TIẾT HAI: VĂN HỌC VIỆT HÁN
I- ĐẠI CƯƠNG :
Văn học miền Nam cũng như Văn học Việt Nam đều chia Văn học thành hai loại :
- Văn học Bác học, hay Văn học thành văn để chỉ cho thứ văn học mượn Văn tự làm phương tiện truyền thông tư tưởng. Nói chung là loại này dùng kỹ thuật giống nhau nhưng dùng phương tiện là văn tự khác nhau do đó cũng cần phải phân định rõ. Bởi vì văn tự khác nhau đã vạch rõ những ảnh hưởng khác nhau mà văn tự ấy chính là một biểu hiện. Cho nên những tác phẩm nào sử dụng chữ Hán chúng ta gọi là Văn học Việt-Hán. Vì chúng ta dùng chữ Hán nhưng lại đọc theo âm Việt, cùng một chữ Hán người Việt Nam đã đọc khác người Trung Hoa nhưng chính người Trung Hoa cũng đọc khác nhau. Thí dụ chữ 地 người Việt Nam đọc âm: Địa, người Trung hoa ở Hải Nam đọc âm : Đi, ở Quảng Đông đọc âm: Tì, ở Phúc Kiến đọc âm: Tì, ở Bắc Kinh đọc âm: Ti (âm này gọi là âm phổ thông, vì người Trung Hoa tiến đến thống nhất ngôn ngữ nên dùng âm Bắc Kinh). Những tác phẩm nào sử dụng chữ Nôm chúng ta gọi là Văn học Nôm và tác phẩm nào sử dụng chữ Quốc ngữ chúng ta gọi là Văn học Quốc ngữ.
Như đã nói, tuy sử dụng kỹ thuật giống nhau nhưng chúng chịu ảnh hưởng khác nhau, chính sự khác biệt ấy làm chúng ta lại phải phân biệt ra để thấy rõ văn học Việt Hán chịu ảnh hưởng trực tiếp của Trung Hoa, nào sử dụng chữ Hán, cú pháp, điển tích giống như văn học Trung Hoa loại này đặc biệt giành cho giới trí thức mà thôi, sẽ được đề cập ngay trong tiết này. Đến văn học Nôm thì chữ Nôm có nguồn gốc ở chữ Hán do người Việt Nam biến chế và kỹ thuật có một phần sử dụng kỹ thuật ca dao, nên nó chịu một phần ảnh hưởng nữa của người Việt Nam, loại này được coi như là từ trí thức tiến gần đến giới bình dân nó có tác dụng hai chiều, sẽ được đề cập đến ở tiết ba trong chương này. Rồi đến văn học Quốc ngữ, chữ quốc ngữ do nguồn gốc ở chữ La tinh và do người Tây phương sáng chế, tuy nó cũng sử dụng kỹ thuật Trung Hoa và Việt Nam nhưng nó lại bị ảnh hưởng của Tây phương loại này sẽ được đề cập tới ở chương thứ tư.
- Văn học bình dân, hay là văn chương truyền khẩu là thứ văn học chỉ dùng ngôn ngữ để làm phương tiện truyền thông, chớ không dùng đến văn tự sẽ được đề cập tới ở chương thứ hai.
II- VĂN HỌC VIỆT-HÁN :
Nhìn qua hình thức thi văn Việt-Hán là một thứ văn chương Trung Hoa bởi vì Hán tự là chữ của người Trung Hoa và hơn nữa dùng cú pháp của người Trung Hoa để diễn tả tư tưởng của chúng ta, vì lẽ ấy có một số người đề nghị gạt bỏ khỏi văn học Việt Nam tất cả thi văn Việt-Hán.
Xét ra ý kiến ấy không được hợp lý, bởi vì trước khi có chữ Nôm thì chữ Hán được dùng làm văn tự chính thức của nước ta. Vậy thì việc dùng chữ Hán để diễn đạt tư tưởng của người Việt Nam là một điều dĩ nhiên.
Văn chương có một sứ mệnh cao cả là truyền thông sứ điệp từ người sáng tác cho đến giới thưởng ngoạn, cứu cánh của sứ mệnh văn chương không phải là hình thức mà là nội dung của sứ điệp, nội dung một sứ điệp có mang đến cho giới thưởng ngoạn một rung cảm mỹ nghệ hay không? Đó mới là những điều đáng nói vì có những sứ điệp với nội dung chỉ mang đến cho giới thưởng ngoạn một rung cảm mỹ thuật trong không và thời gian nhất định như trong văn học sử Việt Nam có tác phẩm Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách xuất bản năm 1925 chứng tỏ cho chúng ta biết điều đó.
Và truyện Kiều của thiên tài Nguyễn Du đã mang đến cho giới thưởng ngoạn một sự rung cảm mỹ thuật đã vượt không gian và thời gian. Vậy sứ điệp truyện Kiều đã làm tròn sứ mệnh của nó tức là đạt đến cứu cánh của văn chương.
Mặc dù dùng hình thức như người Trung Hoa nhưng chắc chắn các tác giả trong lúc sáng tác thi văn chỉ mượn văn tự và cú pháp để ghi lại những rung cảm mỹ thuật mà chỉ có những nghệ sĩ có thiên tài mới ghi lại được những rung cảm nhẹ nhàng và phổ quát trong cộng đồng nhân loại. Hơn nữa một áng văn chương Việt-Hán dù có tuyệt diệu thì cũng chỉ có tuyệt dịu đối với giới thưởng ngoạn có học chữ Hán, còn đa số giới bình dân không biết đọc cũng chẳng hiểu nghĩa nhưng điều đó không thể làm thẳng tay gạt bỏ chỗ đứng của văn học Việt-Hán trong văn học Việt Nam, như đã nói đó là những suy tư, rung cảm của người Việt Nam để truyền thông đến mọi người.
Thực ra, chữ Hán xúc tích nhờ thế nó thích hợp với văn chương, tuy nhiên Hán tự có quá nhiều chữ, tự dạng khó nhớ, có nhiều điển tích nên nó không có khả năng quảng bá sâu rộng đến giới bình dân, nhưng qua bộ môn hát bộ, người bình dân cũng thưởng thức được phần nào của văn học Việt Hán. Vả lại, ca dao là bộ môn văn chương bình dân, trong ấy cũng sử dụng một phần văn chương Việt-Hán như :
Tay cầm quyển sách Minh tâm anh đọc :
Thiện ác đáo đầu chung hữu báo,
Cao phi viên tẩu khả năng tàng
Từ khi anh xa cách con bạn vàng,
Cơm ăn chẳng được như con chim phượng hoàng bị tên.
Nước ta từ những thế kỷ trước chánh trị, học thuật.... đều rập theo khuôn mẫu của người Trung Hoa thì văn hóa cũng theo con đường ấy. Khác chăng là cái tinh thần Việt Nam, với truyền thống bất khuất của dân tộc ta với một ngàn năm lệ thuộc Trung Hoa, dân tộc chúng ta không bị đồng hóa và đoàn quân bách chiến bách thắng Mông cổ đã dày bừa các dân tộc khác từ Âu sang Á, nhưng tinh thần của chúng ta đã chiến thắng toàn quân ấy. Hội nghị Diên Hồng đã biểu hiện ý chí và tinh thần ấy, một tinh thần bất khuất đã làm tan mộng thống trị của quân Mông trên mãnh đất nhỏ bé đối với vết chân ngựa chúng đã vượt qua ngày nay nhìn lại chiến tích ấy người ngoại quốc đã nức lòng ca ngợi dân tộc chúng ta đã có một phép lạ. Vậy thì chính tinh thần Việt Nam của chúng ta ở trong thi văn mới là điều đáng nói.
Muốn dứt khoát và chứng tỏ chúng ta có tinh thần độc lập bằng xóa bỏ hết văn học Việt-Hán, là một việc không nên làm. Bởi vì sự dứt khoát bằng cách thẳng tay gạt bỏ văn học Việt-Hán để chứng tỏ chúng ta độc lập về cả mặt văn học đối với người Trung Hoa, là một hành động hay một ý niệm mất gốc, chứng tỏ chúng ta quên đi biết bao nhiêu công lao của tiền nhân đã dày công xây dựng.
Cũng không phải văn học Việt-Hán có một dĩ vãng vàng son như hai câu của Tự Đức :
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường.
Mà phải để lại, để kiêu hãnh với người. Cũng không phải sợ khi bỏ văn học Việt-Hán thì chúng ta không còn những tác phẩm nào sánh bằng. Thực ra thì văn học bình dân cùng những tác phẩm Nôm và Quốc ngữ trong văn học Bác học, cũng đủ tư thế cho chúng ta tự hào với nước Việt nghìn năm văn hiến.
Như đã nói văn học Việt-Hán sử dụng kỹ thuật thi văn Trung Hoa, như thể ngũ ngôn, thất ngôn tức là mỗi câu có 5 hay 7 tiếng, một bài dài 4 câu gọi là tuyệt cú, nếu dài hơn gọi là trường thiên, ngoài ra còn có câu đối, phú hay văn tế...
Trong văn học sử Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ những thời kỳ của văn học Việt Hán, văn học Nôm hay văn học Quốc ngữ nhưng ở miền Nam, văn học Việt-Hán và văn học Nôm đi song hành với nhau, và có thể coi như chấm dứt từ năm 1967 khi tờ Gia Định công báo, quyển “Truyện đời xưa” của Trương Vĩnh Ký và quyển Lục Văn Tiên của Nguyễn Đình Chiểu được ấn hành bằng chữ quốc ngữ.