Việt Nam: Cơn Sốt Phật Giáo

 Phạm Trần

 Hoa Thịnh Ðốn.- Ðảng và Nhà nước Cộng sản Việt Nam đang vất vả đối phó với trận bão Phật giáo tấn công bất ngờ trước Tết Nguyên Ðán Giáp Thân , sau khi Tăng thống Thích Huyền Quang, bất chấp ngăn cấm, làm sống lại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) sau 25 năm bị bức tử. Việc này diễn ra có lớp lang từ Chính phủ tới tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) của Nhà nước thành lập từ năm 1981.

Cuộc phản công đặt trọng tâm bác bỏ hai Quyết nghị của Hạ viện Hoa Kỳ ngày 19-11-2003 và của Nghị viện châu Âu châu ngày 20-11-2003 lên án Chính phủ Cộng sản Việt Nam vi phạm quyền tự do tôn giáo và đàn áp, khống chế một số Nhà Lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiên Chúa giáo, Tin lành và Phật giáo Hòa Hảo.

Ngôn ngữ biện minh của phía Chính phủ và GHPGVN gần giống nhau, chỉ khác ở điểm quan trọng là "có hay không sự tham gia vào GHPGVN của Cố Ðức Tăng Thống Thích Ðôn Hậu năm 1981?" Phía Nhà nước, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho rằng cả hai bản Nghị quyết đều "sai trái, can thiệp vào nội bộ của Việt nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam." Dũng lập lại điều đã nói đi nói lại nhiều lần trước đây rằng: "Ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân được quy định rõ trong Hiến pháp và được đảm bảo trên thực tế." Nhưng đối với 409 Dân Biểu Hạ viện Mỹ và tất cả 626 Dân Biểu của Nghị viện châu Âu thì thực tế không phải như vậỵ Họ đã nhìn vấn đề có tự do tôn giáo hay không ở Việt Nam bằng con mắt nhân quyền và nhân bản, trong khi Nhà nước Việt Nam và các Nhà Lãnh đạo GHPGVN lại quan niệm quyền này chỉ dành cho những ai chịu tuân hành theo Nhà nước và đồng ý biến tổ chức Tôn giáo thành một Ðoàn thể Chính trị và Xã hội đặt dưới quyền chỉ huy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ðảng lập ra.

Nghị quyết của Hạ viện Mỹ, ngược lại đã nhìn nhận vai trò lãnh đạo GHPGVNTN của Tăng thống Huyền Quang và Hòa thượng Quảng Ðộ. Họ đã lên tiếng :"Khuyến cáo Chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền của các tổ chức tôn giáo độc lập được hội họp, thờ cúng, hoạt động, và thực hành niềm tin của họ phù hợp theo bản Hiến pháp của Việt Nam cũng như các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết."

Bản Nghị quyết cũng đòi Chính phủ Việt Nam phải: "Trả tự do cho tất cả những công dân bị cầm tù hay quản chế vì đã thực hành tín ngưỡng hay vì phát biểu công khai ủng hộ tự do tôn giáo...Khuyến cáo Quốc hội thông qua, và Tổng thống ký ban hành Ðạo luật Nhân quyền để phát triển tự do và dân chủ tại Việt Nam...."

Những điều khoản về Nhân quyền đã được Hạ viện chấp thuận mấy tháng trước đây nằm chung trong Dự Luật HR1950 quy định việc chi tiêu đối ngoại của Bộ Ngoại giao Mỹ. Dự luật này đang chờ Thượng viện biểu quyết nên chưa thể biết số phận ra sao. Tuy nhiên, Việt Nam - từ 5 tháng qua - đã không ngừng kết án những Dân biểu Mỹ đệ nạp các điều khoản về Nhân quyền như cố tình xen lấn vào nội bộ của Việt Nam. Hà Nội đe dọa rằng, nếu được Thượng viện chấp thuận, việc này sẽ có tác hại nghiêm trọng đến liên lạc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trước đây Dự luật tương tự đã không được đem ra thảo luận khi Ðảng Dân chủ nắm đa số tại Thượng viện nhưng nay quyền đa số thuộc về phe Cộng hòa. Ðiểm khác quan trọng với Dự luật trước là lần này, khoản về Nhân quyền Việt Nam không đứng riêng như một Dự luật độc lập mà được Hạ viện nhập chung vào các điều khoản khác của Luật Ngân sách của Bộ Ngoại giao nên không thể tách riêng ra. Tuy nhiên Thượng viện có quyền không thảo luận hay đưa ra một Dự Luật chi tiêu đối ngoại không có khoản về Nhân quyền Việt Nam. Trong trường hợp này, sự quyết định sau cùng thuộc về liên Ủy ban của hai Viện Quốc hội khi hai bên thương thuyết để đi đến kết luận chung cuộc cho Dự luật.

Ðằng nào, thua hay thắng, Hà Nội cũng chưa thể ăn ngon ngủ yên chừng nào Dự luật chưa có kết quả cuối cùng.

Trong khi đó Nghị quyết của Nghị viện châu Âu cũng tập trung lên án hành động đàn áp Tôn giáo của đảng CSVN nhắm vào GHPGVNTN, những người Thiên chúa giáo miền núi (miền Bắc và Cao nguyên miền Nam), Phật giáo Hòa Hảo v.v.... Các Nghị viên còn : "Yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do tức khắc cho mọi công dân Việt Nam đang bị cầm tù vì lý do tín ngưỡng , thực hành tôn giáo hay chỉ vì thiết tha với tự do tôn giáo, và tiên khởi là trả tự do cho Hòa thượng Thích Huyền Quang, Tăng thống GHPGVNTN, cũng người phụ tá của ngài là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ...."

Bản Nghị quyết , được cả 626 Nghị viên đồng ý còn kêu gọi "Nhà cầm quyền Việt Nam tôn trọng tự do tôn giáo của tất cả các đoàn thể tôn giáo và bảo đảm cho mọi người Việt Nam được quyền thực hành tôn giáo mà họ chọn lựa, kể cả quyền tự do cúng lễ hay hội họp, và yêu cầu thiết lập một hệ thống pháp lý độc lập với quyền lực chính trị..."

PHẢN ỨNG

Ngoài Bộ Ngoại giao Việt Nam , phản ứng về hai bản Nghị quyết cũng đã đến từ phía Quốc hội Cộng sản Việt Nam. Với lời lẽ gay gắt buộc tội, tuyên bố hôm 25-11-2003 của cơ quan này viết :"Các Nghị quyết nói trên xuyên tạc chính sách và thực tiễn về tự do tôn giáo ở Việt Nam dựa trên những thông tin sai lệch do một số phần tử cực đoan lợi dụng chiêu bài tôn giáo vì mục đích chính trị, bóp méo lịch sử hình thành của Giáo hội Phật giáo Việt nam sau khi đất nước được thống nhất. Cái gọi là "Giáo hội Phật giáo Việt Nam

thống nhất" hiện nay chỉ là tập hợp của một nhóm người nuôi dưỡng những động cơ chính trị chống lại lợi ích dân tộc và thể hiện tham vọng cá nhân. Họ ngang nhiên vi phạm pháp luật hòng gây đối đầu, chia rẽ tín đồ Phật giáo và do đó những người này hoàn toàn bị cô lập trong lòng cộng đồng Phật giáo và cộng đồng dân tộc Việt Nam..."

Về phía Giáo hội Nhà nước, họ đã cử các Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Ðệ nhất Phó Pháp chủ; Hòa thượng Thích Chơn Thiện, Ðại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban giáo dục tăng ni

Trung ương; Hòa thượng Thích Như Niệm, Chùa Pháp Hoa ở Sài Gòn; Hòa thượng Thích Trí Quảng, Tổng Biên tập báo Giác Ngộ hợp tác với Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Ðại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN lên tiếng bênh vực cho lập trường của Nhà nước và lên án Hạ viện Mỹ và Nghị viện châu Âu đã xen vào nội bộ Việt Nam và "vu khống" Chính phủ Việt Nam và GHPGVN.

HÒA THƯƠNG TUỆ SỸ

Trước lập luận của Nhà nước CSVN và một số Lãnh đạo Phật giáo theo Nhà nước cho rằng vấn đề Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng là "Vấn đề nội bộ của Việt Nam", Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN và cũng là một Học giả uyên bác nổi tiếng trong Thế giới Phật học đã lên tiếng trong Thông Bạch ngày 22-11-2003: "Phật giáo Việt Nam có bản sắc riêng, nhưng không thể nói hoàn toàn khác biệt với Phật giáo tại các nước khác. Do ảnh hưởng hỗ tương về mọi mặt, kể cả mặt tổ chức, nên Phật giáo Việt Nam không thể tự tách mình biệt lập với Phật giáo như một tôn giáo toàn cầu. Có những sắc thái đặc thù của mổi dân tộc, nhưng không thể phủ nhận tính

phổ quát. Với nhận thức như vậy, vấn đề Phật giáo, Việt Nam hay không phải Việt Nam, đều không hoàn toàn là công việc nội bộ của một nước.... Trong lịch sử chính trị chưa có chế độ chính trị nào tồn tại vĩnh viễn...Trong trường hợp như vậy Phật giáo vẫn tồn tại. Ðó là sự thực lịch sử. Cho nên, không một chế độ nào có thể buộc chặt Phật giáo vào sinh mệnh tồn tại của mình, để rồi khi nó sụp đổ, kéo theo cả sự cụp đổ của Phật giáọ.."

"....Chính vì Phật giáo, trong bản chất, không thể là một bộ phận của Ðảng CS Việt Nam, nên vấn đề Phật giáo không phải là vấn đề nội bộ của nước Việt Nam mà người làm chủ

duy nhất hiện tại là Ðảng Cộng sản Việt Nam.."

Nói về sự hợp tác với Nhà nước của một số Nhà tu hành Phật giáo, Hòa thượng Tuệ Sỹ viết: " Một vài vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam do không thấy điều này, mà là lời hiển nhiên trong lời dạy của Phật, "cái gì có sinh thì có diệt", hoặc thấy biết nhưng không thể làm khác đi được vì nhiều lý do, hoặc có vị cũng thấy biết nhưng, để cho quyền lợi vật chất chi phối, sẵn sàng tuân theo ý chí của Ðảng, bằng bất cứ giá nào phải đưa toàn bộ Phật giáo Việt Nam vào làm một bộ phận chính trị quần chúng của Ðảng để bảo vệ sự tồn tại lâu dài của Ðảng. Như thế, thịnh suy của Ðảng, thậm chí cả đến sự trong sạch hay thoái hóa của Ðảng, cũng kéo theo số phận của Phật giáo Việt Nam..."

"Có thể có một số sư tăng hay Phật tử chấp nhận lý tưởng xã hội chủ nghĩa, cho rằng chỉ có thể đem lại hạnh phúc cho xã hội loài người khi mà xã hội chủ nghĩa được xây dựng thành công, trong đó không có giai cấp bóc lột và do đó tôn giáo cũng không còn chức năng lịch sử nữa, nghĩa là không còn tồn tại."

"Các tăng sư và Phật tử ấy", Hòa thượng Tuệ Sỹ viết tiếp,"có quyền tự do, và chắc chắn Phật cũng không cấm, họp nhau lại thành lập một giáo hội rồi tự nguyện phó thác sinh mạng của giáo hội ấy trong tay các đảng viên công sản, những chiến sỹ xung kích xây dựng chủ nghĩa xã hội, đãu tranh cho một xã hội không giai cấp và không tôn giáọ MọI hình thái tổ chức và sinh hoạt của Giáo hội ấy hoàn toàn tùy thuộc vào sự chỉ đạo của Ðảng Cộng sản..."

HÒA THƯƠNG THÍCH ÐÔN HẬU

Thật vậy, sự chỉ đạo này đã thể hiện qua việc tự ý "nhét lửa vào tay người tu hành" của những Nhà Lãnh đạo Giáo hội Nhà nước đối với Cố Tăng Thống Ðệ Tam của GHPGVNTN, Hòa thượng Thích Ðôn Hậu.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ được báo Quân đội Nhân dân trích dẫn: "Tôi xin thưa với các vị là sau khi đã thống nhất Phật giáo trong cả nước thành một tổ chức, những người đứng đầu tổ chức của Giáo hội Việt Nam này cũng đã đều nhất trí như tôi vừa nói lúc trước là Hòa thượng Thích Trí Thủ, là Chủ tịch của Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Việt Nam, cũng là người đứng đầu của Giáo hội Việt nam thống nhất (Ấn Quang) đã đồng ý để hòa nhập vào trong một ngôi nhà lớn; hay việc Hòa thượng Ðôn Hậu cũng là một cao tăng ở trong giáo hội Việt Nam, cũng nhất trí đứng vào trong tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam...."

Cũng trích lời Hòa thượng Thanh Tứ, Thông Tấn Xã Việt Nam viết ngày 21-11-2003: "Trong Ðại hội thống nhất này (7-11-1981), Hòa Thượng Thích Ðôn Hậu, lãnh đạo cao cấp của GHPGVNTN được các đại biểu suy tôn ngôi Phó Pháp Chủ (Hội đồng Chứng minh) ...." (Chú thích: Chức Pháp chủ do Hòa thượng Thích Ðức Nhuận của miền Bắc đảm nhận. Cố Hòa thượng Thích Ðức Nhuận, cũng người miền Bắc, Chánh Thư ký Viện Tăng thống của Giáo hội PGVN thống nhất (Ấn Quang) không liên hệ gì đến việc nàỵ Thầy Ðức Nhuận này trụ trì ở Chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn đã bị Cộng sản bắt bỏ tù nhiều lần từ sau biến cố 1981.)

Ðến lượt Hòa thượng Thích Chơn Thiện, tên thật là Nguyễn Hội, 62 tuổi, Ðại biểu Quốc hội của đơn vị Huế-Hương Thủy cũng đã nói về trường hợp Hòa thượng Ðôn Hậu khi Hòa thượng trả lời độc giả Jimmy Tran Nam qua mạng lưới VienamNet ngày 26-11-2003: "Trường đoàn GHPGVNTN thời ấy là Hòa thượng Thích Thiện Siêu, một bậc thạc đức ở Huế. Những vị lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước 1975 như Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, Hòa thượng Thích Minh Hiển, Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Hòa thượng Thích Minh Châu và nhiều bậc tôn túc khác đã tham dự hội nghị thống nhất nàỵ.."

Nhưng trong thư đề ngày 24-11-1981 gửi đi từ Chùa Linh Mụ (Huế) cho Hòa thượng Thích Trí Thủ, Hòa thượng Ðôn Hậu đã phủ nhận sự tham dự Ðại hội cũng như vai trò được Ban vận động "gán cho".

Ngài viết: "Như Hòa thượng đã biết, từ mùa xuân năm 1980, khi Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam ra đời, tuy quí vị có ghi tên tôi vào Ban vận động, với danh nghĩa cố vấn, nhưng tôi đã không có sự cộng tác gì với Ban vận động cả, kể cả cuộc Ðại hội thống nhất Phật giáo Việt Nam vừa qua tôi đã vắng mặt. Thế nhưng, qua báo chí và các văn kiện Ðại hội phổ biến, lại thấy có tên tôi trong Ban Thường trực Hội đồng chứng minh với chức vụ Phó Pháp chủ kiêm Giám luật."

"Tôi xin chân thành cảm ơn Hòa thượng và Ðại hội đã dành cho tôi vinh dự đó. Tuy nhiên vì lý do sức khỏe nên tôi không thể đảm nhận thêm chức vụ này được nữa, trong khi tôi vẫn còn một trách nhiệm lớn đối với Giáo hô#Ậi Phật giáo Việt Nam thống nhất trong cương vị Chánh thư ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống."

"Do đó, nay tôi viết thư này kính tin Hòa thượng rõ, và nhờ Hòa thượng hoan hỷ chuyển đạt tinh thần bức thư này đến quý vị trong Ðoàn Chủ tịch cuộc Ðại hội vừa qua." (Tài liệu Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Paris)

Sau đó gần một năm , trong bức thư thứ hai đề ngày 8-1982 gửi thẳng cho Hòa thượng Thích Ðức Nhuận, Pháp chủ GHPGVN của Nhà nước, Hòa thượng Ðôn Hậu một lần nữa đã phủ nhận sự có mặt tại Ðại hội và khước từ mọi chức vụ mà Ban tổ chức đã tự ý ghi vào.

Thư có đoạn viết: "Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn lòng thạnh tình của Hòa thượng đối với tôi, đồng thời tôi rất lấy làm vinh dự và tri ân quý Hòa thượng đã dành cho tôi một chức vụ quan trọng như thế. Nhưng thưa Hòa thượng, như Hòa thượng đã biết, vào đầu mùa xuân năm 1980, cũng chính là lúc tôi đang nằm điều trị ở bệnh viện Thống Nhất này, thì hay tin Ban vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam được thành lập, trong đó tôi có tên với danh nghĩa cố vấn. Thế nhưng bệnh duyên chướng ngại, nên tôi đã không tham gia được một Phật sự nào đáng kể, ngay cả cuộc Hội nghị Ðại biểu vừa qua tôi cũng đã vắng mặt. Cho nên, tôi xét thấy mình tuổi đã già, sức đã yếu lại bệnh hoạn liên miên và mỗi ngày càng thêm trầm trọng. Do đó, tôi viết thư này để kính báo với Hòa thượng để Hòa thượng rõ là tôi không thể đảm nhận được chức vụ quan trọng "Phó Pháp chủ kiêm Giám luật" Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà hội nghị đã đề cử..." (Tài liệu Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Paris).

Như vậy, làn sóng "phẫn nộ" của Chính phủ Cộng sản Việt nam và những nỗ lực bênh vực Nhà nước của một số Hòa thượng Lãnh đạo Giáo hội PGVN, có nghĩa lý gì trước quan điểm phản bác vững vàng của Hòa thượng Tuệ Sỹ và bằng chứng phủ nhận của Cố Hòa thượng Tăng thống Thích Ðôn Hậu ?

Phạm Trần (11-2003)

From: THANHHUY@msn.com

Trở về Mục Lục