Thông
Cáo Báo Chí Làm Tại Paris Ngày 2-4-2003
Thủ Tướng Phan Văn Khải tiếp kiến Hòa Thượng Huyền Quang
Trước áp lực quốc tế ngày càng mãnh liệt đòi trả tự do cho Nhị vị Hòa thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Ðộ và phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, ông Phan Văn Khải, Thủ tướng CHXHCNVN tiếp kiến Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang tại Hà Nội
Hôm nay, qua cuộc điện đàm vào lúc 20 giờ (giờ Hà Nội) Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thông báo cho ông Võ Văn Ái, Giám đốc Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, Phát ngôn nhân của Viện Hóa Ðạo, được biết nội dung cuộc gặp gỡ giữa Hòa thượng và ông Phan Văn Khải, Thủ tướng CHXHCNVN hồi 17 giờ 30 ngày 2.4.03 và kéo dài khoảng 45 phút.
Một chiếc công xa của phủ thủ tướng đến chùa Kim Liên rước Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang. Ðến nơi, phân ngôi chủ khách, Hòa thượng và Thủ tướng ngồi trên hai ghế bành ngang nhau và mở đầu cuộc trao đổi.
Ðại lão Hòa thượng trình bày tình hình Ðảng và Nhà nước đàn áp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ngay từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975. Tất cả cơ sở giáo dục, văn hóa, xã hội, từ thiện, chùa viện, tài sản của Giáo hội đều bị tịch thu, cưỡng chiếm. Hàng giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội bị bắt bớ, tù đày, quản thúc. Rồi Hòa thượng nêu lên câu hỏi: Tại sao một tôn giáo lớn như Phật giáo có công đóng góp với dân tộc suốt hai nghìn năm qua lại bị ngược đãi, đàn áp như thế ?
Trả lời điểm này, thoạt đầu Thủ tướng Phan Văn Khải có vẻ như lúng túng hay đăm chiêu suy nghĩ, nhưng rồi ông cũng công nhận là "Buổi đầu có thiếu sót, có nhiều sai trái, nay mọi sự sẽ phải tháo gỡ và điều chỉnh dần ", rồi nói tiếp : "Xin Hòa thượng từ bi, hoan hỷ". Chúng tôi thắc mắc về từ ngữ Phật giáo mà ông Khải sử dụng, thì Hòa thượng xác nhận ông nói nguyên văn như thế.
Sau đó Hòa thượng đề cập đến trường hợp giam cầm Hòa thượng không lý do, không xét xử suốt 21 năm qua, cũng như việc quản chế Hòa thượng Thích Quảng Ðộ hiện nay tại Saigon.
Hòa thượng hỏi ông Khải : "Tôi chỉ xin Thủ tướng đứng trên mặt pháp lý mà giải thích cho các sự kiện này".
Ông Khải không trả lời trực tiếp mà chỉ nói đại khái là "Về trường hợp Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, cấp dưới xử lý không hợp lý" và trấn an rằng : "Chuyện cũ có như thế, nhưng không phải là chính sách của nhà nước".
Hòa thượng chất vấn thêm : "Chuyện không phải mới đây, mà ngay từ thời kháng chiến giành độc lập những năm 50, tôi cũng như đông đảo Phật tử đều hy sinh thân mạng, công, của cho đại cuộc quốc giạ Nhưng tại sao lại bắt giam tôi ở Liên khu V, và thời ấy cũng không cho biết lý do, không hề xét xử . Nay xin Thủ tướng cho tôi biết rõ sự thật và tội trạng của tôi". Ông Khải không trực tiếp trả lời câu hỏi mà chỉ nói : "Công ơn của Hòa thượng đối với quốc gia dân tộc, tổ quốc ghi ơn".
Kết thúc cuộc hội kiến, ông Phan Văn Khải đề nghị Hòa thượng cùng chụp chung tấm ảnh khi ông trao tặng Hòa thượng tấm sơn mài có hình chùa Một Cột.
Nhận thấy cuộc đối thoại tuy cởi mở, thân tình, nhưng còn nặng xã giao và cách tiếp cận vấn đề thì phía Thủ tướng Phan Văn Khải chưa giải quyết các điểm mấu chốt. Chúng tôi đặt ra bốn câu hỏi xin Ðại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang cho Phật giáo đồ trong và ngoài nước được biết những vấn đề cụ thể :
- Bạch Hòa thượng, ông Khải có hứa hẹn gì về việc trả tự do cho Hòa thượng và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ không ?
Hòa thượng đáp là Hòa thượng lưu tâm nhấn mạnh vấn đề này, nhưng ông Khải không hứa hẹn gì cả.
- Bạch Hòa thượng, thế còn yêu sách phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thì quan điểm của ông Khải như thế nào ?
Hòa thượng đáp là ông Khải nói :"Hiện nay có một Giáo hội Phật giáo Việt Nam là đủ rồi".
-. Bạch Hòa thượng, như vậy là chưa có vấn đề gì cụ thể được giải quyết, nhất là việc trả tự do cho Hòa thượng và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ, cũng như phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Thế thì thành quả cuộc gặp gỡ này là gì ?
Hòa thượng đáp : "Những yêu sách chính đáng của Giáo hội phải tiếp tục đòi hỏi cho đến khi được thực hiện. Nhưng nói chung cuộc gặp gỡ hòa nhã, thẳng thắn. Sự việc rồi phải biến chuyển thôi, không thể nào còn tiếp diễn như trước được. Thời gian sẽ trả lời cho chúng ta. Dù sao một ông Thủ tướng tiếp kiến một người tù bị giam hãm suốt 21 năm mà không biết vì tội gì, thì cũng là một dấu hiệu cần quan tâm.
- Bạch Hòa thượng có nghĩ rằng áp lực quốc tế dồn dập đến từ các quốc gia Âu Mỹ không ngừng can thiệp trả tự do cho Hòa thượng và Hòa thượng Thích Quảng Ðộ cũng như cho sự phục hồi quyền sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, đã mở ra cơ hội gặp gỡ ngày hôm nay
- Hòa thượng đáp : "Ðó là chuyện đương nhiên !". Và Hòa thượng nhờ chúng tôi chuyển lời thăm hỏi đến các nhân sự ở Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế, cũng như chuyển lời tán thán và tri ân đến các Quốc hội, các Chính phủ Âu Mỹ, các tổ chức Nhân quyền quốc tế và đặc biệt đến các cơ quan truyền thông, báo chí, đài phát thanh trên khắp năm châu đã không ngừng lên tiếng hoặc thông tin hỗ trợcho hàng Giáo phẩm và Phật tử bị ức chế tại Việt Nam.
Hòa thượng cũng cho biết tin ngày hôm qua một Bí thư Ðại sứ quán Hoa Kỳ đến thăm Hòa thượng lần thứ hai và hẹn với Hòa thượng trong hai ngày nữa ông Ðại sứ Hoa Kỳ sẽ đến vấn an Hòa thượng.
Khi chia tay ông này nói một câu làm Hòa thượng suy nghĩ : "Xin tạm chia tay Hòa thượng và chắc chắn sẽ có sự tốt đẹp xẩy ra vào giờ cuối".
Trả lời câu hỏi bao giờ Ðại lão Hòa thượng trở về Quảng Ngãi, thì Hòa thượng cho biết sau khi gặp gỡ ông Ðại sứ Hoa Kỳ xong, Hòa thượng sẽ xuôi Nam, ghé thăm chư Tăng Ni ở Huế trước khi về lại Quảng Ngãi.