Một nhà ngộ đạo

tâm không

Ở huyện Hành Dương, xứ Xung Châu, có gia đình họ Bàng đời đời nghiệp Nho nối dõi, cho đến Bàng Long Uẩn thì cũng cứ nghiệp cũ mà theo. Tuy nhiên, ông còn chút lận đận nên chưa đỗ đạt thành danh, nhưng cũng đã lập gia đình có một vợ và hai con : Trai lớn, gái kế.

Gia đình sống thanh đạm, nhờ cảnh nhà như thế, ông mới hiểu được ý nghĩa cái khổ của cuộc đời, từ đó ông bỏ công đọc sách để tìm hiểu về giáo lý của đức Phật, ông nghĩ nếu giáo lý đạo Phật không siêu việt thì Trần Huyền Trang chẳng bỏ công đi sang Tây Trúc thỉnh kinh trong 17 năm, khi ông ta chết có chừng một trăm ngàn người đưa tang, còn hơn đám tang bất cứ vị hoàng đế nào, dân chúng ngưỡng mộ đạo Phật như thế ấy, và qua kinh sách ông đã tỏ ngộ được phần nào con đường giải thoát do đức Phật chỉ bày.

Cho nên ông quyết chí tầm sư học đạo, ông đã từng nghe Thiền sư Hy Thiên dạy đệ tử : ?? Pháp môn của ta do Phật trước truyền trao, không luận thiền định tinh tấn, chỉ cần đạt tri kiến Phật, tức tâm tức Phật. Tâm, Phật, chúng sanh, bồ đề, phiền não tên tuy khác mà thể vẫn đồng. Các ngươi nên biết thể tâm linh của mình lìa tánh đoạn và thường, không phải nhơ sạch, lặng lẽ tròn đầy, phàm thánh ngang bằng nhau, ứng dụng không lường, lìa tâm ý thức, ba cõi, sáu đường chỉ do tâm mình hiện, như trăng đáy nước, bóng trong gương, đâu có sanh diệt. Các ngươi khéo biết nó thì không gì chẳng đủ.

Ông cũng biết sư là đệ tử của Lục tổ, nhưng được chứng ngộ nơi Thiền sư Hành Tư ở núi Thanh Nguyên, sau sư đến Nam tự ở Hoành nhạc, cất am tranh trên gộp đá cao, giống như cái đài, người ta kính trọng sư nên gọi là Thạch đầu Hoà Thượng, về sau đệ tử lại thỉnh sư đến Lương Ðoan, xứ Hồ Nam để hoằng hóa Thiền tông. Tại đây năm 780, Long Uẩn ra mắt Thạch Ðầu, rồi hỏi :

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ?

Thạch Ðầu chẳng nói chẳng rằng, lấy tay bụm miệng ông, ông bỗng tỉnh ngộ ra.

Ông ở lại đây để tu hành, một hôm Thạch Ðầu hỏi :

- Từ ngày gặp lão Tăng đến nay, hằng ngày ông đã làm những gì ?

Ông đáp :

- Bạch Hòa Thượng ! Nếu hỏi việc làm hằng ngày tức không có chỗ mở miệng.

Tiếp theo, ông trình một bài kệ :

Hằng ngày không việc khác

Chỉ tôi tự biết hay

Vật vật chẳng bỏ lấy

Chỗ chỗ nào trái bày

Ðỏ tía gì làm hiệu

Núi gò bặt trần ai

Thần thông cùng diệu dụng

Gánh nước bửa củi tài.

Hòa Thượng Thạch Ðầu nghe bài kệ, ngài hứa khả sự chứng đắc của ông, rồi hỏi :

- Ông muốn xuất gia làm sư hay vẫn làm cư sĩ.

- Bạch Hòa Thượng ! Xin cho con theo sở nguyện không cạo tóc xuất gia.

Hòa Thượng Thạch Ðầu bằng lòng, rồi ông đến tham vấn Mã Tổ, ông hỏi :

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ?

Mã Tổ bảo :

- Ðợi ông hút hết nước Giang Tây, ta sẽ nói với ông.

Nghe câu nói nầy, ông được tỏ ngộ nên trụ lại thiền viện của Mã Tổ ở núi Cung Công xứ Nam Dương, để học đạo đến hai năm.

Sau khi đã ngộ đạo, ông trở về nhà khai ngộ cho vợ và hai con. Một hôm, ở nhà bỗng nhiên ông nói :

- Khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt.

Vợ ông đáp :

- Dễ dễ trên đầu trăm cỏ ý tổ sư.

Con gái ông, Linh Chiếu tiếp theo.

- Cũng chẳng khó, cũng chẳng dễ, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò.

Rồi một hôm, ông từ giả vợ và con trai, cùng Linh Chiếu chở những sách vở và một số bàn ghế vật dụng, đi tìm nơi để cất am tranh tu dưỡng, nhưng đến sông Tương thì ông và con gái vất bỏ tất cả mọi thứ xuống sông.

Ông tìm chỗ cất am tranh, Linh Chiếu hằng ngày lo cơm nước, chẻ tre, bện sáu bán nuôi cha.

Một hôm ông hỏi Linh Chiếu :

- Con có biết câu người xưa nói : ?? Sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư ??

Linh Chiếu thưa :

- Lớn lớn, già già thốt ra lời nói ấy.

Ông lại hỏi :

- Con thế nào ?

Linh Chiếu đáp :

- Sáng sáng đầu trăm cỏ, sáng sáng ý Tổ sư.

Ông cười tỏ ý chịu.

Long Uẩn nói năng lanh lợi, thường hay đến các chỗ giảng Kinh để giúp các sư đang thuyết pháp làm sáng tỏ những chỗ khó khăn, do đó nhiều người biết đến ông, vì ông giữ hình thức cư sĩ, nên người ta kính trọng gọi ông là Bàng Cư sĩ.

Một hôm tăng Thiên Nhiên đến thảo am thăm ông, lúc đến cổng, thấy Linh Chiếu đang bưng rỗ rau, từ ao đi vào nhà, Thiên Nhiên hỏi vọng vào :

- Này cháu ! Chẳng hay có Bàng Cư sĩ ở nhà hay không ?

Linh Chiếu dừng lại, để rỗ rau xuống đất, đứng khoanh tay không nói năng chi. Ông lại hỏi tiếp :

- Bàng Cư sĩ có ở nhà hay không cháu ?

Linh Chiếu cũng chẳng trả lời, cúi xuống lấy rỗ rau tiếp tục đi, tăng Thiên Nhiên hội ý đi về. Chốc lát sau Long Uẩn về tới, Linh Chiếu báo có tăng Thiên Nhiên đến, ông hỏi :

- Tăng Thiên Nhiên đâu rồi.

Linh Chiếu thưa :

- Ðã đi về.

Long Uẩn nói với con :

- Con đã lấy đất đỏ nặn trâu.

Về sau, ông và tăng Thiên Nhiên gặp nhau nhiều lần, mỗi lần họ đều dùng ngôn ngữ, hành động, chữ nghĩa thiền để đối đáp nhau, cả hai bên tám lạng, người nữa cân, vì họ đều là những môn đồ của Mã Tổ và Thạch Ðầu.

Ngày kia, ông bảo Linh Chiếu ra ngoài xem, chừng nào đúng ngọ vào cho ông biết, Linh Chiếu bước ra ngoài cửa, nhìn trời rồi trở vào nói với ông:

- Thưa cha ! Ðã đúng ngọ nhưng lại có nguyệt thực.

Ông lấy làm lạ bước ra ngoài để xem. Trong am Linh Chiếu bước lại chỗ của ông, ngồi kiết già chấp tay thị tịch.

Bước trở vào thấy vậy, ông nhận biết ra ngay sự việc, hoan hỷ nói :

- Con gái ta lanh lợi quá ! Ta đã chuẩn bị xong rồi, lại giành để đi trước.

Bàng Long Uẩn lo việc chôn cất cho con. Bảy ngày sau, Châu Mục Vu Công nghe nói ông bệnh, nên đến thăm bệnh của ông, ông nói :

- Chỉ mong các cái có đều không, dè dặt các cái không đều thật, khéo ở thế gian đều như bóng vang.

Nói xong, ông nằm gát đầu lên gối của Vu Công mà thị tịch.

Vì ở xa xôi nên thời gian sau người ta mới đưa tin về việc thị tịch của Bàng Long Uẩn và Linh Chiếu cho gia đình biết, Bàng bà nghe tin xong, nói :

- Con gái ngu si với ông già vô tri, không báo tin mà đi, sao đành vậy!

Nói xong, bà ra đồng báo tin cho người con trai :

- Này con ! Cha con với Linh Chiếu đã đi rồi !

Người con đang bừa ruộng đáp :

- Dạ !

Dạ xong, anh ta lặng yên đứng mà tịch. Thấy thế bà lại nói :

- Thằng nầy sao ngu si lắm vậy !

Bà lo liệu thiêu con, xong việc lại thăm viếng thân thuộc rồi đi biệt tích. Người ta bảo nhau : Cả nhà đạt đạo !

Oct, 8th,1997

( * ) Trở về Mục Lục