Công Trình Kiến Tạo 
 
TỔ  ÐÌNH  VĨNH  NGHIÊM

Ghi chép Tóm lược của Trưởng Chính Tiến Nguyễn Ðức Long

 Vào thập niên 1960, Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại Miền Nam họp Ðại Hội và chấp thuận ủy nhiệm cho Tổng Thư Ký được toàn quyền tìm chọn một thửa đất, để kiến tạo một Trụ sở của Giáo Hội, vừa là một Tổ Ðình của toàn thể Tăng Ni và Phật tử Bắc Việt hiện đang sinh sống tại miền Nam Việt Nam.

Ðược sự ủy nhiệm ấy, tôi ngày đêm suy nghĩ không biết làm thế nào mà có thể thực hiện được một trọng trách quá to lớn mà Giáo Hội đã tin tưởng cùng giao phó, trong hoàn cảnh mà Giáo Hội không có đến một tấc đất và tài vật lực nào cả !

Tuy nhiên, trong một thời gian không lâu, văn phòng của Giáo Hội trụ sở đặt tại Chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản (nay là đường Ðiện Biên Phủ) nhận được một bức điện văn của hai vị du học Tăng từ Nhật Bản là Thượng Tọa Thích Tâm Giác và Thượng Tọa Thích Thanh Kiểm (gọi theo Hạ Lạp lúc bấy giờ) đã tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ Văn học Phật Pháp, và sẽ trở về nước trong một thời gian gần đây, ngày chính thức sẽ được thông báo sau.

Nhận được bức điện tín của hai vị đàn anh, mà từ lâu khi tôi xuất gia đã cùng học một Thầy là Tổ Tuệ Tạng. Trong thời Ðệ nhị Thế chiến, trường Phật học của chúng tôi đã phải thay đổi địa điểm luôn luôn : lúc thì ở chùa Quán Sứ Hà Nội, lúc thì  ở chùa Bồ Ðề Gia Lâm, hoặc chùa Cao Phong tỉnh Vĩnh Phúc Yên... Tôi đã quý mến hai vị, đáp lại hai vị cũng rất thương mến tôi. Do vậy, mà khi nhận được tin này tôi vô cùng vui mừng, giữa lúc đang trăn trở lo nghĩ về trọng trách kể trên, nay gặp hai vị đàn anh trở về nước biết đâu cũng sẽ là một duyên lành đối với công cuộc kiến tạo này.

Bắt nguồn từ ý nghĩ đó, tôi nảy sinh một ý có liên quan đến công cuộc kiến tạo này và cũng là một thuận duyên, lúc ấy tôi được cái may mắn là toàn thể quí vị Tăng Ni và Phật tử xa gần trong Giáo Hội đều quí mến và tin tưởng, nay lại gặp hai vị  sẵn có một trình độ cao học và đức độ như vậy, nếu được hai vị cùng đồng lao cộng tác, thì lo gì mà không thể thực hiện được cái trọng trách kể trên mà Giáo Hội đã giao phó, vả lại trước đây khi còn ở trong nước chưa đi du học thì  hai vị cũng đã từng được rất nhiều quí Tăng, Ni và Phật tử quí mến cùng ngưỡng mộ, thì  quả là một thuận duyên không nhỏ đối  công cuộc kiến tạo ấy.

Ðể thực hiện đối với những thuận duyên kể trên, tôi liền gửi văn thư triệu tập đại hội Giáo Hội để thảo luận về việc tổ chức đón tiếp hai vị khi trở về nước.  Ðại hội chấp nhận và ủy quyền cho tôi được toàn quyền đứng ra tổ chức cuộc đón tiếp này sao cho được trọng thể.

Khi đã được Giáo Hội ủy thác, tôi liền điện thoại tới Ðại Ðức Thích Thiền Ðịnh Tổng Thư Ký Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, trụ sở đặt tại chùa Ấn Quang  đường Sư Vạn Hạnh  Sàigòn (nay là Thành Phố Hồ Chí Minh).

Ðạo hữu Chánh Trí Mai Thọ Truyền Hội Trưởng Hội Phật Học NamViệt, trụ sở tại chùa Xá Lợi đường Bà Huyện Thanh Quan.

Ðạo hữu Giáo Sư  Nguyễn Ngọc Quỳnh Tổng thư ký Hội Việt Nam Phật Giáo Bắc Việt tại miền Nam, chùa Phước Hòa đường Phan Ðình Phùng (Nguyễn Ðình Chiểu).

Ðạo hữu An Pha Na Hội Trưởng Hội Dược Sư Phật tử ở xóm Gà Gia Ðịnh.

Cùng một số các Gia Ðình Phật Tử thuộc Giáo Hội... cùng tham gia vào ban Tổ chức.

Rất may mắn là các tập đoàn Phật Giáo kể trên đều hoan hỷ nhận lời mời cùng tham gia vào Ban Tổ chức đón tiếp hai vị Thượng Tọa khi về nước, và cùng bầu Tổ chức cuộc đón tiếp này.

Khi hai vị trở về nước, đến bến cảng Sàigòn, cuộc đón tiếp đã được diễn ra trong không khí  hết sức trang nghiêm và trọng thể của đông đảo Phật tử : Bắt đầu từ bến Cảng Sàigòn hàng trăm chiếc xe hơi lớn nhỏ nối đuôi nhau, trên mỗi chiếc xe có cắm cờ Phật Giáo thế giới 5 mầu rực rỡ diễn hành ngang qua các đại lộ của thành phố Sàigòn, với sự hân hoan hiện rõ trên nét mặt mọi người lúc vẫy chào nồng nhiệt khi được chiêm ngưỡng hai vị trên chiếc xe hơi mui trần trên đường hướng về chùa Giác Minh nơi trụ sở của Giáo Hội.

Cuộc đón tiếp này đã được hoàn thành mỹ mãn và đã gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp và vinh dự cho toàn thể Tăng Ni và Phật tử, cho Giáo Hội nói riêng và các tập đoàn Phật Giáo nói chung.

Sau thời gian này, hai vị đã được các tập đoàn Phật Giáo, quý vị Trụ Trì  ở các tự viện đón rước đến diễn giảng về Phật Pháp và được mọi người Phật tử xuất gia cũng như tại gia ca tụng và hoan nghênh nhiệt liệt.

Nhận thấy cơ  duyên đã đến, tôi liền gửi văn thư triệu tập Ðại Hội của Giáo Hội để bầu Ban Kiến thiết Trụ sở và Tổ Ðình của Giáo Hội. Tại Ðại Hội này sau khi thảo luận, đã bầu Ban Kiến Thiết gồm những vị có tên dưới đây:

Trưởng ban Kiến thiết:             Thượng Tọa Thích Tâm Giác
Phó ban kiêm Thủ Quỹ:            Thượng Tọa Thích Thanh Kiểm
Tổng Thư Ký:                          Chính Tiến Nguyễn Ðức Long.

Thế là cả ba huynh đệ chúng tôi bắt tay vào công việc, lúc đó các đạo hữu Phật tử thân cận thường gọi bộ ba chúng tôi là "ba ông Tướng Sĩ Tượng ấy".

Ðại hội cũng cho phép Ban Kiến thiết được mời thêm những vị có khả năng về chuyên môn cũng như tài chính... để kiến tạo công trình kể trên cho Giáo Hội.

Sau khi Ban Kiến thiết được thành lập, tôi liền đích thân thỉnh hai vị Thượng Tọa đi thăm ngoại giao một số các Phật tử có tâm huyết đối với Giáo Hội, và đã hướng dẫn cùng giới thiệu hai vị với những vị Phật tử rất có khả năng về mọi mặt, và đặc biệt là phần tài chính kiến thiết là điều không thể thiếu được. Ba chúng tôi đến đâu cũng đều được các vị ấy đón tiếp rất thắm thiết và nồng nhiệt, ai cũng rất ước mong là Phật tử miền Bắc đang sinh sống ở miền Nam có được một ngôi Tổ đình càng sớm càng tốt, và hứa sẽ sẵn sàng đóng góp công sức cũng như tiền tài cho việc kiến tạo này.

Ðể xúc tiến công cuộc kiến tạo này, vào một buổi sáng nọ, tôi có đến nhà riêng của Ðạo hữu Trương Ðức Âm ở Sàigòn với một ý định trước tiên là phải mời cho được Ðạo hữu này, vì  Ðạo hữu là người rất có đạo tâm lại rất quý mến tôi, có nhiều bè bạn, có khả năng về mặt kiến trúc, tài chính v.v...

Gặp Ðạo hữu Ðức Âm tôi trao đổi ngay về công việc kiến tạo kể trên và mời vào ban Kiến thiết. Qua sự trình bày của tôi, Ðạo hữu Ðức Âm rất thích thú và có ý kiến mời thêm bạn của Ðạo hữu, là Ðạo hữu Nguyễn Ðức Lan ở đường Công Lý (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cùng tham gia vào Ban Kiến Thiết.

Khi hai chúng tôi đến gặp Ðạo hữu Nguyễn Ðức Lan, cả ba chúng tôi đều trao đổi với nhau rất là tâm đắc và được Ðạo hữu Ðức Lan cũng nhận lời mời của tôi ngay.

Khi tôi và Ðạo hữu Ðức Âm ra về, ngang qua cầu Công Lý (bây giờ là cầu Nguyễn Văn Trổi), thấy bên cạnh Ðại lộ có một cái hồ rau muống rất rộng, khi hái rau người ta phải dùng xuồng mới hái được, có lẽ nước ở đây rất sâu, Ðạo hữu Ðức Âm có mời tôi xuống xe để chỉ cho tôi cái hồ rau muống này, rồi nói : "Ðây là một thửa đất rất rộng lại là cửa ngõ đại lộ Quốc tế vào thành phố Sàigòn. Nếu xin hay mua được thửa đất này mà kiến tạo Trụ sở và Tổ đình cho Giáo Hội thì hay biết mấy".

Nghe qua sự trình bầy thao thao bất tuyệt của Ðạo hữu Ðức Âm, tôi có nói đùa với Ðạo hữu rằng : "Công việc này đối với tôi cũng như Ban Kiến Thiết thực chẳng khác nào Bà Nữ Oa đội đá vá trời !" Ðạo hữu Ðức Âm cũng trả lời tôi mang tính cách khôi hài : "Bà Nữ Oa không đội được mà mình đội được mới hay chứ" Tôi cũng đáp lại với Ðạo hữu Ðức Âm : "Vậy mình hãy cố gắng cùng đội Ðạo hữu nhé !" Cả hai chúng tôi cùng cười. Nhưng có ai ngờ rằng sau này tưởng như giấc mơ mà lại trở thành một sự thật : Tất cả chúng tôi có trách nhiệm đều đã đội được đấy, như hiện nay tất cả quý vị đều đã thấy mà không phải là một giấc mơ nữa !

Trở về Trụ sở của Giáo Hội, tôi có đem việc này ra bàn với hai vị Thương Tọa Tâm Giác và Thanh Kiểm, cả hai vị đều rất hoan hỷ và đồng ý tìm cách nào có thể thực hiện được càng sớm càng tốt.

Ðược sự đồng ý của hai vị, tôi liền gọi điện thoại báo cho Ðạo hữu Ðức Âm biết về sự đồng ý của Trưởng và Phó Ban, nên Ðạo hữu rất vui mừng vì  việc này do chính Ðạo hữu phát khởi đầu tiên, và có trao đổi ý kiến với tôi : Làm sao có thể tìm ra nguồn gốc sở hữu chủ của bất động sản này ? Tôi có hứa với Ðạo hữu là việc này đối với tôi thực không phải là không làm được, sẽ tìm mọi cách để tìm cho ra sở hữu chủ của bất động sản này.

Trước tiên là tôi tìm đến Tổng Nha Ðiền Ðịa ở đường Hai Bà Trưng, Sàigòn, và trao đổi ý kiến của tôi với các vị có thẩm quyền, xin giúp đỡ cho tôi tìm sở hữu chủ của bất động sản này, rất may mắn là có chị Ðoàn Thị Kim Cúc, một nữ Huynh Trưởng của Gia Ðình Phật Tử Giác Minh tùng sự tại đây, chị Kim Cúc giới thiệu tôi với các vị có thẩm quyền tại Tổng Nha, giúp tìm ra nguồn gốc của bất động sản này. Với sự tận tình giúp đỡ của các vị chuyên viên, thế là tôi đã được biết rõ sở hữu chủ của bất động sản này là : Công sản của Quốc Gia do Bộ Giao Thông Công Chánh quản trị.

Khi hiểu rõ nguồn gốc rồi, tôi liền thảo văn thư đề nghị với Thượng Tọa Trưởng Ban Thích Tâm Giác với tư cách là Trưởng ban Kiến Thiết đại diện cho Giáo Hội, đứng ra xin được sử dụng thửa đất này để kiến tạo Trụ sở và Tổ Ðình Giáo Hội.

Việc xin sử dụng thửa đất này phải chờ đợi thời gian khá lâu tôi mới nhận được công văn của Bộ Giao thông Công Chính phúc đáp cho biết : "Thửa đất này là công sản của Quốc Gia, không thể chuyển cấp hay sang nhượng cho quí Giáo Hội được mà chỉ có thể tạm thời cho Giáo Hội thuê mướn một thời gian là 99 năm với một số tiền tượng trưng..."

Nhận được công văn này, tôi liền thảo văn thư đề nghị với Thượng Tọa Trưởng Ban đại diện Giáo Hội ký xin thuê mướn thửa đất này đúng theo thời hạn và quy định kể  trên của Bộ Giao Thông Công Chính .

Trong khi Bộ này chưa kịp phúc đáp thì gặp phải pháp nạn nên phải chờ đợi  khá lâu mới được chấp thuận.

Sau khi được chấp thuận rồi, tôi liền thảo văn thư triệu tập Ban Kiến Thiết, Ban Hưng Công (Ban này được thành lập sau Ban Kiến Thiết do Ðạo hữu Nguyễn Ðức Lan làm Trưởng Ban cùng một số các thành viên khác khoảng 20 người)  để thảo luận về việc san lấp mặt bằng hồ rau muống này, đặng làm nền móng cho tổng thể kiến trúc Trụ Sở và Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm.

Ðạo hữu Ðức Lan có đề nghị dùng máy xáng để lấy đất từ lòng sông lạch bên cạnh để đổ lên làm nền móng, nhưng sau đó không thực hiện được, nên phải dùng các loại xe tải chở đất từ Biên Hòa - kể hàng trăm ngàn thước khối đất - mới lấp bằng được hồ rau muống thành mặt bằng, làm nền móng cho việc kiến trúc Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm ngày nay.

Song song với công việc đổ đất, tôi có nghĩ đến việc phác họa Ðồ án tổng thể Chùa, Tháp v.v... để kiến thiết.

Công việc trước tiên là tôi tìm gặp Ðạo hữu Nguyễn Ngọc Thúy, Tổng Thư Ký Bộ Quốc Gia Giáo Dục để nhờ Ðạo hữu này giới thiệu giúp tôi với Giáo Sư  Nghiêm Thẩm Giám Ðốc Viện Khảo Cổ và Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Lăng cùng làm việc tại Viện này, để tôi có dịp được trao đổi ý kiến thiết lập đồ án tổng thể kiến trúc Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm của Giáo Hội.

Sau khi tôi trình bày tổng quát về kiến trúc theo sự mong muốn của Giáo Hội là kiến trúc một cách hài hòa với sắc thái tồn cổ dụng kim để cho việc kiến trúc được tiện dụng thích hợp với thời đại hiện nay.

Qua sự trình bày của tôi, Giáo sư Nghiêm Thẩm và Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Lăng rất tâm đắc với tôi, và nói đùa là chắc Thày có học về kiến trúc mới phát biểu được như vậy ? Tôi có trả lời là tôi không hề được học về ngành này, mà chỉ do sáng kiến của chúng tôi mà thôi. Và tôi có ngỏ lời xin hai vị giúp đỡ cho Giáo Hội về mặt thiết kế Ðồ án tổng thể cho Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm mà chúng tôi vừa trình bày, và được nhận lời ngay. Kiến Trúc Sư Nguyễn Bá Lăng còn nói ông rất vui mừng là cuộc đời của ông lại có cái may mắn được thực hiện công việc này đối với Giáo Hội.

Việc thiết lập đồ án và mô hình Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm hiện nay còn đặt tại chính điện của Tổ Ðình để cho đồng bào Phật tử thập phương đến tham quan chiêm ngưỡng. Kể cũng cần phải nhắc lại là ngoài Giáo Sư Nghiêm Thẩm Giám Ðốc Viện Khảo Cổ Sàigòn ra, còn có Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ cũng được Ban Kiến Thiết mời làm tư vấn cho trong công cuộc kiến tạo này.

Với đồ án này, sau khi thực hiện cũng có nhiều chỗ thay đổi không đúng với đồ án đã thiết lập là một sự rất đáng tiếc kể cả tượng Phật Thích Ca và hai vị Bồ Tát Văn Thù và Phổ Hiền cần phải được phục chế lại cho tương xứng với cảnh quan của Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm, đã được nổi tiếng là một ngôi chùa với những nét đẹp cổ kim hài hòa, rất sinh động như các báo chí văn hóa trong nước đã ca tụng, và là một trong những trung tâm du lịch của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay .

Nói tóm lại, công cuộc kiến tạo Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm đã trải qua một thời gian khá lâu, kể từ thời Cụ  Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu khởi sự đặt viên đá đầu tiên vào năm 1964, cho đến năm 1970 mới chỉ làm xong được một ngôi chính điện, một bảo tháp bẩy tầng và một bảo tháp để đại hồng chung, đại hồng chung này do Hội Phật Giáo Nhật Bản cung tiến, còn Tăng xá vẫn chưa làm được như đúng mô hình đã thiết kế. Sau này có làm thêm được một dãy nhà ở bên cạnh chính điện nhưng rất tiếc lại không được hài hòa với Tổng thể kiến trúc như đã được thiết lập.

Với công cuộc kiến tạo Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm được như ngày nay cũng là  nhờ sự gia hộ của Tam Bảo, quí vị Tôn Ðức Tăng Ni Giáo Hội và đồng bào Phật tử thập phương mà huynh đệ chúng tôi đã hoàn thành được mục đích mong muốn của Giáo Hội đã ủy thác.

Do sự thỉnh nguyện của một số một số lớn Huynh Trưởng trong Gia Ðình Phật Tử Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm như Ðạo Hữu Nhuận Pháp Tôn Thất Liệu, Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu cùng muốn có những dữ liệu chính xác để bản thân ôn lại lịch sử và truyền đạt cho các Ðoàn viên cội nguồn nơi sinh hoạt hàng tuần của các em.

Với ý nguyện tốt đẹp ấy, tôi tóm tắt ghi lại đây sơ lược diễn tiến của công cuộc kiến tạo này nhân dịp kỷ niệm 30 năm (1964 - 1994) hưng công kiến tạo Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm, tôi là Trưởng Ban

Phật lịch 2538 mùa Phật Ðản năm Giáp Tuất 1994
Chính Tiến Nguyễn Ðức Long

Trở về Mục Lục