Hàn Sơn Thập Ðắc và Hàn Sơn Tự

*

Lý Nhược Tam

Trần kiếp lịch thiên dư niên, trùng phục cựu quan, hạnh hữu danh hiền lai tác chủ,
Tri nhân đề nhị thập bát tự, trường lưu thắng tích, khả tri giai cú bất tu đa.

Câu đối Hàn Sơn của Trần Phước Bảo, đời Thanh.

Tương truyền Hàn Sơn và Thập Ðắc thuở nhỏ ở cùng thôn, tuy khác họ nhưng thân nhau như anh em ruột. Hàn Sơn lớn tuổi hơn Thập Ðắc, thời thanh niên có tình với một thôn nữ trong làng, nào ngờ Thập Ðắc cũng sa vào lưới tình nầy. Mãi đến ngày sửa soạn thành hôn với thôn nữ, Hàn Sơn mới biết được bạn mình Thập Ðắc cũng thầm yêu cô thôn nữ, Hàn Sơn nghĩ thương tình thân thiết bạn bè, quyết định nhường lại mối tình nồng cho Thập Ðắc, lập tức bỏ nhà ra đi.

Hàn Sơn lầm lũi rời xa thôn làng như chạy trốn, suốt cả tháng trời, Hàn Sơn đi đến một ngôi chùa trên núi Thiên Thai ngoài cửa Xương Môn cách chợ Tô Châu năm dặm, gần Phong Kiều, ngôi chùa cất đã trên trăm năm vào thời Nam Bắc triều giữa năm Thiên Giám nhà Lương (CN 503-519), ban đầu chùa có tên "Diệu Lợi Phổ Minh Tháp Viện", còn có tên là "Phong Kiều Tự". Ðứng trước ngôi cổ tự thanh u yên tịnh cùng với tâm trạng buồn chán, Hàn Sơn dứt khoát xin vào chùa làm công quả. Sau một thời gian, phát nguyện thế phát qui y làm Tăng, vào ở trong một hang đá trên vồ Hàn Nham.

Ở quê nhà từ khi Hàn Sơn đi rồi, Thập Ðắc rất cảm kích tình bạn của Hàn Sơn, trong lòng dằn dặt nỗi bất an, cuối cùng Thập Ðắc quyết phá vỡ lưới tình ra đi để tìm Hàn Sơn. Sau khi dò la biết được Hàn Sơn hiện tu trong Phong Kiều Tự trên núi Thiên Thai, lòng mừng khấp khởi, ngày đêm lặng lội mong sớm gặp lại Hàn Sơn. Tìm được đến nơi, Thập Ðắc ngắt một cành hoa sen trắng mãn khai nơi liên trì trước chùa, nhờ một vị Sư đưa vào dâng tặng cho Hàn Sơn để biểu lộ tâm ý, Hàn Sơn nhận được đóa sen và biết Thập Ðắc đến tìm gặp mình, sẵn bát cơm trên tay Hàn Sơn liền chạy ra tận cổng chùa nghinh đón tặng bát cơm cho Thập Ðắc, còn mình thì cầm cánh hoa sen của Thập Ðắc, rồi hai người bạn cố tri lại được trùng phùng, tay bắt mặt mừng, ôm nhau nhảy múa, khắn khít thân tình. Hàn Sơn giữ Thập Ðắc ở lại chùa, Thập Ðắc cũng muốn đi theo con đường của Hàn Sơn, bắt đầu học kinh kệ, tập làm Phật sự. Hàn Sơn rất vui mừng, nguyện đem hết những sở đắc thuyết giảng cho bạn. Vốn tánh tình chất phác, tiếp thọ giáo pháp cũng nhanh, kiên trì tu tập và xin Hàn Sơn xuống tóc cho mình nương vào cửa Phật, thế là Thập Ðắc trở thành một vị Tăng hằng ngày chấp tác nơi trù phòng lo việc củi gạo cho chùa, cung dưỡng Tăng chúng.

Hằng ngày sau khi thu xếp việc trai phạn, Thập Ðắc đều lên Hàn Nham cùng Hàn Sơn, qua giờ chỉ tịnh, hai người thường cùng nhau luận giải kinh luật, nói cho nhau nghe về chuyện nhân tình thế thái, rút ra nguyên nhân tập tánh đẩy đưa con người có những hành vi xấu làm cho khổ đau nhau, ghi lại thành thi ca, đề lên cây viết lên đá cùng ngâm vịnh, những đêm trăng sáng họ cùng đùa giỡn dưới trăng, ca hát ngông nghênh thỏa thích, hoặc vào những đêm đại tuyết, ngồi trong nham động bên ánh lửa bập bùn ngắm tuyết rơi trước cửa động. Thơ của hai người ngày nay sưu tập được trên 300 bài (Hàn Sơn Tử Thi Tập), một số bài ghi lại những thú vui rừng núi, cảnh vật thiên nhiên nhàn thích, còn lại đa phần nói lên những thói đời tốt xấu, phúng thích thói hư tật xấu, cảnh tỉnh người tốt tánh mê, hoặc châm biếm người xuất gia mà không ra khỏi tâm trần tục, không giữ giới, vọng động theo sinh kế, lời thơ chất phác thông tục, gắn liền khẩu ngữ lý ngôn, không trao chuốc kỹ xảo, phong cách mộc mạc bình thật, chú trọng thuật ý, thấm đượm lòng từ bi hỷ xả, cảnh tỉnh thế gian, khuyên dạy mọi người hướng thiện.

Từ khi có hai vị chủ trì, ngôi chùa trở nên nổi tiếng, tín chúng thập phương xa gần biết đến, hương khói khôn nguôi, khách hành hương đến chiêm bái nghe pháp ngày một đông thêm, người phát nguyện qui y cũng rất nhiều, thế là từ đó cái tên Diệu Lợi Phổ Minh Pháp Viện trở thành tên Hàn Sơn do lão bá tánh lấy tên vị trụ trì Hàn Sơn mà gọi tên chùa; đó là vào khoảng thời gian Ðường Trinh Quan (CN 627-649). Ðến đời Tống Gia Hựu (CN 1056-1063) từng đổi tên "Phổ Minh Thiền Tự", nhưng dân chuíng vẫn quen gọi Hàn Sơn Tự cho đến ngày nay.

Hàn Sơn Tự được nổi danh là nhờ hành trạng của hai vị Hàn Sơn -Thập Ðắc mà tín chúng thời đó gọi là Bồ tát, hai vị đã thâm khế giáo pháp, hoằng dương quảng độ, mọi người đều kính ngưỡng.

Cái tên chùa Hàn Sơn không chỉ là một cổ sát trứ danh ở đất Tô Châu, mà còn dương danh ra ngoài, nó không ngăn được hứng thú của các tao nhân mặc khách các nơi tìm đến thưởng dụ. Trải qua các đời Ðường, Tống, Nguyên, Minh tài tử văn nhân quơ bút làm thơ đề từ vô số, Trương Kế đời Ðường làm bài "Phong Kiều Dạ Bạc", đời Tống có bài "Nghĩ Hàn Sơn Thập Ðắc" của Vương An Thạch, "Phong Kiều" của Phạm Thành Ðại, "Túc Phong Kiều" của Lục Da, đời Minh có "Dạ Bạc Phong Kiều" của Trầm Châu... Nhất là ngày nay, mỗi khi nói đến Hàn Sơn Tự mọi người đều không khỏi liên cảm đến ngôi chùa và tiếng chuông của bài tuyệt cú thiên cổ bất hủ của đại thi gia Trương Kế đời Ðường, bài "Phong Kiều Dạ Bạc":

" Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền"

Tạm dịch:

"Ô đề trăng lặng sương giăng,
Ðèn câu thức bóng lăn tăn gợn sầu
Hàn Sơn Tự, đất Tô Châu
Chuông khuya vọng đến Phong Kiều thuyền neo."

Nguyên bài thơ thất ngôn tứ tuyệt nầy trước tiên được Văn thị Chiếu Văn Trưng Minh người đời Minh (1470-1559) từng thư khắc vào đá dựng trong chùa vào khoảng những năm triều vua Gia Tĩnh (CN 1523-1566) đồng thời có đúc quả chuông, đến trận chiến Thái Bình Thiên Quốc với vua Thanh, chùa bị thiêu hủy nặng, cả quả chuông cũng không còn, đó là năm Hàm Phong thứ 10 (CN 1860). Mãi đến ba mươi mấy năm sau, năm Quang Tự thứ 22 (CN 1896), Tuần phủ Giang Tô Trần Quì Long quyên góp dựng lại điện đường, thỉnh cầu Ðức Thanh Du Khúc Viên, một nhà đông nam Thạc học thư khắc vào đá bài thơ của Trương Kế để bảo tồn cổ tích. Trong sách " Mộng Tiêu Ðình Tạp Ký " của Tuần phủ Trần Quì Long có ghi lại việc nầy: " Ðức Thanh Du Khúc Viên tiên sanh sau khi thôi chức Hàn Lâm về Kiều cư Ngô hạ (Giang Tô)... được thỉnh trùng thư 4 câu thất ngôn "Phong Kiều Dạ Bạc" của Trương Kế để khắc vào bia, vì tấm bia đời Minh của Văn thị Chiếu (Văn Trưng Minh) bị gãy mất còn một nửa, chữ mòn không đọc được... Du Khúc Viên tiên sinh nói: Thơ của Trương Kế tuyệt diệu giai từ, nhưng có hai chữ "Giang phong" đầu câu thứ hai thật khó hiểu, bèn khảo lại trong "Ngô Trung Kỷ Văn" thấy ghi lại là "Giang thôn ngư hỏa ..." nên bày tỏ ra đây để biện chánh...". Mười năm sau, Quang Tự thứ 32 (CN 1906) mới đúc quả chuông, chuông cao 2 mét, đường kíng 1,4 mét, hoa văn hình bát quái. Thế là một bài thơ, một tấm bia, một quả chuông đủ cho chùa Hàn Sơn ba tác phẩm, đáng gọi là Hàn Sơn Tự Tam tuyệt.

Qua bao phen vật đổi sao dời, mấy lần hưng phế, ngày nay khách thập phương đến Tô Châu viếng chùa Hàn Sơn. Qua cầu Phong (Phong Kiều), cái đập vào mắt du khách trước tiên là lầu chuông cao ngất khỏi tường chùa, và cũng nơi đây phát ra hồi chuông của vị Tri khách ân cần mời đón, cũng từ tiếng chuông nầy gợi lên cho du khách nhớ đến "Dạ bán chung thanh ..." tự thuở nào, đồng thời hình dung ra một quả chuông treo trên lầu chuông kia lặng lẽ không một tiếng lời, chỉ chờ gióng lên một cái là một chuỗi âm tiết ngân dài, vang vọng xa xa, lắng đọng vào tận nơi sâu thẳm tâm hồn của bất kỳ ai, bất tất phải "khách thuyền nửa đêm" hể nghe rồi là tư trào ba động, phản tỉnh con người. Thế mới thấy được ý nghĩa tích cực hàm chứa trong việc "đúc chuông" của "Tượng giáo" của nhà Phật. Chiều tối 108 tiếng âm vang trầm lắng không chỉ đưa ta vào giấc ngủ an lành, mà còn để ta đếm từng tiếng chuông kiểm điểm lại việc làm của một ngày qua. Ðến canh năm lại vang vọng lên trong tĩnh mịch như cảm tình ta "Nhứt nhựt chi kế tại ư thìn", một ngày mới đã bắt đầu. Nhưng mà xin thưa cùng quí bạn đọc, tiếng chuông mà ngày nay chúng ta được nghe đây không còn là tiếng chuông vọng đến khách thuyền của đại thi gia Trương Kế năm xưa nữa.

Trở về Mục Lục