Bí ẩn của chén trà Hồng Mai trong Truyện Kiều
Ngày xuân vui họp mặt gia đình, họ hàng hay bạn hữu, không bao giờ thiếu được chén trà ấm nóng, thơm ngát hương bay.
Đã qua cái thời chè “chín hào ba gói” nay chúng ta được bình tâm thoải mái lựa chọn: mộc mạc nhưng đậm đà có chè Tân Cương (Thái Nguyên), ưa thanh khiết thì chọn chè Suối Giàng (Nghĩa Lộ), chè Mẫu Sơn (Lạng Sơn), muốn có mầu hồng đẹp thì dùng chè Phú Thọ. Chè Hà Giang từ núi đá cao ngất gợi nhớ vẻ chất phác, nguyên sơ của các cô gái H’mông đi hái chè lẫn trong mây mù và sương núi. Nếu muốn có cảm giác phóng khoáng, khoáng đạt thì dùng chè của cao nguyên Mộc Châu... Tâm hồn lãng mạn thì dùng chè hoa Nhài, muốn tĩnh tâm thì có chè Sen, chè Ngâu, chè Sói. Còn nếu muốn có phong cách hiện đại thì đã có hàng loạt chè công nghiệp như: Kim Anh, Thanh Hương, Hồng Đào, Lipton... Nhưng có một điều khuyên bạn chớ nên mua và uống trà Hồng Mai vì những lý do bí ẩn mà bạn sẽ hiểu nếu ta nhớ lời các cụ xưa đã dạy:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Chính Thái, xem nôm Thuý Kiều.
Kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du
Mời bạn nhấp trà và xem lại đoạn Thúc Sinh nhân buổi Hoạn Thư vắng nhà, bèn lẻn sang Quan Âm Các tâm sự với Thuý Kiều. Đang lúc đắm đuối bên nhau:
Cùng nhau kể lể sau xưa,
Ai cũng tưởng sấm sét sẽ nổ ra, Hoả Diệm Sơn bùng cháy, sẽ tái diễn cảnh “Một phen mưa gió tan tành một phen”. Thế mà Quan Âm Các vẫn rất thanh bình, Hoạn Thư vẫn “Cười cười nói nói ngọt ngào”, mắt không tóe lửa, không nhòe lệ mà vẫn lạnh tanh nhận xét:
Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời.
Mặt trăng tay chẳng nỡ rời,
Đôi uyên ương đâu có biết rằng Hoạn Thư đã:
Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ,
Rành rành kẽ tóc chân tơ,
Mấy lời nghe hết, đã dư tỏ tường.Khen rằng“Bút pháp đa tình
So vào với thiếp Lan Đình nào thua."Nhà đạo diễn nham hiểm này còn miếng trò gì nữa đây? Chẳng những không đánh mắng Thuý Kiều, không trách móc Thúc Sinh, không than khóc gầm gào như các Sư tử Hà Đông khác gặp chồng ăn vụng Phở, mà lại rất tình cảm lịch thiệp: Thấy rõ chồng “giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh” và “nói rồi lại nói” liên lục như vậy chắc là háo nước lắm nên đã chuẩn bị sẵn nước trà quý cho chàng hạ hoả:
Thiền trà cạn nước Hồng Mai,
Thong dong nối gót thư trai cùng về.Nếu câu chuyện kết thúc trong cảnh đầm ấm “em đưa chàng về dinh” như vậy, thì con người Hoạn Thư đâu có còn là “tay cũng già” và có lẽ cô nàng đã trở thành “Lửa tâm đã dập hết nồng” không đúng với bản chất của con người luôn dồn nén “Đêm ngày lòng những giận lòng” với một âm mưu đã nung nấu từ lâu:
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên.
Thúc Sinh, Hoạn Thư và Kiều
Nếu diễn biến hoà bình vậy, e rằng chàng Thúc sẽ lại dám có nhiều lần “Tìm hoa quá bước xem người viết kinh” nữa chứ chẳng chơi. Tôi ngờ rằng trong chén nước trà Hồng Mai phải có một bí ẩn gì đây? Nếu cho Thuý Kiều uống thì có thể có bùa ngải gì chăng? Nhưng đây lại là cho chồng uống thì dại gì mà phục “ngải dược” ngộ nhỡ “tắc tử” hoặc “ỉu xìu” để sau này chịu cảnh “mình làm mình chịu kêu mà ai thương” à!Tìm đọc sự giải thích của các nhà chú giải Truyện Kiều, chẳng hiểu do có phải “nghĩ tình chàng Thúc mà thương” hay không mà họ đều cho rằng trà Hồng Mai mà chàng Thúc được uống rất thơm ngon. Chắc là Hoạn Thư sợ mất chồng nên mới phải xuống thang chiều chuộng chàng Thúc thế chăng. Cụ Bùi Kỷ thì cho rằng đó là: “nước chè nhà chùa, nấu bằng gỗ mai”. Cụ Lê Văn Hoè cũng đồng quan điểm trên và mở rộng: “cũng có người cho là nước trà ướp Hồng Mai, là một thứ hoa mai sắc đỏ, hương rất thơm, giảng thế cũng có nghĩa”. Cụ Tản Đà cũng tán thành “có lẽ tức là như gỗ “Lão mai” và còn nêu “lại có cây Hồng Mai trồng trong chậu làm cảnh, thân cây bé mà hoa đỏ, pha nước uống rất thơm. Nhận về đằng nào cũng có nghĩa”. Cụ Hồ Đắc Hàm cho là nếu thế thì chưa xứng là nhà con quan Tể Tướng nên dẫn sách Loại Lâm chép rằng: “Nước Tân La thuộc về châu ấn Độ có nhiều cây Hải Hồng tức là trà trên núi, sắc đỏ lợt mà lá nhỏ thua lá trà Tàu, nở hoa từ tháng chạp đến tháng hai, đồng thời với hoa Mai nên tên gọi là Trà Mai hay Hồng Mai”. Xa xưa nhất là Cụ Phó bảng Kiều Oánh Mậu từ 1902 cũng chỉ giải thích: “Thiền gia dụng Mai bì tác trà, danh Hồng Mai” nghĩa là “Nhà chùa dùng vỏ cây mai chế trà gọi là trà Hồng Mai”. Đến các nhà biên khảo đương đại chắc là đã quá quen thuộc với cô sơn nữ “Hỡi cô con gái hái mơ già” và chắc đều đã có lần viếng cảnh Chùa Hương, mua cây Lão mai về pha là uống nên đều thống nhất chú giải về chén trà Hồng Mai là: “Nước gỗ mai già (Lão mai) hương thơm như mùi sen, sắc nước đỏ hồng nên gọi là Hồng Mai”.
Hiểu về trà Hồng Mai như vậy thì chưa đánh giá đúng và đủ bản chất của Hoạn Thư, nàng ta đâu có chịu cảnh “bưng mắt bắt chim” “Nhường tình xẻ ái” cho Thuý Kiều mà lại “im chẳng đãi đằng”.
Tiếc rằng cụ quan Tham Tri làng Tiên Điền đã kết hợp cả chất thâm trầm của nhà nho Xứ Nghệ với nét tế nhị của quan họ xứ Bắc mà không viết gì về “tác dụng phụ” của chén trà Hồng Mai cả, những tưởng hậu họa với chàng Thúc thì ai mà chẳng đoán ra, viết làm chi cho tốn giấy, tốn thời gian chỉ có “vài trống canh” của người đọc.
Bí ẩn của đoạn sau khi về đến thư trai chắc được mã hoá trong nội dung điển tích gì đó liên quan đến trà Hồng Mai chứ chẳng sai. Vì khi cụ Nguyễn viết “nước cành dương” “nước vỏ lựu” “nước đã đánh phèn” là đều có điển tích sâu xa cả. Quả đúng thế thật, có công đọc kỹ có ngày tìm ra. Sách Liêu Trai phần Giang Thành truyện có chép:
“Nàng Giang Thành có tính ghen ghê gớm, chồng là Cao Sinh không dám qua lại chơi bời với các bạn. Nhân người bạn học chung trường là Vương Tử có một quán rượu, trong có trồng nhiều cây Hồng Mai nên gọi là quán Hồng Mai.Vương Tử đặt tiệc mời bạn, Cao Sinh đến dự tiệc. Đến tối Vương Tử gọi một kỹ nữ xinh đẹp tới bồi tiệc, kỹ nữ ấy kề vai áp má âu yếm với Cao Sinh. Khi đêm đã khuya khách đã vãn bỗng thấy một chàng trai trẻ ngồi uống trà một mình ở bàn đằng xa. Một lát chàng nọ đứng dậy đi ra ngoài rồi sai một tiểu đồng triệu Cao Sinh về. Cao Sinh người như tắc thở. Mới biết chàng trai trẻ ban nãy là cô vợ Giang Thành cải trang vậy. Cao Sinh về nhà nằm chịu đánh roi vọt”.
Chắc rằng với vốn thông kim bác cổ, Cụ Nguyễn Du đã thấy rõ sự tương đồng của cặp Hoạn Thư - Thúc Sinh với cặp Giang Thành - Cao Sinh ở quán Hồng Mai nên lấy đó làm điển tích, đỡ phải viết dài dòng mà vẫn lột được cái “bề trong nham hiểm đánh chồng bằng roi” của mụ Hoạn. Cái việc làm “ý tại ngôn ngoại” này của các nhà nho ta thuở trước hay và hàm súc quá, nhưng lại khó cho lớp hậu sinh hiện nay, mấy ai có được đúng những sách xưa các cụ hay đọc nên khó mà suy đoán được cái hậu hoạ “về nhà nằm chịu đánh roi vọt” của các chàng Cao Sinh, Thúc Sinh ngày trước. Thế thì ngòi bút cụ Nguyễn thực là nhất quán trong việc xây dựng tính cách con người Hoạn Thư. Chẳng thế mà sau khi Hoạn Thư mất hàng mấy trăm năm, lại cách xa hàng ngàn dặm, khi đánh giá về Hoạn Thư, cụ Lan Trì Vũ Trinh (1759 - 1828) là anh rể cụ Nguyễn Du đã phải thú thực:
“Ta với nàng, sinh không đồng một thời, ở không cùng một chỗ mà nay đọc đến 2 câu thơ nói về nàng, như cảm thấy không rét mà run”.
Đến bây giờ, khi đã bước sang một thiên niên kỷ mới, nghĩ về chén trà Hồng Mai thấy rõ sự uẩn áo trong chén nước, ta nhắc nhẹ nhau:
Cùng là chén nước Hồng Mai,
Phải đâu giải khát như ai tưởng lầm.
Thúc ơi! chớ vội mừng thầm,
Tìm hoa quá bước là nằm chịu roi.Rất may là trên thị trường hiện nay chỉ có trà Hồng Đào, Thanh Mai chứ chưa có thứ trà hay rượu tên Hồng Mai, nếu không chắc họ trách tôi lắm, vì nếu đ• đọc bài này còn ai dám mua trà Hồng Mai về uống nữa. Hay là các nhà sản xuất đều biết rõ điển tích này rồi mà tránh cái tên oái oăm này. Nếu vậy thì thực là may mắn vì vẫn còn nhiều người nghiền ngẫm và hiểu Truyện Kiều đến chân tơ kẽ tóc như vậy.
- Nguyễn Khắc Bảo (KH&TQ Xuân 2006)