Giáo lý nguyên thủy Phật giáo

Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm

(1921-2000)

LGT : Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm du học ở Nhật Bản vào đầu thập niên 50, năm 1962 ngài về nước, năm 1963 ngài cho xuất bản Lịch Sử Phật Giáo Ấn Ðộ và Lịch Sử Phật Giáo Trung Quốc, hai quyển sách rất có giá trị về Giáo lý và lịch sử truyền bá đạo Phật.Hoà Thượng là Phó Ðại Diện Miền Vĩnh Nghiêm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kiêm trú trì Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm Sàigòn, ngài là bậc chân tu, uyên thâm giáo điển, tài cao, đức trọng.

Bài nầy trích từ quyển Lịch sử Phật Giáo Ấn Ðộ, xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

I- Giáo lý căn bản của Phật giáo

Ðức Thế Tôn, trong khoảng 45 năm, Ngài tuyên dương chánh pháp, mục đích duy nhất là để cứu vớt chúng sanh thoát khỏi bể sinh-tử trầm luân, tới chốn niết bàn, thường trụ, an-lạc. Nói trái lại, tức là chuyển mê khai ngộ, nên giáo lý của Ngài một mặt chú trọng về phương diện trí tuệ, một mặt chú trọng pháp thực tiễn tu hành. Pháp thực tiễn tu hành tức là pháp môn Tứ Ðế : Khổ Ðế, Tập Ðế, Diệt Ðế, và Ðạo Ðế.

Pháp Tứ Ðế là kết quả của sự thực nghiệm tu hành mà Ðức Thế Tôn đã chứng ngộ được ở dưới cây Bồ Ðề. Vì mục đích lợi tha, nên sau khi thành đạo, trước hết Ngài khai thị pháp Tứ Ðế ở vườn Lộc Dã để độ năm người đệ tử đầu tiên. Tiếp sau, đi các nơi thuyết pháp độ sinh, Ngài nương vào căn cơ của thính chúng nên giáo pháp của Ngài nói ra hoặc cao, hoặc thấp, hoặc nông, hay sâu khác nhau, nhưng tựu trung cũng đều bắt nguồn từ pháp môn Tứ Ðế.

II-Tứ đế

Tứ Ðế còn gọi là Tứ Thánh Ðế (Catvàri-árya-satyàni), hay Tứ-Chân-Ðế, gọi tắt là Tứ Ðế. Ðế nghĩa là chân thực nên Tứ Ðế được gọi là bốn chân-lý như thực.

1- Khổ Ðế (Dukka-satya) - Trong thế giới hiện thực này, bất cứ loài hữu tình hay vô tình, đều ở trong chân tướng khổ não. Căn cứ vào lời Phật dạy thì con người trước hết có bốn cái khổ lớn, tức là SINH (Jàtir), Lão (Jarà), bệnh (Vyàdihir), tử (Marana); tiếp sau, người thân yêu bị xa cách, gọi là "Ái biệt ly khổ"; điều mong cầu lại không toại nguyện, gọi là "Cầu bất đắc khỗ"; chấp trược vào năm yếu tố : Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức, bị nó nung nấu khổ sở, gọi là "Ngũ ấm thịnh khổ". Vì đầy rẫy sự khổ sở, không có một chút khoái lạc, xét cho cứu kính là cái thế giới khổ não. Hết thảy chúng sinh vì hôn mê không biết, chấp trước ham đắm vào dục lạc ở thế gian cho là sung sướng, nên cứ chìm đắm vào bể khổ, bị sinh tử luân hồi mãi không có kỳ-hạn giải thoát. Ðức Thế Tôn, Ngài nhận chân thấy cuộc đời là khổ, thế giới thì sinh, trụ, dị, diệt, vô-thường, nên Ngài đã nói ra Khổ Ðế.

2- Tập- Ðế (Samudaya-satya) - Tập nghĩa là tập hợp, chứa góp những chân tướng khổ não làm nguyên nhân cho hiện tại và tương lai. Căn cứ vào lời Ðức Thích Tôn giáo huấn, thì thế giới vạn hữu hết thảy đều y vào sự quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả mà sinh hay diệt, ngay cả đến sự tướng nhỏ bé li ty chăng nữa cũng không tránh khỏi luật nhân-quả. Con người vì sinh trong thế giới vô-thường, nên tất cả mọi sinh-hoạt của con người thường gặp những điều không như ý, nhiều khổ não. Tất cả mọi hiện tượng khổ não, không phải là ngẫu nhiên, mà đều lệ thuộc vào Tập-nhân rồi theo luật nhân-quả chi phối. Tập-nhân tức là "vô-minh", vì y vào vô-minh nên sinh ra chấp trước, sinh ra dục vọng, tạo thành các nghiệp ác về Thân, Khẩu, Ý và các nghiệp khác, nên trở thành "Nghiệp". Nghiệp (Karma) tức là nghiệp-lực, nó có cái sức tích tập, nên trở thành nghiệp nhân, các nghiệp tương ứng với nghiệp nhân gọi là nghiệp quả, đưa đến khổ báo, gây thành khổ quả. Tóm lại, cận nhân của quả khổ là nghiệp, và viễn nhân của quả khổ là vô minh, hay là "hoặc". Vậy nên quả khổ của hiện tại, là do hoặc và nghiệp ở quá khứ mà sinh, quả khổ vị lai là do hoặc và nghiệp của hiện tại mà có. Quả khổ được tồn tại là do hoặc và nghiệp cứ liên tiếp không ngừng. Vì thế, ba thứ "Hoặc", "Nghiệp", "Khổ" cứ làm nhân lẫn nhau, gây thành quả khổ vô cùng vô tận, nên gọi là Tập Ðế.

3- Diệt-Ðế (Nirodha-saty) - Diệt đế là giải thoát luận và cũng là lý tưởng luận của Phật Giáo, Khổ đế và Tập đế là nguyên nhân và kết quả của khổ não, Diệt đế là phương pháp diệt trừ khổ quả và khổ nhân, đưa chúng sinh tới chỗ Niết Bàn thường trụ. Căn cứ vào giáo lý của Ðức Phật, thì khổ quả của con người là do nghiệp làm cận nhân, nghiệp nương vào hoặc mà sinh, hoặc lấy vô minh làm nguyên nhân căn bản. Từ vô minh sinh ra ngã tưởng, y vào ngã tưởng sinh ra chấp trược, nhận thế giới vô thường là thực tại, nên sinh ra vọng tưởng, vọng tưởng là cơ bản để sinh ra mọi phiền não, gây ra mọi nghiệp nhân, tạo thành cái quả khổ sinh tử. Vì vật, nếu muốn diệt khổ quả, trước hết phải đừng tạo nghiệp nhân, muốn không tạo nghiệp nhân, trước hết cần phải diệt ngã tưởng. Ngã tưởng đã đoạn, thì nhận được chân tướng của thế giới là bản lai vô ngã. Biết được chân tướng của thế giới là Bản lai vô ngã, tức là ngã tưởng đoạn diệt, cắt đứt được xiềng xích luân hồi, thoát mọi khổ não trong bể sinh tử, không bị luân hồi trong lục thú, tới chốn giải thoát Niết Bàn, đó là Diệt Ðế.

4- Ðạo-Ðế (Màrga satya) - Giáo lý dùng làm nguyên nhân để đạt tới quả Giải thoát Niết bàn, tức là những pháp môn thực tiễn tu hành, thuộc Ðạo Ðức luận của Phật Giáo. Căn cứ vào giáo lý của Ðức Phật để đạt tới quả Niết Bàn, thì không giống như Thuật thế ngoại đạo, thiên chấp về khổ hạnh hay khoái lạc, mà là pháp môn Trung đạo (madhya-pratipada). Pháp môn Trung đạo này, Ðức Phật nương vào thời cơ mà nói ra, như khi sơ chuyển pháp luân, Ngài nói giáo lý bát chánh đạo, khi nhập niết bàn, Ngài nói "tam thập thất phẩm trợ đạo". Ðể quy định cách thức tu hành và hành vi hàng ngày cho các đệ tử, nên Ngài lại nói ra giới luật hay thuyền định .v.v..

Vậy nên người tu hành trước hết phải giữ giới để thân tâm được thống nhất, không bị mọi vọng niệm khuấy động, do công phu đó mà trí tuệ được phát sinh, thấu suốt được chân tướng của thế giới, diệt trừ được mọi hoặc, nghiệp, khổ.

Trong Pháp-môn Tứ Ðế thì Khổ Ðế và Tập Ðế là nhân quả thế gian; Diệt Ðế và Ðạo Ðế là nhân quả xuất thế gian. Biểu đồ tóm tắt như sau :

----------( Khổ Ðế (quả) Tập Ðế (nhân) : Nhân quả thế gian

Tứ đế )

----------( Diệt Ðế (quả) Ðạo-Ðế (nhân) : Nhân quả xuất thế-gian

III- 12 nhân duyên

Mười hai nhân duyên là giáo lý nội quán của Ðức Phật khi thành đạo. Sau khi thành đạo, Ngài căn cứ vào lẽ sinh khởi của khổ giới là Khổ Ðế và Tập Ðế mà lần lượt nói ra sự nhân quả quan hệ của nó cho 12 thứ, được gọi là duyên khởi, hoặc 12 chi, hay 12 nhân duyên. Ðối với giáo lý của Phật giáo, 12 nhân duyên chiếm một vị trí rất quan trọng.

Giải thích về 12 nhân duyên có nhiều phương pháp khác nhau. Nay căn cứ vào phương pháp Tam Thế Phối Ðẳng để giả thích đại khái như sau:

Trước hết, chi "Lão Tử" (Javà-marana) của vị lai phải chịu, là từ chi "Sinh" (Jàti) ở vị lai mà có; chi "Sinh" ở vị lai là kết quả về tích tập mọi nghiệp của hiện tại là "Hữu" mà có; chi "Hữu" (Bhava) thì nương vào sự chấp trược của "Thủ" mà có; chi "Thủ" (Upàdàna) nương vào sự tham ái về sự vật của "Ái" mà có; "Ái" (Trsna) nương vào sự cảm giác khổ vui của "Thụ' mà có; chi "Thụ" (Vedanà) nương vào sự xúc tiếp với ngoại cảnh của "Xúc" mà có; chi "Xúc" (Sparsa) nương vào sự xúc tiếp về sáu cảm quan của "Lục nhập" mà có; "Lục nhập" (Sad-áyatana) nương vào sự kết hợp giữa thân và tâm của "Danh sắc' mà có; "Danh sắc" (Nàmarũpa) nương vào sự tác dụng nhận thức phân biệt của "Thức" (Vijnãna) mà có; nhưng thân thể của hiện tại thì đều do kết quả về nghiệp ở quá khứ đã tạo là "Hành" (Samskàra); "Hành" nương vào "Hoặc" tức là "Vô-minh" (Avidyà) mà sinh ra. Như vậy, nguyên nhân căn bản của mọi khổ não tức là "Vô-minh"; gọi là căn bản vô minh".

Trong 12 chi, Sinh và Lão Tử là hai quả vị lai, nguyên nhân trực tiếp của hai quả này là ba chi : Ái,Thủ, Hữu, gọi là ba nhân của hiện tại. Năm chi Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, và Thủ là nguyên nhân gián tiếp cho hai quả vị lai, đồng thời cũng là kết quả về nghiệp của quá khứ, nên còn gọi là năm quả của hiện tại. Sau hết, Vô minh và Hành là hai nhân ở quá khứ. Như vậy, ba đời quá khứ, hiện tại, và vị-lai trở thành mối quan hệ nhân quả lẫn cho nhau, gọi là tam thế lưỡng trùng nhân quả. Nếu phối đáng với ba thứ Hoặc, Nghiệp, Khổ, thì hai quả của vị lai và năm qua của hiện tại là "Khổ", Hữu và Hành là "Nghiệp" của quá khứ và hiện tại; Thủ, Ái và Vô-minh là "Hoặc" của quá khứ và hiện tại.

Khổ, Hoặc, và Nghiệp cũng quan-hệ lẫn nhau, nên tạo thành một vòng tròn tuần hoàn không ngừng, 12 nhân duyên cũng nương vào nhau để tạo nhân kết quả, chấp thành mối giây liên lạc vô cùng vô tận. Nay đem Khổ Ðế và Tập Ðế phối đáng với 12 nhân duyên theo bản đồ như sau:

---------------------------------------------------------------------------------Khổ

-----------------------------------------------------------------------------X------------X

-----------------------------------------------------------------------Hoặc----X---- NGHIỆP

------------------------------Vô minh---------Hoặc-------)

------------2 chi quá khứ

-----------------------------Hành-------------Nghiệp----( 2 nhân quá khứ--- Tập đế

--------------------------------Thức----------(

--------------------------------Danh sắc-----)

-------------------------------Lục Nhập-----(-Khổ----------5 quả hiện tại-----Khổ đế: 1 trùng quá hiện: Tam thế lưỡng

-------------------------------Xúc-------------)

Tam Thế 8 chi hiện tại---Thụ------------(

-------------------------------Ái--------------)-Hoặc-------)--3 nhân hiện tại--Tập đế: 1 trùng hiện vị: trùng nhân quả

------------------------------Thủ------------(

------------------------------Hữu------------)-Nghiệp-----(

----------------------------Sinh--------------(-Khổ-----------2 quả vị lai--------Khổ đế

-----------2 chi vị lai --Lão tử

---------------------------mọi khổ----------)

Mười hai nhân duyên như trên đã thuật, là phép tư duy nội quán của Ðức Phật ở dưới cây Bồ Ðề.

Ngài đã chứng ngộ, biết được nguyên nhân căn bản của mọi khổ là do Hoặc tức là Vô minh, nên Ngài đã đoạn diệt hết vô minh và chứng được đạo quả giải thoát. Vậy nên, nếu Vô-minh diệt tức là Hành diệt, Hành diệt tức là Thức diệt, Thức diệt tức Danh sắc diệt, Danh sắc diệt tức Lục nhập diệt, Lục nhập diệt tức Xúc diệt, Xúc diệt tức Thụ diệt, Thụ diệt tức Ái diệt, Ái diệt tức Thủ diệt, Thủ diệt tức Hữu diệt, Hữu diệt tức Sinh diệt, Sinh diệt tức Lão tử mọi khổ đều diệt, đạt tới cảnh giới Niết Bàn giải thoát.

IV - Thế giới quan

Ðức Thích Tôn, Ngài quan sát thế gian theo hai dạng thức khác nhau, tức là hiện thực thế giới quan, và lý tưởng thế giới quan. Hiện thực thế giới quan là thế giới sinh tử, mê vọng, khổ não; lý tưởng thế giới quan là thế giới Niết Bàn, thường trụ an lạc. Hai thế giới này được khu phân là căn cứ vào sự chi phối của nhân duyên có hay không. Về hiện thực thế giới thì nương vào nhân duyên mà có, vì nương vào nhân duyên mà có, nên là thế giới vô thường (Aniccatà), có sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới hữu vi (Samskrta) ; lý tưởng thế giới thì không bị nhân duyên chi phối, nên là thế giới thường trụ, không sinh diệt biến hóa, thuộc thế giới vô vi (Asamskrta).

Về thành phần để thành lập thế giới thì có vật và tâm, và sự quan hệ giữa vật và tâm, hay là không phải vật và cũng không phải tâm, chia ra làm 5 yếu tố, gọi là ngũ uẩn (Pảnca-skandàh). Uẩn có nghĩa là tích tụ.

1- Sắc uẩn (Rùpa-skadha) - Tổng thể của vật chất, có tính cách chướng ngại, trước hết là bốn nguyên tố Ðịa, Thủy, Hỏa, Phong, sau là do sự kết hợp của 4 nguyên tố đó thành ngũ quan là Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân và đối cảnh của ngũ quan là ngũ trần : Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc.

2- Thụ uẩn (Vedanà-sk) - Sự cảm thụ của ngũ căn đối với ngũ uẩn, sinh ra mọi cảm giác như khổ sướng, vui buồn.

3- Tưởng uẩn (Samjnã-sk ) - Sự tưởng tượng và tư duy về hình dáng của sự vật, sau tác dụng của căn đối với cảnh.

4- Hành uẩn (Samakàra-sk) - Sự quan hệ tác dụng của tâm và tâm bất tương ứng hành, khởi ra mọi hành động thiện ác.

5- Thức uẩn (Vijgãna-sk) - Thức uẩn là tác dụng của tinh thần, để nhận thức và phân biệt mọi trạng thái của tâm đối với cảnh, tức là ý thức, bản thể của tâm.

Năm uẩn đều có cái công năng tạo tác và kết hợp đẻ thành lập thế giới. Vì nương vào sự kết hợp khác nhau, nên sinh ra thế giới hữu tình và vô tình, thiên hình vạn trạng sai khác nhau. Sự kết hợp của ngũ uẩn thì không nhất định, nương vào nhân duyên mà kết hợp, cũng lại nương vào nhân duyên mà ly tán. Vì lý do kết hợp, ly tán, nên ước vào thời gian thì không thường trụ, ước vào không gian lại không cố định. Tóm lại, về hiện tượng của thế giới hữu vi là biến hóa vô thường, nên gọi là chư hành vô thường.

Chư hành vô thường là chân tướng của thế giới hiện thực, là thế giới của sinh diệt biến hóa, phủ nhận sự tồn tại của ngã, là chủ thể duy nhất. Ngã chẳng qua chỉ là cái quá trình của sinh diệt biến hóa, chỉ tạm thời tồn tại, ví như nước chảy, bọt nổi đều không có thực thể, mà tưởng tượng là thực thể, thực hữu, thì chỉ là sự mê vọng, cho nên gọi là chư pháp vô ngã.

Chúng sinh không biết, nhận thế giới là thường trụ, tưởng tượng là có ngã, chấp trược thành ngã tưởng, sinh ra mọi thứ hoặc, tạo ra mọi thứ nghiệp, gây ra mọi sự Khổ, nên gọi là Nhất thiết giai khổ. Nếu biết được "chư hành vô thường", "chư pháp vô ngã", "nhất thiết giai khổ", tức là đoạn diệt được mọi "Hoặc", "Nghiệp", "Khổ", tới chốn niết bàn Tịch tịnh.

Thế giới tuy chia ra hữu vi và vô vi, khổ và vui, vô thường và thường trụ, sinh tử và niết bàn, nhưng chỉ là nương vào sự có Ngã tưởng, hay không có Ngã tưởng mà thành lập. Nếu khởi tâm có Ngã tưởng, thì đồng thời cũng sinh ra hiện tượng giới của nhân sinh diệt, gây thành thế giới hữu vi khổ não. Trái lại, nếu diệt được Ngã tưởng, thì đồng thời cũng giải thoát được cái quan hệ nhân duyên sinh diệt tới cõi vô vi an-lạc. Vậy nên pháp Vô Ngã Quán chiếm một địa vị trọng yếu trong Phật giáo.

V- Phân loại thế giới

Yếu-tố để thành lập thế-giới là ngũ uẩn. Vì sự kết-hợp sai khác nên có phần thô và phần tế của sắc, nên chia ra Sắc giới (Rùpa-dhàtu) và Vô sắc giới (Arùpa-dh.). Sắc giới thì nương vào điều kiện dục-vọng nhiều hay ít, nên lại chia ra Sắc giới và Dục giới (Kàma-dh.) , tức là tam-giới. Vô sắc giới được thành lập từ phần vi tế của Sắc Uẩn, và 4 uẩn khác; Sắc giới thì hoàn toàn do Ngũ uẩn thành lập; Dục giới cũng do ngũ uẩn thành lập, nhưng là thế giới rất xí thịnh về 3 mặt: ăn uống, sắc dục, va thụy miên.

Y vào giá-trị đạo đức để phân loại, thì thế giới hữu tình chia ra ngũ thú (pànca-gatayah), hay là lục-thú (Sad-gat), nếu lại tế phân thì có 25 cõi Hữu, gọi là nhị-thập ngũ hữu.

Ngũ thú: - ( 1 ) - Ðịa ngục (Naraka), ( 2 ) - Ngã-quỷ (Preta), ( 3 ) - Súc-sinh (Tiryagyoni), ( 4 ) - Nhân gian (Manusya), ( 5 ) - Thiên giới (Deva), về thiên giới thêm A-tu-la-giới thành lục thú.

Nhị-thập ngũ hữu: - ( 1 ) - Tứ-châu tức là 4 đại châu của nhân gian ở bốn phương Ðông, Tây, Nam, Bắc núi Tu-Di (Semeru- Diệu Cao Sơn), châu Nam-Diêm phù-đề (Daksina-jambu) ở phương Nam, Châu Phất-Bà -Ðề (Pùvàvideha) ở phương Ðông, châu Cù-Ðà-Ni (Apara-godhanya) ở phương Tây, châu Uất-Ðan-Việt (Uttara-kuru) ở phương Bắc. ( 2 ) - 4 ác thú tức là Ðịa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh và A-tu-la. ( 3 ) - Cõi trời Lục dục, sáu cõi trời thuộc về Dục-giới: Trời Tứ-thiên-vương (Tri-quốc, Quảng Mục, Ða-văn, Tăng-Trưởng), cõi trời Ðao-Lợi ( Trayastrimsah) cõi trời Dạ-ma- (Yama), cõi trời Ðâu-Xuất (Tusita), cõi trời Hóa-Lạc (Nirmanarati), cõi trời Tha-Hóa-Tự-Tại (paranirmita). ( 4 ) - Cõi trời Phạm-thiên. ( 5 ) - Cỏi trời Vô-tưởng (Asan-jnàsattva). ( 6 ) - Cõi trời Tịnh-Cư (Suđhavàsa). ( 7 ) - Cõi trời Tứ-thuyền, tức là Sơ Thuyền Thiên, Nhị-Thuyền Thiên, Tam Thuyền Thiên, Tứ Thuyền Thiên. ( 8 ) - Cõi trời Tứ Không Xứ, tức là Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô-Sở Hữu Tứ, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, gồm tất cã là 25 cõi Hữu.

Bốn châu, bốn ác thú, sáu cõi trời Dục, là 14 cõi Hữu thuộc Dục giới. Từ cõi trời Phạm Thiên đến cõi trời Tứ Thuyền, gồm 7 cõi, thuộc Sắc giới. Cõi trời Tứ-Không-Xứ thuộc Vô Sắc giới. Bản đồ tóm tắt như sau

-----------------------------4 Châu thuộc --4 cõi Hữu thuộc Nhân gian------------(

---------------Dục giới --4 Ác thú -------- 4 cõi Hữu thuộc Ác thú-----------------)

-----------------------------6 cõi trời Dục------------ (6 cõi Hữu) ---------------------(

---------------------------------Phạm Thiên----------- (1 cõi Hữu) ---------------------)

---------------------------------Vô-Tưởng-Thiên------(1 cõi Hữu) - 17 cõi Hữu-----(

Tam Giới--- Sắc giới ------Tịnh-Cư-Thiên--------- (1 cõi Hữu)----- thuộc---------) 25 cõi Hữu

---------------------------------Tứ-Thuyền-Thiên----- (4 cõi Hữu)--- Thiên Giới----(

----------------Vô-Sắc-giới --Tứ-Không-Xứ-Thiên-- (4 cõi Hữu)--------------------)

Vì 25 cõi Hữu là nơi y-báo của loài Hữu tình, căn cứ vào nghiệp thiện hay ác mà phải chịu quả báo Luân Hồi sinh-tử trong 25 cõi đó, nên gọi là Hữu, thuộc thế gian hữu-vi. Từ địa-ngục A-tu-la là thế giới đại khổ; nhân gian là thế giới nửa khổ nửa vui, các cõi trời là thế giới vui, nhưng ở trong vùng tương đối, không phải là vui cứu kính, vì chưa thoát khỏi luân hồi. Vậy nên, Tam giới và Lục Thú đều là thế-giới khổ não. Muốn tới chốn tuyệt đối khái-lạc, cứu kính giải-thoát thì phải siêu việt Tam giới và Lạc thú, tiến tới cảnh giới Tịch-tĩnh vô-vi Niết-bàn.

VI -Phiền não và giải thoát

Nguyên-nhân sinh khởi của khổ-giới và luân-hồi trong Tam-giới là Nghiệp. Nghiệp nương vào phiền não là Hoặc mà tạo tác. Muốn đạt tới cảnh giới giải thoát Niết Bàn trước hết phải đoạn Hoặc-nghiệp.Hoặc có hai thứ là Trí-hoặc và Tình-hoặc. Vì mê lý của Tứ Ðế nên gọi là trí-hoặc, hay là mê-lý hoặc. Mê vì sự tướng của Tứ Ðế, gọi là tình-hoặc, hay là mê sự tình-hoặc. Phần mê lý hoặc, vì đoạn diệt được dễ dàng, nên gọi là kiến-hoặc. Phần mê sự tình hoặc, vì đoạn diệt được phải suy nghĩ rất khó khăn, nên gọi là Tư-hoặc. Kiến-hoặc là phần đoạn-hoặc của bậc Kiến-đạo. Tư-hoặc là phần đoạn diệt của bậc Tu-đạo.

Kiến-hoặc - Kiến-hoặc chia ra 10 thứ gọi là Thập-sử. Sử nghĩa là phiền-não, nó luôn luôn sai khiến cái tâm làm việc sằng bậy, phá hoại mầm mống thiện-căn. Thập-sử:

(1) Thân kiến (Satkày-drsti) - Chấp trược thân thể cho là thực-hữu, có cái TA. (2) Biên-kiến (Antagnàhad) - Chấp vào một bên, hoặc đoạn diệt hay thường trụ. (3) Tà-kiến (Mithyà-d) - Không tin nhân quả, tội phúc báo ứng. (4) Kiến-thủ (Drsti-paràmarsa-d) - Cố chấp vào ngộ-kiến của mình cho là đúng. (5) Giới-cấm-thủ (Silavrata-paràmarsa-d) - Những giới cấm không phải là nhân của đạo giải thoát, chấp làm nhân của đạo giải thoát để tu, như ngoại đạo Bà-la-Môn. (6) Tham-dục (Ràga) - (7) Sân-hụy (Dvesa) (8) Ngu-si (Moha) (9) Mạn (Màna) (10) Nghi (Vicikitsá-) Nghi ngờ. - Trong 10 sử, 5 sử đầu đoạn diệt được dễ dàng, nên gọi là Ngũ-Lợi-Sử (Panca-tiksna-dùla); 5 sử sau đoạn diệt được phải tốn nhiều công phu khó khăn nên có tên là Ngũ-Ðộn-Sử (Pnãca-klesa-dùta).

Tư-hoặc - Tư-hoặc là 4 hoặc : Tham, Sân, Si, Mạn, chia làm 9 phẩm cao thấp khác nhau, tức là phẩm thượng, phẩm trung, phẩm hạ. Trong mỗi phẩm thượng, trung, hạ lại chia thành thượng, trung. hạ. Theo bản đồ như sau:

----------------------Kiến hoặc (Mê lý hoặc) .. 10 sử (Ngũ lợi sử, ngũ độn sử)

Hoặc

---------------------Tư-hoặc (Mê-sự-hoặc) .. 9 phẩm (Thể là Tham, Sân, Si, mạn)

Nếu đoạn diệt được mọi hoặc kể trên thì có thẻ chứng được giải thoát niết bàn, gọi là đoạn hoặc chứng lý nghĩa là đoạn hết hoặc để chứng vào chân-lý của Niết Bàn. Hiện-thân này, nếu nhờ vào sự đoạn hoặc mà chứng được Niết Bàn, xác thân được tư-do tự tại, không bị phiền não quấy nhiễu, gọi là chứng hữu dư niết bàn (Sopadhisesa-nirvàna) Dư là dư-y, nghĩa là nhục thể hãy còn rớt lại. Nếu nhục thể khi đã chết, thì dư-y cũng không còn, tức là nghiệp nhân và nghiệp quả đều đoạn hết, gọi là chứng vô dư niết bàn (Nirpadhisesanirvàna)

Thí dụ Ðức Phật ngài chứng ngộ ở dưới cây Bồ-Ðề, tức là chứng ngộ phần hữu dư niết Bàn; khi Ðức Phật nhập Niết Bàn ở rừng Xa-La Song-Thụ, gọi là chứng vô dư niết bàn.

Vậy ai là người có thể chứng được đạo Niết Bàn, và phải tu hành như thế nào để chứng ngộ? Căn cứ vào từng căn cơ, nương vào trình độ đoạn hoặc, nên sự chứng ngộ có nhanh và chậm, chia ra từng nhiều giai đoạn tu hành và chứng quả khác nhau. Người lợi căn thì đốn ngộ, hiện thân chứng ngay được quả Hữu-Dư Niết Bàn, người độn căn phải tu nhiều kiếp rồi mới chứng ngộ.

Về vị thứ của người tu hành chia làm hai ngôi là Thánh-vị và Phàm-vị (Hiền-vị). Thánh vị lại chia ra tứ quả, và tiền đề của Tứ quả là Tứ-Hướng, Phàm vị chia ra tiền kỳ va hậu-kỳ, tức là ngoại phàm và nội-phàm, gồm 7 vị gọi là Thất hiền vị.

Thất hiền vị:

1) Ngũ-đình-tâm - Pháp tu quán để đình chỉ 5 thứ lỗi cũa tâm (1) Quán tưởng thế giới đều là bất tịnh để chữa tâm tham dục, gọi là "Bất tịnh quán" (2) Ðem lòng từ bi đối với hết thảy chúng sinh, để chữa tâm đa sân, gọi là "Từ Bi Quán". (3) Quán mọi pháp đều do nhân duyên kết hợp mà thành để chữa tâm ngu-si, gọi là "nhân duyên quán". (4) Quán 5 uẩn, 18 giới (Lục căn, lục trần, lục thức) đều là giả hợp, để chữa bịnh ngã chấp, gọi là "giới sai biệt quán" (5) Quán đếm hơi thở để chữa tâm tán loạn, gọi là "Sổ tức quán". Năm pháp quán này thuộc Tu-vị.

2) Biệt-tướng-niệm-xứ vị - Quán riêng biệt từng tướng của chư pháp; (1) Quán thân thể đều là bất tịnh, gọi là "Quán thân bất tịnh" (2) Quán hết thảy mọi cảm giác đều không như ý, gọi là "Quán thụ thị khổ" (3) Quán tâm thay đổi luôn luôn, gọi là "Quán tâm vô thường" (4) Quán hết thảy mọi pháp đều không chử-tể, gọi là "Quán pháp vô-ngã", bốn phép quán này thuộc Quán pháp.

3) Tổng tướng niệm xứ vị - Quán gồm mọi tướng của chư pháp, trái với sai-biệt-quán, tức là quán 4 pháp: Thân, Thụ, Tâm, Pháp đều là bất tịnh, đều là khổ, đều là vô-thường, đều là vô-ngã. Ba vị thứ như trên đã kể thuộc "ngoại phàm vị", 4 vị-thứ dưới đây thuộc "nội-phàm-vị"

4) Hoãn-vị - Quán về lý của Tứ Ðế, nhờ đó mà trí-tuệ phát ra, để làm mọi điều thiện, ngăn điều ác.

5) Ðính-vị - Nương vào phép quán, trí tuệ dần dần được sáng tỏ, nếu cố gắng tinh-tấn sẽ bước lên Thánh vị, nếu lười biếng tu hành sẽ bị thoái xuống ác thú.

6) Nhẫn vị - Trí tuệ đã trở nên sáng tỏ, nhận chân được lý của Tứ Ðế.

7) Thế Ðệ Nhất Vị - Ðối với vị-thứ đoạn hoặc thuộc hữu-lậu thế gian, thì ngôi này ở địa vị tối cao, sửa soạn bước lên Thánh vị.

Thánh vị - Tức là Tứ-hướng và Tứ-quả:

1) Dự-Lưu-Hướng và Dự-Lưu-quả (Suratapanna-phala) - Kiến hoặc trong ba cõi dục-giới, Sắc-giới, và Vô-sắc-giới đã đoạn hết, bắt đầu dự vào hàng Thánh, Dự-Lưu-Hướng là chỉ vào trạng thái đang lúc tu hành để monog đạt tới quã vị. Vị này thuộc quả Tu-đà-hoàn.

2) Nhất-lai-Hướng và Nhất-lai-Quả: (Sakrdàgàmin-ph) -Tư-hoặc của Dục-giới đã đoạn diệt một nửa, còn phải chịu một lần tái sinh ở cõi đó để đoạn nốt. Vị này thuộc quả Tư-Ðà-Hàm.

3) Bất-lai-Hướng và Bất-lai-quả - (Anagàmin-ph) - Tư-hoặc của Dục-giới đã đoạn diệt hoàn toàn, không còn phải tái sinh vào dục giới nữa. Vị này thuộc quả A-Na-Hàm.

4) Vô-học-tướng và Vô-học-quả (Arhat-ph) - Ngôi này đã hoàn toàn đoạn diệt hết Kiến-hoặc và Tư-hoặc trong tam-giới, sạch hết mọi phiền não, siêu-việt tam-giới, không còn gì phải đoạn nữa. Vị này thuộc quả A-La-Hán.

Ngôi A-La-Hán là quả vị tu-hành cao nhất của Tiểu-thừa. Tới cảnh giới A-La-Hán, thì hiện thân chứng được Niết-bàn, không còn phải chịu sinh tử trong tam giới, nên có tên là bất sinh; giết hết đám nghịch tặc phiền não, nên có tên là sát tặc; nhận chịu các thứ cúng dàng của người và trời, đều khiến cho được phúc báo, nên có tên là ứng cúng; xa lìa được mọi ác, nên lại có tên là ly ác.

Như trên đã thuật, ngôi dự lưu đoạn hết được phần kiến hoặc, nên gọi là ngôi "Kiến Ðạo" (Darsana-màrga); ngôi Nhất-lai và Bất-lai đoạn được phần tư-hoặc, nên gọi là ngôi "Tu Ðạo" (Bhàvanà-m). Ngôi Vô-học tức là nhôi "Vô học đạo" (Asaiksa-m). Biểu-đồ chỉ dẫn như sau:

----------------------Ngoại phàm ...Ngủ-đình-tâm-vị, Biệt-tướng-niệm-xứ vị, Tổng tướng niệm xứ vị

----------Phàm-vị

---------------------Nội phàm ..... Hoãn-vị, Ðính-vị, Nhẫn-vị, Thế-đệ nhất-vị

Vị-thứ -----------------Sơ quả ...... Dự-Lưu (Tu đà hoàn) ----(Hướng quả) ---- Kiến đạo

-------------------------Nhị quả ... Nhất-lai (Tư Ðà Hàm) ---- (Hướng quả) ----Tu đạo

--------Thánh-vị

------------------------Tam quả ... Bất-lai (A Na Hàm) ------- (Hướng quả) -----Tu đạo

------------------------Tứ quả ... ..Vô-học (A La Hán) -------- (Hướng quả) -----Vô học đạo

VII - Ý Nghĩa Niết Bàn

Niết-bàn (Nirvàna) - Niết-bàn có nghĩa là diệt độ. Tức là đã đoạn-diệt hết mọi khổ sinh-tử tới cõi hoàn toàn yên vui giải thoát. Nguyên lai ý nghĩa đó có hai phương-diện là tiêu-cực và tích-cực. Cần phải đoạn hết phiền não là nghĩa tiêu-cực, cần phải đạt tới chỗ an lạc giải thoát là nghĩa tích-cực. Vậy bậc tu-hành đã chứng tới niết-bàn, thời không còn phải sinh tử, tới chốn đại an lạc. Niết-bàn còn có nghĩa là hết mọi vọng động tới chỗ tịch-tĩnh, lìa mọi pháp hữu-vi tới chỗ vô-vi, lìa mọi hư-vọng tới chỗ chân như, lìa mọi giả tướng tới chỗ thực tướng, siêu-việt mọi nghĩa đoạn-thường của thế-gian tới chỗ trung-đạo, vượt mọi ngã va phi ngã của thế-gian tục-kiến tới chổ chân ngã.

Người đời thường ngộ-nhận về nghĩa niết-bàn là hư-vô, là tiêu-cực. Nhưng thực ra chỉ vì người đời ngộ-nhận, chấp trược vào mọi hiện tượng sinh diệt biến hóa ở thế-gian, nhận là thực-hữu, vì mục-đích phá ngộ nhận đó, nên Ðức Phật nói có niết-bàn. Như vậy niết bàn không phải là nghĩa tiêu-cực, hư-vô, mà là nghĩa tích-cực, chân thật. tức là, đối với vô-thường thì thường trụ, đối với khổ là Lạc, đối với Ngã là chân ngã, đối với bất tịnh là thanh-tịnh, đối với hư-vọng là chân thực, đối với sai biệt là bình-đẳng, đối với hiên tượng là bản thể thực tại. Tóm lại, niết-bàn phải là cái đích tối cao, để con người quy-y, là nơi An-lạc cho từng cá-nhân, nơi hiệp-đồng trụ-xứ cho trăm ngàn vạn người cho toàn thể chúng sinh.

VIII - Giáo lý thực tiễn tu hành

Phật-giáo là một tôn-giáo, không thiên về triết học, nên không chú trọng lý-luận, mà đặc-biệt chú trọng vào thực-hành. Về giáo-lý thực tiễn tu hành, trước hết là pháp môn tứ đế. Căn cứ vào mục đích giải thoát Niết bàn, nên lấy giáo nghĩa Diệt Ðế làm trung-tâm, căn cứ vào phương pháp để đạt tới mục đích đó, nên lấy giáo nghĩa Ðạo đế làm trung-tâm.

Ðức Phật, lúc sơ chuyển pháp luân, Ngài đã nói ra giáo-lý để làm căn bản cho sự tu hành, đó là giáo lý Trung-đạo. Trung-đạo tức là Bát Chánh Ðạo (8 con đường chân chính). Tới khi nhập niết-bàn, Phật lại nói thêm các pháp: Tứ-Niệm-Xứ (Catvàri Smrtiupasthànàni), Tứ-Chánh-Cần (Catvàri samyak-pradhànàni), Tứ-Như-Ý-Túc (Catvàri riddhipàdàh), Ngũ căn (Pãnca indriyàni), Ngũ lực (Pãnca balàni), Thất-giác-chi (Sapta bodhiangàni), gồm 7 khoa, chia ra 37 đạo-phẩm. Nhưng trong 7 khoa, phần trọng yếu nhất là Bát chánh đạo, còn các khoa khác chỉ là phần phụ-thuộc.

1) Bốn niệm xứ - Thân niệm xứ, Thụ niệm xứ, Tâm niệm xứ, Pháp niệm xứ. Niệm xứ nghĩa là tâm chuyên chú vào một chốn, đề ký-ức các điều thiện. Căn cứ vào 4 cảnh là Thân (Kàya) của Sắc uẩn, Thọ (Vedanà) của Thụ uẩn, Tâm (Citta) của Thức uẩn, Pháp (Dharma) của Hành uẩn và Tưởng uẩn, để phá 4 điên đảo vọng tưởng Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, nên quán niệm về Bất-tịnh, bất-lạc, vô-thường, vô-ngã.

2) Bốn Chính Cần - Pháp tu của Hoãn-vị thuộc Phàm-vị. Tứ Niệm xứ là pháp nội-quán, trái lại 4 chính cần là phương pháp tu cho cả trong tâm và ngoài hành vi được thanh tịnh. Nghĩa là điều ác đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt; điều ác chưa sinh cần phải siêng năng đừng để cho sinh; điều thiện đã làm cần phải siêng năng tinh-cần thêm; điều thiện chưa sinh cần phải siêng năng làm cho mau sinh.

3) Bốn Như Ý Túc - Pháp tu của ngôn Ðính-vị thuộc phàm vị, để mong cầu các điều nguyện được như ý, mau chóng chứng được lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Túc mệnh thông, Tha tâm thông,Thần túc thông, và Lậu tận thông), để thân và tâm được tự-tại. Bốn như ý túc là Dục như ý túc - nương vào thuyền định để mong cầu được như ý muốn; Niệm như ý túc - Nhớ nghĩ những điều nguyện vọng, để nhất tâm tu thuyền định; Tiến như ý túc - Tinh tiến tu hành để thuyền định không bị gián đoạn; Tuệ như ý túc - Nương vào trí tuệ để quán chư-pháp.

4) Năm Căn và Năm Lực - (1) Tín (Sraddha) - tin vào tam bảo, chứng được quả dự-lưu (2) Tiến (Viriya) - Tinh tiến tu 4 chính-cần để chỉ ác tác thiện (3) Niệm (Smrti) - Nương vào chính niệm để tu 4 niệm xứ (4) Ðịnh (Samàdhi) - Tu thuyền định để tâm được thống nhất (5) Tuệ (Prajnà) - Nhờ trí tuệ chứng được lý Tứ-đế. Năm căn và năm lực, danh mục cùng giống nhau, vì là nguyên nhân căn bản sinh ra mọi thiện pháp nên gọi là Căn, nhờ quả đức đó để phá mọi ác nghiệp nên gọi là Lực.

5) Bảy Giác Chi - (1) Niệm giác chi (Smrti-bodhiangah) - Nhớ nghĩ mọi thiện pháp để tâm được bình tỉnh. (2) Trạch pháp giác chi (Dharma-pravicaya- a) - Tuyển trạch về sự chân và ngụy của mọi pháp, để lấy chân bỏ ngụy. (3) Tinh tiến giác chi (Viriya-a) - Tinh tiến tu hành mọi chân pháp (4) Hỷ giác chi (priti-a) - An trụ vào pháp hỷ thuyền duyệt của chân pháp. (5) Khinh-an giác chi (Prasasrabdhi-a) - Nương vào thuyền định để tu. (7) Xả-giác chi (Upeksà-a) - Tâm được trở nên bình đẳng. Bảy giác chi này có ý-nghĩa là tuyển trạch về thiện ác, chân ngụy của chư pháp, để giúp cho sự giác ngộ chân lý Tứ Ðế, nên gọi là Giác Chi.

6) Bát-chính-đạo (Áryàstàngika-màrga) - Tám con đường công bằng chân chính, hợp với chân lý tứ đế, tiến tới đạo Niết Bàn nên gọi là Chính Ðạo. (1) Chính kiến (Samyag-drsti)- Chính quán về lý của Tứ Ðế, tin vào sự giải thoát và nhân quả của mê ngộ. (2) Chính tư duy (Samyak-samkalpa) - Tư duy về nghĩa chân chính của lý Tứ Ðế, để lìa tham, sân, si. (3) Chính Ngữ (Samyag-vàca) - Nói năng ngay thẳng, lìa mọi lỗi của khẩu nghiệp. (4) Chính Nghiệp (Samyak-karmànta) - Bỏ mọi tà nghiệp để thân nghiệp thanh tịnh. (5) Chính Mệnh (Samyag-àgiva) - Lìa mọi tà mệnh, mọi sinh-hoạt bất chính để 3 nghiệp trong sạch. (6) Chính Tinh Tiến (Samya-vyàyàma) - Tinh tiến về việc bỏ ác làm thiện. (7) Chính Niệm (Samyak-smrti) - Nhớ nghĩ về chính pháp, gạt mọi tà niệm. (8) Chính Ðịnh (Samyak-samàdhi) - Chuyên chú vào một cảnh để thuyền định trở thành vô-lậu thanh tịnh.

Tóm tắt 7 khoa có 37 trợ-đạo-phẩm như sau:

--------------------------- 1) - 4 Niệm Xứ

---------------------------2) - 4 Chính Cần

---------------------------3) - 4 Như Ý Túc

37 Trợ Ðạo Phẩm ---4) - 5 Căn

--------------------------5) - 5 Lực

--------------------------6) - 7 Giác Chi

--------------------------7) - 8 Chánh Ðạo

IX - Tam Học

Nói về yếu ước tu-hành trong Phật-giáo, ta có thể quy-kết vào Tam-Học, tức là Giới, Ðịnh, Tuệ.

Mục-đích cứu-kính của Phật giáo là đoạn-hoặc, chứng ngộ. Muốn đạt tới mục-đích đó thì phải nương vào trí tuệ. Trí tuệ đây không phải là ý nghĩa về tri thức và kinh nghỉệm phổ-thông ở thế gian, mà là trí tuệ của xuất thế gian, trong Phật giáo gọi là vô-lậu trí tuệ. Muốn lĩnh ngộ được trí tuệ đó, trước hết phải lấy thuyền định làm phương pháp tu hành tất yếu. Nghĩa là tu thuyền định để nhiếp trì mọi căn, tập trung tư-duy, bỏ hêqt tạp-niệm, thì tự-nhiên trí tuệ được phát hiện. Nhưng trí tuệ và thuyền định là do ở công-phu Trì giới mà sinh. Vậy nên, do Trì giới mà sinh ra Ðịnh, do thuyền định mà sinh ra Trí-Tuệ.

1) Giới (Sila) - Ý nghĩa giới là sự tích cực làm điều thiện, tiêu cực ngăn điều ác, để tránh mọi lỗi lầm của 3 nghiệp: thân, khẩu, ý. Giới còn là Ba-la Ðề-Mộc-Xoa (Pràtimoksa), hay là Biệt-giải-thoát, gồm các điều giới, được ghi trong Kinh Giới-bản của Tỳ Khưu và Tỳ khưu ni.

Biệt giải thoát - Nghĩa là giữ riêng từng điều giới một, sẽ được giải thoát từng tội lỗi một. Tại gia Phật tử thì giữ các điều giới là Ngũ giới và Thập Thiện.

Ngũ giới - Không được sát sanh; không được trộm cắp, không được tà dâm, không được uống rượu, và không được vọng ngữ.

Thập thiện - Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, là 3 thiện nghiệp thuộc về thân; Không nói dối, không nói lưỡi hai chiều, không ác khẩu, không nói thêu dệt, là 4 thiện nghiệp thuộc khẩu nghiệp; Không tham, không sân, không tà kiến, 3 nghiệp thiện này thuộc về ý nghiệp.

2) Ðịnh (Samàdhi) - Ðịnh còn gọi là Ðẳng-trì, hay là Thuyền-na (Dhyàna). Tâm tập trung vào một cảnh, không để cho tán loạn, không thiên về lạc quan hay bi quan, thân tâm khinh an, quán suốt mọi pháp, dể phát sinh ra trí tuệ vô lậu. Về thuyền định có chia ra 8 giai-đoạn, gọi là bát định. Tức là định Sơ thuyền, định Nhị-thuyền, định Tam thuyền, định Tứ thuyền, định Không-vô-biên-xứ, định Thức-vô-biên-xứ, định Vô-sở-hữu-xứ, và định Phi-Tưởng, Phi-Phi Tưởng-xứ.

1- Ðịnh sơ thuyền - Tâm tập trung vào một cảnh, phần tâm thì trở nên tâm cầu (vitraka), tứ-sát (visàra); phần tình thì cảm thấy trạng thái Hỷ (Priti), Lạc (Lkha), và Xả (Upeksà), bình đẳng.
2- Ðịnh Nhị-thuyền - Nhờ định này, lìa được trạng thái Tầm Tứ, chỉ còn cảm về Hỷ, Lạc, và Xả.
3- Ðịnh Tam-thuyền - Tu phép định này, lìa được trạng thái Hỷ, chỉ còn cảm về Lạc và Xả.
4- Ðịnh Tứ-Thuyền - Ðịnh này lìa đưọc trạng thái Lạc, chỉ còn riêng cảm giác Xả.
5- Ðịnh Không Vô Biên Xứ - Tu định này lìa được phần thô tạp của sắc tướng, mà quán về trạng thái hư không vô-biên.
6- Ðịnh Thức-Vô-Biên-Xứ - Lìa được trạng thái không quán của ngoại giới, chỉ còn quán phần thức-vô-biên của nội giới.
7- Ðịnh Vô-sở-Hữu-Xứ - Lìa được trạng thái của không quán, thức quán, và tâm sở hữu, chỉ còn phần quán về vô-tưởng của trạng thái bình đẳng vô-sai-biệt.
8- Ðịnh Phi-tưởng, Phi-phi-tưởng-xứ - Tu định này không những lìa được phần hữu-tưởng của thức-xứ, mà còn lỉa cả được trạng thái vô-tưởng của vô-sở-hữu-xứ.

Mục đích của 8 phép định trên, cốt yếu để lìa cái căn nguyên mê vọng, và quan niệm tương đối hữu-vô, đưa tâm đến trạng thái chỉ-cực tịch-tĩnh, để có thể đoạn trừ mọi hoặc nghiệp.

3) Tuệ (Prajnà) - Nhờ ở kết quả của tu Ðịnh, dần dần chân tâm được sáng tỏ, trí huệ đại vô-lậu được hiển hiện, phân biệt được phần tự-tướng (tính đặc hữu) và cộng tướng (tính cộng thông) của mọi pháp, chứng ngộ được lý tứ-đế, đoạn trừ được mọi hoặc, đưa tác dụng của phần tâm tới chỗ thâm-áo cao-diệu.

Sau hết là phép tu tổng quát cho tất cả các hàng Phật tử là Lục-Ðộ, tức là Bố-thí (Dàna-Ðàn Na), Trì giới (Sila Thi-la), Nhẫn nhục (Ksànti Sần đề), Tinh Tiến (Virya- Tỳ lê gia), Thuyền định (Dhyàn Thuyền Na), trí tuệ (Prajnà Bát nhã).

Bố-thí là tích cực làm thiện để bỏ tâm tự-lợi và tham dục; Trì giới là tiêu cực bỏ điều ác, nhiếp trì mọi thiện căn; Nhẫn nhục là nhẫn nại mọi sự oán hại, không khởi tâm phục thù, và kham nhẫn mọi sự khổ sở; Tinh tiến là chuyên cần làm điều thiện, để tránh lỗi ác; Thuyền định là tập trung tâm vào một chốn, để tâm được an-định; Trí tuệ thì do tu thuyền định phát sinh mà tỏ rõ được tính, tướng của mọi pháp.

Lục-độ phối hợp với Tam Học theo như biểu đồ sau:

-------------------1) Bố-thí----------------------------------------)

------------------2) Trì giới ---------------------------------------( Giới ( theo nghĩa rộng )

Lục Ðộ----- 3) Nhẫn nhục-----------------------------------)

-----------------4) Tinh tiến --------------------------------------(-------------------------------Tam học

-----------------5) Thuyền định---------------------------------- Ðịnh

-----------------6) Trí tuệ ---------------------------------------- Tuệ

-oOo-

Trích Lược Sử Phật Giáo Ấn Ðộ

Chương Thứ Tư
Giáo Lý Nguyên Thủy của Phật Giáo
Tác giả Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm
Nhà Xuất Bản Vạn Hạnh Sàigòn 1963

Trở về Mục Lục