Cô út đi tu
tâm không
Cô Út cất nhà lá một căn, ở giữa cánh đồng hiu quạnh để tu, người ta không hiểu do cô bị tình duyên trắc trở hay vì tình cảnh của một cô gái lở thời đêm đêm lạnh lùng với gối chăn, nên cô dùng bộ áo nâu sòng che thân, đem tâm nương tựa vào đức Phật Tổ, hoặc cô đã sớm giác ngộ.
Căn nhà của cô Út nền đất, cột gỗ, mái lợp và xung quanh che bằng lá dừa nước, phía trước nhà có một cái sân nhỏ, được quét dọn sạch sẽ, giữa sân có một bàn thông thiên, bàn thông thiên nầy cô dùng một khúc gòn, một đầu chôn xuống đất, phần còn lại ngang tầm với vai người trung bình, trên ấy đặt một miếng gạch tàu, trên mặt gạch tàu đặt một lư hương bằng sành tráng men trắng, có vẽ nguệch ngoạt hoa lá màu xanh dương, sản phẩm của các lò chén ở Lái thiêu, lư hương cắm những cọng chân nhang đã phai màu đỏ, bên trái lư hương là bình hoa bằng thuỷ tinh, cắm những hoa điệp màu vàng chanh, phía trước lư hương có cái đĩa nhỏ bằng sành, trên đĩa đựng bốn chén chung nước, khúc cây gòn ấy vẫn còn sống, nên đâm ra mấy nhánh bợ miếng gạch tàu rồi vươn lên với lá xanh, trông có vẻ u tịch.
Xung quanh bàn thông thiên, cô trồng một bụi điệp ta, một bụi bông trang màu vàng, kế đó là những bụi bạc hà tươi tốt, bên ngoài cùng là những bụi xả và hai cây xoài cát, cô dọn cỏ và luôn quét tước sạch sẻ, giữ được sự tôn nghiêm nơi thờ phượng.
Mặt trước căn nhà về phía tay trái, có một cánh cửa ra vào đan bằng tre, ở giữ căn nhà có tấm vách ván tạp ngăn phần trước làm nơi thờ cúng, phần sau là chỗ ngủ nghỉ, thông nhau bằng một lối đi ở phía tay phải.
Bàn thờ là một cái bàn bằng gỏ, có bốn chân cao chừng một thước rưỡi, treo trên vách ngay chính giữa bàn thờ là một khung kính ngang bốn tấc, cao sáu tất, lộng ảnh in màu đức Phật Tổ đang ngồi thiền định dước gốc cây Bồ Ðề, ở chính giữa phía trước bàn thờ, đặt một lư hương to bằng hai gang tay, phía bên tay phải, gần sát vách cô đặt một bình hoa bằng thuỷ tinh cao chừng một gang tay rưỡi, bằng thuỷ tinh màu đỏ có hoa lá nổi không màu, cô Út thích cắm hoa sen, cô hái từ cái đầm cách nhà không xa, bên tay trái đối diện có một dĩa đặt trên chân gỗ cho cao thêm, trong dĩa thường chưng chuối để từ lúc còn xanh cho tới khi chín rục, hoặc đu đủ mới chín tới mỏ vịt cho tới khi chín vàng ngoài vỏ. Một khúc ống tre gai dùng để đựng nhang đặt cạnh bình hoa dựng sát vách, hai góc ngoài của bàn, ngang hàng với lư hương là hai chân đèn bằng gỗ cẩm lai, lâu ngày lên nước nâu sậm và vàng, trên chân đèn có hai cây đèn cầy đỏ đã cháy dở, còn lại một khúc ngắn lâu ngày chẳng dùng tới, giữa chân đèn và lư hương phía bình hoa còn có một cây đèn chong, cháy ngọn thấp leo lét suốt ngày đêm.
Ở dưới đất, sát với chân bàn phía trước trải một chiếc chiếu nhỏ, trên đó để một cái bàn thấp lè tè và nhỏ, trên mặt bàn đặt một quyển kinh chữ quốc ngữ, giấy ngã vàng, chữ mờ vì đọc đã nhiều lần, trên quyển kinh có một xâu chuổi lên nước bóng láng với 108 hột bồ đề, bên phải đặt cái chuông miệng hai gang tay, bên trái đặt một cái mõ bằng gỗ bình linh lớn tương xứng với chuông, nơi đây cô Út thường tụng kinh, lần tràng chuổi hạt vào những thời công phu.
Sau bàn thờ, một chiếc tủ đứng nhỏ đặt sát vách ván , kề bên là chiếc giường gỗ kê dọc theo vách hông nhà. Giữa lối đi và chiếc giường nằm còn có chiếc võng đan bằng vỏ cây bố, muốn đến giường nằm phải bước qua chiếc võng. Phía vách sau lại có một cái chòi làm nơi bếp núc.
Ðất chung quanh nhà là một miếng đất giồng, mỗi cạnh ước chừng trên năm mươi thước. Trên miếng đất nầy theo mùa cô Út trồng bí đỏ, dưa leo, cà tím, đậu đủa, cải bẹ xanh, bắp, cô cũng có mấy giàn mướp, bầu và khổ qua. Xung quanh miếng đất cô Út cho đào mương, lấy đất đấp thành vồng, trên vồng cô trồng mãn cầu Xiêm, dừa Xiêm, chuối Sứ, ổi, đu đủ nhờ vậy cô có rau cải để ăn, trái cây để chưng cúng Phật.
Thời giờ của cô Út là những buổi công phu sớm, trưa, chiều, tối. Sáng sớm vào lúc nông phu dẫn trâu bò ra đồng làm ruộng, cô Út cũng dậy dâng hương cúng Phật, cô thỉnh sáu tiếng chuông, lạy ba lạy ở bàn Phật, xong cô ra bàn thông thiên dâng hương rồi lạy bốn phương, mỗi phương bốn lạy, xong cô lại trở vào chỗ bàn Phật, ngồi kiết già hai tay lần chuổi hạt, miệng niệm sáu chữ Di Ðà, cô niệm Phật cho đến hừng đông mới dứt thời công phu, cô lại quét dọn chung quanh nhà rồi vào ăn một chén cơm nguội trước khi bắt đầu làm rẩy, có khi cô tưới nước, có khi cô vô phân, có khi cô làm sạch cỏ dại, làm như vậy cho tới giữa buổi, cô trở vào nhà lo nấu cơm cúng Phật.
Khi cơm đã chín, cô xới ra ba thố cơm nhỏ rồi đem để lên bàn Phật, cô dâng hương và tụng một thời kinh Phổ môn, sau đó ăn cơm với những thứ rau cải cô trồng, những thứ nào dư cô bán để mua dầu ăn, nước tương, đường, muối. Những lúc đầu mùa, cuối mùa cô cũng phải ăn cơm với muối xả, mùa nước ăn cơm với rau muống luộc, bông súng, bông điên điển mọc hoang ngoài ruộng.
Cơm trưa xong cô nằm nghỉ một lát rồi đi làm rẩy, sau đó cô đi thay nước cúng, bỏ hoa cũ thay hoa mới ở bàn Phật và bàn thông thiên rồi tụng một thời kinh A Di Ðà trước khi trời nhá nhem tối, như vậy cô không phải tốn dầu đèn.
Sau thời kinh, cô ăn cơm rồi đi nằm nghỉ một lát, chừng canh hai cô lại dậy dâng hương rồi vào trong mùng, ngồi niệm Phật để tránh bị muỗi đốt khi ở ngoài, niệm Phật xong cô mới đi ngủ.
Nơi đó vốn vắng vẻ, chòm xóm chẳng có ai ngồi lê đôi mách với cô, thỉnh thoảng mới có bà con tới thăm hay anh chị ruột mang tới cho cô ít gạo hay bánh trái, việc tu hành của cô nhờ đó cũng được thuận lợi.
Có người hỏi sao không vô chùa tu, cô giải thích:
- Hòa Thượng Quang Minh dạy : Vì chùa chưa có nhiều người phái nữ đi tu, cho nên cô phải cất cái am nầy để tu, ngài đã đặt cho nó cái tên là Thanh Tịnh Am.
Cô cũng chẳng đi đâu trừ khi có giỗ quảy cúng ở ngôi từ đường, hoặc ngày Tết ngày Rằm hay lễ lớn của Phật Giáo, cô đi lễ Phật ở chùa Quang Minh, nơi cô đã quy y với Hòa Thượng trụ trì, thỉnh thoảng cô cũng đến đó, làm công quả đôi ba ngày khi mùa màng rảnh rỗi.
Ngày lại qua ngày, tháng nọ đến năm kia, cô Út tu như vậy được vài năm thì cô bị bệnh, cô ho có máu, anh chị của cô phải đưa cô đi bệnh viện để chữa trị, cô phải nằm lại bệnh viện hơn một tháng, Bác sĩ cho về nhà nhưng cấm không cho cô ăn chay nữa, Bác Sĩ nói rằng ăn chay thiếu thịt, cá, thiếu chất bổ mới sanh bệnh, anh của cô rước về rồi giữ tại nhà mình, tiếp tục săn sóc thuốc men, cho ăn uống bổ dưỡng theo lời dạy của Bác sĩ. Cái am của cô thì mượn một người ở giữ dùm.
Bác sĩ nói ăn chay nên bệnh, cô không dám cải lại, nhưng cô hiểu người ăn chay kham khổ như cô mới bệnh, chớ ăn chay mà ăn uống đầy đủ sẽ khoẻ mạnh, nhiều vị Tăng ăn chay trường từ nhỏ về già vẫn mập mạp, người ăn mặn mà kham khổ thì cũng bệnh như cô mà thôi.
Người giữ cái am dùm cho cô Út là một người đàn ông, không rõ gốc gác, tên họ là chi, người ta chỉ gọi ông bằng biệt danh là Sáu Ong. Biệt danh ấy bởi ông là người ở miệt dưới, làm bạn cho một chiếc ghe thương hồ lên miệt trên buôn bán. Thuở đó, trên sông Tiền Giang, Hậu Giang hay các sông miệt dưới, nhiều chiếc ghe cột nối nhau làm thành cái đuôi dài thườn thượt, ở trước có một chiếc tàu kéo đoàn ghe, người trên ghe vẫn phải điều khiển bánh lái khi chạy qua những khúc sông quanh co, hôm đó ngồi trên mui ghe để bẻ lái, không rõ ông ta ngủ gục hay tay lái chưa kinh nghiệm, chiếc ghe bị tấp vào một cây Cà na có nhánh de ra sông, nhánh cây ấy lại có một ổ ong Vò vẻ, ghe chạm vào nó, bầy ong bị vỡ ổ, thế là chúng tủa ra tìm người mà chích, ông ta bị nhiều con ong bu lại tấn công, đau nhức quá ông ta phải nhảy xuống sông, lặn dưới nước mà trốn. Trong khi đó, chiếc tàu vẫn kéo ghe chạy, vô tình bỏ ông lại, khắp người bị đau nhức ông phải ráng lội vào bờ, người ta lo cứu chữa ông, đếm khắp thân thể có sáu vết ong chích, ông ta bị hành nóng lạnh, mình mẩy sưng lên khắp nơi, nhứt là cái mặt của ông, sưng to như mặt nạ của ông Ðịa, ông ta nằm rên hì hì, không ăn uống, ai hỏi chi cũng không trả lời được, người ta không biết ông ta tên chi, có người nhớ tới sáu vít ong chích, nên đặt cho biệt danh Sáu Ong từ đó. Có người nói :
- May quá ! Thằng cha nầy bị sáu vít, chớ bị thêm một vít nữa thành ”nam thất, nữ cữu” thì ngũm cù đèo rồi !
Lại có người khác phụ họa :
- Ong Vò vẻ làm ổ ở dưới hang, gọi là ông lỗ, trâu bò đi ăn vô tình bị nó chích cũng chết chớ đừng nói là người.
Sáu Ong từ ngày ở am của cô Út, không ai nghe ông nhắc tới cha mẹ còn mất, anh em làm gì, mà cũng chẳng nghe ông buồn nhắc tới chuyện trở về, hình như ông ta không có quê hương, không cần nhớ tới dĩ vãng, mà cũng chẳng biết đến tương lai. Ông ta cũng chẳng biết tu hành gì hết, mỗi ngày vào buổi chiều ông ta thay nước, thay hoa đốt và cắm lên lư hương mỗi nơi một cây nhang, ông ta làm theo lời dặn của anh cô Út, nhưng chẳng xá chẳng quỳ, chắc ông ta cũng chẳng có lòng tin nơi tôn giáo.
Ban đầu anh cô Út cung cấp gạo, muối, nước mắm cho Sáu Ong, lần lần ông ta đi làm thuê, làm mướn để mua gạo, mua thức ăn, ai gọi ông ta giã gạo, xay lúa, chèo ghe, đào đất, đốn cây việc nào ông ta cũng làm, họ trả công cho ông bằng gạo hay bằng tiền cũng được, nhờ đó ông ta sống qua ngày.
Nhà ai có đám cưới, đám hỏi, ma chay hay đám giổ, Sáu Ong đều đến giúp những công việc nặng nhọc như gánh nước, bửa củi, giã gạo, che rạp, dọn bàn, khiêng ghế việc nào ông cũng làm, ai cũng mến thương ông điểm nầy, đôi khi người ta bình phẩm lúc trà dư tửu hậu :
- Sáu Ong như thế mà cũng được, hắn vui vẻ giúp đỡ mọi người, tánh tình hiền từ như cục đất !
Một người khác cải lý :
- Coi vậy chớ cục đất ác lắm nghe, có khi đi vấp phải bị sứt móng chân chảy máu, có khi bị té lăn cù.
Lại có ý kiến của người khác :
- Người ta bảo tu hiền ! Mà hiền như Sáu Ong thì còn cần gì phải tu ?
Một người sành sỏi giải thích :
- Tu hiền đâu phải vậy nè ! Người ta muốn nói người tu phải ăn ở hiền lành, và tu tâm sữa tánh để thành Phật, chớ hiền như Sáu Ong mà không tu, thì chỉ thành cục đất ở ngoài nghĩa địa mà thôi.
Người ưa cải lý tiếp lời :
- Vậy để tôi làm cục đất cho mấy cha coi, sướng thấy mồ !
Người kia hỏi lại :
- Sướng cái nỗi gì ?
Anh ta trả lời :
- Cục đất có khi người ta nắn thành cái chưng nhang, cắm cây nhang lên đó, mình lạy sói trán chớ phải chơi đâu !
Mọi người cười xòa.
Thật ra Sáu Ong là người không biết chữ nhứt một , ông ta chẳng thông minh mà cũng chẳng ra người đần độn, tuổi tuy ngoài bốn mươi nhưng chẳng thấy ông chọc ghẹo đàn bà con gái, tánh khí ông hay nóng nảy cọc cằn đối với trẻ nhỏ chăn trâu, chăn bò ngoài đồng; cho nên chúng thường khuấy phá, chọc ghẹo, có khi chúng biết ông đang ngủ trưa bèn lấy đất ném vào nhà, gây thành tiếng động làm cho ông ta không ngủ được, có khi chúng thấy ông đi vắng, vào trong am lấy cơm, thức ăn ra, chúng ăn hết lại đem nồi niêu bỏ trên giường nằm của ông ta.
Bị phá giấc ngũ, Sáu Ong thường rượt bọn trẻ con, vừa rượt vừa nguyền rủa : “ -Bớ ông Tà ! Hãy bẻ tay, bẻ chân mấy thằng ôn dịch vật nầy dùm tôi cái ông tà!”
Bị bọn trẻ ăn hết cơm, trái cây hay phá phách đồ đạc lung tung trong nhà, ông thường nói: “ - Vái Bà Chúa Xứ ! Bà có linh thiêng xin bà hãy vặn họng, bẻ cổ mấy thằng phá phách nầy, Bà cho tôi bắt được chúng tôi cúng bà con gà”, vái van và chửi rủa như vậy nhưng ông ta chưa hề bắt được đứa nào, còn bọn chúng là mục đồng nào có biết sợ ông Tà. Với chúng, ông Tà chỉ là cục đá có quấn miếng vải đỏ, đặt trong cái miễu nhỏ lợp lá có lọ chao hay vỏ hộp lon, đựng đất để cắm nhang, thỉnh thoảng có người đốt nhang, cúng nãi chuối hay cái bánh, người cúng vừa đi khỏi là bọn chúng lấy chia nhau ăn hết.
Am của cô Út là nơi để tu, Sáu Ong ở đó chẳng biết tu hành, người ta thường nói : “ Phật tức tâm” hay “Phật tại tâm” . Sáu Ông chẳng phải là kẻ hung ác, ông ta chẳng đâm heo thuốc chó, nhưng con nít chọc ghẹo thì ông ta nổi tam bành lục tặc lên rồi nguyền rủa, lời lẻ độc địa, cho nên tâm ông ta đâu có Phật, tượng Phật mà cô Út thờ chỉ là tờ giấy có hình, cái am của cô Út chỉ là cái nhà bình thường để ông ta ở, có khi nó lại là địa ngục mỗi lần ông ta nổi khí xung thiên.
Theo cô Út, Sáu Ong đã làm biến chất cái am của cô, ngày còn ở đó, cô đã cho bọn trẻ khi trái chuối, lúc miếng đu đủ chín xẻ ba, xẻ tư, cho nên chúng nó mến cô. Những lúc rảnh rổi chúng còn theo cô xách nước tưới rau, cuốc đất lên vồng, tỉa bắp, tỉa đậu, đào lổ trồng cây, cô thương chúng như con cháu trong nhà, trái lại Sáu Ong xem bọn chúng như kẻ thù.
Cho nên mấy tháng sau khi lành bệnh, cô Út không trở lại am tranh của mình nữa. Người ta nghĩ, có lẽ cô lên vùng Thất sơn, vào một ngôi chùa nào đó để tu. Nhưng vài năm sau, có người đi Hà Tiên về cho biết, đã gặp cô xuống tóc làm cô Vãi, theo tu với một Ni sư và vài cô Vãi khác trong một ngôi chùa ngoài đó.
Mấy năm sau, không rõ ai cho cô biết, cô trở về để chịu tang khi Hòa Thượng Minh Quang viên tịch, người ta thấy cô mặc áo nhật bình màu lam, đầu đội khăn lam, cô có da có thịt hơn xưa, bên má phải lại có cả một vết thẹo to, tuy nó không làm cho gương mặt cô khó coi, nhưng nó cũng làm biến đổi đôi chút.
Ðến đêm cô Út về nhà người anh nghỉ, chị dâu cô mới hỏi :
- Cô Út à ! Cô đi tu ở chùa, vậy mà có gì khó lắm không ?
Cô Út có vẻ suy nghĩ một chút mới trả lời :
- Chị Ba à ! Tu thì không khó, nhưng có những cái nghiệp, những thử thách mới là khó.
- Khó như thế nào ? Cô Út nói thử cho chị nghe coi.
- Chẳng hạn đi tu thì ăn chay, em ăn chay đã bốn năm, cuộc chay lạt vẫn bình thường. Lần đó Ni sư có việc đi vắng, giao chùa cho em trông nom, bỗng nhiên em thèm ăn giò heo hầm măng, thèm đến nổi đêm còn nằm chiêm bao, thấy có người bưng cho một tô canh giò heo, sáng ra đang ngồi sàng gạo ở ngạch cửa. thấy một con heo hàng xóm đi ngang, thấy cái giò sau con heo ấy nõn nà lại thèm hơn, thèm thiếu đều muốn nhảy ra chụp lấy nó, cắn cái đùi ăn liền.
Người chị dâu bị kích thích vì điều bí mật bất ngờ nầy, nên chận lời cô Út, hỏi ngay :
- Rồi cô Út giải quyết làm sao ?
- Em chưa được ăn nên em càng thèm quá, em cũng chưa biết giải quyết ra sao hết, Ni sư lại lại đi vắng. Bỗng nhiên may quá ! Trưa hôm đó có một đoàn Sư khất thực đi ngang qua, em thỉnh vào chùa trình bày tự sự. Vị sư trưởng bảo đó là cái nghiệp của em, sư nhận ở lại tụng kinh giải nghiệp cho em ba đêm, từ đó em không còn thèm giò heo hay thịt cá gì nữa.
Chị dâu của cô Út muốn biết thêm nên hỏi :
- Khi Ni sư về, cô có trình lại cho Ni sư biết để dạy chi không ?
- Có chớ chị ! Ni sư nói với em rằng : Hồi đó Ni sư khoảng ba mươi tuổi, đi tu đã được mười năm, đã làm trụ trì ngôi chùa hiện nay. Một hôm Ni sư bỗng thèm ăn canh chua cá bông lau, thèm đến chảy nước miếng, thèm không thể chịu đựng được, Ni sư bèn đi sang nhà thím Tư bên cạnh chùa, Ni sư thú thật và nhờ thím ấy ra chợ mua một con cá bông lau chừng một ký, mua bạc hà, rau thơm, cần nhứt là lựa ớt nào thật cay mua cho Ni sư chừng một chén, nhưng dặn giữ kín đừng cho ai biết.
Thím Tư cũng sốt sắng đi chợ và về sớm, Ni sư nhờ thím Tư ở lại nấu với Ni sư, trong khi thím Tư nấu canh chua, Ni sư xắt hết ớt, lúc thím Tư múc tô canh chua bốc khói, đặt lên mâm cơm bưng để lên bàn trước mặt Ni sư, Ni sư nghe mùi ngon vô cùng, rồi Ni sư lẹ làng hốt hết ớt bỏ vào tô canh chua, lấy đủa quậy cho đều, rồi lấy muỗng múc canh chua đưa lên miệng để húp. Ni sư rán húp lẹ làng, liên tục hai ba muỗng, nước canh đang nóng lại thêm ớt cay, thiếu điều nổ con mắt, Ni sư nói thôi thì nước mồm, nước mũi, nước mắt chảy choàm ngoàm, thím Tư kinh hải, thương hại cho Ni sư, thím chạy đi lấy nước, lấy đường cho Ni sư uống, lấy khăn lau nước mắt lau mặt cho Ni sư, từ đó cái miệng của Ni sư không còn dám thèm thịt cá nữa.
Người chị dâu ngập ngừng lại hỏi thêm :
- Còn cái thẹo trên mặt của cô ?
- Cái thẹo nầy em xứt nghệ nên mới được như vậy, chị biết không, người ta lấy nguyên một bó nhang dụi vào mặt em, cũng may mà nó chỉ ở nơi gò má.
- Tại sao chuyện xãy ra dữ vậy cô Út ?
- Nghiệp chướng mà chị Ba, người ta chọc ghẹo em, còn em quyết chí tu hành mà, đêm đó vào lúc đầu hôm, em cầm nguyên bó nhang đã đốt cháy, đem ra ngoài sân chùa cúng, có người rình sẳn, từ trong bụi kiểng nhảy ra ôm em, em la lên, người đó lấy một tay chụp tay em đang cầm bó nhang dụi vào mặt em, em né sang nên trúng vào má, rồi người đó buông em ra mà chạy thoát thân. Người trong chùa, người hàng xóm nghe tiếng em la, họ chạy tới tiếp cứu em, nhưng không bắt được tên kia.
Người ta bàn với Ni sư và dạy em nên đi thưa với làng xã để lùng bắt tên bất nhân ấy. Khi mọi người ra về hết, Ni sư mới dạy em: “Ðã đi tu phải hiểu mọi chuyện đều có nguyên nhân, quả báo của nó. Có thưa đến cửa quan, bắt được kẻ kia làm tù tội hắn, thì oán càng chồng chất, bao giờ mới giải được mối oan khiên, rủi bắt lầm một kẻ khác, làm cho họ bị tù tội, tự mình gieo nghiệp ác, phải trả quả mai sau. Cho nên đi tu rồi, biết đâu là thiện, đâu là ác, thiện nghiệp bực Bồ Tát còn chẳng làm, huống chi là ác nghiệp. Ni sư khuyên thêm : Vậy thì con nghĩ cho kỷ đi, muốn đi thưa hay không tuỳ ở nơi con!” Ðêm đó em suy nghĩ, em quyết định làm theo lời dạy của Ni sư, em không thưa kiện mà cũng không oán hận gì hết.
- Tội nghiệp cô quá !
- Có chi mà tội nghiệp chị Ba ! Em coi đó là nghiệp, tu để giải nghiệp, nên vui lòng được trả quả mà.
Lời cô Út như kết luận câu chuyện, hai người im lặng, phía cây cột cái ở vách hướng đông, nổi lên mấy tiếng con thằn lằn chắt lưỡi, rồi bốn bề yên lặng, đêm thật là yên tĩnh, cô Út như nghe rõ được chiếc lá rụng vừa chạm mặt đất bên ngoài, cô muốn được hưởng cái yên tĩnh đó dài lâu.
Oct. 6th,1997