Một đời làm Trưởng

Phúc Trung


 
Chương Năm

Một thời Gia Đình Phật Tử xán lạn

30. Tham gia BTC và Đại biểu Đại Hội Huynh Trưởng Kỳ V tại Trường Gia Long

Tôi thuộc loại Huynh Trưởng dễ sai, dễ bảo cho nên khi thành lập Ban Tổ chức Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT Toàn Quốc kỳ V vào các ngày 28, 29, 30-6-1964 tại Nữ Trung Học Gia Long, Sàigòn. Anh Cao Chánh Hựu cắt đặt ở đâu tôi ngồi đó và làm y theo lệnh, vì nhiệm vụ nào cũng tùy theo khả năng, để phục vụ tổ chức góp tay vào sự thành công. Biết rằng Miền Vĩnh Nghiêm có quân cho nên tôi được chỉ định phụ trách Ban Tạp Vụ. Ban nầy chịu trách nhiệm vệ sinh và trật tự.


Sơ đ Đại hội Huynh Trưởng GĐPT kỳ V năm 1964 tại Nữ Trung Học Gia Long, Sàigòn

Những trường Trung học xưa ở Sàigon như trường Pétrus Ký nay là THPT Lê Hồng Phong, Chasseloup-Laubat nay là THPT Lê Quí Đôn, Kỹ thuật Cao Thắng, Mairie Curie, Ecole Normal sau là Nha Học Chánh, Nữ Trung Học Trưng Vương, Trung Học Võ Trường Toản, trường Bác Ái nay là Đại học Sàigòn, đều là những trường có nội trú. Thời 1964, Trường Gia Long vẫn còn có nội trú, ông Tổng trưởng Bộ Giáo Dục là nhân vật Phật giáo nên GĐPT mượn được Trường Nữ Trung Học Gia Long làm nơi hội họp, có nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, nhưng không có hội trường, do đó mà ban Tạp vụ của tôi có các em Thiếu Niên Giác Minh có Phạm Minh Tâm, Đào Hiếu Thảo, Hoàng Trọng Trữ, Thịnh, Đạt với Thiếu Niên Giác Trí có Mỹ …, Giác Hoa kề vai khiêng những chiếc bàn ăn ngang chừng 1 thước, dài chừng 3 thước, mặt bàn đúc granite dầy chừng 5 phân, khiêng ra sân, để lấy phòng ăn làm Hội Trường.


Viện Trưởng Thích Tâm Châu, Phó VT Thích Thiện Hoa, TTK Thích Huyền Quang đến Chủ tọa Khai Mạc Đại Hội

Các em còn phải chia phiên nhau ra để gác cổng ra vào bằng cửa hông nhìn qua chùa Xá Lợi. Lâu quá, tôi không còn nhớ được tên, em nào đó đến phiên trực gác giữ chìa khóa cổng, em ấy đã làm mất chìa khóa. Sáng ra tôi phải đi tìm anh thợ sửa chìa khóa trên đường Lê Văn Duyệt, gần lối vào khám Chí Hòa. Anh ta làm 2 chìa đưa cho tôi và giải thích. Người thợ làm chìa khóa có trách nhiệm sửa ổ khóa, chìa cũ không thể sử dụng được, nếu không, kẻ gian sẽ đột nhập vào lấy mất tài sản. Sau khi xong nhiệm vụ, trả lại chìa khóa cho trường, tôi báo việc nầy cho chị lao công giữ cửa. Chị ấy cười bảo với tôi: “Sao anh không nói khi bị mất chìa, tôi vẫn còn cái dự phòng mà !”

Còn chuyện nữa tôi chỉ nghe chớ không ai trách phiền chi tôi. Có một đại biểu ở miền Trung đi họp mang theo chiếc Transistor Radio, là thứ máy phát thanh bán dẫn hiện đại nhất thời bấy giờ. Bị mất trộm. Nghe biết như thế tôi lấy làm đáng tiếc. Một vài em Giác Minh nghi cho một anh kia lấy trộm, tôi cho ý kiến không nên nghi ngờ người ta mà phải tội. Nhất là không nên nghi ngờ những ai nghèo khó là kẻ trộm cắp, bất lương trong xã hội.

Chương trình Đại hội lần nầy gồm có:

Mặc dù tôi được xếp đặt dự họp tại Tiểu ban Nội quy, nhưng vì trách nhiệm công việc, tôi ít dự họp chỉ dự họp để thảo luận về Miền Vĩnh Nghiêm, nhiều người muốn GĐPT miền Vĩnh Nghiêm ở trên phần đất miền nào phải sinh hoạt ở miền đó, vì họ cho rằng Miền Vĩnh Nghiêm trong Hiến Chương GHPGVNTN là miền dành cho đất Bắc, miền để tưởng niệm. Bác Lợi, Bác Liệu, anh Tuệ Linh và tôi trong tiểu ban nầy cực lực phản đối ý kiến đó. Bởi vì Giáo Hội có Miền Vĩnh Nghiêm, có chư Tăng Vĩnh Nghiêm như Thượng Tọa Thích Tâm Giác là Chánh Đại Diện, Thích Thanh Kiểm Phó, Thích Chính Tiến Tổng Thư Ký, cho nên nó là thực thể có ghi rõ trong Hiến Chương. Thế là bế tắc, số đông muốn loại trừ GĐPT Vĩnh Nghiêm, nhưng thiểu số làm đúng theo Hiến Chương, chủ tọa xin để vấn đề trình cho Giáo Hội giải quyết. Và Giáo Hội đã giải quyết có Gia Đình Phật Tử Miền Vĩnh Nghiêm.


Trong sân trường Gia Long, một số Đại biểu và Thiếu Nữ GĐPT Giác Hoa

Phải nói là anh em Thiếu Niên các Gia Đình họ Giác rất vất vả, sau khi Đại Hội bế mạc, anh em dọn dẹp sách sẻ để trả lại cho Trường, nhưng đến cái món khiêng các bàn ăn trả lại chỗ cũ, anh em chịu thua. Cho nên cuối cùng tôi phải gặp anh Hựu báo cho anh biết các em mệt quá, giờ chót bỏ về hết trơn, một mình tôi không thể đưa mấy ông tướng Granito vào trong phòng được, anh vui lòng xin tiền Thầy, mướn lào động dọn dẹp dùm. Anh Cao Chánh Hựu đành cười trừ với tôi, chấp nhận giải pháp đó.

Đại hội đã bầu Ban Hướng Dẫn Trung Ương với thành phần:


Hình Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam chụp khoảng năm 1967 tại Tổng Vụ Thanh Niên đường Công Lý

                       Trưởng Ban: - Nguyên Hùng Võ Đình Cường
        Phó Ban Ngành Nam: - Tâm Bửu Tống Hồ Cầm
           Phó Ban Ngành Nữ: - Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc
                     Tổng Thư Ký: - Tâm Huệ Cao Chánh Hựu
              Phó Tổng Thư Ký: - Tâm Vinh Đoàn Văn Lộc
                                             - Tâm Thiệt Nguyễn Xuân Quyền
                             Thủ quỷ: - Nguyễn Thị Bắc
             Ủy viên NV & ĐH: - Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục
         Ủy viên Nghiên Huấn: - Phan Văn Gái
       Ủy viên Tổ chức & KS: - Như Tâm Nguyễn Khắc Từ
               Ủy viên Văn nghệ: - Quảng Hội Lê Cao Phan
          Ủy viên HĐTN&XH: - Đoàn Văn Thiệp
                Ủy viên Doanh tế: - Lê Văn Lộc
                    Ủy viên Tu thư: - Nguyễn Minh Hiền
         Ủy viên Nam Phật Tử: - Năng Quang Nguyễn Hữu Thạnh
            Ủy viên Nữ Phật Tử: - Tâm Huệ Đoàn Thị Kim Cúc
             Ủy viên Thiếu Nam: - Nhuận Pháp Tôn Thất Liệu
               Ủy viên Thiếu Nữ: - Phạm Thị Xuân Viên
       Ủy viên Nam Oanh Vũ: - Bùi Công Phương
          Ủy viên Nữ Oanh Vũ: - Trần Thị Huệ Tâm
    Đại diện Miền Vạn Hạnh: - Nguyên Y Lương Hoàng Chuẩn
    Đại diện Miền Liễu Quán: - Tâm Liên Trần Ngọc Giao
  Đại diện Miền Khuôn Việt: - Nguyên Tín Nguyễn Châu
  Đại diện Miền Khánh Hòa: - Minh Từ Mã Thành Cưng
  Đại Diện Miền Huệ Quang: - Chí Pháp Nguyễn Thanh Quang
Đại diện Miền Vĩnh Nghiêm: Bác Tâm Thông Nguyễn Đức Lợi


Các Đại Biểu GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm dự Đại Hội Htr. GĐPT Toàn Quốc năm 1964

Sau đại hội Huynh Trưởng toàn quốc vào các ngày 28, 29, 30-6-1964 tại Nữ Trung Học Gia Long, Sàigòn, GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm đã tổ chức Đại Hội Huynh Trưởng Miền Vĩnh Nghiêm vào ngày 19-07-1964 tại chùa Phước Hòa.  Dưới sự chứng minh của Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Miền Vĩnh Nghiêm.


Chư Tăng chủ tọa Đại Hội GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm tại chùa Phước Hòa ngày 19-7-1964

Đại Hội đã bầu Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm với thành phần như sau:

              Trưởng Ban: - Bác Nhuận Pháp Tôn Thất Liệu
   Phó TB ngành Nam: - Anh Thông Phương Đặng Văn Khuê
     Phó TB ngành Nữ: - Chị Tâm Huệ Đoàn Thị Kim Cúc
             Tổng Thư ký: - Anh Phúc Trung Huỳnh Ái Tông
      Phó Tổng Thư ký: - Anh Phúc Tuệ Nguyễn Quốc Hùng
                    Thủ quỹ: - Chị Diệu Thanh Trần Thị Ngọ
     Ủy viên NV & ĐH: - Anh Tâm Trí Nguyễn Quang Vui
       Ủy viên Doanh tế: - Bác Bùi Đình Kỷ
        Ủy viên Tổ kiểm: - Anh Tuệ Linh Nguyễn Công Sản
  Ủy viên Nghiên huấn: - Anh Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu
  Ủy viên Nữ Oanh Vũ: - Chị Tuệ Tâm Trần Thị Kim Tâm
và một số các ủy viên khác.

Ba vấn đề quan trọng đã được Ban Hướng Dẫn thực hiện:

 1-Về Hành Chánh:  Lập sách tịch Huynh trưởng, thống kê đơn vị gia đình, huynh trưởng, và đoàn sinh trong Miền.

 2-Về Đào tạo Huynh Trưởng: Trong năm 1964 mở một trại Huấn luyện Lộc Uyển, tổ chức tại chùa Linh Sơn, ngã tư Trung Chánh, Hóc Môn, tỉnh Gia Định.  Năm 1965 mở một trại huấn luyện tại chùa Phổ Quang, Bắc Việt Nghĩa Trang, và năm 1967 cũng mở một trại huấn luyện tại chùa Linh Sơn.

3-Tổ chức cho huynh trưởng học tập:  Để phổ biến về Nội Quy 1964, về các mẫu biểu hành chánh, mở một cuộc Hội thảo Huynh trưởng vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1964 tại Đoàn quán GĐPT Giác Sơn, chùa Linh Sơn ngã tư Trung Chánh, Hóc Môn.

Trong thời kỳ nầy, Ban Hướng Dẫn thực hiện việc giúp đỡ sinh hoạt và nắm tinh hình các GĐPT trong Miền của mình bằng cách mỗi ban viên làm Cố vấn cho Ban Huynh Trưởng một đơn vị Gia Đình. Tôi chọn làm Cố Vấn cho Gia Đình Giác Minh, hàng tuần tôi vẫn đến đây sinh hoạt và có lần đi trại với Giác Minh ở Vũng Tàu, suýt chết đuối vì em Đạt ngồi trên ruột bánh xe hơi kêu cứu, lúc đi tắm buổi sáng sớm.

Từ năm 1964 đến giữa năm 1966, tôi vừa là Thư ký Ban Đại Diện GĐPT Miền Vĩnh Nghiêm vừa là Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn Miền Vĩnh Nghiêm. Trong khi đó tôi theo học Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, do thích nên học thêm tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Đại Học Vạn Hạnh vừa mới mở.

Vào đầu năm 1965, hình như ngày 12-1-1965 là ngày Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng Viện Đại Học Vạn Hạnh tại số 222 đường Trương Minh Giảng. Thầy Chơn Thiện đệ tử của Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, đồng sư với Thượng Tọa Viện Trưởng Thích Minh Châu, Đại Đức vận động bầu cử Ban Đại Diện Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh ngay sau khi cuộc lễ hoàn tất, biết tôi là Huynh Trưởng bạn của anh Nguyễn Văn Quýnh là anh ruột của Thầy, nên Thầy mời tôi tham gia vào liên danh, tôi mời thêm anh Nguyễn Đình Nam. Liên danh đắc cử Luật sư Trần Tiến Tự làm Chủ tịch, Thầy Chơn Thiện Phó Ngoại Vụ, tôi Phó Nội Vụ, Trần Thiện Bật Tổng Thư Ký, anh Nguyễn Đình Nam Phó Tổng Thư Ký, chị Nguyễn Thị Nghĩa làm Thủ quỹ.

Sau đó anh Tự tham gia vào Phái đoàn Sinh viên Việt Nam đi Mỹ giải độc, nên bị sinh viên truất phế, tôi được đề cử giữ chức Chủ tịch. Khóa sau, tôi không ra liên danh, chị Cao Ngọc Phượng lập liên danh trong đó có anh Đỗ Văn Khôn, Liên Đoàn Trưởng GĐPT Giác Minh, anh mời tôi tham gia, liên danh nầy đắc cử. Chị Cao Ngọc Phượng làm Chủ tịch, tôi nhận chức vụ Phó Ngoại vụ, anh Khôn là Tổng Thư Ký.

Vào dịp nghỉ l, tôi về Long Xuyen nghỉ, khi trở lên Sàigòn chị Cao Ngọc Phượng cho biết theo Viện Hóa Đạo phát động đem bàn thờ ra đường, Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh tuân hành làm theo, Thượng Tọa Viện Trưởng không đồng ý vì lo sợ Chánh phủ lấy cớ Sinh Viên chống Chính phủ, Chính phủ sẽ đóng cửa Viện Đại Học. Chị Phượng muốn tôi gặp Thượng Tọa để xin Thượng Tọa thông cảm cho việc làm của Tổng Hội, vì tôi không có mặt trong thời gian đó.

Khi tôi đi tìm gặp Thượng Tọa nơi Tổ đường chùa Pháp Hội, Thượng Tọa đang tạm ở đó, lúc ấy Đại Đức Tuệ Sỹ sinh viên Phật Khoa là thị giả đang pha trà cho Thượng Tọa. Tôi trình bày Ban Chấp Hành Tổng Hội thi hành quyết định của Viện Hóa Đạo, chớ không phải chủ trương của Tổng Hội, nhưng Thượng Tọa Thích Minh Châu vẫn nhất quyết không đồng ý về chuyện nầy. Thượng Tọa Viện Trưởng và Ban Chấp Hành Tổng Hội Sinh Viên Vạn Hạnh mâu thuẩn nhau từ đó cho đến hết nhiệm kỳ. Nhưng vào giữa nhiệm kỳ tôi đã rời khỏi Ban Chấp Hành, đi lên Cao nguyên dạy học. Ban Chấp Hành tiển tôi bằng một bữa cơm chay tại Tịnh Tâm Trai trên đường Trần Quốc Toản, tặng cho tôi một số sách của Thầy Nhất Hạnh, có quyển có chữ ký của Thầy, có quyển có chữ  ký của chị Phượng. Khi chia tay, chị Nhất Chi Mai đưa tôi về bằng xe Wolfswagen của chị. Đó cũng là lần cuối cùng tôi còn gặp chị Nhất Chi Mai, vì chị đã tự thiêu ngày 16-5-1967 tại chùa Từ Nghiêm, để cầu nguyện cho nền Hòa Bình của Việt Nam. Ngày nay trong Hậu Tổ chùa nầy có bàn thờ chị.


Nhất Chi Mai

 Một Đời Làm Trưởng 29  -  Một Đời Làm Trưởng 31