Ông Phật cô đơn
Tâm Không
Ở chốn đồng mông hiu quạnh, cỏ lác nước phèn khó mà khai hoang trồng trọt, chính nơi chỗ khỉ ho cò gáy đó, người ta đã tôn vị một tượng Phật, trên một tòa bát giác cao một sào, rộng chừng bằng một nửa công đất, không một mái che, không một thứ gì khác ngoài tượng Phật tĩnh tọa, lớn gấp rưỡi thân người và một cái đỉnh đúc bằng xi măng để cắm hương.
Nhìn cảnh ấy, người ta thấy tượng Phật trơ trọi - khác hẳn với tượng Phật tĩnh tọa dưới gốc cây Bồ đề ở Ðại Tòng Lâm Long Thành, nơi đây cảnh vật thật là tĩnh mịch phù hợp với sự trầm tư mặc tưởng của đức Phật - một người nào đó, tâm hồn chứa đầy trắc ẩn, đã đặt cho tượng Phật một cái tên rất là bình dị : ?? Ông Phật cô đơn ??.
Tên đó, chứng tỏ người đặt đã không thông hiểu chi về Phật giáo, Phật là đấng đại giác ngộ, tâm Ngài an nhiên tự tại làm gì có chuyện cô đơn, nhưng người ta cần chi hiểu lý cao siêu như vậy.
Người ta chỉ hiểu rằng có một người khách trú ở Chợ Lớn vào đó xây đài, tôn tượng, rồi cuộc bễ dâu của đất nước xãy ra, người người lo chạy gạo ngày 2 bửa, lại sợ đi chùa có hại, chùa chiền vắng khách thập phương nên phải đóng cửa, tăng ni tham gia sản xuất, lên rừng làm rẩy làm nương. Cho nên ông Phật đó ngày đêm không người thăm viếng, không có một nén nhang khói tỏa, không có một cành hoa phảng phất mùi hương.
Tượng đã chịu cảnh dầm mưa dãi nắng, lại thêm không người lui tới, có lẽ hợp với cảnh ngộ của những người đi vùng Kinh tế mới, hay của những kẻ ở trong đội Thanh Niên Xung Phong, một hôm nào đó lẻ loi đã dừng chân bên tượng, xứng hợp với cảnh ngộ của mình, nên đã chọn tên Ông Phật cô đơn.
Những người Phật tử ở Sàigòn, sau những năm dài khốn khó, họ mới dám đi hành hương thập tự ( 1 ), hay những người hiếu kỳ, nghe tên đầy vẻ thơ mộng nên mới chịu khó đến nơi để viếng cảnh, lễ Phật.
Muốn viếng ông Phật cô đơn, từ Sàigòn người ta đi ra hướng Xa Cảng Miền Tây, vừa qua khỏi trường Trung Học Mạc Ðỉnh Chi, liền quẹo tay phải, ở đây có hai con đường, một đường đi vào địa danh nổi tiếng ngày xưa, đó là Cây Da Xà, một đường nữa chạy cập hông chợ Bà Hom, theo đường nầy chúng ta sẽ gặp Xa lộ Ðại Hàn, đi thêm nửa chừng trên mười cây số ngàn, chúng ta vào đến khu Nông trường Lê Minh Xuân.
Trước khi đến chợ Lê Minh Xuân, một ngôi chợ nhà quê với vài quán lá lưa thưa, bên tay trái có con kinh đào, bên bờ kinh có con lộ đất, theo con lộ nầy đi vào chừng hai trăm thước, bên tay trái có một tấm biển bằng tôn, màu nâu chữ đen Bát Bửu Phật Ðài, nước sơn nền và chữ đã bị nứt nẻ vì nắng mưa.
Từ đó đi vào chừng 50 thước thì gặp ông Phật cô đơn ở phía lưng của tượng, trước mặt tượng Phật là cánh đồng, tượng hướng về Sàigòn.
Tôi đã đến đó với hai người bạn đạo vào một buổi trưa hè, cuối thập niên 80, chúng tôi đã thắp hương, lễ Phật, cầu nguyện cho đất nước thanh bình, Phật giáo hưng thịnh, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Xa Sàigòn gần một thập kỷ trôi qua, tôi chưa có dịp trở lại để viếng thăm, để thắp một nén hương thêm một lần cầu nguyện, nay chắc đã có người chăm nom hương khói và xây dựng lại nơi đó thành một Ðại hùng bửu điện, nhưng tôi chưa được thăm viếng lại, nơi đó trong tôi vẫn là hình ảnh của ông Phật cô đơn.
Ngày đầu năm 1999
( * ) Trở về Mục Lục