Rồng Hiện

Huỳnh Ái Tông

"Học Tập Cải Tạo" nhắc lại đoạn đường đã qua, người trong cuộc không khỏi ngậm ngùi cho số kiếp "tù đày". Người Việt Nam ai cũng có cha mẹ, anh em, bạn bè hay họ hàng đã chịu kiếp tù đày này.

Kẻ bị giam hãm trong những khu vực đặc biệt, kẻ lên miền cao, phá rừng làm rẩy, cuốc đất đầy cỏ tranh làm nương khoai, trồng sắn, trồng bắp, trồng rau để độn vào những bữa cơm không đủ no. Họ chẳng những làm việc nặng nhọc mà còn ăn uống kham khổ, lại còn bị những "Quản giáo", tức là cai ngục nay rầy mai mắng. Những người học tập luôn luôn bị ám ảnh, bị những áp lực đè nặng lên cả thể xác lẫn tinh thần.

Người sống kiếp "tù đày" nghĩ đến cha mẹ, vợ con lấy đó làm mục đích sống và chờ đợi một ngày về gặp lại thân nhân, nhờ vậy mà họ mới có thể vượt qua mọi gian lao, khổ sở.

Trong trại không có báo chí, không có đài phát thanh vì vậy mà có nhiều "tin tức truyền đi bằng miệng", những tin ấy lan truyền nhanh chóng và nó cũng được người ta thêm bớt vài chi tiết, cho đến nỗi khi nó quay trở lại người đã truyền tin, nó đã trở thành một nguồn tin mới lạ, làm cho người ấy tưởng: đó là một nguồn tin khác trùng với tin cũ của mình, như vậy nó tạo cho người ta tin tưởng đó là sự thật, cho nên dù nó là "tin vịt", bị đồn đãi nhiều lần người ta cũng tin là thật, do đó họ sống với hy vọng ấp ủ, mà hy vọng bao giờ cũng tốt, cũng đẹp, nhờ hy vọng nên hàng trăm ngàn người đã trãi qua cơn phong ba của Cộng Sản Việt Nam, đảng đã tạo ra một huyền thoại đáng sợ "Học Tập Cải Tạo".

Ngoài những tin nghe ngóng, người ta còn kể cho nhau nghe những chuyện trên trời, chuyện dưới đất, người kể là Bác sĩ, Kỹ sư, Nhà báo, Nhà Văn, Nhà Giáo ... Vào năm 1976, lúc còn ở Trãng lớn ( Tây Ninh ), tôi đã được anh Thịnh, một nhà giáo, quê ở Tây Ninh kể cho nghe chuyện "Rồng Hiện", thỉnh thoảng nhắc lại, tôi cảm thấy thấm thía về mặt nào đó của kiếp "tù đày" và chuyện Rồng Hiện đích thực là có giá trị cho mọi người trong đời sống hàng ngày, tôi muốn ghi chép lại đây để quí vị cùng thưởng thức.

Truyện kể như vầy : Có một chú tiểu kia chừng 11 hay 12 tuổi, chú được cha mẹ cho vào nương cửa Phật lúc còn nhỏ, đó là Giác Lâm một ngôi chùa cổ danh tiếng trong vùng. Nhà chú ở rất xa, đi bộ cũng mất một vài ngày đường mới đến chùa.

Chùa chú tiểu tu, có một cái ao ở phía trước khá rộng và sâu. Từ lúc tới chùa cho đến giờ chú chưa từng thấy người lớn hay trẻ em tắm ở ao đó. Chú còn nghe các bậc Sư huynh hay thiện tín đến viếng chùa, lễ Phật, họ nói với nhau là cái ao trước chùa rất linh thiêng, dưới đáy ao sâu kia chưa từng ai biết có gì.

Có người cho rằng có thể có một con Cá hóa long, một ngày nào đó nó hóa thành Rồng và sẽ từ đáy ao trồi lên mặt nước, để bay lên trời.

Một ngày nào đó, chú tiểu cắc cớ thực hiện sáng kiến táo bạo, chú lấy một cây sào, trên đầu sào, gắn một tấm bản gỗ mà chú lấy từ trong kho chứa những bản gỗ khắc Kinh, chú viết "ngày rằm tháng chạp, rồng sẽ hiện ở đây", viết xong chờ đêm khuya, chú lén cắm bản ấy ở bờ ao, vì sợ người ta trông thấy việc mình làm nên chú lựa chỗ vắng vẻ, u tịch mà cắm tấm bản vào một đêm mưa tháng Bảy.

Vì chú tiểu cắm tấm bản nơi vắng vẻ nên không ai phát hiện sớm, rồi chú cũng quên đi. Một hôm chừng hai tháng sau, có người phát hiện ra tấm bản ấy, tin tức được truyền rao đi nhanh chóng, mới đầu : "Có một tấm bản cắm ở ao thiêng trước chùa Giác Lâm, viết rằng vào ngày rằm tháng chạp sẽ có Rồng hiện", tin ấy lan truyền dần dần được thêm bớt trở thành "Có thần nhân báo tin rằng: Ở ao thiêng trước chùa Giác Lâm, vào ngày rằm tháng Chạp sẽ có Rồng hiện lên để bay về Trời".

Mới đầu người ta bàn tán tin ấy, chú tiểu chợt nhớ tới chuyện mình làm, chú thấy vui vui. Ngày nọ tháng kia, chú nghe hoài lại đâm ra ngờ rằng : có lẽ thần thánh mượn tay mình làm ra việc đó. Cho đến khoảng thượng tuần tháng Chạp, chú có một sự mừng vui quá đổi, vì bà mẹ già của chú từ ở làng xa, đã lâu rồi nay mới đến chùa thăm chú còn cho biết : bà đến đây thăm chú và chờ xem Rồng ở ao hiện lên để bay về Trời. Có ai trong đời được xem thấy Rồng, dù tuổi già, sức yếu bà cũng lặn lội đến đây xem một lần cho biết. Rồi lần lượt có nhiều khách thập phương đến chùa,xin Sư cụ trụ trì cho họ tá túc ở chùa vài hôm, để chờ xem Rồng hiện.

Chú tiểu nghĩ rằng có nhiều người tin Rồng sẽ hiện, cả bà mẹ già của mình cũng tin như vậy. Nhìn lại mẹ, răng rụng, má hóp, tóc bạc, bà đã tin rằng Rồng sẽ hiện, vậy thì chắc chắn sẽ có Rồng hiện lên vào ngày Rằm tháng Chạp. Chú bắt đầu tin và chờ trông.

Ðến ngày Rằm, vào buổi sáng tinh mơ đã có đông người kéo đến bờ ao, có người đốt nhang, có người bày quả phẩm nhang đèn cúng vái. Mặt ao vẫn phẳng lặng, mọi người đều sùng kính trang nghiêm, thời gian lặng lẽ trôi qua trong sự im lặng đợi chờ, đúng Ngọ cũng chẳng có gì, qua giờ Mùi, mây đen từ hướng Bắc kéo về báo hiệu một cơn mưa sắp đến, người ta nhìn mặt hồ để đợi Rồng hiện, nhìn lên mây để biết cơn mưa, rồi lúc nào đó, có người chỉ đám mây đen vần vũ kia và bảo :"Rồng đã hiện trên mây đó!", nhiều người khác nhìn lên mây, kẻ bảo phải, người bảo không.

Nhưng có nhiều người nhìn hình dạng đám mây đen kia, tin rằng Rồng đã hiện ở trên đó .

Louisville, Feb.11, 1994

Huỳnh Ái Tông

( Trích Bản Tin Liên Lạc số 1, Tháng 3 năm 1994 )

Trở lại Mục Lục