Bản Tự Thuật

của Hòa Thượng Huyền Quang

Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
*

Về cuộc họp ngày 4 và 5 tháng 8-1992 tại tòa tỉnh Quảng Ngãi. Thành phần tham dự gồm có: Ông Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, ông Lam đại diện Bộ Nội Vụ, ông Diêu đại tá An Ninh Tỉnh, một vị thư ký và Tôi, Thích Huyền Quang, được Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh mời tham dự.

Mở đầu ông Phó Chủ Tịch giới thiệu các vị hiện diện và lý do cuộc họp để bàn các việc có liên quan đến các văn thơ Tôi đã gửi đến Nhà nước và tản phát ra nước ngoài, gây dư luận không tốt, có hại cho sự đoàn kết và Phật tử, Tăng Ni v.v…

Sau khi tuyên bố lý do xong, ông Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh nhường lời cho ông Lam làm việc với tôi. Ông Phó Chủ Tịch bận công việc khác nên không tham dự đầy đủ các phiên họp.

Vào việc, ông Lam khen Tôi ăn ở trong chùa ngoài xóm, với Tăng Ni, Phật tử, với học sinh nghèo, v.v…có nhiều thiện cảm. Ngoài ra đối với các vị cán bộ tới lui làm việc cũng tiếp xúc thân mật, và những gì nhà nước đặt ra để hạn chế sinh hoạt của Tôi vẫn giữ phép tắc đầy đủ. Do đó công an Quảng Ngãi đã cho phép tôi đi Thiên Ấn, đi Hội An Quảng Nam, đi Linh Mụ Huế, và giúp chùa việc an ninh trật tự.

Sau đây là nội dung các việc:

1) Ông Lam nói: Thơ tám trang của Ông có nhiều việc sai trái, phạm các tội hình sự. Ông nói tiếp: Ðơn gửi Tối Cao Pháp Viện, danh vị không đúng.

Tôi xin hỏi: Không đúng chỗ nào?

Ông Lam bảo: Nên đề là Ông Viện Trưởng Tối Cao Pháp Viện, lại đề là Ông Chủ Tịch .

Tôi thưa: Tôi không rõ, xin lỗi Ông Viện Trưởng Tối Cao Pháp Viện

2) Ông Lam nói: Văn viết sống sượng

Tôi nói: Tôi xin hỏi sống sượng chỗ nào?

Ông Lam bảo: Ông dùng chữ không chín chắn, sống sượng ở chỗ ông dùng chữ "nhu nhược" đối với các Hòa Thượng Minh Châu, Trí Tịnh, v.v… Người xem thơ mất tình cảm.

Tôi thưa: Các vị Hòa Thượng lớn tuổi tính tình dễ dãi, hay tùy hỉ mọi việc, không thích bàn cãi phiền phức. Cảm tình tôi lúc nào cũng kính trọng các hòa thượng đó, dù có những việc làm không đồng ý với nhau qua các việc chung của Giáo Hội.

3) Ông Lam nói: Ông bảo nhà nước bắt bớ Tăng Ni ,Phật tử, bắt ai đâu?

Tôi thưa: Bắt Tôi, Quảng Ðộ v.v… và các Tăng Ni Phật tử đang và sẽ bị bắt vì có đọc thơ tám trang của tôi. Còn các thầy Ðức Nhuận, Tuệ Sỹ, Mạnh Thát, các tu sĩ tín đồ các tôn giáo khác, các nhà văn, nhà báo, những người bất đồng chánh kiến bị giam cầm.

Ông Lam bảo: Ông gom cả gói các người đó vào để liên kết làm chánh trị ?

Tôi thưa: Tôi không có ý đồ làm chánh trị, nhưng các người đó đồng cảnh ngộ với tôi. Tôi có dịp nói gì được cũng nhớ họ, nói mấy lời gọi là vậy thôi, chứ chắc gì có hậu quả tốt.

Nói riêng việc Tôi và Quảng Ðộ trong vài năm gần đây, trên thế giới các nhà nhân bản, dân quyền đã gửi cho nhà nước hơn 20.000 lá thơ yêu cầu đưa chúng tôi ra tòa xét xử, nhưng nhà nước có kể gì đâu.

Tôi không làm chánh trị. Tôi chỉ bị thế lực chánh trị đàn áp tôi mãi mà thôi.

4) Ông lam nói: Thơ đơn gửi nhà nước chưa giải, đã lọt ra ngoại quốc, bọn xấu khai thác tùm lum. Việc nầy thực tội gián điệp có ghi ở tội phạm hình luật.

Tôi thưa: Thơ tôi, đơn tôi gửi đi Sàigòn nhờ gửi ra Hà Nội, người Tôi nhờ họ không thể gửi được, gửi trả lại, Tôi gửi tại Bưu Ðiện Quảng Ngãi. Như vậy thơ đi thơ về Tôi không biết thơ lọt ra từ đâu, ngoài sự hiểu biết của tôi. Sở Bưu Ðiện chịu trách nhiệm vấn đề đó. Và nếu buộc tội Tôi làm gián điệp, Tôi xin chịu thôi.

5) Ông lam nói: Việc thống nhất Phật Giáo cả nước là nguyện vọng tuyệt đại đa số của các giáo phẩm, tăng ni, phật tử, sao Ông chống việc đó ?

Tôi thưa: Trước kia năm 1963-1964 đất nước miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, các tổ chức Phật Giáo còn muốn thống nhất, nhất là trong sau pháp nạn 20-8-1963 GHPGVNTN đã ra đời trong chiến tranh, trong sự phá phách của các bên, chúng tôi còn cố gắng làm được. Nay đất nước đã hòa bình thống nhất, chúng tôi càng cố gắng hơn nữa để đưa PGVN đến thống nhất trọn vẹn, tạo một trang sử mới mà bao đời trong quá khứ chưa làm được. Nhưng tiếc rằng việc làm thống nhất đó từ bàn tay nhà nước, không phải từ các giáo phái Phật Giáo. Do đó tạo ra nhiều sự bất đồng mà nhà nước không muốn thấy biết.

Sau đây Tôi xin trình bày những việc mà Giáo Hội chúng tôi lo việc thống nhất Phật Giáo cả nước sau ngày hòa binh thống nhất đất nước đã được tái lập.

Nguyên vào sau ngày 30-4-1975, Giáo Hội chúng tôi có gửi thơ ra Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam do Hòa thượng Trí Ðộ làm Hội trưởng (Thầy của chúng tôi), đề nghị hai Giáo Hội hiệp thương để tiến đến thống nhất Phật Giáo cả nước. Hòa Thượng Trí Ðộ không đáp ứng. Sau đó không lâu, Giáo Hội chúng tôi cử Hòa Thượng Ðôn Hậu từ miền Bắc về, đại diện Giáo Hội chúng tôi đến yết kiến Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Văn Hóa của Chánh Phủ Lâm Thời Miền Nam Việt nam, để xin phép đi vận động các giáo phái tập đoàn Phật Giáo trong Nam thống nhất, sau đó tiến đến thống nhất với Hội Phật Giáo miền Bắc. Nhưng ông Hiếu bảo rằng: " Thống nhất Phật Giáo thì tốt, nhưng thống nhất với Phật Giáo cách mạng, thống nhất làm gì với Phật Giáo phản động"

Hòa thượng chúng tôi hỏi lại: “Phật Giáo phản động là ai?" Ông Hiếu không trả lời !

Như vậy ngay từ đầu, Hội Phật Giáo Hà Nội đã từ chối. Việc vận động thống nhất Phật Giáo trong Nam cũng bị ông Hiếu lên án, v.v…

Do đó, Giáo Hội chúng tôi nghĩ rằng: Chính nhà nước chống việc vận động thống nhất Phật Giáo cả nước của Giáo Hội chúng tôi, chứ không phải Giáo Hội chúng tôi chống việc thống nhất Phật Giáo cả nước.

Thế rồi, vào đầu năm 1979, Hòa Thượng Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, trong cuộc họp Hội Ðồng Viện hàng tuần, Hòa Thượng có đưa ra việc Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố có đến mời Hòa Thượng ra làm việc vận động thống nhất Phật Giáo toàn quốc. Lúc đó có vị trong Hội Ðồng hỏi Hòa Thượng Viện Trưởng rằng: " Mặt trận mời với tư cách gì ?" Hòa thượng nói: "Với tư cách gì tôi chưa rõ." Qua cuộc họp tuần sau, Hòa thượng đưa việc đó ra Hội Ð?ng và cho biết là "Mặt trận mời tôi với tư cách Viện trưởng Viện Hóa Ðạo GHPGVNTN" Hòa Thượng Thiện Minh nghe thế liền xin phát biểu: " Xin Hòa thượng Viện Trưởng đừng đưa việc đó ra đây làm khó chúng tôi !"

Hòa thượng Trí Thủ hỏi lại: "Làm khó cái gì?" Hòa thượng Thiện Minh thưa: " Nếu Hội Ðồng nầy đồng ý để Hòa thượng làm việc đó với tư cách Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, tức là đồng ý dẹp bỏ Giáo Hội này sau khi Giáo Hội mới thành lập. Còn nếu không đồng ý, thì có sự khó khăn đến với các vị trong Hội Ðồng và cả Giáo Hội ta nữa. Vậy Hòa thượng nên tự ý lựa chọn và làm với tư cách cá nhân của Hòa thượng mà thôi. Chúng tôi không thể nói nên hay không nên trong việc nầy." Lúc bấy giờ trong cuộc họp không ai có ý kiến gì khác, coi như mặc nhiên đồng ý với Hòa thượng Thiện Minh đã nói.

Sau đó năm bảy tháng, Hòa thượng Trí Thủ Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo hướng dẫn một phái đoàn Ban Vận Ðộng Thống Nhất Phật Giáo Toàn Quốc vừa mới thành lập do Hòa thượng làm Chủ Tịch, đến thăm GHPGVNTN và trưng cầu ý kiến về việc xây dựng một ngôi chùa thống nhất Phật Giáo cả nước. Sau lời giới thiệu đoàn và lý do đến Ấn Quang. Tôi xin phép phát biểu ý kiến. Tôi thưa rằng: "Quý Ngài là sáng lập viên, là kiến trúc sư cho ngôi chùa đó. Vậy Quý Ngài đã có sơ đồ về ngôi chùa đó chưa? Tôi nghĩ ngôi chùa đó có giống như Chùa Quán Sứ, như Chùa Keo, Chùa Thầy miền Bắc, hay giống Chùa Từ Ðàm, Thiền Tôn, Linh Mụ miền Trung, hay ngôi chùa nào đó giống Ấn Quang, Xá Lợi, Giác Viên, Giác Lâm miền Nam ? Nhưng ngôi chùa đó thế nào cũng được xây dựng tốt đẹp và các tập đoàn, giáo phái Phật Giáo sẽ ở vào ngôi chùa đó, chứ Giáo Hội Ấn Quang này thì không mong gì vào ở đó được. Vì Giáo Hội chúng tôi bị nhà nước lên án là Giáo Hội phản động. Do đó, Giáo Hội chúng tôi thấy không có bổn phận góp gì vào trong đó cả. Nhưng Giáo Hội chúng tôi mong rằng: Rừng bồ đề dù cây to cây nhỏ cũng là bồ đề, chứ các thứ tương tự bồ đề thì phải phân biệt rõ ràng. Ngôi chùa chung đó phải được trang nghiêm thanh tịnh. Nhà nước lưu ý điều đó”

Sau lời phát biểu ấy của Tôi, Thầy Quảng Ðộ xin phát biểu: "Quý Ngài ở miền Bắc sống trong tự do, độc lập và hòa bình trong hơn 20 năm qua, đã làm được việc gì cho Phật Giáo ngoài đó ? Giáo Hội chúng tôi ở trong này sống với Mỹ Ngụy đàn áp, sống với chiến tranh tàn phá, nhưng đã làm được những gì chắc Quý Vị đã biết. Vậy giờ đây ai cần thống nhất với ai đây ?” Và Thầy ấy còn nói thêm nhiều việc khác, các vị miền Bắc nghe vậy khó chịu lắm !

Thế là cuộc họp trưng cầu ý kiến chẳng có ý kiến gì cả, mà còn đạt ra một số vấn đề khác nữa.

Tuy nhiên vào cuối năm 1980, Hòa Thượng Trí Thủ với tư cách Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo triệu tập một cuộc họp Hội đồng Viện Hóa Ðạo để thông qua bản hiến chế mà ban Vận Ðộng vừa mới sơ thảo để xin ý kiến Giáo Hội đóng góp vào, để văn bản được đầy đủ, nhiên hậu làm cơ sở thiết lập GHPGVN tương lai. Sau lời tuyên bố lý do, Thầy Quảng Ðộ xin phép phát biểu ý kiến: "Thưa Hòa Thượng Viện Trưởng, Hòa thượng triệu tập cuộc họp nầy là bất hợp pháp, vì tôi làm Tổng thư ký Viện Hóa Ðạo mà không hay biết việc này. Và ai cử Hòa Thượng đại diện Viện Hóa Ðạo đi làm việc đó, nay mang việc đó vào đây hội thảo ? Tôi phản đối việc tự tiện cá nhân đó của Hòa Thượng Viện Trưởng".

Trước sự phản đối chất vấn đó, Hòa thượng Viện trưởng không nói gì, rồi rời hội trường ra đi ! Hòa thượng Trí Tịnh cũng tuyên bố: "Ðể giữ tinh thần đồng đội, tôi cũng ra đi theo Hòa thượng Trí Thủ". Cuộc họp tan ngay theo chân các hòa thượng có mặt trên bàn hội nghị (có số viên chức ban Vận Ðộng tham dự).

Như vậy, việc vận động thống nhất Phật Giáo toàn quốc sau hai lần vào Ấn Quang là hai lần chẳng thu được kết quả nào cả. Rất tiếc là nhà nước đã làm những việc đẩy Giáo Hội Ấn Quang đến chỗ không thể tham gia sự nghiệp xây dựng thống nhất Phật Giáo lịch sử này !

Sau đó không lâu, Giáo Hội do nhà nước dựng lên vẫn được ra đời tại Hà Nội vào cuối năm 1981, và sau đó, đầu năm 1982, Tôi và Thầy Quảng Ðộ bị chánh quyền TP Hồ Chí Minh trục xuất về quê ở Nghĩa Bình và Thái Bình đến nay đã 11 năm mà chưa được tự do về lại văn phòng GHPGVNTN ! Việc hai chúng tôi ra đi nghe có thư của Hòa thượng Trí Tịnh, Minh Châu yêu cầu nhà nước làm việc đó (?).

Trong Ðại Hội lần thứ nhất của GHPGVN do nhà nước sinh ra có suy cử Hòa thượng Ðôn Hậu vắng mặt làm Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật tại Hội Ðồng Chứng Minh, cố vấn thứ nhất của Giáo Hội đó. Nhưng Hòa thượng Ðôn Hậu sau đó đã gửi thư xin từ chức đến đến Hòa thượng Ðức Nhuận Pháp Chủ Giáo Hội nhà nước. Các Hòa thượng Trí Thủ, Trí Tịnh, Minh Châu, Thiện Siêu,v.v… được Giáo Hội giao cho các chức vụ hàng đầu của Giáo Hội mới thành lập. Các Hòa thượng đó tham gia Giáo Hội nhà nước với tư cách cá nhân. Giáo Hội Ấn Quang không hề đề cử các Hòa thượng đó làm đại diện GHPGVNTN tham gia Giáo Hội nhà nước.

Trở lui lại thời gian: GHPGVNTN sau ngày thành lập chẳng bao lâu, các giáo phái tập đoàn trong Giáo Hội, vì áp lực của chánh quyền thời 1964-1968, phải bỏ Giáo Hội ra đi. Ý đồ của các chánh quyền đó là để Giáo Hội Thống Nhất tan rã, hết chống đối chánh phủ thời ấy.

Còn Giáo Hội nhà nước ngày nay mà ông đại diện Bộ Nội Vụ gọi là đoàn kết, làm được nhiều việc tốt, đối nội cũng như đối ngoại, và đang tiến theo đà phát triển của đất nước, v.v… Tôi nghĩ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không có khả năng giữ được sự đoàn kết để không xảy ra việc rũ áo ra đi như Giáo Hội Thống Nhất xưa của chúng tôi, vì nhà nước bảo ngồi lại phải ngồi lại mà thôi. Trong đó chứa đầy sự mâu thuẫn, nào Ðại Thừa, Trung Thừa, Tiểu Thừa; nào địa phương Trung, Nam, Bắc; nào áo nâu, áo vàng; nào ăn chay, ăn mặn; nào có vợ có con; nào độc thân biệt hạnh; nào tu thiền, tu tịnh; nào giáo phái tầm vóc quốc gia, địa phương, cấp tỉnh, thị xã,v.v… cùng ở chung một nhà làm sao yên ấm được ?

Cụ thể: Một trường hạ nhỏ có 10 vị Bắc Tôn kiết hạ an cư, trong đó hai vị có gia đình, hoàn cảnh đó đã có sự bất đồng, và phật tử cũng thấy trường hạ không được thanh tịnh như họ mong muốn. Sống chung có ba tháng, trong 10 người đã thấy khó chịu, thì biết rằng GHVN làm sao thanh tịnh trang nghiêm được. Nhưng 11 năm qua, Giáo Hội đó tồn tại là nhờ nhà nước duy trì, nếu không thì Giáo Hội đó tan rã từ lâu rồi.

Ông Lam bảo: Ông nhận xét có phần đúng. Vậy ông có kế hoạch gì xây dựng Giáo Hội đó vững chắc tốt đẹp hơn không ?

Tôi thưa: Ông hỏi câu đó hơi sớm. Tôi không có ý thức để trình bày lập tức.

Ông Lam nói: Tôi về nghĩ, mai cố vấn, hiến kế cho tôi vấn đề này.

Ông Lam nói câu đó vài ba lần vào cuối phiên họp ngày 4-8-92

Sáng hôm sau Tôi đến cơ quan vào họp. Ông Lam hỏi: Ông nghĩ sao việc tôi nhờ ông cố vấn hôm qua ?

Tôi thưa: Ðêm rồi về mệt quá, uống thuốc ngủ ngủ quên không nghĩ được gì.

Ông Lam bảo: Ông cố tình không giúp việc xây dựng Giáo Hội cho tốt đẹp, Ông chống GHPGVN, v.v…

Tôi thưa: Chúng tôi không chống GHPGVN, mà chính nhà nước chống Giáo Hội tôi từ đầu như đã kể trên. Như vậy làm sao Giáo Hội chúng tôi góp phần xây dựng được.

Ông Lam bỏ qua việc đó. Ông hỏi tôi: Ông ra Huế làm việc kế thừa và tuyên bố những việc gây xôn xao trong xã hội, trong tăng ni, phật tử. Ông nghĩ Ông làm việc đó có sai không ?

Tôi thưa: Có sai

Ông lam nói: Ông bảo Ông làm việc đó sai, sao về Quảng Ngãi tiếp tục làm sai nữa ?

Tôi thưa: Tôi nói làm sai là để ông vui lòng, chứ tôi có suy nghĩ và có tư cách. Tôi suy nghĩ GHPGVNTN đến giờ đó, Tôi chưa nhận được quyết định khai tử Giáo Hội chúng tôi, Tôi có tư cách kế thừa cố Hòa Thượng Xử lý Viện Tăng Thống của Giáo Hội chúng tôi. Hơn nữa trách nhiệm Phó viện trưởng Viện Hóa Ð?o tôi còn đó, do đó việc làm của tôi tại Huế, tại Quảng Ngãi là hợp pháp.

Tuy nhiên Tôi muốn việc làm của Tôi sẽ thất bại để Tôi nghỉ ngơi, vì tuổi già sức yếu, công việc quá sức gánh vác. Nhà nước xuống cho Giáo Hội chúng tôi bản án khai tử là cứu khổ cho chúng tôi !

Ông Lam nói: GHPGVN sẽ có giấy đó.

Tôi thưa: Giáo Hội đó không có quyền khai tử Giáo Hội chúng tôi.

Cuộc họp buổi sáng chẳng có kết quả nào cả.

Qua buổi chiều vào phòng họp, ông Lam nói: Cuộc họp sẽ kết thúc sớm, các việc còn lại sẽ tính sau.

Ông Lam tuyên bố:

1. Tôi khuyên Ông từ nay đừng nhân danh Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ký thư gửi đi đó đây bất hợp pháp.

2. Phải giao khuôn dấu Viện Hóa Ðạo và đóng cửa văn phòng lưu vong Viện Hóa Ðạo tại Hội Phước, Quảng Ngãi.

3. Nếu Ông không tuân sẽ có biện pháp đối phó. Không thể để Ông làm việc phạm pháp nhiều hơn nữa.

4. Tôi sẽ đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ngãi để Ông được đi lại tự do với các điều kiện sau đây:

Ông muốn đến địa phương nào, hay vào nhà nào, cần phải xin phép địa phương đó, gia đình đó. Nếu họ đồng ý thì mới được đến, được vào.

Tôi thưa: Ba quyết định trên Tôi sẽ tuân hành sau khi Tôi nhận được giấy khai tử Giáo Hội chúng tôi của nhà nước ban hành. Và nếu có việc này xảy ra, Tôi coi việc đó là nhà nước đàn áp, ức chế Giáo Hội chúng tôi. Tôi sẽ phản đối việc làm đó của nhà nước. Còn việc Tôi phải xin phép này nọ, Tôi nghĩ quý vị coi Tôi không có tư cách gì cả, như kẻ mang bịnh hủi đi lại sợ truyền nhiễm nguy hiểm, như kẻ ăn cắp coi chừng. Tôi phản đối quyết định của quý vị, và không nhận quyền công dân đó. Tôi sẵn sàng vào nhà giam chờ chết…

Tôi thưa tiếp: Cuộc họp hai ngày không đá động gì đến hai văn bản đề ngày 26-9-1989 về đơn đề ngày 25-6-1992 cả. Nhân đây Tôi xin báo cáo quý vị biết là Bộ Tư Pháp vừa phát hoàn lại Tôi đơn tám trang với nội dung: Các việc trong đơn khiếu nại của Tôi. Bộ Tư Pháp không có thẩm quyền cứu xét, mà nên gửi Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam cứu xét.

Tôi nghĩ, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam làm sao có thẩm quyền cứu xét các việc "bắt người trái phép, giết người vô tội, việc lấy chùa, đập tượng Phật, v.v…” mà Bộ Tư Pháp bảo Tôi làm như thế ! Tôi thấy đơn tám trang của Tôi nhân danh Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo, chẳng được ông đại diện Bộ Nội Vụ đưa ra thảo luận một câu nào cả, ngoài mấy việc nói ở trang 2 mà thôi.

Cuộc họp đến đây, ông Phó chủ tịch UBND tỉnh tuyên bố bế mạc, mà không hẹn một ngày nào họp lại. Tôi thất vọng ra về lúc 15 giờ ngày 5-8-92, sau khi từ giã các vị hữu trách các cấp của nhà nước.

Viết đến đây, có vị bưu tá Bưu Ðiện đưa đến Tôi bao thơ. Tôi mở ra xem thấy “Kháng Thu" kính gửi Ông Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng chính phủ CHXHCNVN. Tôi đọc và nghĩ rằng: Thơ rất dài, nói rất nhiều tình tự dân tộc, một dân tộc có tôn giáo góp phần xây dựng đất nước suốt 2000 năm lịch sử đã chịu hiều đắng cay khổ nhục với dân tộc, nhưng cũng đã cùng dân tộc trong việc mở nước, dựng nước v.v… Sau cùng thơ kêu gọi ông Chủ Tịch Hội Ðồng Bộ Trưởng cứu xét các việc mà đơn tám trang của Tôi nhân danh quyền Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo đã gửi đến nhà nước một cách tốt đẹp. Dưới Kháng Thư có ký tên quý Hòa thượng, Thượng tọa đại diện GHPGVNTN tại Úc, Canada, Hoa Kỳ và Âu Châu. Kháng Thư nầy có nội dung tương đồng với thư tháng 10-1991 của Ðại Hội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng đã gửi về Hội Ðồng Bộ Trưởng yêu cầu cứu xét một số việc của GHPGVNTN, do Hòa Thượng Mãn Giác làm Hội Chủ Tổng Hội ký tên.

Sau đây là các việc mà mấy trang trước Tôi viết còn thiếu, để bổ túc cho Bản Tự Thuật nầy được đầy đủ hơn:

Ông đại diện Bộ Nội Vụ trong câu chuyện góp phần xây dựng Giáo Hội, Ông có nhắc Tôi câu kinh "Vô Ngã Vị Tha." Câu này Tôi nghe nhưng không đáp ứng tức thời, vì trí nhớ nay đã không bén nhạy như lúc nào. Nay xin ghi vào đây ý Tôi như sau:

Giáo Hội chúng tôi bị nhà nước lật đổ, Quảng Ðộ, Huyền Quang bị nhà nước giam cầm, thì "Ngã Giáo Hội, Ngã Huyền Quang, Quảng Ðộ, v.v… đâu còn "Ngã với Vô Ngã." Còn Vị Tha thì Giáo Hội chúng tôi đã làm từ 1954-1975 như Tôi đã trình bày và quý vị đã xác nhận là chưa nghe giáo phẩm nào của Giáo Hội mà quý liệt vị đã gặp nói được việc như Tôi đã nói: Những việc xây dựng đất nước theo truyền thống Dân Tộc-Ð?o Pháp.

Viết đến đây Tôi nhớ câu thơ của Hòa thượng Mãn Giác: "Mái chùa che chở hồn dân tộc," mà nay Tôi nghe ông đại diện Bộ Nội Vụ nói giữa cuộc họp có chữ "che chở" Ðồng thời Tôi cũng nghe ông Lam nói: "Nhà nước rất đau đớn, cay đắng, thấm thía những chính sách sai lầm của nhà nước từ 17 năm qua …”

Tôi nghĩ: Trong niềm tự kiểm hối đó, không biết có nghĩ đến nhà nước làm sụp đổ GHPGVNTN không ?

Ông Lam nói: Việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, sau khi nghe Tôi trình bày ở trên, ông Lam nói: Tôi nói đúng ! Nhưng ông cũng nói rằng: Một quốc gia có nhiều thành phần dân tộc, tín ngưỡng, chủng loại, giai cấp khác nhau, nhưng cũng phải sống chung với nhau, thì GHPGVN mới thành lập cũng phải sống như vậy.

Tôi thưa: Việc sống chung của một quốc gia là do việc ràng buộc của chánh trị. Còn tôn giáo làm sao sống phức tạp như vậy được. Do đó tôi xin nhắc lại việc Phật Giáo các nước chung quang ta: Ở Thái lan có hai giáo hội, Giáo Hội Hoàng Gia cho người hoàng tộc tu và Giáo Hội dân chúng cho dân chúng tu. Nam Triều Tiên, Nhật Bản cũng có hai giáo hội, Giáo Hội cho chư tăng cổ truyền độc thân thanh tịnh tu và một Giáo Hội có tên là Tân Tăng cho các vị có gia đình tu. Hai giáo hội khác nhau, nhưng không chống nhau việc gì cả.

Nhân đây, Tôi xin hiến kế cố vấn với ông Lam đại diện Bộ Nội Vụ, mà trong các buổi họp ông đã đòi hỏi Tôi làm việc góp sức xây dựng Giáo Hội tốt đẹp tương lai. Nay Tôi nghĩ ra và xin hiến kế như sau:

1. Nhà nước muốn lập giáo hội gì cũng được, theo sự lựa chọn của nhà nước. Các vị giáo phẩm và tăng ni nào muốn gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng được tự do gia nhập hay từ chối.

2. Nhà nước để Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được khôi phục sinh hoạt bình thường trong luật pháp và tự do như trước năm 1975. Cơ sở nhân lực Giáo Hội chúng tôi được trả lại đầy đủ.

3. Những người hoạt động cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất xin để họ tự do làm việc, đừng bắt bớ, tra hỏi, cản trở như đã có ở Sàigòn, Quảng Ngãi, Ðà Nẳng, Huế … hiện nay, chỉ gây thêm rắc rối, không ích gì cả.

4. Nhà nước nên nghe nên thấy những phản ứng không lợi gì cho chính trị của nhà nước, không những trong nước, mà ngay cả Phật Giáo các nơi trên thế giới, về việc họ yêu cầu ở các Kháng Thư, Quyết Ðịnh, và sự đòi hỏi của các Hội Nhân Quyền, Nhân Bản, Dân Chủ, Xã Hội, v.v… đã yêu cầu nhà nước đưa nội vụ Phật Giáo ra xét xử minh bạch.

Chắc chắn nhà nước thường nghe thế giới nhắc lại vụ Thiên An Môn Trung Quốc tháng 6-1989 đến nay vẫn còn tồn tại. Và sự nhắc nhở đó đã tác động đến đâu, chắc nhà nước thấy rõ.

Tại cuộc họp hai ngày, Tôi cống hiến ý kiến nhận thức của Tôi rất nhiều mà quý vị đã xác nhận. Nhưng tôi chỉ nhận ở quý vị 4 quyết định chưa thành văn đầy khó khăn và có sự đe dọa nữa, thì Tôi chịu sao nổ, kể cả sự bao vây kiểm soát của nhân viên công lực tại chùa Hội Phước, càng tạo thêm căng thẳng, mà lẽ ra hội nghị trong hai ngày qua đã không đến nỗi như vậy.

Ðể kết thúc Bản Tự Thuật này, Tôi hứa sẽ tuân hành các quyết định của quý vị, sau khi tôi nhận được văn bản khai tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do nhà nước ban hành càng sớm càng tốt ! Và nếu việc đó xảy ra, Tôi coi như nhà nước thật sự đàn áp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đến chí tử một lần nữa. Tôi sẽ phản đối hành động đàn áp ức chế đó của nhà nước như trước đây mà tại cuộc họp Tôi đã phát biểu trước mặt quý vị đại diện chính quyền có mặt trong cuộc họp chiều ngày 5-8-1992.

Tôi tuổi già sức yêu, trách nhiệm và công việc Gíáo Hội lại nặng nề, nhất là sức ép của nhà nước ngày một cao thì làm sao sống được !

Làm tại Hội Phước, Quảng Ngãi, ngày 8-8-1992

Can Cứu Thích Huyền Quang

Quyền Viện Trưởng

Viện Hóa Ðạo

Trở về Mục Lục