TIẾT NĂM: CA DAO

 

I- ĐỊNH NGHĨA:

Ca: hát; Dao: bài hát không chương khúc. Vậy Ca dao là bài hát ngắn không có chương khúc, lưu hành trong giới bình dân.

Tinh thần Ca dao Việt Nam, trước hết là một tinh thần ham sống, vui vẻ, lạc quan tin tưởng ở thiên nhiên và tương lai.

Chúng ta lần lượt xét Ca dao qua hình thức và nội dung để xem văn chương của giới bình dân được xây dựng như thế nào.

II- HÌNH THỨC: Về hình thức ca dao gồm có hai thể

- Thể văn.

- Thể ca.

1. Thể văn: Theo thể văn Ca dao có thể chia làm ba loại : chính thức, biến thể và hổn hợp.

a- Loại chính thức:

1) Theo thể vè ba chữ: loại này mỗi câu gồm ba tiếng, khổ không hạn định.

a) Về nhịp : Thí dụ : Tập / tầm vong,       nhịp 1 - 2

                                  Chị/ lấy chồng.             “

                                  ..................….

b) Về thanh: Thông thường chữ thứ nhất và chữ thứ ba khác thanh.

Thí dụ : Tập tầm vong,               T-B

Chị lấy chồng.             T-B

Em ở giá.                    B-T

Chị ăn cá,                    T-T

Em húp xương.           B-B

Chị nằm giường,         T-B

Em nằm đất.               B-T

....................                ......

Qua bài này, về thanh chúng ta thấy trừ câu mở đầu không kể, các  câu còn lại thì chữ thứ nhất câu trên và chữ thứ nhất câu dưới đổi thanh, mà như vậy thì có khi cùng thanh với chữ thứ ba trong câu.

Nhưng cũng có bài, ta thấy trừ câu đầu các câu còn lại chữ thứ nhất có từng cập thanh giống nhau và luôn luôn chữ thứ nhất và chữ thứ ba trong câu khác thanh nhau. Đây chính là luật thanh của vè ba chữ như đã nói.

Thí dụ : VÈ SÀI GÒN

Chốn Sài Gòn,              T-B

Nơi đô hội.                    B-T

Nhiều đường phố,        B-T

Lắm phố phường,         T-B

Khách bốn phương.      T-B

..............................

Thượng Thanh

c) Về vần: Nhìn lại hai thí dụ trên,chúng ta thấy vần đi từng cập từ BẰNG chuyển sang TRẮC và ngược lại.

d) Về đối: Thông thường vè không bắt buộc phải có đối, nhưng qua bài tập tầm vong chúng ta thấy có tiểu đối.

Sau đây ghi lại toàn bài Tập Tầm  Vong

Tập tầm vong,

Chị lấy chồng,

Em ở giá,

Chị ăn cá.

Em húp xương.

Chị nằm giường,

Em nằm đất.

Chị húp mật,

Em liếm ve.

Chị ăn chè,

Em liếm bát.

Chị coi hát            ,          

Em vỗ tay.

Chị ăn mày,

Em xách bị.

Chị làm đĩ,

Em xỏ tiền.

Chị đi thuyền,

Em đi bộ.

Chị kéo gỗ,

Em lợp nhà.                     

Chị trồng cà,                    

Em trồng bí.                     

Chị tuổi tí,            

Em tuổi thân.                   

Chị tuổi dần,                    

Em tuổi mẹo.                    

Chị kéo kẹo,

Em đòi ăn.

Chị lăn xăn,

Em nít hết.

Chị đánh chết,

Em la làng.

Chị bò càng,

Em bò niểng.

2. Theo thể vè bốn chữ: Loại này mỗi câu gồm bốn tiếng, thông thường cứ bốn câu làm thành một đoạn.

a)  Về nhịp: có nhịp 2-2

b) Về thanh: về thanh thì chữ thứ hai và chữ thứ tư khác thanh

Thí dụ:  Cá bóng đi tu,   -T-B

Cá thu nó khóc. -B-T

.........................

Trừ câu đầu, chữ thứ hai và thứ tư có thể thay đổi từng câu hay từng cập câu như sau :

..........................                   hoặc........................

                           -T-B                                        -B-T

-B-T                                        -T-B

 

hay ..........................                      hoặc........................

                           -B-T                                        -T-B

-B-T                                        -T-B

-T-B                                        -B-T

-T-B                                        -B-T

c) Về vần: Có vần đuôi và vần lưng

- Vần lưng:

Thí dụ:    Cá bóng đi TU,                  (VTB)

Cá THU nó KHÓC,          (VBT)

Cá LÓC nó rầu,                (VTB)

.....................

Hay       Cùm nụm cùm niệu,

Trời đánh tay TIÊN.         (VTB)

Đồng TIỀN chiếc ĐỦA,    (VBT)

Hột LÚA ba BÔNG.          (VTB)

.......................

- Vần đuôi:

Thí dụ:    Tay cầm viết đỏ,

Gõ xuống nghiên vàng.    (VB)

Vẽ phụng vẽ loan,             (VB)

Vẽ chàng nho sĩ,                (VT)

Vẽ bông hoa lý,                 (VT)

........................

3. Theo thể vè từ năm đến tám chữ: Loại này ít thấy dùng, nếu có chỉ dùng trong thể hổn hợp.

4. Thể lục bát: Gồm có hai câu, một câu sáu chữ và một câu tám chữ. Số câu không hạn định, nhưng luôn luôn mở đầu bằng câu sáu và chấm dứt bằng câu tám.

Thí dụ:    Ba phen họa nói với diều,

Ngả kinh ông Hóng có nhiều vịt con.

a) Về nhịp: Câu 6 có nhịp 2-2-2

Câu 8 có nhịp 2-2-2-2

b) Về thanh: Câu sáu: BB TT BB,

Câu tám: BB TT BB TB

c) Về vần: Chữ thứ 6 câu sáu có vần với chữ thứ 6 câu tám, tức là vần lưng, chữ thứ 8 câu tám, có vần với chữ thứ 6 câu sáu dưới (nếu bài dài hơn) tức là vần đuôi.

d) Về đối: Trong Ca dao ít có, nhưng trong những khúc ngâm, ta có thể thấy thể Lục bát có tiểu đối tức là trong câu tám có hai vế đối nhau.

Thí dụ :     ......................................

Em đi nổi trận nắng mưa,

Sức lăm đánh Bắc, tài lừa phò Nam.

.........................................................

                        (Hà Tiên thập cảnh vịnh khúc)

Thể lục bát như chúng ta biết, nó rất thích hợp để đặt truyện, như truyện Lục Vân Tiên,...

5. Thể song thất: Thể này cũng như lục bát, gồm có hai câu, mỗi câu có 7 chữ, câu trên gọi là thất trắc và câu dưới gọi là thất bằng.

Thí dụ:         Gió đưa trăng thì trăng đưa gió,

Trăng lặn rồi gió biết đưa ai?

a)  Về nhịp:  Câu trắc thất có nhịp 3-2-2

 Câu thất bình có nhịp 3-2-2

b) Về thanh: Câu trắc thất có nhịp  Æ TT BB       TT

 Câu thất bình có nhịp Æ BB           TT        BB

c) Về vần: Câu thất trắc có vần ở chữ thứ bảy để gieo vần xuống chữ thứ năm câu thất bình.

Thí dụ:     Mẹ  với cha thật là khó kiếm, (VT)

Đạo vợ chồng chẳng hiếm (VT) chi nơi.

d) Về đối: Có thể có tiểu đối (đối từng cập)

Thí dụ:     Chim chìa vôi bay ngang đám thuốc,

Cá bả trầu lội tuốt mương cau.

6. Thể song thất lục bát: Gồm có hai câu song thất ghép với hai câu lục bát, hay gồm có hai câu lục bát ghép với hai câu song thất cho nên loại sau này còn được gọi là lục bát giáng thất.

Thí dụ:    Trời vần vũ mây giăng tứ phía,

Đất biển đông sống gợn tứ bề.

Làm sao nên nghĩa phu thê,

Đó chồng đây vợ ra về có đôi.

a) Về nhịp: Hai câu thất có nhịp  3-2-2

3-2-2

Câu sáu có nhịp 2-2-2

Câu tám có nhịp 2-2-2-2

b) Về thanh: Chữ :  1  :  2  :  3  :  4  :  5  :  6  :  7  :

Câu thất trắc           :  Æ :  T  : T  :  B  : B :  T  : T  :

Câu thất bình          :  Æ :  B  : B  :  T  : T :  B  : B  :

Câu sáu                  :         B  : B  :  T  : T :  B  : B  :

Câu tám                 :         B  : B  :  T  : T :  B  : B  :  T  :  B  :

Chữ     :         1  :  2  :  3  :  4  :  5  :  6  :  7  :  8  :

c) Về vần: Câu thất trắc gieo vần ở chữ thứ bảy

Câu thất bình ăn vần ở chữ thứ năm và gieo vần ở chữ thứ bảy

Câu lục ăn vần ở chữ thứ sáu

Câu bát ăn vần ở chữ thứ sáu và gieo vần ở chữ thứ tám.

Thí dụ:  Cách khúc sông, kêu bằng cách thủy, (VT)

Sài Gòn xa, chợ Mỹ (VT) cũng xa. (VB)

Gửi thư thăm hết nội nhà, (VB)

Trước thăm phụ mẫu, sau là (VB) thăm em. (VB)

d) Về đối: Có thể có tiểu đối hay bình đối

b- Loại biến thể: Cũng được gọi là biến thức, loại này được biến từ loại chính thể mà ra, đây là sự biến đổi về số tiếng trong câu, như vậy nhịp bị dời đi, song mỗi câu ở thể chính thức có bao nhiêu nhịp, thì loại biến thể cũng phải chỉ có từng ấy nhịp.

¨ Lục bát biến thể :

Thí dụ:     Trách lòng / con chó nhỏ / nó sủa dai,

Sủa nguyệt / sơn đài //, sủa bóng / trăng thanh.

 

¨ Song thất biến thể :

Thí dụ:     Có gió lung / mới biết tùng / bá cứng,

Có ngọn lửa lừng / mới rõ / thức vàng cao.

¨ Song thất lục bát biến thể :

Thí dụ:     Đèn nhà lầu / hết dầu / đèn tắt,

Lửa nhà máy / hết cháy / thành than.

Em Hai ôi, lấy chồng / lựa chỗ / giàu sáng,

Lấy chi / thằng điếm / dọn bàn / cho Tây ăn.

Hay         Ngó lên trời / thấy cập cu / đương đá,

Ngó ra ngoài biển / thấy cập cá / đương đua.

Đi về / lập miễu / thờ vua,

Lập trang / thờ mẹ /, lập chùa / thờ cha.

c- Thể hn hợp: Gồm các thể chính thức hay biến thể hợp lại.

Thí dụ :    Cây da cũ,

Con yến rũ,

Cây da tàn.

Bao nhiêu lá rụng, anh thương nàng bấy nhiêu.

 

Cá bóng đi tu,

Cá thu nó khóc,

Cá lóc nó rầu.

Phải chi ngoài biển có cầu,

Anh ra đến đó giải sầu cho em.

 

Sớm mai anh đi chợ Gò Vấp,

Mua một xấp vải.

Đem về con Hai nó cắt,

Con Ba nó may,

Con Tư nó đột,

Con Năm nó viền,

Con Sáu đơm nút,

Con Bảy vắt khuy.

Anh bước cẳng ra đi,

Con Tám nó níu, con Chín nó trì,

Ớ Mười ơi! Sao em để vậy còn gì áo anh.

- Chim Quyên, chim én, chim phụng, chim nhàn,

Bốn con tùng tam tụ ngũ, đậu mai, mai rũ, đậu liễu, liễu tàn.

Từ ngày anh với em xa cách đôi đàng,

Cơm ăn chẳng đặng, bạn  vàng biết chăng?

Sơ lược về thể cách Ca dao như thế, chúng ta thấy rằng ngoài thể lục bát ra, những thể khác nhất là loại biến thể, có công dụng thích hợp cho thể văn biến thành thể ca. Theo biến thể nghĩa là tăng thêm số tiếng trong câu, nhưng phải giữ nhịp và thanh đúng theo thể chánh thức.

Còn thể hn hợp có khả năng thích ứng làm cho Ca dao dài ra, giàu âm điệu và tiết tấu, đấy là một đặc tính của dân tộc Việt Nam, nhạc tính có từ ngôn ngữ cho đến Văn học bình dân. Thể hn hợp cũng cho ta thấy hai thể khác nhau, luôn luôn kết hợp lại bằng vần đuôi và thường chấm dứt bằng câu hát chính thức hay biến thể.

2. Thể ca: Với thể thức biến chuyển như trên, Ca dao, có thể hát thành nhiều giọng, ngày nay chúng ta gọi là dân ca. những giọng ở miền Nam thường hát :

a) Hát ru em : Thường dùng thể lục bát và thêm giọng chẳng hạn như ù ơ, à ơ....

Thí dụ: Ù ơ......., ờ.

Em tôi khát sữa bú tay,

Ai cho bú thép ơ ....., ờ ngày rày mang ơn!

b) Hò: Gồm có hò, hò lờ, hò đối đáp (xem hát huê tình) hò rất thông dụng trong Nam, thỉnh thoảng chúng ta nghe trên đài phát thanh hay truyền hình hò:

Thí dụ: Hò.....ơ..... Nhà Bè nước chảy chia hai,

Ai về ờ.... Gia Định ơ.... Đồng Nai thì về ờ.....

c) Hò lờ : Mới sáng tác sau này, điệu hò này gồm có nhiều người cùng hò, trong ấy có một người xướng và có một số người khác phụ họa.

Xướng: Hò lơ, hò lờ.

Lắng tai nghe hó lơ hò lờ :

Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,

Điệp: A ly hò lờ!

Xướng:  Đất nào dốc bằng đất Nam Vang.

Điệp:      A ly hò lờ!

Xướng:   Một tiếng anh than.

Điệp:      A ly hò lờ!

Xướng:   Hai hàng lụy nhỏ.

Điệp:      A ly hò lờ!

Xướng:   Có chút mẹ già, biết bỏ cho ai?

Điệp:      Có chút mẹ già, biết bỏ cho ai?

Hò lơ hó lơ!

Lắng tay nghe chúng tôi hò lờ!

d) Lý con sáo: Ai đem con sáo á sông rồi lại sang sông ?

Kìa kia kía kia kìa kia!

Để cho nó, con sáo ơi! Sổ lòng nó bay.

Ai ải ơi!

e) Lý ngựa ô: Khớp khớp con ngựa ô!

Là khớp khớp con ngựa ô!

Ngựa ô anh thắng,

Anh thắng kiệu vàng,

Anh tra khớp bạc,

Lục lạc đồng đen,

Búp sen lá dậm,

Dây cương đậm thắm,

Cán roi anh bịt đồng thòa.

Là a ý a đưa nàng,

Đưa... đưa nàng là dinh ý a về dinh!

f) Lý chim chuyền: Chim chuyền nhành ớt á lo rồi lại líu lo,

                                Sầu ai nọ, nên nỗi ơi! Ôm ốm o gầy mòn, ai ải ôi!

g) Lý ru con: Gió mùa thu,

Mẹ ru là ru con ngủ.

Năm ý a canh chầy, là năm ý a canh chầy,

Thức đủ về năm.

Năm ý a canh chầy là thức đủ, đủ về năm.

Nín, nín đi con!

Con hởi, con hởi!

Nín! Nín đi con!

Con hởi là con hởi!

Cha con rày, là cha ý a con rày!

Hỡ chàng, chàng ôi!

Là chàng, chàng ôi!

Sao lệ bấy chàng.

h) Hát huê tình: Thường được hát trong những đêm trăng thanh, gió mát khi xuôi ngược trên các sông rạch miền Nam, giữa đôi trai thanh gái lịch, hoặc để có bạn đường trong đêm khuya thanh vắng trăng nước hữu tình, hoặc để vui chơi cho quên bớt đường xa mệt nhọc và buồn ngủ. Người ta còn gọi là hát  đối đáp... Đôi khi qua câu hát “Văn kỳ thinh, bất kiến kỳ hình” mà người ta nên duyên vợ chồng.

Hát huê tình thật ra là hò, nhưng ở đây là hò đối đáp, mà hò thì có thể chia làm 3 loại tùy theo phương pháp dụng lời:

a) Hò văn: Người ta lấy câu văn trong kinh hay sách nho, để lồng vào trong câu hò.

Thí dụ:  Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang tân ngư hỏa đối sầu mien. ( 1 )

Đêm khuya nghe tiếng ai hỏi nhỏ bên thuyền,

Hỏi thăm quân tử vượt miền đi đâu?

Hay         Tay cầm quyển sách Minh Tâm anh đọc :

Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,

Cao phi viễn tàu khả năng tàng.

Từ khi anh xa cách con bạn vàng,

Cơm ăn chẳng được như con chim phượng hoàng bị tên.

b) Hò truyện: Người ta dùng điển tích ở các truyện tàu như Tây Du, Thuyết đường... để cấu tạo nên câu hò.

Thí dụ: Hò ơ .... cái tôi không hò đến truyện Tây Du thì thôi, chớ hò đến chuyện Tây Du thì nhắc từ thuở xưa kia Tề Thiên Đại Thánh loạn thiên cung, đánh trời giành đất cho ông Ngọc Hoàng xang bang xác bấc, đến chừng thác xuống bị ngũ hành sơn chụp đè. Phật bà có dặn: “Này Tôn hành giả ơi! Nằm xuống đây chờ, chừng nào Tam Tạng đi đến, chợt thấy Tề thiên nên mau mau chạy đến gỡ hai lá bùa.... Tề thiên vùng mình đứng dậy được, nhưng mình mẩy thì ôi thôi... rong rêu đóng giáp, lỗ mũi thì cỏ mọc xanh lè... bớ trai chàng có thấy không?

c) Hò mép: Khác với hai loại trên, lời trong hò mép không lấy ở kinh, sách hay truyện gì cả.

Thí dụ:  Một bộ Tây Du mấy cuốn?

Một cuốn mấy chương?

Một chương mấy hàng chữ?

Nói cho có ngăn có ngữ, gái má đào mới chịu thua!

Hay         Đèn treo trường án, tỏ rạng bờ kinh,

Bình thủy lưu linh, đáo lại Long Tuyền.

Trà Niên, Kinh Xáng, Ba Láng, Cái Răng. ( 2 )

Hơn không hơn cũng kiếm cho bằng,

Có đâu thua bạn, bạn hòng cười chê.

Phi vân có ghi lại cả khung cảnh và nội dung hát huê tình, trong tác phẩm Đồng Quê với truyện ngắn “Tiếng hò trong đêm vắng”, xin trích ra đây một đoạn.

.............................

Hò ớ hò ơ......

Bạc với vàng còn đen còn đỏ.

Đôi đứa mình còn nhỏ thương nhiều,

Vừa nghe em là anh muốn như anh Kim Trọng thương chị Thúy Kiều thuở xưa.... ơ.

Hò xong anh ta đắc chí :

- Đó thầy coi, thế nào rồi cũng có trả lời, điệu nghệ gặp nhau, là mầy tao quấn quýt!

Giọng phù trầm ngừng đi một chập, chúng tôi yên lặng chờ. Quả nhiên không sai lời anh chèo nói “điệu nghệ gặp nhau, là mày tao quấn quýt”, tiếng hò lại nổi lên :

- Hò ơ..... ớ người không quen ơi!

Nghe anh em cũng muốn thương nhiều,

Nhưng hoa đà có chủ, khó chìu dạ anh...

Anh chèo xoa tay trả lời tức khắc

- Hò ơ.... chim kia còn thỏ thẻ trên cành,

Nghe em nói vậy, dạ không đành rẽ phân...

Giọng trầm cũng không nhịn :

- Hò hơ..... Bình bồng ở giữa Giang tân,

Bên tình bên nghĩa biết thân bên nào?...

Anh chèo rối rít :

- Đó thầy coi, ngon chưa? Trời ơi, cái giọng đáng yêu làm sao!

- Hò hơ, ớ em ơi...

Nhứt lê, nhì lựu, tam đào,

Bên tình bên nghĩa bên nào cũng thân.

Rồi anh lắng tai chờ :

- Hò ơ, nói mà chơi vậy chớ: gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu anh đừng bận bịu, bớ điệu chung tình, con nhạn bay cao khó bắn, con cá ở ao quỳnh cũng khó câu...

Anh chèo đã thấy đổ mồ hôi, nuốt nước miếng bảo với tôi:

- Không được, tôi chưa hề gặp con nhỏ nào hò chiến như con nhỏ này, nó làm bộ có chồng để thử mình, rồi bây giờ lại còn làm cao, nếu ở hò cù cưa, thế nào cũng bị nó hạ. Vậy tôi phải trổ hết nghề đem điệu hò dài ra tấn công cho nó ứ nhựa họa may nó mới xếp giáp quy hàng.

- Hò hơ... ờ này em ơi, em hãy nghe cho kỹ : xưa kia gái không cưới chồng trai không ở góa, đoái thấy nàng xinh đã quá xinh. Buông lời vừa vổ vế non, nếu như nàng lo việc cháu con, sao không kiếm chốn trao thân gửi thế.

Trên đời bá công, bá nghệ, dưới lại là tứ thứ tứ dân. Làm người sao khỏi chữ lương nhân, mà nàng chịu đphòng không ở góa? Sách có chữ rằng phụ nhân nan hóa, ít kẻ yêu vì. Nên lấy chồng phải luận phải suy, phải xem trong lóng đục, đây đã đến phải thời phải lúc... Hò hơ... hay nàng còn cúc nhục cù lao... để anh ngơ ngẩn ra vào, thầm yêu trộm nhớ dạ nào bỏ anh?...

- Đó thầy coi, thế nào nó cũng chết ngất, điệu hò dài phải đối dài, ngắn đối ngắn, nó mà đáp được kỳ này, thì tôi cũng cam giải nghệ cho rồi...

Tôi giục : “Kìa nín, nó đã đáp liền kia”

- Hò hơ, ớ này anh nó ơi, số phận em giao phó cho trời xanh, lấy anh em không lấy nhưng cũng không đành làm ngơ. Hò hơ... vốn em cũng chẳng bơ thờ, em đã hằng chọn trong lóng đục nhưng vẫn còn ngờ nợ duyên. Hò hơ.... vốn em cũng muốn lấy ông thầy thuốc cho giàu sang nhưng lại sợ ông hay gia hay giảm, em muốn lấy ông thầy pháp cho đảm, nhưng lại sợ ông hét la ghê góc, em muốn lấy ông thợ mộc, nhưng lại sợ chú hay đục khoét rầy rà, em muốn lấy ông thợ cưa cho thật thà, nhưng lại sợ trên tàn dưới mạt, em muốn lấy người hạ bạc, nhưng lại sợ mang lưới mang chài, em muốn lấy anh cuốc đất trồng khoai, nhưng lại sợ ảnh hay đào hay bới, em muốn chọn anh thợ rèn kẹt ngỡi nhưng lại sợ ảnh hay nói tức nói êm, bằng muốn lấy anh đặt rượu làm nem, thì lại sợ ảnh hay cà riềng cà tỏi, em muốn lấy ông nhạc công cho giỏi, nhưng lại sợ giọng huyễn giọng kèn, em muốn lấy thằng chăn trâu cho hèn, nhưng lại sợ nhiều điều ví thá, em muốn lấy anh lái buông thiềng thị, nhưng lại sợ ảnh kêu rêu mắc rẻ khó lòng, em muốn lấy anh thợ đóng thùng nhưng lại sợ anh kêu trật niềng trật ngổng, em muốn lấy ông hương tổng, nhưng lại sợ việc tróng ( 3 ) việc gông, em muốn lấy anh hàng gánh tay không nhưng lại sợ đầu treo đầu quảy, em muốn lấy chú hàng heo khi nảy, nhưng lại sợ chú làm lộn ruột lộn gan, em muốn lấy anh thợ dát thợ đan, nhưng lại sợ ảnh hay bắt phải bắt lỗi, em muốn lấy anh hát bè hát bội, nhưng lại sợ giọng rỗi giọng tuồng, em muốn lấy anh thợ đóng xuồng nhưng lại sợ ảnh hay dằn hay thúc.... Hò hơ, mấy lời trong đục chẳng dám nói ra, có thầy giáo tập làng xa hay dạy hay răn, so đức hạnh ai bằng, lại con nhà nho học, sử kinh thầy thường đọc, biết việc thánh hiền. Hò hơ, gặp nhau em kết nghĩa liền, không chờ chẳng đợi cho phỉ nguyền phụng loan....( 4 )

Kỹ thuật hát đối là giữ vần, người hát trước gieo vần ở chữ cuối câu thì người hát đối phải bắt vần ấy ở chữ cuối câu đầu.

Thí dụ : Cô gái hát câu chót trong bài vừa dẫn :

Nhưng hoa đã có chủ khó chìu dạ anh...

Thì người con trai phải giữ vần ANH để nối tiếp :

- Hò hơ... chim kia còn thỏ thẻ trên cành,

Nghe em nói vậy dạ không đành rẽ phân...

Cô gái lại tiếp theo :

- Hò hơ... bình bồng ở giữa Giang Tân.

Bên tình bên nghĩa biết thân bên nào?...

III- NỘI DUNG:  Căn cứ theo ý tứ diễn tả của nội dung, người ta chia Ca dao như sau :

1. Phong tục tập quán:

Thí dụ: - Trai trưởng nam le lưỡi rà hòm,

Gái tiểu nhi than khóc từ chòm cỏ may.

            - Gió đưa gió đẩy bông trang,

               Bông búp về nàng, bông nở về anh.

2. Luân lý:

Thí dụ: - Trồng trầu trồng lộn dây tiêu,

               Con theo hát bộ mẹ liều con hư.

               - Trăm năm trăm tuổi,

                  May ruổi một chồng.

                  Dù ai thêu phụng,  vẽ rồng mặc ai.

3. Tâm lý:

Thí dụ: - Giàu sang nhiều kẻ tới nhà,

               Khó khăn nên nỗi ruột rà xa nhau

                - Mẹ cha bú móm nâng niu,

                  Tội trời thì chịu, không yêu bằng chồng.

4. Tình cảm:

Thí dụ: - Ngó lên Châu Đốc thấy gốc bần trôi,

               Ngó về Gia Định thấy vịnh cây Đào.

                   Anh thương em ruột thắt gan bào,

               Biết em có thương lại chút nào hay không?

                - Trời mưa bong bóng bập bồng,

                   Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?

                - Đèn nào cao bằng đèn Sở thượng?

                   Nghĩa nào trượng bằng nghĩa phu thê?

                   Anh với em tay ấp má kề,

                   Dầu anh lạc Sở qua Tề,

                   Mấy năm cũng gởi thư về cho em hay.

                - Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc,

                   Gió nào độc bằng gió Gò Công.

                   Thổi gió đông lạc vợ xa chồng,

                   Nằm đêm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi!

5. Thường thức:

Thí dụ: - Tháng ba khăn gói ra hòn,

               Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang mai.

                - Ông tha mà bà chẳng tha,

                  Đánh nhau một trận mồng ba tháng mười.

6. Xã hội:

Thí dụ: - Mười giờ tàu lại Bến Thành,

               Xúp lê vội thổi bộ hành lao xao.

                - Má ơi! Đừng gả con xa,

                 Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

                - Làm thơ quốc ngữ, đề chữ Lang sa,

                 Mười giờ xe lại bỏ qua thăm chàng.

7. Đồng dao:

Thí dụ: - Chị Hươu đi chợ Đồng Nai,

               Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.

                - Ví dầu, ví dẩu, ví dâu,

                  Ăn trộm bẻ bầu, ăn cướp hái dưa.

IV- CÁCH KẾT CẤU: Kết: tết lại, cấu: gây thành, nghĩa là sắp đặt ý tứ cho thành bài văn, Ca dao có cách kết cấu như sau :

1. Phú: Là loại diễn tả trực tiếp sự vật, thấy làm và nghĩ sự vật nào thì diễn tả thế ấy.

a) Tả cảnh:

Thí dụ: - Mười giờ tàu lại Bến Thành,

               Xúp lê nó thổi bộ hành lao xao.

                - Mười giờ kèn thổi tò te,

                  Mặt anh lính tập đỏ hoe nhớ nhà.

                - Bạc Liêu là xứ quê mùa,

                  Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều châu.

b) Tả việc:

Thí dụ: - Chẻ che bên sáo cho dầy,

               Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau.

                - Trên đời có bốn thứ ngu,

                  Làm mai, mượn nợ, gác cu, cầu chầu.

c) Tả tình:

Thí dụ: - Gió đưa cây sậy nằm dài,

               Ai làm em bậu buồn hoài không thôi.

                - Gió đưa bông lách, bông lao,

                  Gió đưa em bậu xuống tàu “Ăng lê”

2. Tỉ: Là loại diễn tả gián tiếp, dùng sự vật cụ thể để so sánh với tư tưởng, tình ý.

Thí dụ: - Dò sông dò biển dễ dò,

               Nào ai lấy thước mà đo lòng người.

                - Ớt nào là ớt chẳng cay,

                  Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng.

3. Hứng: Là loại diễn tả gián tiếp, nhân một sự cảm hứng bên ngoài mà phát sinh tình tứ để diễn tả nội tâm.

Thí dụ: - Chim quyên ăn trái nhãn long,

               Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.

                - Chiều chiều, chim vịt kêu chiều,

                  Thương cha, nhớ mẹ chín chiều ruột đau.

4. Hn hợp: Ba loại này được phối hợp với nhau trong bài Ca dao, khó phân biệt được rõ rệt và thường có loại hứng.

a) Phú và hứng: Là loại có nhiều nhất trong Ca dao

Thí dụ: - Chim chuyền nhành ớt líu lo,                           (Phú),

               Mãng sầu con bạn ốm o gầy mòn.                  (Hứng)

                - Qua cầu dở nón trông cầu,                         (Phú)

                  Cầu bao nhiêu nhịp, em dạ sầu bấy nhiêu.  (Hứng)

                - Ngó lên trời thấy cơn mây vần vũ,             (Phú)

                  Ngó xuống âm phủ thấy đủ mặt bá quan.

                  Dòm lên Nam Vang thấy cây nằm nước,

                 Dòm về sông Trước thấy sóng bủa lao xao,

                 Anh thương em ruột thắt gan bào,               (Hứng)

                 Biết em có thương lại chút nào hay không?

                - Trên thượng thơ bán giấy,                          (Phú)

                  Dưới thủ ngủ treo cờ.

                  Kìa ba hình còn đứng trơ trơ.

                  Nào khi đứng bụi ngồi bờ,                           (Hứng)

                  “Mũi di” đánh đạo bây giờ bỏ em.

b) Phú và tỉ:

Thí dụ: - Trong đầm gì đẹp bằng sen,                             (Phú)

               Lá xanh bông trắng lại chen nhuỵ vàng.

               Nhuỵ vàng bông trắng lá xanh,

               Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.              (Tỉ)

c) Tỉ và hứng:

Thí dụ: - Khế với chanh một lòng chua xót,                   (Tỉ)

               Mật với gừng một ngọt một cay,

               Ra về bỏ áo lại đây,

               Để khuya em đắp gió tây lạnh lùng.

               Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp,                      (Hứng)

               Trả áo anh về đi học kẻo trưa.

d) Phú, tỉ và hứng:

Thí dụ: - Cầu cao ba mươi sáu nhịp,                              (Phú)

               Em qua không kịp,

               Nhắn lại cùng chàng:

               Cái nghĩa tào khang sao chàng vội dứt?

               Đêm nằm thao thức tưởng đó với đây.

               Biết nơi nao cho phụng gặp bầy,                    (Hứng)

               Cho le le gặp bạn,

               Ruột đau từng đoạn,

               Gan thắt chín từng.

               Đôi ta như quế với gừng,                               (Tỉ)

               Dầu xa nhau nữa cũng đừng tiếng chi.

V- KHUYẾT ĐIỂM CỦA CA DAO:

Vì Ca dao là một bài hát ngắn, không có chương khúc nên có nhiều câu không diễn tả được tận ngọn nguồn, chi tiết.

Thí dụ: - Đồng Nai có bốn rồng vàng,

               Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.

May ra ta được biết Nghĩa thi tức là thủ khoa Nghĩa, phú cũng là một bộ môn văn học vậy Lễ là ai? Đừng nói đến Lộc hay Sang.

Còn như câu: - Đèn nào cao cho bằng đèn Châu Đốc?

                           Gió nào độc cho bằng gió Gò Công?

                           Thổi gió đông lạc vợ xa chồng,

                           Nằm đêm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Tại sao đèn ở Châu Đốc lại cao hơn cả? Vốn là một tỉnh gần biển hồ, đến mùa mưa, nước mưa do sông Cửu Long tràn xuống Châu Đốc trước nhất, rồi dung lượng nước ấy sẽ tràn qua đồng bằng sông Cửu Long, sau đó mới chảy ra biển, do lẽ đó mà tỉnh lỵ Châu Đốc, ngày xưa là Châu Đốc đạo được xây dựng trên một giồng đất cao để tránh nước ngập về mùa nước, nên vào độ tháng giêng trở đi không còn mùa nước nổi nữa, lúc ấy mực nước sông rất thấp so với mặt nước khi mùa nước nổi và ngày xưa đường lưu thông chính trong miền Nam là thuyền hay tàu, ai có đi thuyền hay tàu qua đó ban đêm ngước nhìn đèn đường của thành phố sẽ thấy nó ở trên rất cao hơn là Long Xuyên, Cần Thơ, Sa Đéc hay Mỹ Tho. Nếu thuyền hay tàu đậu ngay ở cầu tàu sẽ thấy nó cao hơn mực nước chừng năm đến mười thước. Còn gió độc Gò Công tức là bão năm Giáp thìn 1904, nhà cửa trôi giạt, bao nhiêu người chết, người ta còn truyền tụng lại, thậm chí đến một gánh hát bội kia đang diễn tuồng, bão lụt nhanh quá, đến nỗi kép hát bị chết vẫn còn mang hia đội mão, nên trong ca dao lại có câu :

Phải dè năm bão thả trôi,

Sống làm chi mang tiếng mồ côi một mình!

VI- SỰ SUY TÀN CỦA CA DAO :

Ca dao là một sáng tác tập thể, đấy là đặc tính của văn học truyền khẩu hình thức uyển chuyển làm cho Ca dao được sáng tác rất phong phú về số lượng và nội dung xúc tích.

Có những cô thôn nữ, những anh nông phu chưa từng biết chữ, cũng không được hỏi về kỹ thuật Ca dao nhưng họ đã đóng góp tích cực, chúng ta cũng phải để câu hỏi : yếu tố nào giúp họ đạt được kết quả ấy?

Phải chăng lúc nhỏ khi còn nằm trên chiếc võng, những buổi trưa hè cũng như đêm vắng, ngoài tiếng kỉu kịt của chiếc võng đưa họ còn được nghe lời ru êm ái của người mẹ, của bà nội hay ngoại và cả tiếng ru của người chị, đấy là bài học vở lòng, rồi lớn lên nếu là một cô gái thì cô ấy lại có dịp hát ru em, rồi lớn lên nữa khi trở thành cô thôn nữ, cô ấy lại có dịp hò, hát như thế họ đã sống một khoảng thời gian dài có dịp ghi nhớ, Ca dao đã tiêm nhiễm vào tâm hồn họ, chỉ cần sự cố gắng hay có rung cảm mỹ nghệ là họ có thể sáng tác được Ca dao, câu hát của họ có thể như gió thoảng trong không gian nếu không được đặc sắc, ngược lại nó sẽ được người khác ca tụng, họ sẽ ghi nhớ và lưu truyền. Nhờ vậy, mà ngày nay chúng ta có rất nhiều câu Ca dao, cho đến nay vẫn chưa ai có thể ghi chép đầy đủ cả.

Nhưng trong những năm gần đây, nhờ kỹ thuật tiên tiến đem lại cho chúng ta nhiều tiện nghi, nhiều phương tiện giải trí. Chính nó là một trong những nguyên nhân làm chết sự phát triển của Ca dao.

Chiến tranh cũng là một cơ hội cay nghiệt chẳng may trùng hợp, làm cho Ca dao tự dưng bị suy tàn một cách nhanh chóng.

Các nông cơ, thay thế cần lao để làm  công việc nhanh chóng nên dân quê bớt mệt nhọc, không cần đến điệu hát, câu hò để giải trí, hình ảnh con trâu với em bé quê và “Trâu ơi ta bảo trâu này....” dần dần sẽ xóa mờ trong tâm hồn của lớp người sau chúng ta, cái mô thức mỹ nghệ ấy rồi không còn có nữa.

Các máy thu thanh truyền đi những bài ca vọng cổ, tân nhạc làm cho người ta thích nghe, dễ nhớ rồi họ đã ca và hát theo chúng để thay cho những điệu ru em, giải trí lúc buồn vui.

Ngày xưa, ở miền Nam phương tiện lưu thông được sử dụng nhiều là tàu, bè, ghe, xuồng, một số người thường đi lại trên sông để buôn bán, người ta gọi họ là giới thương hồ. Giới này cũng đóng góp tích cực trong việc phổ biến và truyền tụng Ca dao. Họ đã hò hát trên sông qua những đêm trăng thanh gió mát, khi ngược sông cửu long lên Nam Vang hay đi Sài Gòn hoặc từ làng này qua làng nọ, hay từ tỉnh nọ qua tỉnh kia. Phương tiện chuyển vận chính ngày nay là đường bộ, giới thương hồ đã mai một theo thời kỳ của nó.

Ngày nay, trên sông vẫn còn những đêm trăng thanh gió mát, nhưng từ thời chiến  tranh, không cho phép dân quê tự do lưu thong, nên còn đâu là tiếng hò điệu hát! Thêm vào đó những chiếc xuồng, ghe gắn thủy động cơ phát ra những âm thanh ồn ào, đã giết chết khung cảnh thơ mộng là môi trường của Ca dao. Cũng còn vài thứ nữa đã góp phần vào việc làm cho người ta lãng quên Ca dao. Về phương tiện thưởng thức cũng như phương tiện gieo rắc âm điệu vào tâm hồn người Việt Nam.

Còn chăng là địa hạt giáo dục ở học đường, khảo cứu trên văn đàn, thương mãi và chánh trị. Như vậy Ca dao không còn giữ đúng tính cách nguyên thủy của nó.

VII- TỔNG LUẬN VỀ CA DAO MIỀN NAM:

Phải nói Ca dao miền Nam có một sắc thái đặc biệt, khởi thủy từ Bắc đi lần vào Nam, nơi đây đã được cuộc đất màu mỡ là một môi trường tốt, đã vun quén cho Ca dao càng thêm phong phú, điệu hát huê tình đóng góp rất nhiều cho Ca dao, ý thâm sâu, giọng bàng bạc đưa theo lòng sông, con rạch mà lan tràn lên cả hai bên nhà cửa và đồng ruộng mênh mông, nhiều câu chứng tỏ được cái tài của người bình dân chẳng những thâm sâu mà còn pha chút khôi hài. Chẳng hạn như những câu sau đây :

Khế với chanh một lòng chua xót,

Mật với gừng một ngọt một cay.

Ra về bỏ áo lại đây,

Để khuya em đấp gió tây lạnh lung.

            - Có lạnh lùng lấy mùng mà đấp,

Trả áo cho anh về đi học kẻo trưa.

Hoặc : - Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợ,

Kẻo gió giông tắt đèn bờ bụi tối tăm.

- Bờ bụi tối tăm anh quơ nhằm cái tộ bể,

Cưới vợ có chữa về thối lửa queo râu!

Hay : - Gió năm non thổi lòn hang dế,

Tiếng anh học trò mưu kế để đâu?

- Mưu kế anh để tại nhà,

Ai dè em hỏi anh mà mang theo.

Vì sửa lại lời, đặt thêm câu, từ đó Ca dao miền Nam thích dùng loại biến thể, vừa dễ đặt lời vừa thích hợp cho câu hò, để trong một câu có thể nói lên hết ý mình muốn nói và dễ dàng chấm dứt, miễn là kết thúc bằng một câu lục bát hay là câu chót chỉ cần có vần với câu kế trên nó.

 

Ghi Chú:

( 1 ) Bài phong kiều dạ bạc của Trương Kế thi sĩ đời Đường :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên.

Giang tân ngư hỏa đối sầu miên.

Cô-tô thành ngoại Hàn san tự.

Dạ bán chung anh đáo khách thuyền.

 

Trời sương trăng lặn quạ kêu luôn.

Ngủ đối cầu phong lửa cá buồn.

Thuyền đậu thành Tô chùa núi lạnh.

Nửa đêm chuông nện tiếng bon bon. (Vô danh dịch)

( 2  ) Các địa danh trong tỉnh Cần Thơ.

( 3 ) Tróng : cái tróng, người ta thường nói :”Gông đóng, tróng mang”.

( 4 ) Mấy câu hò trong bài này tôi chép hối hả trong mui ghe theo giọng hò đối đáp, có thể sai đi ít nhiều. Nhưng tôi không sửa được vì không có nguyên văn, xin chờ bạn đọc nào biết rành bổ chánh dùm cho. (Lời chú của Phi Vân)