Một chuyến xuôi Nam
Tâm Không
Mặt trời lên đã hai sào, rời khỏi chùa Long Vân từ đầu canh năm, Tuyên Giám đi khá lâu trên con đường mòn trơ trọi nầy, hai bên đường chỉ là những mảnh đất khô cằn, xác xơ cây cỏ, thỉnh thoảng có đôi mái nhà tranh chen lẫn với những tàn cây ăn trái, bên cạnh đó có thung lũng nhỏ trồng ngũ cốc, nằm ven con suối.
Vẫn đường xuôi về Nam, đi gần đến chân núi, cây cối nhiều hơn, hầu hết là cây tùng, đến một ngã ba bên tay phải, đó là đường dẫn lên núi, chỉ đi khỏi ngã ba vài bước là một quán nước bằng tranh nằm bên vệ đường.
Quán tranh nhỏ, bề ngang chừng bảy thước ta, bề sâu dài hơn chừng một thước, có vách ngăn chia ra làm hai phần, nửa gian trước bán quán, nửa gain sau để ở, bên tay trái có thêm chái bếp, quán đã mở cửa, chái hiên phía trước đã chống lên, dọc theo hàng hiên trước, quán treo lủng lẳng mấy nải chuối chín vàng, mấy cái bánh gói, và những cái thẩu đựng bánh kẹo ở trên kệ đặt dọc theo hàng hiên, ánh nắng dọi chênh chếch vào góc nhà.
Tuyên Giám không theo đường lên núi, lại bước vào quán. Thấy khách, bà chủ quán từ trong phía chái bếp bước ra, chấp tay cung kính cúi đầu chào khách:
- A Di Ðà Phật ! Mời Thầy ngồi.
Vừa xá chào xong, chủ quán bước tới bộ ván, trải chiếu ra, vói tay lấy bình nước từ cái kệ ở hàng hiên, đem đặt ở giữa chiếu, nói tiếp :
- A Di Ðà Phật ! Thầy đến sớm quá, con chưa kịp chuẩn bị chi cả, sáng sớm con cúng Phật vừa xong, bình nước hãy còn, xin mời Thầy dùng chén trà, trong khi chờ đợi con chuẩn bị bếp núc.
- Ðược ! Bà cứ để tôi tự nhiên, tôi cũng muốn ngồi nghỉ một chốc đã.
Nghe xong câu nói của vị khách Tăng, bà chủ quán xá một xá rồi lui vào chái bếp lo công việc của bà.
Còn lại một mình, Tuyên Giám bước lại bộ ván, cởi bỏ bọc hành lý trên lưng xuống, ông để nó dựa vào vách bên trong, ghé ngồi xuống bộ ván, dùng hai chân chà vào nhau để phủi bụi đất, xong ông rút hai chân lên chiếu, ngồi thế bán già lưng thẳng, trông ông dáng điệu thật trang nghiêm của một vị Tăng tuổi ngoài ba mươi. Vói tay lấy bình, rót nước trà ra chén, ông để ý thấy nước vẫn còn bốc làn khói mỏng mong manh tựa như mơ hồ, cầm tách trà đưa lên miệng, mùi trà ướp sen thoang thoảng bốc lên, ông uống một hớp nhỏ hương vị trà nóng và đắng tan dần trong cơ thể, để lại trên lưỡi ông vị ngọt thấm dần.
Ông ngồi xây lưng vào vách, mặt nhìn ra con đường cái quan, con đường chính xuôi ngược Nam Bắc, bên tay trái ông là con đường dẫn lên núi, bên tay phải là chái bếp, ánh nắng rọi khắp sân, bên kia đường là đồi trọc nối tiếp đồi trọc tận chân trời xa, rải rác đó đây những bụi cây xanh điểm tô cho đồi trọc khỏi bị đơn độc buồn tẻ.
Bao nhiêu năm qua, Tuyên Giám đã bỏ ra nhiều công phu để nghiên cứu Kinh Kim Cang, ông đã chú thích những từ, những câu để làm sáng tỏ ý nghĩa của Kinh, ông đã nắm được cốt tủy của nó. Từ lâu rồi, ông nghe tiếng tăm của Thiền sư Sùng Tín, mà những Thiền sư đều phải thông suốt Kinh Kim Cang, là thứ Kinh gối đầu giường của dòng Thiền phương Nam, ông nghĩ chắc gì Thiền sư Sùng Tín đã thâm hiểu Kinh nầy, cho nên ông đã quyết một chuyến xuôi Nam để hội kiến với Sùng Tín.
Ông lại nghĩ, Huệ Năng thấm nhập Kinh Kim Cang, lặn lội từ Nam lên Bắc để cầu được chứng đắc; ngược lại ông thâm nhập Kinh Kim Cang, lại từ Bắc xuôi Nam để phá đổ truyền thuyết Thiền Ðốn Ngộ.
Ông lại hớp một hớp trà thứ hai, hương vị đậm đà của chén trà buổi sáng trong khung cảnh thanh tịnh nầy, làm tăng thêm mùi đạo vị.
Không biết điều gì, khiến cho bà chủ quán từ trong chái bếp bước ra, bà dừng lại sau khi bước qua ngạch cửa chái bếp, rồi nghiêm trang chấp tay cung kính hỏi :
- Bạch Thầy ! Cho phép con tò mò được hỏi, Thầy mang những kinh sách chi trong cái bị kia mà nhiều đến thế ?
- À ! Ðó chỉ toàn là những chú thích của tôi, giảng giải về Kinh Kim Cang ấy mà !
- Bạch Thầy cho con vô phép hỏi Thầy một câu nữa có được chăng ? Nếu Thầy trả lời đúng ý con, con xin đãi Thầy một bửa điểm tâm, nếu Thầy chịu thua xin mời Thầy chịu khó đi chỗ khác.
Tuyên Giám nhìn lại bà chủ quán, tuổi ngoài sáu mươi, tóc đã bạc màu, nước da trắng chứng tỏ ít dầm sương trải gió, gương mặc tròn trông phúc hậu, đôi mắt sáng ngời tỏ ra người có trí; nhưng theo ông dẫu sao, bà ta cũng như những người đàn bà khác, ông đã từng gặp trên đường đi, cũng là những người đàn bà ở chốn quê mùa, hẻo lánh, có thể thỉnh thoảng cũng đi chùa quen được với câu kinh, tiếng kệ, ông yên chí và tự tin trả lời:
- Ðược ! Tôi nhận điều kiện ấy, xin bà cứ hỏi.
- Bạch Thầy ! Trong Kinh Kim Cang con đọc thấy câu nầy : Tâm quá khứ không thể đắc, tâm hiện tại không thể đắc, tâm vị lai không thể đắc. Vậy Thầy cần " điểm tâm ", xin cho con biết là Thầy điểm cái Tâm nào ?
Sở học của Tuyên Giám với tất cả những chú giải của ông, không thể trả lời được một chữ nào với câu hỏi nầy, ông vội vàng duổi chân ra, xoay người bước xuống đất, lẳng lặng vói tay lấy bọc hành lý mang lên lưng, ông chấp tay xá bà chủ quán, miệng chào câu niệm Phật, rồi bước ra khỏi quán với bụng trống rổng, y như những hôm lỡ bước không gặp được quán xá bên đường.
Vừa đi ông vừa suy nghĩ việc mới xảy ra, đây là lần đầu tiên ông đụng phải vấn đề, bao nhiêu năm qua, ông nghĩ rằng ông đã đắc được cốt tuỷ của Kinh Kim Cang, ông sẽ đối diện với Sùng Tín và những chú giải của ông sẽ bẻ gảy mọi hiểu biết của Sùng Tín, nhưng thật chẳng ngờ, chỉ là một bà chủ quán quê mùa đã làm cho sở đắc của ông vô dụng, vậy thì đối với Sùng Tín chuyện sẽ ra sao ?
Tuyên Giám đi cho đến quá Ngọ mới đến Long Ðàm tự, gặp Tri Khách, ông cho biết mình từ miền Bắc đến nơi đây để ra mắt Sùng Tín, ông đã được Tri khách mời ở lại nghỉ ngơi, và cho biết có thể vào buổi chiều, Thiền sư sẽ tiếp khách Tăng.
Ðến chiều tối hôm đó, vị tri khách đưa Tuyên Giám vào hậu liêu để ra mắt Long Ðàm, gặp ông, Hòa Thượng hỏi :
- Sư đến đây, đã thấy được những gì ?
Ông trả lời ngay :
- Tôi có nghe người ta nói nhiều về cái Ðầm Rồng ( Long Ðàm ), nay đến đây mới biết đầm cũng chẳng có, làm gì có rồng ở đây !
Hòa Thượng Long Ðàm ôn tồn đáp :
- Thật ra thì ông đang ở giũa cái Ðầm Rồng rồi đó !
Rồi cả hai trao đổi về những ý nghĩa thâm mật trong Kinh Kim Cang, từ giờ nọ sang giờ kia, cho đến đêm đã bước sang canh hai, ngài Long Ðàm mới hỏi :
- Ði đường xa đã thấm mệt, khuya rồi sao ông không về nghỉ ?
Tuyên Giám rất lấy làm thích thú được tiếp chuyện với Sùng Tín, nhưng có lẽ Sùng Tín muốn nghỉ ngơi, cho nên đã nhắc khéo ông câu đó, ông chào Sùng Tín, tay mở cửa liêu định bước ra, nhưng bên ngoài, đêm ba mươi trời tối đen như mực. Nhân đó, muốn hiểu thêm Sùng Tín, ông bèn quay lại nói :
- Bên ngoài trời tối quá !
Hòa Thượng Long Ðàm vói tay lấy cây đuốc giấy dắt trên vách, châm vào ngọn lửa của cây nến đặt trên bàn, đuốc đã cháy, ông đưa cho Tuyên Giám. Lúc Tuyên Giám vừa định cầm lấy, ông vội thổi tắt. Sự kiện đột ngột đó, làm cho tâm Tuyên Giám bộc phát bừng sáng trước chân lý Thiền.
Tuyên Giám cung kính vội quỳ xuống đãnh lễ Long Ðàm, Hòa Thượng hỏi :
- Sư đã thấy được những gì ?
- Bạch Hòa Thượng ! Từ nay trở đi, con chẳng còn chút nghi ngờ những lời dạy nào của Lão Hòa Thượng trong thiên hạ nữa!
Ðêm ấy nằm trong phòng khách tăng, ôn lại chuyện đã qua, Tuyên Giám trằn trọc khó ngủ. Tờ mờ sáng hôm sau, đem tất cả những chú giải Kinh Kim Cang, ông đã bỏ công thâm cứu, ghi chép, từng coi trọng nó, đi đâu cũng đem theo bên mình, ném tất cả vào ngọn lửa hồng, chúng đã cháy hết ra tro bụi, thành dĩ vãng không còn lưu lại chút nào.
Cũng ngày hôm đó, Hòa Thượng Long Ðàm thăng đường, ngài nói với đồ chúng :
- Trong đây có một kẻ răng như rừng gươm, miệng như châu sa, bị đánh một hèo mà chẳng quay đầu lại, mai kia mốt nọ sẽ leo lên đỉnh cao mà dựng đạo của ta.
Từ đó Tuyên Giám ở lại Long Ðàm Tự, ngày đêm tu tập, tôn thờ Thiền sư Sùng Tín làm Thầy.
Về sau vua Ðường Võ Tôn hạ lệnh phá hủy chùa chiền, bắt Tăng, Ni ở những ngôi chùa bị phá hủy đó phải trở về sống đời thế tục, Tuyên Giám cùng với một số đệ tử phải vào trong rừng Ðộc Thù, sống ẩn dật để làm tròn nhiệm vụ duy trì chánh pháp, nêu cao ánh sáng của Thiền Tông, ngài đã phải trải qua những ngày tháng khắc khổ nơi rừng sâu núi thẩm, có những hôm Thầy trò cơm không đủ ăn, y mặc không đủ ấm, thời gian tuy ngắn nhưng có khác chi lúc Huệ Năng phải ở ẩn nơi Từ Hội với bọn thợ săn, rồi Võ Tôn mất, Tuyên Tôn lên nối ngôi ra chiếu chỉ phục hưng Phật Giáo.
Tuyên Giám cùng với những môn đệ lần lượt trở về chùa cũ, danh tiếng của ngài từ trước đã lan xa, vua thỉnh ngài về Trụ Trì một ngôi đại tự ở kinh đô, ngài nghĩ rằng sau mấy năm Pháp nạn, nay cần phải đến kinh thành, nơi phồn hoa đô hội đó việc phục hưng, truyền bá đạo Phật dễ lan rộng nhanh chóng khắp nơi. Do đó ngài nhận lời trụ trì ngôi Ðức Sơn Tự, nó đã trở thành một Thiền Viện tiếng tăm khắp cả nước, từ đó ngài có hiệu là Ðức Sơn Tuyên Giám.
Thiền sư Ðức Sơn tiếp tục xiển dương Thiền Ðốn Ngộ, ngài thường dùng gậy đánh những học Tăng đến tham thỉnh dù họ nói đúng hay sai, trả lời hay im lặng. Thật là một phương pháp giáo hóa đặc thù, hiếm có đã làm cho tên tuổi ngài chói lọi chốn Thiền lâm.
Phỏng theo Vô Môn Quan - Ngày 31-12-1996
( * ) Trở về Mục Lục