Một Ngón Tay Thiền
Tâm Không
Ở Kim Hoa, Vụ Châu, có một vị Tăng tên là Câu Chi vào sâu trong chân núi, chọn chốn thanh vắng, cất thảo am để tu tập hành thiền. Công phu tu tập và đạo hạnh của người, nổi tiếng quanh vùng.
Vào một buổi chiều, lúc Câu Chi đang lặng lẻ ngồi thiền, có ni cô Thật Tế tay cầm tích trượng,đầu đội mũ ni, chân đi giày cỏ, an nhiên bước vào thảo am, cô ta chẳng nễ vì am chủ, bởi đầu chẳng bỏ mũ ra, tay chẳng rời tích trượng, đi ba vòng quanh thiền sàn của Câu Chi đang ngồi, cô dừng lại chỗ trước mặt Câu Chi, dọng tích trượng xuống nền đất rồi nói :
- Nói đi ! Nói được thì tôi lột nón ra.
Câu Chi đã bị ni cô thách thức nhưng vẫn ngồi im chẳng biết nói gì, ni cô nhắc lại :
- Hãy nói đi ! Nói được thì tôi lột nón ra.
Bị thúc bách như thế mà Câu Chi vẫn chưa nói được tiếng nào, ni cô thúc giục.
- Nói đi ! Nói không được, thì tôi ra đi đây !
Câu Chi vẫn ngồi yên, không thể thốt ra câu nào, ni cô định bước ra cửa, Câu Chi nói :
- Trời đã về chiều, chốn vắng vẻ nầy khó tìm nơi nghỉ ngơi, mời cô ở lại, sáng mai hãy ra đi.
Ni cô Thật Tế lại nói :
- Nói đi ! Nói được thì tôi ở lại.
Quả thật là khó, vị tăng không biết phải nói điều chi, bởi vì ni cô Thật Tế không hỏi mà bắt phải nói, không nói được thì cô ta sẽ ra đi. Thân nữ một mình, một thân đi trong đêm trường quả thật là không nên, bởi vì chốn thanh vắng nầy, quanh vùng không có chùa chiền, tìm được một chỗ trọ không phải là dễ, mà nói cho được để ni cô ở lại, lại càng không phải dễ nữa !
Cuối cùng Câu Chi im lặng, đành phải chấp nhận để ni cô ra đi.
Ni cô Thật Tế đi rồi, Câu Chi tự trách mình, đã bao nhiêu năm công phu ngồi thiền, gẫm suy giáo pháp của đức Phật, là một bực trượng phu, vậy mà không thể thốt được lời nào của nữ nhân thách thức. Ông quyết định, ngày mai đóng cửa thảo am, vân du khắp nơi để tham thỉnh những bậc cao tăng, nhờ đó có thể biết trong trường hợp nầy, cần phải nói điều chi.
Ðêm ấy Câu Chi trằn trọc, vật lộn với thách thức của ni cô Thật Tế. Lúc ông thu xếp hành trang, với kinh kệ, y bát đang xếp vào trong đãy, bỗng có một vị khách lạ đi vào trong am, gặp ông vị ấy nói :
- Này Sư Câu Chi ! Ông định rời bỏ thảo am, đi tìm sư học đạo phải không ? Việc ấy không cần đâu.
- Tại sao ông biết là không cần ? Ông có biết, tôi đã không trả lời cho ni cô Thật Tế được tiếng nào kia mà !
Vị khách lạ mĩm cười ôn tồn nói tiếp :
- Hãy lo mà chuẩn bị đón khách quý, bởi vì ngày mai có nhục thân của một vị Bồ Tát đến đây, vị ấy sẽ chỉ dạy cho ông phương cách để trả lời. Cho nên tôi nói không cần, có nghĩa là như vậy.
Vị khách lạ chào Câu Chi, ông cũng chấp tay cúi đầu chào lại, do đó giật mình tỉnh giấc. Ông biết mình vừa trải qua một giấc mơ, và đã được Sơn thần đến mách bảo.
Sáng hôm sau vào khoảng giờ Tỵ, có Hòa Thượng Thiên Long đến viếng am, Câu Chi tiếp đón Hòa Thượng hết sức tôn kính, bởi vì ngài là một vị Thiền sư danh tiếng, hơn nữa đã có Sơn thần mách bảo trong giấc mộng.
Không bỏ lỡ cơ hội, sau tuần trà đãi khách, Câu Chi thuật lại câu chuyện đã xảy ra hôm qua, xin Hòa Thượng chỉ dạy cho phương thế ứng xử. Nghe đến đây, bất chợt Hòa Thượng Thiên Long vớI thái độ trịnh trọng, người đưa một ngón tay lên, chẳng những Thiên Long im lặng mà Câu Chi đang chờ đợi câu trả lời, ông ta cũng sững sờ trong cái dấu hiệu im lặng của ngón tay dơ lên đó, bỗng nhiên Câu Chi đại ngộ.
Từ đó, có những vị Tăng đến tham thỉnh về công án, về những vấn đề hiểm hóc căn bản của thiền, Câu Chi đều đưa một ngón tay lên trong im lặng, có những trường hợp đã được khai ngộ trong tác động nầy, Câu Chi trở thành một vị thiền sư.
Trong am của Câu Chi có một chú tiểu, cha mẹ cho theo lo việc trà nước, hầu hạ và thân cận để thấm nhuần đạo hạnh, học hỏi nơi Thiền sư, tiểu còn nhỏ, chú thấy nhiều lần có khách tăng đến hỏi, Thiền sư chỉ đưa một ngón tay lên, thay cho câu trả lời. chú nhập tâm ngón tay là tất cả, là quan trọng hơn hết, là tinh tuý của thiền.
Một hôm, chú rời am đi xuống xóm cư dân, làm chút việc theo lời Thầy dạy. Có những Phật tử quan tâm đến việc giảng dạy, đã hỏi thăm chú về những gì Thiền sư đã dạy. Ðể giải thích về việc nầy, chú đưa một ngón tay lên và nói rằng, thiền sư chỉ dạy có như thế mỗi khi người ta hỏi về giáo lý của đức Phật.
Khi xong việc, chú tiểu trở về am, lúc Câu Chi ngồi bên thư án, chú tiểu đứng gần bên, thuật lại cho Thầy nghe những người đã hỏi về phương pháp giảng dạy của Thầy, và chú tiểu cũng đưa một ngón tay lên, làm y như đã trả lời cho những người dưới xóm.
Bỗng Câu Chi nhanh như chớp, tay trái chụp lấy ngón tay chú tiểu, tay phải chụp lấy con dao rọc giấy, đè ngón tay chú tiểu xuống thư án, tay kia tiện đứt một lóng tay ngón trỏ của chú tiểu.
Vừa hoảng hốt, vừa đau, chú tiểu dằng ra khỏi tay Thiền sư, cắm đầu chạy khỏi thảo am, chú vừa chạy, vừa la, vừa khóc.
Thiền sư đuổi theo, vừa chạy vừa gọi :
- Này Tiểu ! Này Tiểu !
Chú tiểu biết có thiền sư chạy đuổi theo và gọi mình, ban đầu chú sợ nên chạy nhanh hơn nhưng bỗng chú nhớ ra, mỗi lần có vị tăng nào đến hỏi đạo, có khi không vừa lòng toại ý, có bỏ đi, thiền sư cũng chẳng chút để ý, chẳng hề đuổi theo, chắc chắn người không ghét, giận, độc ác với mình, có lẽ người muốn dạy bảo điều chi đây. Nghĩ vậy, chú tiểu quay mặt ngó lại, thiền sư dơ một ngón tay lên.
Tiểu chợt hiểu, chú dừng chơn, bởi vì chú nhớ lời Thiền sư đã có dạy: ?Tâm thanh tịnh thì trí huệ sanh ?. Chú im lặng, theo thiền sư trở về am.
Rồi có nhiều vị tăng đến theo học đạo với Câu Chi, tiếng tăm ngài lan rộng, từ thảo am dựng lên một thiền đường.
Cho đến một ngày kia sắp tịch diệt, Thiền sư thăng đường, cho Duy na báo gọi môn đồ đến bên thiền sàn mà dạy rằng :
- Ta được một ngón tay thiền của Thiên Long, bình sanh dùng chẳng hết, cần hiểu chăng ?
Thiền sư Câu Chi nói xong, đưa một ngón tay lên rồi hóa.
Một ngón tay do Thiên Long truyền lại, là phương pháp giáo hóa đặc thù của Câu Chi, đã để lại tên tuổi chói lọi chốn thiền lâm.
Phỏng theo ? Câu Chi đưa một ngón tay ?
Tắc 19 Bích Nham Lục
( Bài thứ ba Vô Môn Quan )
Phật Lịch 2540-Ngày 1-3-1997
( * ) Trở về Mục Lục