Chương thứ hai

VĂN HỌC BÌNH DÂN

TIẾT MỘT: NGUYÊN LAI VÀ ĐẶC TÍNH

 

I- NGUYÊN LAI :

Nói đến nguyên lai của văn học Bình dân miền Nam cũng là nói đến nguyên lai của Văn học bình dân Việt nam, vì đấy là văn học của dân tộc chúng ta, nó chỉ có khác chăng là do ảnh hưởng của khí hậu, sông núi tạo ra một sắc thái khác biệt nào đó thôi, nên phải dẫn nguồn từ Văn học bình dân Việt Nam, để rồi theo cuộc Nam tiến nó truyền từ Bắc vào Nam.

Trở lại vấn đề, dân tộc chúng ta đã có những sáng tác văn chương được phổ biến nhờ truyền khẩu, nhất là nó được giới bình dân sáng tác cũng như truyền tụng, nên được gọi là Văn học bình dân, để phân biệt với Văn học bác học, là dùng phương tiện văn tự để truyền thông tư tưởng trong giới trí thức, khoa bảng.

Nhờ Văn học bác học dùng văn tự làm phương tiện truyền thong, cho nên ngày nay chúng ta còn được một số lớn tài liệu cổ xưa, để xác định được những thời điểm sáng tác và biết được tác giả, hay do những phương pháp khảo cứu sử liệu, người ta có thể xác định được một số tác phẩm vô danh về thời gian sáng tác cùng tác giả của chúng. Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” của Đẳng Trần Côn sáng tác vào khoảng năm 1740 bằng Hán văn rồi được một số người khác diễn Nôm như bà Đoàn Thị Điểm (1705-1746), Phan Huy Ích (1750-1822).., trước đây người ta cho là bản diễn Nôm thường được truyền tụng là của bà Đoàn Thị Điểm, nhưng trong sách Chinh phụ ngâm bị khảo của giáo sư Hoàng Xuân Hãn in năm 1953, cho đó là bản diễn Nôm của Phan Huy Ích và năm 1972, giáo sư Nguyễn Văn Xuân cũng đã cho in một tài liệu về Chinh phụ ngâm, do ông tìm ra được một bản in xưa và xác định rõ là bản diễn Nôm thường dùng chính là của Phan Huy Ích.

Những tác phẩm được ghi chép bằng văn tự, còn khiếm khuyết tác giả thì văn chương truyền khẩu khó mà xác định được tác giả. Bởi vì theo quan niệm xưa, có lẽ người ta chú trọng đến sự tác dụng của một tác phẩm theo quan niệm “Văn dĩ tải đạo”, hơn là chú trọng đến tác giả, ngoài ra vì tánh cách khiêm nhường, nên ngay cả tác phẩm được ghi chép bằng văn tự còn không đề tên tác giả, và hơn nữa, vì đa số đều chú trọng đến văn học Việt Hán nên văn học Nôm bị cho là “Nôm na là cha mách qué” thành thử văn học Nôm đa số bị khuyết danh. Đưa ra những điểm này, để chúng ta thấy rõ Văn học bình dân là những tác phẩm vô danh, cũng có thể nói Văn học bình dân là những tác phẩm chung của nhiều người sáng tác, bởi vì một câu ca dao, một câu truyện cổ trong khi phổ biến sẽ được người nọ hay người kia góp công sửa đổi một vài chữ hay một vài chi tiết, chẳng hạn như câu ca dao sau đây, câu đầu giống nhau nhưng câu sau thì hoàn toàn khác nhau, tùy theo địa phương, tùy theo hoàn cảnh, ở vùng Long Xuyên hay hát :

Ba phen quạ nói với diều,

Cù lao ông Chưởng có nhiều cá tôm (1)

Trong khi đó thì ở Tân An lại hát :

Ba phen quạ nói với diều,

Về kinh ông Hóng có nhiều vịt con (2)

Và để khuyến khích tinh thần chống Pháp lại có câu hát :

Ba phen quạ nói với diều,

Đi về cầu Sắt có nhiều xác Tây.

Như thế chứng tỏ Văn học bình dân được nhiều người đóng góp để cho nó được xúc tích, ý nghĩa và phù hợp với mỗi hoàn cảnh. Không biết tác giả, đa số Ca dao cũng không để lại thời kỳ sáng tác thì việc xác định thời gian phát sinh Văn học bình dân Việt Nam khó mà quyết định được. Bàn về điểm này, chúng ta thấy rằng một nước nông nghiệp dễ phát sinh sớm thi ca, nhưng sớm nhất, nền thi ca ấy cũng phải phát sinh sau khi có ngôn ngữ và ngôn ngữ đã đạt đến mức độ khá hoàn hảo, để diễn tả được những ý niệm thiên nhiên, cuộc đời hay nói khác hơn là triết lý sống.

Có người nhận xét qua Ca dao thấy không có những chữ cỗ, không có câu nào có một ẩn ý khó hiểu, nên đã đi đến kết luận là văn học bình dân không thể phát sinh từ thuở xa xưa. Sự quyết đoán ấy không thể chấp nhận được. Vì không thể so sánh Văn học bình dân với văn học Bác học, phần văn học Bác học có những tác phẩm được ghi bằng văn tự theo ngôn ngữ trong thời kỳ nào đó, đã được ghi bằng văn tự thì không ai lại sửa chữa, cho nên nó tự đóng khung thời kỳ sáng tác, trái lại như đã nói văn chương truyền khẩu thì dễ dàng sửa chữa, để cho nó được phù hợp với không gian và thời gian, những câu nào không phù hợp, người ta không truyền tụng, và như thế tự nó không còn nữa, rồi hoàn cảnh, ý niệm mới lại thúc đẩy người ta sáng tác những câu mới.

Đối với Văn học sử Việt Nam, Văn học bình dân phải có trước Văn học bác học, tức là có trước khi chữ Hán được truyền vào Việt Nam. Rồi Văn học bình dân theo cuộc Nam tiến của dân tộc mà truyền vào trong Nam. Đứng về phương diện sáng tác, Văn học bình dân miền Nam, chỉ có từ khi người Việt đặt chân trên mãnh đất này. Nhưng nếu đứng trên phương diện truyền bá, không thể nào cắt đứt sự liên hệ với Văn học bình dân Việt Nam, nghĩa là một số Ca dao, Truyện cổ cũng được truyền tụng ở miền Nam, chính do ở Văn học bình dân Việt Nam mà ra thì cũng không nên cho rằng đấy không phải là Văn học miền Nam.

II- ĐẶC TÍNH :

Người ta có nhận xét về Văn học bình dân là luôn luôn cô động nhờ vậy nó dễ dàng truyền thông đến mọi người, đặc tính ấy cũng là cho người ta dễ dàng thay đổi tùy theo địa phương hay hoàn cảnh, cũng giống như Văn học bác học, nội dung câu chuyện còn tùy thuộc vào bút pháp của tác giả, Văn học truyền khẩu cũng tùy thuộc một phần vào giọng hò, câu hát hay khoa ăn nói, sự đóng góp ấy không khác nào một nghệ sĩ ở địa hạt trình diễn trên sân khấu vậy.

Mặc dù Văn học bình dân  được truyền bá trong giới bình dân, nhưng không phải chỉ có giới bình dân sáng tác, việc sáng tác là việc làm của nhiều người, bởi vì danh từ Văn học  bình dân để chỉ cho thứ văn học nhằm vào giới bình dân về phương diện truyền thông chớ không phải chỉ giới hạn trong giới bình dân. Xét ra những câu Ca dao có âm Việt Hán thì đủ rõ giới trí thức đã đóng góp phần nào cho Văn học bình dân. Thí dụ :

               Vật bạc tình bất thủ,

               Nhơn phi nghĩa bất giao,

               Anh nguyền thưởng bậu một dao,

               Răn phường lòng dạ mận đào lố lăng.

Miền Nam không có núi cao, sông sâu mà chỉ có những cánh đồng bao la bát ngát, một màu xanh khi lúa còn non và một màu vàng ối khi mùa lúa chín, đấy là một vựa lúa của Việt Nam, trong những năm thanh bình về trước, sông rạch chằng chịt chẳng những giúp cho sự lưu thông được dễ dàng mà còn là một nguồn lợi to lớn về thực phẩm.

Thời tiết bình thường, đất đai rộng rải, thủy lợi dồi dào những yếu tố ấy tạo cho người miền Nam một đời sống đầy đủ, nó ảnh hưởng đến tạp quán và tâm lý, cho nên nói chung người miền Nam có một tâm hồn bình dị, đại đa số đều muốn sống một đời sống bình thường, không cần một đời sống phải tranh đấu cam go giữa người và người, nhất là giữa người với thiên nhiên.

Đặc tính tâm lý ấy ảnh hưởng mạnh mẽ vào văn học miền Nam và tâm hồn bình dị như dòng nước sông Cửu Long nên họ chỉ dung nạp những gì hiền hòa, chân thật, nhưng qua tánh tình chân thật hiền hòa ấy, câu văn họ đã gọt giũa theo kỷ thuật riêng, để có âm điệu, tiết tấu của một áng văn chương, nhưng so lại rất gần với lời nói thông thường, chẳng hạn  như câu Ca dao :

Ngó lên chữ ứ,

Ngó xuống chữ ư,

Anh thương em thủng thẳng em ừ,

Anh đường có thương vội, phụ mẫu từ không hay.

Kỹ thuật đã thăng hoa thì không còn để lại dấu vết đẽo gọt ngôn ngữ. Văn học bình dân miền Nam đã đạt đến trình độ ấy, và giới sáng tác Văn học bình dân không dùng đến sáo ngữ, họ dùng văn chương để diễn tả thực chất với quan niệm văn chương chỉ là phương tiện truyền thông tư tưởng, tình cảm và mô tả sự việc, nó giữ vai trò trung gian giữa giới sáng tác và thưởng ngoạn, người sáng tác phải xây dựng tác phẩm mình từ hình thức đến nội dung, đáp ứng được những khát khao tiềm ẩn trong tâm hồn giới thưởng ngoạn.

Đại loại ta có thể chia Văn học bình dân thành hai thể: thể văn và thể ca. Thể văn tức là chỉ nói thường như kể truyện, tục ngữ, còn thể ca là những câu hò, điệu hát lấy từ Ca dao. Ngày nay còn gọi là dân ca.

Nói chung thì Văn học bình dân có thể chia thành những loại sau đây :

- Truyện cổ tích

- Truyện tiếu lâm

- Tục ngữ

- Ca dao

- Vè

- Câu đố

 

Ghi chú :

(1) Chưởng binh Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh

(2) Kinh ông Hóng thuộc tỉnh Long An