Nghệ thuật giảng dạy

Phật Pháp

*

Phật pháp là môn học chính trong Gia Ðình Phật Tử. Cho nên người đứng ra lãnh trách nhiệm giảng dạy phải thận trọng vì nếu không sẽ :

a.- Không nắm vững tin thần của các em, dễ khiến cho các em ồn ào, nghịch ngợm, mất kỷ luật.
b.- Làm cho giờ học trở nên khô khan, khiến các em dễ chán nãn, không thích học.
c.- Làm cho các em sợ học Phật pháp. Như vậy vô tình giết chết mầm tin đối với Phật pháp.

Vậy muốn có nghệ thuật giảng dạy, phải như thế nào ?

1.- Trước tiên người giảng dạy phải có một căn bản hiểu biết về giáo lý, hiểu rõ mục đích và đường lối giáo dục của Gia Ðình Phật Tử.

2.- Phải có tác phong đạo đức của một người Huynh Trưởng, từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ phải hết sức thận trọng và nghiêm trang.

a) Giảng dạy không có nghệ thuật sẽ không nắm vững được tinh thần của các em, dễ khiến cho các em làm ồn ào, nghịch ngợm, mất kỷ luật, hoặc giả bộ ngồi nghe . . ., nhưng sự thật thì chúng không nghe gì cả, và nếu chúng ta để ý đến một chút, chúng ta sẽ nhận thấy chúng có những cử chỉ thật là tinh nghịch. Như thế, trong một buổi học Phật pháp, các em sẽ không thâu lượm được kết quả gì cả.
b) Giảng dạy không có nghệ thuật sẽ làm cho giờ học Phật pháp trở nên khô khan, thiếu không khí hoạt động, và khiến cho các em chán nản buồn ngủ, không ham thích học tập Phật pháp.
c) Giảng dạy không có nghệ thuật sẽ làm cho các em bực bội khó chịu. Giảng dạy như vậy tức là chúng ta đã vô tình giết chết mầm tin tưởng đối với Phật pháp lúc ban đầu của các em, và phản ngược với đường lối giáo dục của Gia Ðình Phật Tử.

A.- muốn có nghệ thuật khi giảng dạy phật pháp cho thiếu nhi phải làm thế nào.

Thật ra nghệ giảng dạy chưa dễ gì để có thể đem ra chỉ vẽ cho mọi người như là một công thức toán học, vì lẽ nó cần phải có thực hành và kinh nghiệm nhiều mới có thể cảm nhận được. Dưới đây, chúng tôi chỉ nêu ra một vài điểm mà chúng tôi đã thâu lượm được trong những lúc giảng dạy cho các em, để giúp anh, chị em phần nào về việc giảng dạy Phật pháp cho các em thiếu nhi Phật tử :

1.- Phải có một căn bản hiểu biết về giáo lý, và phải hiểu rõ mục đích và đường lối giáo dục của Gia Ðình Phật Tử làm nồng cốt.

2.- Phải có tinh thần, tác phong của một người Huynh Trưởng gương mẫu, đạo đức, phải có những đức tính hỷ xả và thành thực vì muốn làm lợi ích cho các em, cho Ðạo, tất cả chỉ cùng lời ăn tiếng nói, cần phải hết sức thận trọng và trang nghiêm, nhưng không kém sự vui vẻ và hồn nhiên, miễn là làm thế nào để cho các em thương mến, và kính nể không dám khinh nhờn.

3.- Trước khi giảng dạy cho các em một vấn đề gì về Phật pháp, cần phải hiểu cho suốt, phải nghiên cứu cho thật kỹ lưỏng, trình bày cho có thứ tự, sáng sủa, giản dị, dễ hiểu.

4.- Trong khi giảng dạy, không nên dùng những lời màu mè mơ mộng mà trống rỗng. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng : lời nói càng thành thực tha thiết chừng nào, thì lại càng làm cho các em thấm nhuần về Phật pháp nhiều chừng ấy. Lời nói nếu chúng ta biết sử dụng nó đúng chỗ, đúng lúc, thành thực; lời nói chính mình đã rung cảm do thực hành Phật pháp, thì chúng ta cảm thấy tự nhiên có một sức mạnh thực là phi thường, chúng ta hãy vận dụng sức mạnh ấy, để giao cảm với niệm lực của các em, để chuyển tâm thức của các em phấn khởi hướng tiến mạnh về mục đích của Ðoàn, của Gia Ðình Phật Tử chúng ta, và cao vọng hơn nữa : hướng tiến đến chỗ cứu cánh giác ngộ toàn mỹ.

5.- Trong khi giảng dạy cho các em cần phải giản dị tự nhiên, không nên quá cao kỳ kiểu cách, hoặc quá đạo mạo uy nghiêm, khiến cho giữa chúng ta và các em trở nên xa cách, nhưng cũng không nên quá vui vẻ dễ dãi, khiến cho các em coi thường người giảng dạy, cũng như đối với Phật pháp, ngược lại phải gây cho các em nhất là đối với Phật pháp : Các em cảm thấy khát ngưỡng, tin tưởng mãnh liệt tự đáy lòng của các em.

6.- Trong khi giảng dạy, từ lời nói đến điệu bộ, cần nhứt phải giữ đúng tác phong đạo đức của một người Huynh Trưởng Phật Tử gương mẫu, và phải cho đúng chỗ, đúng lúc. Thí dụ : Giảng đến chỗ vui vẻ, thì lúc ấy chúng ta cần phải có một dáng điệu vui vẻ (vui vẻ trong tinh thần đạo vị); nếu giảng đến chỗ cần phải cảm động cũng vậy. Về giọng nói, chúng ta cũng tùy theo đó mà có khi cao khi thấp, khi êm ái lúc hùng dũng (hùng dũng không phải quát tháo, dơ tay mắm miệng . . .) nhịp nhàng với dáng điệu lúc bấy giờ, để cho các em phải chú ý vào lời giảng dạy, khiến cho tâm thức các em không duyên theo những cảnh khác.

7.- Trong khi giảng dạy, phải tùy theo trình độ hiểu biết, tâm lý, tuổi tác . . . của các em mà giảng dạy cho được thích nghi.

8.- Trong khi giảng dạy, có một điều mà chúng ta cần phải lưu ý, là đừng bắt các em phải theo chúng ta, như vâng theo mệnh lệnh của một người chỉ huy, và tránh không nên quát tháo ầm ỹ, làm khó cho thính giác của các em phải nhức đầu điếc óc, bực mình. . ., làm như thế càng chứng tỏ rằng người giảng dạy, hoặc điều khiển các em thiếu nghệ thuật, bất lực với các em, có khi lại còn châm ngòi cho các em nghịch ngợm. Tôi đã gặp một vài Huynh Trưởng, trong những lúc điều khiển các em đã vô tình mắc phải những khuyết điểm đáng tiếc nầy. Nhưng, đó cũng là một điều để cho chúng ta cần phải sữ chữa, và kinh nghiệm thêm " thất bại là mẹ đẻ của thành công" . Chúng ta chỉ cần một chút cố gắng, là chúng ta sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp. Hãy tinh tấn lên !

9.- Trong khi giảng dạy do lòng thành cảm khích một cách tự nhiên, có khi lại trở thành một nghệ thuật thật là mầu nhiệm. Một hôm tôi giảng dạy về lịch sử Phật Thích Ca cho các em, gặp đến chỗ nói về đức Phật Nhập Niết Bàn, khi đó tôi nhắc đến lời di giáo của Phật thì, hốt nhiên tôi tự rơm rớm nước mắt, vì cảm động, mất một lúc, tôi không còn giữ được lời nói một cách tự nhiên nữa, mặc dầu tôi đã hết sức cố nén, thì ngay lúc đó trong phòng giảng trở thành một bầu không khí bao phủ thực là trang nghiêm khác thường, và tất cả các em cũng như biểu lộ một sự hoài cảm với tôi đối với đức Phật, và tôi trông thấy các em lúc bấy giờ thực là ngoan ngoản dễ thương ! Cho nên tôi nghĩ rằng : " Thực vậy, mình có rung cảm thực, thì mới có thể làm cho người khác rung cảm được ". Ðó cũng là một nghệ thuật, nhưng phải đừng tự dối mình, nếu ngược lại thì không nên.

B.- Kết luận .

Vấn đề giảng dạy Phật pháp cho Thiếu Nhi thì không biết nói thế nào cho cùng, chúng ta cần phải thực hành, và kinh nghiệm nhiều trong nghề giáo dục mới có thể thấu đáo hết được.

Phật dạy : "Tài thí khiến cho chúng sanh được thân an, Pháp thí khiến cho chúng sanh được tâm an. Tài thí chỉ làm cho chúng sinh đươc giải thoát trong một đời, Pháp thí làm cho chúng sinh được giải thoát trong nhiều đời ".

Chúng ta hãy cố gắng tung vãi những hạt giống lành ?? Pháp thí ?? cho Thiếu nhi là những thửa ruộng phì nhiêu nhất, đó là chúng ta báo ân Phật một cách chân chính và tối cao.

Giả sử có người nghĩ đến ân đức của Phật, trãi trăm nghìn ức kiếp, nghiền nát thân mạng như tro bụi, để báo ân Phật, cũng không bằng gieo rắc những hạt giống lành Pháp thí ấy cho mọi người vậy.

Trích : Tài liệu Khóa Huấn Luyện Tuệ Tạng, BHD GÐPT/GHTGBVTMN in Ronéo, 1960

Trở về Mục Lục