Một chuyến thi Phật
*
Tâm Không
Trên đường đi đến Trường An dự thi, có một Nho sinh dừng chân ở quán trọ nghỉ. Ðêm ấy nằm mộng thấy ánh sáng trắng chiếu đầy nhà, sáng ra tìm người đoán mộng hỏi để biết điềm lành hay dữ trên bước đường thi cử, người đoán mộng cho biết, ấy là điềm ? cửa không ?.
Rồi trên đường đi, lại gặp một vị Tăng, vị ấy hỏi đi đâu, sau khi cho biết mình là Nho sinh, trên bước đường đến kinh đô Trường An của nhà Ðường, để dự thi. Vị Tăng ấy khuyên, thi cử để mà làm gì ? Những năm loạn lạc của An Lộc Sơn đã qua, từ thứ dân cho đến các quan, đại thần và nhà vua đều phải chạy loạn, giàu sang, quyền quý chỉ như giấc mộng mà thôi, cuộc đời thật là phù du, sao bằng bỏ thi làm quan, đi thi làm Phật có hơn không ?
Ðã nằm mộng về cửa không, nay lại gặp vị Tăng bảo đi thi Phật, sự trùng hợp nầy đẩy chàng Nho sinh tới chỗ thay đổi cuộc đời mình, chàng ta không bận bịu gia đình về cha, mẹ, vợ, con. Chàng ta tự hỏi : Công danh và sự nghiệp để làm chi ? Chàng quyết định thôi thì tìm hiểu cửa Phật một phen, liền hỏi vị Tăng nên đến đâu để thi Phật, vị Tăng ấy cho biết Mã Ðại sư ở Giang Tây đang mở trường thi Phật, nên đến đó mà ứng thí.
Sau khi chia tay vị Tăng, chàng Nho sinh liền đi đến Giang Tây, ra mắt thiền sư Ðạo Nhất, thiền sư họ Mã được Nam Nhạc Hoài Nhượng truyền tâm ấn, ngài có đến 84 vị đệ tử ngộ đạo, mỗi người du hóa một phương, nên người sau tôn vinh ngài là Mã Tổ. Vừa thấy Mã Ðại sư, chàng Nho sinh liền lấy tay dở chiếc khăn trên đầu ra, không chào hỏi một lời. Mã Ðại sư nhìn chàng ta một lúc rồi bảo:
- Thạch Ðầu là thầy của ngươi, hãy đến đó mà làm lễ ra mắt Người.
Chàng Nho sinh liền từ giả Mã Ðại sư, đi đến Nam Nhạc để ra mắt thiền sư Hy Thiên. Khi gặp Thạch Ðầu Hy Thiên chàng ta cũng lấy tay dở chiếc khăn trên đầu ra, làm giống như khi ra mắt Mã Tổ. Thiền sư Hy Thiên bảo :
- Ra ngoài đi.
Chàng Nho sinh lễ tạ, rồi vào phòng dành cho cư sĩ để trú ngụ, từ đó chàng ta phân công luân phiên lo việc nấu ăn, dọn bửa cho nhà chùa suốt ba năm. Một hôm Thạch Ðầu Hy Thiên truyền dạy cho Duy Na bảo chúng:
- Ngày mai cắt cỏ ở trước điện Phật.
Hôm sau mọi người trong chùa lo cuốc xẻn, đến sân trước chùa làm cỏ, chỉ riêng có chàng Nho sinh múc một chậu nước, bưng đến trước mặt thiền sư ở chánh điện quì xuống kính cẩn đợi chờ. Thiền sư Hy Thiên trông thấy, ngài cười rồi cạo đầu xuống tóc, lại truyền giới cho chàng ta, nhưng khi nghe đọc giới luật, chàng ta lại bịt tai bỏ chùa ra đi.
Chàng Nho sinh trở lại Giang Tây, chưa ra mắt Mã Tổ lại đi ngay vào Tăng đường, leo lên tượng một vị thánh Tăng ngồi. Ðại chúng thấy thế lấy làm kinh ngạc, chẳng hiểu đó là Tăng hay tục là bậc siêu phàm hay người lãng trí, bèn đi báo ngay cho Mã Ðại sư, Ðại sư đến nơi thấy thế liền nói ngay :
- Con ta Thiên Nhiên.
Chàng Nho sinh liền rời khỏi tượng, đến trước mặt Mã Tổ làm lễ bái sư rồi thưa:
- Cảm tạ thầy đã ban cho con Pháp hiệu !
Mã Tổ chờ cho Thiên Nhiên làm lễ xong liền hỏi:
- Từ đâu đến ?
- Từ Thạch Ðầu đến.
- Ðường Thạch Ðầu trơn, ngươi có bị té chăng ?
Thiên Nhiên đáp :
- Nếu đã trợt té thì chẳng đến đây được.
Rồi Tăng Thiên Nhiên rời Giang Tây đi các nơi, một lần ông đến chùa Huê Lâm, thấy viện chủ là một người cố chấp, nhân lúc thời tiết rất lạnh, ông bèn thỉnh một tượng Phật bằng gỗ ở trên bàn thờ ở chánh điện xuống, đốt để sưởi ấm. Viện chủ chùa Huệ Lâm trông thấy việc làm quái gở như thế, bèn quở trách ông :
- Sao không biết kính trọng tượng Phật, lại lấy mà đốt, tội biết chừng nào !
Tăng Thiên Nhiên lấy cây gậy vừa bới tro, vừa nói :
- Tôi thiêu Phật để thu ngọc Xá lợi mà !
Viện chủ giải thích :
- Tượng gỗ làm gì có Xá lợi !
Tăng Thiên Nhiên nói thêm :
- Ðã không có Xá lợi thì thỉnh thêm hai tượng nữa thiêu luôn.
Nghe xong Viện chủ liền ngộ, người đã được phá chấp.
Tăng Thiên Nhiên đi du phương có viếng thăm nhiều vị thiền sư nổi tiếng như Quốc sư Huệ Trung, cư sĩ Bàng Long Uẩn... Về sau, ngài có ý muốn trở về rừng núi để tĩnh dưỡng, các môn đệ cử Tề Tịnh Phương về núi Ðơn Hà ở Nam Dương cất am cúng dường cho Người. Thiền sư Thiên Nhiên về am ở được ba năm, những người học đạo tìm đến theo ngài có đến trăm người, chúng Tăng xây cất nơi tu học thành một thiền viện rộng lớn, người ta kính trọng ngài, do đó gọi chốn ở của ngài thành biệt danh là Thiền sư Ðơn Hà.
Ngày 23 tháng 6 năm Trường Khánh thứ tư nhà Ðường (năm 824), thiền sư gọi đệ tử dạy :
- Lấy nước nóng cho ta tắm, ta sắp đi đây.
Tắm xong, thiền sư mặc y, đội mũ, mang giày, tay cầm tích trượng, duổi một chân chưa chạm đất đã thị tịch, thọ 86 tuổi.
Vua Ðường sắc phong cho ngài là Trí Thông Thiền Sư, đặt tháp của ngài tên là Diệu Giác.
Một người bỏ con đường công danh, bỏ cửa Khổng sân Trình, nghe lời một vị Tăng đi thi làm Phật, ông ra mắt những bậc trưởng thượng thật lạ kì. Một chuyến thi Phật của ông đã làm rạng ngời tên tuổi Thiền sư Ðơn Hà, để tiếng nghìn đời ở chốn cửa Không, còn tên tục của ông, không được ai nhớ tới, nó chẳng lưu lại ở thế gian giả tạm nầy.
Ngày 13-4-1997
( * ) Trở về Mục Lục