Một Chút Tiểu Sử
Thầy Chính Tiến

Phúc Ân ghi

 Thầy Chính Tiến tên thật là Nguyễn Lý Thân, sinh năm 1928 tại làng Thái Khê, xã Cầu Hữu, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây.

Song thân đều sống bằng nghề làm ruộng.

Khi còn nhỏ, Thầy được đi học tại một trường làng, học hết lớp 4 bậc tiểu học thì bị bệnh không đi học được nữa, nguyên nhân bệnh lý đều không chẩn đoán được, gia đình đã chạy chữa mãi cũng không khỏi.

Sau đó bà Mẹ có đi coi thầy (coi bói), thầy nói, chỉ cho cháu vào chùa đi tu mới hy vọng hết được.

  vậy bà cụ mới đưa Thầy vào chùa Thiền Quang tại làng, xin với Sư Ông trụ trì  Thích Thanh Ðôn cho Thầy được xuất gia đầu Phật. Ðược ngài nhận lời và làm Lễ Thế Phát, từ đó về sau bệnh tật được khỏi dần và hết.

Sau khi hết bệnh, Sư Ông đưa Thầy ra chùa Quán Sứ Hà Nội để tu học, lúc đó được 12 tuổi.

Người dạy Phật Pháp sơ tâm cho Thầy là Thượng Tọa Thích Trí Hải, gọi theo hạ lạp lúc bấy giờ. Thượng Tọa rất thương Thầy hơn tất cả các chú tiểu khác ở chùa Quán Sứ lúc bấy giờ, nên mỗi khi Ngài đi đâu đều cho theo làm thị  giả, vì  Thầy được cái phước báu là một chu tiểu trắng trẻo và xinh trai.

Năm Thầy đến chùa Quán Sứ tu học, thì chùa mới xây được xong tầng hầm, mọi sinh hoạt Phật sự vẫn còn ở tại giảng đường phía sau của chùa mới đang xây, và Tượng Pháp cũng mới khởi sự kiến tạo bằng xi măng và tạc bằng gỗ, như toà Cửu long, được tạc rất đầy đủ về lịch sử của Phật Thích Ca Mâu Ni từ khi Ðản sanh đến lúc nhập diệt niết bàn, rất đẹp và trang nghiêm, nếu quí vị nào có dịp đi tham quan, không nên bỏ qua mà không chiêm bái một tòa Cửu long rất quí hiếm này.

Sau một thời gian tu học ở Chùa Quán Sứ, Thầy đã được thụ giáo với Tổ Tuệ Tạng, quí Hòa Thượng Trí Hải, Tố Liên, Sư Ông Thích Thanh Cung (Kim Cương Tử) ...

Sau đó vì  chiến tranh của thời kỳ Ðệ nhị Thế chiến, nên Trường Tăng học ở chùa Quán Sứ cứ phải thay đổi địa điểm luôn luôn : lúc thì  ở chùa Bồ Ðề, Gia Lâm, đến chùa Cao Phong ở Vĩnh Phúc Yên, rồi chùa Quy Hồn (chùa Cồn) ở Hải Hậu, Nam Ðịnh, trong suốt thời gian này Thầy được sự giáo huấn của Tổ Tuệ Tạng cho đến mãi những năm tản cư, chạy loạn khắp các tỉnh Thái Bình, Hà Nam v.v. rồi lại trở về chùa Quán Sứ HàNội.

Ở đây tưởng cũng nên nhắc lại lịch sử pháp danh của Tổ Tuệ Tạng mà rất ít ai được biết.

Pháp danh Tuệ Tạng là do ngài Ðại Sư Thái Hư một bậc chân tu bác học về Phật pháp người Trung Hoa. Những bài giảng về Kinh, Luận ... của ngài sau này được các đệ tử của ngài biên soạn thành một bộ sách rất có gía trị  lấy đề mục là "Thái Hư Toàn thư". Pháp danh Tuệ Tạng là do Ðại Sư Thái Hư đề tặng cho Tổ khi Ðại sư ghé thăm chùa Quán Sứ nhân dịp ngài đến Việt Nam. Ngoài ra Ðại Sư còn tặng cho chùa Quán Sứ đôi câu đối như sau :

Pháp luân tự địa đông tây chuyển
Phật đạo phùng nguyên tả hữu thông

Vào khoảng 1951, Thầy vào Sàigòn để tham học  về môn Duy Thức Học (tức là Lý luận của Phật Pháp) tại chùa Ấn Quang, vì  ở miền Bắc rất ít giảng dạy về môn này. Vì  trước kia khi cùng học với H.T Thích Thiện Hòa ở chùa Cồn - Hải Hậu, Thầy đã có trình bầy là nếu H. T trở về trong Nam mở trường Tăng học, mà có những vị  giáo sư giỏi về môn Duy Thức thì  xin cho biết để vô Nam học. Do vậy mà Thầy đã tham học tại trường Tăng học ở Ấn Quang một thời gian, ở đây Thầy vừa học vừa dạy giúp cho Trường, cũng như đi lưu giảng về Phật Pháp ở miền Tây cùng với quý Hòa thượng Huyền Vi, Thanh Từ v.v.

Khi ra trường, Thầy có trợ giúp Phật sự với Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam với chức vụ Tổng Thư Ký, Ðặc Ủy Thanh niên Phật Tử, Tổng Ủy viên Từ thiện Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Tịnh Khiết làm Hội Chủ.

Về phiên dịch : Thầy có dịch chung với Hòa Thượng Quảng Ðộ bộ kinh "Ðại Phương Tiện Phật Báo Ân". Và dịch toàn bộ "Lương Hoàng Xám Pháp" 7 quyển do Cụ Hương Tuyển Trưởng Ban Dược Sư chùa Xá Lợi Hội Phật Học Nam Việt xuất bản trước đây.

Về kiến thiết : Thầy đã phác họa mọi kế hoạch đầu tiên xây dựng  chùa Vĩnh Nghiêm (Tổ Ðình ngày nay) do GHTGBVTMN giao phó cùng với T.T Tâm Giác và H.T Thanh Kiểm. Thầy đã có một bài viết riêng về việc này theo yêu cầu của Trưởng Huynh Nhuận Pháp, Tâm Hòa, Tuệ Linh cho thế hệ sau biết cội nguồn của nơi các em tới sinh hoạt thường xuyên hôm nay.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư,
Nửa chữ cũng là Thầy,

Chúng tôi quen gọi Thầy  Chính Tiến, bởi lẽ Thầy dạy Hán Tự và dịch rất nhiều Kinh sách.

ghi lại mùa Vu Lan 2547

Trở về Mục Lục