Viết Về Một Người Chị Vừa Ra Ði...

Thiện Thanh Ðặnh Ðình Khiết

Hôm qua, ngày mùng Ba Tết Quý Mùi, ở miền đông nước Mỹ, tôi nghỉ đi dạy học và ở nhà, không đi ra ngoài và cũng không trả lời điện thoại. Dùng phần lớn thời giờ để đọc kinh, đọc sách, và nghĩ tới Chị Nguyễn Thị Cảnh và sự vừa ra đi của Chị...

Về mặt tình cảm, sự ra đi của Chị là một mất mát lớn cho những người có cơ hội sinh hoạt với Chị trong bao nhiêu năm tháng tại GÐPT Giác Minh trước năm 1975. Tuy Chị không là Huynh trưởng trực tiếp coi đoàn của tôi, nhưng luôn luôn Chị là một người Chị của tôi - từ lúc tôi còn là một chú nhỏ Liên-Ðàn-Trưởng đeo ba vạch vàng, rồi được "thăng chức" làm Huynh trưởng ngồi chung bàn họp với Chị và Ban Huynh Trưởng GÐPTGM, cho đến ngày "leo lên" làm tới chức Tổng thư ký Ban Hướng Dẫn GÐPT Miền Vĩnh Nghiêm. Sau ngày tôi nhập ngũ và đi thụ huấn ở nước ngoài về (khoảng 1968 cho đến 1970) GÐPTGM lúc này đã trải qua nhiều thăng trầm của thế sự và có lúc đã phải tạm ngưng sinh hoạt. Chính cá nhân tôi cũng vì quân ngũ nên cách ly với sinh hoạt của đơn vị nhiều năm. Tuy thế, thỉnh thoảng có dịp gặp Chị tại ngôi nhà của Chị ở đường Nguyễn Cư Trinh thì Chị vẫn thế. Vẫn là con người ấy, vẫn là mối tình cảm đầy ắp của một người Chị dành cho một cậu em trai dù bây giờ không còn nhỏ nhít như thưở nào. Về khoảng thời gian ngưng sinh hoạt của đơn vị Giác Minh trong thời điểm này, có thể Dũng, Nga, hoặc anh Phạm Minh Tâm còn nhớ khá rõ. Nếu có dịp xin quý vị ghi lại để những người như tôi có thể nắm vững phần nào lịch sử của đơn vị GÐPTGM.

Nói về Chị Nguyễn Thị Cảnh, cũng như các Anh Chị khác đã từng là Liên Ðoàn Trưởng của GM, là phải nói đến hình ảnh của họ gắn liền với GÐPTGM. Chị, và các Anh Chị LÐT khác - nếu nói không quá đáng - đã là cái linh hồn một thời của đơn vị. Vì là linh hồn nên ảnh hưởng của họ vào đời sống của đơn vị GÐPTGM do họ lãnh đạo là một điều không thể phủ nhận. Họ đã để lại những dấu ấn về nhiều mặt. Từ sự tổ chức cho đến cách lối điều động và phối hợp Ban Huynh Trưởng, vị thế của đơn vị đối với các đơn vị khác trong phẩm chất về tu học và khả năng sinh hoạt, cho đến các vấn đề có tính cách đối ngoaị của đơn vị...

Chị Nguyễn Thị Cảnh, bên ngoài có một vóc dáng liêu trai, mong manh như sương khói, nhưng bên trong là một phụ nữ rất độc lập trong những suy nghĩ của mình. Nụ cười của Chị thật tươi là một nét nổi bật khi ta nghĩ về Chị. Ðó là một nụ cười đôn hậu, cho người đối diện một cảm giác bình an và thân thiện ngay khi mới gặp. Nhưng ẩn dưới nụ cười ấy là một bản lãnh "Tùy thuận...Bất nhị..." (nói theo ngôn ngữ của Hoa Nghiêm), nó sẽ biểu lộ khi cần.

Dưới đây là một câu chuyện để vẽ lại phần nào những đức tính của Chị Trưởng Nguyễn Thị Cảnh trong một trường hợp khá độc đáo. Xin được phép kể lại trong sự tưởng nhớ đến Chị, và là cách để cám ơn Chị về những hy hiến của Chị cho những con người một thời được sống với Chị trong đơn vị GÐPT mang cùng tên của ngôi chùa thân yêu, Chùa Giác Minh. Sau gần bốn mươi năm, bộ nhớ của tôi phần nào giống như một cuốn phim tài liệu được lưu giữ một cách rất cẩu thả, chỗ thì nhạt nhòa, chỗ thì bị mối mọt đục nát... Xin có Anh Chị Huynh Trưỏng hoặc Ðoàn viên nào nhớ thêm bỗ túc cho chính xác hơn. Xin tán thán công đức trước của quý vị.

Ðó Là Một Buổi Trưa Chủ Nhật bình thường như những buổi trưa Chủ nhật khác nơi ngôi chùa Giác Minh hiền hòa này. Ðơn vị sửa soạn làm lễ và sinh hoạt hàng tuần. Nhưng, trước đó ít phút, Ban Huynh Trưởng được yêu cầu họp khẩn để lấy một quyết định chung. Một Văn-thư-khẩn chi đó yêu cầu chúng tôi dẫn đơn vị sang Chùa Phước Hòa ở phía bên kia đường Phan Ðình Phùng để cùng tham dự cuộc cầu nguyện chung, do một số đơn vị GÐPT khác tổ chức cho quý Thầy lãnh đạo Viện Tăng Thống và Viện Hóa Ðạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang tuyệt thực tại Việt Nam Quốc Tự từ nhiều tuần qua. Ðây là thời Cụ Trần Văn Hương làm Thủ Tướng.

Trong buổi họp, tôi thấy Chị Cảnh có nhiều ưu tư, và riêng tôi có linh cảm rằng có một cái gì khác hơn là một cuộc cầu nguyện. Sau buổi họp, tôi chia xẻ với Chị cảm nghĩ ấy, Chị nói rằng cũng lờ mờ cảm thấy điều ấy, nhưng Ban Huynh Trưởng đã đồng ý chung thì cứ đi. Vả lại, theo lời Chị, thì sang đến nơi sẽ liệu cách giải quyết.

Cả đơn vị Giác Minh di chuyển theo những con đường hẽm nối từ đường Phan Thanh Giản sang phía đường Phan Ðình Phùng để đến chùa Phước Hòa. Khi đến nơi thì thấy đã có một số đơn vị khác có mặt, khoảng vài trăm đoàn sinh và Huynh trưởng với đồng phục, cờ đoàn, cờ đơn vị...Rồi buổi lễ cầu nguyện bắt đầu, một vài vi Huynh trưởng lên nói về lý do cuộc lễ...Rồi bỗng thấy có một tấm biểu ngữ lớn được căng ra với hàng chữ, "CHÚNG TÔI ÐI THĂM THẦY CHÚNG TÔI." ( Dường như một trong những người chủ xướng vụ việc này là Trưởng Tuệ Linh, hiện có mặt tại California, vậy xin Trưởng Tuệ Linh kể lại đầu đuôi câu chuyện cho mọi người được rõ.)

Dường như có sự lao xao bàn tán giữa những huynh trưởng của các đơn vị hiện diện, có lẽ để lấy quyết định chung tại chỗ...Nhưng rồi tất cả cũng nhanh chóng xếp thành đoàn theo từng ngành dưới sự điều động cua các huynh trưởng trách nhiệm buổi lễ. Tôi nhớ có trao đổi rất nhanh với chị Cảnh về sự lo ngại của tôi về việc tuổi quá nhỏ của các em ngành Ðồng. Chị nhìn tôi thông cảm nhưng nói là khi các đơn vị cùng quyết định cho ngành Ðồng của họ tham dự nếu mình có quyết định khác thì là một điều khó xử.

Dường như có một số huynh trưởng khác của Giác Minh cũng đến chỗ tôi và chị Cảnh , trong số có cả Nguyễn Hoài (cháu Bác Nguyễn Ðức Lợi) nữa thì phải, để chia xẻ sự lo ngại tương tự. Thời đó Hoài và tôi trách nhiệm trông coi Nam Oanh Vũ. Một vị nào đó, tôi không nhớ rõ, nói rằng cứ đi nhưng đến chỗ nào thấy nguy hiểm quá thì sẽ yêu cầu dừng lại và giải tán các em. Ý kiến đó có vẻ như có lý và được mọi người hiện diện thông qua và chấp nhận như một quyết định chung! (Quả thật lúc đó chúng tôi còn quá trẻ và chẳng có chút kinh nghiệm chi hết. Có lẽ, thấy việc đúng thì cứ làm, thế thôi. Còn sự nguy hiểm như thế nào, hậu quả ra làm sao...Chắc chưa lường trước được.)

Ngành Ðồng lại được sắp đi đầu, ngay sau tấm biểu ngữ lớn đó. Có lẽ cũng trên hai trăm em vừa Nam và Nữ Oanh Vũ. Ðoàn tuần hành di chuyển trong yên lặng và không gặp một sức cản nào của lực lượng Cảnh sát từ đoạn đường từ chùa Phước Hòa cho đến ngã tư Phan Thanh Giản và Cao Thắng. Tại ngã tư này, đoàn tuần hành bị hàng rào của các cuộn giây kẽm gai ngăn lại. Chỗ này là phía trước cửa rạp hát Ðại Ðồng và đối diện đó là một tiệm mì của người Tầu. Vì không thể tiến hơn được nữa nên đoàn được yêu cầu ngồi tại chỗ. Trong chớp mắt thì đã có một số xe Jeep của Cảnh sát xuất hiện ngay tại phía đầu của đoàn tuần hành, tức là vị trí của các em ngành Ðồng! Các viên chức cảnh sát yêu cầu đoàn giải tán. Các huynh trưởng trong ban tổ chức thì xin được tiếp tục. Lời qua tiếng lại, Cảnh sát nói nếu không giải tán họ sẽ đàn áp. Bắt đầu có những tiếng phản đối, rồi tiếng dọa nạt từ phía Cảnh sát...Cũng như một số các nam huynh trưởng đang "đối đầu" với những viên Cảnh sát, lúc đó, tôi bỗng nổi máu "anh hùng", sấn tới nhất định cãi lý với viên Cảnh sát trưởng đang ngồi trong xe Jeep.

Chị Cảnh thấy tôi hăng quá, đi đến bên cạnh và nói nhỏ với tôi, "Coi chừng họ dùng bạo lực thì khổ nghe. Về chỗ lo cho các em của K. đi." Câu nói của Chị tuy chưa giúp tôi tỉnh hẳn cơn nóng, nhưng nghe lời Chị tôi rời chỗ của chiếc xe Jeep. Các em nhỏ ngành Ðồng bắt đầu nhốn nháo, hoảng hốt. Vừa lúc đó thì có thêm nhiều xe GMC chở đầy Cảnh sát dã chiến va lính nhẩy dù. Những người này trang bị súng ống, mặt nạ ngừa hơi cay, khiên chắn... và, khủng khiếp nhất, có lẽ, là các loa phóng thanh gắn trên đầu mấy cái xe GMC đó. Từ các loa phóng thanh là tiếng nói rổn rảng của cụ Thủ tướng chính phủ Trần Văn Hương. Ðại ý Cụ nói,"...Ðây là bọn phản động, quân đội cần phải dẹp!!!..."

Trong một xã hội có dân chủ thật sự thì tiếng nói và nguyện vọng của người dân được biểu lộ qua hình thức những cuộc mít tinh, tuần hành...là những điều cần thiết và lành mạnh. Miền Nam nước Việt thời đó tuy có dân chủ phần nào, nhưng vẫn chưa thực sự dân chủ. Nên, sự kiện nhà lãnh đạo cao nhất thời ấy gọi đoàn tuần hành của vài trăm người trẻ tuổi là bọn phản động quả thật là một điều đáng tiếc, và nó chứng minh mức độ dân chủ của chế độ đương thời. Nhưng, cũng có chuyện hay hay xẩy ra trong lúc đoàn tuần hành bị đàn áp, xin được kể lại và chắc còn nhiều nhân chứng nhớ chuyện này.

Theo một số đoàn sinh ngành Ðồng và nhiều đoàn viên Thiếu nữ lúc thoát được về đến chùa Giác Minh đã kể rằng, khi cuộc đàn áp bắt đầu thì bỗng có những anh lính nhảy dù đang làm các nút chặn ở các góc ngã tư Phan Thanh Giản &Cao Thắng đã mở hàng rào kẽm gai, có người còn bế các em đoàn viên ngành Ðồng bỏ qua các lớp kẽm gai để các em chạy thoát được cuộc đàn áp. Mấy em tuy bị một phen hết hồn nhưng hết sức cám ơn mấy anh linh nhẩy dù!

Ðoàn tuần hành giờ này hoàn toàn tan vỡ. Các ngôi nhà và cơ sở thương mãi chung quanh xầm xập đóng cửa...Chạy, mạnh ai nấy chạy! Có những người trốn được vào một số tiệm buôn hoặc tư gia. Số ngồi chịu trận và khóc ở ngay giữa đường đầy nghẹt khói lựu đạn cay. Một số thì chạy bừa vào tiệm mì...Trong lúc đám đông xô nhau chạy trốn, không rõ một vài đoàn sinh nào của tôi đã nắm tay tôi bảo chạy theo các em. Ðây không phải là vùng trú ngụ của tôi, nên nghe nói thế thì cứ chạy theo. Hóa ra là các em dẫn tôi chạy vào tiệm mì! Vào đến đây là vào ngõ cụt. Vì tiệm mì không có lối thoát nên các em chỉ còn cách ngồi núp ở đằng sau mấy cái bàn tròn của cửa tiệm, và khóc!

Trong một thoáng thì khói lựu đạn cay đã tràn vào bên trong tiệm mì. Chúng tôi nước mắt ràn rụa va ho sặc sụa. Tiếng các em khóc và tiếng bàn ghế đổ ngã khiến tạo một cảnh tượng thật bi đát. Tôi biết mình chỉ còn một đường. Ðó là, phải thoát ra khỏi nơi đây. Chạy ra phía trước thì không được. Cảnh sát dã chiến đang từ từ khép chặt vòng vây và đang tiến dần vào bên trong tiệm mì. Chỉ còn một cách là chạy bừa vào phía bên trong nhà bếp. Chạy được vào đến nhà bếp thì thật là tuyệt lộ! Nhà bếp của tiệm mì thì nhỏ mà giờ đây là chỗ chứa của cả chục người, gồm các ông Tầu nấu bếp và một số anh em Phật tử không rõ là đoàn sinh hay huynh trưởng, và cộng thêm tôi!

Nhìn quanh, tôi thấy có mấy cái cửa sổ nhỏ, cao hơn đầu người, có lẽ họ dùng để thông hơi với bên ngoài và nhà bếp, và để lấy ánh sáng. Mặc cho mấy ông nấu bếp la lối chửi rủa hay phản đối, Tôi rủ mấy anh bạn Phật tử cùng đứng lên trên mặt bếp, dùng mấy cái dụng cụ nấu nướng bàng sắt thật cứng của mấy ông Tầu đập vỡ mấy cái cửa kính đó, rồi cùng giúp nhau chui qua các lỗ nhỏ nơi mấy cái cửa sổ đó để thoát ra bên ngoài.

Thoát ra khỏi căn nhà bếp của tiệm mì thì chúng tôi rơi vào khu vườn của ngôi biệt thự nằm sát tiệm mì. Chạy vào một căn phòng gần nhất, mới biết nơi đây là nhà bếp của ngôi biệt thự này và là chỗ làm kẹo Chocolate mùi thơm phức. Mấy người giúp việc và người nhà có lẽ thương tình bảo chúng tôi chạy lên lầu mà trốn. Vừa leo lên được lên lầu hai của ngôi biệt thự thì đã nghe nhốn nháo tiếng chân và tiếng la hét của mấy ông Cảnh sát đã vào được bên trong của ngôi biệt thự. Thấy có một cái áo pajama màu xanh nước biển nhạt với các sọc trắng đang mắc ở thành ghế, tôi cởi ngay chiếc áo Phật tử trên người và thay bằng chiếc áo pyjama đó, rồi phóng thẳng vào một căn phòng nơi cuối lầu hai. Cũng lại hết đường! Và, nơi đây cũng lại gập một cái cửa sổ loại lớn. Bên cạnh tôi bây giờ có thêm vài người bạn đồng hành là những anh Phật tử đã vừa thoát khỏi tiệm mì với tôi trước đây ít phút. Mở tung cánh cửa sổ, chúng tôi nhìn xuống bên dưới là lớp lớp mái nhà. Có cái bằng ngói, có cái bằng tôn. Từ chỗ cửa sổ xuống đến cái mái nhà gần nhất là khoảng hai thước. Không kịp suy nghĩ thêm, chúng tôi cùng leo ra ngoài, dùng hai tay bấu vào thành cửa sổ, và thả tay ra để cả người rơi xuống. Tiếng ngói vỡ rổn rảng dưới chân, và có tiếng la thất thanh của người nào đó ở trong căn nhà phía dưới!

Chúng tôi đứng dậy tiếp tục chạy trên những mái ngói mà mỗi bước chân chạy tạo ra không biết bao nhiêu tiếng vỡ của các lớp ngói bên dưới. Bóng dáng của các viên Cảnh sát đã xuất hiện ở trong khung cửa sổ chỗ chúng tôi vừa thoát ít phút trước đó làm cho chúng tôi phải cố gắng chạy nhanh hơn nữa. Thuở ấy tôi rất gầy nên có thể nhờ thế tôi chạy khá dễ và chỉ làm vỡ lớp ngói dưới chân chứ không như vài anh bạn Phật tử cùng chạy. Một vài anh, và vài người Cảnh sát nữa, đã làm thủng cả lớp ngói, khiến cho họ ngã ngồi hẳn xuống, hai chân chui qua hẳn lớp ngói...như thế, chắc chắn là phải đau đớn rất nhiều. Chạy thêm một chút nữa thì tôi đến một bức tường cao. Ðây là chỗ nối vào của phần nhà phía trước và phần phía sau của ngôi nhà. Có nghĩa là, ở phía trước của ngôi nhà là hai tầng, phía sau là tầng trệt. Ði sát theo chân bức tường, đến gần phía mặt tiền của ngôi nhà thì tôi thấy rằng mình không thể nào nhẩy xuống mặt đất được vì quá cao. Chỉ có một cách là phải leo lên được cái balcon của ngôi nhà này rồi từ đây sẽ bám vào cái cột điện nằm sát với cái balcon để xuống được mặt đất. Nhưng chiếc cột điện thì nằm ở phía bên trái ở đằng trước ngôi nhà này. Ðể bám vào được cái lan can rồi từ đó sẽ nhẩy vào bên trong của cái balcon cũng là một việc không dễ. Chủ nhà cho làm mấy cái thanh sắt chìa ra khỏi bức tường, chung quanh các thanh sắt họ cuốn chằng chịt giây kẽm gai để ngăn ngừa kẻ trộm có thể leo vào chiếc balcon. Loay hoay thế nào không rõ, thế mà cuối cùng rồi tôi cũng đặt chân được vào bên trong của cái balcon nay, nhưng chẳng may cái vạt áo pajama bị móc vào mấy lớp kẽm gai. Ðang lui cui định gỡ thì nghe tiếng vỡ rầm rầm của mái ngói và tiếng thân người ngã trên mái ngói mà tôi vừa thoát được. Nhìn xuống thì thấy một anh bạn cùng chạy đang ngã ngồi trên lớp ngói, rồi có tiếng la thật lớn, "Giơ tay lên không tao bắn!" Tội nghiệp anh bạn không cách nào đứng lên nổi, và người Cảnh sát mặc thường phục thì đã đến quá gần anh ta. Hoảng hồn, tôi chỉ còn cách giựt cái vạt áo ra khỏi mấy lớp kẽm gai để chạy cho lẹ. Vạt áo bị rách một mảng khá lớn. Tôi lại leo qua một lớp kẽm gai khác để bám vào chiếc cột điện bên cạnh balcon của ngôi nhà nhưng lần này là để xuống được mặt đường của con hẻm bên dưới.

Từ cột điện tôi phải nhảy một khoảng khá cao để xuống được mặt đất. Vừa rớt xuống mặt đất, thấy hai chân hơi thốn, tôi nhún nhún để thử coi có bị thương tích chi không, may quá, không sao cả. Nhổm người lên tính chạy tiếp, chợt có bóng người trờ tới, nói, "Anh chạy theo em." Như một phép lạ, nhìn lên thì hóa ra đó là em Quang, một cậu đoàn sinh Nam Oanh Vũ của tôi. Quang cũng có mặt trong đoàn tuần hành với tôi nhưng em được mấy anh lính nhảy dù giúp thoát chạy được như đề cập ở phần trước. Quang khoảng 12 hay 13 tuổi, nhỏ con, nhanh nhẹn, và hay đùa nghịch cũng như nói giỡn trong đoàn rất vui. (Quang về sau này đi lính Biệt Ðộng Quân, tuổi còn nhỏ nhưng bất mãn gia đình nên lấy giấy tờ của người khác, khai tuổi giả để đi lính. Tôi và em Quang tình cờ gặp lại nhau, ngỡ ngàng nhưng cảm động vào một ngày tôi bay tải quân ở bên Miên, sát bờ sông Mékong, khoảng mùa đông năm 1972. Ít năm sau đó, tôi nghe rằng em đã tử trận sau lần gặp tôi không lâu). Quang dẫn tôi đi vào ngôi nhà của em ở cách đó không xa. Ðưa tôi lên lầu trốn vào một chỗ trống dưới mái nhà, giống như ngồi núp ở dưới một cái chái thiệt nhỏ. Bên ngoài là một tấm mành mành bằng tre, ở dưới đất ngó lên không nghĩ đây có thể là chỗ trốn khá an toàn, nhất là ngồi ở đây tôi có thể quan sát diễn tiến ở phía đầu con hẻm nằm sát mặt đường Phan Ðình Phùng. Nhà không có ai lúc Quang dẫn tôi vô. Em đưa cho tôi một ly nước lạnh, nói Anh ngồi đây, tới tối em sẽ đưa Anh về lại chùa.

Núp tại đây một lúc, lấy lại tinh thần, rồi nghĩ tới mấy chuyện vừa xẩy ra từ trưa cho tới giờ, tôi mừng là mình đã thoát không bị bắt cũng như không bị gẫy tay trặc chân chi hết...nhất là giờ này được trốn ở nơi đây, chắc là được chư Phật gia hộ rất nhiều. Nhưng nghĩ tới mấy anh chị em khác, nhất là mấy em đoàn sinh...tôi hoang mang và lo âu cho số phận của họ. Rồi sực nhớ ra khi thay vội chiếc áo Phật tử để mặc chiếc áo pyjama này tôi đã để quên cái thẻ GÐPT trong túi áo và cả cái bảng tên nữa trên chiếc áo Phật tử của tôi. Tôi lại bắt đầu lo ngại là thế nào rồi cảnh sát cũng tìm được... và trước sau gì họ cũng sẽ tìm bắt được tôi. Ðầu tôi lại hiện ra hàng loạt câu hỏi, giả thiết ...May quá, lục trong túi áo ngủ này thì thấy có mấy viên kẹo chocolate rất ngon và thơm phức giúp tôi tạm quên được cảm giác bất an phần nào...

Thời gian trôi qua chậm chạp, cái nóng và cái hầm của mái nhà có phần nào làm tôi khó chịu, nhưng cái sợ nó lớn hơn nên tôi biết thân ngồi yên nơi đây trong mấy tiếng đồng hồ. Khi trời bắt đầu xâm xẩm tối thì tôi nghe có tiếng Quang và một phụ nữ khá lớn tuổi nói chuyện vói nhau ở lầu dưới. Lát sau thì yên lặng. Rồi tôi nghe tiếng gõ gõ vào bức vách chỗ tôi đang ngồi, rồi tiếng của Quang nói, "Má em nói mấy người cảnh sát đi khỏi rồi." Tôi bò trở vào ngôi nhà và Quang đưa tôi xuống lầu dưới. Tôi hỏi em má em đâu để tôi chào và cám ơn, Quang cười nói, "Má em đi vô trong xóm có chút chuyện rồi." Khi tôi và Quang bước ra tới cửa thì gặp một em đoàn sinh khác cũng của tôi. (Em đoàn sinh này tôi không nhớ tên, nhưng dáng của em có phần hơi mập hơn Quang chút đỉnh.) Cả hai đã trở thành người dẫn đường và bảo vệ tôi trở về tới chùa Giác Minh rất an toàn. Nghĩ cũng thật buồn cười. Mình là huynh trưởng mà không lo nổi cho cái thân mình, chưa kể đến cái trách nhiệm mà minh phải lo cho các em, thì ngược lại. Trong cơn nguy khốn thì các em lại lo cho mình rất chu đáo! Lúc chia tay ở chùa tôi không cầm được nước mắt khi cám ơn hai em. Thiệt lạ, bây giờ nghĩ lại vẫn lấy làm lạ là sao hai em tuy nhỏ tuổi nhưng cách cư xử thì như những người có trách nhiệm và kinh nghiệm(?)

Về đến chùa thì khá tối, còn khá đông một số đoàn sinh và huynh trưởng GÐPTGM đang nghỉ ngơi tại chùa. Mọi người mừng và ngạc nhiên là tôi về tới nơi. Trong các mẩu chuyện trao đổi về biến cố vừa xẩy ra, nhất là cách nào người này hay người khác đã thoát được về đây... Có các cô thiếu nữ cho biết đã bị bắt nằm ra mặt đuờng, rồi bị cảnh sát đánh cho vài roi rồi thả đi. Có người được lính nhẩy dù giúp chạy thoát, cũng có người bị bắt mang lên xe Cảnh sát chở đi mất... Họ vừa kể chuyện vừa cười, vừa khóc. Quả chúng tôi hãy còn quá trẻ để bị cụ Thủ tướng gọi là "bọn phản động!"

Thấy tôi về đến nơi, chị Cảnh chạy đến mừng và h thăm. Tôi kể cho Chị nghe cuộc chạy thoát thân. Chị cười rồi đưa cho tôi mấy quả chuối và miếng bánh mì nói ăn đi. Xong, chị lại cười, sẵn tay đang cầm chiếc quạt giấy, chị gõ nhẹ lên đầu tôi vài cái, nói, "Khiếp, lúc chiều chị chỉ sợ mấy lão Cảnh sát họ điên lên túm lấy em thì có mà khổ!" Và, chị cho biết anh Nguyễn Ðình Nam (một vị Liên Ðoàn Trưởng khả kính khác) đã chạy về nhà tôi để báo tin tôi đã bị bắt. Mọi người đinh ninh như thế vì khi kiểm điểm tình hình tổn thất "phe ta" thì không thấy tôi.

Vẫn chiếc áo pyjama mầu xanh nước biển nhạt, tôi phóng lên chiếc Yamaha già nua cố chạy nhanh về nhà. Trên suốt đoạn đường về nhà, tôi phập phồng lo sợ là nếu ông cụ của tôi được tin tôi bị bắt thì cụ sẽ chạy khắp nơi tìm kiếm. Tính của bố tôi thẳng nhưng nóng như lửa. Mà nếu ông cụ chưa về và chưa biết cái tin động trời đó thì các em tôi cũng sẽ vô cùng hoang mang, và không biết xử trí ra sao. Hơn thế, với cái tang vật là cái áo Phật tử và cái thẻ đoàn viên GÐPT trong túi áo...có lẽ giờ này, thì các ông Cảnh sát đang ngồi chờ tôi tại nhà để khi tôi đặt chân vào đến nhà là họ sẽ túm ngay lấy... Ôi, sao mà lúc đó trong cái đầu của tôi nó hiện ra không biết là bao nhiêu điều... mà toàn là những điều chỉ làm cho mình hoang mang và sợ hãi thêm mà thôi...

Khoảng tám giờ tối chi đó, lúc chiếc xe của tôi chạy ngang qua chợ Trương minh Giảng, thì tôi trông thấy anh Nam đang chạy ngược chiều với tôi. Tôi gọi anh, hai anh em vòng xe lại, mừng rỡ hết sức. Anh nói, "Bố khỉ! Anh tưởng em bị bắt rồi chứ. Mới ở nhà em ra đây." Như thế tin tôi bị bắt đã được báo cho các em tôi rồi. Tuy nhiên, rất may là ông cụ tôi vẫn chưa biết. Tôi vội vã chào từ biệt anh để chạy cho nhanh về nhà... Lại chỉ mong rằng tôi sẽ về nhà trước ông cụ tôi, hoặc sẽ có mặt ở nhà trước khi mấy ông Cảnh sát đặt chân đến nhà tôi... (Cái cảm giác sẽ bị Cảnh sát, Công an đến nhà bắt bất cứ lúc nào nó kéo dài hàng mấy tuần sau đó, và làm tôi hết sức khó chịu. Nó giống như - có lẽ - tâm trạng của một kẻ phạm pháp đang trong vòng tại đào!)

Khi tôi đặt chân vào đến nhà, cả nhà òa lên mừng rỡ. Tội nghiệp mấy cô em mắt sưng húp. Từng đống truyền đơn đang bị đốt ở trong một cái chậu giặt thật to ở trong nhà bếp. Các em tôi không mang ra sân để đốt vì sợ bị hàng xóm trông thấy. Tôi được các em cho ăn một bữa no nê. Trong lúc ăn tôi kể cho họ nghe những gì xẩy ra trong buổi chiều hôm ấy. Dĩ nhiên, trong câu chuyện kể cho họ tôi đã không đả động chi đến cái chi tiết cái thẻ Phật tử còn nằm trong túi áo... Ðến mãi gần nửa đêm hôm đó, khi đống truyền đơn đã được đốt gần hết, thì vẫn chưa có tiếng gõ cửa hoặc bóng dáng của một ông 'Bạn Dân' nào cả. Và, ông cụ chúng tôi cũng chẳng về đến nhà cho mãi tới gần nửa khuya hôm đó khi cả nhà đã ngủ khá say...

Mượn Câu Chuyện Cũ, cách đây gần bốn mươi năm, kể lại để thấy thêm vài khía cạnh và nhân cách của một người Chị Trưởng. Tuy chúng tôi không có liên hệ huyết thống nhưng Chị luôn luôn có một vị trí đặc biệt trong trái tim của tôi. Người Chị ấy, trong lúc bình thường hay khi ở vào hoàn cảnh nguy hiểm... vẫn bình thản, vẫn một lòng với trách nhiệm. Trong các buổi họp của Ban Huuynh Trưởng GÐPTGM không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, không phải lúc nào ý kiến của các Huynh Trưởng cũng hòa thuận với nhau... Nhưng, không biết cách nào đó rồi mọi chuyện cũng êm thắm và thường được kết thúc bằng một buổi ăn tối chung...Lúc thì là một mâm cơm chay rất trễ do Chị ngoại giao được với cụ Năm, xếp sòng nhà bếp của chùa Giác Minh. Cụ Năm không dễ tính, nhiều Thầy, nhất là các chú , còn phải sợ Cụ một phép. Nhưng với Chị...thì lại cũng dễ thôi. Lúc thì là một bữa mì vịt tiềm quen thuộc ở đường Nguyễn tri Phương do mọi người trong Ban Huynh Trưởng cùng góp chung để thanh toán ...Anh chị em trong BHT lại cười cười, nói nói như không hề có chuyện gì xẩy ra trước đó... và lại xúm nhau đưa vai gánh vác hết việc này đến việc khác...

Nhưng, không phải lúc nào chị Cảnh cũng tỉnh bơ (ngôn ngữ ở Mỹ gọi là 'Cool') trước mọi việc đâu. Cũng có những lúc Chị lên cơn giận... hoặc là do một cô thiếu nữ, một cậu thiếu niên, hoặc ngay cả một ông, một bà Huynh Trưởng nào đó... Chị Cảnh giận, Chị Cảnh khóc! Thế là cả đơn vị chạy nháo lên, người thì hỏi thăm, người thì năn nỉ...

Nhưng, đương nhiên, Chị vẫn ngồi khóc! Một lát sau , thì Chị cầm cái quạt, hay cái bìa cứng thay cho cái quạt, quạt quạt vài cái...Uống một tí nước, xong, Chị hết...khóc! Và, khi Chị hết khóc thì Chị lại cười. Nụ cười của Chị lại đem lại sự bình an cho mọi người!

Chị Cảnh ơi! Chị đã là linh hồn của anh em một thời...

Chị là biểu hiện của hạnh nguyện khiêm-nhẫn và vô số lượng Từ Bi...

Không phải là Chị, không có một người như Chị...thì ai có thể lập được những công đức quý báu để cho đàn trẻ của Giác Minh một thời tung tăng bơi lội trong dòng sông thuở nhỏ đầy ắp tình Người và ngạt ngào hương Ðạo???

Cuộc chia tay nào rồi cũng phải xẩy ra, và không thể nào không tránh khỏi những giọt nước mắt...Sự ra đi của Chị để lại khoảng trống trong trái tim của anh chị em GÐPT Giác Minh ở trong nước và hải ngoại. Theo Cố Hòa Thượng Trí Siêu, Tăng Chi, tập II, Ðức Phật dạy rằng có bốn loại người xuất hiện trên thế gian này. Chị là loại người thứ tư. Loại người vô cùng cao quý, vì họ đến trong cuộc đời này là để đem lại sự an lạc, hạnh phúc cho người khác. Những giọt nước mắt của anh chị em, ngoài cái xúc động bình thường của cuộc ly biệt, còn mang ý nghĩa khác, đó là giọt nước mắt tiếc cho chính mình và cho cuộc đời rằng, "Sao những người tốt như Chị không ở lại thế gian này lâu hơn???..."

Thầy Ðức Nhuận dạy, từ lúc em còn là một chú Oanh Vũ lên mười, "Con nhớ lúc nào cũng niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm, trong lúc bình thường hay khi hoạn nạn. Ngài rất linh hiển." Bây giờ sẽ vĩnh viễn không còn gặp Chị nữa thì có khác chi một cơn hoạn nạn? Và, có lời chào tiễn biệt lần cuối nào ý nghĩa hơn là tụng lên danh hiệu Ðức Quán Thế Âm để đưa Chị lên đường, "Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Cảm Bạch Y Quán Thế Âm Bồ Tát..."

Thưa Chị Cảnh, người Chị, và người Chị Trưởng của chúng em. Chị đã lên đường bình an như nụ cười của Chị. Chắc chắn thần thức của Chị đã an trú mãi mãi nơi một quốc độ mà những ai được sinh vào quốc độ này sẽ luôn luôn được oai lực của chư Phật và Bồ tát Quán Thế Âm bảo bọc và che chở!

Thiện Thanh Ðặng Ðình Khiết

( * ) Trở về Mục Lục