Gương đạo hạnh
lòng hiếu từ của một vị ni
Viên Ngọc Dũng
Ni trưởng Hải Triều Âm sinh năm 1920 tại Hà Nội trong một gia đình bố là bác sĩ người Pháp (La Ðồ Ba) mẹ là sa phăm (bà đỡ) người Việt. Ni trưởng có hai người dì ruột đều xuất gia, bà dì lớn là Sư Bà Ðàm Tiến, một vị Ni yêu nước đã từng nuôi giấu ông Trường Chinh nhiều năm trong thời kỳ hoạt động bí mật. Sư bà được tặng thưởng nhiều huy chương, huân chương ...
Ni trưởng thuở thiếu thời tên là Cattolan, được nuôi dạy trong trường Pháp, sau làm ở sở Bưu Ðiện Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1945, đại nạn lớn trong gia đình, một ngày ông bố và anh ruột đều qua đời, năm ấy cô 25 tuổi.
Từ đó, cô nhận thấy cuộc đời là vô thường và đã cùng mẹ quy y Tam Bảo và chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo, tham học Ngài Tuệ Nhuận, HT Giải Ngạn (chùa Hưng Ký), và HT Ðồng Ðắc (chùa Tàu). Cô thường tổ-chức Gia Ðình Phật Tử ở chùa Cấm (Hải Phòng), chùa Chân Tiên (Hà Nội) và làm công tác từ thiện cứu giúp người tật nguyền, cô nhi quả phụ. Ngoài ra cô còn tham gia viết về Phật giáo cho báo Bồ Ðề với bút hiệu là Cát Tường Lan. Cô Cattolan công tác ở Bưu Ðiện bờ hồ với trang phục của một cô đầm nhưng lại phát nguyện ăn chay trường mộ Phật. Cô lãnh lương được 3000 đồng (tiền Ðông Dương) thì 1000 đồng dành cho hai mẹ con sinh-hoạt, 1000$ làm công tác từ thiện, 1000$ cúng dường Tam Bảo.
Năm 1952, cô được cử đi họp Ðại hội Phật giáo Thống Nhất lần thứ nhất ở chùa Từ Ðàm - Huế.
Với một tấm lòng tin nguyện Phật sâu, cô quyết tầm thầy xuất gia. Một duyên lành lớn, cô đã gặp Hòa Thượng Ðức Nhuận (cố Pháp chủ tịch năm 1994) ở chùa Tầu. HT thấy một cô đầm thường đến chùa lễ Phật nghe pháp, Ngài e ngại không dám độ. Sau đó, cô thay đổi, để tóc dài, mặc áo dài Việt Nam, đi lại cần mẫn với chư Tăng tham gia các hoạt động Phật sự. Thấy cô có hạnh, chí thành với sự tu hành nên HT hứa khả độ cô xuất gia.
Sau khi xin nghỉ việc ở Sở Bưu Ðiện và thuê người trông nom mẹ, đồng thời gỡi mẹ vào Tòa Soạn Báo Bồ Ðề nơi Ngài Tuệ Nhuận ở.
Năm 1953, HT Ðúc Nhuận đưa cô gặp một vị sư bà 90 tuổi ở thôn Phùng Khoang (Thanh Xuân, ngoại thành Hà Nội) cô được thế phát với pháp hiệu là Hải Triều Âm và thụ Sa Di giới ở tổ đình Phùng Khoang.
Thôn này già nửa làng là đạo Thiên Chúa, bên nhà thờ có cô Tây, bên chùa có sư Tây. Cô Tây nhiều lần sang chùa thuyết phục Ni trưởng trở nên đạo Thiên Chúa nhưng không kết quả!
Sau, bà mẹ ốm nặng, Ni-trưởng xin phép tổ trở về nuôi Mẹ nhưng vẫn ăn vận nhà chùa, tận tâm chăm sóc mẹ từ cơm nước, ăn uống, thuốc thang ... Ðúng là một tấm gương về đạo hiếu trong thiền gia đối với phụ mẫu. Cuối năm 1954, Ni Trưởng cùng thân mẫu vào chùa Dược Sư Sài Gòn tu (Trụ sở của Hội Phụ Nữ Phật Tử Nam Việt). Ni trưởng xin phép ban lãnh đạo ni trưởng cho phép ni-trưởng không phải sinh hoạt trong ni chúng vì còn phải trông nom mẹ già và tự tu tự học cùng với ngài Tuệ Nhuận. Ít năm sau bà mẹ mất, Ni trưởng thụ đại giới và chuyên giảng pháp trong chúng và trong các chùa. Sở trường của ni trưởng là pháp môn Nhỉ căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm.
Ni trưởng nghiêm trì giới luật, không giữ tiền của, độ ngọ, tích cực công tác từ thiện, chuyên tu thiền định kết hợp pháp môn "Nhĩ căn viên thông"; tiếp chúng độ nhân cho nhiều người, từ kẻ sơ cơ cho đến người có căn duyên; ấn tống, dịch thuật kinh sách. Cho tới ngày nay số Ni chúng tới tham học kể đến hàng trăm và nhiều đệ tử ờ hải ngoại. Hiện nay Ni trưởng ở Ðại Ninh (Lâm Ðồng), trụ trì tịnh thất Hương Sen, Linh Quang ... tuy tuổi già sức yếu nhưng vẫn tinh tấn kê vãng khai lai làm bậc lương đống cho hàng hậu học Ni chúng.