Một đời làm Trưởng

Phúc Trung
866406052020

Chương ba: Một bước đi lên

20. Sinh hoạt tại GĐPT Minh Tâm

Một hôm nào đó, anh Tuệ Linh và tôi gặp nhau, biết tôi đã nghỉ sinh hoạt ở Gia Đình Giác Minh, anh Tuệ Linh yêu cầu tôi đến sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Minh Tâm, vì anh Bạch Vọng Giang bận công tác đã nghỉ sinh hoạt. Tôi nghỉ rằng mình không thể nghỉ sinh hoạt, hoặc phải sang Chánh Đạo hay Minh Tâm. Chánh Đạo bạn học cùng lớp với tôi trong Đội Sen Nâu có Phan Tùng, Dương Văn Thơm, Nguyễn Văn Tá, Nguyễn Hữu Hiệp, Lê Văn Nam …, trái lại với Minh Tâm tôi quen biết hầu hết từ Huynh Trưởng cho đến Đoàn sinh, vì trước đó tôi là Trại Trưởng Trại Bồ Đề, là Trại Liên Gia Đình Giác Minh – Minh Tâm, nay có gợi ý của anh Tuệ Linh, tôi quyết định sang sinh hoạt ở Gia Đình Minh Tâm tại chùa Phước Hòa thuộc Hội Việt Nam Phật Giáo.

Chị Tuệ Tâm là Liên Đoàn Phó của Minh Tâm, do đó anh Tuệ Linh và tôi đồng ý tôi là Liên Đoàn Phó, Xử lý Thường Vụ Liên Đoàn Trưởng.

Thời gian nầy, Gia Đình Minh Tâm có chị Diệu Trang Trần Thị Kim Dung và chị Diệu Ngọc Đỗ Thị Duyên Đoàn trưởng và Đoàn Phó Thiếu Nữ, Chị Diệu Thanh Trần Thị Thanh Minh và chi Tâm Kha Phan Thị Tâm Đoàn Trưởng, Đoàn Phó Nữ Oanh Vũ. Anh Huỳnh Minh Tâm và Thanh Mai Phùng Bá Thanh, Đoàn Trưởng Đoàn Phó Đoàn Thiếu Niên, anh Nguyễn Bá Bằng và anh Kiến Tánh, Đoàn Trưởng, Đoàn Phó Nam Oanh Vũ, thỉnh thoảng có thêm anh Lộc phụ trách Nam Oanh Vũ. Còn có nhạc sĩ Đỗ Thu, Huynh Trưởng phụ trách văn nghệ.

Gia Đình Minh Tâm sinh hoạt tại chùa Phước Hòa, tọa lạc tại 491/14/5 đường Phan Đình Phùng, Quận 3 Sàigòn. Cũng nên nhắc lại Gia Đình Phật Tữ Minh Tâm tiền thân là Gia Đình Phật Hóa Phổ được thành lập từ năm 1949-1950, đến lễ Thành Đạo năm 1952 mới được Hội Việt Nam Phật Giáo công nhận chính thức vào ngày 22-1-1953, sinh hoạt tại cùa Quán Sứ Hà Nội. Anh Trần Thái Hồ tự Lê Vinh là Liên Đoàn Trưởng đầu tiên. Anh là con của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, là anh của chị Tuệ Mai.

Bác Nguyễn Văn Nhã là Trưởng Ban Hướng Dn Gia Đình Phật Tử thuộc Hội Việt Nam Phật Giáo, trụ sở tại chùa Quán Sứ Hà Nội.

Những Huynh Trưởng hoạt động lâu năm ở Miền Bắc như các anh Lê Vinh, Đăng Văn Khuê, Trần Thanh Hiệp, các chị như chị Nguyễn Thị Ni, xuất gia thành Ni cô, sau ầy là Sư Bà Hải Triều Âm, danh tiếng vì đạo cao đức trọng ở Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng, chị Tuệ Mai, chị Trần Thị Ngọ …

Những Huynh Trưởng ở Huế ra Hà Nội học Cao Đẳng, Đại học đã góp công xây dựng Gia Đình Phật Tử miền Bắc như anh Lữ Hồ Nguyền Minh Hiền, Phạm Mạnh Cương, Minh Tuyền Lê Nguyễn Bá Tước, Tâm Huyền Văn Đình Hy họ đều theo học và xuất thân từ trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội.

Sau khi vào Nam năm 1954, một số Huynh Trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử miền Bắc, đã thỉnh cầu và được Đại Đức Thích Thanh Cát thành lập Gia Đình Phật Tử Giác Minh vào ngày 10-7-1955.

Đến năm 1956, Hội Phật Học Nam Việt, xây dựng chùa mới, dời về chùa Xá Lợi năm 1958, chuyển nhượng chùa Phước Hòa cho Hội Việt Nam Phật Giáo vào tháng 6 năm 1956. Có Chùa làm trụ sở, được Hội Việt Nam Phật Giáo chấp thuận, Gia Đình Phật Tử Minh Tâm tái hoạt động lại vào ngày 19-8-1956, một số Huynh Trưởng phải rời bỏ Gia Đình Phật Tử Giác Minh, để hoạt động cho Gia Đình Phật Tử Minh Tâm tại chùa Phước Hòa.

Chùa Phước Hòa phía trước có cổng tam quan, nhìn thẳng vào là Chánh điện, giữa tam quan và Chánh điện có cái sân sâu chừng 5 thước, ngang bằng bề ngang Chánh điện, bên tay trái chánh điện là dãi Đông lang, gồm Thư viện, Giảng đường và Trai đường, bên tay phải Chánh điện, sát với tường rào ngoài cổng là dãi nhà gồm văn phòng Hội và phòng cụ Đặng Như Lan, cạng phòng cụ Lan là khoảng sân nhỏ, tiếp theo là hòn non bộ, cạnh đó là nhà Trù, phía sau Chánh Điện là Hậu Tổ, nơi đây có sư bà Đàm Hướng, sư cô Mạn Đà La và những người giúp việc, công quả ngủ nghỉ.

Chánh Điện ở giữa vuông vức, thoạt nhìn như chùa Một Cột ở Hà Nội, phía trước hai bên có thang dẫn lên Chánh Điện. Trong Chánh Điện có 3 bàn thờ. Ở giữa tôn tượng Đức Bổn Sư, bên phải đức Bôn sư là Đức Địa Tạng, bên trái là Đức Quán Thế Âm, ba pho tượng là công trình điêu khắc độc đáo.

Dưới Chánh điện là tầng hầm, ở giữ có 4 cây cột bê-tông, để chống đỡ toàn bộ Chánh điện, Chánh điện cao hơn mặt đất chưa dầy 1 thước, do đó tầng hầm và sàn Chánh Điện để thông thoáng, chung quanh có những thanh song chắn, như vậy dưới tầng hầm vẫn sáng. Diện tích tầng hầm nhỏ hơn Chánh điện, phía hòn non bộ có cầu thang dẫn xuống tầng hầm và cùng phía ấy ở chỗ nhà Trù có một cầu thang khác, cũng dành để lên xuống. Nhờ vậy ở tầng hầm làm sân khấu trình diễn, ở hậu trường có lối đi riêng.

Tầng hầm nầy Gia Đình Minh Tâm dùng để tập họp chung, chào kỳ hiệu, kết Dây Thân Ái và có thể sinh hoạt cùng lúc 2 Đoàn, ngoài ra còn sinh hoạt ở Giảng đường, ngoài sân phía trong cũng như trước Tam quan. Tuy chùa nhỏ, nhưng đẹp và sinh hoạt không quá chật hẹp như Gia Đình Giác Minh.

Không khí Gia Đình Minh Tâm ấm cúng, bởi vì chị Tuệ Tâm, chị Kim Dung, chị Thanh Minh, cậu Thiếu Niên Trần Hữu Định, cô Thiếu Nữ Minh Châu và cập song sinh Y, Như là chị em trong một gia đình, thêm có Trưởng Tuệ Linh và cậu Khôi là dưỡng tử và con ruột của cụ Vũ Văn Mão. Cả hai gia đình là con nhà Cô nhà Cậu với nhau. Về sau anh Tuệ Linh cho biết anh chính là dưỡng tử của mẹ chị Tuệ Tâm, nhưng nhà đó đa số là phụ nữ, nên anh Tuệ Linh sang ở nhà cụ Mão, có anh Bình, Khôi là con trai của cụ Mão, nên anh trở thành dưỡng tử của cụ Mão.

Trong thời gian tôi sinh hoạt ở Gia Đình Minh Tâm, tôi hiếm gặp bác Gia Trưởng cũng như các Huynh Trưởng tiền bối, chắc các anh chỉ sinh hoạt  trong Hội. Có lần vào dịp lễ Phật Đản hay Vu Lan, tôi có thấy anh Phạm Mạnh Cương đến chùa và ở lại thọ Trai, nhờ lúc đó có gặp anh ở ngoài đời đôi lần nên biết giáo sư Phạm Mạnh Cương, cũng là nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, còn quý anh khác thì không.

Vài tháng sau khi sinh hoạt ở Gia Đình Minh Tâm, tôi tổ chức cho Gia Đình đi cắm trại ở chùa Giác Lâm, lần đó tôi nhớ sau khi chào Kỳ hiệu, câu chuyện dưới cờ do anh Đỗ Thu kể như sau:

Một vương quốc kia có luật lệ, hể ai là kẻ cướp của, giết người, bị kết tội tử hình thì tội nhân được phép bốc thăm: Tử và Sanh, bốc nhằm lá thăm Tử tội nhân sẽ bị đem ra pháp trường xử tử, còn bốc được lá thăm Sanh, tội nhân sẽ được tha. Có tên cướp kia bị án tử hình, hắn đã bốc được thăm Sanh nên được tha bổng. Sau khi được tha, hắn vẫn cướp của giết người nên bị bắt lần thứ hai, hắn cũng bị kết án tử hình, nhưng may mắn thay hắn bốc được thăm Sanh, nên được tha, hắn lại cướp của giết người nhiều hơn trước, lần nầy phải khó khăn lắm, quân lính nhà vua mới bắt được hắn, họ quyết làm sao cho tên tội kia phải chết. Trước hết họ đem ra xử rồi kêu án tử hình, rồi họ làm cả hai lá thăm Tử, để lần nầy tên tội bắt được một trong hai lá thăm đều là lá thăm Tử. Tuy nhiên khi bàn bạc, có một vị đại thần cho rằng làm như vậy là không công bằng, nhưng bắt buộc phải tuân theo quyết định của nhà vua. Do đó, vị đại thần kia xin với vua cho ông ta được vào khám, đãi tên tội tử hình một bữa ăn trước khi hắn phải chết.

Nhà vua chấp thuận, vị đại thần ấy đem thức ăn vào khám cho tên tử tội ăn và nói với hắn:

- Ngày mai ngươi sẽ chết. Do vậy, ta cho ngươi ăn một bữa cuối cùng.

Tên tử tù hỏi vị đại thần:

- Sao ngài biết tôi sẽ chết ? Ngài không thấy tôi may mắn thoát được 2 lần rồi, chẳng lẽ không có lần thứ 3 ?!

- Bởi vì ngày mai ngươi sẽ bốc thăm, 2 lá thăm đó đều là lá thăm Tử. Dù bắt lá nào người cùng chết.

Tên tử tù quỳ ngay xuống lạy quan đại thần mà tâu rằng:

- Thưa ngài ! Sanh ra con là cha mẹ. Cứu mạng con là ngài. Trên đời nầy ai cũng ghét bỏ con, chỉ có ngài mới thương con, cho con biết như vậy tức là do lòng nhân ái, công bằng, chính trực của ngài. Ngày mai con sẽ được tha và nhớ ơn cứu mạng nầy, con sẽ hối cải và không cướp của giết người nữa.

Đến đây anh Đỗ Thu ngừng và đố tất cả các em Trại sinh. Vậy chớ làm sao mà tên tử tội kia cả quyết sẽ được tha ? Các em suy nghĩ, không có em nào trả lời được mà cả Huynh Trưởng cũng đành chịu. Chờ một lúc không có ai đáp được câu hỏi, anh Đỗ Thu tự trả lời như sau:

Ngày hôm sau khi người ta dẫn tên tội ra pháp trường để bốc thăm, tên tử tội liền bốc một lá thăm, bỏ vào mồm nhai rồi nuốt trọn. Sau đó hắn xin quan xử án mở lá thăm còn lại. Dĩ nhiên lá thăm còn lại là lá thăm Tử, đương nhiên lá thăm hắn nuốt là lá thăm Sanh. Hắn ta lại được tha, lần nầy hắn cám ơn cứu tử của vị đại thần, nên cải tà qui chánh.

Sau đó anh Tuệ Linh có tổ chức cho Gia Đình Minh Tâm đi du ngoạn ở Xóm Mới, các em cắm dựng lều, ca hát, vui đùa trong một khu vườn cây ăn trái, một cuộc du ngoạn như để nghỉ ngơi, thư giản.

Trong thời gian sinh hoạt tại đây, tôi nhớ đã có xem trên bản Thông báo, có dán một Thông báo đã có trước khi tôi đến sinh hoạt. Ban Hướng Dẫn GĐPT Hội Việt Nam Phật Giáo có phong cấp bực cho các Huynh Trưởng, tôi không nhớ hết chi tiết, đại cương có 3 hạng cấp: Cấn Tấn, Cấp Tín và Cấp Dự Tập, mỗi cấp đều có 4 Huynh Trưởng, tôi nhớ Cấp Tấn có chị Tuệ Tâm, anh Bạch Vọng Giang và anh Tuệ Linh, Cấp Tín có chị Kim Dung, Thanh Minh, Kha Tâm và Cấp Dự Tập có Huỳnh Minh Tâm, Bá Bằng, Thanh Mai, Đỗ Thu.

 

Một Đời Làm Trưởng 19  -  Một Đời Làm Trưởng 21

8664140620