Một Câu Chuyển Ngữ
Tâm Không
Trăng đã lên khỏi ngọn cây, y như lời của lão viên ngoại ở thôn Ðoài thỉnh ban sáng, khi Hòa Thượng Hoài Hải bước ra đến cổng chùa, người nhà của lão đã đứng đợi ở đó với một con xích thố. Người nầy trạc ngoài ba mươi, mặt tròn trịa, có bộ râu mép, nước da rạm nắng, mặc nguyên một bộ quần áo trắng, đầu chít một chiếc khăn lam, đi chân đất, trông anh ta có vẻ thông minh và nhanh nhẹn; con ngựa không còn tơ nữa nhưng trông nó hãy còn tráng kiện, thân nó cao, bụng thon, chân cứng cát, nó đứng thẳng và yên lặng, trên lưng nó có trải một tắm chăn thay cho chiếc yên, người giữ ngựa đang cầm dây cương, đứng cạnh bên con xích thố, cả hai trông chẳng khác nào một bức tượng dưới ánh trăng.
Khi trông thấy Hòa Thượng lộ ra ở cổng, anh ta tay vẫn nắm dây cương, chắp lại xá Hòa Thượng, miệng chào câu " A Ði Ðà Phật ", rồi anh ta quỳ xuống, để vế ngang đầu gối, cho Hòa Thượng bước lên lưng ngựa. Khi Hòa Thượng đã ngồi trên lưng ngựa, anh ta đứng lên nắm dây cương, dẫn ngựa ra đường cái, anh ta nói cho Hòa Thượng yên lòng : con ngựa nầy rất thuần và viên ngoại thường ngày cữi nó đi dạo ở thôn Ðoài.
Ra đến đường cái, người dẫn ngựa đưa Hoà Thượng đi về thôn Ðoài, đi được chừng ba dặm thì rẽ vào một con đường khác bên tay phải, đi quanh co trong một khu rừng đầy những cây tùng, cây bách cao chừng trăm trượng và thẳng tắp, đường đi đôi chỗ có những ghềnh đá chập chồng, lại có những chỗ đi bên cạnh vực sâu thăm thẳm, trăng vẫn sáng nhưng không thể rọi khắp nơi vì có tàn cây che lấp. Những thân cây già, những chiếc lá rụng trên mặt đất, ở chỗ tối nên lại phát quang lấp lánh vì có chất lân tinh.
Cảnh vật yên tịnh, trăng thanh, gió mát, thoang thoảng theo làn gió đưa lại mùi hoa thơm, Hòa Thượng cảm thấy an nhiên và tự tại.
Lâu lắm rồi, Hòa Thượng không có dời chân ra khỏi thiền viện, ngài để tâm chuyên lo việc khai ngộ cho các môn đệ, rồi khách tăng từ phương xa đến tham vấn, thỉnh ý và thì giờ còn lại ngài cũng phải tỉnh tâm mình, lần trước ngài đã nhận lời đến chủ lễ an vị Phật, tại gia của đại thí chủ Tần Công ở Tây thôn, dễ chừng có hơn mười năm qua, cho nên những cảnh vật bên ngoài khá xa lạ với ngài, nhất là lại đi trong đêm trăng.
Ngựa dừng lại trước cổng một trang viện khá sung túc, đích thân lão viên ngoại mở cửa rồi cùng với người nhà, tiếp đỡ Hoà Thượng xuống ngựa.
Bước qua khỏi cổng, trước mắt Hòa Thượng, sân nhà của lão viên ngoại khá rộng, có hòn giả sơn với những hòn đá tảng, những khe, những hóc hẻm, tạo thành núi non cao chất ngất, có những đường lối quanh co, có cả chùa chiền và thôn xóm, có những chậu hoa và cây cảnh, đôi thứ là kỳ hoa, dị thảo.
Ði gần đến giữa sân, lão viên ngoại cung kính thỉnh Hòa Thượng đến một cái bàn tròn nhỏ, kê gần tiền đình, chỉ để một chiếc ghế, bên cạnh chiếc ghế có một chậu quỳnh. Trên bàn, đặt đơn sơ một bình trà, vài cái chén uống trà, một đĩa trái cây, một đĩa bánh mứt.
Chờ cho Hòa Thượng an tọa xong, lão viên ngoại đứng phía bên kia của chiếc bàn, rót một chén nước trà, cung kính đặt trước mặt Hoà Thượng rồi nói :
- Hôm nay, trời trong trăng sáng, lão nghĩ rằng thỉnh Hòa Thượng ngồi nơi đây, hơn là vào trong tệ xá, trong ấy không có cây, không có cảnh và hương hoa, nhất là một đóa quỳnh đang nở, mời ngài dùng trà và thưởng hoa.
Hòa Thượng mĩm cười khoan hậu rồi bưng chén trà lên uống, hương thơm của trà ướp thoang thoảng mùi sen, uống chén trà nóng, hương vị thật đậm đà.
Phảng phất mùi hoa thơm, Hòa Thượng nhìn tìm, kia hai chậu Dạ lý hương, đặt hai bên tam cấp của tiền đình, nọ ở sáu góc của mái tiền đình, treo lủng lẳng những giò phong lan, nào là Hồ điệp, nào là Long tu đang trổ hoa vàng, hoa tím, lại còn ở sát mé tường rào là một giàn hoa Thiên lý. Trăng thanh, gió mát, hoa đẹp, hương thơm, bao nhiêu thứ đó chứng tỏ chủ nhân quả là một tay phong lưu đài các.
Chờ cho Hòa Thượng uống thêm một ngụm trà thứ nhì, viên ngoại mới rót thêm một tuần trà nữa rồi mời Hòa Thượng :
- Bạch Hòa Thượng, mời ngài dùng bánh mứt và trái cây.
- Cám ơn thí chủ, lệ ở nhà chùa, chúng tôi chỉ dùng bửa ăn ngọ, sau giờ ngọ, chúng tôi không được ăn, chỉ được uống mà thôi, do đó bần tăng nầy dùng trà ngon của viên ngoại là quá đủ rồi. Cho phép bần tăng được hỏi, chẳng hay đêm nay thí chủ mời bần tăng đến đây có việc chi, xin cứ tự nhiên trình bày.
Viên ngoại rót thêm một chút trà vào chén, rồi bước ngay tới trước mặt Hòa Thượng, quỳ xuống tác bạch :
- Bạch Hòa Thượng, lão già nầy xin đê đầu cung kính đảnh lễ, trước khi trình bày một việc, để cúi xin ngài từ bi lân mẫn cứu giúp cho lão già nầy.
- Có việc chi xin thí chủ cứ trình bày, bần tăng giúp được sẽ sẳn lòng giúp cho, không nên quá câu nệ và thủ lễ.
Tuy Hòa Thượng nói thế, nhưng viên ngoại vẫn cung kính lạy Hòa Thượng ba lạy, rồi quỳ xuống trình bày sự thỉnh cầu :
- Bạch Hòa Thượng, lão vốn chẳng phải người. Xưa thời Phật Ca Diếp, lão là một Hòa Thượng ở núi nầy, có một học tăng tham vấn : " Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không ? Lão đáp : " Không rơi vào nhân quả ". Bèn bị đọa làm thân chồn hoang, đến nay đã năm trăm kiếp, lão tu luyện hóa xác thành người, nghe danh mến đức của Hòa Thượng, gần đây lão từng dự nghe ngài thuyết pháp, nhân hôm nay có trăng sáng, lão mạo muội thỉnh ngài đến đây, cúi xin ngài dủ lòng từ bi lân mẫn cho một lời chuyển ngữ, để thân già nầy được thoát kiếp chồn hoang.
Hòa Thượng Hoài Hải không ngần ngại đáp :
- Dùng lời nói mà chuyển được kiếp của người, bần tăng nầy đâu dám chối từ, vậy thí chủ hãy hỏi lại đi !
- Xin hỏi ngài, bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không ?
Hòa Thượng đáp nhanh và nhấn mạnh từng tiếng cho được rõ ràng :
- Chẳng che mờ nhân quả !
Nghe xong lão già đại ngộ, lão sụp lạy ba lạy rồi vẫn quì, thưa với Hòa Thượng :
- Nay lão đã tỏ ngộ, thân già nầy sẽ thoát kiếp chồn hoang, cúi xin Hòa Thượng an táng xác thân nầy theo lệ của tăng, để cho hậu thế lấy đó làm gương, ngày đêm phải ráng tu cho được tinh tấn.
Nói xong, lão ta té ngã ra đất, thân người từ từ thay đổi, biến thành một con chồn. Tất cả những cảnh vật trước mắt Hòa Thượng cũng đổi thay, nhà cửa, hoa cảnh bây giờ chỉ là cảnh rừng núi, nhìn lại, ngài thấy mình đang ngồi trên một phiến đá.
Hòa Thượng Hoài Hải hiểu, con chồn mượn chốn u tịch nầy, để trình bày những u ẩn, ám ảnh đời hắn bấy lâu, nay đã được hóa giải, ngài kéo xác con chồn vào một hóc đá, lại lấy một tảng đá khác đậy cửa hang lại, để tránh không cho thú khác đến ăn thịt, mất xác.
Sau khi dấu xác chồn xong, Hòa Thượng tìm đường về, lúc đó ngài bỗng nhận ra, chỗ ngài đứng chỉ là bìa rừng, phía sau chùa một khoảng chẳng xa lắm. Ngài về đến liêu vào đầu canh ba, tăng chúng vẫn không ai hay biết, ngài đã đi và đã trở về.
Sáng hôm sau, Hòa Thượng Hoài Hải bảo Duy Na báo cho tăng chúng biết, sau khi thọ trai sẽ làm lễ trà tỳ cho một vị Tăng. Tăng chúng thắc mắc : trong chùa không có ai đau bệnh, Vãng sanh đường không có người chết, vậy cử hành lễ hỏa thiêu cho ai ? Tuy có nhiều người thắc mắc như thế, nhưng chẳng ai dám hỏi, Hòa Thượng sẽ làm lễ trà tỳ cho vị Tăng nào đã viên tịch.
Sau khi thọ trai xong, Hòa Thượng Hoài Hải đi đầu, dẫn tăng chúng về hướng phía sau chùa, khi tới một chỗ kia, Hòa Thượng bảo mọi người dừng lại rồi ngài đến hóc đá, dở tảng đá nhỏ lên, kéo ra xác một con chồn, vài vị Tăng có trách nhiệm lo chất củi làm dàn hỏa, những vị khác bắt đầu tụng kinh do Hòa Thượng làm chủ lễ. Lễ trà tỳ đã cử hành rất trang nghiêm và nhanh chóng.
Tối đến Hòa Thượng Hoài Hải thượng đường, ngài cho Tăng chúng biết, con chồn ấy chính là một vị Hòa Thượng, vì đáp sai một câu tham vấn, cho nên phải bị đọa đến năm trăm kiếp chồn. Ðêm rồi đã thỉnh vấn ngài, nhờ đó được tỏ ngộ, nay đã hóa kiếp.
Sau khi Hòa Thượng lui vào phương trượng, học tăng lần lượt trở về tăng phòng, đi ngang qua sân, trăng sáng tỏ, làm cho họ liên tưởng đến cuộc hội ngộ đêm qua. Cuộc hội ngộ của Hòa Thượng Hoài Hải với con chồn kia, chính ngài là Thiền sư Bách Trượng mới có thể ban cho lời " chuyển ngữ " đó, nhờ vậy thân chồn mới được thoát xác.
10-1-1996
( * ) Trở về Mục Lục