LĂNG NGHIÊM THIỂN DỊCH

 

QUYỂN MỘT

 

            Nghe nói hơn hai ngàn chín trăm năm trước, phía ngoài thành Phong Đức thuộc nước Kiều Tất La miền trung Ấn Độ, có một ngôi vườn Kỳ thụ Cấp Cô Độc, trong vườn có một toà nhà gọi là tịnh xá Kỳ Hoàn, đức Thế tôn trú tại tịnh xá này, theo ngài còn có một ngàn hai trăm năm mươi vị xuất gia giảng kinh luận đạo, chư vị xuất gia ấy đều đã chứng đắc quả vị A La Hán, không còn bị rơi vào luân hồi sống chết, có thể nói rằng chư vị đang ở trong ngôi nhà của Pháp vương, giữ chánh pháp của Pháp vương. Tuy đã giải thoát khỏi hai mươi lăm cảnh giới phàm phu nhưng vẫn ở trong cảnh giới phàm phu, có uy lực đáng sợ, có nghi biểu như con voi chúa hỗ trợ tuyên dương chánh pháp, kế thừa di ý của Thế tôn, nghiêm giữ giới luật, thân tâm thanh tịnh, xứng đáng là những vị đạo sư của chúng sanh  trong ba cõi, biến hiện vô số thân để cứu  độ chúng sanh thoát khỏi mọi khổ đau. Đối với đời sau, chư vị cũng đã bạt trừ̀ mọi gốc rễ khổ đau, vượt ra khỏi mọi hệ luỵ phiền não trần lao. Trong số đó có các vị nổi tiếng nhất là tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, tôn giả Câu Hy La, tôn giả Mãn Từ Tử, tôn giả Tu Bồ Đề, tôn giả Ưu-Ba Ni Sa Đà. Lại còn có vô số vị Duyên giác, Độc giác cùng vô số học giả sơ, nhị, tam, tứ quả từ phương khác, sau chín mươi ngày an cư kiết hạ đều đến trước đức Phật tham gia đại hội kiểm thảo. Lại còn có chư vị Bồ tát trong mười phương thế giới không thể nào đếm xiết cùng kéo về tham dự đại hội chẳng khác nào sóng triều dâng. Tất cả chư vị đều cung kính thỉnh cầu đức Phật giải đáp các vấn đề sâu xa khó giải quyết. Đức Đại giác Thế tôn liền lấy toạ cụ, ngồi xuống với dáng dấp ung dung tự tại nhìn vào quần chúng của đại hội rồi Thế tôn giảng nói nghĩa lý mầu nhiệm cao sâu. Thế tôn dùng Phật pháp để mời khách khiến mọi người đều no đủ bởi pháp vị, đầy đủ niềm vui từ chánh pháp, quả thật là một đại hội vô cùng hy hữu. Khi ấy âm thanh của đức Phật giống như  âm thanh của con chim tiên Ca Lăng Tần Già, hoà nhã vui  tai vang vọng cùng khắp mười phương thế giới. Trong hội Lăng Nghiêm trang nghiêm long trọng ấy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là một trong những nhân vật tối xuất sắc.

            Lúc ấy, nhằm ngày mười bốn tháng bảy cũng là ngày kỵ phụ vương của vua Ba Tư  Nặc nước Kiều Tất La nên nhà vua đã chuẩn bị nhiều loại thức ăn danh quí, chính nhà vua cung thỉnh đức Thế tôn cùng chư vị đại Bồ tát đến cung đình để cúng dường, khiến cho hương linh của vua cha nhận được sức mạnh gia bị của Thế tôn sớm được giải thoát. Đồng thời ở trong thành còn có các vị trưởng giả, cư sĩ cũng muốn trai tăng đang chờ đức Phật quang lâm. Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi phân biệt xuất lãnh một số Bồ tát và A La Hán đến các gia chủ nhận sự cúng dường.

Chỉ có tôn giả A Nan đã được các gia chủ  mời trước đó, khi tôn giả trở về tịnh xá, do vì đường xa nên không thể theo kịp chúng tăng. Khi ấy không có vị Thượng Toạ, cũng không có vị A Xà Lê cùng đi, các vị thí chủ trong ngày hôm ấy đều biết rằng Quốc vương và đại thần đang thỉnh mời đức Thế tôn thọ thực nên không có người trở lại mời tôn giả. Tôn giả A Nan chỉ còn tiếp tục lệ thường vào thành Phong Đức thát bát, gõ cửa xin ăn.

Với cái nhìn của tôn giả A Nan, cho rằng đi khất thực là để cho người khác gieo trồng phước đức, giúp cho người khác được gieo trồng phức đức là tâm từ bi; tâm từ bi thì không nên phân biệt nhà này thuộc dòng tộc nghèo khó , nhà này thuộc quý tộc nhà kia thuộc hạ tiện .Đối xử với mọi nhà nhất luật bình đẳng thì mới hợp với bổn ý của Phật. Hôm nay chỉ cần một thí chủ sau cùng có cơ hội bố thí là có thể thành toàn công đức bố thí của mọi người. Tôn giả A Nan cũng biết rằng bạn đồng học của tôn giả là Đại Ca Diếp thì bỏ người giàu đến với người nghèo, còn tôn giả Tu Bồ Đề thì bỏ người nghèo đến với người giàu đều đã bị đức Phật quở trách nói rằng thân thế họ là La Hán mà tâm địa không bình đẳng. Nhân đó, tôn giả A Nan muốn vâng theo lời dạy của Thế tôn về bình đẳng đại bi quán, biểu hiện ra cái trí vô phân biệt của tự thân để tránh khỏi khi nhàn rỗi mọi người lời ra tiếng vào không cần thiết. Vì thế hành động của tôn giả A Nan hôm ấy là đặc biệt cẩn trọng. Tôn giả một  mực di chuyển, dọc đường đi qua các hào thự phía ngoài thành thì đường sá không còn gồ ghề , dần dà tôn giả bước vào thành,  tôn giả cúi đầu, chỉnh lý lại y phục, kiểm điểm  nghi dung, đó là những công việc cần chú ý khi đi khất thực.

Nào ngờ, chính  trong thời điểm ấy, tôn giả đi ngang nhà của một dâm nữ  bán rượu  liền bị Bảo Kê Đề, con gái của đại ảo thuật gia Ma Đăng Già sử dụng tà chú tiên Phạm thiên khiến cho tôn giả không làm chủ được bản thân, cô ta đưa tôn giả vào hương phòng. A Nan vốn là một vương tử, tướng mạo lại giống đức Phật, đầu tròn trịa, khuôn mặt đầy đặn, dáng dấp uy nghi nên đã bị cô gái Bảo Kê Đề sớm chú ý, nay chẳng khác nào con sơn dương vào hang cọp, dù có muốn bảo toàn giới thể là việc không dễ dàng làm được! Trong cái thời điểm ngàn cân treo sợi tóc ấy, bỗng nhiên Bồ tát Văn Thù Sư Lợi xuất hiện như là cứu binh.

Bấy giờ cũng là lúc đấng Đại giác Thế tôn đang hoan hỷ thọ thực, đột nhiên ngài thấy trong người khác lạ, Thế tôn biết ngay A Nan đang nằm trong tay con gái của Ma Đăng Gìa. Sau khi Thế tôn thọ thực xong, Ngài muốn quay về tịnh xá ngay. Các vị  quốc vương, đại thần trưởng giả cũng muốn theo hầu Thế tôn về tịnh xá để  nghe Thế tôn thuyết pháp. Chính trong thời điểm ấy từ trên đảnh đầu Thế tôn phóng ra một luồng hào quang trăm sắc vô uý, trong luồng hào quang hóa hiện một đóa sen ngàn cánh. Trên đài sen có một vị Phật ngồi kiết già, miệng liên tục niệm chú. Thế tôn bảo Văn Thù Sư Lợi dùng thần thông phi hành đến trước. Bồ tát Văn Thù đến hương phòng của cô gái Bảo Kê Đề, cứ vậy mà niệm chân ngôn, cái gọi là tà chú của Phạm thiên tức thời tiêu tan ngay ma lực làm  mê người. Thật đáng thương cho A Nan được Văn Thù Sư Lợi che chở đưa về tịnh xá, còn cô  gái Bảo Kê Đề thì đuổi theo, chẳng bao lâu cũng đuổi theo kịp.

A Nan trở về tịnh xá vừa nhìn thấy đức Phật, tôn giả lập tức năm vóc gieo xuống đất vừa đánh lễ vừa khóc, tự hận mình từ nhiều kiếp trước đến nay chỉ biết  tham cầu đa văn nhưng lại chưa từng tu tập để hôm nay xem như vứt bỏ công đức của năm trăm năm trước. Khi ấy A Nan vô cùng hối hận, tôn giả dồn hết tâm thành khẩn thiết thỉnh vấn Như Lai trong mười phương làm thế nào để tu thành Phật đạo. Đức Phật nói về ba pháp môn lớn, đó là các pháp môn Xa Ma Tha, Tam Ma Bát Đề và Thiền Na, bước đầu  tiên tu tập nên hạ thủ công phu như thế nào, Tôn giả A Nan vừa  đặt câu hỏi với đức Phật, thì ra vô lượng Bồ tát cùng chư vị A La Hán, Bích Chi Phật trong mười phương ai nấy đều khẩn cầu  Thế tôn rủ lòng từ bi chỉ bày.

Khi ấy, đức Phật ở  giữa hội chúng, với lòng từ bi vô lượng, ngài duỗi cánh tay màu vàng xoa vào đảnh đầu A Nan, khiến cho tôn giả có cảm nhận sức mạnh gia trì và an ủi, rồi Thế tôn dạy: Này A Nan! có cái gọi là pháp môn Tam Ma Địa tên là Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Vương, đầy đủ vạn hạnh. Như Lai trong mười phương đều  dựa vào pháp môn ấy mà vượt qua khỏi sống chết, đạt đến con đường lớn đại trang nghiêm, ông hãy lắng nghe!

Tôn giả A Nan được Thế tôn hứa khả liền đảnh lễ rồi ngồi xuống lắng nghe.

Thế tôn dạy: Như Lai với ông tuy không phải anh em ruột thịt, nhưng đều là đời sau của một ông nội nên  có tình nghĩa như anh em. Hôm nay Như  Lai thử hỏi ông, khi ông mới phát tâm, ông thấy những gì mà quyết tâm xả bỏ cả cha, mẹ, từ bỏ ân ái của vợ con theo Ta xuất gia?

           Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn! Con thấy ba mươi hai tướng tốt của Thế tôn không giống với hạng phàm phu trên cuộc đời này; thân thể của Thế tôn trong ngoài đều trong sáng như màu ngọc quý, con đã từng suy tưởng tướng mạo của Thế tôn quyết chẳng phải từ ái dục mà sinh. Do vì từ ái dục mà sinh thì dơ dáy,  tanh hôi chen với máu mủ thì chắc chắn không được thanh tịnh, sáng suốt, thù thắng, nhiệm màu như màu vàng thẳm chói cùng tụ hội vào một thân tướng của Thế tôn. Con vô cùng yêu thích tướng tốt của Thế tôn nên con theo Thế tôn xuất gia. 

Đức Phật dạy: Đúng rồi! Này A Nan! ông nên biết, hết thảy chúng sanh, từ vô thỉ đến nay sanh rồi lại chết, chết rồi lại sanh, cứ sống chết liên tục không ngừng giai do vì không biết cái  chân tâm thường trụ,̣ cái tâm ấy xưa nay vốn thanh tịnh, trong sáng linh minh, mãi mãi không bị hoại diệt. Ngược lại nhận lầm cái ý thức  suy nghĩ lung tung rồi cho nó là cái chân tâm, do vậy mà có luân hồi sống chết. Nay ông muốn nghiên cầu đạo vô thượng giác, phát huy cái chân tâm vốn có phải không? Thì hãy suy nghĩ kỹ càng  rồi hãy  trả lời những vấn đề của Như Lai. Như Lai trong mười phương đều có khả năng thoát khỏi luân hồi, sống chết, đều cùng một con đường chính, đều trung thực. Cái tâm nếu trung thực thì nói năng  cũng trung thực. Cứ như vậy mà tu hành thì có thể từ sơ phát tâm cho đến thành Phật, còn chặng giữa không còn sợ phát sinh ma chướng, ngoài ý muốn.  Này A Nan! Như Lai lại hỏi ông, khi ông mới phát tâm, vì phan duyên với ba mươi hai tướng  của Như Lai, ông dùng cái gì để thấy? Dùng cái gì để mà yêu thích?

Tôn giả A Nan bạch Phật: Bạch Thế tôn! con dùng cái tâm và con mắt. Do con mắt của con mà nhìn thấy tướng tốt của Thế tôn; sau đó, tâm của con mới yêu thích Thế tôn.

           Phật dạy tôn giả A Nan: Chiếu theo lời ông nói, sự  yêu thích của ông là do tâm  với con mắt. Thế thì, nếu ông không tìm ra tâm với mắt của ông ở chỗ nào  thì không thể phá trừ phiền não. Ví như một ông vua mà đất nước của vị vua ấy bị quân thù xâm lược, đã là vua một nước thì phải ra quân ứng chiến, quân lính của nhà vua phải biết quân địch ở chỗ nào. Hiện tại ông bị lưu chuyển trong sống chết luân hồi chính là do tâm với mắt. Tâm với mắt cũng như quân thù. Thế thì Như Lai hỏi ông, tâm với mắt của ông ở  chỗ nào?

Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn, thế gian có mười loại chúng sanh  đều chỉ đến cái tâm ở trong thân, tâm của Phật đương nhiên cũng ở trong thân, còn mắt của mười loại chúng sanh thì ở trên mặt, cho nên mắt của Thế tôn há lại không phải ở trên mặt của Thế tôn. Trước kia Thế tôn từng nói: Mắt là phù trần căn, cái gọi là phù trần căn đó là sắc trần, hương trần, vị trần và xúc trần nên căn thành tựu. Hiện tại con thấy bốn  loại  phù trần ấy mà thành tựu nhãn căn ở trên mặt của con. Do đó mà biết cái tâm của con đương nhiên cũng ở trong cái thân của con.

Đức Phật hỏi: Này A Nan! Ông ở trong giảng đường này thấy vườn Kỳ Đà hiện ở chỗ nào? 

Tôn giả A Nan  trả lời: Giảng đường này ở trong vườn Cấp Cô Độc, còn rừng Kỳ Đà thì ở ngoài giảng đường.

Đức Phật hỏi: Ông ở trong giảng đường trước hết ông thấy gì?

Tôn giả A Nan trả lời: Trước hết con thấy Thế tôn, thứ đến con thấy đaị chúng, nhìn ra bên ngoài  con mới thấy vườn rừng.

Đức Phật hỏi: Nhân cái gì mà ông thấy vườn rừng?

Tôn giả A Nan trả lời: Nhân các cửa của giảng đường mở ra, thân con tuy ở trong giảng đường cũng có thể nhìn ra xa thấy vườn rừng.

Đức Phật hỏi: Theo như lời ông nói, nhân vì các cửa mở, thân ở trong giảng đường cũng có thể nhìn ra xa  thấy vườn rừng. Thử hỏi có hạng người như thế không, thân thì ở trong giảng đường, không thấy Như Lai, ngược lại, thấy sự vật ở bên ngoài giảng đường?

Tôn giả A Nan thưa: Không! Thân ở  trong giảng đường, không thấy Như Lai mà lại thấy vườn rừng con cho rằng không hợp đạo lý.

Phật dạy: Này A Nan! Ông chính là như vậy; cái tâm của ông có khả năng liễu tri hết thảy, nếu như cái tâm của ông có khả năng liễu tri hết thảy, thực tế nói về những gì ở trong thân thì trước hết ông phải liễu tri những gì ở trong thân ông chứ! Thử hỏi có hay không có hạng  người như vậy, trước hết  thấy những gì ở trong tự thân, sau đó thì  mới thấy sự vật ở  bên ngoài? Nói trở lại, tuy không nhất định nhìn thấy móng tay như thế nào sinh, lông tóc như thế nào dài, gân cốt như thế nào chuyển động, huyết mạch chảy như thế nào, ít nhất thì cũng phải biết một chút chứ? Tại sao lại hoàn toàn không biết? Đã hoàn toàn không biết những gì ở bên trong mà lại biết những gì ở bên ngoài? Này A Nan! ông nên biết, ông vừa nói rằng: Cái tâm năng giác, năng liễu, năng tri của ông ở trong thân là không đúng!

Khi ấy  tôn giả A Nan bị đức Phật phản bác liền hướng về Thế tôn đãnh lễ rồi thưa: Hiện tại, con nhờ nghe  pháp âm của Thế tôn nên mới ngộ ra rằng cái tâm của con là ở ngoài thân. Vì sao? ví như ngọn đèn ở trong phòng, chắc chắn trước hết là sáng trong phòng, từ cửa sổ mở ánh đèn mới chiếu ra phía ngoài phòng; thế thì, hết thảy chúng sanh đều không thể nhìn thấy bên trong tự thân mà chỉ nhìn thấy bên ngoài thân, cũng như ngọn đèn không chiếu sáng trong phòng mà chiếu sáng ngoài phòng, thế thì đương nhiên không thể chiếu sáng trong phòng. Như thế thì hình như  còn có một chút nghĩa lý, đại khái là không bị nhầm lẫn  và không sai mấy so với ý của Thế tôn?

Đức Phật nói với tôn giả A Nan: Ông nhìn số người này, vừa rồi không theo Như Lai cùng vào thành khất thực sao? Bây giờ Như Lai trở về rừng Kỳ đà thì đã quá ngọ không được phép thọ thực. Ông hãy suy nghĩ xem, giả như có một người ăn cơm thì bụng của những người khác có no không?

A Nan đáp: Không! các vị ấy tuy đều là A La Hán nhưng chư vị vẫn còn nhục thân, cần nương vào ăn uống  để nuôi thân. Mỗi vị có thân thể riêng, người này không giống người kia thì làm sao một người ăn cơm mà mọi người đều no được!

Phật dạy: Nếu  cái tâm năng giác, năng liễu, năng tri, năng kiến của ông thực tế ở ngoài thân, thân dĩ nhiên  là ở ngoài nhưng  tâm lại cũng ở ngoài, thế là cả thân, tâm cũng ở ngoài, cái này, cái kia không quan hệ nhau, cái mà thân biết thì tâm cũng không biết, cái mà tâm biết thì thân cũng không biết, cũng như anh A ăn cơm, anh B không thể nào no bụng. Bây giờ Như Lai đưa cánh tay lên để ông nhìn, ông có nhìn thấy không? Giả như nhìn thấy, phải chăng là do cái tâm của ông biết?

A Nan trả lời: Bạch Thế tôn! Mắt đã nhìn thấy thì đương nhiên tâm cũng hay biết.

Phật dạy: Nếu là tâm với mắt  đồng thời cũng hay biết, sao ông lại nói tâm ở ngoài? Này A Nan! Ông nên hiểu rõ, ông nói cái tâm năng tri, năng giác, năng liễu  và năng kiến của ông ở ngoài thân là không hợp đạo lý.

           Tôn giả A Nan bị đức Phật phản bác, lại nghĩ ra lý luận, tôn giả thưa: Bạch Thế tôn, theo như lời Thế tôn nói, thứ nhất cái tâm không thấy trong để chứng minh tâm không ở trong; thứ hai, thân với tâm đồng thời cũng biết thì cái này cái kia không cách ly nhau để chứng minh tâm không ở ngoài. Bây giờ theo cách nhìn của con thì tâm ở một chỗ.

           Đức Phật hỏi: Tại chỗ nào?

A Nan trả lời: Cái tâm năng liễu, năng tri ấy,  tuy không thể biết trong nhưng lại thấy ngoài, xem ra nó ở nơi con mắt. Vì sao? Ví như có người lấy tấm kiếng lưu ly che trước hai mắt, hai con mắt  tuy bị tấm kiếng pha lê che nhưng vì kiếng pha lê không gây chướng ngại cho hai con mắt. Chính là nói cái tâm tiềm tàng ở trong mắt, nhưng nhãn căn không hề chướng ngại tâm. Tuỳ lúc, có cái gì đó tiếp xúc với nhãn căn, tuỳ lúc có cái gì đó tiếp xúc với tâm. Nhãn căn vừa nhìn thấy cái gì đó tâm liền phân biệt ra ngay. Nhân đó, cái tâm năng giác, năng liễu, năng tri của con, vì sao lại không thấy trong, do vì ở trong con mắt, chứ không phải ở trong bụng. Lại vì sao mà thấy ngoài, do vì tâm tuy tiềm tàng ở trong mắt, nhưng lại không bị nhãn căn chướng ngại.

Đức Phật hỏi: Theo ý của ông, thì tâm tiềm tàng ở trong mắt, cũng như đem tấm kiếng pha lê che mắt, đương nhiên mắt vẫn nhìn thấy, chẵng hiểu mắt có nhìn thấy kính pha lê không?

           A Nan đáp: Bạch Thế tôn thấy! Tuy kính pha lê che hai mắt, mắt vẫn có thể nhìn thấy kiếng pha lê.

Đức Phật hỏi: Tâm của ông tiếp xúc với nhãn căn, rồi nhãn căn tiếp xúc với kiếng pha lê, khi nhãn căn của ông nhìn thấy núi, sông, đại địa lại nhìn thấy cả nhãn căn thì nhãn căn cũ̀ng là ngoại cảnh? Còn như tâm của ông, khi nhìn thấy núi, sông, đại địa nhưng lại không nhìn thấy nhãn căn thì tại sao ông lại nói cái tâm năng liễu, năng tri của ông tiềm tàng ở trong mắt rồi so sánh với tấm kiếng pha lê che mắt? Do đó mà biết rằng, lời của ông nói cái tâm năng giác, năng liễu, năng tri của ông tiềm tàng ở trong mắt cũng giống như tấm kính pha lê lại không hợp đạo lý nữa rồi.

Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn! Bây giờ con lại suy nghĩ, cái thân của chúng sanh, tạng phủ thì ở bên trong, còn chín khiếu thì ở bên ngoài, tạng là tàng có tàng thì có tối, có khiếu thì có sáng, con đang đối diện với Thế tôn tức là mắt mở, khi mắt mở, khiếu liền mở do đó mà thấy sáng có thể nói là thấy ngoài, nhưng khi nhắm mắt khiếu liền khép lại, do vậy thấy tối có thể gọi là thấy trong. Con thưa như vậy, bạch Thế tôn thấy như thế nào?

Phật dạy: Khi ông nhắm mắt liền thấy tối, khi thấy tối, cái cảnh tối ấy với nhãn căn của ông có đối đãi không? Nếu là đối đãi, chẳng qua chỉ là tối ở trước mắt. Ở trước mắt thì không phải là ở nội tạng. Thế thì khi ông ở trong phòng, lại không có mặt trời mặt trăng hay đèn đóm thì chính cái phòng tối ấy phải chăng cũng là tạng phủ của ông hay sao? Nếu nói cái cảnh tối ấy, không đối đãi với nhãn căn thì tại sao lại nhìn thấy? Nhân vì thấy sáng, thấy tối đều không rời khỏi tác dụng của thấy. Nếu nói nhắm mắt thì thấy tối, không phải là thấy tối ở ngoài mà tối là do phản quang trong thân mà thành, thế là nhắm mắt thì thấy tối gọi là thấy tối ở trong thân. Thử hỏi lúc mở mắt gọi là thấy sáng, khi thấy sáng thì cũng do phản quang mà thấy mặt. Nhưng vì cái gì mà ông không thể thấy mặt mình? Nếu nói rằng khi mở mắt chỉ thấy sáng mà không thể thấy mặt thế là biết rằng khi nhắm mắt chỉ thấy tối thì không thể nói nhờ phản quang ở trong thân mà thành, nếu như nói khi mở mắt thì thấy sáng, lại có thể thấy mặt thế là cái tâm năng tri của ông cho đến cả nhãn căn đều bay vào hư không. Nếu nói rằng cái tâm năng tri của ông bay vào hư không tức không phải ở trong mà ở ngoài. Cái tâm ở ngoài mà lại bay vào hư không thì cái tính biết ấy của ông đương nhiên không phải là ông. Nếu nói cái tính biết ấy vẫn là ông, Như Lai cũng đang chiếm một vị trí giữa hư không, bây giờ Như Lai cũng thấy mặt của ông, thế thì khi Như Lai thấy ông, Như Lai cũng biến thành ông mất! Nếu như nói cái thấy của Như Lai, cũng là cái thân của ông, nhãn tinh của ông có liễu kiến, tức là nhãn tinh có liễu tri. Nhãn tinh của ông đã có liễu tri thì thân của ông chẳng lẽ cũng có biết. Nếu nói mắt có biết mà thân cũng có biết thế là chỉ một cá nhân ông lại có hai cái biết, đã có hai cái biết thì phải có hai cái tâm, chỉ một A Nan há lại biến thành hai A Nan? Do ông nói khi thấy tối gọi là thấy trong lại càng sai hơn nữa.

           Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn! Thế tôn từng dạy chúng con, do tâm sinh mà có vô số pháp sinh, do pháp sinh mà dẫn đến vô số tâm sinh. Nay có tư duy về hai câu nói mà Thế tôn đã dạy chính là cái tâm thể của con. Tuỳ thuộc vào sự tương hợp giữa pháp với tâm thể tư duy, tâm thể cũng tuỳ thuộc vào pháp mà sinh. Tâm thể xác thực không ở trong, không ở ngoài, không ở giữa.

Đức Phật dạy: Tâm, nếu là một cái gì đó ắt có cái để hợp, nếu tâm không phải là một cái gì đó ắt không có cái để hợp. Nếu như tâm không phải là một cái gì đó tức là không hình không tướng, cái gì đó không hình không tướng liệu có tương hợp với pháp không? Nếu tương hợp thì có phải bằng không mà sinh ra giới thứ mười chín, bằng không mà sinh ra trần thứ bảy cùng hợp được sao? Nếu tâm là một cái gì đó tất phải có hình có thể, cũng như cái tay có hình sờ vào cái thân có hình. Thân được tay sờ nên có cái biết, cái biết ấy là trong thân ra hay sao? Hay là từ ngoài thân vào? Nếu nói cái biết từ trong thân ra thì lúc nó trở về dọc đường phải nhìn thấy tạng phủ. Nếu nói cái biết từ ngoài thân vào lý đáng trước hết  là nhìn thấy  mặt chứ!

            Đại khái, bấy giờ trình độ Phật học của tôn giả A Nan còn  nông cạn, đối với chữ THẤY, chữ TÂM, và chữ BIẾT  vẫn chưa hiểu một cách rõ ràng nên tôn giả lại hỏi đức Phật: Bạch Thế tôn! Thấy, chẳng qua là mắt thấy, biết  lệ thuộc với cái tâm  hay biết, như Thế tôn vừa nói nhìn thấy tạng phủ và nhìn thấy  mặt há chẳng phải cái tâm  cũng nhìn thấy? Con sợ có chỗ không đúng!

Phật dạy: Mắt có thấy không? Nhãn tinh ví như cái cửa lớn, khi ông ngồi ở trong phòng  thì cái cửa lớn  có nhìn thấy ông  không? Nếu như mắt thấy, thế thì người chết vẫn còn hai mắt có mắt tức thấy vật. Nếu nhìn thấy vật thì tại sao lại nói người ấy là người đã chết. Này A Nan! Lại nữa, cái tâm năng tri, năng liễu, năng giác của ông nếu là một cái gì đó tất  có hình, có thể. Nếu đã có hình có thể phải chăng là một tâm thể hay có mấy cái tâm thể? Cái tâm thể của ông ở trong thân ông, thử hỏi cái tâm thể ấy có khắp châu thân  hay không có khắp chân thân? Nếu nói toàn thân chỉ có một cái tâm thể, thì khi ông lấy tay trái sờ vào tay phải thì toàn thân đồng thời có cảm giác. Nhưng chỉ có cái tay bị sờ  thì  mới có cảm giác. Nếu  nói tay trái sờ vào tay phải có thể dẫn đến toàn thân có cảm giác thì không thành cái chủ thể sờ với đối tượng sờ. Nếu như  nói thực có cái tay sờ với  cái tay bị sờ thì vừa rồi cái gọi là toàn thân đều có cảm giác không thể thành lập. Nếu nói trong một cái thân có nhiều tâm thể tức đã biến thành nhiều người, thử hỏi cái thân nào là ông? Lại nữa, cái tâm của ông  nếu cùng khắp châu thân thì  cũng  như trên đã nói khi lấy tay trái sờ vào tay phải thì toàn thân đều có cảm giác là sai lầm. Nếu nói cái tâm của ông không có khắp châu thân, nhân cái gì  khi ông gãi đầu lại gãi cả chân của ông, nếu đầu có cảm giác, còn chân không có cảm giác, nhưng gãi đầu, gãi cả chân thì đều có cảm  giác giống nhau, vì thế, ông nói rằng  cái tâm thể tuỳ hợp  vào pháp  nào thì tâm có chỗ đó là không đúng.

            Tôn giả A Nan  thưa: Bạch Thế tôn! Trước kia Thế tôn từng  giảng cho Văn Thù Sư Lợi cùng chư đại Bồ tát, khi bàn  đến thật tướng vô tướng tức là tâm tướng, nói đến cái tâm không ở trong cũng không ở ngoài, theo cách  nhìn của con: Thứ nhất nếu nói tâm ở trong lại  nhìn không thấy bên trong. Thứ hai, nếu nói tâm ở ngoài, thì trong, ngoài thân tâm đều biết, theo đó cái tâm ở trong, ở ngoài đều không đúng. Có thể là, khi mắt thấy thì tâm biết ngay, nhưng lại không thấy trong. Có thể là tâm  ở giữa căn với trần!

Đức Phật dạy: Ông nói ở chặng giữa thì cứ chỉ cái chặng  giữa chớ có du di lẫn lộn thì mới  đúng. Nhưng chỗ mà ông cho là chặng giữa thì căn cứ vào chỗ nào? Ở một bên thân? Nếu ở một bên thân thì chỉ là một bên mà thôi không phải là ở giữa. Nếu như ở giữa thân thì cũng như ở trong thân. Nếu nói tâm ở một điểm nào ngoài thân thì cái điểm ấy không thể chỉ ra được. Nếu đã không xác thực thì cũng như không có cái  chỗ để mà chỉ. Nếu có thể chỉ một cách xác thực thì cái chỗ ấy không chuẩn xác. Ví như trên  mặt đất  có người dựng lên một cây nêu để xác định  cái chỗ giữa, thế là từ hướng đông mà nhìn, cái điểm ấy biến thành  hướng tây, từ hướng tây mà nhìn thì cái điểm ấy lại biến thành hướng đông, từ hướng nam mà nhìn thì cái điểm ấy biến thành hướng bắc, từ hướng bắc mà nhìn, thì cái điểm ấy biến thành hướng nam. Cây nêu được  dựng lên  tự bản thân nó đã có vấn đề. Nhân đó, tiêu chí của tâm tính cũng là một dạng, vô cùng phức tạp.

Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn! Không! Chặng giữa mà con nói không phải chỉ ngoài thân và thân căn, con dựa vào lời Thế tôn  dạy trước đây, cái gọi là mắt đối đãi  với sắc tướng làm trợ duyên mà sinh  nhãn thức, con lấy nhãn thức làm chặng giữa. Nhân vì nhãn căn có tác dụng phân biệt, còn sắc trần thì vô tri vô giác. Mắt đối đãi với sắc trần, nhãn thức liền sinh khởi, nhãn thức sinh khởi chỗ nào, tâm liền có tại chỗ đó.

Đức Phật dạy: Cái tâm của ông nếu ở giữa căn với trần, cái thể của tâm ấy phải chăng có pha tạp căn với trần ở trong? Nếu như có căn với trần pha tạp ở trong ắt là tâm thể với vật thể lẫn lộn không phân biệt được. Vật thể  thì vô tri, tâm thể thì hay biết, có hay biết  với  không hay biết mâu thuẫn nhau thì làm sao có thể nói là ở giữa? Nếu như nói thể của tâm ấy không pha tạp căn với trần ở trong ắt cái tâm ấy đã không hay biết như căn, lại cũng không biết như trần, rốt lại, tìm không ra cái  thể tính của tâm. Cái chỗ giữa mà ông nói lẽ nào  như vậy, ông cho rằng cái tâm ở giữa cũng không hợp đạo lý .

 Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn! Trước đây bốn vị đệ tử  lớn của Thế tôn là Đại Mục Liên, Tu Bồ đề, Phú Lâu Na và Xá Lợi Phất từng theo Thế tôn hoằng dương Phật pháp, Thế tôn từng nói đến cái tâm năng phân biệt, năng tri, năng giác không ở trong, không ở ngoài, cũng không ở giữa, không ở bất cứ nơi nào cả có thể gọi là tâm hay không?

Đức Phật dạy: Ông nói cái tâm năng tri, năng phân biệt, năng giác không ở bất cứ chỗ nào sao? Ông hãy nhìn trong thời gian và không gian có nước, có đất, có hư không gọi là tất cả.  Nhưng ông lại không dính vào đâu cả, có cái tâm không dính mắc? Hay không có cái tâm không dính mắc? Nếu không có cái không dính mắc thì cũng giống như rùa không lông, thỏ không sừng, cơ bản không có gì cả thì dính vào chỗ nào? Nếu nói có cái tâm không dính mắc, cái đã không dính mắc ấy là đã dính mắc không thể nói không dính mắc được! Tâm nếu là không tướng thì cũng như không có gì cả, tâm nếu không phải là không tướng tức là  có tướng ắt là có  cái chỗ ở, đã có cái chỗ ở sao lại nói là không dính mắc? Vì thế, ông nên biết ông lấy cái không dính mắc vào đâu cả  rồi gọi nó là cái tâm năng phân biệt, năng tri, năng giác  lại lạc đề quá xa.

Tôn giả A Nan đặt niềm tin vào bảy chỗ nhưng đều không đúng, bị đức Phật  phản bác đến cùng lý, trong tâm tôn giả không tránh được  tâm lý khó chịu, tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, để lộ vai bên phải, chân phải quỳ xuống  chấp tay bạch Phật: Bạch Thế tôn! Con là đứa  em nhỏ nhất của Thế tôn, được Thế tôn mở lòng từ bi thương tưởng  cho con xuất gia  nhưng trong tâm con cứ ỷ vào Thế tôn là anh em, tuy học thuộc rất nhiều giáo lý nhưng lại không tu để đạt được đạo vô lậu, do vậy nên con đã không chống nổi  tà chú, bị cô nàng làm cho mê man đưa con vào hang ổ dâm ô, giai do cũng chỉ vì  lâu nay  con không biết cái chân tâm của chính mình, thỉnh cầu đức Đại giác của chúng con, từ bi lân mẫn chỉ bày cho chúng con phải như thế nào để tu tập pháp môn Xa Ma Tha, khiến cho kẻ thế gian không có căn  lành  tiêu trừ ác tri, ác kiến. Tôn giả vừa  bạch  với Thế tôn  xong liền năm vóc gieo xuống đất, đồng thời cả đại chúng có mặt trong pháp hội cũng mong cầu đức Thế tôn từ bi chỉ bày,

Khi ấy, trên mặt Thế tôn phóng ra luồng hào quang nhiều  màu sắc với ánh sáng mãnh liệt chẳng khác nào ánh sáng của trăm ngàn mặt trời. Cả mười phương thế giới đều có sáu loại chấn động, từ tiếng động nhỏ rồi vang dội mạnh mẽ chẳng khác nào tiếng sét ngang tai, biểu biện  ra rằng sáu  thức  đều bị phá vỡ  ánh sáng của tâm hiện bày. Tức thời cõi nước trong mười phương không thể đếm nổi cùng một lúc hiện ra trước mắt. Sức mạnh oai thần của Thế tôn đúng là không thể nghĩ bàn có năng lực làm cho vô lượng  vô số thế giới hợp lại thành một, cái gọi là ý nghĩa cõi nước vô biên, giữa cõi nước  này với cõi nước kia không cách nhau một mảy may. Khi ấy, chư đại Bồ tát tại mỗi thế giới, không ai đi, cũng chẳng ai đến mà chỉ an tịnh trú tại cõi nước của chư vị đều chắp tay cung kính lắng nghe Như Lai tuyên dương đại pháp.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, đều điên đảo vô minh, tạo nghiệp ác, từ chủng tử của nghiệp phát ra hiện hành rồi lại từ hiện hành huân tập thành chủng tử, cứ như vậy, trong quả có nhân, trong nhân lại sanh quả, quả quả nhân nhân liên tục không ngưng nghỉ chẳng khác nào xâu hạt chuỗi. Nếu như người tu hành lại không đạt đến thành tựu vô thượng giác, quá lắm cũng chỉ thành A La Hán đến Duyên giác mà thôi. Có một số  người lại bị rơi vào  đường tà vạy, biến thành ngoại đạo, hoặc biến thành các loại thiên ma  hoặc quyến thuộc của thiên ma. Vì sao? Do vì  chưa từng biết đến hai nguyên lý tu hành  sai lầm, như người mù tu luyện, như người nấu cát không thể thành cơm. Tuy họ tu đến vô lượng kiếp  rốt lại  cũng không thể nào thành chánh quả. Này A Nan! Hai nguyên lý gì?  Một là từ vô thỉ kiếp  đến nay, ông cùng  hết thảy chúng sanh nhận lầm cái thức tâm phan duyên  loạn tưởng rồi cho nó  là cái  tâm thể của chính mình, đó là căn bản của  luân hồi sống chết. Hai là từ vô thỉ kiếp  đến nay, cái giác tính chưa từng sanh, chưa từng diệt, vốn thanh tịnh, chính là  cái thể tinh minh trong thức thứ tám, năng ảo ra năng duyên, sở duyên rồi phan duyên không đến cái chân tâm vô niệm. Hết thảy chúng sanh quên mất  cái chân tâm vốn có, tuy là từng sát na không rời cái chân tâm ấy nhưng lại không tự lãnh hội, do đó mà rơi vào vòng luân hồi. Này A Nan! Nay ông muốn tu học pháp môn Xa Ma Tha để giải thoát luân hồi sống chết  hay không? Như Lai hỏi ông một lần nữa!

Tức thời  đấng Đại giác Thế tôn đưa cánh tay màu vàng, nắm bàn tay lại hỏi: Này A Nan! Ông nhìn   thấy không?

Tôn giả A Nan đáp:  Có nhìn thấy.

Đức Phật hỏi: Ông thấy cái gì ?

A Nan đáp: Con nhìn thấy Thế tôn đưa cánh  tay  lên cao, bàn tay nắm lại, từ bàn tay phóng ra hào quang chiếu vào tâm và mắt con.

Đức Phật hỏi: Ông dùng cái gì để nhìn thấy?

A Nan đáp: Chẳng những cá nhân con mà cả đại chúng đều dùng con mắt để nhìn thấy.

Đức Phật hỏi: Ông nói Như Lai co ngón tay thành nắm tay rồi chiếu hào quang đến mắt và tâm của ông, nhãn tinh  của ông xác thực là nhìn thấy bàn tay. Nhưng ông dùng cái gì để biết nắm tay phóng hào quang của Như Lai?

Tức thì A Nan như người ở trong mộng chợt tỉnh thưa: Bạch Thế tôn! Bây giờ Thế tôn truy hỏi cái tâm của con, nhưng con dùng tâm để suy tưởng, để hay biết, cái hay biết ấy là cái tâm của con.

           Lúc ấy tôn giả A Nan cho rằng mình đã nắm  được cái tâm thể.

Nào ngờ đấng Đại giác Thế tôn hét lên một tiếng vang  dội: Sai rồi! A Nan, cái ấy không phải tâm thể của ông!

Tôn giả A Nan bị tiếng hét của Thế tôn, với dáng sợ hãi, miệng của tôn giả chẳng khác gì  người câm không nói nên lời, tức thời  tránh  khỏi chỗ ngồi chắp tay thưa: Bạch Thế tôn! Cái ấy không phải là tâm thì cái gì?

Đức Phật dạy: Này A Nan! cái ấy chẳng qua là sáu  căn của ông, chúng hấp thu sáu  trần trong quá khứ  để lại thành các tướng trần , rồi trôi nổi như bức tranh ở trong biển não.  Hình ảnh ấy là hư vọng, ngược lại với cái chân tâm của ông. Do vì, ông từ vô thỉ  đến nay  chỉ nhận thức hình ảnh  mà không nhận biết cái chân tâm, cũng như nhận kẻ thù làm cha đẻ, vì vậy nên phải  chịu luân hồi, sống chết.

Tôn giả A Nan thưa: Bạch Thế tôn! Con là một đứa em mà Thế tôn rất yêu thương, nhân vì yêu thích tướng tốt của Thế tôn mà xuất gia. Chẳng những con làm thị giả của Thế tôn mà còn đến vô số cõi nước, cúng dường vô lượng Như Lai, hầu hạ vô lượng thiện tri thức. Cho đến việc dũng mãnh phát tâm, làm tất cả Phật sự khó làm, chịu đựng gian khổ, không tiếc thân mạng đều dùng cái tâm ấy, dù cho huỷ báng chánh pháp, mãi mãi  thối thất căn lành trở thành Nhất xiễn đề cũng dùng cái tâm ấy. Bạch Thế tôn! Thảng như nó không phải là tâm thì chính  con không có tâm, thế là chẳng khác với tượng gỗ, tượng đá. Giả như phủ định cái  năng tri, năng giác ấy đều không phải là tâm, thử hỏi còn cái gì khác? Sao Thế tôn cho những cái đó đều không phải là tâm. Chẳng những A Nan con, một cá nhân trong pháp hội, mà ai nấy trong pháp hội này đều nghi hoặc, kinh sợ xin nguyện Thế tôn rủ lòng khai bày!

Lúc ấy, Thế tôn muốn điểm hoá cho tôn giả A Nan  cùng đại chúng giúp cho đại chúng sáng tâm thấy tỉnh, không thấy có diệu pháp sinh, không thấy có diệu pháp diệt, ở trên  pháp toà, Thế tôn duỗi cánh tay màu vàng xoa vào đảnh đầu của tôn giả A Nan rồi nói: Ông quên rồi sao? Chẳng phải Như Lai từng nói với các ông, tất cả thế gian chỉ do tự tâm ảo hiện  ra  hay sao? Thế nào là nhân, thế nào là quả, lớn thì như thế giới, nhỏ thì như hạt bụi đều dựa vào tâm sinh khởi?

Này A Nan! những gì sở hữu  trong tất cả thế giới chẳng những núi, sông, đại địa, thậm chí cái nhỏ nhất như ngọn cỏ, lá cây, như sợi dây, hạt nút nếu truy cứu đến ngọn nguồn của chúng đều có cái thể tính của chúng. Đến như hư không cũng có tên và tướng trạng, hà huống là ông. Cái chân  tâm của ông vốn thanh tịnh, trong sáng là chỗ nương tựa của hết thảy, thật khó mà nói là không có tự thể? Nếu ông cứ chấp chặt vào cái  nhìn của ông, nhận cái năng  giác, năng quán, năng phân biệt, năng liễu tri rồi quyết định là chân tâm của ông tức là rời khỏi  tất cả sắc, tất cả hương, tất cả vị, tất cả xúc, thậm chí rời khỏi tất cả sự vật mà chỉ còn đơn độc cái thể tính năng tri mới là chân tâm. Nhưng hiện tại,  ông đang nghe Như Lai nói pháp, chẳng qua nhờ âm thanh mà khởi phân biệt, dù cho diệt hết cái thấy nghe, giác  tri thật an tỉnh, chẳng qua trước hết hấp thu pháp trần, để lại cái hình ảnh mà thôi. Như Lai không cưỡng ép ông cũng không cần ông thừa nhận cái chân tâm, nhưng ông cần suy nghĩ rõ ràng,  nếu rời khỏi tiền trần, nương  vào tính phân biệt  của liễu tâm mới là chân tâm. Còn không rời khỏi cái đã nghe được thuộc pháp trần thì không có công dụng của năng phân biệt, chẳng qua là bóng dáng  của pháp trần để lại mà thôi. Đã là pháp trần thì không thường tồn tại. Trên mặt tâm pháp cái gọi là sinh, trụ, dị, diệt, nếu đến cái giai đoạn dị diệt thì cái tâm của ông há chẳng như rùa không lông, thỏ vốn  không sừng? Thế là pháp trần của ông cũng thành đoạn diệt, còn cái gì để mà tu học vô sanh pháp nhẫn?

Sau khi Thế tôn nói xong thời pháp thoại khiến cho tôn giả A Nan cùng đại chúng không một lời đối đáp, ai nấy đều ngơ ngác.

Thế tôn dạy tiếp: Này A Nan! Người tu hành  trên thế gian tuy chưa đạt đến chín định tuần tự, chẳng qua cũng chỉ thành tựu quả vị A La Hán mà thôi, do vì chấp trước thức thứ sáu  là chân tâm. Do vậy, tuy ông học rất nhiều Phật pháp nhưng chẳng thành tựu gì cả.

Khi ấy tôn giả A Nan nghe lời khai mở của đức Phật liền giác ngộ bản thân không có lấy một chút thực tu, tôn giả A Nan vội năm vóc gieo xuống đất quỳ xuống trước mặt đức  Phật thưa: Bạch Thế tôn! Từ khi con  theo Thế tôn xuất gia, con cứ ỷ  thị vào oai thần của Thế tôn,  cho rằng tự thân con không cần phải tu tập cũng được Thế tôn trao cho con tam muội, nào ngờ thân với tâm còn không thế nhau được, huống là nương tựa vào kẻ khác? Cái chân tâm của chính con còn không nhận biết, cái thân tuy ra khỏi nhà nhưng cái tâm  thì chưa từng nhập đạo. Cũng như chàng cùng tử mà kinh Pháp hoa đã ghi chép, bỏ cha lưu lạc tha phương. Hôm nay con mới biết rằng tuy học được nhiều Phật pháp, nếu như không nương vào Phật pháp mà tu hành, há chẳng phải như kẻ không học? Cái gọi là như người chỉ nói ăn rốt lại bụng chẳng no. Bạch Thế tôn! Chúng con hôm nay bị phiền não chướng và sở tri chướng trói buộc, nguyên nhân chỉ vì không tự giác sát cái linh tri của vô niệm. Thỉnh cầu đấng Đại giác Thế tôn thương tưởng đến chúng con là những đưa trẻ  đi hoang, lưu lãng trong ba cõi, chỉ ra cái chân tâm của chúng con mở rộng đạo nhãn cho chúng con?

Sau khi tôn giả A Nan bạch xong, từ nơi chữ “VẠN” ở trước  ngực, Thế tôn  phóng ra trăm ngàn loại hào quang dũng mãnh, chiếu khắp cõi nước trong mười phương thế giới, kế đến chiếu vào đảnh đầu của A Nan cùng đại chúng. Thế tôn tuyên nói: Này A Nan! Hôm nay Như Lai vì ông chỉ thẳng vào chân tâm, thấy tính thành Phật, đồng thời khiến cho hết thảy chúng sanh  trong mười phương đắc chánh pháp nhãn, mở ra cái kho báu của chính mình. Này  A Nan! Vừa rồi ông trả lời  với Như Lai là ông nhìn thấy nắm tay của Như Lai phóng hào quang, bây giờ Như Lai lại hỏi ông, hào quang từ nắm tay của Như Lai  nhờ cái gì mà có? Lại do cái gì mà thành nắm tay? Ông lấy cái gì để mà thấy?

Tôn giả A Nan  trả lời: Hào quang từ lòng bàn  tay của Thế tôn là do toàn thân của Thế tôn như ngọn núi vàng phóng ra hào quang quí báu. Con dùng con mắt thấy Thế tôn co mấy ngón tay lại thành nắm tay.

Đức Phật dạy: Này A Nan! Như Lai nói thật với ông, ông là một con người có lý trí nên Như Lai muốn dùng thí dụ để ông dễ hiểu. Giả như  Như Lai không có tay tức là Như Lai không có nắm tay, nếu ông không có mắt thì cũng không có cái thấy của ông, lấy nhãn căn của ông so với nắm tay của Như Lai liệu có hợp hay không?

Tôn giả A Nan đáp: Bạch Thế tôn! Đúng, nếu con không có mắt thì cái thấy của con không thành, còn nếu Thế tôn không có tay thì nắm tay của Thế tôn cũng không thành!

Đức Phật dạy: Này A Nan! Điều mà ông so sánh sai rồi ! Vì sao? Nhân vì  người đã không có tay thì không thể có nắm tay nhưng người không có mắt chưa hẳn  là không thấy gì cả! Ông thử hỏi xem  những người mù mắt đi trên đường phố: Ông thấy gì? tất nhiên là họ trả lời với  ông rằng: Trước mắt tôi chỉ thấy  bóng tối, ngoài bóng tối  thì không thấy gì cả? Từ câu trả lời  ấy, có thể  biết rằng  sắc trần  trước mắt  là bóng tối  còn cái tính thấy không hề suy giảm!

A Nan thưa: Trước mắt người mù  toàn là bóng tối  sao lại nói nhìn thấy được?

Phật dạy: Người mù  không có mắt  chỉ nhìn thấy tối ,  giả như lại có một người  không mù mắt đi theo người mù mắt, cùng ở  trong một  căn phòng tối, cả hai người đều thấy bóng tối hay có phân biệt?

A Nan trả lời: Đúng vậy! Người mù mắt với  người sáng mắt cùng ở trong một phòng tối thì cùng nhìn thấy  tối, giả như có ai đưa người mù đi chữa mắt, sau khi phục hồi thị giác thì trước mắt người ấy liền nhìn thấy nhiều màu sắc và có thể nói là mắt thấy. Người không mù mắt kia ở trong phòng tối những gì trước mắt người này đều là bóng tối, giả như  có đèn sáng người này cũng liền nhìn thấy nhiều màu sắc, há lại gọi là đèn thấy? Tức là nói: Người mù nhờ lành mắt mà thấy còn người không mù nhờ có đèn sáng mà thấy. Nếu nói là đèn thấy, đèn mà lại thấy sao? Đèn, nếu có thấy thì không thể gọi là đèn. Đèn  thì khônng thể thấy, có liên quan gì đến ông? Vì thế, này A Nan! có đèn, chẳng qua hiển lộ ra nhiều màu sắc, trên thực tế là mắt thấy chứ không phải đèn thấy. Người có mắt kia cũng chỉ hiển lộ ra nhiều màu sắc, trên thực tế thì tâm thấy chứ không phải là mắt thấy.

Khi ấy tôn giả A Nan nghe Thế tôn khai thị, nhưng tôn giả cùng đại chúng đều im lặng không nói một  lời do vì tâm lý vẫn chưa  hoàn toàn lãnh hội, mong được Thế tôn chỉ bày tường tận  nữa. Tôn giả  vẫn đứng nguyên trước mặt Thế tôn chắp tay lắng nghe. Tức thời Thế tôn duỗi cánh tay Đâu La Miên chỉ A Nan cùng đại chúng: Khi Như Lai vừa thành đạo cũng từng ở vườn Lộc giả cùng với các ông A Nhã Đa, Mã Thắng, Tiểu Hiền, Câu Lợi và Ẩm Quang nói đến tất cả chúng sanh vì cái gì mà không thành Phật đạo, cho đến không thành đạo A La Hán, đều do khách trần phiền nào  mê hoặc, thử hỏi bấy giờ các ông thấy được  đạo lý gì, nay đạt đến khai ngộ, chứng quả?

Khi ấy A Nhã Đa đứng dậy thưa: Bạch Thế tôn!  Con là  người đầu tiên tin Phật, con ở trong đại chúng, đầu tiên được Thế tôn ấn chứng gọi con là Giải Bổn Tế, nhân hai chữ khách trần mà khai ngộ. Bạch Thế tôn! Ví như người khách, trên đường muốn dừng lại lữ quán nghỉ qua đêm, hoặc một đêm, hoặc hai đêm, chờ xong công việc lại sửa soạn hành trang đi đến  nơi khác, do đó không có thời gian dừng lại nhiều ngày. Nếu là chủ nhân của lữ quán thì không hốt hoảng như chó nhà tang. Con suy nghĩ như vậy, không có chỗ ở thì gọi là khách, còn  thường trú không đi thì gọi là chủ đó là ý nghĩa của chữ khách, lại như sau cơn mưa to mặt trời xuất hiện giữa thiên không, ánh mặt trời  chiếu vào  chổ khe hở  liền hiện ra vô số vi trần bay qua  bay lại trong ánh mặt trời. Vi trần thì dao động còn hư không thì bất dộng; con lại suy nghĩ như vầy, trong suốt vắng lặng thì gọi là hư không, còn bay, dao động thì gọi là trần; dao động chính là ý nghĩa của trần.

Sau khi A Nhã Đa thưa xong, Đức Phật gật gật đầu nói: Đúng thế! Đúng thế! Tức thời Thế tôn ở giữa  đại chúng, Ngài mở bàn tay rồi lại co năm ngón tay lại, co rồi lại mở ra, Thế tôn  nói với A Nan: Ông nhìn thấy gì?

A Nan trả lời: Con nhìn thấy bàn tay của Thế tôn mở ra rồi nắm lại!

Đức Phật hỏi: Ông nhìn thấy bàn tay  của Như Lai mở ra rồi lại nắm. Là tay của Như Lai có mở ra có nắm lại hay là cái thấy của ông có mở ra nắm lại?

A Nan trả lời: Bàn tay của Thế tôn tự mở ra, tự nắm lại; con chỉ nhìn thấy tay của Thế tôn có mở ra nắm lại chứ không phải là cái tính thấy của con có mở ra, có nắm lại.

Đức Phật hỏi: Cái gì  động, cái gì tĩnh?

A Nan đáp: Tay của Thế tôn động, còn cái tính thấy của con, tĩnh còn không có làm gì có động?

Đức Phật gật đầu  khen: Đúng thế, đúng thế!

Tiếp đến lại từ bàn tay của đức Phật phóng ra một luồng hào quang màu trắng qua bên phải  A Nan, A Nan ngoảnh dầu về phía phải mà nhìn. Thế tôn lại phóng ra một luồng hào quang màu trắng qua bên trái  A Nan, tôn giả  lại ngoảnh đầu về phía trái mà nhìn.

Đức Phật  hỏi: Này A Nan! Cái đầu của ông  nhân cái gì mà dao động?

A Nan trả lời: Con nhìn thấy Thế tôn phóng ra luồng hào quang trắng qua hai phía trái và phải  của con, vì con nhìn theo hào quang  nên đầu của con dao động về hai phía.

Đức Phật hỏi: Này A Nan!  Nhân vì ông nhìn theo hào quang nên đầu  ông dao động về hai phía, thử hỏi đó là đầu của ông dao động hay là cái tính thấy của ông  dao động?

A Nan trả lời: Bạch Thế tôn! Đầu của con dao động còn cái tính thấy của con, tĩnh còn không có còn nói dao động làm gì?

Đức Phật lại gật đầu khen: Đúng thế, đúng thế!

Đức Phật liền nói với đại chúng: Nếu tất cả chúng sanh lấy dao động gọi là trần, lấy không có chỗ ở gọi là khách; thế là không động thì không thể gọi là trần, còn có chỗ ở thì không thể gọi là khách. Các ông hãy nhìn đầu của A Nan tự dao động nhưng cái tính thấy của A Nan thì hoàn toàn không dao động. Các ông nhìn tay  của Như Lai có mở ra có nắm lại nhưng cái tính thấy của A Nan thì hoàn toàn không mở ra, không nắm lại. Nhân cái gì mà các ông ngộ nhận không trụ là thân của các ông, ngộ nhận dao động là cảnh giới của các ông, từ vô thỉ đến nay, trong mỗi  niệm không ngừng sanh diệt, các ông để mất cái chân tâm của chính mình, điên điên đảo đảo, chân tâm  đã mất rồi lại nhận lầm sự vật bên ngoài không hề liên quan làm tự thân đến nỗi phải chịu  luân hồi, lưu chuyển trong thế giới vật chất, tự tìm lấy phiền não.

 

Trở về Mục Lục LNTD