VénLên 01
Cuốn lên bức mành
- I -
Chuyện kể rằng:
Cụ ông tên thật là Bùi Văn Giảng, người ngoài vẫn thường kính trọng lẫn thân mật gọi tắt là cụ Hàn, ít nghe thấy ai đề cập đến cụ mà gọi thẳng ra tên tục là cụ Hàn Giảng cả.
Lai lịch vốn cụ xuất thân là thú y trong hệ thống Pháp thuộc địa cai trị ở Việt Nam ta. Công việc chính hằng ngày của cụ là chăm sóc cho những con chó - con mèo cưng của gia đình các quan chức Pháp Thuộc Địa. Nhưng trên thực tế khi hành nghề cụ lại đã không hề phân biệt: Chó mèo của giới quan chức nhà Nguyễn địa phương đưa đến nhờ chữa trị, cụ chưa hề chối từ. Thậm chí chó mèo hay những gia súc nào nói chung của dân cư quanh vùng bị bệnh tật mà cụ bắt gặp hoặc được chủ đưa đến, cụ cũng đều chữa trị cẩn thận ở tư gia mình, chẳng hề từ nan. Sự kiện này xẩy ra thường xuyên nên tiếng tăm vang vọng mãi vào tới Huế, vua quan nhà Nguyễn đã chính thức hóa công tác hành nghề của cụ bằng ngạch trật cụ thể. Mấy chục năm như thế, vua quan nhà Nguyễn liên tiếp cập nhật chức tước cho cụ, lên đến Hồng lô Tự Khanh - tòng tam phẩm triều đình thuộc Hàn Lâm viện.
Văn phòng làm việc ban đầu của cụ ở Hà Nội, sau đấy chuyển về thị xã Thanh Hóa. Suốt thời gian trên ba mươi năm làm nghề thú y, ít khi có dịp cụ vào Huế, trừ những lần chính thức vua quan nhà Nguyễn cho vời đến.
Và trung bình mỗi năm, ít nhất là đến dịp lễ Tết Nguyên Đán, cụ lại về quê nghỉ mấy tuần - một tháng. Đặc biệt cuối năm 1930, người ta không thấy cụ xuất hiện ở quê nhà như lệ thường. Nhưng sang đến độ tháng 5 tây lịch (1), đột nhiên người dân làng thấy xe tay đưa cụ về quê. Tin tức này liền được loan truyền thật nhanh, đến trưa hôm ấy là cả làng xôn xao.
Sáng hôm sau, ông Lý trưởng cùng ông Trương tuần, có dẫn theo anh Mõ, đến đầu ngõ rụt rè nhờ bác quản gia vào bẩm quan xin được gặp mặt.
Ba nhân vật coi như đại diện của Hội đồng hương chức trong làng được mời ngay vào nhà khách. Cụ Hàn bước ra tiếp, với bộ trang phục rất dân dã: áo quần trắng thô sơ, có khoác bên ngoài bằng chiếc the thâm, trông nền nã mà vẫn tề chỉnh.
Ở ngay chiếc bàn lớn giữa gian nhà khách, cụ Hàn miệng mỉm cười tươi mở lời mời đến lượt thứ hai thì ông Lý trưởng với bác Trương tuần mới dám rón rén ngồi vào hai chiếc ghế sát phía bên ngoài, còn anh Mõ thì vẫn chắp hai tay đứng hầu phía sau ông Lý. Với vẻ mặt tự nhiên hài hòa, cụ Hàn bước lại kéo anh Mõ cho cùng ngồi ngang hàng với hai viên chức làng. Sau khi liếc chừng hai vị kia, anh Mõ tỏ vẻ bất đắc dĩ phải ngồi ghé vào chiếc ghế ngoài rìa cùng.
Nước chè tươi ( 2) được trẻ bưng ra và đặt trên bàn, trước mặt ba vị khách. Cụ Hàn giơ tay mời, thì ông Lý đứng lên mừng quan về quê một cách quá bất ngờ, khiến hội đồng hương chức thất lễ đã không kịp đến thỉnh an.
Cụ Hàn mời khách tạm thời hớp ngụm nước chè trước khi ngỏ lời xin lỗi rằng vì 'việc nước - việc nhà' bề bộn nên trong một thời gian ngắn gấp quá, chưa kịp báo trước và cũng chưa đến thưa chuyện với cụ Tiên chỉ rằng lần này cụ Hàn về quê là để tổ chức tiệc đãi khách của cụ từ Hà Nội và Huế sẽ về mừng cụ hưu trí vào tuần tới đây. Nhân tiện gặp được ba đại diện hương chức của làng đây, cụ xin nhờ thông báo dùm, để rồi vài ngày nữa cụ sẽ xin trực tiếp đến tận nhà thỉnh ý cụ Tiên chỉ sau.
Thế mà chỉ ngay sáng hôm sau, ông Lý trưởng đã vội đến trình với cụ Hàn rằng cụ Tiên chỉ đã nhắn lại rằng ý định cụ Hàn muốn tổ chức tiệc đãi hưu trí ở quê nhà thì chỉ cần Hội đồng hương chức biết để tùy nghi đáp ứng là xong. Còn riêng vấn đề yêu cầu gặp mặt thì cụ Tiên chỉ cho biết là đã có hẹn sẵn trước với bằng hữu ở các làng bên nên cụ ấy sẽ vắng nhà cả hai tuần lễ tới đây, không tiện tham dự tiệc hưu trí lẫn trực tiếp gặp mặt quan đâu!
[Cụ ông Bùi Văn Giảng (1871 - 1934), tức cụ Hàn Giảng, hình chụp tại Thanh Hóa năm 1930, trích từ bộ Gia Phả họ BÙI do con trai trưởng cụ là ông Bùi Sỹ Thi thiếp lập vào năm 1985 tại Tân Tây Lan ( New Zealand ) ]
*
Tự thanh tẩy (3)
Và tuần lễ kế tiếp, cụ Hàn bù đầu trong việc chuẩn bị luôn suốt ba ngày những bữa tiệc: Thứ Ba, tiếp các khách cùng làm việc trong hệ thống Pháp thuộc địa; thứ Tư tiếp các quan chức thuộc triều nhà Nguyễn; và thứ Năm tiếp các đồng nghiệp cùng thân hữu chọn lọc của trên ba mươi năm cụ hành nghề thú y, từ khắp nơi đổ về.
Phải kể lại, ba ngày từ thứ sáu - thứ bẩy - chủ nhật tuần trước, cả bộ phận quản gia gồm trên mười người tại dinh cơ của cụ Hàn đã phải liên tục sửa sang khu vườn và nhà khách cho khang trang, để thứ Hai sang tuần thì soát xét toàn bộ lại lần chót, từ đồ ăn - thức uống đến bàn ghế và các vật dụng trang trí..., trước khi đón khách.
Và hai ngày thứ sáu- thứ bẩy của tuần lễ sau đấy là đổ dồn vào công việc dọn dẹp gọn ghẽ lại như cũ, cùng kết toán tài chánh, thanh toán tiền thuê nhân công... để ngày cuối cùng, chủ nhật, mọi người trong gia đình, tự người làm đến con cháu trực hệ của cụ Hàn được dịp nghỉ ngơi cho lại sức.
Riêng cụ Hàn ở ba ngày chót này, đêm không hiểu cụ có ngủ yên được không, chứ sáng nào người nhà cũng thấy cụ dậy sớm mà một mình ngồi trên chiếc bàn kê giữa gian nhà khách, yên lặng mà mông lung như tâm trí cụ còn để mãi tận đâu đâu..Đặc biệt là chưa bao giờ thấy cụ thở dài, trong khi liên tục chiêu từng bình trà này sang bình trà khác...
Sáng thứ Hai bước vào tuần lễ thứ ba về quê, bẩy giờ, ông quản gia lọ mọ ra gian nhà khách thì đã thấy cụ Hàn một mình ngồi yên lặng bên tách trà đang bốc khói. Lật đật đứng hầu bên, ông lại nhận ra hôm nay đặc biệt cụ mặc một bộ nâu sồng, khoác ngoài là chiếc áo trấn thủ cộc tay mầu lá mạ non: Cách phục sức này từ lúc về quê tới giờ cụ Hàn mới dùng đến lần đầu.
Sau khi thắp nhang khấn vái trước bàn thờ Phật và ông bà - tổ tiên, rồi chậm rãi húp hết một chén cháo hầm nếp - đậu đen - đậu xanh cả vỏ được nêm một chút muối hột - tiêu sọ rang chung tán nhuyễn, và dặn ông quản gia là không cần ai đi theo hầu, cụ Hàn chắp tay sau lưng đủng đỉnh rời nhà. Trên đường vào trung tâm làng gặp ai thưa chuyện làm quà thì cụ đều cung kính chào lại. Ra đến đình làng, cụ đi một vòng ân cần thăm hỏi đám dân đang cuốc đất trồng rau hay dọn dẹp quét tước quanh đấy. Rồi cụ đến thắp nhang khấn vái ở miếu thờ Thành Hoàng làng; và cuối cùng cụ tới ngồi nghỉ tại Văn miếu trước khi thong thả trở lại nhà vào xế chiều.
Hôm sau, thứ Ba, bảo xe tay đưa lên thăm quần thể Phủ Giầy (4), cụ thong dong ngắm nghía toàn vùng, gồm cả cảnh trí Núi Gôi, trước khi tới chiêm bái lâu đến gần hai tiếng đồng hồ tại quần thể đền thờ đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cho đến khi cụ về lại nhà là đã chợp tối.
Sáng thứ Tư cũng sau khi húp một chén cháo dằn bụng, cụ rời nhà thả bộ đi xuống cuối làng, vào ngôi chùa nằm ở rìa thôn trong.
Sư cụ hiện trụ trì ngôi chùa làng này vốn trước kia là một ông đồ dạy học cho nhiều tầng lớp trẻ ở mấy làng quanh đây, đức hạnh lâu năm chầy tháng đã khiến không những được dân làng này ai nấy đều tỏ ra trọng vọng mà đến ngay như ban quản trị làng xã - huyện - tỉnh nhà cùng nhau đồng lòng chính thức xin triều đình ban cho chức tòng cửu phẩm như một cách chính thức tri ân. Đến lúc tuổi cao, sư còn được hội đồng hương mục làng mời vào trụ trì ngôi chùa do làng thiết lập trên khoảnh đất công điền, cứ thế cũng đã gần hai thập niên rồi.
Cụ Hàn vào thắp nhang và chiêm bái tại chánh điện thì ông từ mới biết mà hoảng kinh, lật đật chạy vào bẩm báo. Lễ xong, cụ vừa thong thả bước ngoài hiên của chánh điện chùa thì sư cụ cũng vừa ra tới. Hai bên thi lễ, cụ Hàn ngỏ lời rằng đã đến mà không thông báo trước, thật thất lễ. Sư cụ sẵn mời vào chánh điện, nhưng cụ Hàn lại ngỏ lời là xin được cho xuống hậu liêu đàm đạo.
Sau một tuần trà khai vị, cụ Hàn thưa với sư cụ rằng về đây đã được hai tuần rồi nhưng vì bận bịu chưa có dịp thư thả tới thỉnh giáo nên xin bậc trưởng thượng mở lòng tha thứ cho. Miệng niệm Phật, sư cụ đáp lời:
- Bần tăng vốn là người tu hành, việc đời dường như đã gác ngoài từ lâu. Riêng đối với quan ngài thì chúng ta vốn xưa nay giao tình đã khá tỏ tường với nhau. Xin đừng khách sáo. Quan ngài đã cất công tới viếng cảnh chùa, hẳn cần ngỏ điều chi?
- Xưa nay cá nhân tôi đã sẵn cảm nhận được đức hạnh tu tập của ngài đây. Cho nên hôm nay mạo muội tự mình tới quấy rầy nơi thanh tịnh, trước là được lạy Phật, sau là mong vấn an Thầy. Rồi nếu không trở ngại gì thì xin được hai ngày cuối tuần này có thể đến chùa để làm công quả, mong sao có được hưởng chút ít gì từ công đức của ngài và đức Phật ban cho chăng.
- A Di Đà Phật. Xin được y lời quan ngài.*
Thế là sáng sớm thứ bẩy, ngay từ lúc còn nhọ mặt người, người ta đã thấy cụ Hàn bận nguyên một bộ nâu sồng, khoác sơ chiếc áo trần thủ mầu mạ non xuất hiện, lẳng lặng vào chánh điện lễ Phật rồi ra cầm chiếc chổi quét sân trước - sân sau chùa, tưới cây - gom nhặt lá ở khu vườn quanh chùa, tiếp tay phụ lau - bầy bàn ghế ngoài hiên lẫn hậu liêu, bưng nước và thức ăn thức uống cho khách thập phương đang lũ lượt đến chiêm bái. Trưa, cụ vào ăn cơm chay chung với những đợt người làm công quả... Cứ như vậy đến chiều tối thì cụ tự động lẳng lặng rời sân chùa, cuốc bộ về nhà.
Hôm sau, chủ nhật, vẫn một bộ y phục ấy, cụ lại xuất hiện từ sáng tinh sương, vào lậy Phật rồi quay ra tiếp tục an nhiên làm bất cứ việc nào mắt nhìn thấy mà chẳng đợi một ai yêu cầu cả...Nhưng vào độ xế chiều, ông từ tìm đến và thưa rằng sư cụ kính mời quan vào hậu liêu.
Trang phục thuần một bộ quần áo mầu đà sương khói, sư cụ ngồi đợi sẵn bên bộ bình - tách trà nóng đặt trên chiếc bàn mộc đơn sơ - cũ kỹ. Thấy cụ Hàn bước vào, sư cụ đứng dậy thi lễ và mời khách tạm lau mặt - rửa tay ở thau nước để sẵn trên chiếc đôn sành sát góc liêu, rồi rót trà để chiêu một ngụm hắng giọng:
- Hai ngày nay quan ngài đã theo chân Phật thực hành chút công quả..
- Thực ra thì tôi mong có được dịp này thuận duyên mà có thể chuẩn bị tự thanh tẩy đó thôi...
- Lành thay! Vậy thì quan ngài có gì dạy bảo chăng?
- Tôi có ý định về hưu luôn tại quê nhà. Chẳng hay ngài có điều chi hướng dẫn?
- Bần tăng đâu dám...
- Chỉ vì lấn bấn là tôi cứ băn khoăn cái sự chưa kịp thỉnh ý cụ Tiên chỉ...
- Không biết bần tăng có thể thô thiển bộc bạch mấy điều khá tế nhị, được chăng?
- Xin ngài cứ chỉ dẫn.
- Chắc quan ngài cũng rõ: cụ Tiên Chỉ lẫn cá nhân bần tăng đều xuất thân từ nếp Nho cũ xưa, mà mấy chục năm nay người đời gọi là bọn hủ nho...
- Không dám.
- Cá nhân bần tăng thì nhờ vài chục năm nương nhờ cửa Phật nên có dịp thấm thía cái chất chân thật của yếu chỉ Phật dậy mà tự khắc dần dà gột rửa được phần nào cái khuôn mẫu xưa cũ cứng ngắc của lớp Nho Sĩ một khi phải đối diện trước những biến thiên tân tiến của con người và xã hội ta ngày nay..
- Chắc ngài muốn đề cập đến cái căn cốt của chúng ta là bao giờ cũng gồm cả sự cọ xát giữa cũ và mới, giữa sự bảo tồn và thăng tiến, giữa nếp văn hóa dân tộc lẫn công phu hàm dưỡng tự điều chỉnh để cuộc sống mỗi một cá nhân chúng ta có thể thích ứng một cách hài hòa...
- Đại khái có thể diễn đạt là thế.
- Vậy ngài dạy tôi nên đối xử làm sao cho thuận tiện lúc này?
- Bần tăng trộm nghĩ, cụ Tiên Chỉ vì đã phải tuân thủ vị thế lễ - nghĩa Nho gia đóng khung từ mấy chục năm nay mà nếp ấy muốn chủ động tự đổi thay thì hẳn phải bị du vào trường hợp bất đắt dĩ lắm, bị bó buộc một cách quyết liệt nào đấy để đến độ chẳng thể chối từ được nữa. Có vậy thì mới may ra gượng gạo dần dà cụ Tiên chỉ thấu hiểu mà tự ngài ấy chủ động tẩy rửa dần được cái nếp xưa cũ kia chăng...
- Cảm tạ ngài đã thương tình mà phân tích cặn kẽ một cách khách quan - chính xác cái khúc mắc của vấn đề tôi đang phải tìm mọi cách kiếm cho ra giải pháp... Có lẽ phải chính mình tự gia công thực hiện.. Dù cho có phải tự thay đổi chính mình đi nữa, thưa ngài.
- Quan ngài dậy chí phải đấy.
*
- 2 -
" Học nhi thời tập chi.." ( 5 )
Sau khi nghe được anh Mõ làng bẩm báo rằng cụ Tiên chỉ vừa chấm dứt cuộc giao du với bằng hữu ở mấy làng bên, hiện đã trở lại nhà, cụ Hàn thư thả đợi đến sau một ngày ổn định nữa mới bắt đầu thi hành ý định sẵn của mình:
Sáng ra, vẫn chỉ mặc bộ nầu sòng và khoác chiếc áo trấn thủ mầu mạ non, được anh quản gia cắp tráp và một chiếc chiếu cói nhỏ theo hầu, luôn luôn lẩn quẩn ở xa là anh Mõ làng tháp tùng, cụ Hàn khoan thai thong thả đi vào sâu thôn giữa và đến nhà cụ Tiên chỉ. Anh Mõ cung kính mở cổng. Và khi bước đến cạnh gốc cây sim thuyền già sát rìa sân trước với hàng rào dâm bụt , cụ Hàn bảo ông quản gia trải nan chiếu ra, để cái tráp đựng bình trà ủ sẵn với chiếc chén tống nhỏ rồi cho ông ấy lui về. Cụ ngồi xuống, xếp chân bằng tròn. Còn anh Mõ làng rón rén lại gần mái hiên nhà cụ Tiên chỉ rao lớn:
- Bẩm cụ, quan ngài xin gặp.
Tấm mành mành đan bằng những cọng trúc và được cột chặt khít lại với nhau bằng dây cói bện, tấm sáo mành mành ấy bất ngờ được thả buông cái xoạch xuống, che kín cả mái hiên. Và tiếng cụ Tiên chỉ đột nhiên cất lên ngâm thơ sang sảng từ bên trong hàng hiên vọng ra. Giật mình, hai tay vẫn khoanh trước bụng, anh Mõ giật lùi..., lùi mãi ra tới gốc sim thuyền. Quay ra anh lại thấy cụ Hàn vẫn ngồi thẳng người trên chiếc chiếu nan, đôi mắt cụ nhắm hờ tự bao giờ, tư thế an nhiên tịch mịch như không!
Lúng túng lựng khựng mà chẳng biết phải làm gì cho phải nữa, anh Mõ chỉ biết lẳng lặng lùi dần ra khỏi cổng, rồi lủi mất tăm luôn.
Thế là từ đấy người ta chỉ nghe thấy tiếng cụ Tiên chỉ ngâm thơ chán thì lại sang sảng đọc văn sách, y như cụ đang thực hiện cái công việc giảng dạy học trò...
Đến trưa, người ta thấy cụ bà Tiên chỉ từ dưới căn bếp phía sau rón rén băng qua sàn nước, mắt ngóng ra ngoài cổng. Tới bậc thềm của căn nhà ngang, cụ bà mới ngó thấy dưới gốc sim già sát hàng rào có cụ Hàn ngồi im như pho tượng tự lúc nào. Sững người, cụ bà đứng yên quan sát một hồi lâu,.. vẫn thấy đấy là một bức tượng ngồi uy nghi...Chợt nghĩ tới điều gì đấy, cụ bà Tiên chỉ vội trở vào bếp lấy ra bình nước sôi tới ghé rót vào ấm nước trà trong cái tráp để cạnh cụ Hàn. Cụ vừa làm vừa để ý, nhưng vẫn chẳng thấy cụ Hàn động tĩnh gì..Cuối cùng xem ra không đừng được nữa, cụ rụt rè lên tiếng:
- Bẩm quan..Xin mời quan nhấp giọng..
Vẫn chỉ thấy cụ Hàn cứ ngồi lặng như không, chẳng biết làm sao nữa nên cụ bà Tiên chỉ bắt buộc phải bỏ đi. Vừa rời đi, cụ vừa quay lại ngó chừng mà thủy chung cụ Hàn vẫn ngồi y như trời trồng...Trong khi đó trong hàng hiên ở sau bức mành mành trúc vẫn nghe rõ tiếng cụ Tiên chỉ lúc thì sang sảng ngâm thơ lúc thì miên man giảng kinh sách...
Cho tới độ xế chiều:
- Mẹ nó ơi. Cho tôi vài món nhắm rượu lên đây!
Tiếng cụ Tiên chỉ gọi với xuống nhà bếp. Chẳng nghe tăm hơi trả lời gì cả, cụ Tiên chỉ liền cất giọng cao tướng lên:
- Mẹ nó ơi, tôi đói rồi!
Vừa rứt lời thì cụ thấy cụ bà lừ lừ từ trong buồng bên hiện ra, miệng buột 'phán' một câu:
- Ông gọi bọn nào đâu đấy mà làm cơm nhá. Tôi dẫn con cháu về bên ngoại đây!
Cụ Tiên chỉ chết trân: Từ khi vợ chồng ăn ở với nhau cả nửa thế kỷ nay, chưa bao giờ mà cụ bà lại tỏ ra một thái độ quá là kỳ quặc như vậy! Tự nhiên cụ đâm ra ấp úng nhỏ giọng:
- Bà .. bà nhà nó làm sao thế vậy...
- Chả làm sao cả! Ông để cho ông quan ngồi chết dí ngoài kia từ sáng tới giờ kia kìa.
- Ấy là chuyện của tôi...
- Chuyện của ông như thế hả. Ngộ nhỡ ông quan ấy lăn đùng ra thì khốn khổ khốn nạn.. Bao nhiêu phúc đức nhà tôi đổ xuống sông xuống biển cả. Ông đối xử với người ta thất đức đến như thế thì con cháu tôi cũng phải bị vạ lây mất thôi... Chi bằng tôi đưa con cháu hết về bên ngoại. Còn lại một mình ông ở cái nhà này thì ông muốn làm chuyện vô phúc vô đức gì đấy.. muốn làm trận làm thượng gì đấy thì .. cứ việc. Nhá!
Xổ ra một tràng liên thanh như thế, cụ bà vùng vằng bỏ vào trong buồng. Một mình cụ Tiên chỉ ngồi chết lặng người trên tấm phản ngoài hàng hiên: Từng lời từng chữ gằn giọng của cụ bà cứ đang như vang vọng mãi trong tâm tư. Cứ thế, mỗi một âm vọng lời nói gằn giọng của cụ bà là mỗi dìm cụ Tiên chỉ vào niềm trăn trở - dầy vò - quặn thắt không nguôi tâm can của cụ...
Đến khi tỉnh khỏi cơn dằn vặt, cụ Tiên chỉ cảm thấy mình phờ phạc hẳn ra, như vừa trải qua một cơn bệnh tình chết đi sống lại. Cụ chập choạng bước tới, từ tốn tự tay cuốn bức mành mành trúc lên. Đứng trên hàng hiên, cụ ngó ra thì thấy trời đã về chiều lúc nào không hay...Rồi với giọng khàn đục, cụ gọi với vào buồng trong:
- Bà nó ơi. Đem chậu thau nước để quan ngài rửa mặt.
Vẫn chưa nghe tiếng đáp lại, đang tính quay bước vào trong kiếm thì cụ Tiên chỉ đã nhìn thấy cụ bà lẳng lặng bê chậu thau từ dưới bếp ra để trước mặt cụ Hàn:
- Xin kính mời quan ngài ...
Mới nói đến đấy thì cụ bà cũng liền nghe cụ Tiên chỉ từ hiên nhà đĩnh đạc phán:
- Bà nó làm tạm món nào đấy để tôi hầu tiếp quan ngài nhá.*
- 4 -
Nhân tình - thế thái- Chẳng hay quan ngài có điều chi dậy bảo mà phải đến tận nhà lão phu?
- Xin thưa, tôi về đây cả ba tuần lễ mà bận quá chưa kịp đến vấn an, mong cụ Tiên chỉ niệm tình thứ lỗi cho.
- Quan ngài về quê nghỉ dưỡng, là sự bình thường. Còn nếu như có động dụng gì thêm thì đã có ông Lý và hội đồng hương chức, nhiệm vụ họ phải túc trực để đáp ứng quan ngài rồi...
- Lẽ là thế, nhưng còn lễ nghĩa nữa chứ...
- Quan ngài dậy thế, tôi đâu giám...
- Xin cụ Tiên chỉ thử nghĩ lại xem. Theo tôi thì dân tình làng ta lâu nay cứ tẻ nhạt dần đi cái phần gốc rễ của Nhân - Lễ - Nghĩa...
- Quan ngài bận việc quan, ít về thăm quê. Chứ dân làng ta chưa hề bỏ tổ chức và tham dự một lễ nào tại đình làng mình đâu, cũng như vẫn thường xuyên chăm chút miếu Thành Hoàng và Văn Miếu...
- Đó là nhờ vào cụ Tiên chỉ đây đều đặn cầm cân nẩy mực nên phần Lễ - Nghĩa vẫn được duy trì... Ngay như cá nhân tôi đây, suốt mấy chục năm qua, năm nào về nghỉ ngơi tại quê nhà mà gặp đúng dịp lễ lạc của làng, chưa bao giờ tôi vắng mặt cả. Bằng chứng là theo sự sắp xếp của cụ Tiên chỉ, tôi luôn luôn được ngồi riêng một mâm , phía dưới mọi mâm cỗ, chỉ trên có mâm của anh Mõ làng. Còn mâm trên cùng thì bao giờ cũng rành riêng một mình cụ Tiên chỉ rồi!
- Ồ.. Đấy là theo đúng hội ý của Hội đồng hương chức...
- Tôi hiểu. Phép vua thua lệ làng mà!
- Hẳn là vậy...
- Thế thưa cụ, sự sắp xếp ấy có phù hợp với cái căn cốt Nhân tình mà xưa nay tổ tiên - ông bà ta đã từng áp dụng và truyền lại cái nếp ấy chăng?
- Vậy quan ngài nghĩ ra sao về chữ Nhân ở đây?
- Không có con người thì làm gì có Lễ - Nghĩa mà đối xử với nhau, người đối với người trong xã hội. Phải không, thưa cụ Tiên chỉ.
- Nếu quan ngài nghĩ như thế thì cả mấy chục năm nay, quan ngài cứ an nhiên chấp nhận chỗ do hội đồng hương chức định đoạt trong những buổi tiệc tùng tại đình làng mà chưa từng trực tiếp nêu thắc mắc gì với chúng tôi. Thái độ ấy chứng nhận quan ngài tôn trọng điều gì?
- Tôi cho là về phần cá nhân thì nên hãy chủ động cứ tôn trọng Lễ - Nghĩa trước đi để cái căn cốt Nhân tình mới có dịp thuận tiện mà hiển hiện rõ ra. Cụ Tiên chỉ thấy thế nào?
- Vậy sao...
- Cũng như ngày hôm nay, tôi có dịp đến thẳng đây để trực tiếp ngỏ lời xin cụ Tiên chỉ tha cho cái lỗi sơ xuất là muốn về nghỉ hưu tại quê nhà mà chưa thỉnh ý của cụ trước.
- Đâu dám..đâu dám...
- Xin kính mời cụ Tiên chỉ dùng một chén trà, gọi là cung thỉnh cho được sự tha thứ từ cụ.
- Ấy chết! Quan ngài đừng thi lễ trọng thể như vậy..Có quá đáng lắm không ... Đừng khiến tôi tổn thọ mất!
*
- Nhân đây, nếu cụ Tiên chỉ cho phép tôi được thủng thỉnh thộ lộ tâm can...
- Quan ngài dậy quá lời. Được ngài chiếu cố mà tâm tình, tôi xin kính cẩn lắng nghe.
- Chẳng qua là suốt đời tôi mang nặng công ơn tổ tiên làng xã. Cụ Tiên chỉ hẳn đã rõ: Hai đấng thân sinh ra tôi hiếm muộn, tuổi đến trên bốn mươi mà chưa được một mụn con nào. Hai người băn khoăn mãi nên cả chục năm trời thường vào cuối tuần là lên chùa làng cúng vái cầu tự và lưu lại làm công quả cho chùa. Rồi một dịp đi phụ thuê gánh mướn cho khách viễn phương tới hành hương ở Núi Gôi, hai thân sinh tôi cùng vào chiêm bái đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở về thì mừng thay, chín tháng mười sau sinh ra tôi, như chứng minh được sự chiếu cố đặc biệt của ngài Thánh Mẫu...
Nhưng độ một vài năm sau đấy, chắc vì làm ăn vất vả cả đời, nay lại có con nên phải nỗ lực kiếm sống hơn bao giờ, do đó thân mẫu tôi ngã bệnh đi sớm; rồi một năm sau, thân phụ tôi cũng kiệt sức qua đời. Mới hai tuổi, tôi được chú ruột đưa về nuôi. Nhà chú cũng chẳng khá gì mà đông con nữa; bấy giờ lại cưu mang thêm đứa cháu ruột mồ côi. Ba tuổi đầu, tôi đã thông thuộc việc đồng áng, suốt ngày làm chẳng buông tay, miếng ăn bao giờ cũng là cơm thừa canh cặn, và thường ngủ ngoài chuồng trâu của những nhà mà vợ chồng chú tôi làm tá điền...
Cái cây sim thuyền già cỗi ở sát bờ rào nhà cụ kia kìa, nó đã từng để lại trong ký ức tôi một mong ước mà suốt đời đều sống động nóng hổi : Cứ mỗi lần được chăn trâu ngoài đồng - bãi gần đây là tôi len lén đến núp ở dưới gốc nó mà ngó vào, tai nghe lóng tiếng ê a lẫn giọng cụ cố thầy đồ người thân sinh ra cụ Tiên chỉ dõng dạc đọc giảng rân ran kinh sách . Đã không biết bao nhiêu lần tôi ước mơ được như cụ Tiên chỉ đây ngồi ê a thảnh thơi học chữ. Đã biết bao nhiêu lần nằm trong chuồng trâu, tôi bắt chước ê a học những chữ nghe lóm được... Và đương nhiên, đặc biệt nhất là cho đến tận bây giờ, tôi chẳng thể quên được cái vị ngọt lịm ngát thơm của trái sim chín tôi trộm hái bỏ vào miệng ngậm cho tan hòa vào với nước bọt túa ra ...
Cho đến khi tôi 12 tuổi, một tay con buôn làng bên tới tỉ tê với thím của tôi rằng tôi đã đủ tuổi đi làm công, nếu chịu bán cho họ thì không những nhà bớt đi được miệng ăn mà lại còn được họ gá cho năm lạng bạc! Từ đấy, mang tiếng là con nuôi nhưng thực sự tôi phải làm đầu tắt mặt tối cả ngày lẫn đêm cho bất cứ nơi đâu cần và trả chi phí cho người đã mua tôi ra khỏi nhà chú ruột của tôi...
Mấy năm trời tăm tối như thế, độ 15 tuổi, tôi phiêu bạt lên đến tỉnh lỵ Nam Định, và chẳng biết vì một may mắn bất ngờ nào đó mà được giao cho việc điều khiển mấy tấm bao bố gạo làm thành cái quạt trần khổng lồ: Suốt ngày ngồi nép vào một góc căn nhà khách, tay luôn giật một sợi dây móc nối lên cái đà đan bằng tre già làm khung cho sáu tấm bao bì cói vốn để đựng gạo . Cái khung nan tre ấy treo lơ lửng giữa nhà, tôi là tên hầu nhiệm vụ là kéo cho cái khung bao bố ấy đu đưa qua lại để tạo thành một cái quạt khổng lồ ở trên cao, gây nên gió cho không khí được luôn di động rộng khắp căn nhà. Phía dưới là nơi mà quan thú y trong hệ thống cơ quan cai trị thuộc địa Pháp ở phạm vi tỉnh Nam Định, ông ấy thù tiếp và chữa trị những con chó con mèo - nói chung là các gia súc- do các bà đầm ( Madame) của đủ mọi loại quan Pháp thuộc địa đem tới.
Làm chân đầy tớ chuyên ngồi kéo quạt trần vào bất cứ lúc nào có khách tới và quan thú y phải tiếp đón, hỏi chuyện và chữa trị chó mèo. Ban đầu bắt buộc phải ngồi dí một chỗ hằng giờ lâu , quả là một cực hình đối với đứa trẻ đang bước vào lứa tuổi trổ mã như tôi. Nhưng vốn đã từng chịu đựng sống buộc bó như vậy cả bao nhiêu năm trời rồi, từ lúc còn ấu thơ, nên chỉ cần gần một tháng đầu là tôi đã quen đi mà có thể ngồi miết vài ba tiếng đồng hồ, tay liên tục kéo quạt mà đầu óc có thể ngây ngất lơ mơ ngủ ngồi được!
Ở lớp tuổi thiếu niên, ai cũng mang sẵn trong người cái tính tò mò học hỏi. Tôi hồi ấy cũng không ngoại lệ: Những lúc tỉnh táo, tôi lại nghe quen đi những đối đáp của khách với chủ nhà. Rồi tiến thêm một bậc nữa là tôi tò mò ngó xem những động tác của ông thú y mầy mò trong công tác chữa trị những con chó - con mèo được đem đến đấy. Cái diễn tiến khung cảnh này cứ ngày một ngày hai thể hiện ra và nhập tâm tôi hồi nào chẳng rõ nữa...
Có mấy điều đặc biệt cho đời sống mới này của tôi, cần bổ túc ngay, nếu không nhắc đến ngay ngộ nhỡ sẽ xa đà rồi quên đi mất:
Thứ nhất là lần đầu tiên tôi có hẳn một căn phòng riêng trong dẫy nhà ngang xây bao bọc phía sau căn biệt thự của ông thú y người Pháp này.
Thứ nhì, tôi được hằng ngày ba bữa ăn chung một bàn với nhóm phụ việc trong biệt thự gồm có bà quản gia, anh phu kéo xe tay cho ông chủ, hai thợ làm vườn - sửa nhà, hai bà phụ trách nấu bếp - đi chợ nấu ăn, một anh chạy công văn - sai vặt. Tất cả nhóm người làm này mỗi ba tháng được cấp cho mỗi người một bộ quần áo mới, bao gồm cả quần đùi và áo may-ô.
Đấy là sự kiện biến đổi hẳn cuộc đời tôi, từ hồi ấy luôn cho đến bây giờ...
- Quan ngài ý nói mấy yếu tố quan trọng đến mức nào mà có thể thay đổi được đời sống của ngài vậy?
- Một đứa trẻ làm công việc đầy tớ trong xã hội Việt Nam ta hiện nay mà được đối xử quá sức rộng lượng, được hưởng những qui chế như cấp phát áo quần mới mỗi ba tháng, được có phòng cư ngụ riêng biệt như vậy thì thử hỏi rằng có phải được quá ưu đãi hay không, thưa cụ Tiên chỉ?
- À...
- Đối với ai tôi chưa rõ, chứ sự kiện đối xử này quả là đã tác động mạnh mẽ và sâu xa vào tâm tư một đứa thiếu niên nhà quê như tôi hồi ấy. Nhưng thưa cụ, chỉ mấy sự kiện mới mẻ ấy thì chưa đủ. Tôi muốn kể thêm một diễn biến nữa, một diễn biến đã thực sự biến cải hẳn cuộc đời tôi:
Tôi muốn đề cập tới nội dung việc tiếp khách, săn sóc và chữa trị bệnh tật cho những con chó - con mèo của viên thú y người Pháp ấy hàng ngày đã lập đi lập lại trước mắt tò mò quan sát của đứa hầu quạt là tôi. Sự kiện ấy
cứ thế mà nhập tâm một cách nhuần nhuyễn trong tôi hồi nào không hay.
Một hôm chính ông thú y người Pháp ngã bệnh cảm cúm. Một bảng treo ở ngay ngoài cửa rằng, phòng thú y tạm đóng cửa một tuần lễ. Mấy bà đầm ôm chó mèo đến đọc thấy tấm bảng ấy thì xì xào bàn tán xôn xao hồi lâu mà vẫn chưa chịu rời. Được lệnh của chủ, tên hầu quạt là tôi phải ra giải thích là ông thú y bị cảm cúm phải nghỉ, để không lây nhiễm sang chó mèo của quí bà. Nhưng quí bà cứ nhì nhằng than phiền là chó mèo của họ cũng bệnh tật, biết đem đến đâu bây giờ. Tự nhiên thấy thương, tôi mở cửa cho họ đem chó mèo vào và tôi chăm sóc chúng thay chủ.
Tuần sau, phòng thú y mở cửa làm việc lại. Các bà ùn ùn kéo tới và tới tấp khen với ông thú y chủ của tôi rằng ông ta có một trợ y giỏi quá: Chó mèo của họ được tôi chăm sóc mát tay thế nào mà mau lành bệnh đến vậy! Ngạc nhiên, ông thú y thắc mắc thì các bà chỉ ngay tôi! Khách về hết rồi, ông thú y mới kêu tôi ra hỏi han. Tôi cứ tình thực giãi bầy. Ông ngồi nghe gật gù một hồi rồi cất tiếng cười một cách sảng khoái.
Từ đấy trở đi, việc ngồi kéo quạt trần được chuyển sang tay kẻ khác, còn tôi nghiễm nhiên trở thành trợ y chữa bệnh chó mèo cùng với chủ. Một năm sau, tôi được chủ chính thức nhận làm con nuôi rồi cho vừa phụ tá ông hành nghề thú y vừa đi học. Bẩy năm sau tôi lấy đủ chứng chỉ hành nghề chuyên môn thú y, và được ông chủ tiếp tục cất nhắc thành công chức luôn.
Chú thích:
(1) Tháng 5 tây lịch vào độ đầu tháng 3 âm lịch. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có mấy câu như sau:
" Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh Minh trong tiết tháng Ba,
lễ là Tảo Mộ - hội là Đạp Thanh" ( câu thứ 39 - 44)
(2) Nước chè tươi: Dân quê sống ở miền Bắc Việt Nam phổ biến hái lá cây trà còn tươi, vò nát, cho vào ấm nước sôi, chờ vài phút thì chắt đổ hết phần nước đầu tiên ấy, để thải đi bớt vị chát đắng của trà tươi, rồi rót nước sôi vào lần thứ hai mới uống.
(3) Tự thanh tẩy lấy chính mình. Thanh tẩy thân - tâm cho chính con người đang sống của cá nhân mình: Tắm rửa cho thân thể được luôn vệ sinh - sách sẽ, chọn những món ăn - uống lành mạnh, thể dục - thể thao thường ngày, ngủ đủ và đẫy giấc. Luôn tự gạn đục - khơi trong cho tâm trí của mình để mỗi ngày bớt đi những ưu phiền mà tiếp thêm những thanh thản an nhiên trong cuộc sống . ..
(4) - Phủ Dầy (có khi ghi là Phủ Giầy, Phủ Giày) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt trải rộng trên địa bàn xã Kim Thái huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gần quốc lộ 10, quốc lộ 37B và quốc lộ 38B từ thành phố Nam Định đi (sang) thành phố Ninh Bình...Phủ Chính nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh thuộc thôn Tiên Hương được xây dựng từ thời Lê – Cảnh Trị (1662 – 1671). [ Xem thêm chi tiết ở: [ https://www.vietravel.com/vn/non-nuoc-viet-nam/khu-di-tich-phu-giay-nam-dinh-v1368.aspx ]
(5) " Học nhi thời tập chi - bất diệc duyệt hồ?..." : Học hỏi mà thường xuyên thực tập được - há chẳng vui mừng lắm sao? , câu đầu của chương Học Nhi, trong sách LUẬN NGỮ, thuộc bộ TỨ THƯ, theo truyền thuyết là do ông Khổng Tử ( 551 TCN – 479 TCN) gom góp những điều hay & thâm thúy đã được truyền miệng trong dân gian thành kinh - sách của Khổng Giáo.* Phạm Quốc Bảo. [ viết xong vào 10:00 PM Thứ Hai Dec. 02 / 2024 ]
VénLên 02.
*
- 5 -
Hai mặt của một đồng tiền
- Như vậy nên quan ngài mới làm việc cho chính quyền người Pháp.
- Có phải ý cụ Tiên chỉ muốn phát biểu là tôi đã làm tôi tớ cho bọn giặc Pháp?
- Thì đại loại như vậy.
- Xin phép, tôi có thể diễn dịch cái nhìn của cụ về tôi: Một tên đã cam tâm phục vụ cho bọn ngoại quốc đã cướp nước ta?
- Quan ngài nói huỵch toẹt ra như thế, có quá lời lắm không.
- Thưa cụ Tiên chỉ, ngày hôm nay được gặp tận mặt ngài và chính tai được nghe lời ngài, tôi mới dám chắc là mình đã đoán đúng rằng tại sao mấy chục năm nay khi dự những tiệc lễ ở đình làng thì tôi luôn luôn bị xếp ngồi riêng một mâm, dưới bất cứ vị chức sắc nào của làng, chỉ trên có mâm anh Mõ mà thôi!... Tôi muốn nhân dịp này để bạch hóa thái độ, cũng như sự chọn lựa tư cách phục vụ của mình. Cụ cho phép?
- Xin cung kính lắng nghe.
- Tôi tự xác nhận là đã và sẵn lòng cộng tác với chính quyền cai trị của Pháp thuộc địa. Tuy nhiên, mặt khác, phương cách phục vụ của tôi suốt đời không chỉ giành riêng cho giới người Pháp ở nước ta mà còn mong muốn và cũng đã phục vụ được bất cứ ai . Thưa cụ.
- Nghĩa là...
- Tôi hành nghề chuyên môn của mình mà chưa hề phân biệt đối xử với bất cứ dân cư nào đang sinh sống trong xã hội này. Người ta, tôi vốn đã trân trọng đối xử, là rõ lẽ rồi. Nhưng hơn nữa, đến như các gia súc - mọi loài vật, tôi cũng luôn luôn phục vụ tận tình.
- Tôi hoàn toàn đồng ý với quan ngài. Tuy nhiên, mặt khác, tôi muốn được nghe ý kiến của ngài về sự kiện ông Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí của ông ấy họ mới đây bị Pháp thuộc địa xử chém tại Yên Bái (1). Quan ngài thấy sao?
- Họ là những anh hùng - liệt sĩ đền nợ nước.
- Có thực tâm quan ngài nghĩ vậy không?
- Theo tôi, là người Việt thì ai cũng nghĩ vậy cả. Những ai dám hy sinh vì dân tộc đều đáng được kính trọng cả, thưa cụ. Nhưng đồng thời tôi lại không hề đồng ý chủ trương bạo động như việc làm của anh hùng Nguyễn Thái Học.
- Thế quan ngài cam chịu khuất phục dưới ách cai trị của Pháp ngoại bang?
- Có ai là con dân Việt mà chỉ muốn sống chui rúc dưới ách thống trị của ngoại bang không?
- Thế quan ngài dậy bảo ra làm sao?
- Lịch sử cận đại đã chứng minh là dân tộc ta trên nửa thế kỷ nay luôn tìm cách áp dụng vào thực tế xã hội cái tinh thần quật cường - bất khuất của truyền thống ông cha ta đã từng thực thi trong cả trên ngàn năm trước đây rồi.
- Nghĩa là?
- Ôm sẵn trong ta cái ý chí quật cường - bất khuất, nhưng trước khi quyết định hành động thì phải luôn bao giờ cũng tỉnh táo để có nhận định thực tế khách quan về lịch sử mới được: Xã hội Việt Nam ta hiện đang trong giai đoạn tiếp thu và thực thi chưa đủ chín mùi những nội dung dân sinh - dân chủ - dân quyền (2) từ luồng gió mới do cuộc xâm lược của Pháp du nhập sang nước ta. Theo dự đoán của cá nhân tôi, khi xã hội ta chan hòa sinh hoạt đầy đủ mấy nội dung này mà thăng hoa thì sớm muộn gì bắt buộc ách thống trị của Pháp cũng phải cởi mở nếu không muốn bị tự triệt tiêu.
- Viễn kiến ấy của quan ngài như vậy có ảo tưởng lắm chăng?
- Xin phép cụ Tiên chỉ, cho tôi được duyệt sơ lại mấy hiện tượng tiêu biểu xuất hiện ở xã hội ta trong vòng trên nửa thế kỷ nay:
Đầu tiên là chính quyền nhà Nguyễn bắt buộc liên tiếp lùi bước trước áp chế của bọn Pháp thuộc địa. Nhưng song song đấy, các phong trào Cần Vương - Văn Thân vẫn nỗ lực hoạt động, hết đợt này đến đợt khác, rồi khi hấp thụ thêm những điều kiện mới ngoại nhập để thành những cuộc khởi nghĩa chống Pháp, như Phan Đình Phùng - Hoàng Hoa Thám..và gần nhất là Việt Nam Quốc Dân đảng đã dựa vào khuôn mẫu Trung Hoa Quốc Dân đảng, với lãnh tụ đại diện là Nguyễn Thái Học. Mặc dù những phong trào khởi nghĩa này không thành công, có thể vì chuẩn bị chưa đủ, có thể vì vội vàng vay mượn khuôn mẫu mà chưa chín muồi nhiều mặt để tạo đà thúc đẩy kế hoạch đưa đến thành tựu; nhưng mặt khác rõ rệt là những giao động ấy hết sức cần thiết để nuôi dưỡng ý chí bất khuất - quật cường.
Trong khi đấy, giới trí thức Việt thiên về chủ trương tân thời, từ Nam chí Bắc, liên tục tạo nên những nỗ lục hoạt động sáng tạo đổi mới mọi mặt dần dần hiển hiện ra ở sinh hoạt xã hội ta, từ tiếng Việt hình thành và phổ cập qua truyền thông - báo chí và các văn thi đoàn, từ phong trào giao thoa tư tưởng học thuật mới ( Gia Định Báo - Đông Dương Tạp Chí - Nam Phong Tạp Chí - Lục Tỉnh Tân Văn...). Những hoạt động tiêu biểu như kể trên mặc dù vẫn còn quá mới mẻ nên thường bị hiểu lầm và chụp mũ là gián tiếp hoặc trực tiếp tay làm tay sai cho Pháp thuộc địa; nhưng mặt khác phải nhìn nhận khách quan rằng tất cả những nỗ lực này đã và đang dần dần thay đổi bộ mặt xã hội ta, đồng thời cũng đang trên đà biến đổi mà thấm sâu đến tận nền móng cuộc sống của dân tộc ta ...
- Quan ngài liệt kê những sự kiện đại khái như trên, thực ý ngài muốn đề cập đến điều gì?
- Tôi muốn trình bầy cái sự thực diễn ra trong biến chuyển lịch sử của trên nửa thế kỷ qua tại đất nước ta. Những biến chuyển ấy bao giờ cũng cho thấy được cả hai mặt hậu quả( tiêu cực )và kết quả ( tích cực) liên hợp với nhau, không chuyển biến nào hoàn toàn vô ích cả, cũng chẳng chuyển biến nào mà không lưu lại dấu ấn hết. Nói chung, mọi nỗ lực hoạt động đều cần thiết như nhau.
*
- 6 -
Ôn cố - tri tân ( 3 )
- Dựa vào đâu mà quan ngài nhận định như vậy?
- Tôi học hỏi từ quá khứ lịch sử của dân tôc ta. Bốn lần Bắc thuộc (4) chiếm tổng cộng gần một ngàn năm bị ngoại bang đô hộ, chúng ta rút ra được những bài học nào:
Chẳng hạn có đến cả trên hai mươi cuộc dân Việt vùng lên kháng chiến chống ngoại xâm - đòi độc lập của các anh hùng - liệt nữ. Đấy hẳn phải là diễn tập sự quật cường, tôi luyện cho bản chất bất khuất - kiên cường của dân Việt ta ?
Chẳng hạn khi giành lại được độc lập rồi nhưng giới nho sĩ Việt lại đã thấm nhuần Khổng giáo mà cứ thế thực hiện chủ trương áp dụng nguyên mẫu tư tưởng và khuôn cai trị đúng theo tinh thần của bọn thống trị phương Bắc. Đấy có phải là dân ta đã giành độc lập được nhưng vẫn còn thiếu đi tinh thần tự lập - tự chủ, thiếu óc sáng tạo mà vô thức để chịu nô lệ tư tưởng của người?
- Quan ngài đang gián tiếp hài tội chúng tôi đấy sao?
- Cụ Tiên chỉ suy diễn vơ vào một cách gián tiếp như vậy thì tôi thành thực xin cụ thứ lỗi cho. Thực tâm tôi chỉ muốn nhân đây bầy tỏ ý kiến riêng của mình để mong được trao đổi - thảo luận cho ra lẽ với cụ mà thôi. Chúng ta hãy cùng giúp nhau đưa ra được nhiều ý kiến trung thực và khách quan cho những nhận định lịch sử dân tộc mình để cùng nhau hoàn thiện được mức hiểu biết sâu xa, hầu tích cực đẩy mạnh cơ hội giải tỏa được ách nô lệ không những trên phương diện chính trị - xã hội mà trước hết, đầu tiên hết phải là tư tưởng - tinh thần...
- Chắc quan ngài còn muốn giãi bầy tiếp?
- Vâng. Chẳng hạn như thời xa xưa, giới trí thức Việt ta đã nỗ lực kiên trì vượt nhiều trở ngại để tích cực đóng góp quá trình xây dựng ý thức tự chủ. Trong ấy nổi bật nhất là sự kiện lấy căn bản chữ Hán để phiên âm và tạo nên chữ Nôm, để khi viết và đọc lên chữ Nôm thì chỉ người Việt hiểu thôi. Và mặc dù thứ chữ này cũng khó học và khó phổ biến như chữ Hán vậy, thế mà các cụ ta cũng hết sức cố gắng bành trướng bằng cách sáng tác thơ văn chữ Nôm để lưu lại những thế hệ sau. Rồi tới bắt đầu từ thế kỷ 16, giới tu sĩ Thiên Chúa từ Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha - Hòa Lan - Pháp lần lượt sang nước ta truyền giáo, họ vì lợi ích phổ biến tín ngưỡng đạo của họ để thu nhận thêm giáo dân ở dân cư vùng đất mới đến, họ đã tận dụng óc sáng tạo cũng của riêng họ mà dựa vào mẫu tự La Tinh để phiên âm tiếng dân Việt ta thường nói ra từ cửa miệng mà viết thành chữ Việt. Đồng thời, hoạt động truyền đạo của họ bành trướng đã tạo nên ảnh hưởng lớn mạnh đến độ khiến trực tiếp đe dọa tới quyền uy tối thượng cai trị thuộc khuôn mẫu quân chủ trong xã hội đông phương. Hậu quả là phong trào 'diệt trừ bọn tà đạo' xuất hiện một cách tàn nhẫn đến độ khủng khiếp. Hai sự kiện này cọ sát vào nhau mãnh liệt, nhưng lại phải tới mấy năm cuối của thế kỷ 19, khi Pháp sang xâm chiếm nước ta, họ dần dà chính thức hóa cho việc phổ biến Việt ngữ, và dân ta cũng hân hoan tiếp nhận. Sau đấy Việt ngữ mới được dịp phổ cập, riết rồi ngày nay có thực sự trở thành quốc ngữ hay không, tất cả cũng phải nhờ vào sự tận dụng của chính dân ta mà thôi, thưa cụ.
- Quan ngài đang làm công việc của " ôn cố - tri tân", như ông cha - tổ tiên ta đã từng chỉ dậy?
- Dạ. Cụ dậy chí phải. Nhưng xin phép, nhân lời hướng dẫn của cụ đây, tôi lại phải bàn rộng và sâu thêm vào vấn đề " ôn cố - tri tân". Nghĩa là khi đề cập tới ý nghĩa của câu thành ngữ ấy thì chúng ta nên hiểu sâu xa vào ít nhất ở hai phương diện:
Thứ nhất, tiền nhân ta đã lưu lại nguyên văn trong kinh điển của Nho giáo phát xuất từ bên Trung Hoa; và cứ thế mà truyền tụng lại, qua nhiều đời, riết rồi vô thức các thế hệ sau lại cứ đinh ninh rằng đấy là câu 'thiệu' của dân tộc ta.
Thứ nhì, nội dung ý nghĩa của câu nói ấy chỉ ' chiếu theo quá khứ - biết tương lai' và được suy diễn ra một cách đơn giản là ' bổn cũ soạn lại' hoặc là diễn giải một chiều là ' lập lại lịch sử'. Nếu hiểu sơ sài như thế thì bỏ quên mất đi tác động chính là sự vận hành biến chuyển của vũ trụ - vạn vật - và lịch sử tiến bộ của loài người. Đó là ý nghĩa của câu " Nhật tân - nhật nhật tân - hựu nhật tân". Nghĩa là mỗi nơi biến chuyển một khác, mỗi thời đại đều có những tiến độ khác biệt thì bắt buộc phải diễn giải nội dung sâu rộng thêm lên mới diễn đạt một cách chính xác vấn đề. Chẳng hạn thành ngữ "Ôn cố - tri tân" đến thời đại chúng ta đây phải diễn nghĩa là : Điểm lại những diễn biến trong quá khứ, Tái xét - Phân loại - Đánh giá chúng thì mới có thể dự báo được những gì sắp xẩy ra để tích cực tham gia - nỗ lực kích hoạt - chấp nhận những sai sót - sai khác mà sống được tối đa ích lợi cho mình, cho mọi người, cho thời đại mình đang sống.
- Câu " ôn cố - tri tân" thuộc Luận Ngữ mà câu " Nhật tân - Nhật nhật tân- Hựu nhật tân" ở Kinh Dịch. Tất cả đều nằm trong các bộ sách Tứ Thư - Ngũ Kinh của Khổng giáo cả!
- Dạ. Cụ Tiên chỉ nhắc nhớ một cách khẳng định chính xác lắm. Tuy nhiên, đến khi Pháp sang xâm chiếm nước ta, họ cho du nhập vào xã hội ta cái nền văn minh - văn hóa tây phương...
*
- 7 -
Khơi nguồn
- Thế theo quan ngài thì ta phải chọn theo nền văn hóa nào?
- Thưa cụ, chúng ta chỉ lấy căn bản ở nếp văn hóa dân tộc làm chính, đồng thời tiếp thu mọi nội dung văn minh - văn hóa ngoại nhập để tôi luyện cho phong phú hóa nếp nhà, trên bước tiến bộ trường tồn của dân tộc.
- Quan ngài thử nêu cụ thể một vài nét tiêu biểu, được chăng?
- Đề cập đến nội dung văn minh - văn hóa thì quá rộng lớn, vô chừng. Trong chốc lát, xin chỉ nêu một vài nét độc đáo nhất. Như cả trên hai ngàn năm trước, bên Tây phương có triết gia Hy Lạp Socrates đã nói " Hãy tự biết lấy chính mình" (5). Rồi gần bốn trăm trước, triết gia người Pháp Descartes cũng đã nói: " Tôi suy tư - vậy là tôi hiện hữu" (6)
- Nghĩa là?
- Chỉ riêng về lãnh vực triết lý sống không thôi, câu nói nêu trên của ông Socrates cho ta nghiệm thấy đấy chỉ diễn tả một cách khác với câu " Phải thận trọng ngay cả lúc ở một mình" ghi trong sách Đại học (7). Như vậy, cách đây cả trên hai ngàn năm, dân cư ở các nước Đông phương và Tây phương họ đã gặp nhau ở tư tưởng rồi. Còn như câu phát biểu của Descartes thì lại cho ta thấy người tây phương đã đào sâu để thấu hiểu rõ hẳn về lãnh vực ' trí '; còn bên đông phương ta , theo sự hiểu biết còn nông cạn của tôi, thì xem ra tìm hiểu cặn kẽ thiên về ' tâm' nhiều hơn.
- Quan ngài đang mở mang trí tuệ cho tôi qua nhận xét này.
- Cụ Tiện chỉ quá khen chăng...Chân thực mà nói, tôi vẫn còn đang cố gắng học hỏi từ túi khôn của nhân loại thôi, thưa cụ.
- Như quan ngài vừa cho biết, trên hai ngàn năm trước tư tưởng Đông - Tây đã có nét giao thoa với nhau. Nếu chẳng có gì thêm nữa thì nghe ra có vẻ hoang đường.
- Thưa cụ, nếu tôi nhớ không lầm, tài liệu lịch sử nhân loại có ghi là "Con đường tơ lụa" nối liền Đông - Tây đã hình thành từ thế kỷ 2 TCN. Con đường này được thành lập ban đầu với ý định quân sự nhiều hơn; nhưng sau đấy nó nhờ giới kinh doanh thương mại ở hai phía nuôi dưỡng mà trường tồn để trao đổi giữa Đông - Tây các phẩm vật, gia súc, gia dụng...Nhờ đấy mà mọi dân cư hai phía dần dần gia tăng mối giao tiếp với nhau, rồi những nét văn hóa - văn minh Đông - Tây cũng theo thời gian làm quen - giao thoa với nhau, mặc dù thỉnh thoảng có đứt quãng (8).
- Ồ. Vậy ra từ thửa sơ khai, loài người đã có thói quen luôn nỗ lực vượt những trở ngại về địa dư mà tiến lại gần nhau rồi...
- Vâng. Những yếu tố này cho ta hiểu rằng con người vốn bản chất muốn quần tụ sống, 'quần tụ gây sức mạnh'.
- Thế còn ngoài nhu cầu luôn học hỏi từ túi khôn của nhân loại, dân tộc ta có vun đắp được cái gì tạm gọi là chút vốn liếng lận lưng hay không, quan ngài?
- Thưa cụ. Trong nhất thời, và cũng chưa đủ tài liệu để suy tư chín chắn để có thể trả lời ý kiến riêng của mình được.
- Cũng như quan ngài đã bầy tỏ, chúng ta cứ chân tình trao đổi những suy đoán đi.
- Được sự cởi mở của cụ Tiên chỉ, tôi mạo muội nêu ra đây một số suy nghĩ thiển cận của riêng mình. Mong cụ góp thêm nhận xét vào, nhá.
- Quan ngài cứ tự nhiên giãi bầy.
- Chẳng hạn như đề cập đến " Tam giáo đồng nguyên", ba giáo pháp Nho - Phật - Lão cộng hưởng lại làm một, (9) thì trước hết, không chỉ Việt Nam ta mà nhiều quốc gia ở phương đông địa cầu đều có hiện tượng này. Tại sao? Tại vì dân tộc nào, dân cư ở lãnh thổ nào cũng đều sẵn nếp sinh hoạt tâm linh độc lập riêng cả. Ở Việt Nam ta có tài liệu cho rằng nội dung thực thi có tính cách 'tam giáo đồng nguyên' hiện diện từ giai đoạn Bắc thuộc cơ. Tuy nhiên, chính thức danh xưng này bắt đầu xuất hiện từ triều đại nhà Lý ( 1010 - 1225) và hưng thịnh ở triều đại mấy vị vua đầu nhà Trần ( 1225 - 1413)...
- Nhưng dân tộc ta có đạo giáo riêng không?
- Có chứ! Đạo thờ tổ tiên - ông bà - cha mẹ. Đạo thờ các Anh hùng - Liệt nữ, chẳng hạn như từ huyền thoại thì có đức Thánh Gióng, từ lịch sử thì có đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo, gọi tắt là đền thờ Đức Thánh Trần...
- Còn đạo giáo tâm linh?
- Chẳng hạn như đền thờ đức Thánh Mẫu: Dân cư miền thượng thờ đức Chúa Thượng Ngàn, ở đồng bằng Bắc phần thì thờ Chúa Liễu Hạnh, miền Nam có thờ Bà Chúa Sứ...
- Mấy hiện tượng này nghe nói phát xuất từ đạo Lão..
- Nhưng rõ rệt từ hình thức đến nội dung đều đã được Việt hóa cả. Chẳng hạn như từ căn cốt thờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Hán phương bắc ( 10 ) mới có đạo Mẫu là vậy.
- Thế những sinh hoạt trong các đền chùa như Lên Đồng - Cầu Cơ - Xin Xâm... thì sao?
- Đấy vốn là các hình thức sinh hoạt bình dân hóa tín ngưỡng phổ biến nhằm đáp ứng rộng rãi nhu cầu tâm linh trong dân gian.
- Vậy theo quan ngài, trong lịch sử dân ta có những vị nào sống suốt đời đúng với nếp văn hóa truyền thống Việt?
- Thưa cụ Tiên chỉ, không ít đâu. Nhất thời tôi chỉ xin nêu ra đây hai nhân vật tiêu biểu mà trong sử ta có ghi chép lại rõ ràng: Vào triều đại Nhà Trần có Trần Tung và vua Trần Nhân Tông (11).
- Đấy là hai vị khai sáng ra phái Thiền Trúc Lâm.
- Đã hẳn. Quá nhiều tài liệu đề cập tới hai nhân vật kiệt xuất này, và đương nhiên là cụ cũng đã biết quá rõ về họ. Ở đây tôi chỉ xin đưa ra một vài nhận định cô đọng, từ suy nghĩ riêng tư của mình, để nói lên nội dung căn cốt mang nặng dân tộc tính của họ mà thôi.
- Tôi xin kính cẩn lắng nghe.
- Thứ nhất, Trần Tung mang danh là Tuệ Trung Thượng Sĩ, ngài suốt đời tu thân bằng chính cuộc sống thực ngoài đời nhằm phục vụ cho nhân quần - xã hội.
- Quan ngài muốn nói...
- Chẳng cần dài dòng. Chỉ xin trích ra đây một đoạn trong những giai thoại lưu truyền lại về ngài: "Một hôm, Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu mở tiệc trong cung điện. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay hay mặn. Hoàng thái hậu hỏi: "Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được ?" Ông cười đáp: "Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?"
- Theo quan ngài thì ta phải hiểu ra sao?
- Phật trước khi thành Phật, ngài vốn sẵn là một con người sống thực trước đã, không hề là một khuôn mẫu tưởng tượng. Khi giác ngộ, ngài tiếp tục sống đời như bất cứ một ai khác, chỉ để giúp bất cứ ai thấu hiểu và ứng dụng được những hiểu biết như ngài. Với nội dung câu trả lời như trên, tôi cho rằng ngài Trần Tung nắm vững được yếu chỉ của điều Phật dậy.
- Ồ!...Thế còn đức ngài Giáo Hoàng Điều Ngự?
- Vua Trần Nhân Tông cũng vậy: Cả đời ngài sống đã tạo không biết bao nhiêu công đức. Từ hai lần đại phá quân Nguyên từ phương bắc xuống, dẹp loạn trong nước, rồi lại hai lần dẹp quân Ai Lao từ phương tây đến, hòa hoãn với Chiêm Thành ở phía Nam nước ta...Cho đến lúc về hưu, ngài lên tu trên núi Yên Tử. Thế mà có người thắc mắc, sao lại chọn núi gần biên giới Việt - Trung mà tu vậy, ngài phán đại ý là :" Vừa tu vừa gác giặc phương bắc!". Cụ Tiên chỉ thấy thế nào?
- Cuộc đời của chính Đức Ngài quả là đã để lại một khuôn mẫu đặc biệt nổi bật chất tự lập - tự chủ.
- Chưa hết. Câu đầu của bài thơ tên là Thi Vân ở đoạn chót của Cư Trần Lạc Đạo Phú, đức ngài đã viết: " Cư trần lạc đạo thả tùy duyên". Nếu chiếu theo đời Ngài đã sống thì theo tôi, ta dịch thật cô đọng là :" Ở đời mà vui đạo - cứ tùy duyên". Còn muốn diễn giải vào chi tiết thì là : Sống hết cuộc đời trong trần tục mà luôn hành động hòa vui được với đạo nghĩa chừng nào là do ở duyên phận mỗi người chúng ta cả. Như vậy ta có thể biết được rằng: chính nội dung thơ phú của đức ngài trực tiếp diễn đạt những gì mà đức ngài đã sống thực , đã trải qua.
- Quan ngài khiến tôi chợt đắc ý mà nhớ ra rằng:
" Thứ nhất là tu tại gia
Thứ nhì tu chợ - thứ ba tu chùa"
- Đúng. Câu ca dao ấy lột tả được cách sống ở đời của bất cứ ai trong chúng ta, một nếp văn hóa truyền thống của dân tộc ta: Là một dân tộc nhỏ yếu, chung quanh đều là những nước nếu không to lớn quá - đông dân cư hơn thì cũng hiếu chiến, muốn sống sót thì phải chọn biết tu tập thân - tâm mình ngay trong đời sống hằng ngày, phải học hỏi và ứng dụng thực tập không ngừng những gì thuộc túi khôn của chung nhân loại, phải hòa hợp mà đừng để bị đồng hóa, cũng như luôn sống trong mục đích phục vụ gia đình - xã hội, nghĩa là phục vụ cho chính mình vậy.
*
- 8 -
Mở lòng ra
- Ngày hôm nay thật là hy hữu mà được tiếp chuyện với quan ngài...
- Đây là cái may mắn lớn chưa từng mà cá nhân tôi mong muốn có được...
- Quan ngài đừng khiêm tốn như vậy, làm tôi hổ thẹn trong lòng. Quan ngài có biết không. Người xưa đã dạy: 'Ngay cả khi ở một mình cũng phải thận trọng mà tự tái xét lấy mình' (12). Nay thật là vinh hạnh được trao đổi chuyện trò với quan ngài, tôi tự thấy rằng mình lâu nay chỉ chuyên chú vào lãnh vực tự xét xem mình hành động có đúng như lời các cụ ta xưa đã chỉ bảo. Nhưng bây giờ tôi mới nhận ra là như thế chỉ là rập khuôn một cách tiêu cực mà đồng thời tôi lại càng lúc càng lơ là bỏ qua mất cơ hội học hỏi, chẳng chịu luôn tiếp thu thêm những tư tưởng mới du nhập vào và đang tạo những đổi thay trong cuộc sống của chúng ta mỗi ngày. Nghĩa là tôi chỉ chăm chăm rập lại đúng khuôn mẫu của người xưa mà chẳng hiểu rằng vận hành của lịch sử loài người luôn luôn biến đổi, luôn luôn tiến bộ. Do đấy, ta cần phải sống sao cho đáp ứng với những biến động do xã hội chuyển dịch đang tiến tới...Tôi phải thú thật như vậy.
- Cảm tạ thái độ thật chân tình mà cụ Tiên chỉ vừa thổ lộ.
- Quan ngài chủ động tới gặp tôi đây, chắc hẳn phải có chủ ý nào nữa chứ?
- Dạ thưa cụ Tiên chỉ, lần này tôi về đây là chỉ muốn được nghỉ hưu luôn tại quê nhà.
- Điều này đã hẳn... mà còn là cái may mắn lớn cho tôi, sẽ được thường xuyên gần gũi tiếp chuyện quan ngài.
- Hân hạnh. Hân hạnh vô cùng. Ngoài ra còn một vấn đề mà tâm tư lấn bấn cả nửa thế kỷ nay, muốn được thưa với cụ.
- Xin cung kính lắng nghe.
- Trước đây hai dòng họ Phạm của cụ và Bùi của tôi vẫn cùng nhau theo đuổi thư hương, chuyên ngành học tập - thi cử, rạng danh văn học làng ta, không những tổng - huyện mà cả tỉnh nhà cũng phải vị nể. Nhưng từ khi Pháp sang xâm chiếm, họ Phạm của ngài chọn con đường chỉ làm thầy đồ trong làng - huyện, không thi cử ra làm quan nữa, mà đồng thời còn thiên hẳn hoạt động trực tiếp với các phong trào Cần Vương - Văn Thân; còn họ Bùi chúng tôi thì cứ thế mà tan tác, chìm lỉm vào bóng tối. Hiện tượng này gây sự chia cắt đến độ có lúc thành chống đối lẫn nhau. Gần nửa thế kỷ qua, làng ta quay quắt trong ngậm ngùi...Đấy là cách diễn đạt thực trạng của tôi. Chẳng biết cụ Tiên chỉ nhận thấy sao?
- Quả có đúng như vậy thật.
- Đến nay, tuổi chúng ta đều đã hưu trí. Tôi nghĩ là chúng ta phải chủ động xóa bỏ hiện trạng bi thảm này đi.
- Quan ngài nghĩ xem, hai chúng ta có thể làm gì đây?
- Nếu cụ Tiên chỉ chẳng nề hà, tôi xin đưa đề nghị.
- Mong được quan ngài chỉ bảo.
- Hai gia đình chúng ta hãy chính thức kết thân với nhau.
- Xin được nghe ý kiến cụ thể từ quan ngài.
- Không biết cụ có nghe biết chút gì về đứa con gái lớn của tôi...
- Nghĩa là cô con bà chính thất của quan ngài?
- Sinh một mụn con gái mới được vài tuổi thì bà nhà tôi ngã bệnh. Tự biết chẳng qua khỏi, bà ấy đã đưa cô cháu gọi bằng dì ruột vào thế. Bà hai nhà tôi tuổi nhỏ chưa thể quán xuyến được việc nhà bề bộn, bắt buộc tôi phải lấy thêm bà kế mẫu. Bà ba này tuổi trưởng thành nhưng lại là người gốc Thanh Hóa, nơi mà trên chục năm nay tôi đã chuyển việc quan về đấy...
- Cớ sự này tôi cũng được biết sơ qua.
- Chẳng qua là số kiếp của bà chính thất như vậy khiến tôi luôn áy náy, canh cánh bên lòng. Còn riêng mụn con gái đầu ấy, tôi rất mực cưng chiều: Tôi đặc biệt mời thầy về tận nhà dạy nó học chữ từ lúc cháu nó mới ba bốn tuổi. Vốn yếu đuối từ nhỏ, đến độ sáu tuổi, cháu nó cứ quặt quẹo mà nhiều bác sĩ tây y đều chịu thua - không kiếm ra được chính xác nguồn bệnh. Cuối cùng , nhờ một vị tộc trưởng quen biết giới thiệu cho vị lương y ở trên vùng Sapa - Hoàng Liên Sơn, tôi đành phải đích thân đưa cháu lên đó. Rủi sao đêm xuống đi đến giữa rừng thì gặp mưa bão, ôm cháu một mình một ngựa, lạc mất đám tùy tùng, tôi cảm khái than thầm: " Nàng bỏ ta mà sớm ra đi, còn đây đứa con gái yêu quí của đôi ta nhỏ dại - bệnh tật thế này...Thôi, có lẽ ta và con cũng nhân đây mà đi theo nàng luôn cho đỡ ân hận canh cánh bên lòng ...". Vừa nhủ thầm mà vừa thúc ngựa chạy bừa giữa màn sương khuya lạnh buốt bao phủ mịt mù khắp chốn... May sao lúc ra được khỏi rừng rậm thì trời cũng vừa hết mưa gió, bình minh ló rạng, và bắt kịp với đám người ngựa tùy tùng. Rồi một tuần ở lại láng, uống thuốc do vị lương y người Thái Trắng kia sắc lấy, cháu nó khỏi lại và khỏe mạnh cho đến giờ...
- Đấy thật là nhờ ân phúc dầy.
- Năm ngoái cháu nó đã đậu bằng Thành chung (13), lúc 15 tuổi.
- Được quan ngài đặc biệt ưu ái chính thức ngỏ lời tâm huyết như thế này, tôi lúng túng chẳng biết nói sao nữa...
- Nếu cụ Tiên chỉ không chê, tôi mong cháu nó được kết thân với cậu nào bên cụ.
- Bất ngờ quá, tôi thật bối rối...
- Tôi trộm biết, nhờ Trời- Phật - Tổ Tiên - Ông Bà phù hộ, bên cụ quả có đông các anh. Như anh Đội Phủng ( 14) vừa phải phát vãng tù ngoài Côn Sơn nhân vụ Khởi Nghĩa Yên Báy. Anh Soạn ( 14) thì đang phục vụ phong trào Kháng Chiến ở đâu đấy...
- Đến anh Định (14 )nhà tôi thì..nghe đâu đang làm biện tập cho tờ Gia định thời Báo ở trong Nam.
- Tôi tưởng anh ấy vẫn đang học ở Hànội chứ?
- Vốn là thế. Nhưng cách đây hai năm, đã cùng bạn quê ở Thái Bình trên đường về đây, anh ấy rủ bạn ghé qua nhà. Lúc ấy tôi đang thăm bạn bên làng Bách Cốc . Anh ấy dẫn bạn vào xem tủ sách gia đình, khoe bộ sách hiếm quí bằng chữ Nôm là Chinh Phụ Ngâm Khúc. Mê quá, người bạn liền hỏi mượn đem về quê nghiền ngẫm rồi tháng sau trở ra thì sẽ tạt qua đây trả lại cuốn sách ấy và để cùng nhau lên Hànội tiếp tục việc học. Hứng chí mà quên luôn rằng đấy là một trong những cuốn sách mà tôi đã xếp vào loại gia bảo, anh Định nhà tôi cho mượn liền. Tới khi tôi thăm bạn trở về. Thì cứ đúng theo lệ thường, tôi kêu vào để khảo sát xem nửa năm trời vắng nhà đi học chữ Pháp, anh ấy có xao nhãng mà quên đi mất bao nhiêu chữ Hán - Nôm. Chẳng biết sao, lúc ấy tôi lại bảo vào lấy cuốn Chinh Phụ Ngâm ra hiên đọc lớn cho tôi nghe. Cuống cuồng anh ấy vớ cuốn Kim Vân Kiều truyện ra rồi ấp úng đọc. Vài câu đầu còn thuộc sẵn, anh ấy đọc đúng nhưng sau dần thì sai bét! Giựt lấy cuốn sách, tôi mới phát giác ra sự thể. Anh ấy phải thú thật là vừa cho bạn mượn rồi! Thế là tôi nổi nóng, cầm gậy đuổi đánh. Anh ấy cứ thế mà chạy khỏi nhà rồi sẵn trớn lên Hànội trốn luôn!... Mới đây nghe báo lại rằng anh ấy đã được bạn giới thiệu vào trong Nam làm báo kiếm sống ở Sàigòn rồi.
- Ồ..Hay quá đấy.
- Quan ngài bảo sao?
- Quý bạn hữu đến như anh này, tôi thấy được quá đi! Cậu ấy đậu Bac I ( 15) chưa đấy cụ?
Chú thích:
(1) Xin xem thêm chi tiết ởhttps://vietbao.com/a282350/le-tuong-niem-anh-hung-nguyen-thai-hoc-va-12-liet-si-yen-bai-chu-nhat-ngay-17-6-2018-tai-tacona & https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguyễn Thái Học
(2) Phong trào duy tân, "tự lực khai hóa" ,'Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh' . Chủ trương bất bạo động, phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền - dân quyền - nhân quyền - dân chủ - tự do - bình đẳng - bác ái, cải cách trên mọi lãnh vực xã hội. Nhân vật đại biểu cho chủ trương này là Phan Chu Trinh (hay Phan Châu Trinh) sinh 9 tháng 9, 1872 - mất: 24 tháng 3, 1926.[ có thể đọc thêm ở https://vi.wikipedia.org/wiki/Phan Chu Trinh ]
(3) “Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” (Xem xét việc xưa mà biết việc nay, thì có thể làm thầy vậy), câu trong thiên “Vi Chính” thuộc “Luận Ngữ” trong Tứ Thư của Khổng Tử. [ xin xem thêm từ nguồn trên Google: trithucvn2.net ](4) Xin xem vào chi tiết ở https://vi.wikipedia.org/wiki/Bốn lần Bắc thuộc
(5) "Connais - toi toi même", câu của Socrates ( 470 mất: 15 tháng 2, 399 TCN), triết gia Hy Lạp. [ https://vi.wikipedia.org/wiki/Triết học tiền Socrates ]
(6) « Je pense, donc je suis »(Cogito ergo sum; I think, therefore I am) :Tôi tư duy, nên tôi tồn tại câu nói của René Descartes (1596–1650), triết gia người Pháp trong "les Principes de la philosophie" (1644). Cuốn sách nổi tiếng của ông là Le Discours de la méthode .[ https://fr.wikipedia.org/wiki/Cogito_ergo_sum#:~:text=Descartes de couvre je pense donc je suis.
(7) " ..Quân tử thận kỳ độc.." , sách Đại học trong bộ Tứ Thư Tập Chú do Chu Hy ( 1130 - 1200)
(8) Xem vào chi tiết ở: https://vi.wikipedia.org/wiki/Con đường tơ lụa .
(9) có thể xem để biết thêm ở https://vi.wikipedia.org/wiki/Tam_giáo & https://www.nhipcaugiaoly.com/(10) Hai Bà Trưng (? – 5 tháng 3 năm 43) là tên chỉ chung hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai phụ nữ được tôn sùng là anh hùng -liệt nữ của dân tộc ta.[Trong sử sách, hai bà được biết đến như là hai thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh.Trưng Trắc tự phong là Nữ vương... Đại Việt sử ký toàn thư coi Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương. Xem chi tiết ở: https://vi.wikipedia.org/wiki/Hai Bà Trưng
( 11) Tuệ Trung Thượng sĩ (1230 - 1291) tên thật là Trần Tung hay Trần Quốc Tung
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tuệ Trung Thượng Sĩ & Trần Nhân Tông ( 7 tháng 12 năm 1258 – 16 tháng 12 năm 1308),
https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần Nhân Tông
(12) " Quân tử thận kỳ độc...": ' Người ta phải thận trọng ngay cả lúc ở một mình', trích từ sách Đại Học, trong Tứ Thư , Tứ Thư Tập Chú của Chu Hy ( 1030 - 1200)
(13) Thành chung , Diplome d'Etude Primiere Superieur, gọi tắt là Brevet. Trong hệ thống học vấn thời Pháp Thuộc Địa, học sinh học hết 6 năm tiểu học, thi đậu bằng này.
(14) Tên thật của ba người này thứ tự là Phạm Hữu Phủng - Phạm Hữu Soạn - Phạm Hữu Định.
(15) Diplôme du Baccalaureat de l’enseignement du Primaire degré, gọi tắt là BAC I.
Trong hệ thống học vấn thời Pháp Thuộc Địa, học sinh học hết 4 lớp trung học, thi đậu bằng này.
Chú hình:ảnh: bốmẹ 1932. : Ông Phạm Hữu Định ( 1911 - 1974) & bà Bùi Thị Nhung ( 1915 - 1955). Bức ảnh này chụp vào ngày họ làm đám cưới năm 1932 tại Nam Định (Bắc Phần). Vì loạn lạc tấm ảnh này đã thất lạc. Đến năm 1954, gia đình di cư từ Hànội vào sinh sống tại Sàigòn, may mắn sao người bạn cũ của ông Định còn lưu niệm được bức ảnh này mới cho mượn để làm bản sao lại.
* Phạm Quốc Bảo.
[ viết xong 12:00 Thứ Bẩy 07/12/2024. Điều chỉnh lần I vào 23/12/2024]