Truyện ngắn
Một bước sa chân
Tâm Không
Lương Hà, một nho sinh nổi tiếng ở Thanh Châu, văn hay chữ tốt, cha mất sớm, mẹ già tần tảo nuôi con cho ăn học, năm Lương được hai mươi tuổi, quan Huyện sở tại yêu chuộng văn tài, cho mời Phan thị, mẹ Lương đến nhà, để bàn chuyện hôn nhân, ông gả con gái cho Lương, mong sau nầy khi Lương đỗ đạt thành tài, con gái mình được nhờ tấm thân.
Vợ Lương, Hàng thị, con gái quan Huyện được giáo dục từ nhỏ, về nhà chồng giữ nề nếp gia phong, kính mẹ, thương chồng, nàng cũng vất vả, tảo tần buôn bán sớm hôm.
Ngày lụn, tháng qua nàng dành dụm được một số tiền, đến khoa thi Hàng thị trao tiền cho chồng, thết một bửa tiệc tiễn chân, chúc chàng được công thành danh toại, nàng hứa sẽ hết lòng phụng dưỡng mẹ chồng.
Khi Lương lều chỏng lên đường, Phan thị đưa con ra tận cổng, lòng đầy tin tưởng dặn con :
- Lên Kinh lần nầy ráng mà chiếm bảng vàng, vinh quy bái tổ làm cho rạng rở tông môn dòng họ Lương của con.
Lương sinh kính cẩn nghe mẹ dạy, xong chàng chấp tay vái mẹ, chào từ giã vợ rồi lên đường.
Ngày đi, đêm nghỉ hơn một tháng Lương mới đến Kinh đô, quả thật là chốn nghìn năm văn vật, đường xá, nhà cửa, quán trọ đều đẹp đẻ, những văn nhân, tài tử dạo chơi ở kinh thành, làm cho Lương càng thêm quyết chí phải thi đỗ phen nầy. Ðược vua ban áo mão và yến tiệc, chàng sẽ mặc áo gấm, đội mão, mang hia, cỡi ngựa dạo chơi khắp kinh thành, rồi mới trở về vinh quy bái tổ, mẹ và vợ chàng sẽ được hảnh diện với khắp mọi người.
Vào tràng thi, Lương đem hết văn hay, chữ tốt ra đua tài, phen nầy chàng nắm chắc không Trạng Nguyên thì cũng Thám hoa, chớ không chỉ là anh Tiến Sĩ uổng công đèn sách bấy lâu, khỏi tủi thân cho vợ hiền tảo tần năm tháng.
Gần đến giờ nộp quyển, bỗng một cơn trốt mạnh, hốt bài Lương đi, chàng vội vàng chụp lại, cầm được văn bài trong tay nhưng bị mất đà, chàng đã đè văn bài vào trong nghiên mực, do đó quyển của chàng chữ còn, chữ đã bị mực lem, chàng không đủ thì giờ để chép lại, đành nộp quyển ấy cho quan trường.
Ðến ngày yết bảng, không có tên Lương, chàng nản chí lên đường về quê, dọc đường Lương bị một bọn cướp đánh đập lấy hết tiền của, chàng được chúng thả ra, lại bị trận mưa to ở giữa cánh rừng, phải đi trong cơn mưa, ráng vượt qua chỗ vắng, đến xóm nhà kia thì Lương ngã quỵ vì một cơn bệnh.
Lúc tỉnh lại, Lương thấy mình nằm trong một căn phòng xa lạ, đơn sơ và cũ kỷ, chàng cảm thấy ê ẩm khắp thân mình, tay chân không thể cử động được. Một bàn tay sờ vào trán Lương, khi người ấy lấy bàn tay đi, Lương nhìn thấy đó là một nhà sư, vui mừng thấy Lương đã tỉnh lại, ông ta nói :
- Mô Phật, Phật tử đã tỉnh lại, ráng nằm tịnh dưỡng, mọi việc có nhà chùa lo cho.
Rồi vị sư ấy rước một Ðại phu đến xem mạch, bốc thuốc chữa bệnh cho Lương, hơn một tuần nhựt, chàng mới có thể ngồi dậy, rồi lần hồi bình phục, sức còn yếu lại không có tiền bạc nên Lương phải xin sư trụ trì cho tạm ở qua ngày.
Ðể gánh vác việc chùa, từ khi đi lại được, chàng bắt đầu công việc chép kinh Kim Cang, thỉnh chuông công phu mỗi tối, để đỡ đần tay chân cho sư trụ trì và tập theo nếp sống thiền môn.
Có một đêm Lương sinh nằm mơ thấy một vị đường quan, mặc hồng bào, đội mão, mang hia trông người rất oai nghiêm và nhân hậu, từ ngoài đi vào chùa, đến chỗ Lương sinh ngồi chép kinh, ông ta vỗ vai chàng thân mật nói :
- Lương sinh, ngươi ở chùa chép kinh, thỉnh chuông công phu, đã hiểu được những gì của giáo lý nhà Phật, nói thử cho ta nghe với.
Chàng bắt đầu nói về Kinh Kim Cang, theo lời chàng nói, có những vì sao bay ra, toả ánh sáng khắp một vùng, ánh sáng bao trùm khắp chùa, làm cho chàng cảm thấy tươi mát, an lạc vô cùng, vị quan ấy nghe rất hài lòng và dường như cũng cảm thấy hoan hỷ, an lạc do ánh sáng của những vì sao toả ra. Ông ta khen ngợi : " Lành thay! Lành thay ! " rồi rời khỏi chùa, Lương sinh chợt tĩnh, còn cảm thấy dư vị của niềm an lạc vừa qua.
Những lúc rảnh rang, Lương nhớ đến mẹ già và vợ hiền, họ đang trông đợi chàng về, hơn ba tháng sức khoẻ chàng đã gần bình phục, nhưng chàng vẫn không có tiền, lấy đâu làm lộ phí trở về, chàng vẫn còn căm tức bọn cướp, vì chúng đã lấy hết tiền của, còn đánh đập và giữ chàng cho nên mới bị cơn mưa rồi lâm trọng bệnh.
Bỗng một hôm, sư trụ trì ngã bệnh, gọi Lương đến bên giường, trối trăn giao chùa cho Lương làm Thủ Tự rồi người viên tịch.
Những người quanh vùng nghe tin sư trụ trì tịch, họ đến giúp chùa lo ma chay, chôn cất người và đương nhiên xem Lương là thủ tự từ đó, bởi vì chùa chỉ có một mình chàng mà thôi. Người ta kính trọng thủ tự, chuyện chi liên quan tới chùa cũng hỏi ý kiến chàng, Lương thấy mình là người quan trọng, do đó chàng bắt đầu tự đại, tự cao.
Lương ở chùa nhưng không phải người xuất gia đầu Phật, nên chàng không thuộc giáo lý, không rành kinh kệ, chàng cũng không quan tâm lắm về việc nầy. Phật tử quanh vùng đi chùa vào những ngày Sóc, ngày Vọng, đem tới chùa cúng hương đèn, hoa quả, gạo nếp, đường muối những thứ ấy cũng đủ cho Lương tạm sống qua ngày.
Lương nghĩ một mai có người khác đến chùa đi tu, chàng sẽ giao chùa cho người ấy làm trụ trì hay thủ tự, lúc đó chàng phải có tiền để làm lộ phí về quê. Chùa không có huê lợi, không có những Ðàn na, tín thí giàu có giúp cho, thôi thì chàng đem kinh Dịch ra, mượn khoa bói toán làm phương tiện, xem gia đạo cho mọi người, để có thể kiếm được tiền dành dụm về quê. Nhờ chịu khó học hỏi, dần dần chàng nỗi tiếng, cũng kiếm được và dành dụm khá tiền.
Một hôm lại có người đến nhờ chàng viết đơn, thưa người khác vì nghi người ấy là kẻ trộm cắp, Lương nào có thắm nhuần giáo lý đạo Phật, lại vốn căm ghét bọn cướp xưa kia, Lương đã đem hết văn tài của mình ra để làm tờ cáo trạng, dùng mọi mưu chước để buộc tội cho người, lời lẽ nặng nề thâm độc, viết xong chàng hết sức vừa lòng toại ý, mãn nguyện chẳng khác nào đã ngồi trên ngựa đi dạo ở kinh kỳ, vinh quy bái tổ như chàng đã từng mơ tưởng.
Vào một buổi trưa, Lương sinh nằm nghỉ ở hậu Tổ, bỗng thấy có một đại nhân tướng tá dữ dằn, râu ria xồm xàm, đầu đội mão, chân đi hia, hông đeo trường kiếm, hiên ngang từ ngoài cửa đi vào chùa, kiếm gặp chàng đang ngồi xem sách Tướng, Lương chưa kịp chào hỏi, ông ta tự nhiên kéo ghế, ngồi ghé bên phải bàn thờ Sơ tổ đức Bồ Ðề Ðạt Ma, ngay trước mặt chàng rồi nói :
- Này Lương sinh, lâu nay người đã làm thủ tự, tâm đắc những gì nói cho ta nghe với !
Lương tự đắc mở miệng khoe khoang, theo lời nói của chàng, từ trong miệng tự dưng có những con vật nhảy ra nào là rắn, rết, bò cạp, cào cào, châu chấu bao vây chàng, chúng trợn mắt, phùng mang, nhe răng làm như muốn ăn tươi nuốt sống chàng vậy, nhưng chúng nhìn đến vị đường quan lại tỏ ra sợ sệt, rồi một số con đi đàng nầy, chạy đàng kia để tìm kiếm miếng mồi ngon, Lương sinh quá sợ, muốn im lặng để khỏi có thêm những con vật ác nghiệt kia nhưng nào có được, tự chúng tuôn ra từ trong miệng chàng. Lương sinh cầu cứu với vị đại nhân :
- Ðại nhân ơi ! Xin ngài mở lượng hải hà tìm cách cứu tôi với, nếu không những con vật nầy nó sẽ giết hại tôi.
Vị ấy nói :
- Lương sinh ơi ! Ta rất thương nhà ngươi, ta muốn ra tay cứu độ ngươi, nhưng ta làm sao cứu được, bởi vì những con vật ác độc kia, nó được sanh ra và lớn lên với nhiều nọc độc, do chính ngươi hàng ngày đã nuôi dưỡng nó trong tâm. Nó sẽ đi khắp nơi, sẽ giết hại nhiều người khác nữa, chúng cũng sẽ phá hoại mùa màng, ruộng nương ngươi đâu có thể biết hết được !
Lương bắt đầu nghe những tiếng kêu la, rên siết của nhiều người vì sợ hãi, vì bị những con vật kia cắn, chích nộc độc. Chàng cũng khóc lóc van xin vị đại nhân cứu giúp, để ra khỏi chỗ bị bao vây của những con vật ác độc kia.
Vị ấy nói :
- Này Lương sinh, ngươi là Khổng môn hậu học, đừng quên câu " Nhân giả, nhân giả " của cửa Khổng sân Trình. Ở chùa nhà ngươi phải biết, đây là nơi đem vui cứu khổ đến cho mọi người, ngươi ở chùa dù là Thủ Tự tạm bợ qua ngày, không thể không gìn giữ thiền qui. Sao không học theo Hoa Ðà, Biển Thước để cứu nhân, độ thế; học chi theo lão Trần Ðoàn.
Ngươi đã dùng môn bói toán, làm mê hoặc lòng người để kiếm tiền, đó là do lòng Tham tiền bạc của ngươi, nó lại làm cho đạo Phật bị mang tiếng là mê tín, dị đoan; không xiển dương thì thôi, có đâu lại làm hại giáo lý đạo Phật.
Còn chuyện ghét người nầy, ngươi làm để trả thù kẻ khác, đem lòng thù hận phơi bày trên lá đơn gửi cho huyện quan sở tại, đó là ngươi đã Sân, Si. Trích cú tầm chương, chuyện không ngươi dám nói có, chuyện có ngươi nói không, đó là phạm vào giới cấm Vọng ngữ. Những điều ngươi đã làm do tâm mà ra. Tâm đó, chính nó đã sinh những con vật ác độc nầy.
Dù một ngày ở trong chùa, ăn một hột cơm của đàn na, tín thí, hưỡng một chút lộc Phật ngươi cũng phải ăn hiền, ở lành, tu nhân, tích đức thì tự nhiên những con vật kia sẽ không còn nữa.
Nói xong ông ta bỏ đi, những con rắn, rết, bò cạp ấy bắt đầu bò tới chàng, Lương sinh sợ hải hét lên, tiếng hét ấy làm chàng chợt tỉnh, khắp người Lương ướt đẫm mồ hôi, biết mình vừa trải qua một giấc mơ kinh khủng, nhớ lại vị đại nhân kia, chàng tự hỏi : " Ông ta là ông Thiện hay ông Ác vậy ? "
*
Nov. 22,96