Nguyễn Tường Qu
ý lững thững giữa đời.

 Phạm Quốc Bảo.

Chiều thứ bảy, mùng 9 tháng 10- 2022, Hà Quốc Bảo [1] từ Richland, tiểu bang Washington, gọi phôn xuống.

Lâu nay cứ trung bình vài tuần, hai chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau qua phôn như vậy. Hầu hết là vì nhớ tới nhau mà kêu, chứ chuyện trò thì bao giờ cũng lan man, nghĩ gì trong đầu thì trao đổi thứ ấy; rồi điều nào khích thích được tâm trạng chung của cả hai thì chúng tôi tranh nhau nói ...mà chưa chắc gì người bên kia có chịu lắng nghe hay không! Thường là vậy.

Cũng thế. Lần này sau khi chào hỏi mào đầu như một cách hâm nóng ký ức, chẳng biết sao Bảo Hà nhắc : Vào năm 2007, chính Bảo Hà đã gợi ý rằng trong thập niên 1960 có dịp đậm đà nhất là vụ lũ lụt lớn Miền Trung năm 1964, cả ba chúng tôi, Nguyễn Tường Quý - Bảo Hà và Bảo Phạm, đã cùng nhau tham dự công tác cứu trợ. Ba đứa đều hứng khởi vì các toán quyên góp được cư dân sàigòn tận tình hưởng ứng nồng nhiệt. Cùng với những thành viên thiện nguyện khác, cả ba chúng tôi ăn dầm ở dề luôn hàng tháng trời tại trụ sở Ủy ban cứu trợ được tạm thời cấp cho, ở 156 Công Lý Sàigòn...Nhắc lại chuyện ấy, rồi Bảo Hà đã sẵn trớn mở lời luôn: Mới đấy mà đã gần nửa thế kỷ trôi qua...Sao bọn mình không cùng nhau về thăm chốn xưa một chuyến nhỉ...Và đấy cũng là lần cuối ba đứa bọn mình lại có dịp rong chơi chung với nhau...

" Mai đúng vào ngày giỗ Quý đấy", Bảo Hà nhắc.

Chợt nghe, tôi đứng tim, buột miệng lắp bắp: " Sao ..sao cậu lại có thể nhớ chính xác vậy!..." Và đồng thời, lời nhắc nhở của Bảo Hà khêu gợi tôi liên tưởng tới ngay rằng tháng Mười năm 2019, chúng tôi mất luôn một lần 4 người bạn: Trần Tuấn Kiệt - Du Tử Lê - Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Tường Quý ...

"Nếu có lên viếng chùa - vái Phật, cho tớ ké tưởng niệm Quý, nhá?", Bảo Hà lửng lơ buông lời.


*
**

Duyên may gặp gỡ :

Chết thật! Kh
ông ngờ bỗng dưng tôi đổ đốn ra tới độ vô tâm đến thế: Chẳng còn nhớ ra ngày bạn ta mất, ngày giỗ thứ ba của một người bạn thân.
 

Phải chăng trên hai năm qua, mùa đại dịch kéo dài, bạn hữu liên tục rủ nhau ra đi, đặc biệt tới tấp nhiều hẳn lên so với trước, tâm trí tôi cứ thế là lãng đãng vẩn vơ đến độ lú lẫn?...Hay có phải vì  tuổi tác đã về chiều, ký ức già cỗi hẳn đi, khiến mình thành đãng trí ?...Dù sao đi nữa, dù nại bất kỳ nguyên nhân - cớ sự nào đi nữa, tôi vẫn tự cảm thấy rằng mình như chỉ đang gián tiếp tự bào chữa! Thật sự là mình có lỗi với bạn, phải thành thật mà tự nhận thấy vậy.

Trăn trở trong tâm trạng ấy, tôi nhẩn nha nhớ về mấy cột mốc cụ thể của Nguyễn Tường Quý và tôi ở quá khứ trên sáu chục năm qua...

Hai đứa ch
úng tôi đã bắt đầu gặp gỡ và làm việc chung với nhau khoảng từ cuối năm 1960 đến cuối năm 1963: Những lần chạm mặt nhau trên chùa. Rồi nhờ qua một ông anh kết nghĩa hướng dẫn, chúng tôi đã cùng nhau sinh hoạt đoàn thể mà đặc biệt thường xuyên là hai đứa phụ trách hằng tuần chỉ bảo cho một số cô cậu nhỏ hơn đang cố gắng học thi ; còn thỉnh thoảng thì lại cùng tham gia vào những trại công tác phục vụ xã hội.

Sau đấy, năm 1964, c
àng nổi rõ nét thân thiết giữa chúng tôi ở những sinh hoạt của Tổng hội Sinh viên sàigòn...

Như thời tôi cộng tác viết bài cho bản tin Lên Đường của Tổng hội Sinh viên Sàigòn thì Nguyễn Tường Quý là một cá nhân hướng dẫn tập thể sinh viên  trường đại học Kiến Trúc tham dự vào các trại công tác xã hội do Tổng hội tổ chức.

Như cả hai th
áng trời liên tiếp, tại trụ sở Tổng hội Sinh viên trên đường Duy Tân, chúng tôi cùng có mặt trong nhóm tổ chức rầm rộ nhiều buổi giới thiệu được đông nghẹt số lượng khán thính giả tham dự hát theo hai trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy. Từ đó nhiều ca khúc của 2 trường ca này được thường xuyên vang lên ở khắp nơi. Nếu tôi nhớ không lầm thì nổi nhất là hoan ca "Việt Nam- Việt Nam" đã được phổ biến rộng rãi, đến độ chỉ thua có Quốc ca mà thôi.

Như trại hội thảo và công tác vào Hè năm 1964 kéo dài 2 tuần lễ được cho phép tổ chức ngay tại  khuôn viên viện đại học Đà Lạt, qui tụ các đại diện của cả ba sinh viên đoàn  Sài Gòn -  Đà Lạt - Huế, nhằm tìm phương thức tổ chức thành lập Tổng hội Sinh Viên Việt Nam.. Kết quả thì chỉ phần công tác là có chút ít tiếng vang tích cực; còn hội thảo thì xem ra đã bị các thế lực chính trị chi phối nên dở dang, không cụ thể đạt được sự thành lập một cơ cấu kết hợp nào trên thực tế. Trong dịp này, tôi hoạt động trong ban báo chí; còn Quý thì với kinh nghiệm dầy dặn từ thời cuối thập niên 1950 hoạt động trong hội Thanh Niên Thiện Chí, anh đã tỏ ra xuất sắc trong việc điều động trại công tác ( cứu trợ dân cư trong vùng, nhưng cụ thể là sinh hoạt thiện nguyện vui đùa - học hỏi là chính) ở Suối Vàng, cũng như tại Buôn Thượng .. và cắm trại cạnh khu tu viện khổ hạnh Thiên Chúa Giáo dòng Châu Sơn.

Nhiệt huyết bung ra trong l
ãnh vực hoạt động xã hội thiện nguyện:

Riêng công tác cứu lụt Miền Trung năm 1964 của Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Sàigòn là đậm đà nhất:

Sinh viên của các phân khoa viện đại học sàigòn phối hợp với học sinh các trường trung học lớn tại thủ đô thiết lập thành Ủy ban thanh niên - sinh viên - học sinh sàigòn đặc trách kế hoạch này. Ban đầu là các toán tản ra  các khu dân cư - chợ - trung tâm thương mại vận động quyên góp trực tiếp từ đồng bào . Ai ngờ mới chỉ hoạt động trên một tuần lễ thì vật dụng - thực phẩm ồ ạt  đổ về quá nhiều. Chúng tôi phải gấp rút nhờ bên bộ Thanh Niên vận động xin một nơi làm trụ sở ; và chỉ vài ngày sau đã được đồng ý cấp cho một căn biệt thự hiện đang bị bỏ trống số 156 Công Lý, xế dinh Độc Lập.

Ủy ban phải họp ngay lại để thành lập những bộ phận chuyên trách: Tiểu ban hành chánh-quản trị, tiểu ban bốc xếp- phân loại- đóng góp- di chuyển, tiểu ban giao tế - nhân sự...Đặc biệt Ủy ban nhất quyết không thu góp tiền bạc để gây quỹ hoạt động, mà chỉ dựa vào sáng kiến đi thuyết phục, bộ nào trong chính phủ đồng ý hỗ trợ lãnh vực nào thì yêu cầu bộ ấy cho một đại diện của họ sang sinh hoạt cùng với tiểu ban đặc trách của Ủy ban để biết nhu cầu  mà chi dụng thẳng từ quỹ của bộ ấy xuất ra, chứ chúng tôi không nhận tiền mặt để trực tiếp chi tiêu bất cứ một thứ gì.

Chẳng hạn, chúng tôi cầy cục vào phi trường Tân Sơn Nhất trình bầy công tác cứu trợ với tướng Nguyễn Cao Kỳ, lúc ấy là tư lệnh Không Quân. Ông quay sang thiếu tá Vũ Đức Vinh ( thời gian này ông Vinh đang phụ trách chức vụ chánh văn phòng cho tư lệnh)[2] bảo:

- Anh tìm cách giúp họ đi!

Thế là thiếu tá Vinh tiện xe jeep chở luôn chúng tôi vào câu lạc bộ của căn cứ, cho uống nước giải khát; rồi vẫn chưa nghĩ được cách trực tiếp giúp ra làm sao, ông cứ cho xe chạy vòng vòng đến mấy cái hangar chứa máy bay, nhằm giới thiệu 'quảng cáo' quân chủng Không Quân với bọn học sinh - sinh viên choai choai chúng tôi...Chợt ông ấy reo lên:

- À phải rồi! Mấy chiếc vận tải cơ C- 47 của Pháp trao lại - cũ mèm này đang được quyết định chuyển dần ra Nha trang để các lớp huấn luyện trưng dụng cho bọn khóa sinh học lái...Thôi để tôi trình Tư lệnh rằng mỗi tuần có ba chuyến C- 47 bay từ đây ra Nha Trang thì tiện đường chở luôn theo đồ cứu trợ của các anh đưa thẳng đến Đà Nẵng bốc rỡ xuống rồi bay trở về Nha Trang. Vậy nhá.

Được tư lệnh chấp thuận, thiếu tá Vinh đặc trách luôn: Liền trong hai tuần lễ, ba chuyến mỗi tuần, chính ông điều động mấy chiếc GMC ra hốt đồ cứu trợ từ trụ sở của Ủy Ban chúng tôi chở vào lần lượt chất lên chiếc phi cơ vận tải C- 47 rồi chở cả các toán công tác của chúng tôi ra đến Đà Nẵng đổ xuống, rồi cũng chính ông tự 'gia công' xin mấy chiếc xe vận tải của căn cứ không quân ngoài ấy tiếp chở đồ cứu trợ lẫn cả bọn lau nhau chúng tôi đi phân phối cho đồng bào mấy vùng bị lũ lụt nặng, từ Quảng Ngãi về tới Quảng Nam.

Tôi còn nhớ, có lần tôi và Nguyễn Tường Quý cùng đi hướng dẫn toán cứu trợ: Lũ trên nguồn tràn xuống kéo luôn cả làng cư dân lẫn bóc đi cả một hai cây số đường nhựa trên Quốc Lộ I  ra mất hút ngoài biển khơi! Xe GMC đến khúc đường ấy bắt buộc phải ngừng, chúng tôi nhờ các dân làng quanh đấy gánh hàng cứu trợ lội qua vùng nước lũ đang còn chảy xiết . Sang được phía bên kia, chúng tôi xin trả công, họ mỗi người không đòi một đồng bạc nào mà chỉ ngỏ lời, mong nhận được một ký lô gạo! Nhìn thấy họ mắt sáng lên, tay run run nhận lấy túi gạo, chúng tôi trong lòng mới bắt đầu hiểu thấm thía được cái mức độ đói nghèo tột độ của dân làng vùng bị lũ lụt.

Tôi còn nhớ, có lần phải dùng thuyền của dân để chở đồ cứu trợ. Qua từng khúc gặp toán dân vệ hay địa phương quân VNCH, họ tỏ ra mừng rỡ chào hỏi ý  ới..Nhưng cũng có đoạn gặp phải toán du kích VC họ vẫy gọi lại tuyên truyền. Mấy cậu học sinh đi trong đoàn cứu trợ chúng tôi cười cợt đùa rỡn, khiến Nguyễn Tường Quý phải cản lại và giải thích rằng du kích VC họ 'dân vận ' đấy, mình phải giả tảng phớt lờ cho qua đi để còn yên lành mà chu toàn phận sự chứ! Nhờ vậy mà mấy lần sau các cậu học sinh nhỏ đi trong đoàn tỏ ra chững chạc hẳn.

Tôi còn nhớ, có lần toán học sinh - sinh viên đi cứu trợ gặp dân đang dựng lại nhà. Cả bọn chúng tôi trên mấy chục đứa liền hăng hái xông vào ra tay giúp ghép phên làm vách, chuyển lá lên lợp mái, gánh đất đắp nền..., lấy đó làm vui.. Nhưng chỉ được gần nửa buổi, đứa nào đứa nấy mệt lăn quay ra cả! Trong khi ấy người dân, cả đàn bà lẫn con nít, họ vẫn thoăn thoắt luôn tay luôn chân. Họ còn vừa làm vừa hát hò vui vẻ. Dân làng còn ngỏ lời rằng nhờ chúng tôi 'hụ hợ giúp vui', khiến họ lên tinh thần hẳn!

Hợp tan - tan hợp.

Vốn chuyên môn kiến trúc, tôi còn nhớ rằng Nguyễn Tường Quý vào độ 1966 trở đi đã cùng với Hà Quốc Bảo (tốt nghiệp kỹ sư công chánh ) và Trần Vũ Bản, ba 'tay' thành lập công ty chuyên đấu thầu xây dựng các căn cứ quân đội  Mỹ ở Việt Nam, trụ sở ban đầu ở đường Sương Nguyệt Anh...

Hồi ấy, vì hoạt động ở hai nghề nghiệp khác nhau, tôi ít hẳn gặp Quý trong mấy năm sau đó, mà chỉ nhớ rằng anh ấy đã được mời thiết kế xây cái cổng cho viện đại học Vạn Hạnh ngay trên đường Trương Minh Giảng, cạnh cây cầu bắc qua kinh Nhiêu Lộc..

Đến đâu cuối năm 1974, đang lăn lộn trong quân đội, phục vụ tại Ủy ban Liên Hợp Quân Sự 2 Bên, tình cờ gặp Quý thì không hiểu do đâu mà tự nhiên bất ngờ tôi đã buột miệng đề nghị: Hãy vẽ mẫu ngôi mộ cho tớ!

Vài tháng nữa có dịp gặp lại, Quý ngẩn người ra khi nghe tôi thật sự đòi xem bản anh vẽ xây mộ cho tôi. Chẳng hỏi thêm lý do, chỉ một tuần sau đó, Quý kiếm đến và trao một tập đầy đủ các bức vẽ trên dưới - trong ngoài- trước sau mẫu một ngôi mộ, với tiêu đề: Kiến trúc mộ của Phạm Quốc Bảo!...

Thế rồi có ai ngờ được rằng chưa đầy nửa năm sau, biến cố 30 tháng Tư 1975 ập đến, gia đình Quý ra đi thoát sang Mỹ, còn tôi  thì lăn lộn trong tù, liệt người thừa chết thiếu sống trên một năm rưỡi, nghĩa là suýt bỏ mạng ở lại Đồi Sả trong một trại giam trung ương ngoài Bắc...

Đến độ năm 1985, gia đình Quý từ Vancouver giọn sang Nam Cali, anh hành nghề kiến trúc lại: ban đầu tạm chung văn phòng với luật sư Phạm Văn Phổ, trên dẫy lầu trong khu cùng với nhà hàng Song Long; sau giọn vào trong khu văn phòng thuộc bùng binh  khu Moran, dọc đường Bolsa.

Tôi còn nhớ, dịp này anh có nhận xây dựng nên mấy ngôi chùa:

Anh có lần rủ tôi và Ngô Mạnh Thu đi cùng lên Sacramento trong thời gian anh lo xây cất một thiền viện nữ tu trên ấy...

Nhưng đặc biệt vào đâu vài năm đầu thế kỷ này, anh có nhận vẽ và điều động xây một cảnh chùa nằm ở vùng đồi núi phía đông bắc quận San Diego, sát xa lộ 15. Được vị thầy trụ trì ở đấy giới thiệu, anh tính mua miếng đất cạnh ngôi chùa này. Và tập bản thảo kiến trúc một khu mười mấy - hai chục căn nhà kiểu townhouse, chung quanh khu ấy thì gồm có độ trên một thước trồng cỏ lẫn cây thấp quanh mỗi ngôi nhà, đã được anh khoe với tôi và Ngô Mạnh Thu: Anh tính xây cho bọn thân hữu chúng tôi mỗi gia đình một căn để khi nghỉ hưu, cả lũ kéo nhau về đó cư ngụ chung, trên mảnh đất ấy!

Mộng ước này dĩ nhiên là không thành: Bọn chúng tôi chẳng có được bao nhiêu đứa đủ tiền đặt cọc trước. Hơn nữa, thực tế thì khu nhà nếu thực hiện ở dưới ấy xem ra quá xa xôi với trung tâm Little Sàigòn, nên khi trở về già rồi thì bọn tôi chả còn được bao nhiêu người đủ sức lái xe xa được như vậy nữa!

Bức lan vẽ dở dang.

Sang định cư ở Nam Cali, có lẽ chưa bao giờ lại là thời kỳ thuận tiện cho ngành sinh hoạt văn học-nghệ thuật nở hoa, cá nhân Nguyễn Tường Quý mỗi lúc một vẽ hăng say hơn hẳn trước đây. Trên hai mươi năm, anh đã cho triển lãm tranh chung lẫn riêng tới độ  trên dưới mười lần: Tranh phong cảnh, tranh chùa, và hình tượng Phật..và đặc biệt nhất, theo tôi, là những bức anh vẽ Phong Lan. Chính Quý có lần tâm sự thổ lộ rằng xem ra giới thưởng ngoạn có vẻ ưa tranh vẽ lan của anh hơn cả.

Với khiếu thưởng ngoạn hội họa thường thức, tôi nông cạn trong sơ sài cảm nhận rằng cá nhân mình nói chung khá thích nét vẽ mảnh và sắc, có nhiều không gian thanh thoát, còn bố cục tranh Nguyễn Tường Quý thì đa phần thiên về ấn tượng.
Ri
êng tại nhà tôi hiện đang treo ba bức họa của Quý, thì hai bức vẽ lan treo ngay trên tường trong phòng ngủ. Trong ấy có một bức tôi còn nhớ rõ từng chi tiết:

Vào mấy năm cuối thập niên 2010, do sức khỏe của Quý yếu dần, bọn thân hữu chúng tôi năng tới lui thăm anh tại nhà. Một lần tôi được cháu Thọ, nghĩa tử của Ngô Mạnh Thu, tiện thể chở tôi đến. Chú cháu tôi vừa bước vào ngõ đã thấy Quý đứng sẵn trước cửa nhà đón, trong lòng tôi đã hơi mừng thầm cho sức khỏe của bạn mình. Nhưng khi ngồi rỉ rả trà nước với nhau ở phòng khách, Quý xem ra tiết kiệm lời hỏi đáp hẳn so với những lần trước đấy.

Nhìn vẩn vơ quanh, tôi thấy ở góc phòng có một cái giá vẽ, trên ấy sẵn để một khung vải. Xa mấy thước không nhìn rõ, tôi đứng dậy tiến lại gần: Hóa ra bức vẽ lan chỉ được phác họa bằng bút chì, mấy cánh lan mới thoáng có một nước màu hơi phớt đỏ - vàng lấm chấm, ở giữa  nhiều khoảng trống mầu xanh da trời đậm - nhạt thô sơ; còn những cọng hoa và cả nền bức họa vẫn thấp thoáng nét chì, chỗ  rõ chỗ mờ...Không hiểu sao mà tôi lại tự nhiên buột miệng thốt lên:

- Tôi thích bức này.

- Chưa vẽ xong. Quý lửng lơ trả lời.

- Ấy. Dở dang mới đáng giá, cậu ạ.

Nghe tôi phát biểu như thế, Quý yên lặng một lát rồi khó khăn bước lại gần. Anh cầm bút lên tính viết nhưng cánh tay run run.. Không biết nghĩ sao anh lại trao cây bút dầu cho tôi:

- Cậu viết thay tớ.

- Viết gì?

- Thân tặng PQBảo - Nguyễn Tường Quý - 8 / 2017.



Lững thững đến .. rồi đi.

Sáng chủ nhật, mùng 10 tây, như thường lệ của gần mười năm nay, có những bạn từ Bakesfield - Simi Valley lái xe xa cả hai ba tiếng đồng hồ xuống sớm, còn tôi thì đủng đỉnh ra quán cà phê quen thuộc. Ngồi với ít nhất cũng 6, còn thường là 8, có khi lên được tới mười mạng, lai rai 'dứt lác' với nhau bên ly cà phê hay trà, rồi tới trưa tà tà rủ nhau đi ăn ở đâu đó.

Chiều, quá 1 giờ, tôi lặng lẽ một mình lái xe lên chùa Liên Hoa. Giờ này ở đấy vắng hẳn, thấy qua bãi cỏ dọc khu vực dành cho bãi đậu xe có thêm hai tượng đức Phật Bà Quán Âm mà trước mấy năm nay chưa hề có, tôi tạt vào chắp tay vái và nhẩm hai lần Chú Tiêu Tai với Chú Cứu Khổ; rồi mới băng qua khu nhà ngang, vào sân giữa, lại chắp tay vái và đọc 2 lần 2 Chú tại hình tượng Phật Bà trên hòn non bộ nhỏ ở góc trái trông ra sân; trước khi đi chếch về phía bên trái, qua chánh điện, vào một dọc am ở phía bên trái của sân sau cùng chùa.

Mới có vài năm không tiện dịp lên đây mà am chứa cốt đã từ hai rưỡi thêm ra thành năm cái rồi.

 Đứng trước từng am, tôi lại vái và nhẩm hai lần hai câu Chú. Vừa nhẩm thầm vừa liếc mắt nhìn từng hũ cốt bầy trên 4 lớp kệ đặt vòng quanh vách bên trong am...

Tôi còn nhớ hũ cốt của Nguyễn Tường Quý với của Nguyễn Tường Vũ [3] đã nhiều lần hiện diện ở tầng trên cùng, phía bên trái của am thứ nhất. Bây giờ không thấy nữa...

Nhẩn nha di chuyển từ am này sang hết đến am kia, tôi xem thấy ít nhất là hiện diện thêm hũ cốt của chị Phạm Dung vợ anh Lê Đình Điểu, hũ cốt của anh dược sĩ Vương Bá Cẩn..và vài nhân vật quen biết khác, không tiện nhắc thẳng ra tên tuổi ở đây, đều hiện diện ở trên hai am rưỡi mới được lập thêm...

Tôi đã dự tính quay lại tìm kỹ từng am thêm một lần nữa..Trong khi đấy từ ký ức nẩy ra khiến tôi nhớ rằng lâu nay lớp thế hệ sau của họ Nguyễn Tường đã cùng nhau về xây dựng lại nghĩa trang của dòng tộc ở quê nhà. Tôi nghĩ bụng rằng có thể gia đình đã đưa tro cốt của bạn mình về chung tại nghĩa trang của dòng tộc chăng... Còn nếu giả như tro cốt của bạn tôi vẫn lưu lại ở đây mà mình kiếm không thấy thì chỉ việc kêu đến hỏi chuyện bà Tâm, vợ Quý, là rõ ngay... Nhưng rồi tôi lại ngần ngừ: Có thật sự cần phải như vậy chăng?

Tự nhiên tôi cảm thấy nhẹ tâng, thông thoáng ...

Tần ngần đứng cạnh bức tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát, tôi vẩn vơ đưa mắt nhìn lên những tàng cây xanh im lắng...Mùi nhang thoảng qua - trộn lẫn vào tiếng kinh trầm trầm từ chánh điện len ra và lan tỏa trong không gian tịch mịch... Hình ảnh của người bạn tôi từ ký ức cứ thế mà hiển hiện..trong êm ắng của bầu không gian sau chùa...lẫn trong lòng tôi...

Chợt nhớ về những sáu mươi năm qua
bao nhi
êu cơn lốc thế sự ta bà
cùng phận quay cuồng hai đứa từng trải
tả tơi mấy bận, tưởng khuỵu... thế m
à:

Gặp bí, hai đứa vẫn cứ nhẩn nha
Riết rồi cũng thấy được lối tho
át ra
để cứ an nhi
ên tà tà dấn tới
cuối c
ùng vượt khỏi - đời sống nở hoa...

Giờ đ
ây ngẫm lại - thật là
suốt đời lững thững - an h
òa nhẹ tênh!

Chú thích:

[1] Hà Quốc Bảo tốt nghiệp kỹ sư Công chánh, Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, và phục vụ tại Bộ này cho đến năm 1975..Cuối năm 1965, ông là trưởng ban sáng lập Đoàn văn nghệ thanh niên-sinh viên-học sinh Nguồn Sống...Cùng gia đình tái định cư tại Hoa Kỳ, mấy chục năm qua ông phục vụ ngạch kỹ sư như một chuyên viên thiết kế an toàn nhà máy điện nguyên tử ở Richland ( tiểu bang Washington).Ông đã về hưu độ trên 10 năm nay.

[2]
Ông Vũ Đức Vinh được biết sau đó đã ra nắm chức tổng giám đốc nha Vô tuyến Truyển thanh một thời gian. Sau tháng Tư 1975,  cùng gia đình tái định cư ở Seattle - tiểu bang Washington -, ông đã vào làm cán sự xã hội của quận hạt King và đồng thời cũng thực hiện tạp chí Đất Mới cùng với Mai Thảo, Thanh Nam, Túy Hồng, Nguyễn Văn Giang ( từ năm 1975 đến năm 1984)... Riêng cá nhân người viết bài này suốt hai thập niên 1980 - 90, có nhiều dịp lên Seattle sinh hoạt văn nghệ - báo chí nên thường gặp ông và được ông tâm sự cho biết hồi trẻ ở Hà Nội, ông có bút hiệu là Huy Quang, đã viết báo và cho xuất bản được 2 tác phẩm: Tác phẩm đầu tay của ông là truyện dài “Hai Mái Tóc Xanh” đã được Nhà Xuất bản Công Lực xuất bản dưới hình thức 'Sách Hoa Mai' nhắm vào độc gỉa thanh niên nam-nữ, cuốn truyện dài thứ hai của ông mang tên “Đôi Ngả” cũng xuất bản ở miền Bắc, trước 1954...Ông (vào năm 1958?) cũng góp 'tiếng' vào trong Chương trình Thi Văn Tao Đàn, "Tiếng nói của thơ - văn miền Tự Do", do nhà thơ Đinh Hùng chủ xướng .

[3] Anh ruột của Quý, Nguyễn Tường Vũ học Văn Khoa sàigòn, tốt nghiệp cao học môn Văn chương Pháp vào mấy năm đầu thập niên 1960, giáo sư ban Pháp văn trung học ở Sàigòn. Ông rất tài hoa: thổi sáo, ngâm thơ, sáng tác thơ Pháp - Anh - Việt - Hán ... Sau Tháng Tư 75, cùng gia đình tái định cư tại Ottawa- Canada, ông có thời gian vào làm cán sự xã hội ở đây. Nhưng đáng kể nhất là đã nhiều năm ông làm thiện nguyện cho Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ , phục vụ những đợt thuyền nhân tại những trại tỵ nạn Việt ở Phi Luật Tân, Mã Lai..trong thập niên 1980./.

* 11 giờ 22 pm. Thứ Năm 20 tháng 10- 2022.
* Điều chỉnh lần 1, th
áng 09 - 2023.

Phạm Quốc Bảo.