*
Gia đình tôi rời Việt Nam đầu tháng 4 năm 1991, tạm trú trong trại tù của Bộ Nội Vụ Thái Lan, gần một tuần mới rời Bangkok, sang Nhật chuyển phi cơ tại Tokyo, nhập chung với nhóm người Việt vượt biên tị nạn ở Hồng Kông, đặt chân trên đất Mỹ đầu tiên ở phi trường Seattle.
Chuyến bay kế bị trục trặc nhiều tiếng đồng hồ không thể cất cánh, hãng hàng không Northwest dọn bửa ăn trưa cho hành khách ăn, trong khi phi cơ vẫn còn đậu ở phi trường và thông báo: hành khách ở lại sẽ về khách sạn ngủ, hành khách muốn đi sớm sẽ có chuyến đến Minnosota, ngủ qua đêm tại đó, sáng hôm sau sẽ đi sớm. Gia đình tôi cùng mấy người tị nạn ở Hồng Kông chọn lựa đi Minnosota.
Xe đưa chúng tôi về đến khách sạn Holiday Inn đã 1 giờ sáng, sau khi tắm cho tỉnh táo, tôi dùng điện thoại để gọi báo cho thân nhân, đọc cách chỉ dẫn thì biết dùng 1-800-..., tôi tưởng như ở Việt Nam, bấm 1-800 rồi chờ có tín hiệu sẽ gọi tiếp, chờ mãi chẳng có chi, hóa ra tôi chỉ là anh nhà quê ra tỉnh, dùng cách nầy không được đổi cách khác riết rồi đến 4 giờ sáng mới gọi được người nhà, tôi thức luôn tới 6 giờ sáng để đánh thức tất cả 2 phòng dậy, ra xe trở lại phi trường.
Về đến thành phố Louisville, nơi định cư, chị tôi đã thuê sẳn cho căn hộ 2 phòng, ổn định chỗ, tôi hỏi thăm mới biết đây là thành phố lớn nhất của tiểu bang Kentucky, nhưng về sau tôi mới biết, Kentucky là một trong 6 tiểu bang nghèo nhất của nước Mỹ, có vùng quê nào đó người ta vừa khám phá dân Mỹ da trắng chính cống họ đi chân đất, chớ không có giày ! Nhưng ngược lại, nơi đây có trường đua ngựa nỗi tiếng nhất nước Mỹ, có một kho chứa vàng cất giữ đến 180 tấn, trong tổng số 240 tấn vàng của Mỹ ! Người Việt ở thành phố ấy chừng 2 ngàn người, nhưng tôi không có được một người bạn, người bạn gần nhất là Phạm Minh Tâm ở Nashville, xa cách nhau chừng 160 miles.
Những ngày mới đến, đêm và ngày khác với Việt Nam, ăn ngủ trái ngược, chừng 3, 4 giờ khuya tôi đã thức dậy vì không ngủ được nữa, trên cây phía sau nhà có con chim lạ, phát ra những tiếng kêu thảnh thót trong đêm dài khó ngủ, tôi gọi đó là tiếng chim gọi buồn, nghe buồn khó tả, nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ bạn bè, nhớ cả âm thanh của tiếng xe chạy đêm, tiếng nhịp gõ bán mì ...
Vài hôm sau, chị Ðoàn Thị Kim Cúc và những người khác gọi tới thăm, anh Lạc chị Loan và cô Sương gửi cho tôi một món tiền, Tâm và hiền nội của Tâm chạy sang thăm, cũng gửi cho mấy cháu tiền, mỗi người bày tỏ tấm lòng của mình chẳng những qua lời thăm hỏi mà còn muốn cụ thể hơn, điều đó sưởi ấm lòng tôi.
Vài tháng sau, chị Hồng Loan gọi điện thoại gợi ý thành lập Nhóm Ái Hữu, quy tụ một số anh chị em đã sinh hoạt trong các Gia Ðình Phật Tử thuộc Miền Vĩnh Nghiêm, đang định cư rải rác các nơi trên đất Mỹ và các quốc gia khác.
Tôi đã hiểu thế nào là sống đơn độc giữa chốn đông người ngoại quốc, thế nào là tình nghĩa để sưởi ấm lòng nhau, hơn nữa cũng để hổ trợ cho sinh hoạt Gia Ðình Phật Tử ở bên nhà và cuối cùng là chuẩn bị đón những anh chị em sẽ sang sau.
Có gợi ý ấy, tôi liên lạc với chị Cúc trình bày vấn đề chính yếu, được chị tán thành ý kiến của chị Hồng Loan thế là Nhóm Ái Hữu Gia Ðình Phật Tử Vĩnh Nghiêm được thành lập vào cuối năm 1991.
Những năm qua, Ái Hữu Vĩnh Nghiêm đã giang rộng hai tay đón chào nhiều gia đình anh chị em áo Lam từ Việt Nam sang, và những anh chị em đã định cư từ trước, dần dần tham gia và quy tụ vào ngày càng đông đảo.
Cái khó trong sinh hoạt là anh chị em định cư rải rác xa xôi, không kể những người ở Hoa Kỳ, Canada, còn có người ở Pháp, ở Ðức, ở Úc Châu.
Tôi cố gắng duy trì Bản Tin phát hành hàng tháng, khởi đầu từ cuối năm 1991, để anh chị em dù sống cách trở vẫn được biết tin tức nhau, những quan hôn tang tế, được thông tin, góp vui, chia buồn, nhiều anh chị tán đồng quan điểm, qua hình thức Bản Tin là chất liệu kết nối anh chị em hiệu quả nhất.
Không phải vì phong trào người ta có cái chi, mình cũng phải có cái ấy, nhưng thời đại hiện tại việc truyền thông trên Mạng rất hữu hiệu vì nhanh chóng, phổ quát, ít tốn kém, nên tôi cũng chủ trương làm Trang nhà của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, bài vở có chọn lọc và hữu ích.
Nhiều anh chị em tích cực tham gia các sinh hoạt của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, nhất là Nam Cali, Bắc Cali và Vùng Hoa Thịnh Ðốn. Những lần Hội ngộ năm 1995, 1997 ở Nam Cali, 1999 ở Bắc Cali, con số anh chị em tham dự còn khiêm nhường nhưng đầy tình cảm.
Lễ tang của chị Ðoàn Thị Kim Cúc, con chim đầu đàn của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại năm 1998, được tổ chức tuy đơn sơ nhưng đầy đủ nghi thức của Huynh Trưởng Cấp Tấn và chị đã được Liên Ðoàn Huynh Trưởng Trưởng Truyền Thống vinh phong cấp Dũng, nói lên những đóng góp của chị đối với Giáo Hội và phong trào Gia Ðình Phật Tử.
Những buổi tiếp đón anh Nguyễn Văn Thục từ Úc sang hay anh Trần Thanh Hiệp từ Pháp sang Mỹ, chứng tỏ mối cảm tình sâu đậm và sự ngưỡng mộ của anh chị em đối với những Huynh Trưởng tiền phong, là nền tảng cho duy trì và phát triển sau nầy.
Những sinh hoạt của Gia Ðình Phật Tử trong phạm vi Tổ Ðình Vĩnh Nghiêm như Bản Tin Vĩnh Nghiêm, Trại Tuệ Tạng hàng năm, đều có ít nhiều đóng góp hổ trợ của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại, tuy của ít nhưng lòng nhiều, cũng góp phần vào việc cổ vũ, động viên anh chị em tích cực hoạt động hơn.
Nhìn lại đoạn đường gần mười năm đã qua, có những lúc khó khăn, vui, buồn, tôi luôn luôn nghĩ rằng nhiều anh chị em đã đóng góp cho Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, làm cho anh chị em ngày càng gắn bó hơn, trong đó có anh chị Trần Ngọc Lạc, Ngô Mạnh Thu, Tuệ Linh, Ðặng Ðình Khiết, nhưng mà không nhắc tới những Nguyễn Thị Tuyết Mai, Dương Khánh Ninh, Lê Thị Hằng, Vũ Thị Thuận và Dương Thị Mỹ thì chắc chắn là điều thiếu sót.
Anh chị em Gia Ðình Phật Tử Vĩnh Nghiêm cảm nhận được sự thương yêu, đùm bọc của chư tôn đức. Trong nước có Hòa Thượng Ðức Nhuận, Quảng Ðộ, hải ngoại có Hòa Thượng Tâm Châu, Thanh Cát, Thanh Ðạm, Ðức Huân, Sư Ông Trí Hiền, Thượng Tọa Thanh Nhân điều ấy khuyến khích chúng ta luôn luôn cố gắng tinh tấn trong tu học, để khỏi phụ lòng dưỡng giáo chúng ta bao thập kỷ đã qua, nhất là chư vị đã quá vãng như cố Hòa Thượng Tâm Giác, Thanh Kiểm, Thanh Long, Bình Minh đã giảng dạy giáo lý cho chúng ta để nhận thức những phần tinh túy của đạo Phật.
Tôi đã rời khỏi căn nhà thuê từ lâu, tiếng con chim gọi buồn không còn nữa, mỗi sáng tinh mơ, sau buổi công phu thiền, tiếng chim hót líu lo trên cành cây trước sân nhà, mang lại cho tôi ý nghĩa một ngày an lạc đang rộng mở, bao dung qua nghĩa tình của Ái Hữu Vĩnh Nghiêm, từ đó cho tôi hy vọng nhiều cũng cảm nhận như tôi.
Phúc Trung
Tháng Sáu Hai Ngàn Lẽ Một