Xin Chớ Phí Phạm

Khi còn bé, chắc là lúc tôi còn nhỏ lắm, mỗi khi ăn cơm rơi rớt vài hạt cơm xuống sàn nhà, hoặc thôi ăn mà còn sót lại vài hạt cơm trong chén, mẹ tôi, cô tôi hoặc chị tôi thấy được thường bảo:

- Không nên làm đổ tháo cơm.

- Nên ăn cho sạch hết cơm trong chén.

Tôi nhớ nhất là mấy lời mẹ dạy:

- Một hạt cơm mà con làm đổ tháo, xuống dưới âm phủ nó sẽ thành vòi, con phải ăn mấy con vòi đó!

Vì vậy, mỗi hạt cơm rơi rớt xuống nền nhà, tôi đều lượm lên bỏ vào miệng ăn, bởi vì tôi sợ bị ăn những con vòi lúc nhúc trong đống phân dơ hay trong miếng thịt, con cá thối tha. Từ nhỏ, đa số trẻ em Việt Nam đều được dạy dỗ như trên, không dám phí phạm hột cơm, hạt gạo là hòn ngọc của Trời cho.

Lớn một chút, tiếp xúc với văn hóa Tây phương, để chứng tỏ người sành điệu, người giàu sang phú quí, khi ăn trong đĩa phải để lại chút ít thức ăn thừa thải.

Ở Việt Nam, từ nhỏ tới lớn, tôi viết giấy phải đầy kín cả hai mặt, những ngày đi học tập cải tạo, giấy được viết bút chì, sau đó viết lên bút bi, tiết kiệm từng chút. Nhớ năm 1945, 46 không có giấy, kể cả giấy nhựt trình, người ta phải lấy lá chuối non vấn thuốc hút.

Sang Mỹ định cư, thấy xã hội tiêu thụ, giấy viết vài chữ không hài lòng xé bỏ, ăn một vài miếng không ngon vứt bỏ, mọi người đều làm giống nhau, ngày nọ tháng kia rồi người ta quen đi cảnh ăn xài, phí phạm trong xã hội tiêu thụ, phải ăn, phải tiêu dùng để đẩy mạnh sản xuất, để chánh phủ lấy thuế ...

Người ta không quan tâm đến môi trường sống, sự thay đổi khí hậu toàn cầu, sự thiếu ăn, nghèo đói khắp nơi, ngay cả Mỹ, nước giàu mạnh nhất, cũng có những người cùng khó vô gia cư, có hôm đói ăn, có đêm không chỗ ngủ. Chúng ta no cơm, ấm cật xin nhớ tới những người nghèo đói.

Xin Chớ Phí Phạm