căn thân và thế giới đều

là sự biến hiện của chân tâm

Minh Ðức - Bùi Ngọc Bách

Theo các quan điểm của nhiều tôn giáo và kiến chấp của người thế gian thì mọi hiện tượng của pháp giới, kể cả con người đều là:

-Từ cái khác sanh ra.
- Tự nhiên mà sanh ra.

Tuy nhiên, theo giáo lý Duy thức, thì tất cả các pháp đều nằm trong cái vòng "Nhân duyên sanh trùng trùng duyên khởi" và cái vòng này chỉ là "Huyễn Hiện Tương Ứng" của Thức Tâm và đều từ cái "Biển Diệu Tâm" mà lưu xuất ra.

Theo giáo lý Duy Thức thì tất cả các pháp đèu từ nơi Biển Diệu Tâm, hay Chân Tâm mà chuyển biến ra. Chân Tâm là nguồn gốc của các Pháp, được gọi là Pháp Tánh, hay là Thể Chánh Chân Như của tất cả các Pháp. Các Pháp này đều không thật có, chúng chỉ là biểu hiện của Diệu Tâm, không có sự thể chân thật. luôn sanh diệt và chuyển biến không ngừng.

Trong kinh Lăng Nghiêm, Ðức Phật nói với ông A-Nan :"Ông phải biết Diệu Tánh vốn viên minh, rời các danh tướng, xưa nay không có Thế Giới và Chúng Sanh. Nhơn vọng có sanh, nhơn vọng có diệt. Sanh diệt gọi là Vọng, Vọng diệt gọi là Chân."

Chúng sanh vì vô minh, khởi vọng bất giác, không biết tự tánh mình vốn thường thanh tịnh nên khởi phân biệt, không biết rằng Chân Tâm lúc nào cũng chiếu sáng, mà lại khởi vọng tự chiếu soi lại mình (tự tâm lại thủ tự tâm), nên khởi niệm mê mờ vô thủy, cho nên Chân Tâm thanh tịnh đã biến thành Hiện Thức ô nhiễm, khiến ảnh hiện ra những ảnh tượng về Ngũ Ấm (căn thân) va Thế Giới (Vạn Pháp)

Biển Diệu Tâm, Kinh Lăng Nghiêm gọi là Chân Thức, và khi nó bắt đẩu hiện tưóng thì có một tên khác là Hiện Thức, còn gọi là Tàng Thức, Bát Thức, Thức Sơ Năng Biến, Căn Bản Thức, hay là "Thức Hư Vô Vi Tế". Thức Hư Vô này không dừng lại ở đây, và trải qua nhiều kiếp từ vô thủy, cái vọng tưởng mê mờ lúc ban đầu cứ huân tập trong tâm thức, chập chùmg xoay vần chiếu soi thành các Chủng Tử và Hiện Hành. Chúng cứ huân tập, sanh diệt, chuyển biến không ngừng nghỉ, cho đến khi đầy đủ nhân duyên thì chín mùi và Thức Hư Vô Vi Tế này sinh khởi ra bảy thức kia. Ðó là năm thức đầu (Tièn Ngũ thức): Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Thức thứ sáu: Ý thức, và Thức thứ bảy: Mạt Na Thức.

Tàng thức còn gọi là Căn Bản Thức vì từ ThứcCăn Bản này nó sinh ra bảy thức kia, và bảy thức kia còn gọi là chuyển thức vì khi thân mạng diệt, bẩy thức này chuyển trở về với Căn Bản Thức.

Vì khởi vọng bất giác mà Chân Tâm thanh tịnh bị dấy động và biến thành chúng sinh và pháp giói. Chân Tâm giống như Biển Cả, chúng sanh và vạn pháp giống như sóng, vọng tưởng giống như những cơn gió thổi làm thành sóng nhâp nhô liên tiếp không bao giờ ngừng nghỉ. Các ngọn sóng cồn không có thật thể, mặt biển thanh tịnh vốn không có sóng mời. Chúng sanh và vạn pháp cũng vậy, vốn đồng một thể chân tâm thanh tịnh như Chư Phật, nhưng vì vọng niệm bất giác dấy lên nên các chủng tử hiện khởi, chuyẻn biến mà hiện thành hình tướng, chứ thực ra, chĩ là giả như hoa đốm hư không.

Chân Tâm khi dấy niệm như mặt biển nổi sóng cồn, không còn là chân tâm thanh tịnh nữa mà trở thành mặt biển tâm thức, từ mặt biển tâm thức này mà chúng sanh và thế giới được thành lập như Phật nói trong Kinh Lăng Già:

Ví như gió biển cả
Ðây là gió mạnh thổi
Sóng to vỗ biển rộng
Không có khi đoạn diệt
Biển Tàng Thức thường trụ
Gió cảnh giới nổi dậy
Lớp lớp các sóng thức
Ao ạt mà chuyển sanh

Sóng Thức là gì? Ðó là những niệm mê mờ "Tự Chiếu Soi" cái chân tâm thanh tịnh và thấy lờ mờ cái hình tướng giả mà tưởng là thật. Rồi những hình tướng đầy vọng tưởng này đưa trở lại vào Tâm Thức và trở thành những chủng tử mới. Các chủng tử cứ thế, thay phiên nhau làm nhân duyên cho nhau, trùng trùng duyên khỡi, tương sanh, tương duyên, chuyển biến thành vô số những chủng tử mới. Chúng càng chiếu soi, càng chuyển biến, càng hiện lên những nét thô kệch và nặng nề hơn cho đến khi đủ nhân duyên thì trở thành Căn thân (chúng sinh) và vạn pháp (thế giới).

Khi tưới cây, chúng ta dùng vòi nước xịt lên không trung một làn mưa bụi. Ánh mặt trời xuyên qua làn mưa bụi này sẽ phát hiện thành một chiếc cầu vồng năm sắc. Ánh mặt trời vốn trắng, gần như không có màu sắc, không tướng mạo, nhưng khi xuyên qua "cái màn sương lưu ngại" này, sẽ làm lóe lên đủ màu sắc và tướng mạo.

Những quang minh chói lọi và vô tướng mạo của Biển Diệu Tâm cũng vậy. Một khi chúng khởi lên những niệm mê mờ "đầy vọng tưởng" và trải qua nhiều kiếp chuyển biến sẽ trở thành những chủng tử thô kệch, và cuối cùng ảnh hiện ra thành căn thân chúng sanh và pháp giới muôn hình muôn sắc.

Pháp giới thô kệch ù lỳ này, hình như "hiện hữu ngoài thân và có thực thể", nhưng thực ra, chúng chỉ là chuyển biến của Tâm Thức, hay chỉ là những hình ảnh lưu xuất từ Biển Diệu Tâm, hay chỉ là "những quang minh bị lưu ngại" kết cấu thành Trần Cảnh, mà chỉ những hành giả có một thời gian dài lâu tu tập và quán chiếu về giáo lý "Duy Tâm Sỡ Hiện" và "Vạn Pháp Duy Thức" mới có được cái tuệ giác nhìn "chúng sanh và vạn pháp" chỉ là giả tướng, chỉ là "hoa đốm hư không".

Trở về Mục Lục