Ý nghĩa lễ Vu lan
Phúc Trung
Hàng năm dân gian thường cúng Cô Hồn vào những ngày sau Rằm tháng Bảy Âm Lịch, Phật Giáo có lễ VU LAN tổ chức vào ngày Rằm Tháng Bảy, là Phật tử hay không, chúng ta cũng nên tìm hiểu về vấn đề nầy.
Danh từ Vu Lan là phiên âm chữ Phạn Ullambana, người Trung Hoa dịch là Giải Ðảo Huyền, có nghĩa là giải cứu tội khổ bị treo ngược. Người Trung Hoa còn gọi lễ nầy là VU LAN BỒN, chữ Bồn nghĩa là chậu, dùng để diễn nghĩa chậu đựng thức ăn dâng cúng. Vậy lễ Vu Lan hay Vu Lan Bồn có nghĩa là lễ dâng cúng thức ăn lên Tam Bảo để xin chú nguyện cho ông bà, cha mẹ những người quá cố trong bảy đời gọi là cữu huyền thất tổ, nếu ai đã làm điều tội lỗi ở trần gian, khi mãn phần bị đọa vào địa ngục, sẽ được nhờ ân đức Tam Bảo ra khỏi địa ngục, sanh về các cõi an lành khác.
Trong dân gian dựa vào đó, tin rằng ngày ấy có nhiều vong hồn được ra khỏi địa ngục, bao nhiêu ngày bị giam cầm trong địa ngục đã đói ăn, khát uống, với lòng từ bi người ta bày ra lễ vật cúng kiến cho các vong hồn ấy được ăn uống. Vì cúng thức ăn mặn, nên họ chỉ cúng từ ngày 16 trở đi cho đến hết tháng bảy.
Do đâu mà có lễ Vu Lan Bồn nầy ? Hồi Ðức Phật Thích Ca còn tại thế, có trên 1200 vị Tăng thường theo Phật để tu ( không kể trên 500 vị Ni ), trong đó có Ngài Mục Kiền Liên rất hiếu thảo nên còn được tôn xưng là Ðại hiếu Mục Kiền Liên, ngài có thần thông cao nhất, được xếp vào mười vị đệ tử tài ba hơn hết trong tất cả đệ tử của đức Phật.
Ngay sau khi ngài Mục Kiền Liên chứng được sáu phép thần thông: 1) Thấy mọi vật trong vũ trụ ( thiên nhãn thông ), 2) Nghe mọi thứ tiếng ở khắp nơi ( thiên nhĩ thông ), 3) Biết chuyện đời trước và đời nầy của mình cũng như của người ( Túc mạng thông ), 4) Biết trong lòng người khác đang nghĩ gì ( Tha tâm thông ), 5) Biết đi đến khắp nơi trong phút chốc và biến hóa chi cũng được hết ( thần túc thông ), 6) Trong sạch hoàn toàn, dứt hết các trìu mến, không còn chấp người, chấp ta ( Lậu tận thông ), nhớ đến mẹ, ngài dùng thiên nhãn thông tìm thấy mẹ sanh vào ngạ quỷ, không được ăn uống, ngài đem cơm dâng cho mẹ, bà Thanh Ðề lòng vẫn còn bủn xỉn, nên lấy tay trái che miệng bát, tay phải bốc cơm, nhưng cơm chưa đưa tới miệng thì đã phát sanh ra than lửa, bà ăn không được. Mục Kiền Liên trở về bạch với đức Phật mọi việc.
Ðức Phật dạy rằng, tội của bà Thanh Ðề quá nặng, Mục Kiền Liên không thể cứu được, muốn cứu mẹ, ông phải nhờ thần lực của mười phương chư Tăng mới giải thoát được, muốn được vậy phải làm như sau :
Ðến ngày Rằm tháng Bảy, là ngày Tự Tứ của chư Tăng, hãy vì ông bà cha mẹ bảy đời hay cha mẹ hiện tại, vì những người đang trong vòng tai nạn, sắm sửa nhiều thứ thức ăn, các thứ trái cây, hương đèn, vật trải giường nằm, thức ăn ngon nhất đặt vào trong BỒN, hiến cúng cho chư Tăng. Ngày ấy sự tu học của chư Tăng đã công thành quả mãn, chư Hiền Thánh Tăng ở mười phương tụ hội lại đồng nhất tâm thọ cơm Tự Tứ, vì có đầy đủ giới pháp thanh tịnh, nên đạo đức của họ thật vô bờ bến, ai hiến cúng thức ăn cho họ trong ngày nầy, thì cha mẹ cùng ông bà không còn khổ ách, người sống đương thời tăng thêm tuổi thọ, kẻ đã quá vãng được sanh vào các cõi an lạc.
Ðức Phật cũng dạy chư Tăng, đến ngày Tự Tứ phải đặt thức cúng trước tượng Phật, chú nguyện cho người cúng dường và thân thuộc bảy đời của họ trước khi thọ dụng.
Ðức Mục Kiền Liên vâng lời đức Phật dạy, đã làm y như thế, bà Thanh Ðề liền thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, được sanh lên cõi Trời. Ðức Mục Kiền Liên cũng hỏi thêm, về sau Phật tử có thể làm lễ Vu Lan Bồn hay không ?
Ðức Phật dạy rằng, ai muốn báo hiếu cha mẹ, đến ngày Rằm tháng Bảy đặt thức ăn ngon vào bồn, đem cúng thập phương tự tứ tăng chúng, để cầu nguyện, cha mẹ hiện tiền sẽ được sống lâu, không bệnh, không khổ còn cha mẹ, ông bà quá thế sẽ thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ được sanh vào nhân gian hay các cõi trời hưởng nhiều phước báu.
Chữ Tự Tứ có nghĩa là tùy ý, ngày Tự tứ là ngày mà chư Tăng dù có ở đâu để tu trong ba tháng, từ ngày Phật Ðản Rằm tháng Tư, đến ngày Rằm tháng Bảy, cũng phải tụ họp lại một nơi, cử ra một vị đọc giới luật, rồi tự các vị Tăng khai ra những giới nào đã phạm trong thời gian ba tháng tu, để sám hối những lỗi ấy, chư Tăng cũng tùy theo sự phạm giới nặng hay nhẹ mà định tội cho người phạm giới. Ngày nầy cũng còn gọi là Ngày hoan hỷ, vì chư Tăng hoan hỉ có ngày đọc giới luật, để tự mình sám hối, Phật tử hoan hỉ được cúng dường mười phương Tam Bảo để cầu nguyện, những người đã quá vãng được vui mừng ra khỏi chốn khổ đau của địa ngục.
Ðó là ý nghĩa về lễ VU LAN, một ngày lễ quan trọng của Phật Giáo. Xưa nay hàng năm trong Phật giáo có hai ngày lễ quan trọng; đó là lễ Phật Ðản và ngày lễ Vu Lan. Trong Kinh Nhật Tụng đã in từ trước có : Thời Công phu khuya, Phổ môn, Di Ðà, Kim Cang và Vu Lan.
Người Phật tử, vào ngày Rằm tháng bảy, đi chùa lễ Phật rất đông nhưng nếu hiểu cho đúng thì nên làm y theo lời Phật dạy, ngày ấy phải dâng cúng thức ăn thịnh soạn, nhang đèn, vật dụng cho chư Tăng để nhờ ân đức của các ngài cầu nguyện cho thân nhân được sống lâu, khỏe mạnh hoặc đã mất thì sẽ được thoát khỏi địa ngục, sanh về cõi khác hưởng nhiều phước báu. Hãy nhớ ơn đức Mục Kiền Liên, nhờ ngài hỏi nên Phật đã dạy, người Phật tử làm theo do đó có biết bao nhiêu người đã được sinh về cõi an lạc.
Vu Lan Phật Lịch 2540
Chính Hạnh
( * ) Trở về Mục Lục