là nên hợp tác song phương với Đại học bách khoa Đà Nẵng để trao đổi giáo sư và sinh viên. Ông ta chấp nhận ngay và giao cho tôi trách nhiệm giao tiếp và chuấn bị mọi công việc.
Năm 1993 trường ENSM đề cử tôi đi làm hội thảo về cơ khí ở đại học bách khoa Đà Nẵng. Tiếp đón chúng tôi lả anh Bùi Văn Gà đang làm giám đốc đối ngoại ở đại học này. Sau đó tôi đề nghị với ông viện trưởng là Phan Kỳ Phùng việc hợp tác giữa ECN và Đại học bách khoa Đà Nẵng thì ông ta cũng tán thành đề nghị của tôi và ông đi sang Nantes thăm trường chúng tôi. Nhưng cái dự án này không thực hiện được vì gặp phải thủ tục khó khăn.
Tôi về lại Sài gòn bây giờ là thành phố Hồ chí Minh và gặp lại các bạn cũ Đán, Minh Trần, Lộc Huỳnh, anh Á là anh thằng Việt.Tôi về thăm trường cũ ,được thầy hiệu trưởng Võ Hồng Thái, Kỹ sư ô-tô, cùng với thầy Lê Xuân Lâm trưởng phòng đào tạo dẫn đi viếng trường và phòng truyền thống,do vậy tôi được biết là có nhiều nhả lãnh đạo đã từng học ở Cao Thắng.Thiết bị và các nhà học không có gì thay đổi và tôi tìm cách giúp đỡ thiết bị cho các em theo kịp kỹ thuật mới.
Năm 2003, hiệu trưởng Chedmail ở Central Paris đến thay cho ông Vaussy thì tôi cũng ngưng dạy ở ECN.
Cái học kỹ thuật ở ENSM và ở Cao Thắng đã mang lại cho tôi kiến thức căn bản về khoa học nhưng điều quan trọng là tôi biết thực tế chữ hành khác vởi cái học phổ thông chỉ học mà không hành. Thêm một lời nói của thầy cô ngoài bài giảng làm thay đổi cách ứng sử của tôi ở đời.