Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc
Tế
THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI
PARIS NGÀY 12.5.2003
HT. Thích Huyền Quang bàn Phật
sự với HT. Thích Quảng Ðộ
Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang bàn Phật sự với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lần thứ ba tại Saigon, sau khi gặp ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh và trước khi gặp Bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ.
Sáng nay (12.5) vào lúc 8 giờ sáng, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, đã đến Thanh Minh Thiền viện lần thứ ba gặp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Lần này, Ðại lão Hòa thượng dự tính ở lại Thanh Minh Thiền viện một hai hôm trước khi về lại Bình Ðịnh. Nhưng chưa rõ Ban Tôn giáo và Công an thành phố có để cho Hòa thượng toại nguyện chăng ? Vào 7 giờ sáng, Ðại lão Hòa thượng sắp sẵn xe riêng để đi thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, nhưng đến phút chót, xe của Ban Tôn giáo thành phố và Công an đã hộ tống đưa Ðại lão Hòa thượng đi. Buổi gặp sáng nay chưa biết thế nào, nhưng hai lần gặp trước, hai Hòa thượng bàn chuyện riêng mà không có sự hiện diện như thường lệ của cơ quan công quyền hay chư Tăng thuộc Giáo hội của Nhà nước.
Ðại lão Hòa thượng đến bàn Phật sự với Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lần thứ hai, vào sáng ngày 9.5, sau khi gặp ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, hôm 7.5, và trước khi tiếp bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon vào lúc 16 giờ chiều cùng ngày.
Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang cho Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế biết rằng, cuộc gặp gỡ với ông Lê Thanh Hải diễn ra trong không khí cởi mở. Cũng như lần gặp Thủ tướng Phan Văn Khải, Hòa thượng nói với ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch thành phố Saigon, về quá trình Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị đàn áp rồi đặt ra câu hỏi : " Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có tội tình gì mà không cho hoạt động ?". Ông Hải không trả lời câu chất vấn này. Nên Hòa thượng nói tiếp : "Thủ tướng Phan Văn Khải có hứa với tôi rằng mọi việc từ nay chính phủ sẽ giải quyết bằng lòng Từ bi. Nếu được như thế, chúng tôi cũng sẽ giải quyết bằng lòng Hỷ xả. Tuy nhiên vấn đề hiện nay là Phật giáo chúng tôi phải được quyền chỉnh đốn nội bộ để tiến đến việc thống nhất Phật giáo". Ông Hải không phản đối khi phát biểu rằng : "Việc thống nhất là chuyện nội bộ của quý Cụ, chúng tôi hoan nghênh".
Hai ngày sau, sáng ngày 9.5, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đến Thanh Minh Thiền viện thăm Hòa thượng Thích Quảng Ðộ lần thứ hai để bàn về cuộc gặp gỡ vừa qua với ông Chủ tịch thành phố Saigon và trước khi gặp bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Hai Hòa thượng cùng đồng tình trên tổng quan việc chấn chỉnh nội bộ Giáo hội sau một thời gian dài bị tê liệt vì ngoại chướng. Tuy nhiên nhị vị Hòa thượng quyết định chỉ tiến hành Phật sự vào tháng 6 dương lịch này, sau khi Hòa thượng Thích Quảng Ðộ được giải chế vào ngày 1.6.
Vào lúc 16 giờ cùng ngày (9.5), Bà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon, Emi Lynn Yamauchi, đã đến chùa Ấn Quang viếng thăm Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang. Tháp tùng bà còn có ông Marc Forino, Cố vấn Chính trị, và bà Laura H. Kirkpatrick, Cố vấn Kinh tế. Phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ngoài Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang còn có Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ. Cuộc gặp gỡ xẩy ra tại Chùa Ấn Quang, là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Nhà nước), nên còn có mặt Thượng tọa Thích Nhật Quang, Trụ trì Tổ đình Ấn Quang và Thượng tọa Thích Thiện Tâm, thành viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài việc hỏi thăm sức khỏe, bà Tổng lãnh sự xin Hòa thượng Thích Huyền Quang cho biết ý nghĩa cuộc gặp gỡ ở Hà Nội với Thủ tướng Phan Văn Khải, và sinh hoạt tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Ðáp lời, Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang cám ơn tấm thịnh tình của bà Tổng lãnh sự cùng phái đoàn, và nhờ bà đạo đạt lời cám ơn của Hòa thượng, của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng như toàn thể Phật tử Việt Nam đến Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã không ngừng hỗ trợ tiếng nói chân chính của Giáo hội cũng như can thiệp mạnh mẽ cho hàng giáo phẩm bị tù đày, quản chế. Nhờ vậy Hòa thượng mới có mặt ngày hôm nay ở đây. Về cuộc gặp gỡ tại Hà Nội với Thủ tướng Việt Nam, Hòa thượng cho biết nội dung không để xin xỏ bất cứ điều gì, kể cả việc bản thân bị tù đày của Hòa thượng và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, mà chỉ nêu lên một câu hỏi chưa được Nhà nước giải thích. Ðó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có tội gì mà bị đàn áp và cấm không cho sinh hoạt gần 30 năm qua ? Thủ tướng Phan Văn Khải xác nhận công lao của Hòa thượng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, và hứa từ nay Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề Phật giáo với tâm Từ bi. Cho nên Hòa thượng đã nói, như thế thì Hòa thượng cũng sẽ đáp lại bằng tâm Hỷ xả. Tuy nhiên, Hòa thượng nhấn mạnh, đây mới chỉ là bước đầu, vì sự việc kéo dài gần 30 năm, nên còn nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ và cần giải quyết cụ thể. Cũng từ một quá trình như thế, nội bộ Phật giáo cần thời gian để chấn chỉnh, để có thể đóng góp tích cực trên các lĩnh vực từ thiện, văn hóa, giáo dục. Ðặc biệt là không để cho Phật giáo bị lôi cuốn hay làm công cụ cho bất cứ tổ chức hay đảng phái chính trị nào. Hòa thượng mong rằng không ai can thiệp vào chuyện nội bộ của Phật giáo. Hòa thượng cho biết là sẽ đề nghị Nhà nước trao trả lại Việt Nam Quốc tự, là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trước năm 1975, và không cản trở việc hàng giáo phẩm trung ương của Giáo hội gặp gỡ, thảo bàn chuyện tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Bà Tổng lãnh sự cám ơn Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang đã cho biết những điều cần biết và hứa sẽ trình lên Chính phủ Hoa Kỳ quan điểm của Hòa thượng. Bà Tổng lãnh sự cũng hỏi ý kiến Hòa thượng là Chính phủ Hoa Kỳ có thể làm gì cụ thể trong sinh hoạt tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ? Ðại lão Hòa thượng đáp : Xin giúp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có quyền tự do ngôn luận, tiếp xúc với các cơ quan truyền thông quốc tế để giải thích về lập trường cùng hướng đi dân tộc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Mặt khác, xin giúp đỡ Tăng, Ni, Phật tử Việt Nam cư trú trên lãnh thổ Hoa Kỳ cũng như các quốc gia trong thế giới có đủ các quyền cư trú, sinh hoạt, phát triển niềm tín ngưỡng của họ, và tạo điều kiện trong tương lai khi có cơ hội cho giới Phật tử tị nạn này về Việt Nam tham gia công cuộc tái thiết quê hương. Cuộc tiếp xúc, trao đổi kéo dài hơn một giờ đồng hồ trong tinh thần lắng nghe, thông cảm và tương kính.