Phật Giáo
Ðạo Phật nói về vấn đề vũ trụ và con người như thế nào ? Như các tôn giáo khác, trước tiên xin nói về hành trạng của đức Phật.
Ðức Phật Thích Ca tên là Tất Ðạt Ða (Siddhartha) họ Cù Ðàm ( Gautama ) thuộc tộc Thích Ca, ngài là một vị Thái tử, con vua Tịnh Phạn (Suddhodana ) và Hoàng hậu Ma Gia ( Maya ), ở nước Ca Tỳ La Vệ ( Kapilavatthu ), thuộc Ấn Ðộ ngày nay.
Hoàng hậu Ma Gia, một hôm nằm mộng thấy có con voi trắng có sáu ngà từ trên không hiện ra rồi nhập vào thân bà, sau đó bà thụ thai. Ðến gần ngày sanh nở, theo tục lệ Ấn Ðộ xưa, Hoàng hậu phải về nhà của cha mẹ mình để sanh nở, trên đường về nước Câu Ly ( Koliya ), Hoàng hậu ghé qua vườn cảnh Lâm Tỳ Ni ( Lumbini - nay nằm trong nước Népal), nghỉ chơn. Trong khi dạo vườn hoa, Hoàng hậu Ma Gia dơ tay lên, định hái đóa hoa Vô ưu thì sanh Thái tử Tất Ðạt Ða, đó là ngày Rằm tháng Tư năm 624 TTL. Nơi đây, cuối thế kỷ 19 người ta đào được một trụ đá do vua A Dục ( Asoka ) dựng lên năm 250 TTL, xác nhận nơi đây Ðức Phật đã Giáng sinh, nhờ đó các nhà nghiên cứu Tây phương tin chắc rằng Ðức Phật là một nhân vật có thật.
Thái Tử vừa mới sinh ra, đựơc ông tiên A TƯ Ðà ( Asita ), tu trong rừng núi Hy mã lạp sơn đến thăm, sau đó ông cho vua Tịnh Phạn biết rằng nếu Thái Tử nối ngôi vua, sẽ trở thành một vị vua tài đức, làm cho nước giàu, dân mạnh; Nếu đi tu, sẽ trở thành một bâc đại giáo chủ. Sau khi sanh Thái Tử được 7 ngày thì Hoàng Hậu Ma Gia từ giả cõi đời, Vua Tịnh Phạn giao Thái Tử cho dì ruột của Ngài là Bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề nuôi dưỡng.
Tin lời của ông tiên A Tu Ðà, vua Tịnh Phạn đã chăm sóc giáo dục Thái Tử trở nên văn võ song toàn. Năm lên 16 tuổi, vua Tịnh Phạn cưới công chúa Gia Du Ðà La ( Yasodhara ), con của một vị vua láng giềng cho Thái Tử, một thời gian sau công chúa Gia Du Ðà La sinh môt Hoàng nam, được đặt tên là La Hầu La ( Rahula ), đó là môt người con duy nhất của Thái Tử Tất Ðạt Ða.
Vua Tịnh Phạn cũng xây dựng những cung điện mùa Hè, mùa Ðông cho Thái Tử nghỉ ngơi, vui chơi với những đoàn vũ nữ, ngày đêm múa hát. Nhưng tất cả những thứ đó trong cung vàng, điện ngọc cũng không làm cho Ngài vui mãi đựơc.
Thái Tử muốn xem cảnh thành Ca Ty La Vệ, lần đầu tiên ra cửa Ðông, ngài thấy một người già râu tóc bạc phơ, lưng còng, gối mõi; dưới mắt ngài, người già trông thật xấu xí. Lần thứ hai ra cửa Nam, ngài thấy một người bệnh đang đau đớn oằn oại, rên la, kêu khóc vỉ cơn bệnh hành hạ. Lần thứ ba ra cửa Tây, ngài thấy một người chết, thân nhân kêu gào than khóc thảm thiết .
Thái Tử đã nhận thấy cảnh Già, Bệnh, Chết là một chuỗi kết nối của cuộc đời mà mọi người, ai cũng phải trải qua. Rồi một lần khác Thái Tử ra cửa Bắc, ngài thấy một Tu sĩ tướng mạo đoan trang, thong dong tiến bứơc.
Những cảnh Sanh, Già, Bệnh, Tử và hình ảnh của Tu sĩ cho Thái Tử một nhận thức cuộc đời là khổ, giàu sang, oai quyền cũng không tránh khỏi, có lẽ chỉ có sống một đời Tu sĩ mới tìm đựơc con đường thoát khổ và cứu giúp cho mọi người.
Thái Tử xin phép vua Tịnh Phạn cho Ngài xuất gia để trở thành Tu sĩ, vua cha không chấp thuận. Vào một đêm kia, Thái Tử lén nhìn vợ, con rồi cữi ngựa Kiền Trắc ( Kanthala ) cùng với tên giử ngựa Xa Nặc ( Sandaka ) trốn khỏi cung điện, đêm đó nhằm Mồng 8 tháng Hai. Ðến bờ sông A Nô Ma, ngài cắt tóc, tháo những trang sức châu báu giao cả cho Xa Nặc, để mang về dâng lên Vua Tịnh Phạn. Ngài đã quyết chí đi tìm chân lý vào năm 19 tuổi.
Rồi ngài đến rừng Ưu Lâu Tần La bên bờ sông Ni Liên ( Nairanjanà ) bắt đầu tu khổ hạnh với các tu sĩ Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu ly và Bạc Ðề, trãi qua nhiều năm tu khổ hạnh, Tu sĩ Tất Ðạt Ða không tìm được chân lý như ngài mong muốn, một hôm Ngài xỉu vì kiệt sức, một thiếu nữ tên là Tu Xà Ðề thấy ngài như thế, có dâng cho ngài một bát cháo sửa, Ngài dùng bát cháo ấy và nhận thức rằng, người tu hành phải gìn giử thân xác quân bình để phát triển trí tuệ, từ đó ngài bỏ lối tu khổ hạnh, năm người bạn kia cũng rời bỏ Ngài.
Ngay sau đó, ngài đến sông Ni Liên Thuyền tắm rửa cho thân xác sạch sẻ, rồi tiến đến cây Bồ đề để ngồi thiền. Ngài đã nguyện rằng: " Nếu ta không tìm ra chân lý thì quyết không rờI khỏi cây Bồ đề nầy ". Một lần Ngài đã ngồi tĩnh tọa tham thiền luôn trong 49 ngày đêm, cuối cùng chiến thắng Ma vương chứng quả Niết Bàn, đó là vào lúc canh Tư ngày mồng 8 tháng Chạp năm 594 TTL, năm đó ngài được 35 tuổi. Từ đó người ta tôn xưng ngài là Phật, là một bậc Ðại Giác ngộ, thoát khỏi sinh tử, luân hồi. Nơi ngài thành đạo, nay là Bồ Ðề Ðạo Tràng .
Sau khi thành đạo, Ngài đã đến Vườn Lộc Uyển để giảng đạo cho 5 người cùng tu lúc trước. Bài thuyết pháp đầu tiên là TỨ DIệU ÐẾ, ngài vạch rõ 4 chân lý: Sanh, Già, Bệnh, Chết là Khổ và muốn giải thoát phải tu theo BÁT CHÁNH ÐạO, do vậy mà thời Pháp nầy còn gọi là chuyển Pháp Luân, và dùng biểu hiệu bánh xe với 8 chiếc câm.
Khi tại thế, Ðức Phật đi hoằng hóa nhiều xứ trong nước Ấn Ðộ, đệ tử xuất gia của ngài có đến 1250 vị, trong đó có bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề, công chúa Gia Du Ðà La, hoàng tử La Hầu La, ngoài thường dân ra, nhiều vị Quốc Vương, Hoàng Hậu, Thái Tử, Công Chúa, và các đại thần của nhiều nước theo quy y với Ngài. Ðức Phật giảng dạy nhiều vấn đề cho người ta tu học, người sau chia thành 5 thời thuyết Pháp: Thời kỳ thứ nhất trong 21 ngày, ngài thuyết Kinh Hoa Nghiêm cho đại chúng tu theo Tiểu thừa. Thời kỳ thứ hai trong 12 năm, ngài thuyết Kinh A Hàm, nói về Tam Thừa. Thời thứ ba trong 8 năm, ngài thuyết kinh Phương Ðẳng, để dẫn dắt Tiểu Thừa qua Ðại Thừa. Thời kỳ thứ tư trong 22 năm , ngài thuyết kinh Bát Nhã, nói về chân lý vũ trụ, cái thật tướng " Vô Tướng" của các pháp. Thời kỳ thứ năm trong 8 năm, ngài thuyết Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn, kinh Pháp Hoa nói rõ nguyên nhân phật giáng sinh là để " Mở đường, chỉ lối cho chúng sanh giác ngộ để nhập vào sự hiểu biết của Phật " ( Khai, Ngộ, Nhập, Tri kiến Phật ).
Phật đã hóa độ chúng sanh trong 45 năm, rồi Ngài đến rừng Sa la trong xứ Câu Ly để kiết hạ, có ông Thuần Ðà làm nghề đốt than, thỉnh Phật về nhà cúng dường, ngài dùng một bát cháo nấm, nấm nầy có tên là " Nấm heo rừng ", sau đó ngài từ giả ông Thuần Ðà để đi đến rừng Sa La, đến nơi Ngài treo võng lên hai cây Sa La nằm, ngài bảo cho ông A Nan biết, ngài sắp nhập Niết Bàn, nhiều người nghe tin ấy, đến nơi viếng ngài, trong đó có ông Tu Bạt Ðà La (Subhadra) xin thọ giới Sa di, ngài nhận cho, đó là vị đệ tử xuất gia cuối cùng của Phật. Sau đó Ngài dạy cho ông A Nan những điều cuối cùng.
Dặn dò xong, đức Phật nằm quay đầu về hướng Bắc, mình nghiêng phía tay phải, mặt về hướng Tây, hai chân duỗi về phương Nam, ngài nhập định rồi vào Niết Bàn, nhằm ngày Rằm tháng Hai năm 544 TTL. Năm đó ngài tròn 80 tuổi, Phật Lịch được lấy kể từ năm nầy.
Sau khi hỏa tang và phân chia xá lợi Phật, ngay trong mùa an cư nầy, dưới sự chủ trì của ngài Ma ha Ca Diếp, 500 vị đệ tử Phật đã chứng đắc A La Hán dự Kiết Tập kinh điển lần đầu tiên tại Vương Xá thành, do ngài Ca Diếp chủ trì, ngài A Nan lập lại lời Phật dạy sau nầy ghi chép thành Ngũ bộ kinh hay kinh A Hàm, ngài U Ba Ly nhắc lại những giới luật do Phật đặt ra, vì ngài lập đi lập lại đến 80 lần cho nên có tên là Bát thập tụng.
Ðể tôn kính đức Phật, hội nghị đã quyết định theo lời Phật dạy, truyền khẩu chớ không ghi chép thành văn, và không thay đổi bất cứ điều nào của giới luật, đó là lần kết tập thứ nhất, gọi là Ngũ bách kết tập hay Vương Xá thành kết tập.
Lần kết tập thứ hai khoảng 100 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn, nguyên do Da Xá (Yasas) từ miền Tây du hành sang miền Ðông, tới thành Phệ Xá Lỵ (Vesaly) thấy chúng tăng Tỳ Xá Lỵ (Vrji) áp dụng 10 điều phi pháp nên có lần kết tập nầy tại Phệ Xá Lỵ, hội nghị đã quyết nghị 10 điều ấy là phi pháp. Chúng tăng miền Ðông không chấp nhận quyết nghị nầy, nên đã họp kết tập riêng gọi là Ðại chúng kiết tập, từ đây Phật giáo bắt đầu phân phái, chia thành Thượng Tọa bộ (bảo thủ) và Ðại chúng bộ (canh tân).
Ðến thời vua A Dục, vua là vị hộ pháp nên tổ chức Kết tập lần thứ ba tại Hoa Thị thành (Pataliputra) do ngài Mục Kiền Liên Ðế Tử Tu (Moggaliputta) chủ trì. Trong lần nầy xuất hiện quyển Luận, có tên là Luận sự hay Thuyết sự (Kathàvattnu), tương truyền do ngài Mục Kiền Liên Ðế Tử Tu sáng tác. Từ đây có đủ Tam Tạng Kinh điển : Kinh, Luật và Luận.
Về nguyên nhân kết tập kinh điển lần nầy, có thuyết cho là do có những phần tử xấu trà trộn vào tăng chúng làm cho Phật giáo tha hóa, nên vua A Dục muốn chấn hưng lại, có thuyết cho là do năm điều của Ðại Thiên (Maha Deva) người xứ Ma Thâu La (Mathula), Trung Ấn nêu ra: '' Du sở dụ, vô tri, do dự, tha linh nhập, đạo nhân cố khởi, thị danh chân Phật giáo''. Ðại khái là đạt tới bực La Hán hãy còn khuyết điểm, để chỉ trích lý tưởng La Hán, manh nha tư tưởng Ðại thừa.
Ðến thời vua Ca Nhị Sắc Ca (Kanishka - 101 STL), sau khi Phật nhập niết bàn trên 600 năm, phật giáo phân chia thành nhiều bộ phái, giáo nghĩa khác nhau, nên nhà vua muốn theo gương vua A Dục, chấn hưng phật pháp nên cùng với Hiếp Tôn Giả (Pàrsva), triệu tập 500 vị La Hán, họp tại Tịnh Xá Hoàn Lâm, thành Ca Thấp Di La (Kasmira), xứ Kế Tân vùng Tây Bắc Ấn để kết tập kinh điển.
Lần nầy do Thế Hữu (Vasumitra), làm thượng thủ, hội nghị đã sáng tác bộ Luận nghị (Upadesa) để giải thích tạng Kinh, bộ Tỳ Bà Sa (Vibhàsa) và bộ A Tỳ Ðạt Ma (Abhidarma) để giải thích tạng Luật và Luận.
Cả bốn lần kết tập kinh điển đều không được ghi chép thành văn, chỉ nhắc lại theo truyền khẩu mà thôi.
Riêng Phật giáo Tích Lan, khoảng năm 35-32 TCN đã họp tại chùa Alu gần thị trấn Matale kết tập toàn bộ kinh điển và ghi chép theo tiếng Pali qua ngôn ngữ Ma Kiệt Ðà, đó là kinh điển Nam truyền, còn Bắc truyền kinh điển ghi chép theo Sancri, gọi là Phạn ngữ, có lẽ được ghi chép sau lần kết tập thứ tư.
Giáo lý của đức Phật chủ yếu là vấn đề giải thoát, cho nên những câu hỏi về nguyên nhân đầu tiên, về vũ trụ, đức Phật giữ im lặng khi có đặt vấn đề nầy với ngài. Có lần tỳ kheo Mâlunkyaputta hỏi Phật thế gian vĩnh cữu hay không vĩnh cửu, có giới hạn hay không giới hạn, và muốn Phật phải giải thích, nếu không tỳ kheo nầy sẽ bỏ tu, Ðức Phật thản nhiên chẩm rải hỏi vị tỳ kheo nầy có phải ông ta xuất gia đi tu với mục đích giải quyết những vấn đề tương tợ như thế không ? Ông ta trả lời :
- Bạch đức Thế Tôn không.
Ðức Phật mới khuyên vị tỳ kheo ấy không nên lãng
phí thì giờ và năng lực trong những việc chỉ làm cho chậm trễ
tiến bộ tinh thần của mình. Ngài dạy:
- Nầy Mâlunkyaputta, kẻ nào nói rằng, ta quyết không xuất gia theo
đức Như Lai để sống đời đạo hạnh trước khi Ngài giải rõ
cho ta điều ấy - kẻ ấy chết trước khi nghe Như Lai giải thích.
Thí dụ có người kia bị bắn sâu vào mình một mũi tên có tẩm thuốc độc. Bạn bè thân quyến chạy đi tìm lương y để cứu chữa, và trong lúc ấy bịnh nhân nói ?? Tôi sẽ không cho ai rút mũi tên nầy ra trước khi giải thích tận tường về nguồn gốc của mũi tên, người nào bắn tôi, bản chất của mũi tên là thế nào ... người ấy sẽ chết trước khi được nghe giải thích.
Cũng cùng như thế ấy, kẻ nào nói: ??Tôi sẽ không theo đức Như Lai để sống đời tu sĩ trước khi Ngài giải rõ cho tôi thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn không, hay là vô tận...??, kẻ ấy sẽ chết trước khi được nghe đức Thế Tôn giải thích.
Nếu tin rằng thế gian là trường tồn, vĩnh cửu, chính sự tin tưởng ấy có phải là đời sống phạm hạnh của bậc tu sĩ không?
- Thưa không.
- Nếu tin rằng thế gian không trường tồn vĩnh cửu, chính sự tin tưởng ấy có phải là đời sống phạm hạnh của bậc tu sĩ không?
- Thưa không.
- Tuy nhiên dầu tin rằng thế gian là vĩnh cửu hay không, vẫn có sự sanh, vẫn có lão, vẫn có tử. Chấm dứt sanh, lão, bệnh, tử chính là điều mà Như Lai hằng giảng giải.
Nầy Mâlunkyaputta, Như Lai không hề nêu lên vấn đề thế gian có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn hay vô tận. Tại sao ? Bởi vì những điều ấy không tạo ích lợi, không thể làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh, không chấm dứt sân hận, không dẫn đến sự dập tắt, sự vắng lặng, trí tuệ, sự giác ngộ hay là Niết Bàn. Vì vậy Như Lai không đề cập đến vấn đề ấy.
Tuy nhiên người ta cũng có thể tìm thấy câu trả lời cho vấn đề nầy trong kinh điển. Cũng cần nhắc lại đức Phật phủ nhận nguyên nhân đầu tiên, không có cái gì tự nhiên mà có hể cái nầy sinh thì cái kia sinh, cái nầy diệt thì cái kia diệt. Bất cứ pháp chi hể hữu hình thì hữu hoại theo quá trình: thành, trụ, hoại, không.
Hiểu được nguyên lý nầy thì chúng ta không phải tự hỏi có một vật chi đó có trước nhất, chúng ta biết rằng vũ trụ nầy được hình thành khi có đầy đủ nhân duyên.
Trong vũ trụ, có những cái chúng ta thấy, sờ mó được, nghe biết được, nếm, ngửi được và có những cái chúng ta không nghĩ rằng chúng có, như trong kinh Phật có một thí dụ về con rùa một hôm từ đất liền xuống nước, thuật lại những tai nghe mắt thấy trên đất liền, các loài cá, tôm chỉ sống trong nước đều không hiểu và không cho rằng có những thứ ở ngoài nước. Ðối với chúng ta cũng vậy có những cái chúng ta không thấy, không ngửi, không nếm, không nghe, không sờ mó, không tưởng nghĩ được nhưng không phải là không có.
Về yếu tố cấu thành thì vũ trụ thì gồm có 4 thành tố chính (tứ đại) : đất, nước, gió, lửa. Còn con người có phần hữu hình và vô hình hay hữu vi và vô vi, gồm 6 thành tố chính (lục đại): Ðất, nước, gió, lửa, không và thức.
Trong vũ trụ, quả địa cầu chúng ta là một thế giới có mặt trời, mặt trăng... (một thái dương hệ). Một ngàn thế giới họp thành một Tiểu Thiên Thế giới, một ngàn Tiểu Thiên họp thành một Trung thiên thế giới (đức Phật Thích Ca là giáo chủ của Trung thiên thế giới). Một ngàn Trung thiên thế giới thành một Ðại thiên thế giới. Như thế một Ðại thiên thế giới là 1 tỷ (1,000,000,000) thế giới. Một Tiểu thiên thế giới có thể so sánh với hiện đại các nhà thiên văn gọi là Thiên hà (galaxy), gồm có cả triệu ngôi sao, có thể có những sinh vật trên đó, như dãi ngân hà (Milky Way) hay M31, hay chòm sao (consteliastion andromeda). Một Trung thiên thế giới có thể so sánh với Chùm thiên hà (galactic cluster) như chùm Goma Berenices, còn một Ðại Thiên thế giới được gọi là Siêu thiên hà (metagalaxy) ở trong Ðại vũng (Big Dipper) của Tiểu Ursa (Minor Ursa) trong nầy có cả triệu thiên hà. Trong vũ trụ có vô số thế giới như thế, nên trong kinh, Phật nói đến Tam thiên Ðại thiên thế giới, vũ trụ bao la nên thế giới nầy diệt thì thế giới khác sinh, sinh sinh diệt diệt như thế nên vũ trụ vô thủy, vô chung.
Trong sinh diệt của thế giới, có Tiểu kiếp là 16,800,000 năm, Trung kiếp có 336,000,000 năm và Ðại kiếp có 1,344,000,000 năm.
Theo kinh điển Nam Tạng, đoạn trích sau đây trong Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pàli , Luận án Tiến sĩ Phật Học của Hòa Thượng Thích Chân Thiện trình ở Ðại Học Delhi, Ấn độ năm 1996, cho thấy sự hình thành của vũ trụ:
Ðức Phật với trí tuệ toàn giác đã thấy và biết sự thật của vũ trụ và đã giải thích sự hình thành của trái đất và xã hội loài người, có thể tóm tắt như sau:
- Vào thời kỳ hoại diệt của thế giới này, các chúng sinh được sanh về Quang Âm Thiên. Ở đó, chúng sinh sống, do tâm tạo, nuôi sống bằng tự hỷ, chói sáng, du hành giữa hư không, rực rỡ...
- Vào thời kỳ hình thành thế giới này, các chúng sinh ở Quang Âm Thiên sau khi qua đời thì sanh vào thế giới này. Ỏ đây, các chúng sinh ấy sống, do tâm tạo, nuôi sống bằng hỷ lạc, thân chói sáng, du hành giữa hư không, rực rỡ...
- Vào thời kỳ thế giới này hình thành, chỉ có nước, tất cả đen ngòm..., chưa có sự biện biệt đêm và ngày, chúng sinh được xem là chúng sinh, chưa có sự phân biệt nam, nữ...
- Rồi đất xuất hiện là một lớp mỏng phủ trên mặt nước với sắc màu của bơ và vị ngọt của mật.
- Rồi một số ít chúng sinh có lòng tham lam nếm vị của đất, đắm trước vào vị của đất; lòng tham ái bắt đầu dấy khởi trong tâm các chúng sinh ấy. Lòng tham lam càng nhiều thì đất trở nên càng thô xảm; các chúng sinh ấy trở nên thô xấu hơn đi.
- Trong các chúng sinh đó, những ai có ít lòng tham thì dung sắc trở nên đẹp đẽ hơn, những người khác thì xấu đi. Những người có dung sắc đẹp thì khinh khi các người có dung sắc xấu (kém); sự việc này khiến hương vị của đất biến mất. Rồi mọc lên một thứ nấm màu sắc đẹp, hương vị lành và vị ngon.
- Rồi lòng tham ái của các chúng sinh gia tăng, đất trở nên càng xấu đi, các chúng sinh trở nên ngày càng thô xấu ra.
- Rồi tiếp đến lúa tự mọc giữa các khoảng đất trống, không có vỏ, không có cám, hạt tinh và thơm. Những phần lúc nào con người lấy dùng cho bữa ăn tối sẽ mọc trở lại và chín vào buổi sáng hôm sau, và những phần lúa nào con người dùng cho bữa ăn sáng thì sẽ mọc và chín trở lại vào buổi tối hôm ấy. Bấy giờ con người trở nên thô xấu hơn; các nữ nhân phát triển bộ phận sinh dục nữ, và nam nhân phát triển bộ phận sinh dục nam; các ham muốn khởi dậy và có thể con người bốc cháy nhục dục; giao cấu giữa nam nữ xuất hiện.
- Vào buổi đầu, những kẻ nam nữ ân ái bị nguyền rủa, bị ném vào đất và tro, và không được phép sống chung với những người (không ân ái) khác trong ngôi làng, thị trấn trong vòng hai tháng.
- Con người dần trở nên lười biếng, muốn gặt lúa càng nhiều càng tốt để giữ làm của riêng và dùng riêng cho mình..., các ruộng lúa biến mất..., đời sống dục tính của nam nữ được công khai chấp nhận. Con người bắt đầu xây dựng nhà cửa để che kín các sinh hoạt dục tính.
- Rồi xảy ra chuyện người này đánh trộm lúa của người kia: trộm cấp và nói dối xuất hiện.
- Bấy giờ con người chọn người có dung sắc đẹp đẽ nhất (nghĩa là ít lòng tham nhất) làm người "luật sư" hay "trọng tài" để phân xử các vụ trộm cắp lúa. Người "luật sư" hay "trọng tài" này được nhận phần lúa phụ cấp của các thôn dân mà không phải canh tác ruộng lúa. Ðây là sự khởi đầu của giai cấp lãnh đạo (Khattiya).
- Một số ít người tránh xa đời sống dục ái, sống trong các chòi lá ở những nơi cô tịch trong các cánh rừng và thực tập thiền định. Họ được gọi là các Bà la môn (Brahmins). Một số Bà la môn không thể hành thiền định ở những nơi xa vắng, đã trở về sống trong các làng mạc, thị trấn để trước tác các kinh sách; họ cũng được gọi là các Bà la môn.
- Các người khác làm nghề buôn thì được gọi là thương nhân (vessas). Các người đi săn bắn để sống thì được gọi là các thủ- đà- la (suddas).
Như thế, lúc trái đất này hình thành, các chúng sinh xuất hiện đầu tiên từ Quang Âm Thiên, không cần thực phẩm. Rồi vị ngọt của trái đất và lúa cám dỗ họ khiến lòng tham muốn các hiện hữu khởi lên và phát triển trong tâm họ. Sau đó các bộ phận sinh dục cùng xuất hiện với các ham muốn dục tính. Khi dục vọng con người phát triển, các nhu cầu xã hội phát triển và yêu cầu có tổ chức xã hội: xã hội con người được hình thành từ đó và các giai cấp xã hội xuất hiện: xã hội chỉ là sự đáp ứng các yêu cầu cá nhân. Ðây là vai trò đầu tiên và cuối cùng của xã hội. Ðây là lý do tại sao đức Phật chỉ quan tâm đến khổ đau của những cá nhân trong đời này, và quan tâm đến các hành động vì hạnh phúc cho họ. Ðức Phật vì thế đã dạy:
"Con người không trở nên người thuộc giai cấp hạ đẳng do sinh, họ cũng không trở thành Bà la môn do sinh. Chính do hành động mà một người trở nên người thuộc giai cấp hạ đẳng hay Bà la môn".
Vì sao con người sinh ra đời, đức Phật dạy đó là do Vô Minh, một trong 12 nhân duyên, nên gọi là Vô minh duyên khởi, nhưng người ta sinh ra sao không bình đẳng như nhau mà lại kẻ giàu người nghèo, kẻ sang người hèn, như trong ngay đoạn văn cuối cùng trên, Phật cho biết đó là do hành động, chính hành động tạo nên nghiệp quả, cho nên gọi là Nghiệp cảm duyên khởi, nhưng nghiệp ấy tích chứa ở đâu nếu không phải là chủng tử huân tập và hiện hành, chủng tử nằm trong A lại da vì thế gọi là A lại da duyên khởi, nhưng chủng tử sinh diệt từng sát na, nó không giải thích hết căn nguyên sinh tử vì vậy có Như Lai tạng hay Chân như duyên khởi, nhưng chúng ta biết mỗi vật do trùng trùng duyên khởi, hay như Phật dạy cái này sinh do cái kia sinh, cái nầy diệt do cái kia diệt do đó nên có Pháp giới duyên khởi.
Vũ trụ nầy như trong Phẩm Thế giới thành tựu trong kinh Hoa Nghiêm, có nhiều hình dạng khác nhau như hình núi Tu Di, hình nước xoáy, hình trục xe, hình hoa sen ... có vô số vi trần hình dạnh như vậy. So với những khám phá của khoa học về vũ trụ ngày nay thì những mô tả trong kinh Hoa Nghiêm thật là chính xác, như hình bánh xe, hình nước xoáy có thể quan sát được trong các chòm sao Cetus, Pegasus, Hercule, hình sông là dãi ngân hà (Milky Way), hình dạng như hoa là những khối tinh vân trong liên thiên hà (intergalatic clounds of gas)
Ðó là những gì Phật dạy về vũ trụ và con người, giáo lý của đạo Phật vượt trên giáo lý các tôn giáo khác, vì vậy mà người ta thường hay dẫn lời của nhà bác học lừng danh ALBERT EINSTEIN : " Nếu có một tôn giáo nào đương đầu được với những nhu cầu khoa học tân tiến thì đó là Phật giáo." (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism.)
Nói đến các tôn giáo, chúng ta cũng nên biết qua thống kê tín đồ các tôn giáo, theo hãng thông tấn quốc tế Fider, tính đến cuối năm 1999 thì dân số thế giới là 6 tỉ, tín đồ các tôn giáo như sau :
Mặc dù Phật tử trên thế giới theo thống kê trên là con số quá khiêm nhường, trong những năm cuối thiên niên kỷ, Phật giáo được truyền bá rộng rãi, Liên Hiệp Quốc đã công nhận ngày lễ Phật đản, Phật giáo rồi sẽ sán lạn trong thiên niên kỷ tới, vì giáo lý của đức Phật thực tiển đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc trong đời sống con người ở thời đại ngày nay, cần có cuộc sống yên tĩnh, thoải mái, môi trường sống trong lành và một thế giới hoà bình như lời Phật dạy.
Xin nhắc lại lời của triết gia BERTRAND RUSSELL: " Phật giáo ... còn đi xa hơn khoa học đến những phạm vi mà khoa học không thể đến được vì bị giới hạn bởi những dụng cụ vật chất." (Buddhism ... It takes up where Science cannot lead because of the limitations of the physical instruments.)
May mắn thay cho những ai chọn Phật giáo làm tôn giáo của mình, dù sự lựa chọn ấy do truyền thống gia đình, do cảm tình hay do tìm hiểu. Nhìn qua lịch sử phát triển tôn giáo và giáo lý đạo Phật, giáo lý thực tiển vạch ra một con đường, đi theo đó chúng ta được thăng hóa tâm linh, an lạc cuộc đời và hoà bình trên khắp thế giới cho con người và hết thảy chúng sinh.
Ngày 4 tháng 4 năm 2003
Sách tham khảo:-
Thích Thiện Hoa Phật Học Phổ Thông, khóa I & II THPG. TP.
HCM, 1989.
- Minh Châu, Thiên Ân, Chơn Trí, Ðức Tâm, Phật Pháp THPGVN, Sàigòn,
Việt Nam, 1951
- Trần Trọng Kim Nho Giáo, Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục,
Sàigòn, Việt Nam, 1971
- Nguyễn Ðăng Thục Lịch Sử Triết Học Ðông Phương, NXB
Thành phố HCM, Việt Nam, 1997
- Narada Ðức Phật và Phật Pháp THPG TPHCM, Việt Nam 1989
- Nguyễn Thừa Hỷ Ấn Ðộ NXB Văn Hóa, Việt Nam. 1986
- Nguyễn Hiến Lê Ðạo Ðức Kinh NXB Văn Hóa, Việt Nam 1998
Kinh Thánh, Thánh Kinh Hội Tại Việt Nam, Sàigòn, Việt Nam,
1973
- Linh Mục An Tôn Trần Văn Kiệm Thánh Kinh Cựu Ước Trích Yếu
- http://www.vietcatholic.net/cuuuoc/
- Thích Chơn Thiện Lý
thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pàli NXB TPHCM, Việt Nam, 1999
- Thích Chơn Thiện Phật Học khái luận NXB TPHCM Việt Nam,
1999
- Trần Chung Ngọc Phật Giáo Trong Thời Ðại Khoa Học, Phật
Học Cơ Bản Tập Bốn NXB TPHCM, Việt Nam, 2001
( * ) Trở về Mục Lục