Một kẻ có lòng
Tâm Không
Ðây là chuyện có thật, tác giả đã thay đổi tên tuổi của các nhân vật, nếu có ai bị trùng tên trong chuyện, chỉ là sự ngẫu nhiên.
Người ta gọi ông ta là Thầy thuốc Dũng, ông thầy thuốc Dũng ở trong ngành Thú y, hình như xưa kia ông tốt nghiệp ngành thú y sĩ, ông làm Trưởng Ty ở Tỉnh nầy lâu lắm rồi, cho đến khi ông về hưu mấy năm trước, hiện nay có lẽ ông đã ngoài sáu mươi, người ông cao lớn, da mặt ông ửng hồng, tóc bạc trắng phếu, thoạt trông qua, ai cũng đoán biết ông ta là người có tiền của, sống an nhàn và nhân đức. Bà thầy thuốc tuổi cũng xấp xỉ bằng ông, thuộc lớp người xưa, tóc dài để bới, tướng tá cao ráo, mặt tròn, nước da trắng, trông bà rất phúc hậu và đoan trang, tiệc tùng trong nhà một tay bà nấu ăn, làm bánh, cách dọn đãi khách rất tươm tất, lịch sự và thân mật .
Ông với bà thầy thuốc không có con cái, của chìm không biết có bao nhiêu, nhưng mà của nổi, ngoài căn phố cho mướn ở trung tâm tỉnh lỵ, hai ông bà đang ở một biệt thự, trong khu vực yên tĩnh có nhiều biệt thự khác, với tường rào chung quanh, với cây cảnh bên trong, chứng tỏ những gia đình ấy sống phong lưu.
Trong nhà, có một cậu thanh niên đó là cháu trai của bà thầy thuốc, một chị người làm ngót ba mươi tuổi, giúp việc nấu ăn và giặt giủ quần áo.
Ông bà thầy thuốc đều là những người có học, hồi còn nhỏ gia đình đã cho ông quy y với sư Huệ Minh, lớn lên ông bà thầy thuốc theo đạo Hòa Hảo, họ ăn chay thập trai nên người cháu và người làm cũng phải ăn theo. Ông bà thường hay bố thí cho những người nghèo, giúp tiền bạc để xây cất chùa, miễu, cúng đình, ông bà rất sẳn lòng, không bao giờ từ chối khi có người ngửa tay ra kêu gọi tới lòng hảo tâm của hai ông bà.
Hai ông bà thầy thuốc nghĩ đến việc hậu tự hay là công đức, một hôm ông đích thân đến nhà ông Hội Trưởng Tỉnh Hội Phật Học, mời Ban Trị Sự đến nhà ông dùng bửa cơm chay, chỗ quen biết nhau nên Ban Trị Sự Hội Phật Học nhận lời mời, không cần tìm hiểu lý do, bởi vì họ biết hai ông bà thầy thuốc là gia đình khá giả và đạo đức.
Bửa cơm thân mật tại nhà ông bà thầy thuốc, có năm vị trong Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo, bà thầy thuốc nấu các món chay rất cầu kỳ, làm cho thực khách ăn rất ngon miệng, gia chủ lại bải buôi nên bửa ăn rất thân mật. Bửa ăn chính chấm dứt, phần tráng miệng, có hồng và trái vải khô, uống trà ướp sen. Ðến đây ông thầy thuốc mới trịnh trọng báo cho Ban Trị Sự biết, hai ông bà đã làm xong giấy tờ, hiến căn phố ở trung tâm tỉnh lỵ, để Tỉnh Hội bán căn phố ấy lấy tiền xây ngôi chùa làm trụ sở.
Hầu hết mọi người trong Ban Trị Sự rất ngạc nhiên, bởi vì họ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện có thể xảy ra, nay chẳng ngờ lại có hai ông bà thầy thuốc phát tâm như thế. Riêng chỉ có ông Hội Trưởng luôn luôn nghĩ rằng làm việc Phật sự cho thẳng ngay, làm đúng theo lời Phật dạy, đạo tự nhiên hưng thịnh và Phật sự sẽ viên thành.
Ở tỉnh nhỏ, nằm ven biên giới, rừng tuy không sâu, núi tuy không cao nhưng mà địa linh, đạo vượng, người người hình như sống trong không khí đạo giáo nơi đây. Mấy thầy, cô giáo là những nhà mô phạm, đâu đâu cũng được mọi người kính nể, ở đây họ lại càng được kính nể hơn, vì mấy thầy cô thường thỉnh những bậc danh tăng ở thủ đô về thuyết pháp, họ không có chùa nên thuê rạp chiếu bóng làm giảng đường, mỗi lần như vậy đều có đông đảo Phật Tử đến nghe, họ ngồi dự chật ních cả rạp chiếu bóng.
Rồi dần dần, theo ý kiến của quý tăng, họ thành lập Hội Phật Học của Tỉnh, quy tụ những thầy thông, thầy ký mà nhiều nhất lại là thầy cô giáo, một thầy giáo tự nguyện cho mượn nhà mình làm trụ sở Tỉnh Hội. Ðâu được vài năm sau, Ban Cúng Tế miễu Cô hồn tặng cho Tỉnh Hội khu đất của miễu để cất chùa làm trụ sở.
Miễu không biết cất từ thời nào, nay chỉ còn những hàng cột siêu vẹo, mái lợp ngói âm dương lỗ chỗ trống trơn, đã nhiền năm không người tu bổ, trong miếu cũng còn có chỗ thờ, chiếc bàn chỉ có ba chân lỏng chỏng, còn chân thứ tư đã mất, được thay bằng miếng gỗ dát, trên mặt bàn đặt một lư hương, những người thợ mộc ngày ngày vẫn thắp hương cắm lên đó. Họ đã nhiều năm mướn nơi nầy, biến thành trại mộc, đóng hòm bán. Miễu có ba gian, gian giữa họ để hòm, gian bên phải để gỗ, chỗ nằm nghỉ, gian bên trái để cưa, xẻ bào gỗ đóng hòm, cũng làm nơi nhà bếp để nấu ăn uống. Dăm bào nằm khắp nơi trên nền miếu lót gạch tàu hai mươi, không còn được miếng nào nguyên vẹn.
Miễu xây mặt ra đường tráng nhựa chạy dọc theo con kinh đào, cửa sau miễu là con đường khác, bên kia đường là bãi cỏ rộng, ở giữ có xây một ngôi nhà gạch hình lục giác, nơi đó người ta gọi là Bồn Kèn. Tương truyền ngày xưa, mỗi chiều Thứ Bảy có ban nhạc trình diễn, để giải khuây cho bọn lính Pháp xa xứ, nhớ nhà.
Ông Hội Trưởng nhớ lại, Hội đã có miễu Cô Hồn mấy năm nay rồi mà Hội viên thì ít, nên chưa có tiền để phá miễu cất chùa. Nhiều người hình như họ kính nể những Hội viên là thầy cô của con cháu mình, nên họ không vào Hội, không muốn ngồi ngang hàng với những bậc đáng kính đó, vì vậy Hội khó phát triển Hội viên, do đó không có quỹ để bắt đầu xây cất chùa, ông cũng ngại việc đi quyên góp, phòng ngừa người ta cho rằng lợi dụng danh nghĩa thầy cô giáo để xin tiền của phụ huynh, nay được ông bà thầy thuốc Dũng hiến một ngôi phố để làm quỹ kiến thiết chùa, ông nghĩ quả thật là Phật độ.
Trước khi ra về, ông Hội Trưởng đứng lên thay mặt Tỉnh Hội tán thán công đức hai ông bà thầy thuốc Dũng, ông đề cao hai ông bà là đại thí chủ và xin cho chùa được vinh hạnh hậu tự ông bà thầy thuốc về sau nầy, chủ khách chia tay trong niềm hoan hỉ.
Khi khách đã về hết rồi, bà thầy thuốc lo chỉ bảo người làm và đứa cháu dọn dẹp nhà cửa, ông thầy thuốc đến ngồi vào ghế tràng kỷ khẩn xà cừ đặt ở giữa phòng khách, ông nhớ lại những việc mấy mươi năm về trước khi ông còn làm một nhân viên.
Hàng tháng ông phải đến một nơi nằm dưới chân núi, nơi đó người ta đem trâu bò về để bán cho nên gọi là ? chợ trâu bò ?, một số người mua trâu bò về để cày bừa ruộng nương của họ, một số trâu bò không được ai mua, người ta bán cho lái chở về thủ đô làm thịt, ông có bổn phận khám những con trâu bò nào đã già nua mới cấp giấy phép được xẻ thịt, những con nào còn khoẻ mạnh, phải giữ lại để người ta dùng vào nghề nông.
Ông nhớ rõ chuyện ấy như mới xảy ra hôm qua, nó luôn luôn ám ảnh ông hàng chục năm rồi, mỗi con trâu bò hình như chúng có linh tính, tất cả đều không muốn đi ngang qua cái bàn của ông ngồi, nhiều con đi ngang qua sắc mặt buồn hiu, chầm chậm bước, chúng nhìn ông với hai hàng nước mắt chảy dài, bởi vì chúng qua đó rồi sẽ được người ta chở đến lò sát sanh, một kiếp trâu bò khổ cực, cuối cùng còn phải chịu cực hình, bị người ta đập đầu thọc huyết, lần nào nhớ tới ông cũng đều bất nhẫn cho việc làm của con người.
Ông thầy thuốc không giết nó, nhưng chính tay ông đặt bút xuống ký, cho phép người ta chở đi giết mổ nó, chẳng khác nào ông đã ký cho nó bản án tử hình. Có những đêm ngủ, ông bị ám ảnh nên nằm chiêm bao thấy chính tay ông cầm con dao nhọn, máu nóng hổi còn đang chảy dài từ trên cánh tay ông xuống con dao. Cho nên hồi đó, ông đã tìm cách xin cấp trên cho một người khác thay thế. Nay ông quyết cúng dường Tam bảo để vun công, bồi đức, việc hậu tự ông nào đã nghĩ tới.
*
Hai năm sau, Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Học đã hoàn tất được ngôi chùa, phỏng theo những ngôi chùa mới kiến thiết thời đó, chùa có hai tầng, tầng trên là chánh điện, tầng dưới là giảng đường, chánh điện chỉ tôn tượng đức Thế Tôn ngồi thiền định trên tòa sen, phía sau đấp nổi cây bồ đề với cành lá xum xê. Chùa được đặt tên là Ðức Quang Tự , mặt tiền quay mặt ra phía bồn kèn, hàng tuần đều có khóa lễ vào buổi sáng Chủ nhật, sau đó Hội viên thay nhau thuyết Pháp, tối nào cũng có thời tịnh độ, lại thêm có Gia Ðình Phật Tử Chánh Hạnh hàng tuần hội họp, chùa dần dần đi vào nề nếp sinh động, nhưng vẫn còn thiếu bóng dáng của Tăng Già, hình như Ban Trị Sự còn đang chọn lựa để cung thỉnh một vị trú trì.
Rồi vận nước đổi thay, Tỉnh Hội Phật Học bị giải tán, chùa Ðức Quang đã bị sung công vào mục đích khác, một phần cũng vì không có Tăng, Ni trú trì.
Ông Hội Trưởng đứng ra xây cất chùa đã qua đời từ lâu, cô Lan con gái ông ta, mỗi lần có dịp đi ngang qua chùa đều bồi hồi xúc động, buồn vì không còn chùa để mỗi tối cô tới đó tụng kinh, niệm Phật, còn vì lẽ cô nhớ tới phụ thân mình đã đích thân ngày ngày đứng ra trông coi việc xây cất, chùa cất xong lại lo mua sắm, trang hoàng.
Thỉnh thoảng có một câu hỏi thoáng hiện trong trí cô Lan : Làm sao lấy lại chùa !? Một hôm cô lại thoáng có giải đáp : Hay là mình đi tìm bà thầy thuốc Dũng, thử xem bà có cách gì không, ông ấy đã mất nhưng bà vẫn còn mạnh khoẻ.
Một hôm cô Lan đến thăm bà thầy thuốc Dũng, cô tâm tình với bà để xin bà tìm cách lấy lại ngôi chùa Ðức Quang, bà thầy thuốc nghe qua, ôn tồn nói :
- Cháu Lan à ! Hồi chầu xưa ông nhà tôi hiến căn phố cho Hội, mấy đứa cháu của ổng cũng như của tôi đều trách phiền chúng tôi, tại sao không chia cho chúng chút đỉnh làm vốn, sau nầy chúng tôi có mãn phần, chúng nó sẽ nhớ ơn mà giỗ quảy hàng năm, chúng nó còn nói bị thân phụ cô rù quyến, bán căn phố đó được nhiều tiền, một phần cất chùa, một phần bỏ túi riêng, nhà tôi khi nghe nói lại, thường mĩm cười giải thích, cất chùa được phước chớ đưa tiền cho con cháu làm điều thất đức bất nhơn lại phải mang tội.
Từ khi chúng tôi hiến cho Hội, chúng tôi không bao giờ nghĩ chùa của chúng tôi, để mai mốt rảnh, tôi xem giấy tờ cũ, có gì khiếu nại được, chúng ta sẽ hiệp lực với nhau lấy chùa lại cho Phật tử có nơi tu học.
Ðúng một tuần lễ sau, bà thầy thuốc tìm tới nhà cô Lan báo tin bà tìm thấy một tờ giấy quan trọng, đó là giấy hai ông bà hiến căn phố, có chưởng khế ký và trong đó Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Học có ghi thêm : Trong bất kỳ trường hợp nào Tỉnh Hội Phật Học không cất chùa được, hoặc Hội giải tán, thì tiền bán căn phố hay chùa đã cất dành để cho ông bà Nguyễn Thành Dũng hoặc người thừa hưởng gia tài có toàn quyền quyết định số tiền hay chỉ định người Thủ tự.
Không hiểu do đâu, ông Hội Trưởng ngày đó đã ghi chú thêm những điều đó, hồi đó chắc ai cũng nghĩ hoặc quá cẩn thận hay lẩm cẩm đã ghi thêm, nhiều lần soạn giấy tờ cũ, bà định vất nó đi nhưng lại nghĩ để dành làm kỷ niệm những di vật của chồng, ngày nay bà thầy thuốc và cô Lan thấy nó có giá trị vô cùng, thật là hữu dụng.
Nhờ đó, bà thầy thuốc đứng đơn khiếu nại khắp các nơi, chỗ gần thì bà cầm đơn đích thân đem nộp, chỗ xa bà gửi thư, ngày nọ, tháng kia, bà thầy thuốc Dũng kiên nhẫn dầm mưa, dãi nắng chẳng ngại với tuổi già. Bà lặn lội kêu ca chỗ chỗ năm lần bảy lượt, chỗ hỏi cái nọ, chỗ vặn cái kia, chỗ đày, chỗ đọa, chỗ dọa, chỗ nạt, bà vẫn chịu đựng, cuối cùng họ phải trả lại ngôi chùa cho bà.
Ngay sau khi nhận lại chùa, bà thầy thuốc Dũng cùng cô Lan đi thỉnh một vị Tăng khất sĩ về trú trì ngôi Ðức Quang Tự. Ngày làm lễ nhập tự của sư Minh Thành, bà thầy thuốc Dũng xin phép Ban Hộ Trì chùa Ðức Quang cho bà được vinh dự bưng khai lễ, rước sư từ cổng đi lên Chánh điện.
Bà thầy thuốc Dũng mặc áo tràng nâu, cổ mang xâu chuổi tràng mã não, hai tay bưng khai lễ, trong khay đặt nào hương, hoa, quả. Bà bước đi trong khi chuông trống bát nhã đỗ liên hồi, chân bà bước lên những bậc thang không muốn vững, vì tuổi bà đã ngoài bảy mươi, nhưng bà vẫn cứ từng bước, bước lên với cả một tấm lòng hoan hỉ vì đạo.
Ngày Vía Ðức Quán Thế Âm PL 2541
( * ) Trở về Mục Lục