Thầy
Nhẩn

Nguyễn Nam Hải

Ai cũng có mẹ. Ngoại lệ kẻ mồ côi trong trứng nước. Mẹ nào chẳng sớm hôm chăm bẵm. Trừ mẹ ghẻ.

Ai cũng có cha. Nếu không tử trận. Cha nào chẳng sáng ô đi chiều ô về. Kể cả cha kế.

Thường đa số được đi học. Thời của tụi tui, ông thầy bà cô khó tính nhưng rất thương học trò. Và tụi tui cũng hết mực tôn sư trọng đạo.

Tội cho sấp nhỏ ngày nay. Dù cho nhan nhản hò hét “vì lợi ích trăm năm trồng người”, giới trồng người trồng người trong sa mạc. Lá đạo đức chết khô trên cây bất nhân, gốc vô bản.

Hoa trái nhân từ “người vì người” đơm kết trong thiên đàng tưởng tượng và hứa hẹn trên môi mép tuyên truyền. Tràn lan trên trang báo điện tử chuyện buồn của hiện trạng xã hội con người ngày nay. Mà thôi, nói không hết đâu.

Nhân nói về lục bát ca dao, tui kể lại bạn câu chuyện tui nghe được của thầy Nhẩn ở trường TH Kiến Thiết khi tôi học đệ thất.

Thầy Nhẩn tuổi tri thiên mệnh, dáng dong dỏng, đồi mồi tản mạn trên nước da trăng trắng, giọng Nam nhưng phát âm rất rõ. Thầy dạy môn việt văn. Những câu thơ mẹ nói tôi thường nghe, đến khi thầy dạy thể thơ lục bát tui mới biết, là lục bát. Buổi học thầy thường gói gém vào một câu chuyện luân lý nào đó. Tui biết hầu hết chuyện trong “ nhị thập tứ hiếu” của Lý văn Phức từ thầy Nhẩn. Khi kể chuyện thầy luôn sắp xếp chi tiết trước sau theo lối trinh thám, tụi tui, đám nhóc tì non nớt , tò mò đồ đoán, bất chợt thầy dừng kể đưa mắt nhìn tụi tui. Thầy hỏi: có muốn nghe nữa không? Hỏi như cho có hỏi, chẳng chờ thầy lại kể tiếp.

Ngày xưa, khi lập gia đình ra ở riêng, ông Tám xóm Sở ở Cà Mau nuôi con chó mực. Con chó chân tứ túc huyền đề. Tục ngữ dân gian có câu: chó khôn tứ túc huyền đề/ tai thì hơi cúp đuôi thì hơi cong/giống nào mõm nhọn đít vàng/ăn càn cắn bậy ấy không ra gì”. Hai vợ chồng lam lũ kiểu tay làm hàm nhai, nghèo nhưng hạnh phúc. Họ chưa có nụn con nào chỉ có con mực.

Người ta nói nuôi loại chó này được phát tài. Phát tài thì chưa thấy, Ông Bà Tám xóm Sở có nó nhà đỡ hui quạnh, nó theo chân ông suốt ngày. Một sáng bà Tám chèo xuồng xuống chợ như bao lần thì cớ sự xảy ra. Thuỷ vương loạn động, nước cuốn xuồng và bà Tám xuôi giòng Ông Đốc ra vịnh Thái Lan. Tròm xóm thương ông nói: “bả là con gái long vương, đáo hạn sống trên trần phải về thuỷ cung”. Ông thương nhớ bà vô hạn, con mực cũng vậy.

Ngày ngày xong việc ruộng đồng, vấn điếu thuốc, nằm võng phi phà khói cay. Quang cảnh như xưa sao trống vắng đến lạc lõng. Những lúc như thế con mực phủ nằm dưới chân ông. Ông và con mực giao lưu qua ánh mắt luyến nuối ngày qua. Bây giờ, ngày vô vị đêm trăn trở thỉnh thoảng nghe con mực tru như gọi hồn bà Tám trong khuya tịch lặng, ông Tám chịu hổng nổi. Ông làm quyết định “Xa nhau chừng đó cũng vừa, gió trần gian lạnh có chừa ai đâu”. Lên ghe ra giữa sông, ông úp ghe, nhắm mắt tưởng tượng thấy bà Tám ở long cung.

Mở mắt, không thấy bà Tám chỉ có con mực nằm cạnh ông bên bờ sông. Nhìn con mực già nua thân ghẻ lở nằm thở dốc. Ông chợt hiểu nó đã cứu ông. Từ ngày bà Tám mất, ông chẳng đoái hoài tới nó. Mà chính ông cũng chẳng màng sống nữa mà. Ông ôm con mực vào lòng, con mực liếm vào tay ông. Giọt nước mắt nhiễu dài hai khoé mắt con mực như muốn nói lời cảm thông biết ơn. Cái phút ấy đã làm ông bối rối và ăn năn cho việc mình làm. Ông như thầm bảo: mực ơi, mày sẽ không phải bị cô độc, ĐM ngu dzừa dzừa thôi Tám ơi. Như có thần giao cách cảm, đuôi con mực phe phẩy như ngày nào nó chạy ra sân mừng đón bà Tám đi chợ về.

Kề tới đây thầy Nhẩn đút tay lấy đồng hồ quả quýt ra xem giờ. Giờ việt văn sắp hết. Thầy vội kết luận: cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán.

Riêng tôi, loài chó giúp con người bao nhiêu việc cả việc không tiện nói, và nó rất trung thành với chủ. Có người nuôi chó để bán cho giới hạ cờ tây. Họ quảng cáo oang oang: nhất mực nhì vàng tam quang tứ đốm. Buồn lắm phải không?

Ở bên Úc, con chó được chăm sóc năng niu cưng chiều: dẫn đi tản bộ, cho đi học, ăn thực phẩm chuyên chế cho chó, đi bác sĩ thú y chích ngừa và khám sức khoẻ định kỳ, thậm chí cho ngủ chung giường với người, khi nó mãn phần thì mồ yên mã đẹp nữa.

Chuyện người ở đâu cũng nhiêu khê. Xã hội nào mà chẳng có người tốt kẻ xấu. Nhưng tôi nghĩ mẫu người của thầy Nhẩn tìm đâu ra ở Úc, và rất có thể thế hệ thầy cô của tụi tui chỉ tìm thấy trong rừng nguyên sinh thôi. Mà rừng thì ở Việt Nam mình đã tan hoang.

Chỉ là chuyện kể thay vì cứ mãi ngũ ngôn bát lục. Và ngày đang về chiều.

Chú thích:

Xa nhau chừng đó cũng vừa, gió trần gian lạnh có chừa ai đâu – Bùi Giáng

Trường Kiến Thiết 223/4 Nguyễn Đ́nh Chiểu, Phường 5, Quận 3.

 

24/10/2023