Một chút về Lịch sử Gia Đình Phật Tử Việt Nam
Phúc Trung
Cương,
Cương đã hỏi tôi:
Em cũng có câu hỏi về lịch sử GĐPT muốn hỏi Trưởng Tông, nếu Trưởng có thể trả lời được thì cho em biết.
Trong giai đoạn 1961-1963, Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT là Thuợng toạ Thích Thiện Hoa, vì sao lại như vậy?
Lúc đó anh Võ Đình Cường bị chính quyền bắt hay vì 1 lý do nào khác?
Cảm ơn Trưởng.
Chắc là Cương chưa đọc qua hồi ký Một Đời Làm Trưởng của tôi. Tôi muốn trả lời cho được rõ bối cảnh thời bấy giờ, tôi có ghi lại trong hồi ký của mình. Xin vui lòng đọc một đoạn trong tiểu mục 12 sau đây:
12. Nhờ làm báo được quen biết anh Võ Đình Cường.
Để kỷ niệm Đệ Ngũ chu niên ngày thành lập Gia Đình Phật Tử Giác Minh. Đại Đức Chính Tiến chủ trương cho xuất bản Đặc san Nhịp Cầu, để giúp phần cho Đặc san nầy, tôi có viết bài tùy bút tựa Những bước đi, một bài Hồi ký Trại Huê Nghiêm, đặc biệt có một bài nhưng không được đăng. Đó là bài tôi phỏng vấn anh Võ Đình Cường, người được tôn xưng là anh cả Gia Đình Phật Tử.
Trước khi viết bài nầy, tôi chỉ “văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình” đối với anh Võ Đình Cường, nhà văn nổi tiếng với Ánh Đạo Vàng và Thử Hòa Điệu Sống. Đại Đức Chính Tiến cho tôi biết vào mỗi tối Thứ Năm, anh Cường có giảng tại chùa Ấn Quang một lớp học cho quý Tăng, nhờ sự chỉ dẫn đó, tôi chuẩn bị sẵn một bài phỏng vấn. Tôi dùng một tờ giấy in ô vuông khổ đôi, tôi viết 6 câu hỏi, sau mỗi câu hỏi, tôi chừa khoảng trống để anh ghi trả lời, rồi tối Thứ Năm khoảng 6 giờ, tôi vào chùa Ấn Quang để tìm anh Cường.
Chùa Ấn Quang lúc đó có Phật học đường Ấn Quang, có nhà in Sen Vàng, in phát hành kinh sách, dãi Tây lang là dãi lớp, nền đất, lợp lá. Khi tôi vào đến nơi, hỏi thăm quý Tăng sinh, có vị chỉ cho tôi lớp anh sẽ giảng, tôi nhìn thấy anh đang tiến vào lớp, thoạt nhìn anh Cường là người cao ráo, mặt xương, răng hơi hô một chút, chân mày rậm, mắt hình như hơi lé kim. Anh mặc quần dài xanh, áo tay dài trắng. Anh vừa mới bước vào bàn, tôi tranh thủ bước vào lớp chào anh, thoạt tiên anh lấy làm lạ chào lại. Tôi tự giới thiệu ngay:
- Thưa anh, em là Đoàn sinh Đoàn Nam Phật Tử chùa Giác Minh, nghe tiếng anh từ lâu, hôm nay gặp anh, để xin anh một bài phỏng vấn. Bài phỏng vấn tôi cuốn tròn cầm trong tay, cho nên anh không muốn mất thì giờ liền nói với tôi:
- Anh vui lòng trả lời bài phỏng vấn của em, nhưng trƣớc hết anh cần xem kỷ câu hỏi mới trả lời được, hơn nữa anh có lớp ở đây, vậy anh hẹn em vào Thứ Bảy, em đến nhà anh lấy bài nầy.
Vừa nói anh vừa mở tập giấy của anh ra, xé một tờ ghi vội dịa chỉ và đưa tờ giấy ấy cho tôi. Tôi cám ơn và chào anh ra về. Đó là lần đầu tiên tôi gặp anh Cường, anh đã để trong tôi cảm nghĩ tốt đẹp về sự cư xử của một đàn anh đối với một đoàn sinh chưa quen biết, anh nói giọng ôn hòa, rõ ràng, dứt khoát cũng không kém thân mật và tin cậy.
Bài phỏng vấn không được đăng vào Nhịp Cầu, bởi vì tên tuổi của anh đối với chánh quyền lúc đó có thể làm cho phong trào Gia Đình Phật Tử gặp khó khăn, vì Bác sĩ Lê Đình Thám người khai sinh ra Đoàn Phật Học Đức Dục, Gia Đình Phật Tử đang phục vụ cho miền Bắc, nhưng tôi cũng cho đăng trong nội san Sen Trắng do Đặng Quang Sước và tôi chủ trương, nội san nầy phát hành mỗi tháng và mỗi lần in chừng mười số, thời đó chúng tôi in thạch hay in bột khổ 21 x 27, riêng số có bài anh Cường, chúng tôi đánh máy với những bài viết khác, tiếc rằng sau nầy tôi không còn giữ được.
Nội dung bài phỏng vấn anh Võ Đình Cường tôi chỉ còn nhớ được 2 câu:
Câu hỏi: Anh có nhận xét thế nào về Gia Đình Phật Tử trong Nam ?
Trả lời: Anh chưa có điều kiện đi các nơi, để biết rõ sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử miền Nam, nên chưa có thể nhận xét được về phong trào Gia Đình Phật Tử trong Nam.
Câu hỏi: Nếu có nơi nào mời anh hợp tác sinh hoạt lại, anh nghĩ thế nào ?
Trả lời: Nếu có nơi nào còn nhớ tới anh, mời anh hợp tác, anh xin cám ơn về tấm thạnh tình nầy, nhưng phải từ chối, vì sự sinh hoạt của anh không có lợi cho Gia Đình Phật Tử trong giai đoạn hiện nay.
Tôi đã đến nhà anh trong con hẽm đối diện Bộ Y Tế, trên đường Hồng Thập Tự - nay là Nguyễn Thị Minh Khai - gần ngã tư Hồng Thập Tự - Lê Văn Duyệt, để lấy bài phỏng vấn.
Sau 1963, anh dời nhà về đường Lý Thái Tổ gần ngã ba Phan Đình Phùng, gia đình anh ở trên lầu, bên dưới là nhà in và Tòa soạn tuần báo Hải Triều Âm, sau đó anh dời về con hẽm trên đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ, xế cổng Bệnh viện Bình Dân, sau cùng anh dời đến con hẽm cũng xế xế Bệnh viện Bình Dân, gần với đường Nguyễn Thượng Hiền, Quận 3, Sàigòn.
Anh Võ Đình Cường và tôi tại ngôi nhà sau cùng anh chị sinh sống (vào thập niên 1990)
Tóm lại là lúc đó anh Cường sống tự do, chị Cường là công chức hình như là làm ở Bộ Tài Chánh trước cổng Vườn Tao Đàn trên đường Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai. Đại Hội Gia Đình Phật Tử năm 1961 tổ chức tại chùa Xá Lợi, anh Cường, anh Thục, anh Huỳnh đều có được mời tham dự với tư cách cựu Huynh Trưởng, các anh mặc đồng phục.
Anh Cường còn đi ăn cơm với các Đại biểu ở các chùa tại Sàigòn, Chợ Lớn và Gia Định, có ảnh ghi lại ở chùa Dược Sư lúc đó tháng 12 năm 1961.
Nếu Cường có thắc mắc chi cứ đặt câu hỏi. Biết tới đâu tôi sẽ trả lời tới đó. Chúc Cường và gia đình luôn an lành, hạnh phúc.
Mến chào tinh tấn
Phúc Trung
866421062022