Cửa Không Dậy Sóng
Tâm Không
Ông Tư Liên đi nhanh đến chùa, khi ông vừa bước đến mái hiên nhà bếp, cơn mưa to ập đến, trời trở nên sụp tối, con chó vện đứng chểm chệ giữa cửa nhà bếp, nó sủa inh ỏi, ông nghe tiếng một phụ nữ, tuy nói to nhưng giọng ôn tồn :
- Vện ! Khách mà.
Ông thấy con chó bắt đầu chuyển mình đi vào trong, nó không sủa nữa, một người phụ nữ hiện ra ở cửa, chỗ con Vện vừa đứng sủa khi nảy, trong nhá nhem tối đó, ông thấy người ấy mặc bộ quần áo nâu sòng, nhờ đầu cạo trọc để trần, ông biết đó là một cô Vãi, cô ấy chấp tay vái chào ông trước :
- Mô Phật ! Chào chú.
Ông Tư đáp lại :
- Chào cô ! Trời mưa bất tử, xin cô cho phép tôi đụt mưa một lát ?
- Dạ ! Mời chú bước lại bàn ngồi nghỉ chân.
Cô vãi vừa nói vừa lấy tay chỉ bộ bàn ghế, nó ở về phía tay trái, bên cạnh chỗ ông đứng. Ông Tư bước lại bàn, chọn chỗ ngồi lên cái băng dài, lưng quay ra bên ngoài, mặt nhìn về phía cửa nhà bếp, ông nhìn thoáng qua, trên bàn có sáu ly thuỷ tinh nhỏ, tất cả úp trên cái dĩa bàn bằng sành, bên cạnh đặt một vỏ bình trà, nó được làm bằng vỏ trái dừa khô, loại vỏ bình tích nầy, ngày nay cũng hiếm có người dùng, đối diện với ông, phía bên kia bàn cũng là cái băng gỗ dài. Cô Vãi bước lại bàn, tay phải dở nắp vỏ bình rồi nắm quay bình kéo ra khỏi vỏ, tay trái lấy một cái ly, cô Vãi đưa hai tay lại gần nhau, rót nước vào ly gần đầy, một tay cô Vãi để ly nước trước mặt ông, còn tay kia để bình trà vào vỏ, đậy nắp lại rồi nói :
- Mời chú dùng trà, bình vừa mới châm, nước còn nóng uống cho ấm bụng, chú nghỉ ngơi một lát, tôi sẽ dọn cơm lên mời chú ăn, trời mưa nầy dai dẳng, đến sáng chưa chắc đã dứt hột.
Ông Tư vói tay bưng ly nước, tay chạm vào ly, ông cảm giác nước còn nóng, ông uống một hớp nước ấm, ngoái lại nhìn ra ngoài, mưa vẫn còn nặng hột, ông băn khuăng không biết làm sao xuống núi cho kịp với đoàn du lịch của ông, nhìn ra xa, thấp thoáng ánh sáng mờ nhạt sau bức màn mưa, ông tự hỏi ở đó là chân trời hay góc biển ?
Khi ông quay lại, cô Vãi đã đi vào trong bếp tự lúc nào, bổng ông thấy có một người đội nón lá, ven theo hông chùa đi vào phía ông, khi người ấy còn cách cái sân tới nhà bếp, ông Tư nghe giọng lảnh lót, ông mới biết đó là một cô gái :
- Cô Ba ơi ! Cô Ba, có tin quan trọng nè !
Tiếng cô Vãi từ trong vọng ra, hỏi dồn dập:
- Tin gì mà quan trọng ! Phải đội mưa mà đi vậy Lan ? Phải tin của ông Thầy không ?
- Dạ phải ! Chú Ba con ra cho hay, nhà thương bảo ngày mai cô phải vào đó, đặng ký giấy tờ gì mà cháu quên rồi !
Rồi cả hai im lặng, Lan đã bước lên bậc thềm nhà bếp, bỏ chiếc nón lá ra, vẫn mặc chiếc áo đi mưa, trời đã tối, ông không còn nhìn rõ màu của nó đen hay xanh, Lan vẫn tiếp tục bước về phía cửa, cô Vãi đã đứng đó, một tay vịn cột cửa, người cô gần như tựa vào đó, Lan đến gần bên rồi dừng lại, hai người vẫn im lặng một lúc, cô Vãi bỏ tay ra, nói giọng bình tỉnh :
- Cháu làm ơn vào trong lấy cây đèn hột vịt, đem để ở bàn nước, có chú khách lỡ đường ngồi kia, rồi cháu dọn cơm cho chú ấy dùng, nếu cháu đói thì dùng trước, còn chưa đói thì chờ cô, cô phải đi lễ Phật, tụng kinh và cầu an cho Thầy.
- Thưa cô, còn chú Minh Thọ đâu ?
- Cô nhờ chú ấy đi sang Hang Hổ từ sáng sớm, báo cho Sư cụ hay đã đưa Thầy đi bệnh viện, và biếu cho Sư cụ gói trà, sao lại chẳng thấy chú ấy về !?
- Thưa cô, con nhớ ra rồi, lúc trời mưa, con có thấy một người đi hấp tấp phía trước, hình như chú Minh Thọ, theo sau là một cô gái, vì trời mưa, con không nhận ra lạ hay quen, họ đi ngược chiều với con, có lẽ ra lộ xe.
Cô Vãi nói như tự hỏi :
- Không lẽ vậy ?
Nói xong, cô Vãi và Lan đi vào trong, ông Tư nghe hình như hai cô trau đổi nhau vài câu, rồi Lan cầm chiếc đèn nhỏ, đi ra đặt xuống bàn, cạnh dĩa ly trước mặt ông, nhờ ánh đèn, ông Tư nhìn và đoán chừng Lan trạc tuổi hai mươi, mặc một bộ bà ba đen, tóc uốn, gương mặt tròn hiền hậu. Khi Lan quay lui, đi vào nhà bếp thì cô Vãi đi ra, cô khoác chiếc y vàng, đi nhanh qua sân để tránh mưa ướt, cô bước lên ba bậc thềm vào chánh điện.
Ngồi một mình, ông Tư lại nhớ đến đoàn đi hành hương thập tự của ông, ông cảm thấy ở đây vắng vẻ, cô liêu, xung quanh ông bóng đêm bao trùm, chỉ phía sau lưng, không có cây án ngữ, thấy được một màu trắng đục, mưa vẫn còn rơi lộp độp trên mái chùa, trên những cành lá gần bên. Bây giờ, ông có muốn xuống núi cũng không biết đường mà đi, có đi cũng phải bước trên những phiến đá trơn trợt, nguy hiểm vô cùng, gần hay xa ông nào có biết, ông tự trách mình tại sao lại nằm ngủ không báo cho ai biết, họ đã quên ông hay có nhớ mà tìm không ra ? Sao lại dung rủi đến ngôi chùa nầy, giờ thì chỉ còn có cách xin cô Vãi cho ăn một bữa, ngủ lại một đêm, ông bổng nhớ tới người bạn già hàng xóm, thỉnh thoảng cả hai phải ngồi nán lại trong quán cà phê đầu ngỏ, chỉ vì cơn mưa đã cầm chân họ, ông ta hay đọc câu thơ, không biết ông Tám lấy của ai, có đúng nguyên văn không ?
Vũ vô kềm tỏa năng lưu khách,
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
Ông ta còn ghẹo bà chủ quán tuổi ngoài sáu mươi :
- Bà Năm ! Chúng tôi muốn về nhưng vì cái đẹp lão của bà nên nán ngồi lại đấy nhé!
Bà Năm chủ quán cũng vui tánh, chìu khách nói theo :
- Có phải vậy không đó ? Chớ không phải có dịp cho hai ông ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn thiên hạ qua lại, rồi về nói với bà Tám, đổ thừa cho ông Trời, tại ổng mưa hay sao nè !
Ông Tư bổng cảm thấy vui trong lòng, tự nhiên mĩm cười, ông nhìn đến chỗ cửa nơi cô Vãi đã đi vào, chỉ có nơi ấy le lói ánh sáng, chùa lợp ngói âm dương, tường đóng vách bổ kho, những cửa sổ lá lách, cửa ra vào đều đóng kín. Rồi trong ấy phát lần ra tiếng chuông, tiếng mõ, tiếng ngân nga cô Vãi tụng kinh, bên ngoài trời vẫn mưa, đêm tối vây quanh, ông Tư thấy lòng buồn vô hạn, ông chặc lưỡi buông một câu than thở :
- Sao lại lạc đến đây hè !
*
* *
Ở dưới chân núi, mưa vẫn còn nhưng đã nhẹ hột, giọng một người đàn ông nói :
- Xin mời bà con chuẩn bị lên xe, bây giờ còn phải chạy gần hai trăm cây số đó nghe bà con.
Sau khi nghe người chủ xe lên tiếng, mọi người nhao nhao lên, kẻ nọ gọi người kia, họ xắp xếp những đồ tế nhuyển vào giỏ xách, họ chuẩn bị lại cách ăn mặc cho tươm tất, có người mặc áo tràng, lần lượt họ vào chánh điện chùa Phật Quang để lễ Phật trước khi ra về.
Chùa xây tô, hai mái lợp tôn, bề ngang chừng sáu thước, bề sâu độ bốn thước, mặt tiền ở giữa có thờ ông Tiêu diện, cửa ra vào ở hai bên, trong chánh điện có thờ Hộ pháp, tượng cao chừng tám tấc, ở giữa gần vách sau, thờ tượng đức Bổn sư cao chừng một thước, tôn trí trên bệ đúc xi-măng vuông vức, cao chừng một thước, cạnh dài hơn một thước, Ngài đang ngồi an nhiên tĩnh lặng, nét mặt thoáng một nụ cười an lành. Thầy trụ trì Giác Hạnh, tuổi ngót sáu mươi, mặc áo lục bình màu lam, đang đứng cạnh bàn thờ, nét mặt Thầy luôn luôn hoan hỉ, Thầy gióng từng tiếng chuông chậm rãi, cho Phật tử lễ Phật.
Phía sau lưng tượng đức Bổn sư, tôn trí tượng Sơ tổ Ðông độ Bồ Ðề Ðạt Ma, Ngài đang quảy một chiếc dép, tượng bằng danh mộc, màu nâu, cao chừng sáu tấc.
Có người chỉ lễ Phật, có người lễ Phật xong, bước ra sau lễ Tổ rồi mới lui ra.
Ở ngoài sân, trời vẫn còn mưa, hai ngọn đèn típ thước hai, một treo ở trước cửa chánh điện, một treo ở nhà khách, đủ tỏa ánh sáng ra sân, nơi đó có chiếc cột sắt để treo phướn hay cờ, đang để trơ vơ, nó được làm bằng cọc sắt ấp chiến lượt. Chiếc xe đò lớn đã chạy máy, tài xế ngồi vào vị trí, trong xe mở đèn sáng, nhiều người đàn ông lẫn đàn bà, họ đã lên xe ngồi, những người khác vẫn còn lục tục lên xe, họ đi từ chánh điện, từ nhà khách hay từ trong nhà bếp, trời mưa sân chùa ướt át, ai cũng muốn đi nhanh cho khỏi ướt quần áo, nhưng họ vẫn phải đi chậm chạp vì phải tránh những vũng nước, đàn bà một tay giữ hai ống quần cho bùn sình khỏi lấm, một tay còn phải lấy tờ báo che đầu cho khỏi ướt vì nước mưa, lại có người xách dép, đi chân đất.
Tài xế vừa dùng khăn lau tay lái vừa nhìn vào kiếng chiếu hậu, nói to giọng:
- Bà con sáng ngồi chỗ nào, bây giờ ngồi dùm chỗ đó, xem chỗ nào trống, làm ơn cho biết nghe !
Tiếng một thanh niên, ngồi ở giữa xe, phía tài xế nhanh nhẩu nói to :
- Còn ông Tư ngồi bên cạnh tôi đây, không thấy ổng từ hồi chiều đến giờ Bác tài ơi !
Tài xế hỏi tiếp :
- Có ai thấy ổng đâu không ?
Mọi người im lặng giây lát, người đàn ông ngồi phía trước, bên tay phải tài xế nói :
- Ổng có đi tắm ở Suối Tiên, tui với ba bốn người nữa ra về sau cùng không có ổng trong đó, tui nghĩ chắc ổng đã về trước với mấy người khác rồi.
Tài xế hỏi người bên cạnh đó, giọng vừa đủ nghe :
- Bác có thấy quần áo của ổng ở đó hay Bác có gọi to cho mọi người biết, để ra về hay không ?
- Hồi đi tắm, ổng để quần áo chung với mọi người, khi ra về, tui có cẩn thận để ý xem xét, chỗ đó không còn quần áo ai cả, tui nghĩ mọi người đã ra về nên không có kêu gọi chi hết.
Tài xế lại lên giọng hỏi to :
- Bà con có ai đi tắm suối, rồi về chung với ông Tư hay không ?
Mọi người im lặng, người đàn ông ngồi bên cạnh tài xế lại nói :
- Hổng lẽ ổng đi mình ên ! Mà đi đâu ?
Một người đàn bà xồn xồn, mặc nguyên bộ bà ba đen, ngồi sát hông xe ở cửa lên xuống phía trước, bà ta nói :
- Chắc ổng đi lạc rồi ! Tội nghiệp, mưa nầy lạnh chết ! Ai chịu khó đi kiếm dùm ổng đi ?
Anh thanh niên hồi nảy lên tiếng :
- Ðêm tối, trời lại mưa, đường đi trơn trợt nguy hiểm, núi cao, rừng cây um tùm biết đâu mà tìm ?
Tiếng một người đàn bà khác ở cuối xe nói vọng lên phía trước :
- Bây giờ chờ đợi ổng hay sao Bác tài ?
- Biết chừng nào ổng về mà đợi ! Mình phải đi về, từ đây về tới nhà cũng phải mười một mười hai giờ đêm, mai tôi còn chạy tài nhứt, khởi hành lúc năm giờ sáng. Mình về rồi mai ổng về sau.
Anh thanh niên thắc mắc :
- Rủi ổng không mang theo tiền làm sao đi xe về Bác tài ?
Tài xế giải đáp thắc mắc của anh thanh niên, cũng để nói cho mọi người an lòng :
- Chắc chắn ổng có tiền, nếu không có, ổng mượn đở ai đó, về dưới tôi trả lại cho ổng mà, bà con yên tâm.
Giọng một người đàn bà khác ở phía sau xe, nói :
- Bỏ ổng lại, tội nghiệp quá bác tài ơi !
- Xin Bà con đừng ngại, ông Tư bà con với vợ tôi , tôi biết ổng có tiền mang theo trong người mà.
Một người khác nhanh nhẩu nói :
- Coi chừng người ta biết ổng có tiền, người ta cướp của giết người, dấu mất tích đó nghe.
Tài xế nói cho mọi người an tâm :
- Ông Tư có võ Thiếu Lâm tự, cỡ tôi mà hai người, ổng chấp đó. Lên đủ hết chưa bà con ? Thôi chúng ta đi !
Thầy trú trì tiễn đến người chót lên xe, Thầy vẫn còn đứng nơi hàng hiên của Chánh điện, tài xế rồ ga, xe từ từ lăn bánh, Thầy vừa cười vừa nói vói theo :
- Quý Phật tử về mạnh giỏi, rán ăn chay niệm Phật, lâu lâu tổ chức đi chùa lễ Phật nghe !
Xe ra khỏi sân chùa, chạy trên đường đất đỏ, lắc lư trong cơn mưa, tài xế vừa lái xe, vừa suy nghĩ : nếu ngày mai ông Tư vẫn chưa về, chắc phải cho người đi tìm ông ta, lúc nảy anh nói cốt để cho mọi người an tâm. Nhiều người trên xe, tuy họ không nói ra nhưng vẫn còn lo ngại cho ông Tư, họ bị ám ảnh về một ý nghĩ : Ông Tư đã đi lạc hay rủi bị nạn tai rồi ?
*
* *
Lan bưng ra một mâm cơm, trên mâm cơm bằng nhôm tròn đó, có một tô canh xiêm lo ở giữa, một dĩa nhỏ món kho, một dĩa nước tương, bên cạnh có một trái ớt hiểm chín đỏ, một chén đã bới cơm vừa đầy, bên cạnh chén có một đôi đủa tre với một cái muỗng, một thố cơm, và nãi chuối sứ chín đã thâm kim, tất cả tô chén dĩa đều bằng sành.
Sau khi đặt trên bàn nước trước mặt ông Tư, Lan chấp tay lễ phép mời :
- Dạ ! Mời Bác dùng cơm.
- Cám ơn cháu !
Lan mời khách xong lại quay vào trong nhà bếp, ông Tư bắt đầu dầm ớt vào dĩa nước tương, thức ăn đều nguội, xiêm lo nấu từ thân cây chuối già xắt lát thật mõng, món kho xả thì cũng xắt từ lõi cây chuối, chỉ có cơm còn hơi ấm, ông Tư ăn rất ngon miệng không phải vì thức ăn ngon mà chỉ vì quá bửa, trời mưa nên bụng đói.
Ông Tư ăn chừng nữa bửa cơm, Lan bước ra, tay xách áo mưa, tay cầm nón lá, đi lại gần bàn nước nói với ông :
- Thưa bác ! Nhờ bác nói lại với cô Ba, cháu có việc phải về gấp, không thể ở lại được.
- Ùm ! để qua nói lại cho cháu, nhưng mà này ! Cháu về đâu ? Bây giờ chừng mấy giờ rồi ?
- Dạ thưa bác bây giờ đã hơn tám giờ tối, nhà cháu ở dưới chân núi, giữa đường ra lộ xe.
Ông Tư ngần ngại hỏi tiếp :
- Bác có thể đi theo cháu xuống núi để ra lộ đón xe về hay không ?
Lan ngập ngừng trả lời :
- Thưa bác ! Cháu nghĩ bác nên ngủ lại đây đêm nay tốt hơn, trời vẫn còn mưa nên đường tối mò khó đi, trơn trợt nguy hiểm cho bác.
- Cháu nói có lý, bác đành xin cô Ba ngủ lại vậy. Thôi cháu về đi, mặc áo mưa vào kẽo ướt mình bị cảm.
Lan vừa mặc áo mưa vừa chào ông Tư :
- Chào cháu !
Lan chậm rải bước xuống thềm, nàng đi ven theo hông chùa, từ từ tiến ra phía cổng trước rồi khuất dạng trong màn đêm, để ông Tư lại với mâm cơm, ông Tư tiếp tục bữa cơm, ông nhớ tới chuyến xe hành hương thập tự hôm nay, không có ông trên xe họ sẽ làm gì ? Họ đợi ông, đang tìm kiếm ông hay xe đang chạy trên đường về, ông cảm thấy mình lạc lỏng giữa rùng núi, nơi một ngôi chùa vắng vẻ nầy, ông lại thắc mắc : Tại sao mình lại đến chốn nầy ? Ông ăn mà không chú ý đến bửa ăn, miên man nghĩ ngợi.
Ðến khi tráng miệng, ông Tư ăn đến hai trái chuối, có người thích ăn chuối vừa chín tới, còn ông lại thích ăn chuối chín gần rục, nó ngọt và mềm hơn.
Mưa vẫn còn lất phất rơi, ông Tư vừa uống ngụm nước trà vừa để ý lắng tai nghe, tiếng chuông, mõ và tiếng cô Vãi đã ngưng tự lúc nào, ông đoán thời kinh đã xong, ông nhìn lên chùa, cô Vãi đã đóng cửa, cô đang quay lại bước qua sân vào nhà bếp, cô vẫn còn mặc nguyên chiếc y vàng đi thẳng vào trong.
Hơn một khắc sau, cô Vãi trở ra với bộ nâu sòng, cô có ôm theo mùng mềm, đi qua chái bên kia rồi quay trở lại bàn nước để dọn dẹp mâm cơm, ông Tư mở lời :
- Thưa cô, cháu Lan đã ra về, cháu có nhắn lại với cô, cháu có việc nhà phải về gắp, không thể chờ cô. Tôi định theo cháu xuống núi, nhưng cháu ấy bảo tôi không nên vì đường trơn trợt, xin cô vui lòng cho tôi tá túc ở chùa đêm nay.
Cô Vãi vui vẻ trả lời :
- Dạ mời chú nghĩ lại chùa, tối rồi chú đi nguy hiểm lắm, cháu Lan ở đây quen rồi, thuộc lòng đường đi ban đêm, cháu ấy cũng ít khi đi lúc trời mưa, có tin của ông Thầy nên cháu Lan mới đi như vậy.
Ông Tư hỏi cho có chuyện nói :
- Cô đã dùng cơm chưa ?
- Dạ tôi vừa mới dùng cơm xong, tôi đã giăng mùng và để mền gối ở chái bên kia, chừng nào ngủ mời chú qua bên đó, chú xách ngọn đèn nầy theo để trên kệ, bên ấy có vách và cửa ngủ đở lạnh. Ðể tôi châm nước sôi cho chú uống, bây giờ nước lạnh, chắc chú uống không ngon.
- Dạ được rồi, phiền cô quá.
Cô Vãi vừa lấy bình trà để lên mâm cơm vừa nói :
- Có chi đâu, lâu lâu chú mới tới chùa một lần mà ! Cửa chùa rộng mở, lại có bổn phận tiếp đón khách thập phương chu đáo.
Ông Tư nói đùa một câu :
- Cô nói thế, chớ cô mới vừa đóng cửa khi nảy.
- Thời buổi nầy yên ổn, nhưng có con khỉ, nó hay vào chùa kiếm thức ăn, có khi nó vào tới trong chánh điện nữa.
Nói xong, cô Vãi bưng mâm cơm đi vào trong bếp, không lâu cô trở ra với bình trà, cô nói :
- Mời chú dùng trà, nước nóng chắc ngon hơn.
Ông Tư có thắc mắc nên hỏi :
- Hồi nảy cô nói có con khỉ vào chánh điện, sao nó dạn quá vậy ?
Cô Vãi kéo một chiếc ghế ở cuối bàn, đem đặt sát vách nhà bếp, cô ngồi xuống rồi mới đáp :
- Ở đây có một bầy khỉ chừng hai mươi con, chúng nhát lắm, chỉ đến chung quanh chùa kiếm ăn, riêng con khỉ nọ không ở chung bầy, trước có Thầy Sáu ở chùa Liên Hoa nuôi nó, sau con khỉ ấy làm hổn với đàn bà, ông ta đánh dạy nó vài roi rồi đem lên đây thả, nó quen với chùa chiền rồi, nó cũng không sợ người.
Cô Vãi nói thêm :
- Tháng trước có một Phật tử lên đây ở vài hôm, một buổi sáng ông ta ra ghềnh đá trước cổng chùa, chọn chỗ ấy thanh vắng khoảng khoát, ông ta ngồi thiền. Khi xả thiền, ông ta thấy nó ngồi một bên, tưởng nó dạn và đã biết tu, nên lấy tay vổ nhẹ lên đầu nó, để tỏ ý thân thiện, không ngờ nó lại nhảy lên, ôm đầu ông ta, cắn vào trán một cái rồi bỏ chạy, còn ông ta lấy tay bụm trán đầy máu me đi vào chùa, rồi ông ta bệnh có lẽ vì nộc khỉ, phải nằm dưỡng bệnh cả tuần, sau đó bớt mới đi về nhà.
Ông Tư liên tưởng đến mình nên buông lời tự hỏi :
- Sao vậy hè ?
Cô Vãi không biết ông Tư thắc mắc điều chi nên hỏi lại :
- Thưa chú ! Chú thắc mắc điều chi ?
- Tôi không hiểu vì sao con khỉ ấy lại đến đây, để rồi phá phách cửa thiền ? Cũng như tôi, tại sao lại lạc đến ngôi chùa nầy ?
Cô Vãi ngập ngừng mới đáp :
- Thưa chú, mọi việc điều có nguyên nhân, con khỉ ấy vì là khỉ nuôi, nên không nhập được vào bầy khỉ rừng kia, nó đã được người nuôi, nên tìm cách gần người để kiếm thức ăn mà sống.
- Vậy còn tôi, vì tôi ngủ quên, vì trời mưa hay vì cái gì mà tôi lại phải đến đây ?
- Tôi không hiểu tại sao chú lại có thắc mắc lớn, về nguyên nhân đã đưa chú đến chùa nầy, chú không chịu vì trời mưa, chú cũng không chịu vì chú đã ngủ quên, hình như chú bị liên quan đến một thắc mắc gì khác, phải không chú ?
- Có lẽ đúng như vậy cô à ! có lẽ vì tôi lạc vào ngôi chùa nầy, nó gợi cho tôi thắc mắc lớn trong đời, mà chắc ai cũng vậy, đó là thắc mắc : Con người do đâu mà có ?
Cả hai im lặng sau câu nói của ông Tư, cô Vãi muốn trả lời nhưng lựa chọn cách trình bày cho ông Tư dễ hiểu, cô hỏi thử ý ông Tư :
- Hôm nay đi nhiều chắc đã mệt, chú có cần đi nghỉ sớm không ?
- Tôi đã ngủ một giấc trưa, hơn nữa lớn tuổi rồi, ngủ cũng ít mà thôi.
- Vậy để tôi trình bày cho chú biết một chút.
Cô Vãi bổng ngưng ngang, lại hỏi qua câu khác :
- Xin lỗi, tôi quên hỏi chú theo Ðạo chi ?
- Không nói dấu gì cô, gia đình tôi thờ cúng ông bà, hồi còn nhỏ chừng chín, mười tuổi thỉnh thoảng tôi theo mấy người lớn tuổi hàng xóm, đi đến chùa lạy Phật. họ đọc kinh gì mà mỗi khi hết câu, ông Thầy dọng chuông một cái bong, mình lạy một lạy, quỳ lạy lên, lạy xuống ở chiếc đệm trải trên nền đất gồ ghề, lạy xong đau cả đầu gối, để bù lại được ăn kiểm hay chè trôi nước.
Ông Tư rót nước, hớp một hớp rồi tiếp :
- Mấy năm trước tôi vượt biên, vợ chồng tôi bị bắt, nhà cửa bị tịch thu, bà nhà tôi mất, tôi buồn nên hay đi đó đi đây, thường theo các đoàn hành hương, như đoàn hành hương hôm nay đi thập tự, tôi lạc đến đây thành ra hơn họ được một chùa, bây giờ cho là theo Ðạo Phật cũng được.
- Chú đã quy y, thọ giới chưa ?
- Chưa cô à !
Chợt nhớ ra, cô Vãi hỏi tiếp :
- Xin lỗi ! Chú thứ mấy ?
- Tôi thứ tư .
- Thưa chú Tư, chú nói theo Ðạo Phật, tôi đề nghị chú nên sớm quy y Tam bảo và thọ giới cấm, như thế mình mới là người Phật tử.
- Cô nói cũng phải.
- Bây giờ tôi xin trở lại thắc mắc của chú, nó hơi dài dòng. Người ta ai cũng muốn biết cái nguyên nhân đầu tiên, con người do đâu mà có, nhiều tôn giáo giải thích khác nhau, triết học cũng có tham vọng giải thích vấn đề nầy, nhưng mà đức Phật, Ngài không giải thích, chẳng những vậy, một hôm Ngài Ma Ha Ca Diếp ngồi thiền để tìm nguyên nhân sanh và tử của con người, đức Phật đã hiện ra và dạy Ngài Ðại Ca Diếp rằng việc đó chỉ có các đức Phật mới hiểu được mà thôi.
Cô Vãi ngưng một chút như để cho ông Tư có thời gian suy nghĩ rồi tiếp :
- Chú Tư biết không, con người quen đơn giản vấn đề, giả dụ người ta tưởng rằng có một người đầu tiên và tiếp theo là câu hỏi : Cái gì làm ra để có người đầu tiên đó ? Nhưng ngay cái đơn giản đó đã sai rồi. Giả dụ có một người đầu tiên, nhưng một người đầu tiên ấy, không thể sanh ra người thứ hai và làm gì tiếp theo có nhân loại ngày nay ? Có phải vậy không chú Tư ?
Ông Tư như bị một búa bổ thứ hai vào đầu, hồi người con gái ông học thi Tú Tài toàn phần, đi học về nói với ông : " Hôm nay, ông thầy dạy triết nói về bản chất của vũ trụ, sau đó ông hỏi đố học sinh trong lớp, cái trứng gà có trước hay là con gà có trước ? ". Ðêm nay cô Vãi lại nói không có
Một người đầu tiên. Phải rồi, nếu chỉ có một người đầu tiên, người ấy là bán nam, bán nữ, là nữ hay là nam, một người như vậy không thể sanh ra người thứ hai, rồi làm gì có người thứ ba, thứ tư và cho đến cả nhân lọai ngày nay ! Nhát búa nầy làm cho ông hơi vở lẽ, ông hỏi tiếp :- Thưa cô, vậy Phật dạy ra sao về vấn đề nầy ?
- Thưa chú Tư, Phật không dạy người ta tìm để biết một chuyện không có ích chi hết, Phật dạy cho người ta biết, trần gian là bể khổ triền miên, dạy cho người ta biết nhiều phương pháp tu chỉ để thoát có một cái khổ, Phật lấy ví dụ: Người kia bị một cây tên có tẩm thuốc độc bắn, giống như chúng ta ở trong biển khổ, Phật như ông thầy thuốc đến để gở mũi tên ra và trị thuốc độc, người bị thương bảo : Hãy chờ tôi tìm hiểu xem ai đã bắn mũi tên đó ? thuốc độc nầy là loại gì ? Ở đâu ra ? .... ? Tìm chưa được câu trả lời, người bị thương đã thấm thuốc độc mà chết rồi !
- Vậy làm sao giải đáp thắc mắc ấy ?
Cô Vãi hỏi một hơi và tự trả lời các câu hỏi đó :
- Chú Tư lạc đến đây có phải do trời mưa không ? Phải. Có phải do chú ngủ quên không ? Phải. Có phải do không có ai gọi chú thức dậy không ? Phải. Có phải do chú đi tắm Suối Tiên không ? Phải. Có phải do chú đi hành hương thập tự không ? Phải. Có phải vì có người mời chú đi hành hương không ? Phải . Có phải vì chú đã từng đi chuyến trước, nên họ mời chú đi chuyến nầy không ? Phải. Có phải vì thím mất nên buồn chú đi hành hương không ? Phải. Tôi có thể đặt ra hàng trăm câu hỏi, nó đều có liên quan đến việc chú lạc tới đây. Như vậy cái nào cũng là nguyên nhân cả, dĩ nghiên trong đó có một nguyên nhân chánh gọi là nhân, những nguyên nhân phụ gọi là duyên, đầy đủ nhân duyên thì sự vật sanh ra, không có gì tự nhiên một mình nó mà có.
Ðức Phật nói có hằng hà sa số thế giới, nghĩa là số lượng thế giới nhiều như số cát ở sông Hằng bên Ấn độ, chúng ta lại đơn giản chỉ có một thế giới, một con người mà thôi, đơn giản chi cái đơn giản không có đó. Tôi thích một Thiền sư hay nói : Sự vật có nó do trùng trùng duyên khởi. Xin chú đừng thắc mắc tại sao chú đến chùa nầy, nó là cái duyên đó chú.
Ông Tư lắng nghe và suy nghĩ, cô Vãi ngừng một chút rồi nói :
- Tôi có một việc nhờ chú, không biết chú có sẵn lòng giúp không ?
- Việc chi cần, xin cô cứ nói, nếu làm được tôi rất sẳn lòng.
- Chắc chú đã nghe và biết, ông Thầy của tôi tức là vị trú trì chùa nầy đây, đã đưa đi nằm bệnh viện, có thể bệnh viện gọi tôi vào đó để đóng tiền hay ký giấy cho bác sĩ mỗ ông Thầy cũng nên. Ông Thầy luôn luôn dạy tôi, không nên đi đâu vắng mà không có người trông nom chùa, không nên để cho nhang tàn, khói lạnh, phải luôn luôn đều đặn có những buổi công phu, sáng kinh chiều kệ.
Ông Tư hỏi :
- Vậy ngoài ông Thầy và cô, chùa không còn ai hết hay sao ?
Giọng cô Vãi hơi trầm buồn:
- Còn có chú Minh Thọ, như chú Tư đã biết, đến nay chú ấy vẫn chưa về, tôi nghĩ nếu đến ngày mai, chú ấy vẫn chưa về kịp, đã có chú trông nom chùa, tôi khỏi lo.
- Cô đi chừng nào về ?
- Có lẽ chiều tôi về tới, nếu tôi về trễ, chú sẽ ngủ lại thêm một đêm nữa, rồi sáng ngày mốt chú sẽ về.
- Như cô biết đó, tôi đi lạc đến đây, ngày mai chắc nhiều người trông đợi tôi về, tôi mà ở trễ thêm ngày chắc họ không an tâm.
Ông ngập ngừng rồi nói tiếp :
- Tôi đề nghị cô như vầy, nếu ngày mai, bất cứ chú Minh Thọ về chùa lúc nào, tôi giao chùa cho chú ấy, để ra về càng sớm càng tốt, cho bà con họ khỏi phải trông tin tôi. Cô làm ơn cho tôi biết, tôi ở chùa phải làm gì ? Gõ mõ, tụng kinh tôi đâu có biết ! Làm sao để tôi nhận ra chú Minh Thọ mà giao chùa cho chú ấy ?
- Cám ơn chú Tư đã nhận lời, chú nghĩ như vậy cũng phải, ngày mai chừng nào Minh Thọ về, chú Tư giao chùa cho Minh Thọ để ra về. Còn việc ở chùa, chú không biết tụng kinh thì xin chú thấy nhang tàn thì thắp tiếp ở bàn Phật, bàn hậu Tổ, mỗi lần thắp nhang, chú nên thỉnh ba tiếng chuông và lạy ba lạy. Còn chú Minh Thọ, vào chùa tu từ năm lên mười hai tuổi, nay đã hai mươi, nhỏ con, hơi gầy, nước da ngâm đen, dĩ nhiên là cạo tóc nhưng nay đã lên cao, còn râu tháng cạo một lần nên nay đã lúng phúng vài sợi.
Cô Vãi đứng lên, nói tiếp :
- Thôi chú đi nghỉ, có lẽ cũng gần bước qua canh ba, tôi đi niệm Phật. Ngày mai tôi dậy sớm, nấu cơm và thức ăn để sẳn, đến giờ ăn xin chú vui lòng xuống bếp dọn lấy thức ăn.
- Cám ơn cô, mọi việc tôi lo liệu được, xin cô nhớ xong việc thì về sớm cho.
Bên ngoài vẫn lất phất mưa rơi.
Cô Vãi bước vào trong nhà bếp, cô đóng cửa lại chừng một khắc sau, nghe tiếng cô niệm Phật thảnh thót và chí thành " Nam mô A Di Ðà Phật, Nam Mô A Di Ðà Phật, ....... ".
Còn ông Tư , đi về phía chái bên kia một lát, ông mới trở vào phòng nằm nghỉ, ông nghĩ tới ngày mai ông sẽ ở lại chùa, một mình giữ chùa, có thì giờ cho ông suy nghĩ những gì cô Vãi đã nói về giáo lý đạo Phật. Và sẳn dịp, ông sẽ sắp xếp vài câu hỏi để nhờ cô Vãi giải đáp cho, triền miên suy nghĩ, ông đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng, bên tai còn mơ màng nghe tiếng niệm Phật của cô Vãi : ... Nam Mô A Di Ðà Phật ....
*
* *
Ô
ng Tư thức dậy, nghe tiếng cô Vãi tụng kinh trên chùa, ông cảm thấy thoải mái và nhận ra mình đang nằm trong chùa, ông đoán có lẽ trời gần sáng, nghe chừng như mưa đã tạnh, nhưng khí lạnh của núi rừng còn vương lại đó, ông vẫn nằm và chú ý lắng nghe tiếng tụng kinh, không nghe rõ được câu nào, ông đoán cô Vãi đang tụng chú, vì tiếng cô nhanh, mõ gõ cũng nhanh.Nằm một chút rồi ông cũng phải dậy, để tìm nước rửa mặt, súc miệng, mở cửa bước ra bên ngoài, ông thấy trời đã tờ mờ sáng. Lúc ông trở vào, cô Vãi vừa tụng kinh xong, cô đang bước lên thềm đi vào nhà bếp, thấy ông đã thức dậy, cô nói :
- Tôi có châm sẳn bình nước, để chú Tư dậy sớm dùng cho ấm.
- Cám ơn cô, phiền cô quá !
- Dạ không có chi ! Thường ngày tôi vẫn làm như thế cho Thầy dùng, nay trở thành thói quen, để tôi nấu cho chú Tư một gói mì ăn điểm tâm.
Ông Tư nói nhanh để thúc giục :
- Ðấy lại làm phiền cô nữa, cô hãy lo đi đi, đi sớm để về cho sớm.
- Dạ tôi biết, nhưng tôi phải làm cho xong mọi việc rồi sẽ đi, như thế đi mới an tâm. Chẳng hạn như sáng mà tôi không công phu, tôi có đi đâu, trong lòng vẫn không vui vẻ chút nào.
- Thôi được, cô cứ làm cho xong việc đi rồi đi, có chi cần dặn thêm, cô cứ nói, còn tôi chỉ nhắc cho cô nhớ mà thôi.
Cô Vãi nghe ông Tư nói xong, liền đi vào trong, ông Tư nảy giờ vẫn đứng ở đầu bàn nói chuyện với cô Vãi, bây giờ ông mới xoay người ngồi xuống chỗ ông đã ngồi hôm qua, ông vói tay lấy bình trà, rót nước ra ly rồi uống từng ngụm nhỏ để thưởng thước hương vị trà trong buổi sáng.
Chừng mười phút sau cô Vãi bước ra, cô mặc một bộ áo quần màu lam và trên đầu cô đội một chiếc khăn màu lam, vai cô có mang một cái đãy cũng màu lam, cô đang bưng một mâm thức ăn tiến về phía ông, đến nơi cô đặt xuống bàn, trước mặt ông Tư rồi cô nói luôn một hơi :
- Bây giờ tôi phải đi cho sớm, chú Tư dùng xong bưng bỏ vào bộ ván trong bếp, chiều về tôi rửa, cơm trưa tôi nấu xong với thức ăn để trên bếp, trưa chú Tư chịu phiền dọn ăn dùm, tôi có bới sẳn trên chục thố nhỏ cơm trắng, trưa chú bưng dùm lên chánh điện cúng Phật, mỗi bàn thờ chú để ba thố, nhớ dở nắp ra dùm. Thôi xin phép chú tôi đi !
Cô Vãi nói xong, quay gót đi theo hướng cô gái đã đi tối hôm qua, ông Tư nói vói theo :
- Chúc cô đi mọi việc may mắn, nhớ về sớm nghe cô Ba !
Mới đó mà cô Vãi đã bước ra mút vách chùa, cho nên ông không nghe tiếng cô trả lời. Nhìn theo cô Vãi, ông Tư nghĩ đến con đường xuống núi quanh co, rồi ông sẽ có dịp bước qua để trở về nhà, ông cũng nghĩ đến ông Tám chắc đang ngồi quán cà phê Bà Năm, đang nhấp nháp ly cà phê đen, có lẽ ông ta sẽ hiu quạnh cũng như ông đang ở chốn quạnh hiu nầy.
Ăn xong, ông Tư bưng mâm chén dĩa vào bếp rồi bước lên chánh điện, bước lên hai bậc thềm, ông dừng lại, xoay ngang người để nhìn xem áo quần, ông lấy tay nọ vuốt tay áo kia, rồi ông khom người xuống, lấy hai tay vuốt hai ống quần, ông nhớ ngày xưa khi theo người lớn tới chùa, mấy người đàn ông khi đi dọc đường, họ xé hai sợi dây chuối, cột tóm hai ống quần lại trước khi vào chùa, họ cho rằng cẩn thận như vậy, để tránh khỏi tội làm ô uế nhà chùa, bây giờ ông ít thấy ai còn cột ống quần nữa, ông cũng miễn cho mình, vuốt ống quần xong, ông đứng lên và cảm thấy hài lòng, ông xoay người lại, mở cánh cửa bước vào.
Cửa đã mở, ánh sáng chỉ chiếu vào trong có một khoảng nhỏ, bên trong có vẻ âm u. Ông bước vào, chùa có ba gian, cột tròn chừng ba gang tay bằng danh mộc, màu đen nhẵn, gian bên tay trái, cạnh cửa ra vào có một bàn thờ vong nam, gian giữa, bên tay phải của ông có một bàn thờ, trên đó có một bài vị khắc trên miếng gỗ sơn son thếp vàng, dưới chân bài vị đặt những linh vị và khung ảnh, đối diện là bàn thờ, có bức tượng vẽ Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, ông bước lại gần bàn thờ để xem bài vị, ông đọc được chữ nho khắc trên bài vị ấy :" Lịch Ðại Việt Nam Tổ Sư ", có tám linh vị khác nhỏ hơn, đặt mỗi bên bốn cái, có năm tấm ảnh phóng lớn để thờ, đặt thành một hàng ngang, ở giữa là ảnh một vị Hòa Thượng, mặc Cà Sa nhiều màu, đầu đội mão Tà Lư; bên trái ảnh hai Hòa Thượng chỉ mặc Cà Sa màu vàng, bên phải ở trong cũng ảnh một Hòa Thượng mặc Cà Sa màu vàng, kế đó là một tấm ảnh, ông Tư không đoán được có phải là Hòa Thượng hay không, vị ấy đang đứng ở cửa cốc lợp lá, vách bằng phên tre, gương mặt và y phục lộ rõ nét người tu khổ hạnh, râu dài đến ngực, tóc ra dài chừng một phân, mặc áo tràng lỡ màu nâu, quần cao trên mắc cá ống thấp, ống cao, chân đi guốc. Ông Tư nhìn kỷ xem đã có lần nào gặp vị ấy chưa, ông thắc mắc tự hỏi đấy là vị tu sĩ hay cư sĩ ? Ông bước qua gian bên kia cũng là một bàn thờ vong nữ.
Ông Tư lần theo gian nầy đi ra phía trước, ở sát vách giữa gian nầy đặt một bàn thờ, thờ tượng đức Quán Thế Âm, bàn thờ quay mặt vào tượng Phật, ông bước ra phía trước, Tượng Phật chính đặt ngay giữa chùa, đó là tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngồi nhập định trên toà sen, tòa sen đặt trên một bệ xây bằng xi măng, trước tượng là một hương án cao chừng một thước rưỡi, trên ấy đặt lư hương, đôi chân đèn bằng gỗ, một cái chuông chừng bốn gang tay, một cái mõ tương xứng sơn màu đỏ, Ðông bình với những cành hoa vạn thọ, Tây quả với đĩa to có hai nãi chuối sứ và mấy trái mãn cầu.
Mặt tiền của hương án chia làm ba khung trạm trổ tinh vi, khung giữa cảnh Phật đang thuyết pháp cho nhóm ông Kiều Trần Như, khung bên phải là cảnh Phật Ðản Sanh tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất, đứng trên một trong bảy hoa sen, khung bên trái cảnh Phật nằm Nhập Niết Bàn, có ngài A Nan quỳ lạy Phật, bên trên hương án, có treo tấm biển đã cũ viết chữ thảo, sơn son thếp vàng " Vạn Thế Trường Hưng " .
Ðối diện với tượng Phật là tượng Hộ pháp, bên tay phải tượng Hộ pháp có một cái giá treo quả đại hồng chung, bên tay trái tượng Hộ pháp lại có một cái giá trống, còn bên tay trái của tượng Phật, một bàn thờ trên ấy đặt tượng Quan Thánh.
Ông Tư thấy một cây nhang lớn bằng ngón tay út, màu đỏ cao chừng bốn tấc, do cô Vãi thấp còn đang cháy, thấy không cần thiết phải đốt thêm nhang, ông bước đến cái chuông đặt ở góc phải hương án, thỉnh ba tiếng thong thả rồi bước thụt lùi lại mấy bước, ông chấp tay thành kính cầu nguyện cho đất nước được thái bình, người người ấm no hạnh phúc, chùa được hưng thịnh và cầu cho ông được khỏe mạnh, ông lạy ba lạy, sau đó mỗi bàn thờ ông cũng đều lạy ba lạy trang nghiêm.
Sau khi lạy xong bàn thờ Tổ, ông bước ra cửa sau, khép cửa lại rồi đi ven theo hông phía đó lần ra phía trước, ở trước có một cái sân không rộng lắm, bề ngang lớn hơn chùa một chút, bề ra chừng sáu thước. Nhìn mái hiên chùa, các đầu kèo đều có chạm rồng đơn sơ, gian giữa hàng hiên có bàn thờ ông Tiêu, cửa ra vào hai bên, bên trên tượng ông Tiêu có tấm biển gỗ khá lớn đã cũ khắc chữ nho " Linh Thứu Tự
", ông Tư đoán đây là một ngôi chùa cỗ, trong thời gian chiến tranh ác liệt vào thập niên sáu mươi, chùa đã bị bom đạn phá huỷ, nay người ta sữa sang lại, gìn giữ những thứ xưa kia còn sót lại.Ông lần bước qua sân, đi theo một con đường mòn quanh co, thoai thoải xuống dốc, cách sân chùa chừng năm mươi thước, ông gặp một Tam Quan, cũng mái lợp ngói âm dương, cột chừng ba gang tay, ở giữa cũng như hai bên, mỗi cổng đều có hai cánh cửa, ở dưới che kín, bên trên có song, mỗi cánh cửa giữa bề ngang chừng sáu tấc, cửa hai bên chỉ bằng phân nữa, cửa khá dầy nên chắc chắn, gài then, cánh có chốt xoay chớ không có bản lề, tất cả đều bằng danh mộc, gần như còn nguyên vẹn, chỉ có vài vết bom đạn xây xát mà thôi. Nhìn kỷ, nó là công trình nghệ thuật của những tay thợ mộc ngày trước, ông đoán chùa xưa có lẽ xây cất rất đẹp, nay chỉ còn lại cột kèo chấp vá và hai tấm biển cỗ mà thôi.
Bước ra khỏi cổng chừng hai thước là một cái dốc, đường đi khó khăn trên những ghềnh đá, đứng ở cổng nhìn ra xa vẫn còn một ngọn núi nhỏ che khuất tầm nhìn, có lẽ sau đó mới là đất bằng có dân cư ở. Ông Tư đưa mắt nhìn xem khắp nơi, ông muốn tìm thấy ngôi chùa Phật Quang, nơi mà ông đã đến hôm qua, ông không thấy có một mái tranh hay mái ngói ẩn hiện trong cây, lá và núi non trước mắt, ông nghĩ có lẽ chùa ở một phía nào khác dưới kia.
Ông Tư đứng ở cổng nhìn cảnh vật, lòng cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thoát, ông mới hiểu tại sao người ta tìm đến núi non, thâm sâu cùng cốc để mà tu.
Một lát sau ông Tư quay trở vào chùa, đi vào chái chỗ ông ngủ đêm hôm để nằm nghỉ; vào chái, ông thấy ở đằng cuối có một cái võng nhà binh, ai đó đã mắc sẳn vào hai cây cột nhà, ông leo lên đó nằm, ông lại nhớ tới quán Bà Năm, giờ nầy có thể ông Tám đang đánh cờ tướng với thầy giáo Kiên, cả hai không phải là những tay cao cờ, họ hay đánh cờ ở quán vì còn có những người khác ngồi xem, góp ý, chỉ thế chiếu tướng, chỉ gỡ nước bí. Tuy họ ngồi rất lâu, kéo dài cả hai, ba giờ, giờ ấy lại vắng khách, mỗi người đến chơi đều gọi một ly cà phê đen, nước chanh hay ly trà đá bà Năm cũng vui lây cái vui của họ, nhờ thế quán bà khỏi phải chịu cái cảnh vắng vẻ.
Ông Tư thiêm thiếp ngủ, ông mơ màng nghe hình như có tiếng người nói chuyện, rồi ông nghe rõ tiếng một thiếu niên nói :
- Bạch Thầy hình như không có ai ở chùa !
Rồi có tiếng của người đàn ông :
- Không lẽ vậy sao ?
Ông Tư bước xuống khỏi võng, tìm đôi dép da mang vào, ông mở cửa chái bước ra, ông thấy một ông thầy, tuổi ngoài bốn mươi, ăn mặc nâu sòng đang ngồi ở chỗ ông đã ngồi, người ấy đang ngạc nhiên nhìn ông, có một chú tiểu chừng mười hai tuổi, mặc bộ quần áo màu lam, tóc cạo nhẵn, chừa một vá, đứng cạnh phía sau lưng ông thầy. Ông Tư chấp tay lại vái chào ông Thầy :
- Mô Phật, Chào Thầy đi viếng chùa !
- A Di Ðà Phật ! Chào đạo hữu ! Ðạo hữu tu ở đây ?
- Dạ không ! Ðêm hôm qua tôi đi lạc tới đây, trời mưa nên xin tá túc một đêm, có tin ở nhà thương nhắn, sáng nay cô Ba phải đi xuống nhà thương, chùa không có người nên cô ấy nhờ tôi trông chừng dùm, cô nói chiều sẽ về tới.
- Ủa ! Còn Thầy trụ trì hay chú Minh Thọ đâu ? Ðạo hữu có biết không ?
- Thầy trụ trì bệnh, đã đi trị bệnh ở nhà thương, còn chú Minh Thọ sáng hôm qua cô Ba nhờ chú ấy đi sang Hang Hổ, đến hôm nay vẫn chưa về. Xin lỗi, Thầy ở đâu mà biết rành vậy ?
Ông Thầy mĩm cười hoan hỷ đáp :
- Tôi trước ở đây, là đệ tử của Thầy trụ trì, nay tôi ở ngoài vùng biển.
Ông Tư bước lại bàn nước, ông ngồi xuống cái băng đối diện với ông Thầy, ông Tư vừa rót nước ra ly cho ông thầy và cho ông ta rồi hỏi tiếp :
- Xin lỗi ! Thầy có thể cho biết quý danh ?
- Pháp danh của tôi là Minh Trường. Còn đạo hữu ?
- Thưa Thầy ! Tôi thứ tư tên Hiệp.
- Ðạo hữu có biết Thầy trụ trì bệnh chi không ?
Ông Tư ngập ngừng rồi mới đáp :
- Tôi vô ý quá, tôi không có hỏi cô Ba coi ông Thầy bệnh chi, đêm qua có một cô gái lên đây báo tin, tôi cũng không nghe cả hai nói ông Thầy bệnh chi, nhưng nhà thương nhắn cô Ba xuống ký giấy tờ, theo tôi nghĩ có thể ông thầy bệnh nặng, họ nhắn cô Ba xuống ký giấy cho họ mỗ, để họ trị bệnh cho ông Thầy, hoặc ký giấy trả tiền phòng, tiền thuốc men để đưa ông Thầy về.
- Chú nói nghe cũng phải. Tôi có việc, định vào đây trước thăm Thầy, sau xin ý kiến vài việc, rồi về ngay vì tối nay tôi còn phải tụng kinh tuần thất cho Phật tử, nay Thầy đi trị bệnh không có ở chùa, tôi không biết nghĩ sau đây ?
- Thầy ráng đợi đi, không chừng chiều nay ông Thầy về với cô Ba về.
- Tôi cũng mong được như vậy lắm !
Ông Thầy quay lại dạy chú tiểu :
- Con đi xuống bếp, lấy một cái đĩa bày trái cây ra, đem dâng cúng Phật đi con.
Chú tiểu dạ rồi đi làm việc Thầy đã sai khiến, ông Tư muốn hiểu biết nên hỏi Thầy Minh Trường :
- Thưa thầy trong chùa thường tổ chức như thế nào ?
- Có ba hình thức, chùa ít người thì Thầy trụ trì kiêm mọi việc, còn chùa có nhiều người tu hơn, gồm có một vị Hòa Thượng, một Yết Ma và một Giáo Thọ, vị Hòa Thượng là trụ trì, cai quản mọi việc, vị Yết Ma lo về tổ chức nghi lễ cho đúng phép, còn vị Giáo Thọ thì trông nom dạy bảo Tăng chúng, đó cũng là ba vị để truyền giới cho các đệ tử hay Phật Tử.
Thầy Minh Trường uống một chút nước thấm giọng rồi tiếp :
- Trong những chùa lớn, có đông Tăng, Ni hay các Thiền Viện lại tổ chức đầy đủ hơn, đứng đầu hết là vị Hòa Thượng gọi là Viện chủ hay Giám viện, có một vị Tri Sự đó là Giám Ðốc, điều hành, chịu trách nhiệm về tổ chức của chùa, một vị Tri Viên chịu trách nhiệm về đất đai, vườn tược, vị Thủ Khố chịu trách nhiệm về các kho chứa nông sản và tài vật của chùa, vị Tri Tạng chịu trách nhiệm về thư viện, vị Tri Liêu chịu trách nhiệm về quản thủ, phân phối phòng ốc, vị Tri Ðiện chịu trách nhiệm về Chánh điện cùng với Hương đăng, giữ gìn cho được sạch sẽ, lo nhang, đèn, hoa, quả, vị Tri Khách lo tiếp đãi Tăng khách và Phật Tử đến viếng chùa, vị Duy Na hay Yết Ma hoặc Kiết Ma trách nhiệm hướng dẫn các nghi lễ, vị Thủ Tạng hay Thư Ký chịu trách nhiệm ghi chép các văn kiện hay thư tín, vị Tri Chúng trách nhiệm về các vấn đề liên hệ sinh hoạt giữa Tăng chúng, vị Tri Nhật trách nhiệm những công tác trong ngày như một người trực phiên còn Thị Giả là những vị Tăng mới vào chùa được theo hầu quý Hòa Thượng hay Thượng Tọa, giúp việc trà nước, dọn dẹp liêu phòng để có dịp thân cận mà học hỏi, thấm nhuần phong cách thiền môn.
Ông Tư nghe Thầy Minh Trường giảng một hơi về tổ chức, ông hiểu ra, Phật Giáo có một nền nếp lâu đời, tổ chức, phân công, phân nhiệm khá chặt chẻ.
Thấy chú tiểu đã cúng lạy xong, từ trên chùa đi xuống nhà bếp, Thầy Minh Trường lấy trong đãy của Thầy một gói giấy kiếng màu vàng, bảo chú tiểu :
- Con lại đây, lấy gói trà nầy và bình trà ở đây, mang xuống bếp nấu một ấm nước, pha cho Thầy bình trà đãi Huynh Tư.
Chú tiểu đi về phía Thầy, đứng nghiêm chỉnh, đưa hai tay nhận gói trà, lễ phép cúi đầu sau đó mới xách bình trà đi vào bếp.
Thầy Minh Trường hỏi ông Tư :
- Tôi có việc nầy muốn hỏi ý kiến Huynh.
- Thưa Thầy ! Không hiểu tôi có giúp chi được Thầy hay không, nhưng nếu không ngại xin Thầy cứ cho biết.
Thầy ngập ngừng một chút, để xếp đặt ý tứ rồi mới nói :
- Hồi nhỏ, tôi có thường có bệnh, năm tôi lên mười hai tuổi, học xong tiểu học, cha mẹ tôi dẫn đến đây cho tôi ở chùa tu, hồi đó chùa có vị Hòa Thượng trụ trì nhưng tôi được theo hầu ông Thầy đây, chừng ba năm sau, một hôm có Thiền sư Hồng Thảo đến đây, ngài biết tôi bệnh, xem mạch cho tôi xong, ngài nói với Thầy tôi, xin cho tôi theo Thiền Sư để người hốt thuốc Nam, trị bệnh cho tôi, Thầy tôi xin phép Hòa Thượng trụ trì, được Hòa Thượng đồng ý. Hôm sau, tôi xuống núi đi theo Thiền sư từ đó.
Thiền sư Hồng Thảo tu ở một cái hang, trong ngọn núi sát bờ biển, trước kia hang ấy do khỉ ở nên dân chúng mới gọi là Hang Mai, Thiền sư dọn dẹp hang rồi người ở đó tu Thiền, người đào giếng lấy nước uống, tưới rau, trồng cây ăn trái, xung quanh đó người trồng chuối, mãn cầu, mít, khi tôi theo Thiền sư về đó thì cây cối đã có trái.
Năm xưa, một hôm có vài Phật tử vùng đó đến kiếm Thiền sư, họ cho biết có một ngôi chùa không có trụ trì, họ rất khẩn thiết thỉnh Thiền sư đến trụ trì, nếu không có trụ trì, chùa trở thành chùa hoang, Phật Tử không nơi nương tựa, chùa sẽ hư hao hoặc có người tới xin ở tu, rủi người đó đức hạnh không có, Phật Giáo sẽ bị tai tiếng, mai một đi.
Thiền sư Hồng Thảo trả lời với họ rằng, người không thể xuống núi để đi trụ trì, vì tuổi người đã già, sức đã yếu, trụ trì nơi đó được nhiêu bao lâu ? Chi bằng giao cho tôi trụ trì, năm đó tôi đã thọ Tỳ Kheo giới, tuổi đời được ngoài ba mươi, Thiền sư bảo đảm tôi có đạo hạnh, họ nên về thảo luận lại, nếu họ bằng lòng, Thiền Sư sẽ cho phép tôi đến đó trụ trì.
Ba hôm sau các Phật Tử ấy trở lại, cho biết rằng họ kính trọng Tam Bảo, tuân theo sự chỉ dạy của Thiền Sư, họ xin vào mười hôm sau, nhằm ngày vía đức Quán Thế Âm, mười chín tháng sáu năm đó, họ làm lễ nhập tự của trụ trì, họ thĩnh Thiền Sư quang lâm đến chứng minh lễ và ban cho một thời pháp.
Trước khi tôi đi trụ trì, Thiền Sư có dạy tôi : - Thầy đã già rồi, ở chỗ yên tịnh nhiều năm đã quen, thuở xưa Thầy cũng đã đi hoằng hóa các nơi, nay Thầy dành cho con chỗ đó, ráng mà hành Bồ Tát hạnh để làm lợi lạc cho quần sinh. Con đến đó với ba bộ y, không mang theo gì hết , rồi ngày nào nếu con rời khỏi chốn đó, cũng phải thanh thản với những bộ y áo mà thôi. Chùa ấy là chùa của thập phương, bá tánh, không phải là chùa của Thầy hay của con, làm việc chi cũng nên hỏi ý kiến Phật Tử trước khi làm, được như vậy, Phật sự dễ thành tựu lắm.
Phải làm sao cho đạo Phật ở đó ngày càng hưng thịnh, quý hồ tinh bất quý hồ đa, từ từ dẹp bỏ các hình thức mê tín nếu có, ráng mà đưa cái tinh túy của đạo Phật đến với mọi người, con hãy làm cho xứng đáng là Trưởng Tử của Như Lai, con phải là Sứ giả của Như Lai, là Pháp Sư tuyên thuyết giáo lý đạo Phật, như trong Kinh Pháp Hoa đã dạy : Vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai nghĩa là con phải có lòng Từ Bi đối với mọi người, không phân biệt giàu, nghèo thân, sơ ; con lại phải nhẫn nhục, đã tu rồi không nên tranh danh, đoạt lợi với ai, rủi bị người ta mắng chửi, con phải hoan hỷ mà nghĩ rằng kiếp trước con đã làm, kiếp nầy con được trả ; con cũng phải xem mọi pháp đều là KHÔNG, làm được như vậy con mới là người tu giải thoát. Thầy nói bấy nhiêu đó, con khá ghi nhớ nằm lòng.
Sau lời dạy của Thiền Sư, tôi đã đãnh lễ ba lạy, tạ thâm ân người đã chỉ dạy, tôi cũng đã hứa sẽ ghi nhớ và làm theo.
Chú tiểu đã pha xong bình trà nóng mang lên, định đặt vào trong vỏ bình, Thầy Minh Trường ngăn lại nói :
- Ðể Thầy rót nước mời Huynh Tư.
Chú tiểu để bình trà xuống bàn, xá Thầy, định đi vào trong, Thầy Minh Trường bảo :
- Xem tắt lửa trong bếp, xong rồi lên Chánh điện thắp hương, niệm Phật đi con.
Chú tiểu quay lại, vừa xá Thầy vừa dạ rồi đi vào trong, Thầy Minh Trường nói tiếp :
- Hôm Thiền Sư đưa tôi đi nhập tự, Phật Tử ở chùa tổ chức hết sức trang nghiêm, họ đem lộng ra cổng chùa, đứng thành hai hàng, có khai lễ, đón Thiền sư rước vào chùa, lúc đó chuông trống bát nhã rền vang. Phật Tử đón rước già, trẻ, nam, nữ có đủ, tôi để ý thấy chừng đôi ba người mặc áo tràng, tôi nghĩ đó là những vị hộ đạo đắc lực.
Thiền Sư hỏi thăm Phật Tử vài câu rồi lên Chánh điện làm lễ, đây là ngôi chùa mới cất, chưa hoàn thành, chỉ có mỗi tượng Ðức Bổn Sư ở Chánh điện, tường chưa tô, cửa nẽo chưa có, những chuông, trống, lộng họ mượn ở chùa khác về để làm lễ, sau khi lễ Phật, đại diện Phật Tử mời Thiền sư ngồi vào ghế ở cái bàn bên tay phải, có trải vải vàng, họ mời tôi ngồi vào ghế ở chiếc bàn bên tay trái, vị đại diện ấy đãnh lễ Phật, Thiền Sư rồi mới tới tôi, vị ấy quỳ xin tôi nhận chức trụ trì, tôi đáp lễ rất hoan hỷ nhận, để làm cho đạo Phật ngày càng hưng thịnh lên. Sau đó Thiền Sư giảng cho một thời pháp về bổn phận của người Phật Tử tu tại gia, rồi thọ trai, mọi người rất hoan hỷ trong buổi lễ hôm đó.
Ðoán chừng trà đã ra nước, Thầy Minh Trường vói tay lấy ly nước của tôi và của Thầy, tạt bỏ nước cũ, để rót trà mới pha, rót xong hai ly, Thầy mời :
- Mời Huynh Tư, trà ướp sen của một đạo hữu mới biếu tôi sáng nay, lúc Thầy trò tôi đi ngang qua chợ để đến bến xe.
- Dạ cám ơn Thầy.
Ông Tư bưng ly trà lên uống một hớp nhỏ, chất đắng của trà tan dần, để lại vị ngọt và thơm hương sen trong miệng của ông, đúng là loại trà ngon. Thầy Minh Trường nói tiếp :
- Từ đó đến nay, trên mười năm, Phật Tử và tôi đã xây dựng thành một ngôi chùa khang trang, chúng tôi đã xây cổng chùa, cất Ðông Lang, Tây Lang, ngoài tôi ra, ngày nay còn có hai ni cô, một Thầy với hai chú tiểu. Hàng tuần đều có khóa lễ vào sáng Chủ Nhật, sau đó có thời thuyết pháp, hai tuần có tổ chức thọ Bát Quan Trai, Ưu Bà Tắc chừng năm bảy người, Ưu Bà Di đông hơn, tối mười bốn cũng như tối ba mươi hàng tháng đều có khoá lễ Sám Hối, việc tu học có nề nếp, chùa ngày càng sung túc.
Thầy Minh Trường ngưng một lát, Thầy hớp thêm một hớp trà, lại rót thêm cho đầy ly của tôi và của Thầy, như để cho tôi nhập vào câu chuyện rồi Thầy mới tiếp :
- Tuần trước có một người lạ mặt đến tìm tôi, đó là một ông Thầy, ông ấy cho biết chùa đó là chùa của ông ta, ông ta cho tôi coi giấy mua đất, hóa đơn mua những thứ cây, gạch, ngói để cất chùa, ông ta bảo với tôi rằng, ông ta muốn trở lại chùa để có nơi tu hành, mấy năm trước ông đi vùng Thất Sơn để tầm sư học đạo. Phật Tử có người đồn đải rằng, họ có thấy ông Thầy ấy ở miệt Hậu giang, ông ta đi với một người đàn bà.
Thầy Minh Trường ngưng một chút rồi hỏi :
- Theo Huynh Tư, bây giờ tôi phải làm sao ? Thiền Sư tịch cách đây đã năm năm, Thầy trụ trì đây nay lại đi vắng, tôi e mình khó mà giải quyết cho đúng, đừng để chuyện tranh chấp gì xãy ra, người bên ngoài thấy được họ cười chê, họ cho rằng đạo Phật tu là để diệt dục, sao lại còn tranh giành chùa với nhau, ai phải ai quấy, bàng quan thiên hạ, họ đều cười chê cho rằng đạo mình là xấu. Huynh Tư thấy có đúng không ?
Ông Tư im lặng, không biết phải trả lời ra sao, thời buổi nầy, Phật Tử nhiều khi không biết kính trọng Tăng, đôi khi người ta không hài lòng về một việc chi, lại vu oan giá họa cho quý Thầy không có đạo hạnh, phải chăng đây là thời mạt pháp ? Thầy Minh Trường trả chùa lại ra đi, chắc Phật Tử không vui, vì những gì Thầy đã gieo giống Bồ Ðề nơi đó, còn ông Thầy kia, nếu muốn lấy chùa lại, tức là Tâm chưa tu, Tâm đã tà vạy thì làm sao có đủ tài đức, để xiển dương đạo Phật nơi đó. Ông Tư buộc lòng phải nói :
- Thưa Thầy, chuyện quả thật rắc rối, tôi không dám có ý kiến, phải chi có Thầy trụ trì ở đây, giúp ý kiến cho Thầy lúc nầy thì hay quá.
Cả hai người ngồi trầm ngâm suy nghĩ, một lúc chú Tư chợt nhớ lời cô Ba dặn cúng Ngọ, ông nói :
- Xin phép Thầy, tôi vào bếp để dọn cơm cúng Phật.
Thầy Minh Trường bảo :
- Không có ai thì đạo hữu làm, nay có tôi đây, để tôi cúng cho.
Nói xong, Thầy đứng lên đi vào trong bếp, rồi trở ra bưng một mâm toàn là thố nhỏ, Thầy đi cửa sau vào trong chánh điện.
Chú tiểu từ trên chùa đi xuống nhà bếp, chú lục đục trong bếp một hồi lâu mới bưng mâm cơm ra đặt trên bàn nước, cẩn thận chú đậy lại bằng cái lồng bàn ny lông màu đỏ, ông Tư không biết bửa ăn có chi trong đó. Một lát sau Thầy Minh Trường từ chùa trở xuống, Thầy đi ra sau bếp rửa tay, rửa mặt rồi mới trở lại ngồi vào bàn dùng cơm. Ông Tư dở lồng bàn ra, trong ấy có một tô canh bí đỏ nấu với lá sâm đất, một đĩa cháy tàu hủ ki kho, một dĩa nước tương, một thố cơm và vài trái ớt hiểm hườm hườm. Trong khi ăn, Thầy Minh Trường ít nói, chỉ hỏi ông Tư ở đâu và làm gì mà thôi, chú tiểu đứng một bên hầu quạt cho Thầy hay đuổi ruồi.
Ăn xong, Thầy Minh Trường và ông Tư vào chái nằm nghỉ, chú tiểu dọn dẹp rồi ăn sau, tuy chú còn nhỏ, nhưng hầu Thầy rất chu đáo.
Khi ông Tư thức dậy, Thầy Minh Trường và chú Tiểu từ chánh điện đi xuống, thấy ông Tư đã thức dậy, Thầy nói :
- Bây giờ cũng đã hơn bốn giờ chiều, Thầy trò chúng tôi phải về cho kịp, khi cô Ba về, Huynh Tư làm ơn nói lại, chúng tôi có vào thăm Thầy trụ trì, nếu có chi cô Ba làm ơn nhắn cho biết tin.
- Dạ được tôi sẽ nói lại với cô Ba.
Thầy Minh Trường trở lại chỗ ngồi cũ, Thầy uống xong ly nước rồi mới đứng lên lấy đãy ra về, Thầy nói thêm :
- Thôi Huynh Tư ở lại mạnh gỉỏi rồi về, khi nào rảnh ra chỗ tôi lễ Phật, viếng chùa.
- Dạ Thầy về, lúc nào có dịp sẽ ghé lễ Phật và thăm Thầy, còn chuyện kia cầu mong Phật gia hộ cho được tốt đẹp.
- Tôi cũng cầu mong như vậy, thôi chào Huynh.
- Kính chào Thầy, chào chú Tiểu, chú ngoan quá !
Chú Tiểu đáp lại :
- Mô Phật ! Xin chào ông Tư.
Rồi Thầy trước, trò sau họ đi ven theo hông chùa tiến ra phía cổng để xuống núi, ông Tư đứng trông theo, ông nghĩ tới cảnh chùa lại vắng vẻ, cuộc chia tay nào cũng làm cho ông buồn nhưng cuộc chia tay nầy, chẳng những buồn mà ông còn bị ray rức trong lòng, bởi không làm sao san xẻ những nổi khó khăn cho Thầy Minh Trường.
Ông Tư trông đợi, nhưng cho đến chạng vạng cũng không thấy cô Vãi về, ông lên chùa thắp nhang các bàn thờ, nơi bàn Phật ông cầu nguyện cho Thầy trụ trì sớm được bình phục, ông tiếp tục trông đợi, đến hơn chín giờ đêm, ông biết là cô Vãi không về, ông đi lên chùa thắp nhang thêm một lần nữa rồi đi ngủ.
Ðêm ấy ông Tư nằm mơ, ông thấy mình đang quét lá ngoài sân chùa, bổng có vị tu khổ hạnh mà ông đã thấy trong ảnh, từ phía sau chùa xách một con dao yếm, đi lại phía ông, khi đến gần bên, vị ấy đưa dao cho ông và nói :
- Cầm dao nầy đi theo tôi ra phía cổng chùa, kiếm mục măng nấu canh ăn trưa nay.
Vị ấy đi trước, ông nối gót theo sau, khi gần đến cổng chùa, ông thấy có một bụi tre Mạnh Tông, chỉ có một cây vươn cao và vài gốc trơ trọi, đến nơi ông không thấy mục măng, vị tu khổ hạnh ấy bảo :
- Vạch lá và rác tìm đi, may có một mục đó.
Ông bẻ một nhánh cây khô, bươi những lá tre, lá cây ẩm ướt vì những cơn mưa đã qua, bổng ông bươi ra được một gói, bọc ngoài bằng một lớp ny-long, vị ấy lại bảo :
- Chi đó, mở ra cho ta coi !
Ông nhặt gói ny-lông lên, mở ra bên trong là một lớp giấy của bao xi-măng, mở lớp giấy bao xi-măng, ông thấy một quyển sách, nhìn kỷ sách có bìa cứng cũng là giấy màu vàng phai nhạt, lật qua, lật lại ở bìa, ông vẫn không đọc được chữ gì, ông đưa cho vị tu khổ hạnh đọc, vị ấy bảo :
- Thì hãy mở ra mà đọc đi !
Ông lật từng trang, từng trang giấy trắng đã chuyển màu vàng, nhưng không có trang nào có chữ cả. Ông quay lại định hỏi, vị ấy đã bước ra ngoài, đóng cổng chùa bỏ ông lại bên trong, còn nói :
- Hãy tự đọc đi !
Ông dọng cửa kêu gọi, la hét, tiếng vang dội cả chùa vì thế làm ông giật mình thức dậy, ông biết mình đã nằm chiêm bao, có lẽ lúc ấy chừng canh tư, ông lại ngủ tiếp.
*
Ông Tám đi chuyến xe tài nhứt, đến chùa Phật Quang dưới chân núi Bồng Lai cũng hơn mười giờ sáng, ông hỏi thăm Thầy Giác Hạnh về tin tức ông Tư, Thầy cho biết chưa thấy ông Tư ghé chùa cũng chưa có tin gì về ông Tư. Làm theo lời bà con cũng như tài xế Năm Hinh đề nghị, ông Tám nhờ Thầy Trụ Trì cho một chú tiểu, đưa ông đi Suối Tiên tìm ông Tư. Thầy Giác Hạnh cho chú tiểu Huệ Thông đưa ông đi.Ðường lên núi, có chỗ dốc thoai thoải, xen lẫn có những đoạn phải bước từng bước trên những phiến đá để lên dốc, phiến đá nọ chồng lên phiến đá kia, đi một đoạn chừng mươi thước đã thấm mệt, phải ngồi nghỉ, có vài đoạn phải trèo lên phiến đá to chừng bằng hai chiếc đệm, không có chỗ bám víu, người nào cẩn thận như ông Tám phải bò mà thôi. Leo lên núi mất chừng một giờ, rồi lại đi xuống một thung lũng, rộng chừng một cây số từ phía nọ sang phía kia, chú tiểu Huệ Thông chỉ dẫn ông đi ven bìa thung lũng, chừng một khắc thì tới chỗ giáp mí của hai mõm núi, nơi đó nước từ các nơi khác chảy dồn về, bị những hòn đá ngăn lại thành suối, đó là Suối Tiên, Huệ Thông và ông phải chui xuống dưới một tảng đá thật to, đi trên những phiến đá nhỏ để qua bờ bên kia, giống như chui vào hang động, nước chỗ sâu, chỗ cạn rất trong, nhìn thấy cả những con cá nhỏ bằng ngón tay út, qua phía bên kia lại rẽ tay phải đi theo dòng suối chừng một trăm thước, có một đường mòn dẫn xuống chỗ Suối chính mà người ta thường tắm.
Ông đứng ở chỗ một hòn đá chận dòng nước, nhìn về phía dòng suối ông đi qua khi nảy, nó ở trên cao hơn hai mươi thước, bị hai viên đá to ở hai bên mõm núi giáp lại che khuất, trên hai viên đá là bầu trời xanh, gợn chút mây trắng, giữ hai viên đá là một cái khe chừng nữa thước, tạo thành một dòng thác đỗ nước từ trên cao xuống, thác đỗ ngay trên một phiến đá, nước bắn tung tóe ra trước khi chảy xuống một cái hồ thiên nhiên hình trái xoan, có lẽ đáy hồ sâu nên nước trong xanh, hồ có bề ngang chừng sáu thước, bề dài đầu kia là thác, cuối hồ là nơi ông đang đứng, xa nhau trên mười lăm thước, hai bên là vách đá, ông Tám trông cảnh thác rất đẹp, ông thưởng thức cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ấy, quên mình đến đây để làm gì.
Nhìn theo giòng nước, qua khỏi chỗ ông đứng, núi hai bên dang xa ra, con suối nhờ đó trải rộng thêm, chỗ nước cạn, chỗ nước sâu, đến đàng xa kia đá lại chận dòng suối, thành một cái hồ rộng, nước không sâu, có chỗ để có thể tắm được nhiều người.
Ông Tám nghĩ, lỡ ông Tư bị trợt chân té, nơi đây là nơi nguy hiểm nhứt, ông ta có thể bị chìm xuống hồ nầy không để lại dấu vết gì, tưởng đến người bạn mình nằm dưới đáy sâu kia, lạnh lẻo tấm thân, ông xót xa cho người bạn mình, ông lầm thầm khấn nguyện :
- Vái chư vị thần linh ở núi nầy, cũng như ông Tư, sống khôn, thác thiêng, cho tôi tìm được xác ông để chôn cất tử tế, được ấm cúng tấm thân.
Chú tiểu đứng cách ông Tám vài thước, tay chú bức những lá cây dại, vò rồi ném, mắt chú nhìn theo dõi ông Tám, chú cũng đã tới nơi đây nhiều lần để tắm, chưa thấy có rủi ro nào đã xãy ra cho mọi người, chú đưa ông Tám đi nhưng chú không bao giờ nghĩ người ông Tám đi tìm đã bị nạn ở nơi suối nầy, ông ta mất tích vậy ông ta đi đâu ? Cọp tha hay ma bắt ? Chú tiểu nghĩ vơ nghĩ vẩn trong lòng mà không nói ra.
Một lúc ông Tám lên tiếng hỏi :
- Gần đây, trên núi nầy có chùa hay hang động có người tu không chú ?
- Dạ chùa thì ở đàng kia có một cái, còn hang động thì có vài cái nhưng ở xa đây, đi phải mất hơn một giờ mới tới Hang Hổ.
- Hay là chú làm ơn đưa tôi tới chùa ấy, hỏi thăm tin tức xem.
- Dạ !
Chú tiểu lại đưa ông Tám trở lại đường cũ, đi theo thung lũng, leo lên núi một đoạn rồi rẽ sang tay trái, lại xuống dốc một đoạn nữa mới tới chùa, chú tiểu đưa ông Tám đi theo con đường cập hông chùa từ phía sau đi ra trước. Bổng ông Tám thấy lưng của một người ngồi quay về phía ông, ông nhận ra bạn mình đang ngồi uống nước, ông vui vẻ gọi to :
- Ông Tư ! Ông Tư ! Ông ở đây mà tôi nghĩ ...
Ông Tám kịp dừng lại không nói thêm, trong khi đó ông Tư quay lại nhìn thấy ông Tám, ông chỉ gọi mấy tiếng :
- Ông Tám !
Ông Tư đứng lên rời khỏi băng ngồi, đi nhanh về phía ông Tám, hai người đưa tay ra nắm lấy nhau, cười vui vẻ :
- Sao ông biết tôi ở đây mà tìm ?
- Bà con ở dưới với thằng Năm tài xế, bảo tôi lên đây tìm ông.
Ông Tám đưa mắt tìm kiếm, thấy Huệ Thông đã đi vào bàn đang rót nước ra mấy cái ly, ông nói tiếp :
- Nhờ Thầy trụ trì chùa Phật Quang cho chú Huệ Thông nầy đưa tôi đi tìm ông, chúng tôi đã đi Suối Tiên rồi mới mò lại đây.
- Thôi vào bàn uống nước cái đã .
Hai người cùng đi vào bàn nước, vừa đi ông Tư vừa hỏi :
- Chắc ở nhà bà con trông tôi lắm hả ?
Ông Tám ngồi chỗ đối diện với ông Tư ngồi khi nãy, ông Tư ngồi lại chỗ cũ của mình, vừa ngồi xuống, ông Tám vừa nói :
- Ông còn phải hỏi, ai cũng trông chờ ông hết, không biết chuyện chi xãy ra cho ông, mọi người cầu xin cho ông được bình an, có ông thì cũng thế, mà sao không có ông dường như vắng vẻ.
Ông Tám lại thúc dục hỏi :
- Mà tại sao ông lại ở đây ?
- Uống nước đi ông Tám, chậm rãi tôi kể ông nghe.
Ông Tám và ông Tư bưng ly nước lên uống, nhất là ông Tám leo núi đã khát nước, uống hết một ly, ông Tám tự rót thêm ly khác, chú tiểu đi vào trong chái rồi quay trở ra đứng ở cửa chái hỏi :
- Thưa ông Tư, người ở chùa đi đâu hết mà vắng vẻ vậy ?
- Họ đi hết rồi chú ! Ông Thầy đi Nhà Thương, cô Vãi đi thăm, chú Minh Thọ đi sang hang Hổ từ hôm kia đến nay cũng chưa về .
Nghe xong chú tiểu đi trở vào, có lẽ chú tìm chỗ nằm nghỉ. Ông Tám nhắc lại.
- Ðâu nói nghe thử đi ông Tư !
- Hôm đi về, lúc xuống núi tôi đi lạc vào đây, mưa to quá, tôi phải ngủ lại chùa, Thầy trụ trì bệnh, người ta đã đưa đi trị bệnh ở nhà thương trong thành phố, một chú ở đây có việc đi sang dãi núi bên kia không thấy về, tối hôm đó có tin từ Nhà thương nhắn về, bảo cô Vãi phải đi xuống đó để ký giấy tờ, hôm sau cô Vãi đi, không có ai trông nom nên cô ấy nhờ tôi giữ chùa dùm.
Ông Tám cắt ngang :
- Sau ông lại ở tới hôm nay ?
- Cô ấy nói chỉ giữ dùm chùa cho cô ta sáng đi, chiều về, ai ngờ tới hôm nay cô ấy vẫn chưa về ! Tôi lỡ hứa đành phải ở lại đây làm Thủ Tự !
Ông Tám nói đùa :
- Cũng không biết chừng nào cô ấy về, vậy ông xuống tóc làm trụ trì cho rồi !
- Ý ! Ðừng nói chơi nghe, để tôi về với bà con mình chớ, ở đây buồn quá, tôi cũng không biết tụng kinh, gõ mõ gì hết. Chắc ông cũng đã đói, để tôi đi nấu mì cho anh em mình ăn nghe ?
- Ông nhắc tôi mới nhớ, thức dậy từ khuya tới bây giờ, sáng sớm chỉ ăn có một tô hủ tíu và uống ly cà phê đen, nên bây giờ bụng cũng đói rồi ông Tư, ông có cần tôi phụ gì không ?
- Khỏi ! Ông ngồi nghỉ đi, nấu gì khác thì khó chớ nấu mì thì dễ, vã lại chùa cũng không có gì, để đãi ông ngoài mì gói Lá Bồ Ðề đây thôi.
Ông Tư đi xuống bếp, ông Tám thấy chùa đóng kín cửa liền hỏi vói theo ông Tư :
- Cửa nào đi vào chùa lễ Phật ?
- Cửa bên trái chỉ móc lại chớ không có khóa, ông mở cửa đó mà vào chánh điện.
Ông Tám theo lời ông Tư chỉ để đi vào chánh điện lễ Phật. Chừng một khắc sau, ông Tám trở xuống bàn nước, ngồi vào chỗ cũ, ông Tư bưng mâm thức ăn ra, trên ấy có ba tô mì lớn, ông để mâm xuống bàn rồi đi vào trong chái gọi chú tiểu ra ăn mì.
Ông Tám và ông Tư ngồi bàn ăn mì, còn chú tiểu xin phép bưng vào trong bếp ăn, chú cho biết rằng chú không được phép ngồi ăn chung với khách, nhất là ông Tám và ông Tư tuổi đã cao.
Trong khi ăn ông Tám hỏi :
- Ở đây có chi lạ không ?
- Cũng chẳng có chi lạ, nghe cô Vãi nói có con khỉ, trước kia người ta nuôi, sau họ thả nên nó dạn lắm hay vào chùa kiếm thức ăn, có khi nó vào cả chánh điện, do đó chánh điện phải đóng cửa luôn.
- Ông Tư biết chùa mà ! Luôn luôn chùa mở rộng cửa cứu độ chúng sinh, cho con khỉ đó ăn mới phải chớ !
- Ðúng vậy ! Nhưng cô Vãi nói nó phá phách và còn cắn người nữa !
- Tại chúng ta chọc, phá, xua đuổi, chắc nó nổi cơn giận lên chớ gì ?
- Có thể.
- Mà ông đã gặp nó chưa ?
Ông Tư mĩm cười đáp :
- Chưa, định có gặp nó, tôi cũng kiếm gì cho nó ăn, đói thì nó cũng chẳng khác chi mình.
Bỗng ông nhớ tới chuyện của Thầy Minh Trường, ông nói :
- Hôm qua, có một ông Thầy trước tu ở đây, nay trụ trì chùa khác, về đây thăm ông Thầy trụ trì chùa nầy.
Ông Tám nhanh miệng hỏi :
- Sao ông không nhờ ông ta giữ chùa cho, để đi về ?
- Ông ta có nhiều việc, không thể ở lại. Chuyện cũng rắc rối.
- Chuyện chi nói nghe thử ông Tư ?
- Ông ta được mời trụ trì một ngôi chùa gần mười năm, nay có người chủ cũ, muốn lấy chùa lại.
Ông Tám không rõ câu chuyện, nên có thắc mắc hỏi :
- Sao đã mời người ta làm trụ trì, nay lại muốn lấy lại, hay ông Thầy ấy làm điều sằng bậy ?
- Không phải vậy, người cất chùa cũng là một ông Thầy, chùa cất chưa xong, ông ta bỏ đi, Phật tử ở đó mới đi tìm vị chân tu về trụ trì, họ tìm một Hòa Thượng, vị nầy muốn ẩn tu nên cho đệ tử của mình đi thay, là ông Thầy trụ trì bây giờ, theo tôi đoán, ông Thầy trụ trì có thể bỏ đi nhưng chắc chắn Phật Tử ở đó họ lại không chịu, có thể sẽ thưa kiện nhau, chuyện tranh giành một ngôi chùa, nghe qua mình thấy lòng bất nhẫn rồi, tu mà còn tranh giành làm chi vậy ?
Ông Tám nhai mì chậm rải, ông im lặng chú ý nghe để theo dõi câu chuyện, nay ông đã hiểu, ông nhớ tới ông Thẩm phán toà Thượng Thẩm kia, ông ta có tấm lòng, có chút nghệ sĩ tính, nên ông ta viết kịch, viết những chuyện oan ức ở toà án, bởi vì toà án, nơi cầm cân nảy mực cho mọi người, nó vẫn phải làm những việc bất công do luật pháp đặt ra, nó vẫn vấp phải nhừng trường hợp sai lầm kết án tù đày, xử tử người ngay, ông nói với ông Tư :
- Ăn xong, tôi kể cho ông nghe một câu chuyện.
Hai ông ăn vài miếng nữa thì xong tô mì của họ, ông Tám trước, ông Tư sau bỏ đủa xuống mâm, chú tiểu đứng ở cửa chờ sẳn, chú bước lại bưng mâm dọn vào trong bếp. Hai ông thong thả uống nước rồi ông Tám mới nói :
- Hồi trước Ðệ nhất thế chiến, ở tại thủ đô Pa-ri, có một ông luật sư danh tiếng, khi ông tranh cải trước Tòa, lời lẽ phân minh,biện luận sắc bén, binh vực hay kết tội chính xác, ông chỉ đứng về những phía thế cô, bị hà hiếp để làm cho công lý được rọi sáng, vụ nào mà ông nhận cải, vụ ấy nắm chắc thành công, chỉ có thắng chớ chẳng bao giờ bại. Ông luật sư ấy tên là Lambert.
Một buổi sáng kia, có mấy người đàn bà, đến gõ cửa văn phòng luật sư Lambert, họ nhờ ông đứng ra kiện một ông Linh mục đã dụ dỗ, định cưỡng bức một đứa bé gái trong chung cư của họ, người mẹ kể rằng, bà ta đi làm về, nghe những người chứng sau đây nói, họ đã thấy con gái của bà ta, từ phòng ông Linh mục dáng điệu sợ hãi, khóc thất thanh chạy ra, bốn người chứng đều nói rằng, lúc ấy chừng hai giờ trưa, họ nghe tiếng khóc la và chạy trong hành lang chung cư, họ mở cửa ra nhìn, thấy con gái bà ta từ trong ấy chạy ra.
Luật sư Lambert phẩn nộ, một người đáng kính mà có hành động như thế thật là đáng bỉ ổi, ông ta nhận vụ án, lập hồ sơ đưa ra Tòa, do những chứng cớ, do những lời buộc tội đanh thép của Luật sư danh tiếng Lambert, ông Linh mục kia bị tòa kết án 15 năm tù, bị đày ra đảo ở Ðịa Trung Hải, mọi người đều hài lòng với bản án do Tòa đã phán quyết, họ cho rằng có như vậy mới làm gương cho những người khác.
Ông Tám và ông Tư mỗi người đều hớp một hớp nước, ông Tám để thấm giọng, ông Tư cũng uống cho vui miệng. Tưởng chuyện đã kết thúc, ông Tư nói;
- Thế là phải, những người làm xấu đạo như thế luật pháp cần phải nghiêm trị.
Ðể cho ông Tư phán xong lời kết tội, ông Tám mới tiếp :
- Thế rồi mười năm sau, một hôm, bổng có người đàn bà gõ cửa Luật sư Lambert, sau khi luật suu mời bà ta ngồi, bà ta vào đề ngay :
- Thưa luật sư ! Ông có nhớ vụ án của một Linh mục, khoảng mười năm về trước không ?
Luật sư nhìn bà ta, để xem cho có nhận ra bà ta là ai không, luật sư nhớ hình như bà có liên quan tới vụ án, bà ta là một trong những người chứng, khi đó luật sư trả lời :
- Thưa bà tôi có nhớ, mà tôi cũng nhớ bà là một người chứng, tuy bà có thay đổi đôi chút do thời gian đã qua, nên tôi không nhận ngay ra, lúc bà mới bước vào.
- Cám ơn luật sư ! Quả thật trí nhớ ông rất tài.
Ông luật sư không để mất thì giờ, hỏi ngay :
- Thưa bà ! Hôm nay bà đến đây có việc chi cần đến tôi.
Bà ta ngập ngừng, ông Lambert khuyến khích :
- Xin bà cứ nói, cần chi, tôi sẳn sàng giúp bà.
- Thưa luật sư ! Mười năm trôi qua, đối với ông tên tuổi càng ngày càng sáng chói trên địa hạt nghề nghiệp của ông, còn tôi, tôi rất hối hận về việc làm của mình.
Luật sư hơi bồn chồn, ông nói :
- Việc chi, một lần nữa xin bà cứ nói thẳng, không nên úp mở.
- Thật ra, tôi không nghe thấy đứa bé gái ấy chạy và khóc lóc, la hét chi cả.
- Vậy thì tại sao bà làm chứng, nói dối trước Tòa. Bà có biết tội bà không ?
Giọng bà ta nhỏ xuống, nói những lời đầy hối hận :
- Thưa luật sư ! Tôi biết cho nên tôi đã hối hận mười năm nay rồi, lương tâm tôi nào có an ổn khi tôi nhớ đến vị Linh mục kia.
- Vậy động cơ nào đã thúc đẩy bà làm chứng như thế ?
- Thưa luật sư ! Như ông đã thấy tướng mạo ông Linh mục đó, mới nhìn ai cũng thấy rằng ông ta có gương mặt lầm lầm lì lì khó ưa, ông ta là người ở tỉnh lẽ, cử chỉ và hành động vụng về, chúng tôi chán ghét ông ta, nên muốn thừa dịp để tống khứ ông ta ra khỏi chung cư.
Luật sư Lambert ngã người ra ghế, thở dài, ông ta hỏi không mấy hăng hái như lúc ban đầu :
- Bà có biết mấy người chứng kia thế nào không ?
- Họ thì cũng như tôi, Vì ghét ông Linh mục mà dựng chuyện lên như thế, chớ ông ta nào có làm thế đâu, thật thì con bé ấy cũng như những đứa trẻ khác, chúng nó có vào phòng ông ta chơi, ông ta hay cho kẹo hay bánh ăn, họ đều ghét ông Linh mục, nên không muốn trẻ con lân la với ông ta nên làm thế.
Luật sư Lambert suy nghĩ một chút rồi ông hỏi giọng cương quyết :
- Bà có chịu khai y như lời bà vừa nói trước Tòa không ?
- Tôi khứng chịu dù có bị tội.
- Bà có thể nói cho những bà kia cũng làm y như bà không ?
- Tôi hứa với luật sư, chúng tôi sẽ nói sự thật như tôi vừa nói.
- Cám ơn bà, công lý nhờ bà sẽ được sáng tỏ lại.
Ông Tám tiếp :
- Rồi luật sư Lambert đâm đơn xin Toà xử lại vụ án, trước Tòa những người chứng cũ, nói rằng họ không thấy chuyện gì xảy ra, chỉ vì không ưa vị Linh mục mà làm chứng như thế, bà mẹ như lúc đầu, nói rằng bà chỉ nghe người ta nói lại mà thôi. Tòa phải tuyên bố tha bổng ông Linh mục, báo chí người ta hỏi ông Linh mục, ông ta nghĩ sao, khi đã ngồi tù được mười năm, Linh mục trả lời :
- Ðó là ý Chúa, để cho tôi có dịp ở cùng với tội nhân, giúp đỡ họ nhiều hơn, tôi đã phục vụ như Chúa đã muốn. Còn những người đàn bà kia, tôi khoan dung đối với họ từ lâu, bởi vì họ chưa rõ đạo lý nên mới làm như thế !
Còn luật sư Lambert, nhiều người nghĩ rằng vì ông mà Linh mục bị tù đày, họ xa lánh ông, không nhờ ông tranh cải nữa, những ngày cuối đời ông sống khốn đốn, ngồi cô quạnh ở công viên, gặm những mẫu bánh mì khô như nhai những đắng cay cuộc đời, những lỗi lầm mà mình đã phạm, nhưng đáng ca ngợi luật sư Lambert, ông biết hậu quả ấy, nhưng làm việc phải làm, nên tác giả đặt tựa cho chuyện đó là Lương tâm chức nghiệp.
Cho nên chùa ấy, nếu ra Toà, Toà sẽ phân xử sao đây ? Ðạo khác đời, đem thế gian pháp mà xử Phật pháp sao nên, phải vậy không ông Tư ?
Ông Tư im lặng, chuyện của ông Tám nói, quả thật là đắng cay, quả thật là cao cả của một người hành đạo. Ông tin chắc, đạo nào, thời nào cũng có những người cao thượng như thế.
Nhìn đồng hồ đeo tay, ông Tám thấy đã hơn hai giờ, ông nói :
- Cô Vãi có thể hôm nay về, cũng có thể là ngày mai, nhưng bà con mình muốn biết tin ông, vậy ông ở lại giữ chùa, còn tôi phải xuống núi bây giờ, về cho kịp xe.
- Chắc phải vậy thôi, ông về trước có lẽ mai tôi về.
Ông Tám uống hết ly nước, ông lại đi lên chùa lễ Phật rồi gọi chú tiểu, cả hai xuống núi, họ đi qua ngã phía sau chùa.
Ông Tư đứng nhìn theo bạn, lòng ông cũng nôn nóng muốn đi theo bạn để xuống núi cùng về, ông đã làm thủ tự ở chốn quạnh hiu nầy, ông vẫn nhớ không khí quán Bà Năm, căn nhà nhỏ của ông và ly cà phê đen nóng, uống vào giờ nầy hay buổi sáng tinh mơ.
*
* *
C
hạng vạng tối cô Vãi về tới chùa, bước lên thềm nhà bếp, cô gọi :- Chú Tư ơi ! Chú Tư ! Chú đâu rồi ?
Từ trong chái nhà bếp, tiếng ông Tư vọng ra :
- Tôi ở đây cô.
Cô Vãi đi luôn vào trong bếp, một lát cô trở ra, bưng theo một ngọn đèn lớn đem đặt giữa bàn nước, ông Tư cũng đi ra ngồi vào chỗ cũ, cô Vãi để một phong thư trên bàn, nói:
- Chú Tư đọc lá thư nầy đi, tôi đi tắm rửa rồi có việc sẽ bàn với chú. Chú đã dùng cơm chưa ? Nếu chưa tôi nấu mì cho chú.
- Cám ơn cô, tôi cũng đã ăn mì vừa xong, mới đi nằm đó. Cô cứ tự nhiên, tôi đọc rồi ngồi uống nước chờ cô.
Cô Vãi lại đi vào trong bếp, ông Tư vói tay lấy phong thư, mở ra trong ấy có lá thư viết tới bốn trang giấy ô vuông, ông phải đi vào trong chái, tìm lấy cặp kính, mang vào để đọc thư.
Kính Bạch Thầy,
Ðêm nay con viết lá thư nầy gửi cho Thầy, cúi xin Thầy xá tội cho con, vì con sẽ không còn trở lại chùa nữa. Con phải trình bày cho Thầy rõ những việc đã xảy ra, khiến con phải viết lá thư nầy.
Sau khi Thầy đi nhà thương để trị bệnh, cách đây hai hôm, cô Diệu Ngọc có sai con qua Hang Hổ thăm và biếu gói trà cho Sư cụ dùng, con qua đến nơi thì có người cháu gái, gọi Sư cụ bằng ông đang ở đó.
Lúc đó chừng mười một giờ trưa, Sư cụ nói với con rằng : " Con ở lại đây, chiều mát hãy về, đợi ta Thiền rồi ta sẽ nhờ con một việc ".
Con phải ở đó đợi khá lâu, rồi con ra chiếc võng nằm nghỉ, con đã ngủ quên ở đó cho tới lúc cháu của Sư cụ gọi con dậy, để ăn khoai lang do cô ấy luộc. Có lẽ lúc ấy đã hơn năm giờ chiều, con tưởng Sư cụ đã ngồi thiền xong, nhưng cháu của Sư cụ nói với con " Lạ quá, sao ông em hôm nay ngồi thiền quá lâu, đến bây giờ cũng chưa xong, hay ăn xong chú vào trong xem thử ". Sau khi rửa mặt, ăn khoai xong, con vào trong hang, đến gần thấy Sư cụ ngồi yên, con tự nghĩ có nên báo cho Sư cụ xả thiền không ? Nhưng con nghĩ trời sắp mưa, con cũng phải về sớm, cần phải báo cho Sư cụ xả thiền vì Sư cụ đã nói, có việc dạy con, Do đó con lấy tay rờ vào bàn tay của Sư cụ, con cảm giác hai bàn tay rất lạnh, con mới rờ tay lên mặt Sư cụ, mặt cũng lạnh như tay, lúc ấy con mới nghĩ rằng có thể người đã tịch rồi, nhưng cũng có thể Sư cụ đang nhập đại định, nghĩ như thế, con ra khỏi hang, cháu của Sư cụ thấy con đi ra liền hỏi xem Sư cụ đã xả thiền chưa, con trả lời chưa, chờ một lát con sẽ báo cho Sư cụ xả thiền, thật ra thì con đang nghĩ làm sao cho Sư cụ xả thiền nếu người đang nhập đại định, làm như vậy có hại chi cho người không ?
Cuối cùng, con quyết định phải báo cho Sư cụ tỉnh thức bằng phương pháp mà các thiền đường đã dùng, con lấy cái chuông lớn đem gần bên lỗ tai Sư cụ, trước con gõ nhẹ để yên một lát, lại gõ to hơn một chút, để cho tiếng chuông ngân đồng thời con theo dõi hành động của Sư cụ, không thấy chi, con lại gõ tiếng to hơn nữa, cứ như thế mà Sư cụ chẳng tỉnh thức, con hiểu rằng Sư cụ đã tịch rồi, con nghĩ có lẽ người bảo với con, người sẽ dạy con là để cho con thấy sự viên tịch đó của người.
Khi con ra khỏi hang, con mới nói với cháu của Sư cụ rằng Sư cụ đã tịch rồi, cô ta khóc và hỏi coi con tính làm sao, con bảo để con về chùa báo cho cô Diệu Ngọc biết, cô ta bảo cô ta không dám ở đó một mình, nhứt quyết yêu cầu con phải đưa về thành phố, báo cho cha mẹ cô ta để lo chôn cất Sư cụ, cô ta bàn rằng Thầy đang nằm nhà thương, cho cô Diệu Ngọc hay càng thêm bối rối, nên về nhà cô ta tốt hơn. Con nghĩ cô ta nói có lý nên đóng cửa hang lại cẩn thận rồi dầm mưa đưa cô ta xuống núi, đón xe cho kịp về thành phố.
Về tới nhà cô ta đã hơn chín giờ, chẳng may ba cô ta đi khỏi, má cô ta chỉ biết khóc và chờ đợi, đến gần mười hai giờ đêm, ông ta mới về, biết được chuyện, hai ông bà ấy bàn tính và cho con biết chờ sáng hôm sau sẽ dậy sớm đi kiếm nhà đòn đem xe lên đó chở Sư cụ về nhà làm đám tang.
Sáng nay, hai ông bà ấy dậy sớm, đi với cô con gái và con đến một nhà đòn rồi cùng họ đi ra Hang Hổ, không hiểu vì sao lại có một vị Tăng, đi lên núi tìm chỗ tu, đang dừng chân tại đó. Con kể chuyện cho vị Tăng ấy rõ, Sư cụ đã viên tịch trong hang, vị Tăng ấy cho biết như vậy là tốt quá, không nên đem về nhà làm lễ, nên để tại đó, hãy thông báo cho các chùa, những người tu ở chung quanh biết, để làm lễ hỏa táng hay nhập tháp cho Sư Cụ tại đó, vì Sư cụ đã đắc quả nên mới viên tịch như thế, lúc ấy cháu của Sư cụ mới nói rằng, cách đó mấy hôm, khi cô mới lên thăm, Sư cụ bảo hãy ở lại chơi, chừng nào ông tịch ở đâu, hãy để ông ở đó, đừng báo mời ai hết, chỉ nội trong nhà lo liệu mà thôi, Sư cụ còn dạy rằng, sống gửi, thác về mà.
Họ bàn tính, rồi vị Tăng ấy lo làm lễ, con với cô gái lại đi xuống núi tìm mua gạch, xi-măng, cát, thuê một người thợ hồ, mướn người vác lên Hang Hổ, rồi họ đã táng Sư cụ ngay trong hang ấy, họ đã xây một bức tường dầy hai mươi, sát sau lưng Sư cụ, những gì ở trong đó họ để nguyên, chỉ lấy ra Tượng Phật, Kinh, chuông, mõ mà thôi. Sau khi xây xong bức tường, họ đặt một bàn thờ Sư cụ nơi bức tường đó, Trên bàn thờ, vị Tăng kia viết bài vị " Hòa Thượng thượng Hồng hạ Liễu chi linh vị ".
Sau khi ấy, vị Tăng xin ở lại đó để tu và trông nom hương khói cho Sư cụ, gia đình ấy đồng ý, rồi nhờ con thỉnh vong về nhà họ để thờ cúng, thế là con phải đi theo họ. Trong hai ngày qua, con làm việc như bị sai khiến bởi một điều gì khác, bởi một lý do gì khác, tối nay con mới hiểu rằng, Con ở chùa ngày tháng chỉ có gõ mỏ, tụng kinh, niệm Phật, không hiểu chi về giáo lý Ðạo mà con tu theo, nay con chọn con đường học hỏi thêm để thấu hiểu giáo lý, con không cam lòng làm một Sơn Tăng.
Ðê đầu kính lạy Hòa Thượng tha tội cho con.
Kính thư,
Tiểu Minh Thọ.
Ông Tư đọc xong lá thư mà cô Vãi vẫn chưa ra nói chuyện, ông rót nước uống, suy nghĩ về những gì Minh Thọ đã viết, chú quyết chọn con đường tu hay lòng đã dính chút bụi trần? Chùa ở đây có bao nhiêu người đâu, nay lại còn vắng hơn, sao lại có nhiều chuyện dồn dập, đưa đẩy vào chốn thanh tịnh nầy ? Ông chỉ là người bàng quan đâu có thể giải quyết những chuyện đã xảy ra. Ông nghĩ chùa đâu chỉ có câu kinh, tiếng kệ, ở chốn hẻo lánh nầy mà những chuyện của bá gia, bá tánh, chuyện nọ chuyện kia cũng có thể mang tới khuấy động chốn thiền môn.
Rồi cô Vãi từ nhà bếp bước ra, cô mặc một bộ nâu sòng, cô kéo chiếc ghế ngồi tựa vách như hôm trước, cô nói :
- Thưa chú Tư ! Tôi về trễ vì ông Thầy đã viên tịch rồi !
Ông Tư ngạc nhiên :
- Ủa ! Ông Thầy đã tịch rồi sao ? Thật hả cô ?
Cô Vãi chậm rải trả lời :
- Dạ thật, khi tôi đến nhà thương hỏi thăm thì mới biết, ông Thầy tịch hồi khuya và người nhà thuê ngay xe đưa về quê, tôi lại phải đi tìm đến quê của ông Thầy ở dưới chợ Cần Giuộc, tôi đến nơi thì người ta liệm ông Thầy rồi.
- Tại sao không đưa về chùa mà lại đưa về quê ? Thân nhân ấy là chi với ông Thầy ?
- Thưa chú Tư, ông Thầy trung niên mới xuất gia, hồi trước ông ở Lái Thiêu, đi buôn bán đồ gốm nên lập gia đình ở tại chợ Cần Giuộc, ông có vợ và hai con trai, đang hồi buôn bán khá giả, bỗng ông giác ngộ, để lại quán hàng xén, nhà cửa cho vợ con, ông lên đây tu, xuất gia đầu Phật, quy y với Hòa Thượng Hồng Liên trụ trì chù nầy, Hòa Thượng đặt pháp danh cho ông Thầy là Nhựt Quang, ban ngày làm lụng cực nhọc, ban đêm chuyên cần kinh kệ, đúng với câu " Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo ", chừng gần mười năm trước người vợ ông đã qua đời, khi trở bệnh nặng, con ông lên đây đưa đi nằm nhà thương, ông Thầy đã có bệnh từ lâu, nay đến thời kỳ chót của bệnh ung thư.
Ông Tư nêu thắc mắc :
- Có người nhà, ông Thầy còn nhắn cô xuống ký giấy tờ gì ?
- Thật ra thì ông Thầy biết mình không qua khỏi cơn bệnh, muốn nhắn tôi xuống để dặn một điều, phải tìm một vị trụ trì.
- Chớ cô không làm trụ trì ngôi chùa nầy được hay sao ?
- Thưa chú Tư, vì chùa nầy bao nhiêu đời nay vị trụ trì là một ông Thầy, đây là một nơi vắng vẻ, trụ trì là một người Nữ thì cũng có những khó khăn.
Ông Tư chợt nhớ đến Thầy Minh Trường, ông nói :
- Hôm qua, có thầy Minh Trường dẫn theo chú tiểu đến đây thăm ông Thầy, cũng định hỏi ý kiến vì chùa thầy có người chủ định lấy lại, trước khi về, Thầy có căn dặn tôi nói lại với cô, có tin gì về ông thầy thì báo cho thầy Minh Trường biết với.
- Tôi đã nhờ người rồi, ngày mai họ sẽ đi ra ngoài ấy báo dùm.
Cô Vãi thở dài rồi hỏi ông Tư :
- Xin lỗi chú Tư, tôi có hơi tò mò một chút, muốn biết chú thím có bao nhiêu con cái ?
- Chúng tôi chỉ có một đứa con trai, năm nay ngoài ba mươi, ở nước ngoài, nó đã lập gia đình cũng đã có con trai được tám tuổi và đứa con gái lên năm.
- Vậy chú Tư cũng thong thả, hay là tôi đề nghị chú Tư làm trụ trì đi.
Ông Tư cắt ngang, từ chối nhanh chóng :
- Ý ! Ðâu có được nè, tôi chẳng biết gì hết làm sao tôi làm trụ trì ! ?
- Xin lỗi chú Tư, chớ mấy hôm nay chú làm gì ?
- Tôi chỉ giữ chùa giùm cho cô mà !
- Ðúng vậy chú Tư, mấy hôm nay tôi nhờ chú giữ chùa giùm, chú là cư sĩ thì gọi là Thủ Tự, nếu chú xuất gia thì là trụ trì.
Ông Tư một mực biện bác :
- Tôi đến đây chỉ vì đi lạc, đụt mưa phải ngủ lại, cô nhờ tôi phải giữ chùa, tôi có muốn đi tu đâu mà làm thủ tự hay trụ trì !
Cô Vãi nói như van xin :
- Chú Tư ! Tình cảnh chùa, xáo trộn chỉ có ba hôm mà thôi, chú Lạc đến đây, Thầy trụ trì tịch, chú Minh Thọ bỏ đi không về, một thân tôi ở đây sớm kinh, chiều kệ cũng được, nhưng mà một thân của tôi là nữ, ở chốn quạnh hiu nầy, có bề nào làm sao thanh tịnh để tu đây, cho nên tôi xin chú hãy vì đạo Phật, bảo tồn ngôi Tam Bảo, vã lại chú cũng già rồi, gửi thân nơi cửa Phật, để gieo nhân tích phước cho đời sau.
Ông Tư im lặng suy nghĩ, ông vói tay lấy bình rót một ly nước cầm đưa lên môi uống rất chẫm rãi, rồi ông quay lại câu chuyện:
- Sao không đem ông Thầy về đây an táng ở chùa ?
- Thưa chú Tư, hai người con xin với ông Thầy, khi ông tịch cho họ đem ông về quê an táng, cho họ làm tròn chữ hiếu, ông Thầy bảo xác thân là giả tạm, cho phép các con ông được như ý nguyện, nhưng đưa về nhà trong vòng bốn mươi tám tiếng phải an táng ông, chớ không được để lâu hơn, cho nên khi tôi về, người nhà đã liệm rồi, có những Thầy và Phật tử các chùa chung quanh đến tụng kinh, sáng nay chôn cất xong tôi về ngay.
- Sao cô về đây trễ vậy ?
- Về đến chân núi, cháu Lan nhận được thư có người mang tới trưa nay, cháu Lan đưa tôi đọc, tôi phải đi qua Hang Hổ lễ sư cụ trước khi về đây.
- Cô có gặp ông Thầy ở bên ấy, như trong thư chú Minh Thọ nói không ?
- Thưa có !
Ông Tư nói nhanh :
- Sao cô không nhờ ông ta làm trụ trì chùa nầy ?
- Có, tôi có mời ông ta, ông ta đã từ chối, ông ta là Thượng Tọa Chánh Minh đã làm trụ trì chùa Viên Giác ở miệt dưới, nay ông ta muốn làm một sơn tăng, ở tạm nơi hang núi hay chòi tranh, cốc lá mà thôi. Hôm nào tôi sẽ đưa chú Tư qua đó thăm cho biết.
Ông Tư chợt nhớ ra, liền hỏi cô Vãi :
- Hình thờ các vị Hòa Thượng, hình ngoài bìa bên tay phải, đó là ai vậy ?
- Thưa chú Tư, đó là Hòa Thượng Hồng Liên vị trụ trì thứ mười ba, ông Thầy mới viên tịch là trụ trì thứ mười bốn, có chi không mà chú Tư hỏi.
- Có ! Ðêm hôm tôi nằm chiêm bao, thấy vị trụ trì ấy dẫn tôi đi đến bụi tre ở gần cổng chùa để đốn măng, đến nơi, tôi vạch lá khô tìm măng thì gặp một quyển kinh, quyển kinh ấy không có chữ, Hòa thượng ấy bước ra, đóng cổng lại, bảo tôi tự đọc đi, tôi đập cửa gọi mở ra rồi tôi chợt tỉnh.
- Chú Tư thấy không, trong giấc mơ chú đã được Hòa Thượng giao cho chú một quyển Kinh Vô Tự , người đóng cổng lại, giao chùa cho chú, lại còn bảo chú tự đọc đi, có phải là đó là duyên của chú làm trụ trì đã được báo trước rồi, chú còn ngại gì nữa ?
Ông Tư xuống giọng :
- Tại sao tôi không ngại, tôi chưa quy y, tôi đâu có muốn đi tu, tôi đâu có thuộc kinh kệ, đương không bảo tôi làm trụ trì, có ai tới hỏi kinh kệ, làm sao tôi biết mà trả lời cho họ đây ?
- Thưa chú Tư, ở chốn núi non nầy không ai đến hỏi chú kinh kệ, miễn chú hiểu được đạo Phật là đạo tu để giải thoát khỏi vòng sanh tử, đối với mọi người mình phải đối xử bình đẳng như nhau, phải có tấm lòng từ bi, đem vui đến để cứu khổ cho mọi người, mọi loài, Phật dạy có tám vạn bốn ngàn pháp môn, như chú tuổi đã cao chỉ cần niệm sáu chữ Nam Mô A Di Ðà Phật, đi đứng nằm ngồi đều giữ cho tâm mình, chuyên chú theo tiếng niệm Phật mà thôi.
- Nói thì nghe dễ, nhưng chắc là khó, nếu không ai tu cũng đắc đạo hết rồi !
- Chú nói đúng, luôn luôn lúc đầu là khó, nhưng tập lần rồi quen, nếu chí quyết thì thành thưa chú. Có những người đã đắc quả nhưng chỉ có họ biết, chớ đâu cần phải khoe khoan với mọi người, vã lại có người nói tôi tu đắc nọ, đắc kia chưa chắc là họ đã đắc !
- Có lẽ cô phải để cho tôi có thời gian suy nghĩ cái đã !
Cô Vãi nói như ông Tư đã quyết định rồi :
- Tôi định sẽ xuống bạch với Thượng Tọa Giác Hạnh, trụ trì chùa Phật Quang để xin cho chú thí phát quy y, chờ khi nào có giới đàn chú sẽ thọ giới Sa Di.
- Ðể rồi sẽ tính, còn trường hợp chú Minh Thọ thì cô tính sao ?
" Lâu rồi, chừng năm bảy năm về trước, tại đây, có một vị khách Tăng đến chùa, nhân bàn chuyện tu hành vị Tăng ấy có kể một chuyện như sau :
Có một vị Thiền sư kia tu ở trong núi non cùng cốc, trong cửa Thiền của Ngài có một chú tiểu, cha mẹ chú ấy qua đời sớm, người ta đem chú gửi vào cửa Thiền lúc chú ấy lên hai hay lên ba, Thiền sư muốn chú tiểu ấy được nuôi dạy trong thiền môn, nhiều năm không cho xuống núi bao giờ, nên chú ấy không hiểu gì về thế tục, đến năm chú tiểu được 14 hay 15 tuổi, vì có việc cần, vị Thiền sư xuống núi, lại phải dẫn theo chú tiểu.
Chú tiểu ra khỏi chùa, xuống đồng bằng thấy cái gì cũng lạ, thấy con trâu chú cũng hỏi là con chi, thấy cái cày chú cũng hỏi là vật chi, có một thiếu nữ đội nón lá đi ngang qua hai thầy trò, chú tiểu hỏi đó là chi, Thiền sư trả lời : " - Ðó là cái nón lá ".
Trở về núi, vài hôm sau thiền sư để ý thấy chú tiểu có nhiều lúc băng khoăng nghĩ ngợi, để gợi cho chú tiểu nói ra điều u uẩn ấy, Thiền sư hỏi vì sao chú tiểu buồn,nhớ cái chi, chú tiểu trả lời " - Dạ con nhớ chiếc nón lá ! ".
Cho nên chú Minh Thọ, tâm chỉ buông lung chốt lát, trường hợp nầy, tôi thấy cần thiết phải đi tìm càng sớm càng tốt, để đưa chú trở lại chùa.
Ông Tư hỏi ngay :
- Tìm bằng cách nào đây ?
- Tôi định ngày mai, tôi trở xuống dưới, tới nhà con cháu sư cụ hỏi thăm, để tìm ra manh mối.
- Nếu thế ngày mai cô đi đi, tôi ở lại trông nom chùa để có thời gian suy nghĩ cho chính chắn.
- Vậy chú Tư đi nghỉ sớm, tôi đi tụng kinh và để cầu nguyện cho Thầy.
Ông Tư đi về phía chái nằm nghỉ, cô Vãi trở vào trong rồi lên chánh điện tụng kinh, tiếng mõ của cô gõ đều đặn nhưng lúc nhỏ, lúc to làm cho ông Tư càng thêm khó dỗ giấc ngũ, ông trằn trọc để chọn lựa nên đi tu hay là không ? Và ông tu để giải thoát hay để làm trụ trì giữ cho ngôi Tam bảo được trường hưng như tấm biển gỗ treo trong chánh điện của chùa.
*
Cũng đêm nay ở chùa Ðại Giác, nơi thầy Minh Trường trụ trì đang tụng kinh Hồng Danh Sám Hối, Chánh điện chùa nầy có ba gian, gian giữa tôn tượng Bổn sư đang tĩnh tọa, có một hương án để lư hương, chuông, mõ, một bình hoa và một đĩa trái cây, chừa một khoảng trống lại có hương án, mặt tiền có ba khung chạm trổ, sơn son thếp vàng, khung giữa hình bánh xe Pháp luân, khung bên trái cảnh Phật đản sinh, khung bên phải cảnh Phật nhập niết bàn, trên mặt hương án có đặt một bộ lư với đôi chân đèn bằng đồng, có bình hoa và một đĩa trái cây, trước bộ lư còn có một lư hương khá lớn, bên trên có treo bức hoành chữ viết thảo chạm nổi, cũng sơn son thếp vàng Ðại Hùng Bửu Ðiện
, gian bên tay trái thờ tượng đức Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, gian bên tay phải thờ tượng đức Phổ Hiền Bồ Tát, mỗi tượng đều có hào quang điện, riêng tượng đức Bổn sư hào quang lớn hơn, hai bên tường có đèn hồ quang, tất cả đèn cháy sáng làm cho chánh điện huy hoàng.Trước tượng Bổn sư, sau hương án Thầy Minh Trường chủ lễ, bên cạnh có thầy Từ Thông, hàng sau là hai cô ni Diệu Hòa, Diệu Ðức, lại có hai chú tiểu Thiện Ðức hầu chuông, Thiện Phúc hầu mõ, phía tượng đức Văn Thù Sư Lợi, Nam xếp thành hai hàng chừng mười lăm người, phía tượng đức Phổ Hiền, Nữ xếp thành bốn hàng chừng hai mươi vị, họ đều mặc áo tràng, kẻ màu nâu, người màu lam, trước hương án, có hai hàng của các em nhỏ, trai xếp thành một hàng, gái xếp thành một hàng, tuổi chừng mười ba, mười bốn ăn mặc sạch sẽ chớ không có áo tràng như người lớn.
Sau khi thầy chủ lễ xướng, mọi người niệm danh hiệu theo, chấm dứt bằng một tiếng chuông thì mọi người lạy một lạy rất nhịp nhàng, chứng tỏ những buổi tụng kinh nầy trở nên quen thuộc và nhuần nhuyển đối với họ.
Sau khi hết thời kinh, Thầy Minh Trường bước ra khỏi chỗ hành lễ, quay mặt về phía Phật tử, thầy nói :
- Hôm nay có việc quan trọng của chùa, mời quý Phật tử bước ra hậu Tổ dùng chè, để nghe thầy nói chuyện rồi hãy ra về.
Một vài Phật tử nghe thầy nói xong liền " Dạ ! ", số khác xá thầy, rồi mọi người lần lượt đi đến hai cửa ở giữa tượng Phật và Bồ Tát, để đi vào hậu Tổ.
Ở hậu tổ cũng có ba gian, mỗi gian để một dãi bàn dài, hai bên có băng ngồi, kê sát tường sau tượng Phật là bàn thờ tổ Ðạt Ma, bên tay phải một bàn thờ vong nữ, bên tay trái là bàn thờ vong nam, phía sau là tăng phòng, sau nữa mới là nhà bếp, hậu liêu nầy chỉ chứa chừng một trăm người mà thôi, tuy có thắp hai ngọn đèn hồ quang song không đủ sáng lắm, làm cho hậu tổ với những bàn thờ vong trở nên âm u hơn.
Mọi người sau khi cỡi áo tràng, không ai bảo ai, họ tự động bưng chè, xôi để trên bàn, dãi giữa có ba mâm dành cho hai thầy, hai ni cô và hai chú tiểu, dãi bàn bên tay trái nam phái ngồi và các em trai, dãi bàn bên phải nữ phái ngồi với các em gái, chùa tổ chức có nề nếp, qui củ.
Thầy Minh Trường cũng như cô Diệu Hòa và Diệu Ðức đi mời Phật tử dùng chè, sau đó mới trở về chỗ của mình để dùng chè, chờ cho lúc mọi người ăn chè xong, đến khi uống nước, thầy mới bắt đầu nói :
- Hôm nay, thầy muốn báo cho quý Phật tử biết, thầy Chân Quang mấy hôm trước có đến đây, thầy ấy nói muốn trở về chùa để tu, có đưa cho thầy xem những giấy tờ chứng tỏ thầy ấy là chủ ngôi chùa nầy, cho nên thầy nghĩ rằng thầy Chân Quang muốn lấy lại ngôi chùa nầy.
Thầy Minh Trường nói chưa dứt lời đã có vài Phật tử xầm xì " Ðâu có được ! ", " Tại sao vậy hè ?", " Thầy ấy bỏ chùa nầy khi cất chưa xong mà ! ", một người đàn ông cao niên hơn cả, có lẽ chừng bảy mươi, đó là ông Ba Hồ, ngồi ở đầu bàn của phái Nam nói :
- Bạch thầy ! Cho phép con nói điều nầy, mười mấy năm trước, thầy Chân Quang cất chưa xong ngôi chùa nầy, thầy ấy bỏ đi, chúng con thĩnh thầy về làm trụ trì, ngày đó đến nay chúng ta xây cất thêm nhà tổ, hậu liêu, thĩnh tượng, đúc chuông, nếu không có chúng ta chùa nầy chắc đã bị hư hỏng hết rồi, ai cũng biết chùa nầy do công cán, tiền của của chúng ta đóng góp vào xây dựng, nếu thầy ấy nhất định lấy lại thì chúng ta phải đưa ra làng xóm xử mới được.
Cả nam nữ cư sĩ, có mấy người đều nói :
- Huynh Ba nói phải đó !
Một người đàn bà ngồi giữa bàn, tuổi trên năm mươi nói :
- Mô Phật, Bạch thầy xin cho phép con nói, thầy Chân Quang không có quyền gì hết, thầy ấy bỏ chùa, thầy trò chúng ta phải ra tay xây dựng, như Huynh Ba nói chúng ta bỏ ra nào tiền của nào công cán, bây giờ thầy ấy lấy chùa lại, chỗ đâu cho chúng ta tụng kinh, thọ Bát quan trai ? Chúng con cúi xin thầy tìm mọi cách để giữ cho được ngôi chùa nầy.
Thầy Minh Trường im lặng, bình tĩnh lắng nghe, ghi nhận những phản ứng của Phật tử, thầy hiểu phải rất khó khăn mới có thể làm cho Phật tử hiểu được sự thâm diệu của giáo lý đạo Phật, điều đó không phải nói : Tôi có nghe thuyết pháp, tôi có đọc kinh sách nhưng mà chừng nào gặp trường hợp thực tế, đối diện với vấn đề như chuyện ngôi chùa Ðại Giác nầy, mới biết được sự thấm nhuần lời Phật dạy như thế nào.
Thầy Từ Thông rót hai tách nước trà, chuyển sang cho Thầy Minh Trường một tách, Thầy Minh Trường cầm lấy uống một hớp thong thả rồi nói :
- Xin quý Phật Tử hãy nghe thầy nói, chùa là ngôi Tam Bảo, có Phật, Pháp và Tăng để cho quý Phật Tử nương dựa vào mà tu, thầy Chân Quang hay thầy đây cũng vậy, đều là Sứ giả của Như Lai, có bổn phận dẫn dắt quý Phật Tử tu hành, thầy Chân Quang có về đây để làm chủ chùa thầy ấy cũng phải làm theo những gì tốt đẹp xưa nay chúng ta đã làm, để cho đạo Phật ngày càng hưng thịnh, Phật tử ngày càng đông đảo hơn.
Thầy Minh Trường uống thêm một hớp nước nữa rồi nói tiếp :
- Sở dĩ mà hôm nay thầy nói cho quý Phật tử biết chuyện nầy, để sự việc xảy ra quý Phật tử khỏi bất ngờ, hơn nữa thầy mong quý Phật Tử đừng nghĩ một chuyện gì không phải cho thầy Chân Quang, chúng ta phải làm những gì như Phật đã dạy, phải để cho những người khác thấy đạo Phật là đạo Từ bi, không bao giờ gieo rắc hận thù, đối xử với nhau trong " Sáu món hòa kỉnh " . Quý Phật Tử nào có ý kiến chi nữa không ?
Một Phật tử tuổi ngoài năm mươi, ngồi đầu bàn đối diện với ông Ba Hồ, xin có ý kiến :
- Bạch Thầy xin cho phép con nói.
- Mời quý đạo hữu cứ tự nhiên.
Ông ta tằng hắn giọng rồi mới nói :
- Bạch thầy, theo lời thầy đã dạy, chúng con sẽ làm theo, không biết thầy có tiếp tục ở đây nữa hay không ? Cũng không biết thầy Chân Quang có tổ chức các lớp Phật Pháp, Thọ Bát Quan Trai, khóa lễ Sám Hối hàng tháng như đêm nay không ?
Những suy nghĩ của Thầy Minh Trường mấy hôm nay, trước Thầy định sẽ giao chùa cho thầy Chân Quang rồi trở về Hang Mai, ở nơi an tĩnh đó để dễ bề tu hành, nhưng còn những Phật Tử ở đây thì sao ? Cho nên Thầy thấy chỉ có một lựa chọn, thầy phải ở lại đây cho Phật Tử an lòng, Thầy phải cùng với thầy Chân Quang, để lo cho Phật sự ngày càng viên mãn. Quyết định nầy Thầy đã có từ hôm qua, sau khi ở trên núi trở về, Thầy trả lời cho Phật Tử vừa mới hỏi :
- Huynh Thiện Hữu thắc mắc như vậy cũng phải, thầy sẽ ở đây với quý đạo hữu, có thêm thầy Chân Quang trong nom chùa, thầy sẽ lo việc Phật sự được nhiều hơn, những gì chúng ta đã có, thầy hứa với quý đạo hữu vẫn sẽ tiếp tục, cả thầy Chân Quang, thầy, thầy Từ Thông và hai cô Diệu Hòa, Diệu Ðức, thầy tin tưởng chùa chúng ta sẽ sung túc hơn lên.
Thầy Minh Trường vừa nói xong, có một thanh niên, tuổi gần ba mươi, ngồi gần cuối dãi bàn nói :
- Bạch Thầy ! Con có một việc, không biết có nên nói hay không ?
Thà rằng đừng nói gì, thanh niên ấy đã nói úp mở như thế, chẳng khác nào như chuyện kín kín, hở hở ai cũng nôn nóng muốn biết, mà nhất là người đàn bà ngồi giữa dãi bàn, khi nãy đã có ý kiến, giờ lại lên tiếng :
- Anh Long có việc chi thì bạch với quý Thầy và cho Huynh đệ biết luôn thể, nếu được thì tiện đây, mọi người sẽ góp thêm ý kiến.
Ngần ngại rồi thanh niên ấy cũng nói :
- Bạch Thầy, thưa quý bác, hôm qua ông anh họ con ghé nhà cho biết, Chi Nhánh Ðiện sẽ lập một cái Trạm biến thế, chùa ta nằm trong khu vực Trạm.
Người đàn bà ấy nhanh nhẩu cắt lời anh thanh niên, hỏi :
- Như vậy chùa ta ra sao ?
- Theo anh cháu nói, chương trình nầy có dự trù tiền để đền cho chùa và những nhà cửa trong khu vực Trạm. Nhưng họ chỉ đền bù cho những ai là chủ, có giấy tờ hợp pháp.
Người đàn bà ấy lại tiếp :
- Vậy họ không đền cho chúng ta à ?
Ông Ba Hồ trả lời :
- Theo nguyên tắc, họ không đền cho chúng ta nhưng theo tôi nghĩ, chúng ta có thể làm đơn yêu cầu họ cứu xét như trường hợp chủ đất có đất cho người khác thuê cất nhà ở, người ta sẽ đền tiền đất bị trưng thu cho chủ đất, còn nhà cửa, hoa lợi của người mướn đất sẽ đền cho người mướn đất.
Thầy Minh Trường nói :
- Cám ơn anh Long cho biết tin nầy, cám ơn Huynh Ba đã giải thích rõ thắc mắc, nếu Ðiện Lực đã có kế hoạch xây dựng Trạm, ở khu vực chùa chúng ta, việc ấy còn quan trọng nhiều hơn việc thầy Chân Quang, thầy mong rằng tin nầy sẽ không đúng, nhưng nếu đúng như vậy thì, rồi đây chùa phải dở ra. Có được đền bù hay không, chúng ta cũng phải tìm chỗ khác để xây cất lại chùa, công của lại phải đổ ra, việc tu học của quý đạo hữu cũng gặp phải khó khăn.
Ðạo hữu Thiện Hữu lại hỏi :
- Bạch thầy ! Xin thầy dạy cho, bây giờ chúng con phải làm sao ?
- Như thầy vừa mới nói, chưa biết Ðiện Lực có xây Trạm Biến Ðiện ở đây hay không ? Ðạo hữu nào có quen với Chi Nhánh Ðiện hay Công Ty Ðiện hỏi thăm xem, bây giờ thì chúng ta chờ xem như thế nào. Ðêm cũng đã khuya, mời quý Ðạo hữu về nghỉ, chuyện thầy Chân Quang trở về hay chuyện Trạm Biến Ðiện xây tại chùa nầy, hãy xem như có có, không không vậy mà, quý đạo hữu đã biết, đủ nhân duyên thì nó có, không đủ thì nó không vậy.
Các Phật tử chia nhau thu dọn chén bát, lau bàn ghế rồi lần lượt chào quý Thầy, quý ni cô để ra về, họ đi với nhau từng tốp đôi ba người, đêm ba mươi trên nền trời xanh có những vì sao, đường họ đi không ánh sáng, tối tăm cũng như viễn ảnh tối tăm về tin thầy Chân Quang trở về và nơi đất chùa sẽ bị xây Trạm Biến Ðiện, điện chưa thấy sáng mà trong lòng họ lại thấy tối tăm như trên con đường dẫn họ về nhà đêm nay.
Ở trên núi ông Tư Hiền vẫn trằn trọc khó ngủ, ông tự hỏi những xáo trộn chốn thiền môn, phải chăng đó cũng là pháp luân thường chuyển, thế gian thường nói tre tàn thì măng mọc, thầy Nhật Quang là cây tre đã tàn, chú Minh Thọ là măng lại không chịu mọc, nếu ông ở lại đây tu để bảo tồn ngôi Tam Bảo nầy, ông cũng là cây tre già chớ nào phải mục măng non !
Bên ngoài có gió thổi, những cành lá xạt xào, hình như sắp sửa có một cơn mưa, ông Tư Hiền nghĩ, người ta nói : Sau cơn mưa trời lại sáng, biết đâu đêm nay ở nơi chốn nào đó, chú Minh Thọ lại chẳng hồi tâm, chú nhớ núi, nhớ rừng, nhớ hình bóng đức Phật ngồi trên toà sen, nhớ tiếng kinh tụng ê a, nhớ tiếng mõ nhịp đều của chú, nhớ tiếng chuông vang dội đêm trường, những thứ đó ám ảnh, thúc dục làm cho chú thức tĩnh, nhờ thế ngày mai chú trở về sớm, lúc hừng đông.
*
( * ) Trở về Mục Lục