Lục đại duyên khởi
Phúc Trung
Con người nói chung gồm có hai thành phần chính yếu, đó là vật chất và tinh thần. Trong kinh đức Phật dạy chi tiết hơn, con người do Ngũ uẩn hợp thành. Chữ Phạn Pãnca-skandha, ngài Cưu Ma La Thập (344-413) dịch là ngũ ấm, còn gọi là cựu dịch. Ấm có nghĩa là ngăn che chướng ngại, ngũ ấm là năm thứ ngăn che làm chướng ngại chân tánh, ngài Huyền Tráng (600-660) dịch là ngũ uẩn, còn gọi là tân dịch. Uẩn có nghĩa là nhóm, yếu tố, tích tụ nên ngũ uẩn là năm yếu tố kết hợp thành con người. Năm uẩn là đối tượng của sự chấp thủ nên còn gọi là năm thủ uẩn.
Năm uẩn là: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn. Sắc uẩn là vật chất bốn nhóm còn lại thuộc về tinh thần.
Ðức Thế Tôn đã giảng năm uẩn và năm thủ uẩn cho các Tỷ kheo ở Savatthi (Xá Vệ) như sau:
- Này các Tỷ kheo, ta sẽ giảng
năm uẩn và năm thủ uẩn, hãy lắng nghe...
- Này các Tỷ kheo, thế nào là năm uẩn ?
- Này các Tỷ kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại,
thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây
gọi là sắc uẩn.
- Này các Tỷ kheo, phàm có thọ gì... phàm có tưởng gì ... phàm có
hành gì...
- Này các Tỷ kheo, phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại,
thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; đây
gọi là thức uẩn.
- Những cái này, này các Tỷ kheo, được gọi là năm uẩn.
- Và này các Tỷ kheo, thế nào là năm thủ uẩn ?
- Này các Tỷ kheo, phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại,
thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có
lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là sắc thủ uẩn.
- Này các Tỷ kheo, phàm có thọ gì... phàm có tưởng gì... phàm có
các hành gì...
- Này các Tỷ kheo, phàm có thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại,
thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, có
lậu hoặc, được chấp thủ; đây gọi là thức thủ uẩn
- Này các Tỷ kheo, đây được gọi là năm thủ uẩn. (1)
Sắc uẩn: bao gồm tánh chất vật lý và sinh lý, có bốn thứ cơ bản, bao quát theo danh từ Hán việt gọi là tứ đại :
Chúng ta thường gọi bốn lọai nầy là : Ðất, nước, gió, lửa. Sắc uẩn hay tứ đại trong con người chúng ta là: Ðất (chất rắn) như xương, da, thịt, tóc, răng, phân... Nước (chất lỏng) như máu, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi.. . Gió (chuyển động), như hơi thở... Lửa (hơi nóng) như nhiệt độ trong người ...
Thọ Uẩn: Do sự tiếp xúc giữa giác quan và đối tượng sinh ra cảm giác gọi là Thọ, con người có 6 giác quan nên có 6 loại cảm thọ. Mắt nhìn thấy hình ảnh, màu sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân chạm vật, ý tưởng đều sinh ra cảm thọ với mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Những cảm thọ nầy tựu trung có 3 loại: Dễ chịu, khó chịu và trung tính. Ví dụ trước mắt ta là một đầm sen, nhìn thấy hoa sen trổ đẹp, ta cảm thấy trong lòng khoan khoái dễ chịu, rồi nhìn sang chỗ khác một đống rác với gạch, đá cây, cỏ chúng ta cảm thấy khó chịu, rồi nhìn sang chỗ khác một hồ đầy nước, chúng ta không thấy khó chịu hay là dễ chịu gì cả. Hoặc có khi ra đường xe bên cạnh mở nhạc inh ỏi, âm thanh làm chói tai, có khi tức ngực, đó là cảm thọ khó chịu, có khi chúng ta nghe nhạc từ truyền hình hay máy hát phát ra một bản nhạc êm dịu, chúng ta cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng ấy là cảm thọ dễ chịu, có khi vào trong cửa hàng nghe có tiếng nhạc vừa tai nhưng nhạc ấy không gây cho ta cảm giác gì hết do vậy nó thuộc loại cảm thọ không dễ hay khó chịu.
Tưởng Uẩn: Là nhóm khả năng hồi tưởng hay tưởng tượng sự vật. Chẳng hạn như người ta nhớ lại một thời thơ ấu, chẳng hạn người ta tưởng nhớ tượng Phật tôn trí trên bàn thờ ở chùa hay tưởng tới cảnh ngày chủ nhật sẽ đến chùa dâng dương lễ Phật.
Hành Uẩn: Là tác dụng tâm lý mang tính chất thiện ác, chính nó tạo nghiệp, đưa đến quả báo, tạo tác thành động lực tái sinh.
Thức Uẩn: Là khả năng hiểu biết, phân biệt sự vật qua 6 giác quan: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
Trở lại với con người, sắc uẩn là thân còn thọ, tưởng, hành, thức là tâm. Thức là tâm vương còn thọ, tưởng, hành thuộc về tâm nên gọi là tâm sở. Theo Câu Xá Tông chia vạn vật ra 5 vị có 75 pháp. 1. Sắc pháp (11), 2. Tâm pháp (1), 3. Tâm sở pháp (46), 4. Bất tương ứng pháp (14), Vô vi pháp (3). Pháp Tướng Tông chia ra 5 vị với 100 pháp. 1. Tâm pháp (8), 2. Tâm sở hữu pháp (51), 3. Sắc pháp (11), 4. Bất tương ứng pháp (24), 5. Vô vi pháp (6).
Tâm pháp có 8 là : Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, Mạt na thức và A lại gia thức.
Một thời ở tại vườn Lộc Uyển, Ba La Nại Ðức Thế Tôn sau khi dạy cho năm vị Tỳ kheo biết rằng Ngũ uẩn là vô ngã, vô thường và khổ. Ngài dạy thêm :
- Do vậy, này các Tỷ kheo, phàm
sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại thuộc nội hay ngoại, thô hay
tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc cần phải như
thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái nầy không phải
của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải tự ngã
của tôi ".
- Phàm thọ gì ...
- Phàm tưởng gì ...
- Phàm các hành gì ...
- Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại thuộc nội hay ngoại,
thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc cần phải
như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái nầy không
phải của tôi, cái nầy không phải là tôi, cái nầy không phải
tự ngã của tôi".
- Thấy vậy nầy các Tỷ kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly
đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng,
yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly,
vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát,
trí khởi lên: "Ta đã dược giải thoát". Vị ấy biết rõ
"Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã
làm, không còn trở lui trạng thái này nữa"
Thế Tôn thuyết như vậỵ Nhóm năm vị Tỷ kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỷ kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. (2)
Một thời ở Xá Vệ thành, Kỳ Thọ Cấp Cô độc viên Thế Tôn dạy về sự chứng tri của Người với bốn đại cũng gọi là bốn giới như sau:
- Này các Tỷ kheo, có bốn giới
này.
- Thế nào là bốn ? Ðịa giới, Thủy giới, hỏa giới, phong
giới. Này các Tỷ kheo, đây là bốn giới này.
...
- Này các Tỷ kheo, Ta suy nghĩ như sau:
- Lạc gì, hỷ gì khởi lên do duyên địa giới, đó là vị ngọt
của địa giới. Cái gì vô thường, khổ, biến hoại của địa
giới, đó là nguy hiểm của địa giới. Sự nhiếp phục và tham (chandaràga)
sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của địa giới.
- Lạc gì, hỷ gì khởi lên do duyên thủy giới ...
- Lạc gì, hỷ gì khởi lên do duyên hỏa giới ...
- Lạc gì, hỷ gì khởi lên do duyên phong giới, đó là vị ngọt
của phong giới. Cái gì vô thường, khổ, biến hoại của phong
giới, đó là nguy hiểm của phong giới. Sự nhiếp phục và tham
sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của phong giới.
- Này các Tỷ kheo, cho đến khi nào đối với bốn giới này. Ta chưa
như thực thắng tri (abbhannàsim) như vậy vị ngọt là vị ngọt,
như vậy nguy hiểm là nguy hiểm, như vậy xuất ly là xuất ly;
thời cho đến khi ấy, này các Tỷ kheo, Ta chưa được chứng ngộ,
chưa chứng tri vô thượng Chánh Ðẳng Giác, đối với Thiên giới,
Ma giới, Phạm thiên giới và đối với chúng Sa môn và Bà la môn,
với chư Thiên và loài Người.
- Này các Tỷ kheo, cho đến khi nào đối với bốn giới này. Ta như
thật thắng tri như vậy vị ngọt là vị ngọt, như vậy nguy
hiểm là nguy hiểm, như vậy xuất ly là xuất ly; thời này các
Tỷ kheo, Ta đã chứng ngộ, đã chứng tri vô thượng Chánh Ðẳng
Giác, đối với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới và đối
với chúng Sa môn và Bà la môn, với chư Thiên và loài Người.
- Tri và kiến đã khởi lên ở nơi Ta: "Bất động là tâm
giải thoát của Ta. Ðời sống nầy là tối hậu, nay không còn tái
sanh nữa." (3)
Ðó là những đoạn kinh quan trọng mà người ta thấy rằng Lục đại gồm có địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, thức đại và không đại đã tạo thành con người, nên cho là Lục đại Duyên khởi. Bởi vì khi người ta đắm nhiễm vào tứ đại, ngũ uẩn thì bị chìm đắm vào trong lục đạo luân hồi mãi mãi.
Hiểu rõ Lục đại là vô ngã, vô thường và khổ (tam pháp ấn) để đoạn tận vô minh, xả ly tam độc, tinh tấn trên đường tu tập giải thoát.
July 1st. 2003
(1) HT. Thích Minh Châu Ðại Tạng Kinh VN,
Kinh Tương Ưng bộ 3 trang 92-93, 1993