Giới thiệu
KINH TIỂU BỘ
(Khuddaka Nikàya)
Giáo-sư Trần Phương Lan
(Viện Nghiên Cứu PHVN)
Thật là hân-hạnh cho tôi khi được Hoà-thượng Tổng Biên Tập báo Giác Ngộ mời tham gia chủ đề Giới-thiệu Kinh trên NSGN. Nhân dịp này tôi xin giới thiệu những tập kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikáya) tạng Páli, mà tôi đã được Hoà thượng Thích Minh Châu giao phó phiên dịch từ năm 1984 khi Ngài bận nhiều Phật sự diều hành Trường Cao cấp Phật Học Việt-Nam (nay là Học Viện Phật Giáo Việt Nam, thành-phố HCM) và Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đến nay.
Trước hết, tôi xin trình bày sơ lược nội-dung của Tiểu Bộ Kinh trước khi trích đăng một số kinh của hai tập chuyện Thiên Cung và chuyện Ngạ Quỷ thuộc bộ kinh này.
Tiểu Bộ Kinh có nhan đề "Tiểu Bộ" nhưng lại chứa đựng số luợng kinh lớn nhất trong năm bộ Nikàya là 15 tập, so với Trường Bộ (3 tập), Trung Bộ (3 tập), Tương Ưng Bộ (5 tập), và Tăng Chi Bộ (3 tập). Chữ Tiểu ở đây, theo các vị luận sư, muốn chỉ tích cách hỗn hợp nhiều đề tài được diễn tả bằng nhiều thể văn khác nhau, từ các kinh kệ ngắn gọn do Ðức Phật thuyết giảng, các tiền thân Ðức Phật vói hàng ngàn bài kệ do các vị Tỳ kheo cảm tác, tiểu sử các Ðức Phật, các vị A La Hán, sự tích Thiên cung, Ngạ quỷ do chư vị kế tập kinh điển biên soạn ... đến các luận thư phân tích giáo lý mở đầu cho văn học A Tì Ðàm (Abbidhamma) của Luận tạng về sau. Tóm lại, Tìểu Bộ kinh là một hợp tuyển đa diện gồm 15 tập theo thứ tự như sau:
1) Khuddaka Pàtha (Tiểu tụng): gồm 9 kinh và kệ ngắn gọn do Ðức Phật thuyết về Tam quy, Thập giới, các điềm lành, Phật bảo, lòng từ .v.v. cho các đệ tử mới học đạo.
2) Dhammapada (Pháp cú): gồm 423 bài kệ do Ðức Phật thuyết được sắp theo các chủ đề trong 26 phẩm, là tập kinh phổ biến nhất trong các nước theo Ðạo Phật Nam truyền vì tính cách cô-đọng phần cốt tủy của giáo lý qua các bài kệ ngắn gọn làm nền tảng của nếp sống đạo, từ đó nhiều bộ kinh lớn được phát triển về sau.
3) Udána (Cảm hứng ngữ): gồm 80 chuyện gợi niềm cảm hứng để Ðức Phật phát biểu những vấn-đề hoan hỉ có tính cách giáo dục và khích lệ hội chúng, được chia thành 8 phần.
4) Itivuttaka (Phật thuyết như vậy): gồm 112 kinh chia làm 4 chương theo lối văn xuôi pha lẫn thơ kệ. Tập này cũng trích dẫn những cảm hứng ngữ trang nghiêm của Ðức Phật nhưng bắt đầu bằng câu :"Ðây là điều được Ðức Thế Tôn thuyết và tôi nghe như vầy).
5) Suttanipàta (Kinh tập): gồm 71 kinh trong 5 chương viết theo thể kệ, miêu tả hoàn cãnh xã hội cổ Ấn độ và bàn luận những lời dạy đầy tính cách triết học và đạo đức của Ðức Phật, cùng lý tưởng trong nếp sống thanh tịnh của các Tỳ kheo.
6) Vimanavatthu (Chuyện Thiên cung): gồm 85 chuyện chia ra 7 chương miêu tả mọi cảnh huy hoàng của các lâu đài Thiên Giới ở đời sau dành cho những người sống theo chánh đạo và làm thiện sự ở đời này.
7) Petavatthu (Chuyện Ngạ Quỷ): gồm 51 chuyện trong 4 chương miêu tả cảnh giới khổ đau của các loài quỷ do ác nghiệp của chúng tạo ra ở đời này. Cả hai tập chuyện này nhằm nói lên tương quan giữa nghiệp và quả, cùng khích lệ sự tu tập của giới tại gia.
8) Theragàthà (Trưởng Lão Tăng kệ): gồm 1360 bài thơ kệ do 264 vị tỳ kheo cảm tác từ đời sống tu tập của chư vị.
9) Therigàthà (Trưởng lão Ni kệ); gồm 524 bài kệ do 73 Tỳ kheo ni cảm tác. Cả hai tập thi kệ này được đánh giá là những tác phẩm đẹp nhất trong văn học Ấn Ðộ vì tính cách mang nặng tình người hòa lẫn thiền vị của các đệ tử Phật. Ðây là những khúc hoan ca phản ảnh đời sống thanh tịnh của những người tầm cầu giải thoát giác ngộ, chân hạnh phúc.
10) Jàtaka (Bỗn sanh hay Chuyện Tiền thân Ðức Phật): gồm 547 chuyện ngấn và dài theo thể văn xuôi xen kẽ thi kệ trong 22 chương theo thứ tự các bài kệ tàng dẫn từ chương một với một bài kệ cho đến chương 22 chấm dứt với tiền thân Vessantara nổi tiếng qua cả ngàn bài kệ. Các chuyện tiền thân có mục đích tạo niềm tin vào đạo pháp trong mọi tầng lớp xã-hội từ vua chúa, Bà La Môn cho đến các giới bình dân cùng khổ. Ðối với các học giả, các chuyện tiền thân có tầm quan trọng lịch sử vì chúng được xây dựng trong khung cảnh Ấn Ðộ cổ-đại.
11) Nidesa (Nghĩa Tích): là một luận thư trình bày sự phân tích bình giải các vấn đề giáo lý của tập kinh Sutta Nipata. Sách này gồm hai phần: Ðại nghĩa tích và Tiểu nghĩa tích.
12) Patisambhidàmagga (Vô ngại giải đạo): một luận thư trình bày các vấn đề phân tích giáo lý theo hình thức hỏi đáp như trong bộ A Tì Ðàm. Hai tập kinh này được đánh giá là các tác phẩm tiền phong của văn học A Tì Ðàm và được xem là do Tôn gỉa Samputta (Xá Lợi Phất) thuyết giảng và bình luận 32 vấn-đề giáo lý trong 3 phẩm.
13) Apadana (Sự nghiệp anh hùng): Kể theo thể thơ kệ cuộc đời Ðức Phật và các Thánh đệ tử của Ngài. Tập kinh gồm 4 phần cuộc đời Ðức Phật Gotama (Thích Ca), 41 vị Ðộc Giác Phật và 559 vị tỳ kheo và Tỳ kheo ni đã trải qua những cuộc chiến đấu anh hùng cao thượng để đạt cứu cánh giải thoát giác ngộ.
14) Budda Vamsa (Phật sử): tập kinh theo thể thơ kệ nói về sự tích 24 vị cổ Phật từ Ðức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng) đến Ðức Phật Kansap (Ca Diếp) và cách các Ðức Phật chuyển pháp luân. Tất cả đều do Ðức Phật Gotama kể lại từ khi Ðức Phật Dipankara thọ ký cho đến khi Ngài diệt độ trong Niết bàn Vô dư y.
15) Cariyà Pitaka (Sở hạnh tạng): gồm 35 chuyện tiền thân Ðức Phật được kể theo lời thỉnh cầu của Tôn giả Samputta, với mục đích nêu rõ ý chí tầm cầu giải thoát với nỗ lực cao độ và sự hy sinh vô thượng mà Bồ tát đã thực hiện qua mười công hạnh ba la mật (viên mãn) của Ngài.
Năm tập kinh đầu tiên của Tiểu Bộ đã được Hoà thượng Thích Minh Châu phiên dịch. Nay tôi xin giới thiệu hai tập kể tiếp là Vimanavatthu (Chuyện Thiên Cung) do tôi phiên dịch từ bản tiếng Anh của nữ học giả I. B. Horner, một dịch giả xuất sắc của hội Kinh tạng Páli-Anh quốc, và sau này trở thành Chủ tịch của hội, và tập Petavatthu (Chuyện Ngạ Quỷ) do học giả H. S. Gehman (Mỹ quốc) dịch, cũng trực thuộc hội này.
Hai tập kinh này được xếp thành một đôi vì cách trình bày hình thức lẫn nội dung đều tương tự. Cả hai tập kinh đều đề cập đến sự tương quan giữa nghiệp và quả (Kamma - Vipàka), giữa đời này và đời sau. Tập Vimanavatthu gồm bảy chương trong đó có 4 chương miêu tả các lâu đài trên Thiên giới dành cho các nữ nhân và 3 chương dành cho nam nhân.
Tất cả các vị này đều đã sống đời đạo hạnh, hành trì Ngũ giới và Bát quan trai giới cùng các việc thiện khác, tùy theo phương tiện khả năng của mình.
Tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Maha Moggallana tường trình lên Ðức Phật sau khi tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau Ðức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.
Ở tập kinh này, chúng ta được dịp thưởng thức các vần thi kệ miêu tả đầy đủ mọi chi tiết về các kỳ quan trên thiên giới mà ta chưa từng gặp trong các tập kinh trước đấy của năm bộ Nikàya. Các vần kệ đầy thi vị hòa lẫn đạo vị ấy nói lên tính cách phong phú trữ tình của văn học Phật được chư Tỳ kheo sáng tác với mục đích khuyến giáo sự tu tập của giới Phật tử tại gia.
Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu) là tập kinh song hành với tập chuyên Thiên cung miêu tả cảnh giới khổ đau của những người đã tạo ác nghiệp từ tăng chúng cho đến giới cư sĩ tại gia. Các loài quỷ (Peta) trong các chuyện này gồm hai loại: Một loại ngạ quỷ hoàn toàn chịu khổ đau mọi mặt và một loại quỷ thần được hưởng một phần hạnh phúc do một số thiện nghiệp đã làm và một phần khổ đau do ác nghiệp đời trước.
Tuy nhiên, một số quỷ này được hưởng phước báo khi may mắn gặp thần nhân hay một vị Tỷ kheo thương xót và nhận làm các thiện sự, bố thí, cúng dường .vv.. rồi hồi hướng công đức về chúng để mong chúng được thoát khổ cảnh. Ở đây ta gặp những vần kệ miêu tả sự tương phản giữa hai cảnh giới ngạ quỷ và thần tiên của các loài quỷ.
Qua hai tác phẩm trên, tôi hy vọng chư vị Phật tử và độc giả thưởng thức những công trình văn học Pàli đầy tính cách đạo đức khuyến dụ mọi giới Phật tử một nếp sống đạo hạnh chân chánh để được hưởng hạnh phúc ở đời sau, nếu chưa được giác ngộ giải thoát hoàn toàn theo lý tưởng Phật giáo. Ước mong chư vị Phật tử và độc giả được nhiều pháp lạc và nếu chư vị muốn thì sau này có thể tìm đọc trọn vẹn Tiểu Bộ Kinh sắp được xuất bản lần lượt từ năm nay theo chương trình Ðại Tạng Kinh Việt Nam của Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam.