LĂNG NGHIÊM THIỂN DỊCH

 

QUYỂN MƯỜI

 

            Này A Nan! Người tu tập chánh định ấy, nếu phá xong tưởng uẩn thì động niệm hết, phù tưởng cũng diệt trừ, sống yên ổn, mộng tưởng tiêu trừ, ngủ với thức đều giống nhau. Cái tâm rỗng lặng, sáng suốt cũng như hư không không có mây che, hoàn toàn không có sự tướng thô nặng của tiền trần, nhìn thấy đại địa, sông, núi thế gian cũng như xem hoa trong kính, vật đến không dính mắc, vật đi không để lại dấu vết, chẳng qua là rỗng nhận chiếu ứng rõ ràng không còn ấn tượng cũ, chỉ có cái thân thể của thức thứ tám. Hết thảy gốc rễ của sanh diệt, cho đến các chủng tử nhỏ nhiệm của bảy thức trước mà thức thứ tám hàm chứa là căn nguyên sanh diệt của hành uẩn, từ đó mà hiển lộ, thấy hết tình trạng sanh diệt của mười hai loài chúng sanh trong mười phương thế giới, biết rõ mỗi loài tuy chưa thể thông suốt manh mối của mười hai loài chúng sanh, mạng sống của mỗi chúng sanh nhưng những nhân tố cơ bản của chúng sanh đồng phần sanh diệt, cũng như ánh sáng mang mang trôi nổi, u ẩn, nhỏ nhiệm ba động không dừng, vì phù trần căn của mười hai loài chúng sanh rốt lại là then chốt của chuyển biến. Cảnh giới ấy thuộc phạm vi của hành uẩn. Nếu như thể tính của bảy thức mang mang, trôi nổi ba động không dừng ấy nhập vào nguồn gốc trong lắng thì những tập khí vốn có đều dứt hết cũng như sóng động hoá thành nước đứng trong suốt, gọi là hành uẩn hết. Vị ấy vượt ra khỏi chúng sanh trược, xét lại nguyên do của hành uẩn  chẳng qua là vọng tưởng nhỏ nhiệm, sâu kín mà thôi.   

            Này A Nan! Tưởng uẩn nếu phá xong, thì không bị hoặc loạn bởi tà tư mà đắc chánh tri ở trong Xa Ma Tha đạt được định tròn đầy, minh hiện. Cái tâm vị ấy chánh, bất động, sáng suốt, không hoặc loạn, mười loại thiên ma, không thể thừa cơ hội thì mới có thể lấy cái tính tâm để tư duy tìm kiếm gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Rốt lại gốc rể thọ sanh trong mỗi loài chúng sanh hiển lộ ra như thế nào. Khi ấy, hành giả ở trong cảnh giới hành uẩn, quan sát những hiện tượng nhẹ nhàng, trong lắng, sâu kín của hành uẩn thì thấy rõ cái tướng động nhỏ nhiệm của mười hai loài chúng sanh. Giả sử chỉ quán sanh đồng phần của chúng sanh, không khởi vọng kế thì tự thân khả dĩ tiến thêm một bước phá được hành uẩn, chỉ tiếc cho hành giả đã thấy được tròn đầy cùng khắp nguyên do sanh mà lại dao động, vọng kế vì gốc rể của các hành sanh diệt mà không biết có cái chân như tự tính không dao động, quên mất bổn tu liền bị rơi vào hai thứ vô nhân luận của ngoại đạo cổ xưa.  

            -Một là vị ấy thấy cái gốc, không có nhân, hành uẩn phá hết vẫn còn thức tính; thức uẩn phá hết thì mới là bổn giác. Nhưng vị ấy trong khi đang ở trong hành uẩn, hành uẩn là then chốt của sanh diệt; tưởng uẩn phá rồi thì then chốt của sanh diệt mới hiển lộ. Khi ấy, nhãn căn thanh tịnh của hành giả thừa theo tám trăm công đức đã đạt được có thể thấy trong tám vạn kiếp, nghiệp hành trôi nổi của chúng sanh trong đó cũng như nước biển qua lại che hòn đảo nhỏ ở dưới lòng biển. Chỉ thấy chúng sanh chết ở đây, sanh ở kia, tuỳ nghiệp hành mà trôi chảy luân hồi trong tám vạn kiếp. Ngoài tám vạn kiếp thì chẳng biết gì cả rồi cho rằng chúng sanh trong mười phương, trước tám vạn kiếp tự hiện hữu không có nhân. Do loại thiên kiến đó mà mất chánh biến tri, bị rơi vào tà kiến của ngoại đạo không biết là có cái tính của Bồ đề chánh giác. 

            -Hai là, có ngọn không có nhân vị ấy cho rằng, trước tám vạn kiếp, chúng sanh mười phương tự hiện hữu không có nhân, tức là lấy không có nhân làm căn bản của chúng sanh, chỉ thấy loài người tự sinh ra người, loài chim tự nhiên sinh ra chim, quạ tự nhiên là màu đen, hoàn toàn không phải do nhiễm nhân mà đen, trắng tự nhiên là màu trắng, hoàn toàn không phải là do tẩy mà trắng, người trời xưa nay là đứng thẳng, súc sanh xưa nay là đi ngang đều là tự nhiên nhi nhiên, vốn không có nhân, từ tám vạn kiếp đến nay chưa từng thay đổi. Do đó mà biết rằng, hết đời vị lai các hình trạng đó vẫn như vậy, nhưng Như Lai thấy rõ mười hai loài chúng sanh tám vạn kiếp trước không sinh khởi từ giác tánh Bồ đề thì mười hai loài chúng sanh trong tám vạn kiếp sau làm gì có sự kiện thành tựu Bồ đề? Rồi nhận biết hết thảy vạn vật hôm nay từng ở kiếp trước vốn không có nhân, lấy đó mà nghiệm biết tám vạn kiếp sau cũng không nhân như vậy. Nếu không có nhân thì thành ra đoạn diệt, đã đoạn diệt thì không nhân, không quả. Vì thiên kiến đó mà mất chánh biến tri, do vậy mà bị rơi vào tà kiến của ngoại đạo, không biết có cái tính biết của chánh giác Bồ đề. Trên đây là chủ trương Vô nhân luận của ngoại đạo.    

            Này A Nan! Người tu tập chánh định, ở trong chánh định, tâm đã chánh, bất động tịch nhiên, sáng suốt không hoặc loạn ắt là mười hai loài thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm tòi gốc rể của mười hai loài chúng sanh. Quan sát trạng thái nhẹ nhàng, trong lắng, sâu kín của hành uẩn, thấy cùng khắp gọi là viên, thấy chẳng đoạn thì gọi là thường, thấy ba động thì gọi là nhiễu rồi cho rằng những hiện tượng đó là căn nguyên sinh mạng của mười hai loài chúng sanh, từ bên trong khởi lên so đo tính toán liền rơi vào bốn thứ biến thường luận của ngoại đạo:   

            -Một là, tâm với cảnh của vị ấy ở trong hành uẩn, tu tập quán như vậy sẽ có khả năng biết rõ hai vạn kiếp trở về trước là không nhân tự có, cho rằng sự sống chết của chúng sanh mười phương cứ chen đan không dừng, chưa từng mất mát rồi cho rằng tính của tâm cảnh là biến thường.  

            -Hai là, rốt lại vị ấy thường tồn tại tính của bốn đại về động, nóng, ẩm ướt, chất cứng thuộc đất, nước, gió, lửa mà không biết bốn đại biến hiện bởi thức, thể của nó vốn không. Nhưng vị ấy tu tập một loại phép quán có thể biết trong vòng bốn vạn kiếp về sinh diệt của chúng sanh mười phương, bản thể của nó là cùng khắp, thường hiện hữu, không biến đổi, chưa từng tan mất nên cho rằng tính của bốn đại là cũng khắp thường hằng.     

            -Ba là, vị ấy rốt lại trong sáu căn đã đủ sáu  thức, cho đến thức thứ bảy thường thẩm sát tư lường, thức thứ tám chấp nhận thân căn, khí thế gian và chủng tử, cho rằng chúng là thường hằng không biến đổi. Nào ngờ đó là cái tướng tương tục của hành uẩn, nhưng do vì vị ấy tu tập phép quán về tâm, ý, thức có khả năng biết trong vòng tám vạn kiếp đối với hiện tượng sanh đó chết kia của tất cả chúng sanh cứ triển chuyển chen đan thường hằng không thay đổi, không bị mất mát rồi cho rằng từ xưa đến nay chúng là cùng khắp, thường hằng.   

            -Bốn là, vị ấy đã trãi qua hết tưởng uẩn, căn nguyên sanh diệt đã có từ trước không còn lưu động và lắng dừng và cả tướng vận chuyển, rồi cho rằng từ đây trở về sau, tâm tưởng sanh diệt nay cũng diệt hết, căn cứ vào lý mà nói thì tự nhiên hình thành một loại cảnh giới không sinh diệt. Không ngờ trong hành uẩn, chủng tử ngã chấp của thức thứ bảy rất nhỏ nhiệm đang trôi chảy ở bên trong hoàn toàn không phải thiệt sự không sinh diệt, chẳng qua là do tâm lý của vị ấy so đo như vậy nên nói là cùng khắp, thường hằng đó thôi. Bốn thứ kiến giải trên, vị ấy không tự biết mình vẫn đang ở trong cảnh giới thuộc hành uẩn không biết rõ tướng động, trôi chảy của hành uẩn nên lại càng cho là cùng khắp, thường hằng, do đó mà mất đi chánh tri, chánh kiến và rơi vào thường kiến của ngoại đạo, không biết có Bồ đề Đại giác chân thường. Đó là loại thứ hai Viên thường luận do ngoại đạo chủ trương.    

            Người tu chánh định, ở trong định, cái tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất, không động, ắt là mười loài thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm tòi đến tột cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh, quán sát những hiện tượng nhẹ nhàng, trong lắng, sâu kín của hành uẩn, thấy chúng không ngưng dừng gọi là thường, thấy chúng ba động gọi là nhiễu, rồi cho rằng đó là gốc rể sinh diệt của mười hai loài chúng sanh, từ bên trong cho là đã có tự thân, cũng đã có tha nhân, khởi lên nhơn ngã, đây kia, vị ấy liền rơi vào một phần là thường, phần khác là vô thường thuộc bốn loại kiến giải điên đảo.

            Một là vị ấy cho rằng hành uẩn chính là chân tâm sáng suốt nhiệm mầu, cùng khắp mười phương thế giới trong lặng như nước đứng yên, nhận cái đó là thần ngã rốt ráo. Vị ấy cũng có sức mạnh của định, có khả năng quán thấy tám vạn kiếp, ngoaì tám vạn kiếp thì không hay biết gì cả. Rồi kiến lập minh đế, từ minh đế sinh Đại giác; từ Đại giác sinh ngã tâm; từ ngã tâm sinh năm vị sắc, thanh, hương, vị, xúc; từ năm vi sanh khởi năm đại đất, nước, gió, lửa và không; từ năm đại sanh khởi mười một căn mắt, tai, mũi, lưỡi, da là năm tri căn tay, chân, miệng, sanh thực khí và bài tiết khí là năm tác căn cùng với tâm căn cọng thành mười một, sau cùng là thần ngã. Lấy minh đế làm năng sinh, lấy hai mươi ba pháp ở giữa làm sở sinh. Lấy thần ngã làm năng thọ dụng, hai mươi ba pháp ở giữa làm sở thọ dụng. Lấy thần ngã hữu vi, năng tư duy, lấy tư làm tính mà thọ dụng hai mươi ba pháp. Đã kiến lập thần ngã, ắt là thần ngã đầy khắp mười phương, bất động không sanh không diệt, do vậy mà nói là thường. Còn hết thảy chúng sanh thì ở trong ngã tâm tự sanh, tự diệt, do vậy nên nói là vô thường.

            Hai là, vị ấy quán sát tự tâm biết là thường, rồi quán sát chúng sanh biết là vô thường, nay không quán tự tâm, cũng không quán chúng sanh mà chỉ quán vô số cõi nước trong mười phương. Vị ấy nhìn thấy cõi nước mười phương, thành hoại không giống nhau, quán đến chỗ kiếp hoại liền khởi lên ba tai nạn lớn, sau khi kiếp hoại ắt là không, rồi cho rằng chủng tính vô thường rốt ráo. Nếu như quán thấy kiếp không hoại liền cho rằng chủng tính chân thường tối rốt ráo không ngờ thành, trụ, hoại, không là kiếp vận của thế giới, nếu như thế giới có hoại diệt rồi chấp là vô thường ắt là Bồ tát mất cái tâm trang nghiêm cõi Phật; nếu như thế giới không hoại diệt, rồi chấp là chân thường ắt phàm phu tưởng lưu luyến thế gian là tà kiến.

            Ba là, vị ấy không quán tâm người khác mà chỉ quán sát tâm của chính mình, lúc ấy tưởng uẩn đã bị phá xong đang ở trong một giai đoạn hành uẩn; hành uẩn là chủng tử của thức thứ bảy, hành tướng tinh tế không thể thấy, thâm kí mật cũng như vi trần mà ngoại đạo hoài nghi cái đó là cái ngã nhỏ nhiệm. Cái ngã nhỏ nhiệm ấy tuỳ nghiệp trôi chảy ở mười phương thế giới nhưng tính chất của nó hoàn toàn không thay đổi, nhưng có thể khiến cho cái thân ấy tức thời sanh, tức thời diệt rồi nhận cái tâm tính không biến hoại là tính thường, hết thảy thân sống chết đều từ trong tâm của ngã hiện ra còn cái thân được hiện ra thì gọi là tính vô thường. Hướng đến ngọn nguồn của thân tâm tự thân thì một mặt là thường, mặt khác thì vô thường.

            Bốn là, toàn bộ quán sát bốn uẩn sắc, thọ, tưởng, hành của vị ấy; biết rằng đã qua hết ba uẩn sắc, thọ, tưởng, hiện tại quán thấy hành uẩn đang trôi chảy, nhưng hành uẩn thì tương tục không gián đoạn rồi nhận rằng hành uẩn là thường trụ, còn đối với ba uẩn trước sắc, thọ, tưởng đã diệt hết liền nhận chúng là vô thường.

            Bốn loại tính toán, so đo sai lầm trên, tuy sở chấp không giống nhau nhưng không ngoài một phần là thường, phần khác là vô thường đều rơi vào tri kiến điên đảo của ngoại đạo, không hiểu chân tính của Bồ đề Đại giác, đó là chủ trương thứ ba Thường vô thường luận của ngoại đạo.  

            Người tu tập chánh định, ở trong định tâm đã chánh, kiên trì không thối thất, bất động ắt là mười loại thiên ma không thể có cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu ngọn nguồn, gốc rể sinh diệt của mười hai loài chúng sanh, quán sát những hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng, trong lắng của hành uẩn. Khi ấy liền có bốn cách nhìn không giống nhau:  

            -Một là, đứng ở lập trường ba mé;  

            -Hai là, đứng ở lập trường thấy, nghe; 

            -Ba là, đứng ở lập trường bỉ ngã; 

            -Bốn là,  đứng ở lập trường sanh diệt.  

            Bốn cách nhìn đó đều rơi vào bốn loại biên kiến, cái gọi là có bờ mé ắt có chấm dứt, không có bờ mé tức không có chấm dứt. Một là vị ấy cho rằng hành uẩn là gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Vì thế hiện tại thấy trôi chảy, chen đan không dừng nghỉ rồi cho rằng tâm quá khứ đã diệt, tâm vị lai   chưa đến gọi là hữu biên; tâm hiện tại tương tục không gián đoạn gọi là vô biên, đó là đứng ở lập trường ba mé, so đo tính toán sai lầm ở hữu biên với vô biên . Hai là, vị ấy lấy định lực của mình quán thấy sự việc trong tám vạn kiếp, còn chúng sanh trước tám vạn kiếp thì không nghe, thấy gì, không có chúng sanh, gọi là vô biên, nếu như nghe, thấy chúng sanh, sanh rồi lại diệt, diệt rồi lại sanh, sanh diệt không dừng, gọi là hữu biên, đó là đứng ở lập trường thấy, nghe, tính toán, so đo hữu biên với vô biên. Ba là, vị ấy quán sát hành uẩn chính mình, chấp hành uẩn là chân ngã rồi cho rằng mình liễu tri cùng khắp, ở trong tất cả pháp đạt đến tính vô biên, nhưng mà chúng sanh ấy tuy hiện ra trong cái biết của ngã nhưng vị ấy lại không thể biết cái tính biết của mình rồi cho rằng chúng sanh không thể đạt đến tính vô biên, chỉ có thể gọi là tâm tính hữu biên mà thôi, đó là đứng ở lập trường mình, người, tính toán so đo sai lầm giữa hữu biên với vô biên. Bốn là, tưởng uẩn của vị ấy đã phá hết, quán thấy hành uẩn trôi chảy không ngừng, nay lấy sức mạnh của định để tìm hiểu đến kỳ cùng, mong cầu diệt hành uẩn, vì thế khi ở trong định, biết được hành uẩn đã diệt, rồi sau khi ra khỏi định, thấy rằng hành uẩn lại sanh, đó là sức mạnh của định chưa đủ, nếu sức mạnh của định đầy đủ thì hành uẩn tự diệt, cũng như hết sóng biến thành nước đứng trong lắng, bây giờ lấy những gì thấy được của vị ấy, dùng vọng tâm mà đo lường rồi bảo rằng hết thảy chúng sanh chỉ ở trong một thân đều nửa sanh, nửa diệt, chúng sanh đã như thế thì hết thảy sự vật trong thế giới, không sự vật nào không phải một nửa hữu biên, một nửa vô biên, do vì lúc sanh thấy hữu biên, lúc diệt thấy vô biên, đó là đứng ở lập trường sanh diệt, so đo tính toán sai lầm giữa hữu biên với vô biên liền bị rơi vào ngoại đạo, không thể hiểu thấy tính Bồ đề Đại giác . Trên đây là bốn thức mà ngoại đạo chủ trương hữu biên vô biên luận.  

             Người tu tập chánh định, khi ở trong định, tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất, bất động, ắt là mười loài thiên ma không thể có cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu tận cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh, quán sát những hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng trong lắng của hành  uẩn vẫn thấy nó không gián đoạn thì gọi là thường, thấy nó ba động thì gọi là nhiễu rồi cho rằng đó là gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh, trong cái thấy, cái biết không thể chọn lựa rồi sanh khởi so đo cùng khắp sai lầm, hạng người ấy bị rơi vào bốn loại biến kế điên đảo, phát xuất trời bất tử, càn loạn hư vọng. 

             Một là, vị ấy quán sát cău nguyên biến hoá của hành uẩn, vị ấy thấy hành uẩn biến hoá, luân chuyển, gọi là biến; thấy cái chỗ hành uẩn trước sau tương tục gọi là thường; thấy trong tám vạn kiếp, tự có chúng sanh sanh, gọi là sanh; thấy ngoài tám vạn kiếp tự như không có chúng sanh sanh, gọi là diệt; thấy trước khi hành uẩn diệt, sau khi hành uẩn sanh ở giữa tất có một đoạn tương tục, đó chính là Trung hữu thân, là cảnh giới của thức uẩn, nhưng vị ấy không biết là thức uẩn, chỉ thấy thêm một cái gì đó thì gọi là tăng; thấy hành uẩn trước đã diệt, hành uẩn sau chưa sanh, thích ở trong tương tục, hình như có khoảng cách giữa trước và sau nên gọi là diệt; thấy chỗ sanh của mỗi mỗi chúng sanh, lấy sanh làm có rồi gọi là có; thấy mỗi chúng sanh không nơi chốn, lấy diệt làm không nên gọi là không. Tám loại trên, lấy cái lý thuộc hành uẩn mà quán thì dụng tâm không giống nhau, trước sau bất nhất, chưa đạt chánh tri, chánh giác. Giả sử có người cầu pháp đến hỏi vị ấy, vị ấy đáp: Tôi cũng biến đổi, cũng thường, cũng sanh, cũng diệt, cũng thêm, cũng bớt, cũng có, cũng không. Ở trong tất cả thời trước sau đều càn loạn, tự nói, tự sai, miệng đầy mâu thuẩn, khiến cho người cầu pháp không hiểu gì cả.

            Hai là, khi vị ấy chú tâm quán sát tâm cảnh của hành uẩn, nhìn thấy chỗ nào cũng như không có, chứng đắc hết thảy pháp đều không, giả sử có người đến hỏi, vị ấy chỉ đáp một chữ, đó là chữ “không”, ngoại trừ chữ không hoàn toàn không nói năng gì cả.

            Ba là, vị ấy chú ý quán sát tâm cảnh thuộc hành uẩn, nhìn thấy chỗ nào cũng giống như có, chứng đắc hết thảy pháp đều có, giả sử có người đến hỏi, vị ấy chỉ trả lời một chữ, đó là chữ “có” ngoài chữ có hoàn toàn không có gì nữa cả.

            Bốn là, khi vị ấy quán sát hành uẩn có cũng thấy, không cũng thấy, đã thấy niệm niệm sanh, lại thấy cả niệm niệm diệt, tâm cảnh bấy giờ cũng giống như cây đại thụ sanh ra hai nhánh, ắt cái tâm cũng lộn xộn không trong lặng. Giả sử có người đến hỏi vị ấy, vị ấy đáp: Cũng có tức là cũng không, cũng không tức là cũng có . Trước sau vị ấy nói năng lộn xộn, khiến người hỏi không có lợi ích . Do tính toán, so đo sai lầm như vậy, nói năng càn loạn, hư vọng không thật liền rơi vào tà kiến của ngoại đạo, không biết có cái tính Bồ đề Đại giác, đó là loại thứ năm, bốn tính điên đảo của ngoại đạo, hay cầu được sanh cõi trời vô tưởng là so đo, tính toán, nói năng hư vọng, sai lầm.        

            Người tu tập chánh định, ở trong định, tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất, bất động ắt là mười loại thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu tột cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Quán sát những hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng, trong lắng thuộc hành uẩn, thấy chúng không gián đoạn, gọi là thường, thấy chúng ba động, gọi là nhiễu rồi cho rằng đó là gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Hành uẩn tương tục vô tận, trôi chảy không ngừng, cho rằng nó có căn nguyên của động, tương lai   cũng có thể trở lại động. Biết là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn hiện tại tuy diệt, tương lai   tất sanh, cũng như hành uẩn . Vị ấy liền rơi vào sau khi chết vẫn sanh khởi tâm tướng có sắc, thọ, tưởng rồi phát khởi kiến điên đảo. Hoặc giả có người cố giữ cái thân này, cho rằng sắc của bốn đại đều là ngã thể, đó là lấy sắc tức là ngã. Hoặc là giả có người thấy ngã tính viên dung, ngã cùng khắp hàm chứa mười phương cõi nước, nõi ngã có sắc, ngã lớn, sắc nhỏ, sắc ở trong ngã . Hoặc giả có người cho rằng sắc mà mắt sở duyên đều theo ngã mà trở về, nói sắc thuộc về ngã, ngoại sắc là ngã. Hoặc giả có người cho rằng ngã nương dựa bên trong hành uẩn, hành uẩn trôi chảy, ngã cùng trôi chảy, hành uẩn tương tục, ngã cũng tương tục, nói ngã tức ở trong sắc, sắc lớn, ngã nhỏ. Bốn hạng người ấy đều cho rằng, sắc thân tuy chết, ngã vẫn tồn tại, sắc uẩn đã như thế thì ba uẩn thọ, tưởng, hành cũng như thế. Do chuyển biến như vậy bốn bốn thành mười sáu  loại tướng, từ đó mà đưa đến lý luận, nhân thấy hành uẩn vô tận, liền cho rằng ba uẩn sắc, thọ, tưởng cũng vô tận, cũng là có tướng, cho đến tất cả các pháp, không pháp nào không như vậy. Thế là hết pháp nhiễm phiền não, hết thảy pháp tịnh Bồ đề cũng như vậy, phiền não là phiền não; Bồ đề là Bồ đề quyết không thay đổi. Do đó, hai tính chân vọng hoàn toàn đi song song, không đụng chạm vào nhau. Do so đo, tính toán như vậy, sau khi chết vẫn có tướng của bốn uẩn sắc, thọ, tưởng, hành liền rơi vào tà kiến của ngoại dạo, không biết có tính Bồ đề Đại giác, đó là chủ trương thứ sáu của ngoại đạo, trong năm uẩn, sau khi chết có tướng, từ ngay trong tâm của vị ấy phát sinh điên đảo.        

            Người tu tập chánh định, ở trong định tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất, bất động, ắt là mười loài thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu đến tận cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Quán sát những hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng, trong lắng thuộc hành uẩn, thấy chúng không gián đoạn, gọi là thường, thấy chúng ba động, gọi là nhiễu, rồi cho rằng đó là gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Thấy ba uẩn sắc, thọ, tưởng đã diệt trừ, cho rằng tương lai   hành uẩn cũng được diệt trừ, hạng người ấy bị rơi vào vô tướng luận sau khi chết, từ đoạn diệt kiến của vị ấy mà phát sinh điên đảo. Hoặc là thấy sắc uẩn đã diệt trừ thì thân hình không chỗ nương dựa; hoặc giả thấy tưởng uẩn đã diệt trừ, ắt là thức tâm không hệ thuộc; hoặc giả, thấy thọ uẩn đã diệt ắt là sắc thuộc sắc uẩn, tâm thuộc tưởng uẩn không còn dính vào đâu. Ba uẩn sắc, thọ, tưởng đã tiêu tan, dù có hành uẩn cũng không còn tri giác há chẳng phải giống như cây cỏ? Nay ở trong định, hình chất vẫn sanh tồn nhưng bốn uẩn sắc, thọ, tưởng, hành đã không có tướng khả đắc, thì sau khi chết, còn tồn tại các tướng nào nữa? Đem quá khứ đã diệt so ra mà biết hiện tại tất diệt, đem hiện tại so ra mà biết tương lai   cũng diệt, thế là sau khi chết nhất định không có tướng khả đắc. Cứ như vậy mà chen đan nhau qua lại rồi tìm cầu trước khi sanh, sau khi chết của mỗi uẩn đều không có tướng, bốn uẩn sắc, thọ, tưởng, hành trước sau đều không có tướng, cọng lại thành tám loại không có tướng, rồi từ tám loại không có tướng sinh khởi so đo, tính toán. Bây giờ bốn uẩn đã không, ắt là không có nhân tu, sau khi chết, các tướng tất không, ắt là không có quả chứng đạo, thế là cái gọi là nhân quả của Niết bàn cho đến thế gian và pháp xuất thế gian, tất cả đều không, chỉ có danh từ mà không có thực thể, rốt lại, tất cả đều quy về đoạn diệt. Do tính toán, so đo như vậy rồi cho rằng sau khi chết không có tướng liền rơi vào tà kiến của ngoại đạo, không biết có tính Bồ đề Đại giác. Đó là loại chủ trương thứ bảy của ngoại đạo, trong năm uẩn, sau khi chết không có tướng, từ trong tâm của vị ấy tự phát sinh điên đảo.   

            Người tu tập chánh định, ở trong định tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất, bất động ắt là mười loại thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu đến tột cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Quán sát các hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng, trong lắng của hành uẩn, thấy chúng không gián đoạn, gọi là thường, thấy chúng ba động, gọi là nhiễu rồi cho rằng đấy chính là gốc rể sinh diệt của mười hai loài chúng sanh. Lúc ấy, hành uẩn chưa diệt nhưng ba uẩn sắc, thọ, tưởng thì đã diệt, chưa diệt cho rằng có, đã diệt cho rằng không lấy có để phá không; lấy không để phá có, tự thể phá nhau, hạng người ấy sau khi chết bị đoạ vào cũng có thể tướng cũng không có thể tướng, phát khởi kiến giải điên đảo. Vị ấy lấy không có thể tướng của sắc, thọ và tưởng uẩn để xem xét hành uẩn, thấy rằng hành uẩn cũng không có thể tướng, rồi lấy hiện tượng trôi chảy của hành uẩn đẻ xem xét sắc, thọ, tưởng, thấy rằng cũng chẳng phải là không có thể tướng. Cứ như vậy mà quan sát chen đan từ trước xem xét sau, từ sau xem xét trước, tận cùng thì giới hạn của bốn uẩn sắc, thọ, tưởng, hành diễn biến thành phi hữu sắc, thọ, tưởng, hành phi vô sắc, thọ, tưởng, hành, cả tám loại đều không. Tuỳ tiện đưa ra một uẩn để làm cảnh sở duyên, rồi nói là sau khi chết cũng có thể tướng, cũng không có thể tướng. Do đó mà vạn pháp trong vũ trụ chuyển biến lẫn lộn, cái có đã không có, cái không cũng không không, trong tâm càng thêm tà kiến. Giả sử có người đến hỏi đều trả lời không phải có, cũng không phải không, vừa hư vừa thật, tuyệt không nắm được gì cả. Do tính toán sai lầm như vậy nên nhận rằng sau khi chết không có thể tướng, không không thể tướng, con đường mang mang, tuyệt không kết luận liền rơi vào tà kiến của ngoại đạo, không biết có tính Bồ đề Đại giác, đó là loại thứ tám ngoại đạo chủ trương luận phi hữu phi vô, từ trong tâm vị ấy tự phát sinh điên đảo. 

            Người tu tập chánh định, ở trong chánh định tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất, bất động ắt là mười loại thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu đến tột cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Quán sát những hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng, trong lắng của hành uẩn, thấy chúng không gián đoạn, gọi là thường, thấy chúng ba động, gọi là nhiễu, rồi cho rằng đó là gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Nếu thấy niệm sau thuộc hành uẩn, niệm niệm đều diệt rồi khởi lên so đo. Vị ấy liền đoạ vào bảy luận đoạn diệt.

            Một là cho rằng Đông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu, Nam thiệm bộ châu, Bắc cu lô châu cho đến sáu  loài trời dục giới, chúng sanh hai xứ ấy thân chết tức quy về đoạn diệt.

            Hai là cho rằng cõi trời sơ thiền đã rời khỏi dục, tức quy về đoạn diệt.

            Ba là cho rằng cõi trời nhị thiền, khổ hết tức quy về đoạn diệt.

            Bốn là cho rằng cõi trời tam thiền, lạc hết tức quy về đoạn diệt.

            Năm là cho rằng cõi trời tứ thiền, xã niệm hết tức quy về đoạn diệt.

            Sáu là cho rằng cõi trời tứ không xã sắc chất tức quy về đoạn diệt.

            Như thế quan sát qua lại cùng hết bảy chỗ đều hiện ra tướng đoạn diệt rồi cho rằng sau khi chết ở vị lai   không có sự kiện sanh trở lại . Do so đo, tính toán như vậy cho rằng sau khi chết đoạn diệt liền rơi vào tà kiến của ngoại đạo, không biết có tính Bồ đề Đại giác, đó là chủ trơng thứ tám của ngoại đạo về luận đoạn diệt, từ trong tâm của vị ấy tự phát sinh điên đảo .  

            Người tu tập chánh định, ở trong định tâm đã chánh, kiên giữ không thối thất tâm đứng lặng bất động ắt là mười loài thiên ma không thể thừa cơ hội quấy phá thì mới có thể tìm hiểu đến tột cùng gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Quan sát những hiện tượng sâu kín, nhẹ nhàng, trong lặng thuộc hành uẩn, thấy chúng không gián đoạn, gọi là thường, thấy chúng ba động, gọi là nhiễu rồi cho rằng đó là gốc rể sanh diệt của mười hai loài chúng sanh. Nếu thấy niệm sau thuộc hành uẩn, niệm niệm tương tục, không gián đoạn, sau hành uẩn tất có thật quả rồi khởi lên so đo, vị ấy không đợi  vùi thân diệt trí, hiện tại chính là năm xứ Niết bàn. Hoặc giả lấy cõi trời lục dục làm chỗ chuyển sống chết nương Niết bàn, khi tưởng uẩn đã phá, viên định sáng suốt, vừa đắc thiên nhãn, thấy hết hào quang thiên giới, trang nghiêm thanh tịnh, tâm vị ấy sinh khởi yêu thích liền cho rằng cõi trời dục giới là Niết bàn. Hoặc giả lấy ly sanh hỷ lạc địa, khổ đau không bức bách rồi cho rằng cõi trời sơ thiền là Niết bàn. Hoặc giả lấy định sanh hỷ lạc địa, ưu não không bức bách rồi cho rằng cõi trời nhị thiền là Niết bàn. Hoặc giả, lấy ly hỷ diệu lạc địa, vui thích cùng tột, đắc đại tuỳ thuận rồi cho rằng cõi trời tam thiền là Niết bàn. Hoặc giả lấy xã niệm thanh tịnh địa, tu tập xã định, khổ lạc đều quên, ba tai nạn không đến, không chịu luân hồi, rời khỏi sanh diệt rồi cho rằng cõi trời tứ thiền là Niết bàn. Nhưng mà năm xứ đều là các cõi trời hữu lậu, nay vì mê hoặc nhận lầm vô vi, cho rằng năm xứ an ổn đáng là nơi nương tựa tối thắng thanh tịnh. Như thế mà triển chuyển quan sát, nhận là cực quả rốt ráo vô thượng. Do so đo, tính toán như vậy, cái gọi là năm xứ chính là Niết bàn hiện tại rơi vào tà kiến của ngoại đạo, không biết có tính Bồ đề  Đại giác. Đó là chủ trương thứ mười của  ngoại đạo, chủ trương năm xứ đều là Niết bàn hiện tại, từ trong tâm của vị ấy tự phát ra điên đảo.   

            Này A Nan! Mười loại trên đây, ở trong tu tập thiền định xuất hiện những kiến giải sai lầm, đều bị hành uẩn che khuất do lấy thiền quán với vọng tưởng đấu tranh nhau ở trong tâm để phân hơn thua, do đó mà có những kiến giải điên rồ. Chỉ vì chúng sanh xưa nay ngu si, không biết tự lượng sức mình, bản thân nguyên chỉ là một kẻ phàm phu sống chết, há lại có thể chỉ trong chốc lát liền thành Phật? Nhân ở đây vị ấy gặp được một vài nhân duyên liền cho rằng mình đã thành Phật. Nào ngờ đâu câu nói đại vọng ngữ ấy vừa ra khỏi cửa miệng đã là khẩu nghiệp, tương lai   sẽ bị đoạ vào địa ngục Vô gián. Này A Nan! Các ông sau khi Như Lai diệt độ, ở trong thời kỳ mạt pháp, cần nhất là căn cứ những gì Như Lai đã nói, tuyên bố mười loại kiến giải điên rồ của thiền na, nếu họ tỉnh giác thì tự phân biệt tà chánh rõ ràng, vọng niệm vừa manh nha tức thì lấy chánh định để đối trị, không nên để cho cái tâm ma của mình nhiễu loạn. Các ông cần giữ  gìn Phật pháp, che chở cho những ai tu hành, giúp cho họ tiêu trừ tà kiến, khiến cho thân tâm của họ được thể ngộ nghĩa chân thật của Như Lai không đi vào con đường tà, lại khỏi dính mắc vào tiểu thừa, đắc ít cho là đủ, cần làm vị pháp vương Đại giác để làm mô phạm cho trời, người, là kim chỉ nam thành Phật mới đúng!  

            Này A Nan! Người tu tập chánh định ấy, nếu phá xong hành uẩn, ắt là căn nguyên sanh diệt, u ẩn, nhẹ nhàng, trong lắng, ba động của hết thảy mười hai loài chúng sanh, những cái thâm sâu, nhỏ nhiệm, động cơ của chúng đồng phần sinh bỗng nhiên phá hết, đến đây liền quên cả nhân quả không trở lại thọ sanh. Sống chết luân hồi trước kia tối như đêm dài, nay ở nơi trời Niết bàn, cũng như vừa nghe tiếng gà gáy sau cùng nhìn về phương đông thì trời đã sáng. Khi ấy, hành uẩn đã hết, thức uẩn hiển lộ, sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều rỗng lặng không còn dong ruỗi. Sáu căn bên trong, sáu trần bên ngoài tuyệt không nhiễu loạn, trong lắng như nước đứng yên, tướng bên trong, tướng bên ngoài đều không còn, chẳng những sáu nhập không có sở nhập, cái gọi là nhập lưu cũng không có sở nhập. Khi ấy thâm hiểu một cách sâu xa về căn nguyên thọ mạng của mười hai loài chúng sanh, nếu quan sát nguyên do mạng sống thì không chúng sanh nào không chấp dính bởi vô minh, rời khỏi tính “y tha khởi” ắt là thức uẩn có thể phá. Không chấp dính thức thứ tám, cho rằng nó là chân tâm bản nguyện để cuối cùng không thể phá được thức uẩn. Nhưng hành uẩn đã hết quả báo thuộc mười hai loài chúng sanh không thể dắt dẫn đi thọ sanh, bây giờ chỉ thấy mười phương thế giới cùng một thức tính, một thể biến hiện của duy thức không có một pháp nào khác khả đắc,  cái gọi là đã đắc lục tiêu nhưng vẫn chưa quên một cảnh giới, tình thức sáng suốt, thường được hiện tiền, như mới nhìn trời đã thấy sáng sủa không trở lại tối tăm, còn như phương Đông hừng sáng hiện ra chỗ u ám bí ẩn tức là lúc hành uẩn qua hết thức uẩn hiển hiện, gọi là giới hạn thức uẩn. Nếu mười hai loài chúng sanh quên nhân, quên quả không bị dắt dẫn đi thọ sanh, duy chỉ mười phương thế giới cùng một thức tính, sáu căn tiêu trừ, thể dụng không cách rời thì mở ra ắt phân thành sáu cửa, hợp lại ắt thành một bảo giác, mắt có thể nghe, tai có thể thấy, hoán đổi nhau có thể sử dụng, chẳng những tình thế gian, thậm chí khí thế gian cũng có thể thoát khỏi trói buộc, khi ấy thân tâm thế giới cũng giống như pha lê, trong ngoài đều sáng suốt, núi, sông, đại địa cũng biến thành tri giác vô thượng. Đạt đến cảnh giới đó đúng là một niệm không sinh, nhân vì thức A lại da hoà hợp giữa sanh diệt với không sanh không diệt và đã diệt trừ phần hoà hợp sanh diệt chỉ giữ lại phần không sanh, không diệt, như vậy gọi là hết thức uẩn. Vị ấy vượt ra khỏi mạng trược, xét lại căn do của thức uẩn, chẳng qua là rỗng không, không có, không không, vọng tưởng điên đảo mà thôi.          

            Này A Nan! Ông nên biết, người tu chánh định, phá xong hành uẩn, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt, khi ấy, có thể khiến sáu căn ở trong thân, tuy cách ngại nhau nhưng có thể hợp lại một căn, vẫn thông suốt với thấy, nghe, giác tri của mười hai loài chúng sanh, nhập vào thức uẩn hàm chứa vạn hoá của chúng sanh. Nếu nhập rồi nhưng không thông đạt thức uẩn mà rẽ một ngõ khác rồi cho rằng đó là chân thường, quả vị tột cùng có thể làm chỗ nương gởi, vị ấy liền rơi vào chỗ không thể nương dựa nhưng lại chấp dính bởi cái tâm năng y với cảnh sở y thuộc ngoại đạo Hoàng phát lấy ngã làm chủ thể trở về, lấy minh đế làm đối tượng trở về, không biết có Bồ đề quả Phật rồi mất đi cái thấy, cái biết như thật, đó là kiến lập có cái tâm sở đắc để thành tựu quả sở quy, xa lìa viên thông, ngược lại với Niết bàn của một loại ngoại đạo.            

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt nhưng ở sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, nếu lấy thức uẩn làm đối tượng trở về, không thấy có thân mà chỉ thấy thức thể vô biên, đem cái thức tâm làm tự thể, cho rằng mười hai loài chúng sanh khắp hư không giới đều từ trong tâm của ngã sinh ra, vị ấy khởi lên tà chấp ngã có thể sanh kia; kia không thể sanh ngã thuộc cõi trời đại tự tại, cho rằng trong thân của ngã hiện vô biên thân của một loài chúng sanh, không biết có Phật quả Bồ đề rồi mất đi thật kiến chân như đó chính là kiến lập cái ngã có thể làm nhân của chúng sanh, ngã thành tựu mọi việc của chúng sanh, hàm chứa tất cả rồi sanh khởi đại ngã mạn, xa lìa viên thông ngược lại với Niết bàn của loại ngoại đạo thứ hai.           

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, nếu lấy thức uẩn làm chỗ sở quy, không thấy có thân, chỉ thấy thức thể vô biên, tự nghi thân tâm của ngã từ thức thể kia trôi chảy ra. Chẳng những kia năng sinh ngã mà mười phương hư không đều từ chỗ kia sanh khởi, hà huống là hết thảy trong hư không? Rồi so đo hư không là chỗ sanh tất cả thân tâm là chỗ trôi chảy, thức uẩn là chỗ quay về nương tựa. Đấy là đối tượng trở về nương tựa, trước sau không thấy sanh diệt của nó, nhận nó là cái thân chân thường. Nhưng A lại da thì hoà hợp giữa sanh, diệt với không sanh, không diệt, muốn phá thức hoà hợp sanh diệt, diệt ngược với tâm tương tục thì mới là chân tâm thường trụ. Nay thức uẩn chưa hết, vẫn ở trong sanh diệt mà đã tính toán so đo nó là chân tâm thường trụ thì không tránh được quá sớm. Đã không hiểu thế nào là không sanh, không diệt, lại không hiểu thế nào gọi là sanh diệt rồi an trú trong mê đắm rồi cho là tối tôn tối thắng, vị ấy bị rơi vào tà chấp thức uẩn là thường, ngã cùng vạn pháp là không thường, thuộc thiên ma dục giới, cho rằng cõi trời tự tại là nhân của vạn vật, hết thảy chúng sanh do cõi trời ấy tạo ra, không biế́t có Phật quả Bồ đề, mất đi cái thấy cái biết như thật, đó là kiến lập thức có khả năng sinh ra thân tâm làm nhân của ngã, là chỗ nương tựa trở về của ngã, đem cái thức sinh diệt làm thân chân thường, chấp thức uẩn kia cùng khắp tất cả, xa lìa viên thông, ngược lại Niết bàn của loại ngoại đạo thứ ba.  

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt nhưng sanh diệt thuộc thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, nếu quán sát thức uẩn là có tri giác, mà tất cả pháp đều do tri giác biến ra, thể của tri giác là cùng khắp tất cả pháp, thế là hết thảy pháp đều có tri giác? Do đó rồi cho rằng cây cỏ mười phương, không khác gì con người đều có tình thức, cây cỏ hoại diệt có thể chuyển sanh làm người, con người chết rồi có thể chuyển sanh làm cây cỏ, con người với cây cỏ, luân hồi đây kia không thể chọn lựa, chấp giới hữu tình với giới vô tình đều hữu tri rồi cho rằng đấy là kiến giải tối cao, tối thắng. Vị ấy bị rơi vào tà chấp vật vô tình cũng có tri giác, của hai ngoại đạo Bà Tra và Tiểu Ni, không biết có Phật quả Bồ đề, mất đi cái biết, cái thấy như thật, đó chính là kiến lập viên biến tất cả, lấy có tri giác làm tâm nhân, để thành quả hư vô sai lầm, giới vô tình thì vô tri lại nhận là hữu tri, xa rời viên thông, ngược lại với Niết bàn của loại ngoại đạo thứ tư.     

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy trong tròn đầy không ngăn ngại, dung thông chẳng cách trở, trong cái dụng hỗ tương của sáu căn, vừa mới tuỳ thuận chưa phát huy đầy đủ liền cho rằng đó chính là cái lý viên dung tạo hoá, hết thảy các pháp không pháp nào không từ đó mà sanh ra. Hoặc là cầu ánh sáng của lửa, trong lặng của nước, yêu thích lưu động của gió, hoặc quan sát bụi trần có khả năng thành tựu tất cả, rồi có sự tôn sùng từng loại, hoặc là tôn sùng lửa, hoặc tôn sùng nước, hoặc tôn sùng đất, hoặc tôn sùng gió. Lấy bốn trần thuộc đất, nước, gió, lửa để phát sinh ra chúa tể thường trụ, không hoại diệt của tạo hoá. Vị ấy bị rơi vào tà chấp cái không thể sinh ra thánh quả mà cho là có thể sanh ra thánh quả là thuộc loại Ca Diếp Ba của Bà la môn, lấy thân tâm mà phụng sự lửa, tôn sùng nước để mong cầu giải thoát, chứng đắc chân thường, không biết có Phật quả Bồ đề, mất đi cái biết, cái thấy như thật, đó chính là kiến lập nên tính toán so đo cho rằng bốn đại là hữu tri để tôn sùng phụng sự, tâm tính mê hoặc chân như, đoạ vào tà kiến thuộc duy vật, không phải nhân cho là nhân, không phải quả cho là quả, làm điên đảo cái chân lý của tạo hoá, xa rời viên thông, ngược lại với Niết bàn của loại ngoại đạo thứ năm .   

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, ở trong thể tính hư vô tròn đầy, sáng suốt rồi cho rằng là chỗ rốt ráo, rồi muốn huỷ diệt bốn đại hoá thành thân căn và khí thế gian, một hạt trần không lập, mãi mãi diệt trừ tất cả thân, nương gửi vào hư không rồi không hướng lên. Vị ấy bị rơi vào tà chấp cho rằng có nơi nương tựa, trở về, sự thật thì không có chỗ quay về gửi gấm, thuộc loại thần hư không của cõi trời Vô tưởng, lấy hư không làm thân, không biết có Phật quả Bồ đề, mất cái thấy, cái biết như thật. Đó là lấy cái tâm hư vô làm nhân để thành tựu quả không, là chủng tính đoạn diệt, xa rời viên thông, ngược lại với Niết bàn của loại ngoại đạo thứ sáu.         

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, nếu cho rằng thức uẩn là tròn đầy thường trụ, rồi muốn giữ mãi mãi cái thân này thường trụ như thức tình của bản thân tròn sáng không chết, vị ấy bị rơi vào tham trước, chấp sống mãi, nhưng trên thực tế thì không thể sống mãi, thuộc vào tiên A Tư Đà sống lâu, tham cầu mạng sống kéo dài, không biết có Phật quả Bồ đề, mất cái thấy, cái biết như thật. Đó là chấp dính vào thức uẩn làm căn nguyên của thọ mạng, kiên cố lấy cái sắc thân ảo vọng làm tâm nhân, một mực lưu luyến đến quả báo dài lâu thuộc trần lao, vẫn nghĩ đến hình dáng cũ, mong muốn mạng sống lâu dài, xa rời viên thông, ngược lại với Niết bàn của loại ngoại đạo thứ bảy.   

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, quán sát nguyên do của mạng sống, nguyên lai   tâm tính với mười hai loài chúng sanh là dung hợp nhau. Vị ấy biết thân mạng của hết thảy chúng sanh đều lấy thức uẩn làm gốc rể, liền lưu luyến dính mắc vào trần lao, chỉ sợ thức uẩn tiêu trừ ắt là thân mạng của chính mình không có chỗ nương gửi. Hành uẩn của vị ấy phá hết, thức uẩn đã hiển hiện, khi ấy hết thảy biến hoá, không có hiện tượng nào không tuỳ tâm tự tại, liền hoá hiện ra cung điện, phòng ốc, hoa sen khiến cho đẹp đẽ trang nghiêm, hoá hiện ra nhiều thứ quý báu điểm xuyết cho cung điện hoa sen, rồi lại hoá hiện ra nhiều mỹ nhân, tạo cung điện cho cung nữ xa hoa cùng tột, hưởng lạc dục tình. Vị ấy liền rơi vào tà chấp, lấy căn nguyên mạng sống làm chân thường, nhưng sự thật thì chẳng có chân thường, thuộc vào loại thiên ma Tra Chỉ Ca La nhận sự trói buộc của ba cõi, duy ngã tạo thành, không biết có Phật quả Bồ đề, mất cái thấy, cái biết như thật. Đó là phát khởi tà tư, lấy dục làm tâm nhân, kiến lập trần lao thiêu đốt quả, là chủng tính của thiên ma, xa rời viên thông, ngược lại với Niết bàn của loại ngoại đạo thứ tám.       

Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, nguyên do mạng sống của mười hai loài chúng sanh đã hiển nhiên thông suốt, biết rõ thức uẩn là phổ biến hàm chứa nhiều chủng tử hữu lậu và vô lậu là chỗ nương gởi của hết thảy phàm thánh. Do phân biệt ra chủng tử nào là tinh vi có thể nhập thánh; chủng tử nào là thô liệt thuộc phàm phu; chủng tử nào là chân tu thực chứng chánh pháp; chủng tử ngoại đạo nào là đoạn, thường nguỵ vọng; thế nào là nương nhân cảm quả, tự làm tự nhận; thế nào là bỏ vọng theo chân, tu nhân chứng quả. Nhưng vị ấy vẫn ngược với đạo nhất thừa thật tướng thanh tịnh, chỉ biết khổ, tập là nhân quảcủa thế gian; diệt đạo là nhân quả của xuất thế gian, ở chỗ lạc diệt đế Niết bàn ắt là ý đủ tâm đầy, ở đại thừa Phật pháp mà hàng Bồ tát tu tập, không khởi một niệm tâm ưa lạc. Vị ấy rơi vào hàng định tính Thanh văn không hồi tâm, như tỳ kheo Vô Văn của tứ thiền thiên, là nhân vật tăng thượng mạn không chịu thân gần hàng thiện tri thức, không biết có Phật quả Bồ đề, mất cái thấy, cái biết như thật, đó chỉ là cầu đổi thô làm tinh của vị ấy, tâm nhân địa tương ưng với tứ đế, thú hướng đến chỗ rỗng lặng trầm bế, xa lìa viên thông, ngược với Niết bàn của hàng A-La-Hán độn căn.

            Người tu tập chánh định, hành uẩn phá xong, thức uẩn hiển hiện, tính sanh diệt của bảy thức đã diệt, nhưng sanh diệt của thức uẩn vẫn chưa đạt đến cảnh giới tịch diệt. Khi ấy, sáu  căn viên dung, xử dụng qua lại, sáu trần thanh tịnh không nhiễm, chiếu thấy căn nguyên sinh mạng sáng suốt, phát tâm nghiên cứu, một là Độc giác, tịch cư, không thầy tự thông đạt; hai là Duyên giác, quán sát nhân duyên, duyên sinh không tính. Hai vị ấy đều đắc ngộ sâu xa nhiệm mầu, tức lấy cảnh đối tượng của ngộ làm Niết bàn, cho rằng là chỗ quay về, không tiếp tục tinh tấn, liền rơi vào định tính Bích chi là hàng Duyên giác, Độc giác không hồi tâm, không biết có Phật quả Bồ đề, mất đi cái thấy, cái biết như thật. Đó là tính biết với mười hai loài chúng sanh lấy dung thông dung hợp làm tâm nhân, đắc quả tịch lặng, sáng suốt, nhưng không thể dung hoá xuyên qua, xa lìa viên thông, ngược với Niết bàn của hàng định tính Bích chi Phật.

            Này A Nan! Trên đây là mười loại ở trong tu tập thiền định hiện ra, ở tại chỗ giữa chưa viên thông đi lệch con đường mỗi người sinh khởi kiến giải điên rồ, do đó nên không tự giác tri, hoặc ngã chưa đạt đến trình độ tịch diệt liền cho rằng mình chứng đắc, đã đầy đủ, nhưng người ấy đều bị thức uẩn che mờ chỗ đến lấy thiền quán với vọng tưởng đấu tranh ở trong tâm để phân hơn thua, do đó mà có kiến giải điên rồ phát sinh, chỉ vì chúng sanh xưa nay ngu si, vị ấy không lường sức mình, bản thân nguyên là một kẻ sống chết phàm phu, há lại chỉ trong chốc lát mà thành Phật? Nhưng vị ấy gặp được nhân duyên, mỗi người lấy cái mà thường ngày mình yêu thích, mê hoặc bít kín tâm của chính mình, nay ở trong định cảnh, cảnh giới hiện ra lý tưởng, tương tợ như từ trước liền cho rằng là chỗ an thân lập mệnh, đã đầy đủ đạo Bồ đề vô thượng. Trên đây, từ loại thứ nhất đến loại thứ tám đều là tà kiến của ngoại đạo chưa đắc nói đắc, chưa chứng nói chứng, thành ra đại vọng ngữ, tương lai  , tuy cũng được quả lành, nhưng sau khi quả báo hết, tất là bị đoạ vào địa ngục Vô gián.  Hai loại sau cùng, là nghiệp vô lậu mà hàng Thanh văn, Duyên giác chứng đắc, tuy không đến nỗi đoạ vào địa ngục, nhưng cũng không thể gọi là tăng tiến, chỉ tiếc cho vị ấy rốt lại dừng ở hoá thành mà không đạt đến chỗ báu, khoảng cách, đại Bồ đề, đại Niết bàn còn xa! Các ông cần có tâm đại bi cứu đời, kế thừa di giáo của Phật, sau khi Như Lai diệt độ, cần nhất là lấy các pháp môn đó đối với chúng sanh đời vị lai   tuyên bố nhiều lần giúp cho họ hiểu biết rõ ràng các yếu nghĩa ấy, không nên để ma ái kiến gây rối loạn tự thân, tự mình tạo nghiệp ác, tự mình nhận lấy quả báo. Cần giữ gìn thiền định, cứu giúp những ai tu tập, giúp họ tiêu trừ các loại duyên đưa đến tà kiến, khiến cho thân tâm họ được chứng nhập chánh tri, chánh kiến của Phật, từ sơ phát tâm cho đến thành Phật, ở chặng giữa không đi vào ngõ rẽ sai lạc. Đó là vô số vô lượng chư Phật ở đời quá khứ đều đã căn cứ các pháp môn ấy, vượt qua một uẩn, rồi lại vượt qua một uẩn khác mà đạt được tâm mở, hết lậu hoặc thành tựu đạo vô thượng Bồ đề. Thức uẩn, nếu phá xong thì sáu căn có thể thay nhau mà sử dụng, cái gọi là sanh diệt đã diệt, tịch diệt hiện tiền liền chứng nhập kim cương Càn tuệ địa của Bồ tát rồi tiến thẳng vào đẳng giác hậu tâm thuộc kim cương đạo. Pháp giới tròn đầy ấy, tịch lặng chiếu sáng vô biên, diệu tâm thuần chân không có vọng tưởng, phát khởi vô số thần thông biến hoá, chính như mặt trăng sáng ở trong chiếc bình pha lê, vượt qua thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, tứ gia hạnh đạt đến quả vị Đẳng giác tròn đầy sáng suốt, rồi chứng nhập biển quả của Như Lai trang nghiêm vạn đức chứng đắc Nhất thiết chủng trí, hợp một với bản giác, tròn đầy vô dư, thắng tịnh, minh tâm vô sở đắc.      

            Này A Nan! Đó là chư Phật Thế tôn đời quá khứ, Phật Phật tương truyền khi tu tập pháp môn Xa Ma Tha, vận dụng tuệ quán Tỳ bà xá na, từng trãi qua minh sát,  phân tích thế nào là chỉ bày vô thượng thuộc tà ma ngoại đạo. Ma cảnh một khi đã hiện tiền, nếu ông liễu tri kỹ xảo của chúng, liền rửa sạch cái tâm cấu uế của tự thân, tất không bị rơi vào tà kiến . Cái tâm dơ đã rửa sạch thì năm loại ma uẩn tự nhiên tiêu diệt . Ma ở bên trong đã tiêu diệt ắt là thiên ma ở bên ngoài đến tự nhiên phải sợ hãi, bọn quyến thuộc của Ma vương, vô luận là Đại lực quỷ thần, Ly mạt, Võng lường, há lại không hồn bay phách tán, tìm đường tháo chạy, dấu bặt tông tích hay sao? Như vậy thì mới có thể đạt đến Bồ đề Đại giác, hoàn toàn không còn tai nạn dù cho là kẻ nhị thừa hạ liệt chưa chịu hồi tiểu hướng đại, ra sức cầu tăng tiến, hầu chứng đắc Niết bàn vô dư mà Như Lai đã chứng thì cũng không đến nỗi mơ hồ không có chỗ chứng ngộ nào. Nếu như chúng sanh ngu si đời mạt thế, không biết nhiều thứ ma sự trong tu tập thiền na, lại không chịu thân gần với hàng thiện tri thức để được nghe kinh, nghe pháp mà chỉ biết ngồi thiền thì sợ rằng vị ấy bắt gặp phải ma nạn. Thế thì các ông nên hướng dẫn vị ấy trì niệm thần chú Đại Phật đảnh của Như Lai, nếu như không thể tụng niệm cũng có thể đem thần chú ấy viết ở trong phòng thiền, hoặc giả mang ở trong mình thì tất cả thiên ma quỷ thần không thể xâm phạm vị ấy. Này A Nan! Các ông cần kế thừa truyền thọ của Như Lai mười phương, từ đầu đến cuối, tu hành như thế nào chớ có sai phạm!        

            Tôn giả A Nan, nghe xong lời chỉ bày của đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ hai chân của đức Phật, tôn giả vô cùng cung kính phụng thừa pháp chỉ, ghi nhớ, thọ trì, không dám quên, rồi từ trong đại chúng, tôn giả hướng về đức Phật thưa: Bạch Thế tôn! Chiếu theo những gì đức Thế tôn dạy: Trong năm uẩn, năm thứ đều lấy vọng tâm làm căn bản, chúng con bình thường chưa từng được nghe những lời chỉ bày vi diệu như thế, không hiểu năm uẩn ấy tiêu trừ cùng lúc hay sao? Hay là tiêu trừ tuần tự? Lại nữa năm uẩn cũng có nông sâu không giống nhau, không biết giữa uẩn này với uẩn khác lấy cái gì làm giới hạn? Là bờ mé của sắc uẩn, của thọ uẩn, tưởng uẩn hay là bờ mé của hành uẩn, thức uẩn? Ngưỡng vọng đấng Đại giác Thế tôn của chúng con, phát đại từ bi, vì quần chúng trong pháp hội, cho đến những ai tu hành trong thời kỳ mạt pháp, tạo được con mắt chánh pháp trong sáng!   

             Đức Phật dạy: Này A Nan! Như Lai nói năm uẩn đều lấy vọng tưởng làm căn bản không phải không có nguyên cớ. Hết thảy chúng sanh xưa nay, cái tâm thể là thuần chân, không tạp, không vọng, tác dụng của chân tâm hết thảy chúng sanh là nhiệm mầu, sáng suốt. Đã là nhiệm mầu, sáng suốt tất tròn đầy, thanh tịnh, bên trong không chất chứa cái gì khác thì còn gì là phân đoạn sống chết, cho đến tướng của tưởng làm trần, tình thức làm cấu uế? Thậm chí như hư không rộng lớn, tìm hiểu gốc nguồn của nó vẫn là xuất phát từ vọng tưởng mà sinh khởi, huống nữa là năm uẩn? Ở trong cái tâm nhiệm mầu sáng suốt của bản giác, cơ bản, chẳng có gì là năm uẩn, dù cho nói là có năm uẩn thì chẳng qua là giác định vốn có trong chân tâm mầu nhiệm, sáng suốt, một số vọng tưởng thuộc nhất chân pháp giới mà thôi. Nhưng vì một niệm vọng động thành ra thức A lại da, cái thức ấy phát sinh ra hai thứ tướng phàn và kiến phần, năng kiến, năng hiện liền xuất hiện tình thế gian và khí thế gian. Chính như Diễn Nhã Đạt Đa, không biết cái đầu của chính mình vốn chưa từng mất rồi nhận lầm cái đầu ở trong kính, cho rằng nó khả ái, đến nỗi phải phát điên, chạy lung tung. Này A Nan! Cái vọng ấy có nguyên nhân hay không? Hay là vọng không có nguyên nhân, có nguyên nhân thì không phải vọng từ không nhân, rồi vọng tự sinh khởi tưởng, tưởng đó chính là bí mật của nhân sinh, vũ trụ, không cách nào mà hình dung ra nó, nên chỉ nói nó là nhân duyên sanh, do đó mà kiến lập nhân duyên sanh. Đó là lối nói phương tiện của Phật giáo chúng ta, chứ không phải là rốt ráo, có lẽ những điều đó là của ngoại đạo ngu si, ngay cả giáo lý nhân duyên sinh cũng không hiểu rồi nói ngoa là tự nhiên sinh. Cái gì là tự nhiên, không phải tự nhiên. Bây giờ chúng ta hãy mở lớn mắt mà nhìn hư không, bản thân nó còn không có, nói gì đến những gì nó ảo hiện ra, nói chung là nhân duyên đã không đúng, hà huống là nói tự nhiên? Vì thế, cả hai cách nói nhân duyên với tự nhiên, chẳng qua đều là hạng chúng sanh chưa phá được năm uẩn rồi tin tưởng sai lầm mà thôi. Này A Nan! Nếu như ông biết rõ cái chỗ mà vọng tưởng khởi lên, thì tạm thời có thể nói là vọng tưởng chính là nhân duyên, nếu như vọng tưởng cơ bản không có cái chỗ khởi lên, thế thì ông nên biết rằng vọng tưởng vốn là không tự tính. Câu nói vọng tưởng chính là nhân duyên há có thể thành lập? Nhân duyên luận của Phật giáo chúng ta đã là không phải câu nói liễu nghĩa, huống nữa, ngay cả nhân duyên mà ngoại đạo đều không hay biết rồi nói ngoa là tự nhiên, thế không phải là trong vọng có vọng hay sao? Đó là duyên cớ mà hôm nay Như Lai nói trắng ra cho các ông về nguyên nhân cơ bản của năm uẩn chính là vọng tưởng. Đã là vọng tưởng thì không phải là nhân chân chính!         

            Bây giờ nói đến năm uẩn của ông! Cái thân thể của ông, ban đầu do vì cha mẹ cùng khởi lên ái dục, từ vọng tưởng ái dục, sau đó có hai đế trắng đỏ nếu như cái tâm trung ấm của ông không có vọng tưởng ái dục thì không thể cảm ứng cùng với vọng tưởng của cha mẹ rồi kế truyền mạng căn của ông tức Như Lai vừa nói, cái gọi là khi tâm nghĩ  đến vị chua thì trong miệng chảy nước miếng, khi tâm nghĩ đến việc lên cao thì hai chân nhũn mềm, có thể không có sự việc leo cao và vị chua mà chỉ bằng vào hư tưởng mà thôi. Giả sử cái thân thể của ông không dính với hư vọng thì vì sao vừa nói đến vị chua trong miệng liền chảy nước miếng, do nghĩ đến việc leo cao, hai chân liền mềm nhũn? Như bây giờ trong miệng chảy nước miếng và hai chân mềm nhũn chính là do vọng tưởng mà sinh, nên biết rằng thân thể của ông cũng hư vọng như vậy. Vì thế, ông nên biết căn thân hiện tại của ông và khí thế giới chúng có cái sức dính không thể phá nên gọi là vọng tưởng kiên cố của uẩn thứ nhất.      

            Căn cứ vào tâm nghĩ đến vị chua, trong miệng chảy nước miếng, tâm nghĩ đến việc trèo cao thì chân bũn rũn, có thể chứng minh thọ uẩn đúng là có thể cảm được vị chua. Do ở tưởng mà có thọ, do ở thọ mà chuyển động sắc thể, vì thế, thọ uẩn của ông thuận ắt lợi ích, gọi là lạc thọ, nghịch ắt tổn hại, gọi là khổ thọ, hai loại cảm thọ khổ lạc thường thao túng cái tâm của ông, tâm bị thọ làm dao động, nhưng thọ uẩn không có bản thân của nó, nên gọi là vọng tưởng hư minh của uẩn thứ hai.      

            Do tưởng uẩn của ông suy nghĩ hư phù làm dao động thật thể sắc thân, nhưng suy nghĩ thuộc tâm pháp, thân thể thuộc sắc pháp, nếu như sắc pháp không phải cùng loại với tâm pháp thì tại sao thân thể sắc pháp, ngược lại bị tâm pháp suy nghĩ sai khiến? Các loại hình tượng thuộc tưởng uẩn đều do cái tâm niệm tưởng sanh, sau đó, hình thể của các căn mới có đối tượng nắm giữ, do vậy mà biết rằng thân hình với suy nghĩ kín đáo tương ưng. Lúc tỉnh là tưởng, lúc ngủ là mộng, chẳng những sắc, tâm tương dung mà còn tỉnh mộng tương thông, niệm tưởng làm dao động niệm tình, gọi là vọng tưởng dung thông của uẩn thứ ba.         

            Hành uẩn là lý thể của biến hoá trôi chảy không ngừng, trong mỗi niệm dần dà kín đáo thay đổi. Như lúc mới sanh, móng tay từ từ dài ra, tóc mọc kín đáo thay đổi, ngày tháng đi qua cho đến già, khí lực hết, da nhăn ngày đêm không dừng, nhưng vì từ xưa đến nay không mấy ai giác ngộ. Hành uẩn đó nếu không phải là ông vì sao lại khiến thân thể ông sanh ra nhiều thay đổi? Nếu hành uẩn quyết là ông thì tại sao xưa nay ông chưa từng giác ngộ? Có thể thấy rằng hành uẩn trôi chảy trong mỗi niệm, toàn thuộc hư vọng, nên gọi là vọng tưởng u ẩn của uẩn thứ tư.      

            Thức uẩn của ông, khả dĩ chiếu tỏ mười phương, tưởng hư phù nếu đã tiêu trừ, tướng nhiễu loạn nhất thời đứng lặng, trong lắng bất động, có thể tương thông với Như Lai tạng. Nhưng cái thân thể ấy vẫn không ra khỏi thấy, nghe, giác, biết. Nếu là tinh chân không tạp, chân thật không vọng thì không thể nhân có tập khí mà nhập ở hư vọng, tỷ như vàng ròng không thể pha tạp bùn đất. Có thể các ông ở thời quá khứ từng nhìn qua một cái gì đó lạ lùng, tuy cách xa nhiều ngày tháng nên đã quên mất, không thể nào nhớ lại được, sau này gặp cơ hội ngẫu nhiên lại nhìn thấy cái vật ấy như trước kia đã nhìn thấy, cũng như vậy chẳng sai khác bao nhiêu, các ông liền nhớ lại, lấy cái đã nhìn thấy trước kia rồi tưởng tượng làm mới lại nên vẫn nhớ rõ ràng. Thế là chứng minh trong đám ruộng tám thức của các ông từng giữ lại các chủng tử đã huân tập. Tuy tình thức của các ông trong lắng cũng như nước đứng yên, nhưng chúng thì mỗi niệm tiếp nhận các chủng tử huân tập, nhiều đến nỗi không cách nào thống kê được. Có thể thấy thức tình của các ông chưa hẳn là tinh chân không tạp nhiễm, chân thật không vọng! Này A Nan! Ông biết không? Cái thức tình ấy, tuy trong lắng như nước đứng yên nhưng không phải chân thường, không thể không dao động, cũng như nước chảy xiết, từ xa mà nhìn thấy giống như phẳng lặng, chỉ vì chảy quá mạnh do đó nên nhìn nó không trong, trên thực tế hoàn toàn không phải không tương tục chẳng dừng nghỉ. Lấy thí dụ ấy để nói thì thức uẩn của các ông nếu không phải là căn nguyên vọng tưởng của bốn uẩn sắc, thọ, tưởng, hành nên bị huân nhiễm bởi vọng tập? Các vọng tưởng nhỏ nhiệm ấy chờ đên lúc nào mới tiêu diệt? Này A Nan! Trừ phi sáu  căn của ông tu đến cái độ sử dụng qua lại với nhau, còn không thì các vọng tưởng đó mãi mãi không tiêu diệt. Vì thế hiện nay sáu  thức thấy, nghe, giác, biết của các ông chịu huân tập trong mỗi niệm, các tập khí nhỏ nhiệm kết lại như xâu chuỗi ngọc. Cái thức thứ tám liễu tri trong lắng ấy,  hàng phàm phu nhận là mạng căn, hàng nhị thừa nhận là Niết bàn, nào ngờ nó tợ như có mà không có, tợ như không mà chẳng không nó nhỏ nhiệm đến cực điểm, cũng như mặt trăng thứ hai, không phải là mặt trăng thật. Do đó, nên không phải chân như mà là vọng thức gọi là tình tưởng nhỏ nhiệm của uẩn thứ năm.      

            Này A Nan! Năm uẩn đó, là pháp thọ báo của chúng sanh, tuy mỗi uẩn không giống nhau về nông, sâu, thô, tế nhưng chúng đều ảo thành bởi vọng tưởng hoàn toàn không phải là chân tâm vốn có. Lại nữa, năm uẩn đó là nhân địa của mười tám giới, đầy đủ năng lực sinh ra tất cả pháp, nay ông có muốn biết nhân giới của năm uẩn, bờ mé sâu cạn của chúng không? Chiếu theo sắc uẩn mà nói, có tướng gọi là sắc, không tướng gọi là không, nếu rời khỏi mọi sắc tướng rồi giữ cái tâm ở không tịnh thì nói là bờ mé của sắc, chỉ biết quét trừ sắc mà không biết quét trừ không thì chưa thể vượt ra khỏi bờ mé của sắc uẩn, vì thế tất cả không nhẫn đều không phải là pháp rốt ráo. Căn cứ thọ uẩn mà nói, trước cái tâm thọ còn có cái tâm xúc, nếu buông bỏ xúc thì chính là rời, xúc với không xúc vẫn ở trong xã thọ, chỉ biết quét sạch xúc mà không biết quét sạch rời thì vẫn chưa thể vượt ra khỏi bờ mé của thọ uẩn, vì thế, tất cả các pháp ngược với xã đều không phải là pháp rốt ráo. Căn cứ tưởng uẩn mà nói, có ghi nhớ gọi là niệm, không ghi nhớ gọi là quên trừ vô niệm thì vẫn đứng ở trong tịnh niệm, chỉ biết quét hết ghi nhớ mà không biết quét hết quên mất thì vẫn chưa thể vượt ra khỏi bờ mé của tưởng uẩn, vì thế hết thảy vô tưởng đều không phải là pháp rốt ráo. Căn cứ hành uẩn mà nói, thô hành làm tướng sanh thuộc tâm tán loạn, tế hành làm tướng diệt thuộc định tâm, tuy là tế hành, tợ như diệt nhưng chẳng phải diệt chỉ biết quét hết sanh, mà không biết quét hết diệt thì vẫn chưa thể vượt ra khỏi bờ mé của hành uẩn, vì thế hết thảy diệt định̀ đều không phải là pháp rốt ráo. Căn cứ thức uẩn mà nói, lấy cái sở nhập làm cho lặng, tiêu trừ dòng chảy xiết của hành uẩn rồi quay về với biển thức cũng như hết sóng hoá thành nước đứng yên, trong ngoài sáng suốt trong lặng, nhập vô sở nhập, giống như dòng nước chảy quá xiết nên không thấy nó chảy chứ không phải không chảy, vẫn rơi vào thức uẩn, chỉ biết quét hết cái đứng lặng mà không biết quét hết cái hợp với đứng lặng, thì vẫn chưa vượt ra khỏi bờ mé của thức uẩn, vì thế định tính Thanh văn, định tính Bích chi tuy biết rõ pháp thân nhưng vẫn không phải là pháp rốt ráo. Nhân đó nên cần hồi tiểu hướng đại, đi hết năm mươi lăm quả vị Bồ tát, vào biển quả Đại giác Như Lai thì mới là pháp rốt ráo. Còn như sâu cạn thuộc nhân giới, nếu chỉ biết sắc là sắc mà không biết không cũng là sắc, là chỉ biết phần cạn của sắc giới, nếu như biết không với sắc đều là sắc tức là biết phần sâu của sắc giới. Như thế mà luận bàn, nếu chỉ biết đứng lặng là thức mà không biết hợp với đứng lặng vẫn là thức thì chỉ biết phần cạn của sắc giới, nếu biết đứng lặng với hợp đứng lặng đều là thức, là biết phần sâu sắc của sắc giới. Năm uẩn là căn nguyên sanh mạng của mười hai loại chúng sanh, từng bước sanh khởi, khi sanh khởi, trước tiên là thức uẩn, nếu cần phá trừ thì trước hết cần phá trừ sắc uẩn. Năm uẩn đó, trên mặt lý luận mà nói, duy chỉ vọng tưởng mà thôi, tính vọng vốn không tự ngã, thẳng như một niệm đốn ngộ, nhân ngộ ấy mà tâm mở ý giải. Thế thì năm thứ vọng tưởng đó há không như lò lửa hồng nấu tuyết, phút chốc tiêu trừ! Còn có gì sâu cạn, thứ lớp khả đắc? Nhưng ở sự tưởng mà nói thì các pháp sắc, tâm đều có vô số chủng tử nhỏ nhiệm tiềm tàng ở trong đám ruộng tám thức nên cần từ nông vào sâu, dựa vào thứ lớp từng bước tẩy trừ, thì mới có thể tẩy trừ hết các chủng tử. Này A Nan! Như ông hỏi là tẩy trừ đồng bộ? Hay là tẩy trừ thứ lớp? Này A Nan! Như Lai đã đem cái đạo lý như thế nào để cởi nút buột của chiếc khăn nói rõ với ông rồi, ông còn hỏi gì nữa? Ông nên đem cái nguyên do gốc rể của vọng tưởng mà tìm hiểu cho thật rõ ràng rồi truyền trao cho những ai tu hành trong thời kỳ mạt pháp giúp cho họ đều liễu giải thể tính của năm uẩn, nguyên là hư vọng, đã biết là hư vọng thì mới có cái tâm yểm ly thấu thiết mà lại biết rõ có Niết bàn thù thắng tối cao, không còn lưu luyến ở ba cõi.    

             Này A Nan! Giả sử có người đem hết bảy thứ trân báu trang trí đầy cả hư không mười phương để cúng dường, hầu hạ vô số vô lượng Như Lai, không có vị Như Lai nào không nhận sự cúng dường của vị ấy, ông cho là nhân duyên thù thắng bố thí của vị ấy, phước đức nhận được trong tương lai   của vị ấy nhiều hay không nhiều?

            Tôn giả A Nan đáp: Bạch Thế tôn! Hư không là vô cùng vô tận, nếu như vật báu cùng khắp hư không có nghĩa là trân báu ấy cũng không cùng không tận. Trước kia, người đó chỉ bố thí cho đức Phật, chẳng qua có bảy đồng tiền mà thôi, nhưng người ấy sau khi chết còn đầu sanh làm Chuyển luân Thánh vương, hà huống là có người lấy trân báu hết hư không giới cùng khắp cõi Phật mười phương để cúng dường Như Lai? Trân báu của vị ấy đương nhiên nhiều đến nỗi suy nghĩ cũng chẳng hết, nói năng cũng chẳng hết, phước đức của vị ấy thật vô lượng,vô biên!

            Đức Phật dạy: Này A Nan! Chư Phật Như Lai không nói dối, nếu có người dù cho phạm tội giết hại, trộm cắp, dâm dục và nói dối cho đến cả mười tội nặng liền bị đoạ vào địa ngục Vô gián thuộc phương này phương khác thêm chí phải đoạ vào địa ngục Vô gán sở hữu trong mười phương thế giới, nếu chỉ lấy một niệm tâm đem pháp môn đó ở trong thời kỳ mạt pháp nói cho những ai chưa từng nghe hiểu Phật lý thế là tất cả tội chướng của vị ấy liền tiêu trừ hết sạch, mọi sở hữu khổ nhân đoạ địa ngục đều thay đổi theo sở thọ của vị ấy mà được sanh lại cõi nước an lạc, phước đức của vị ấy đạt được vượt hơn cả người lấy trân báu đầy khắp hư không bố thí cho đức Phật đến một trăm lần hơn, ngàn lần hơn, ngàn vạn lần hơn cho đến việc dùng thí dụ, dùng toán số cũng không cách nào hình dung ra được bội số phước đức của vị ấy. Này A Nan! Nếu có người thường đọc tụng bộ kinh này thường xuyên trì tụng thần chú ấy, theo Như Lai đánh giá thì công đức của vị ấy cùng khắp vô lượng vô số đại kiếp. Nếu có người thường nương theo những lời giáo giới của Như Lai, căn cứ vào những lời dạy ấy, thật sự tu hành đảm bảo vị ấy có thể lập địa thành Phật, hoàn toàn không bị tất cả ma chướng quấy phá!

            Sau khi đức Phật nói xong bộ kinh Lăng nghiêm chư vị tỳ kheo tăng, tỳ kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ, trong pháp hội cho đến tất cả thế gian, Trời, Người, A tu la tất cả chư Bồ tát, Bích chi Phật, A-La-Hán ở phương khác cho đến hàng mới phát tâm, các chúng Đại lực quỷ thần hộ trì Phật pháp mỗi mỗi đều vô cùng hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui

 

 

 

Trở về Mục Lục LNTD